Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mao Khờ Tác Giả: Phạm Văn Thúy    
    Mao sinh trong một đêm mưa giông tầm tã, tối tăm và lạnh lẽo. Ra khỏi lòng mẹ, toàn thân như được bọc một lớp lông tơ đen nhánh. Tóc sữa phủ kín tai. Môi bằm bặm không khóc. Thấy vậy, mụ đỡ cầm chân dốc ngược lên phát vào mông mấy cái, Mao vẫn nín khe. Mụ bồi thêm ba cái nữa, đột nhiên Mao rùng mình rồi bật cười khè khẹ... khè khẹ... nhe hàm răng vâu trắng nhởn. Mụ giật mình phát hoảng ngỡ quái thai, suýt làm rơi xuống đất. Mụ bảo với mẹ Mao, từ ngày tôi hành nghề đến giờ chưa thấy đứa nào lạ như thằng nầy. Mới lọt lòng mà đã có răng, lông lá đầy người chỉ cười không biết khóc. Phát khiếp, phát khiếp! Đời nó sau này chắc sẽ khổ đấy(?).
    Ba Mao là ai? Chính mẹ Mao cũng không biết. Bởi đêm hôm khuya khoắt người ấy cứ mò đến cái chòi xập xệ của mẹ “ăn vụng” no nê rồi bỏ đi. Còn mẹ Mao thì sẵn lòng đón nhận của trời cho, chẳng cần biết người đó là ai. Vì thế, trẻ trong xóm trêu Mao là đứa không cha, người lớn gọi Mao là thằng con hoang! Mao tròn xoe mắt, phụng phịu về hỏi mẹ. Mẹ Mao chặc lưỡi bảo kệ người ta con ạ, họ gọi thế nào cũng được, miễn là mẹ con mình đừng có làm điều gì xấu xa. Tuy nói vậy nhưng nước mắt mẹ Mao cứ ứa ra.
    Mới bảy tuổi, mẹ Mao lâm bệnh rồi đột ngột bỏ Mao mà đi. Từ đó Mao cù bơ cù bất trong cái chòi xập xệ của mẹ để lại. Sau ngày mẹ mất, nhớ mẹ, Mao cứ ra vườn ôm gốc dừa khóc ỉ ôi. Sắp nhỏ đến chơi dỗ hoài mới nín. Dạo đó Mao hay kể với chúng: “Mẹ tao đâu có chết, mẹ sống ở trên ngọn dừa kia kìa. Mẹ kêu tao lên cho tiền xài. Tao bảo con nhỏ quá, làm sao leo lên được! Thương tao, mẹ tao thả tiền xuống, nhiều ơi là nhiều. Tiền bay như bươm bướm, nhặt hoài không hết, về nhà chẳng biết tiêu gì...”. Bọn trẻ nghe cười sặc sụa, bảo Mao nói dóc tổ cha.
    Kể ra Mao còn gặp may. Mao được lão Ba Râu ở bên nhà thương tình chăm sóc trong những tháng năm Mao còn thơ dại. Từ đó Mao lớn lên trong hụt hẫng, chênh chao, chắp vá về cả tinh thần lẫn vật chất.
    Thiếu dạy dỗ, chẳng học hành, cứ thế Mao phổng phao như cây bần cây đước ngoài bãi. Giờ đây Mao đã trở thành một chàng trai khỏe mạnh khác thường. Nhưng than ôi! ông trời sao khắt khe đến thế! Bù đắp cho Mao cái này lại cướp đi của Mao cái kia. Ấy là diện mạo Mao xấu ơi là xấu! Mao có cặp mắt sâu hoằm, đôi tròng tròn như viên bi ve có màu xanh nâu, luôn láu liên không chớp. Hàm răng vổng vểnh trề ra, khi cười miệng giáp mang tai. Đôi tay nghều ngoào luôn vắt ra sau lưng gãi sồn sột. Ngón tay dài ngoằng, bàn tay có độ nhám tựa rắn mối, tắc kè vậy. Đã thế, cái mũi biến thể tới mức, nếu như không có hai hốc mũi, người ta không thể hình dung ra nó ở đâu trên mặt. Lại nữa, mặt mày mình mẩy toàn lông với lá lởm chởm. Thật nửa người nửa ngợm, trông phát hoảng!
    Ngay từ khi chín mười tuổi, Mao đã nổi tiếng leo trèo giỏi. Đặc biệt là dừa, Mao ngoăn ngoắt, ngoăn ngoắt loáng một cái đã leo lên ngọn dừa cao ngất ngưởng. Bà con chòm trên xóm dưới thương Mao côi cút, nên thường kêu Mao sang hái dừa và rửa dừa* mà không kêu người khác. Ba Râu là người đầu tiên phát hiện ra Mao có biệt tài. Lão mua cho Mao con dao bén như nước và một cuộn dây nylông to bằng ngón tay áp út để hành nghề. Thế là Mao tự nhiên trở thành anh hái dừa và rửa dừa nhất hạng. Nếu thế giới có tổ chức thi hái dừa, nhất định Mao sẽ giành giải quán quân về cho ấp. Phải công nhận, càng lớn, Mao càng có nhiều kiểu leo dừa độc đáo: Kiểu chồm chồm như cóc nhảy; kiểu ngoăn ngoắt rắn mối; kiểu choi choi như khỉ đột... Nhưng độc chiêu nhất vẫn là kiểu leo biểu diễn, gây ấn tượng mạnh cho người xem. Ấy là kiểu Mao leo từ ngọn dừa xuống, đầu chúi, mông chổng lên trên, toàn thân ép sát vào thân dừa, tựa như kiểu kỳ nhông bò xuống. Chân tay thoăn thoắt nhịp nhàng. Trông thật ngoạn mục. Mọi người reo hò cổ vũ. Ai cũng khen Mao có biệt tài. Ba Râu thấy thế cười hả hê bảo tôi dạy nó đấy, Mao chẳng nói gì chỉ nhe răng cười khè khẹ...
    Nhanh thế, mới ngày nào, nay Mao đã 18 tuổi. Chẳng biết tự bao giờ, Ba Râu coi Mao như con. Còn Mao coi lão như ba. Hình như hai con người này - một già một trẻ, họ nương tựa vào nhau để tồn tại bằng nhịp cầu độc thân thiên định.
    Chẳng lẽ cứ hái dừa và rửa dừa thuê mãi thế này sao? Kiểu này chỉ đủ bữa cơm bữa cháo. Làm sao đảm bảo cuộc sống? Lấy gì sửa nhà, lấy gì đóng góp cho thôn cho ấp? Mao loáng thoáng nghĩ đến điều ấy, nhưng không biết làm cách nào. Sang hỏi Ba Râu, lão đăm chiêu bảo: “Mầy nghĩ cũng phải. Nhưng tạng mầy không thể làm được việc gì hơn. Tốt nhứt phải giữ lấy nghề. Mầy có hiểu “nhứt nghệ tinh” là gì không? Tuy cái nghề của mầy mạt hạng thật đấy, nhưng chẳng lo đói con ạ. Từ rày mầy phải tằn tiện, cố sắm lấy cái xe ba gác đạp. Ngày ngày vô vườn mua cả dừa tươi lẫn dừa khô, rồi bỏ cho mấy tiệm ngoài Cần Thơ, chắc có ăn hơn. Tiền còn thiếu bao nhiêu tao cho mượn...”. Mao nghe khoái chí cười khè khẹ: “Có thế mà tui không nghĩ ra. Lão tốt quá!”. Mao mừng lính quýnh chạy về chòi như kẻ nhặt được của rơi.
    Và ngày nào cũng như ngày ấy, khoảng 11 giờ trưa, Mao bỏ dừa xong là vừa lúc trẻ con tan học. Lâu thành quen, bọn trẻ lội bộ ùa lên xe chật kín. Trên xe còn dư mấy trái dừa tiệm lựa ra, Mao gọt hết, rồi cắm ống mút cho chúng uống. Mao bảo ưu tiên cho mấy nhỏ trước, uống phải từ từ, cấm không được uống hết phần bạn. Đứa nào uống tham, tống cổ xuống, không cho đi xe nữa. Bọn trẻ nhìn Mao nem nép, không đứa nào dám uống nhiều. Uống xong, chúng reo hò ầm ĩ: Hoan hô anh Mao, anh Mao muôn năm, anh Mao thượng đế... làm náo động cả đoạn đường. Mao phấn khích cười khè khẹ, càng gò lưng đạp mạnh, xe chạy ràn rạt trên mặt đường nóng nhẩy, mình mẩy mồ hôi mồ kê ướt đẫm. Dọc đường Mao thả bọn trẻ xuống từng ngõ. Về tới chòi, mệt lử, Mao nhảy ùm xuống mương lặn hụp...
    Từ ngày ra thị xã bỏ dừa, Mao thấy lũ nhóc lang thang ở đâu ra mà nhiều thế? Đứa móc bọc, ăn xin. Đứa chôm chỉa, quậy phá... thôi thì đủ cách, đủ kiểu. Đứa nào đứa nấy nhâng nháo ốm nhom, rách rưới đen đủi như quỷ đói. Có lẽ chúng cũng không cha chẳng mẹ như Mao, nên mới đến nông nỗi nầy. Thật tội nghiệp! Những tháng ngày đói rách nhất Mao đã vượt qua. Dù sao, bây giờ Mao cũng có một cái nghề để nuôi thân. Cái nghề không cần trường lớp mà cũng chẳng cần sách vở... Đang nghĩ vu vơ, Mao bỗng bật cười khè khẹ: Chính cái miệng đã dạy nghề cho Mao đấy thôi. Còn bọn chúng cũng đang hành nghề đó sao? Làm gì có nghề móc bọc, lừa đảo, chỉa chôm? Chuyện nầy Mao không biết, về hỏi Ba Râu mới rõ.
    Vào một buổi trưa chủ nhật, nắng như đổ lửa xuống mặt đường. Xe dừa đầy có ngọn, nặng như chở đá, Mao gò lưng đạp miết, mồ hôi đầm đìa như tắm. Xe nhúc nhích như rùa bò. Đôi chân mỏi nhừ, Mao nhảy xuống tỳ bàn chân trên mặt đường, đẩy muốn đứt hơi. Và, bất chợt có một thằng nhỏ chừng mười tuổi ở đâu hiện ra đẩy giúp. Mao nhìn nó vừa như biết ơn, vừa như soi mói tò mò, ngờ vực: thằng nầy chắc ở trong đội quân lang thang xổng ra đây, hẳn chẳng tốt lành gì? Thằng nhỏ trông te tua, hốc hác, hôi hám. Nó câm như hến, nhìn Mao bằng ánh mắt vừa như đồng cảm vừa như giễu cợt. Tay đẩy xe, tay giữ khư khư cái bao dơ dáy trên vai. Thấy vậy Mao hất hàm hỏi: “Mấy chôm chỉa được cái gì trong bao đó?”. Thằng nhỏ nhăn mặt, cự: “Tui móc bọc, có chôm chỉa gì đâu. Ông đừng có nói bậy”. Mao sượng sùng, cười: “Ừ, thế là giỏi. Tao cứ tưởng... Ba má, nhà cửa mày đâu?”. Thằng nhỏ nhìn xoáy vào Mao, giọng bất cần, thẳng thớn: “Tui không có ba má. Nhà tui ở gầm cầu, góc chợ. Đi bụi đời. Lang thang. Móc bọc chơi”. Mao chợt rùng mình, trẻ ranh mà án nói bặm trợn quá trời. Bọn này chắc quậy phá như quỷ, Mao vỗ vai thằng nhỏ bảo: “Ê nhỏ, mây gần giống tao đấy. Mầy có muốn theo tao không?”. “Giống là giống làm sao? Ông còn có dừa bán. Tui thì chỉ có cái bao rỗng nầy thôi”- Nó trề môi phân biệt.
    Bỏ dừa xong, Mao kêu hai đĩa cơm vỉa hè. Nó vục mặt nhai ngấu nghiến. Chừng như mấy bữa nay nó chẳng được ăn gì. Chạnh lòng, Mao bảo: “Về ở với tao cho vui. Tao cũng sống có một mình. Buồn lắm!”. Nó lưỡng lự: “Tui về ăn bám ông à. Ở ngoài nầy, dù sao tui cũng kiếm được ngày hai ổ mì. Chẳng cần nhờ vả, ơn huệ ai, lại được tự do thoải mái”. Mao bảo: “Về với tao, tao dạy nghề hái dừa và rửa dừa cho. Tao đang cần người phụ giúp. Nghề nầy coi vậy chứ khổ cực và còn nguy hiểm nữa. Cùng làm cùng hưởng. Không ai ăn bám ai đâu. Mầy chịu chứ”. Thằng nhỏ nghe có vẻ lọt lỗ tai. Nó cười cười, hỏi: “Học nghề nầy có dễ không? Khó là tôi bỏ luôn đấy”. “Cứ theo tao, tao chỉ cho. Tao không biết nói thế nào cho mầy hiểu được. Ê, mầy tên gì?”. “Ông cứ kêu Tèo, tên tui đó “- Nó nói tỉnh bơ.
    Kể từ đó Mao có một đệ tử trung thành và đắc lực. Tèo tiếp thu nghề “gia truyền” của Mao thiệt nhanh. Theo được mấy ngày, nó toét miệng cười: “Tưởng gì. Nghề của ông dễ ợt, dễ hơn cả nghề móc bọc của tui. Nghề nầy chẳng cần biết chữ, chẳng cần giành nhau”. Mao xoa đầu nó, hỏi: “Thế mầy cần cái gì?”. Tèo ấp úng: “Cần... cần biết leo cây”. Mao bật cười: “Mầy lẻo mép!”.
    Vài tháng sau, việc hái dừa, rửa dừa Tèo đã biết làm thành thạo. Mao chỉ việc ở dưới chỉ dẫn và phụ giúp việc vặt cho Tèo. Họa có cây nào cao ngất Mao mới leo lên hái, sợ nó lỡ sẩy chân sẩy tay thì khốn.
    Bạn Tèo thấy Tèo có việc làm ổn định, không phải sống kiếp lang thang, nay đây mai đó, ăn bờ ngủ bụi như chúng nữa, chúng bảo thằng Tèo thế mà sướng, gặp quý nhân giúp đỡ. Chúng theo Tèo về gặp Mao xin học việc. Thấy chúng lòng Mao như tơ rối. Bọn chúng đa phần bát nháo. Nhận ư? Cơm đâu cho mấy cái miệng hau háu ấy? Chỗ đâu cho chúng nằm...? Đuổi chúng ư, Mao chẳng đành lòng. Mao tư lự bảo bọn trẻ về đi mai tao tính. Thiệt tình Mao tính không ra, đành sang hỏi Ba Râu. Nghe xong lão toát mồ hôi hột, bảo: “Khờ ơi là khờ! Ốc chưa mang nổi mình ốc, còn mong gì giúp được cho ai! Rước cái lũ bất hảo ấy về không khéo chuốc vạ vào thân. Chúng về phá xóm phá làng, chịu sao thấu! Mày giúp thằng Tèo là quá sức rồi...”. Lão phản đối gay gắt. Mao chưng hửng lê từng bước chân nặng trĩu ra về.
    Đêm nay Mao thao thức, đôi mắt cứ chong chong. Giờ này bọn trẻ ở đâu? Chúng đang làm gì? Mai nói với chúng sao đây? Càng nghĩ Mao càng thấy rối. Biết tính sao hở trời! Già nửa đêm, chợt thằng Tèo thức giấc. Thấy Mao trằn trọc, nó hỏi, Mao nói điều khó xử của mình cho nó nghe. Nó bật dậy nói như reo: Dễ ợt. Mai anh mở “cuộc thi”. Mao vỗ vỗ trán cười, khen: “Mầy sáng dạ đấy, có thế mà tao nghĩ không ra”.
    Chiều hôm sau chúng kéo đến 5 đứa. Mao bảo đứa nào tao cũng thương, cũng muốn giúp. Nhưng ngặt nỗi hoàn cảnh tao khó quá, chẳng hơn gì chúng mầy. Đợt nầy tao chọn hai đứa, nhưng với điều kiện đứa nào biết leo dừa giỏi tao mới nhận, cả 5 đứa nhao nhao giơ tay: “Tui biết, tui biết...” loạn xạ. Mao bảo để cho công bằng, tao mở cuộc thi leo dừa. Chúng nhảy tâng tâng hò reo ầm ĩ: Đồng ý, đồng ý... Thi xong, lựa được hai đứa. Mấy đứa “rớt” mặt mày ủ dột buồn so. Mao ái ngại bảo: “Cái nghề của tao cũng chẳng danh giá gì, cũng cực khổ lắm. Vả lại, mấy đứa không có khiếu leo trèo, cố leo, té chết, về kiếm việc khác mà làm. Đừng đi lang thang nữa...”. Chẳng nói chẳng rằng, mấy cặp mắt vô hồn nhìn Mao rơm rớm. Chúng quay gót, những bước chân hoang dại như băm như bổ xuống mặt đường làm vẩn lên những làn bụi đục mờ vương trong gió.
    Hôm sau Mao bắt tay “huấn luyện” cho hai đứa mới. Mao phân công Tèo dạy đứa rửa dừa còn Mao dạy đứa hái. Cứ sau hai ngày lại đổi. Chúng tiếp thu thiệt mau. Mới non tháng, cả hai đều leo trèo như sóc. Với công việc, chúng làm thành thạo đến từng chi tiết. Nhất là rửa ngọn dừa, chúng làm sạch đến mức chủ vườn khó tính nhất cũng phải khen hoặc cho thêm tiền.
    Ngày tháng qua đi, bốn con người xoay quanh một cái xe ba gác. Công việc tuy đơn điệu, nhưng xem ra chúng thật hào hứng và vô tư. Với chúng, cuộc sống hiện tại so với kiếp lang thang như một thiên đàng trên mặt đất. Chừng như chúng không có nhu cầu và mong ước gì nhiều. Chỉ mong sao có đủ việc làm và bỏ dừa được giá. Mong anh Mao vui vẻ, đừng có ghét bỏ chúng... Nhưng cuộc sống lại không đơn giản như chúng nghĩ. Thêm người, tự nhiên ngôi nhà chật lại. Xoong cơm cũng phải nới rộng thêm. Chiếc xe dần dần không đủ sức kham nổi bốn con người này nữa. Mao cảm nhận được điều đó nhưng không biết diễn đạt thế nào cho chúng hiểu. Mao lo lắng, người hốc hác ốm nhom.
    Một buổi trên đường đi bỏ dừa, Mao gặp chiếc xe khác cũng đi bỏ dừa. Bảo bọn Tèo dừng xe, Mao đứng như trời trồng nhìn chiếc xe kia có vẻ nghĩ mông lung lắm. Bọn Tèo thấy thế nhao nhao: “Anh Mao, xe dừa kia dám xâm phạm “lãnh địa” của ta, oánh cho nó bỏ cái thói ngông nghênh...”. Tuồng như không nghe chúng nói gì, bất ngờ Mao nhảy như động cỡn, hô lớn: “Tao nghĩ ra rồi! Nghĩ ra rồi! “. Bọn Tèo ngơ ngác, hỏi mấy Mao cũng làm thinh.
    Chiều về, cơm nước xong, Mao bảo bọn trẻ: “Giờ chúng mầy đã lớn, công việc đã thành thạo. Để kiếm được nhiều tiền hơn, tụi mình gom tiền mua thêm chiếc xe ba gác nữa. Tao và thằng Tư phụ trách một xe, Tèo và thằng Năm một xe. Tự mua, tự bán... Tối về đây ngủ. Chúng mầy nghe có vừa cái lỗ tai không?”. Bọn trẻ nhao nhao: “Xin tuân lệnh, tuân lệnh. Thủ lĩnh Mao thiệt sáng suốt, thiệt thông minh...”.
    Tiếng lành bao giờ cũng như hương gặp gió và thường được dệt thêu thêm nhiều tình tiết li kỳ. Bọn trẻ không biết ở đâu, hầu như tháng nào cũng có đứa đến nhờ Mao giúp đỡ. Mao lại sang hỏi ý kiến Ba Râu. Lão vân vê ba chòm râu trắng xóa, bảo: “Mầy cứ nhận vào, hai đứa một “khóa”. Dạy xong cho chúng phụ việc. Khi nào thạo nghề và kiếm được đủ tiền, mua cho chúng cái xe, rồi cho ra tự lập... Chứ tạng mày không bao chúng mãi được đâu”. Mao nghe như mở lòng mở dạ, nhe răng cười khè khẹ: “Thế mà tui chẳng nghĩ ra!”.
    Có ai ngờ, đó lại là những lời khuyên gan ruột cuối cùng của lão. Mấy tháng sau Ba Râu lâm bệnh rồi qua đời. Mất lão, Mao mất một chỗ dựa đáng tin cậy. Từ giờ có chuyện gì biết hỏi ai đây? Mao như cây trong vườn chưa mạnh cành vững rễ, gió giông bất chợt biết níu kéo phương nào!
    Ngày qua ngày. Năm rồi cũng qua năm. Thời gian như dòng sông chảy xiết, Mao chẳng nhớ đã chỉ cho bao nhiêu trẻ bất hạnh cái “nghề hái dừa và rửa dừa “ dân dã của miệt vườn sông nước. Chỉ biết Mao đã làm được những việc mà anh nghĩ mình không thể không làm và những người đến với anh cũng tìm được một lối đi cho cuộc đời đầy sóng gió.

Kết Thúc (END)
Phạm Văn Thúy
» Xuân Muộn
» Mao Khờ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop
» Cô Khịt