Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bình Minh Nửa Đêm Tác Giả: Huỳnh Mẫn Chi    
    
    Dòng sông đổi hẳn màu sắc. Bình minh bừng sáng. Trời và nước một màu đỏ rực. Tiếng nổ lốp bốp của gỗ cháy, tiếng lèo xèo của than rơi xuống dòng nước, tiếng vi vu của gió gặp lửa… Tất cả như dìm chiếc ghe vào trong lửa, như thiêu trụi cả gia sản của cha Thủy.
    Đêm khuya vắng lặng, gió thổi lành lạnh. Những chòm sao lơ lửng trong không trung, hợp sức, chiếu xuống dòng sông. Một ánh sáng bàng bạc, lung linh và trong trẻo. Thủy lòm còm ra trước mũi ghe. Hai tay cô bé dụi lia lịa lên mắt. Đôi mắt đen lay láy, nheo nheo trước những tia sáng của trời đêm. Một luồng gió tạc ngang. Chiếc ghe chòng chành. Một vài con sóng ở tận đâu đâu, nhè nhẹ, lùa lách tách vào mạn ghe. Thủy quay mặt vào phía trong mui ghe. Ánh mắt sửng sốt, Thủy nhìn chăm chăm vào mớ đồ đạc vứt tứ tung. Những cái chén sành bể vụn, những cái nồi nhôm méo mó, những cái thau nhựa bể nát… Thủy cúi mặt nhìn dòng sông, một màu đen kịt. Thủy dụi mắt, mũi hít sườn sượt. Đôi mắt tròn xoe lại nheo nheo nhìn trời đêm, chứa chan nước.
    Chiếc đèn dầu treo trên cây sào, sáng và tỏ. Thủy ngồi tựa lưng vào mui ghe. Mắt con bé hướng theo những tiếng kêu của những loài chim ăn đêm. Bỗng dưng, Thủy rùn người. Cô bật đứng dậy. Chân bươn bả rời khỏi ghe. Ngọn đèn dầu vẫn cháy phừng phừng. Thủy ngoái đầu lại, cô vẫn nhìn thấy mọi thứ đồ đạc bị đập phá, còn nằm ngổn ngang.
    Trước mặt Thủy, con đường mòn loằng ngoằng, trắng phếch. Thủy cặm cụi bước đi, bước nào bước nấy lụi đụi. Thỉnh thoảng, Thủy ngoái đầu lại nhìn chiếc ghe. Ngọn đèn dầu như mỏng manh, yếu ớt dần theo bước chân Thủy. Cảm giác khác là lạ đã ngự trị bên Thủy. Mọi thứ đang vây quanh Thủy, tất cả chỉ là nỗi sợ hãi. Thủy loay hoay khắp hướng. Thế rồi, Thủy hít một hơi thật sâu. Cái hương vị không khí của vườn tượt khác hẳn với sông nước. Mùi hương cây trái trên cạn rất lạ. Nó ngòn ngọt, giòn tanh như ẩn như hiện. Thủy còn như nghe rất rõ. Một làn hơi ấm của màn đêm nơi đây, lúc nhẹ nhàng, lúc nồng nặc. Thủy dừng bước. Cô bé đứng giữa không trung vắng lặng, tối sẫm. Thủy rờn rợn cả người, khi con đường bị cây cối che chắn, giăng kín cả lối đi. Không những vậy, nó hiện ra trước mặt Thủy một màu tối âm u, huyền bí. Thủy quyết định. Cô lấy can đảm lẫn mình vào vùng trời đêm xa lạ ấy.
    Hai cánh tay trần của Thủy lạnh buốt vì sương đêm. Vầng trăng rằm tròn vành vạnh đã lên đến đỉnh đầu. Thủy cất bước đến đâu, một màu sáng óng ả soi rọi đến đó. Hàng cây hai bên đường là tà chưa cao khỏi đầu Thủy, thoang thoảng tỏa hương. Dù không nhận ra loài cây gì đang đồng hành cùng mình, nhưng Thủy vẫn biết đó là hương thơm của nhãn. Một làn hương quen thuộc nhưng lại là lạ, pha lẫn trong vị ngọt. Thỉnh thoảng, ngẩng mặt nhìn trời đêm, Thủy thích thú. Lá trên cây cứ óng ánh lên một màu bàng bạc của trăng, của sao và của sương đêm. Hơn năm năm rồi, Thủy mới đi lại con đường này. Con đường về quê ngoại. Con đường rất mờ nhạt trong ký ức Thủy. Con đường, Thủy đặt chân lên chỉ được đôi ba lần vào các buổi sáng sớm. Mà những lần đi trước, mỗi chuyến lại cách nhau đến ba bốn năm.
    Thủy rất nhớ lần đầu tiên về nhà ngoại. Căn nhà vắng vẻ không một bóng người. Xung quanh, cỏ mọc um tùm. Rác rến cứ bay là đà từ sân vào nhà. Trên bàn, dưới ghế, chỗ ngủ của ông, bụi bám hàng lớp. Mẹ vào nhà loay hoay quét dọn. Thủy đùa giỡn với những chú chó con, còn bé tí. Mẹ Thủy bảo đó là con hoang. Vì ông ngoại đi suốt ngày, chó hàng xóm cứ hay đến trú ẩn. Không những chó, mèo, gà của hàng xóm cũng đến, chúng phá tán suốt ngày.
    Thủy lại nghĩ đến mẹ. Thủy không hiểu nổi mẹ. Mỗi lần mẹ Thủy ghé về căn nhà đó chỉ để dọn dẹp, nấu cho ông ngoại ấm trà. Chứ, ông ngoại Thủy không cần chăm nom. Không những vậy, ông ngoại Thủy còn không muốn mẹ Thủy xuất hiện trong nhà. Cho nên, mỗi lần mẹ Thủy vừa đặt chân đến cửa, ông ngoại Thủy đã la mắng mẹ tơi tả. Mẹ chỉ cúi đầu lặng im. Dần dà về sau, mẹ Thủy chỉ về nhà vào những lúc ông ngoại đi vắng. Mà nói là về thăm nhà trong sự cấm đoán. Chứ thật ra, một năm mẹ Thủy chỉ về nhà vỏn vẹn năm ba lần. Lần nào cũng vậy, hàng xóm cứ bàn ra tán vào. Họ xầm xì đủ kiểu. Họ nói đủ điều. Họ bảo ông ngoại Thủy "thủ tiết" chi cho lắm. Nhà có "một cây một trái", con gái lại theo trai. Ai như ông vậy, một đời gà trống nuôi con. Con chưa kịp trổ lông măng đã vỗ cánh bay đi tìm tổ ấm. Họ nói mãi đến tai ông ngoại Thủy. Nghe qua, ông nạt ngang:
    - Tôi không gả con gái để cúng "hà bá".
    Cả xóm hoảng hồn, nín khe. Họ sợ ông nổi điên, "giận cá chém thớt", chém bậy mất mạng. Mà sao ông ngoại Thủy không nổi giận cho được. Khi biết con gái mình phải lòng một thằng con trai không cha không mẹ đã đành. Đằng này, nó còn không bờ không bến nữa chứ? Cho nên trước đây, mỗi lần nghĩ đến chuyện mẹ Thủy khoái lấy chồng ở dưới sông, ông đùng đùng nổi giận, tuyên bố rềnh rang, lạnh người:
    - Mày xách quần áo theo nó cho khuất mắt tao.
    Không ngờ chiều hôm đó, ông ngoại Thủy vừa lập lại câu nói ấy. Mẹ Thủy đã te te vào trong mang túi quần áo ra đi, không chút đắn đo. Ông ngoại Thủy đứng bất động nhìn theo con gái. Hàng xóm, ai nấy đều động lòng trước hoàn cảnh của ông. Người bênh vực ông ngoại Thủy. Người lại muốn che chở cho mẹ Thủy. Nhưng phần nhiều, họ vẫn trách ông ngoại Thủy. Họ trách là phải. Con gái mình bứt ruột đẻ ra, ai lại khơi khơi giao cho thiên hạ. Không muốn gả, ông ngoại Thủy phải biết dằn mặt thằng rể chứ. Ông cứ đòi hỏi sính lễ cho thằng rể nó chóng mặt chơi. Ông ngoại Thủy cứ thử sẽ rõ. Ông bắt buộc nó mang đến cây kiềng, đôi bông, cặp nhẫn, hai tấm lắc… Nó không trốn biệt dạng thì thôi. Một vài người nghe xong, phản đối. Họ chắc chắc lưỡi, giọng cằn nhằn cưỡi nhưỡi:
    - Nếu thằng rễ không thèm đem đến một hai cây kiềng, nó chở một ghe năm ba tấn vàng đến đổ đầy nhà ông thì sao?
    Mấy ông đang bô lô bô la, vỗ tay bom bóp xuống đùi, cười hể hả. Như vậy còn hay hơn con gái mình bỏ nhà theo trai. Vụ việc này gay go lắm, chứ tưởng đơn giản. Ông ngoại Thủy thử nghĩ lại xem. Mấy đời nữa chưa chắc gì được miếng nước rửa hết nỗi tủi nhục này. Nếu vậy, ông cứ cho đôi trẻ ấy tổ chức đám cưới. Cưới xong, họ muốn đi đâu thì đi. Ông ngoại Thủy bực bội bỏ vào nhà, đóng kín cửa. Chòm xóm cũng thật là lạ, ông ngoại Thủy đã nói đi nói lại rồi. Ông nói là không gả con gái để cúng cho "hà bá".
    Chưa đầy năm sau, mẹ Thủy vác cái bụng chành ành về. Cha Thủy lẻo đẻo theo sau. Tưởng đâu, thằng đó hào hoa phong nhã hay vàng lượng bạc ký gì. Đằng này, nó đen đúa như cột nhà cháy. Chòm xóm thấy ghét, báo động. Ông ngoại Thủy một tay chống gậy, một tay cầm cái rựa. Ông đứng tựa cửa, mắt lăm le nhìn cha mẹ Thủy. Cha Thủy vừa ngẩng mặt lên, hoảng hốt, đứng chết trân. Ông ngoại Thủy lại đứng chết lặng. Mỗi đôi mắt, đôi mắt đỏ ngầu của ông cứ trao tráo nhìn ba mẹ Thủy. Chẳng mấy chốc, chòm xóm kéo đến chật sân. Ông ngoại Thủy vẫn giữ tư thế đó. Mẹ Thủy hai hàng nước mắt ròng ròng nhìn cha mình, mang cái bụng nặng nề, chị quay đi khệ nệ. Cha Thủy cũng bươn bả chạy theo mẹ Thủy. Thỉnh thoảng, anh ngoảnh đầu lại nhìn cha vợ, lấm lét. Có lẽ đó là lần đầu tiên, cha Thủy biết mặt ông già vợ. Cho nên, cha Thủy vừa dìu vợ, mắt vừa không rời khỏi cha vợ. Ngược lại, ông ngoại Thủy cứ đứng thập thò, chân tay run bây bẩy. Chắc tại ông Thủy giận quá nên chỉ biết đứng mà nhìn. Ngày thường, ông không lừ đừ như vậy.
    Người ta đối mặt với mình không chịu ra tay. Lại một lần nữa, người ta dắt con gái mình đi, ông ngoại Thủy mới hoàn hồn. Miệng gầm lên. Ông vác cái rựa lao ra. Tất nhiên, chòm xóm không để ông ngoại Thủy hành động bất cứ một điều gì trong lúc nóng giận.
    Nửa năm sau, mẹ Thủy có bồng con còn đỏ hỏn về thăm ông. Những lần sau này, ông ngoại Thủy không vác dao, thủ cuốc như những lần trước. Ông chỉ mắng chửi con gái. Nhưng mỗi lần chửa xong, ông điều khóc. Và bỏ nhà đi lanh quanh đâu đó, mẹ Thủy không rõ. Nhiều lúc, mẹ Thủy chờ đến đêm xuống, ông ngoại Thủy vẫn không về. Thấy vậy, mẹ Thủy vội vã rời khỏi nhà. Mẹ Thủy rất sợ ông phải ăn nhờ ở đậu nhà những người trong xóm. Mẹ Thủy tắt đèn, rời khỏi nhà chưa quá hai trăm thước. Căn nhà đã được thắp sáng trở lại. Bóng ông khuất sau cánh cửa. Mẹ Thủy dừng bước, ngoảnh đầu lại nhìn căn nhà. Cánh cửa đóng sập lại, im ỉm. Một màu đêm đen kịt bao trùm xuống căn nhà, lạnh tanh.
    Lạ thật! Thủy sống ngày đây mai đó trên sông. Sông nước, phẳng lặng hiếm hoi cái ồn ào của gió, cái dữ dội của sóng. Vậy mà, Thủy lại thấy đường về quê ngoại quá mênh mông. Nó mênh mông hơn cả dòng sông đang lúc sóng gió. Đã vậy, mỗi khi nghĩ về ngoại, Thủy cứ hình dung ra mọi thứ còn trong mơ hồ. Ông ngoại như thế nào, Thủy làm sao mà biết được.
    Thủy mò mẫn từng bước con đường mòn, chông chênh. Căn nhà lá xập xệ hiện ra. Đối diện con bé, nhà không ra nhà, chòi không ra chòi. Thủy dừng bước, mắt dáo dáo. Nỗi sợ hãi vẫn cứ ngự trị trong đầu Thủy. Cảnh vật trong đêm như đổi thay. Vành trăng tròn đã lệch nghiêng, lơ lửng. Màn đêm chuyển màu thăm thẳm, trong veo. Từng áng mây lại cuồn tròn lấy nhau, ngừng trôi. Sao đêm cũng vậy. Chúng đã giăng lấm tấm khắp không trung, lóe sáng. Thủy thấy mình đã rơi vào chốn lạc lõng. Thủy đứng mếu máo, ánh mắt đầy vẻ sợ hãi. Đã vậy, từ phía căn nhà, một mớ âm thanh xa lạ vẳng ra. Thủy lùi bước. Một bầy chó nhào ra. Chúng chạy lăng xăng. Thủy ngờ ngợ bầy chó này, ngày xưa, mình đã từng một vài lần ẳm bồng chúng. Vậy mà, con đen, con vàng, con trắng cứ vây quanh Thủy sủa dồn dập. Thủy lui cui lượm cục đất khô. Những cục đất mà ai đó đã cuốc lên, bỏ ngổn ngang. Chúng đang nằm lểnh nghểnh dưới chân Thủy. Thủ chặt cục đất khô trên tay, Thủy đứng múa men với bầy chó. Bầy chó vẫn xông tới Thủy, chúng sủa quyết liệt. Thủy thẳng tay nệnh cục đất khô tổ bố vào bầy chó. Bầy chạy tán loạn, miệng gầm gừ chói lói. Thủy nhanh nhẹn lượm hết cục đất này đến cục đất khác. Cầm được cục đất khô nào trên tay, Thủy ra sức quăng vào bầy chó cục đó. Căn nhà đã thắp sáng ánh đèn. Tiếng la thất thanh từ một ông lão vẳng ra:
    - Ai đó?
    Thủy tỉnh hồn tỉnh vía. Cô đứng nhìn ông lão, bất động. Ông lão bươn bả đến bên Thủy, chờn vờn. Thủy đứng không nhúc nhích, mắt nhìn ông lão chăm chăm. Thủy không ngờ đây là ông ngoại mình. Mười bảy tuổi đầu, Thủy mới có dịp nhìn tận mặt ông ngoại như thế này. Thủy thấy ông ngoại khác xa với lời mẹ kể. Mẹ bảo ông ngoại khỏe khoắn. Thế nhưng khi đối diện với ông ngoại, Thủy thấy ông gầy gò đến tội nghiệp. Dưới trăng đêm, dáng dấp ông ngoại Thủy chỉ nổi bật qua đôi chân còm cỏm. Đã vậy, mái trắng phếch, hai con mắt sâu hốm của ông, càng tạo thêm một khoảng cách, xa lạ. Thủy không thể tin đây là ông ngoại. Cho nên, một lần nữa, con bé như rơi vào một khoảng không, xa lạ. Nó xa lạ ngay cả với ruột rà thân thích của mình. Ông lão nhìn Thủy, sân si.
    - Con cái nhà ai vậy?
    Thủy rụt rè, ngẩng đầu nhìn ông lão. Miệng ngập ngừng:
    - Con tìm mẹ.
    Ông lão cau mày, vầng trán nhăn nhíu, khó chịu:
    - Tìm ai?
    Vừa dứt lời, mắt ông lão đã đau đáu nhìn Thủy, trông đợi. Đôi mắt tròn xoa của Thủy nhìn lại ông lão, lo sợ. Càng nhìn Thủy, ông lão càng như bị thôi miên. Khuôn mặt đầy vẻ đăm chiêu, nghĩ ngợi. Ông lão như cố tìm một điều gì đó nơi con bé. Thế là, Thủy vụt chạy. Ông lão choàng tĩnh, con bé đã lẫn mình vào bóng đêm. Bầy chó đang vây lấy ông lão. Chúng đứng lớ ngớ. Một vào tiếng sủa như lấy có văng vẳng vang lên, rồi tắt hẳn.
    Vừa đi, Thủy vừa phòng thủ cục đất khô trên tay. Trời đêm lại chuyển sang một màu khác, xa lạ, tỏa sáng và vắng vẻ. Thủy gần như nhận ra mọi thứ kỳ diệu đang hiện diện quanh mình. Từ đám mây đen u ám, vầng trăng khẽ nhú, chiếu khắp mọi cảnh vật đang ngự trị trong đêm. Cả khu nghĩa địa lờ mờ, mả mồ chi chích. Thủy lại dừng chân và sợ hãi. Gió khẽ khàng lay động ngọn cây. Sương khuya bàng bạc, in trên lá. Thủy lại ngẩng đầu nhìn trời đêm. Có lẽ đây là hành động thường xuất hiện nhất, mỗi khi ta một mình một cõi với trời đêm. Thủy cũng vậy. Thủy rùn người, đứng bất động. Màn đêm thiếu sông, không có hơi nước lạ quá. Trong khi đó Thủy đã quen lắm rồi, mỗi khi cơn sóng về trong đêm. Đằng này, mọi thứ cứ diễn ra một cách kỳ diệu, khó hiểu. Gió lạ. Đất lạ. Trời cũng lạ. Thủy có cảm giác rằng vũ trụ đêm trên đất liền như một hệ thống bao la, nhiều tín hiệu. Mà đôi lúc, Thủy nghe rất rõ mọi thứ. Thủy nhìn thấy rõ mọi điều trong cái bao la, cái mênh mông của thế giới lạ kỳ này. Thủy không ngờ cuộc đời mình lại có đêm nay. Một đêm xa lạ. Một cuộc phiêu lưu đầy bí ẩn. Tiếng dế râm ran, ánh sáng đom đóm lập lòe, những ngôi mộ lô nhô… Tất cả là màu sắc, là nhịp điệu, là âm tiết quá bình thường. Vậy mà đến tận đêm nay, Thủy mới nhận ra và tận hưởng.
    
    Thủy bước đi. Lòng dạ con bé tê buốt, quằn nặng nỗi đau khi nhớ đến mẹ. Mẹ Thủy đang ở đâu, làm gì. Cha Thủy không biết. Ông ngoại Thủy thì không nhìn ra cháu. Thủy biết hỏi ai bây giờ? Đường xá đằng đẳng thế này, Thủy biết tìm mẹ mình nơi đâu. Thủy nhớ ngày nào, cha mẹ rất hạnh phúc bên nhau. Vậy mà, tất cả đã biến mất sau lần mẹ Thủy ngã bệnh. Gia đình Thủy bây giờ chỉ toàn cay đắng. Ngày cũng như đêm, Thủy chỉ nghe mọi thứ ồn ào, hỗn độn. Tiếng chửi mắng, tiếng la hét, tiếng đập phá gần như không thể thiếu vắng trong gia đình con bé. Thủy sống với cha như sống một mình. Cô sống thiếu mẹ như một kẽ không hồn. Thế mà, Thủy phải cam tâm. Càng về sau, Thủy trở nên chai lì. Không những vậy, Thủy gần như quen thuộc với mớ thử thách khắc nghiệt ấy, cứ diễn ra hàng ngày, trên ghe.
    Bỗng dưng, bóng người ẩn hiện từ xa, di chuyển về phía Thủy. Thủy dừng chân. Cái bóng ấy đi như bay. Luồng linh cảm khác thường, xuất hiện trong đầu Thủy. Thủy hoang mang đến sợ hãi. Cho nên, Thủy chùng người xuống, hai tay cầm hai cục đất khô to tướng. Dù trong tư thế phòng thủ, nhưng Thủy vẫn quay ngược trở lại con đường vừa rồi, rón rén bước đi. Khổ nỗi, Thủy càng đi nhanh, tiếng động ấy càng tiến đến gần. Thủy không dám ngẩng mặt lên. Thủy cứ ghìm đầu xuống đường, mắt nhắm nghiền, chân lao về phía trước lụi đụi. Vừa đi, Thủy vừa thở hổn hển. Nỗi sợ hãi cứ tăng dần, Thủy như đuối sức. Thủy không dám quay đầu lại. Vậy mà, cái bóng ấy đang hiện diện cận kề bên Thủy. Trong làn gió phảng phất, Thủy nghe rất rõ, một mùi hương quen thuộc. Nó nặc nồng đến đắng cay, đến đau đớn. Can đảm bước chẳng bao xa, Thủy định vụt chạy. Nhưng, chân Thủy lại luống cuống. Vì bóng người to cao ấy đã xuất hiện ngay trước mặt Thủy. Thủy đứng chết lặng như thần thừ. Cái bóng áy ôm chầm Thủy vào lòng, giọng nghèn nghẹn:
    - Con lên đây đêm hôm làm gì? Cha lo quá!
    Thủy đứng lặng thinh trong vòng tay của cha. Mùi hương cay nồng, ngay ngáy của rượu lại bao trùm lấy Thủy. Thủy ngẩng mặt nhìn cha, chăm chăm. Cha Thủy khắc khổ trong chiếc áo dày cộm mồ hôi. Thủy xót xa. Cha Thủy đã già hẳn từ khi mẹ ra đi.
    Cha Thủy là trai tráng miền sông nước. Vậy mà mãi đến tuổi ba mươi, cuộc đời cha Thủy mới đổi thay. Ông nội Thủy qua đời. Tài sản dành cho cha Thủy là chiếc ghe trọng tải năm tấn, cùng với hàng trăm mối lái tay buôn. Những mối lái tay buôn ấy lại nằm rải rác khắp nơi: chợ nổi, cư dân trên sông… Nhưng đối với cha Thủy, tài sản quý báo nhất của cha để lại chính là lời trăn trối. Ông trăn trối, bằng mọi cách, cha Thủy phải nối nghiệp cha mình chung tình với kiếp thương hồ. Cha Thủy không những nghe lời cha. Anh còn rất khoái chí. Vì đối với cha Thủy, cái kiếp thương hồ có lắm chuyện hay. Vả lại, cái nghiệp sông nước gần như không thể tách rời với đời anh. Bởi vì, gia đình anh đã có đến bốn đời làm kiếp thương hồ. Giờ đây, cha Thủy không còn nhớ xuể, những chuyện như trở bàn tay. Mình đã từng qua, từng ghé bao nhiêu cái chợ nổi trên sông. Anh chỉ thấy mình thuộc làu làu, từng con nước trên mỗi khúc sông.
    Sông nước miền Tây Nam bộ lại vô tận, lênh láng. Chuyện buôn với bán, nó cứ đênh lênh. Hôm nay gặp thời, ngày mai mất trắng, thương hồ lại hay bạt mạng. Cho nên những lúc ế ẳm, cha Thủy cứ lao thẳng cẳng sang Campuchia. Chạy tới chạy lui một vài chuyến, cha Thủy khấm khá dần. Ghe thuyền khác nhìn cha Thủy, họ lại bắt chước. Thế là, họ nối gót theo cha Thủy ngày một nhiều. Cha Thủy thấy vui vui. Thế nhưng, anh vẫn thấy mình cô đơn, phòng không gối chiếc. Trong khi đó, cha Thủy chỉ cần loay hoay một tí. Những chiếc ghe đang cắm sào chờ sẵn, khi nước lớn khi nước ròng, ghe nào ghe nấy, đều chở đầy ắp con gái vẫn đang phòng không.
    Ba năm sau kể từ ngày ông nội mất, cha Thủy đã tháp tùng với một cô gái trên cạn. Chứ nói cưới, ai gả đâu mà cưới. Đời cũng lạ. Không ước ao thì thôi, cha Thủy ước một trận. Anh có ngay vợ đẹp. Mẹ Thủy đẹp thật, đẹp như một cánh hoa dại, lạc lõng giữa cơn sóng lớn. Các thương hồ láng giềng với cha Thủy, ai cũng bảo như vậy. Thế rồi có vợ chưa trọn một năm, cha Thủy đã có con. Những người đàn ông sống lân cận, họ hay ghen ghét cha Thủy. Ông ở bên ghe này cứ nhỏ to sang ông ở bên ghe kia:
    - Thằng đó chưa chắc. Vợ đẹp là vợ của người ta.
    Dù cha Thủy không để ý nhưng những người đàn ông ấy lại ái ngại, mỗi khi nói dứt lời. Dần dà về sau, họ không còn quan tâm đến cuộc sống riêng của cha mẹ Thủy. Trong khi đó, Thủy càng lớn lại càng giống cha. Con bé giống cha như đúc. Nhìn con, cha Thủy như có quyết định rạch ròi. Anh hứa với lòng chắc như đinh đóng cột. Khi nào con gái được mười tám tuổi, anh sẽ từ bỏ kiếp sống thương hồ này. Anh sẽ đưa vợ con lên cạn sinh sống. Anh suy nghĩ đủ chuyện. Chuyện nào chuyện nấy với anh, như đã nắm chắc trong tay. Căn nhà nhỏ khang trang, nằm bên cạnh khu chợ yên ả. Nơi đó, anh sẽ xây tổ ấm. Thủy con gái sẽ đi học nghề. Nhất định, con gái anh phải sung sướng, hạnh phúc. Có chồng, anh và chị phải đứng ra gả cưới hẳn hoi. Chàng rể anh, nhất định phải sống ở đất liền.
    Thủy bước sang tuổi mười bảy. Mẹ Thủy ngã bệnh thật tử nhất sinh. Cha Thủy bối rối, đưa vợ vào bờ để chữa trị. Ngày cũng như đêm, cha Thủy luôn túc trực bên cạnh vợ, chăm sóc chu đáo, từ miếng ăn giấc ngủ. Sức khỏe mẹ Thủy bình phục dần. Bác sĩ bảo vài ngày nữa xuất viện. Cha Thủy quay về báo tin với láng giềng trên sông. Ai nấy nghe xong đều vui mừng. Thủy một mực đòi theo cha đến thăm mẹ. Cha Thủy lại ngăn cản. Anh rất sợ. Con gái mình sẽ khó chịu với mọi thứ xa lạ trên đó.
    Thế nhưng, chiều hôm ấy. Một ngày định mệnh giáng xuống gia đình Thủy. Cha Thủy đến bệnh viện, mẹ Thủy đã đi mất. Bác sĩ cũng không biết mẹ đi đâu. Vì họ đã làm thủ tục cho mẹ Thủy xuất viện từ lúc mờ sáng. Cha Thủy tìm kiếm khắp nơi. Trong khi đó, đời sống trên cạn đối với cha Thủy lại chuyện còn quá xa lạ. Vậy mà, cha Thủy vẫn đi tìm, đi kiếm. Anh còn ngang nhiên tìm đến nhà ngoại Thủy. Ông ngoại Thủy lại trợn tròng trợn trạt nhìn cha Thủy, khi nghe tin mất con gái.
    Quay lại sông nước, cha Thủy sống trong cơn say nhiều hơn tỉnh. Thỉnh thoảng, cha Thủy vẫn cập ghe vào bờ ở các tỉnh này, rồi đến các vùng khác. Anh hy vọng chị đứng đâu đó. Anh sẽ đến bên chị, đưa chị về với anh, với con gái. Vậy mà, tất cả đã sụp đổ. Đất trời quay cuồng, khi cha Thủy gặp một người bạn thân. Họ bảo đã gặp mẹ Thủy. Chị bây giờ đã đổi khác. Ăn mặc đã mốt, chị còn đi đứng "thời thượng" hơn xưa rất nhiều. Vì, chị đã là vợ của một ông chủ có đến năm bảy chiếc xe đò.
    Thủy đứng khóc rưng rức trong vòng tay cha. Cha Thủy vầng trán nhíu đến khổ sở. Anh chỉ ngẩng đầu nhìn trời cao. Trời đêm vẫn trong trẻo và thanh vắng. Tiếng gió rít như tiếng sóng trên sông. Cha Thủy cầm tay Thủy bước đi. Vừa đi Thủy vừa cằn nhằn:
    - Bao giờ mẹ về nhà con mới về.
    Cha Thủy quay lại nhìn con gái, nước mắt chứa chan. Rồi, anh vẫn cầm tay con gái, lúi cúi bước đi. Suốt cả một đoạn đường, hai cha con không ai nói với nhau lời nào. Thủy vẫn giữ thái độ như vậy. Con bé cứ lớ ngớ, cứ xa lạ với mọi thứ.
    Chưa đến bến sông, nơi chiếc ghe đang cắm sào, bỗng dưng, Thủy vỗ tay, la thất thanh:
    - Cháy! Cha ơi nhìn kìa!
    Màn đêm tỉnh mịch. Một góc sông, ngọn lửa cất lên phừng phực, đỏ rực. Ngọn lửa ấy đang cuồn cuộn vây lấy chiếc ghe. Cha Thủy cầm tay con gái lao đến. Chiếc ghe như đang rụi dần trong ánh lửa. Thủy lại thích thú. Nét mặt Thủy sáng bừng, hồ hởi. Ánh mắt con bé như đang đắm chìm trong biển lửa. Một biển lửa tựa như bức tranh thủy mạc lơ lửng, lung linh. Dòng sông đổi hẳn màu sắc. Bình minh bừng sáng. Trời và nước một màu đỏ rực. Tiếng nổ lốp bốp của gỗ cháy, tiếng lèo xèo của than rơi xuống dòng nước, tiếng vi vu của gió gặp lửa… Tất cả như dìm chiếc ghe vào trong lửa, như thiêu trụi cả gia sản của cha Thủy. Vậy mà nắm chặt tay cha, Thủy không che giấu được niềm vui, miệng lách chách:
    - Cha ơi! Mình đã được sống mãi ở trên bờ rồi.
    Cha Thủy nhìn con gái chăm chăm, mếu máo. Hai hàng nước mắt anh từ từ rơi xuống đôi má khắc khổ, sạm đen. Ngọn lửa đang cháy lớn, tàn dần. Chiếc ghe năm tấn của tổ tiên để lại, biến dạng. Cha Thủy đứng chết lặng, không nói nào. Có lẽ, anh chỉ muốn nhìn thấy con gái mình vui./.
    

Kết Thúc (END)
Huỳnh Mẫn Chi
» Bình Minh Nửa Đêm
» Đôi Bông Cưới
» Di Sản Của Nội
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop