Vào cái lúc ngôi nhà của Giuseppe Baldini sập thì Grenouille đang trên đường đi đến Orléans. Gã để lại phía sau cái bầu trời mờ đục bao phủ thành phố lớn, cứ mỗi bước xa thêm thì không khí quanh gã trong hơn, tinh khiết hơn, sạch hơn. Cả loãng hơn nữa. Không có cảnh trăm, nghìn thứ mùi dồn dập luân phiên rượt đuổi nhau từng mét một nữa mà chỉ một mùi sẵn có như mùi đường đi cát sỏi, mùi đồng cỏ, mùi đất, mùi cây cối, mùi nước…bất tận trên đồng quê; chầm chậm nở ra, chầm chậm biến đi, không bao giờ đứt đoạn đột ngột cả.
Grenouille thấy sự mộc mạc này như là giải thoát. Những mùi hương nhẹ nhàng mơn trớn gã. Lần đầu tiên trong đời gã không phải cảnh giác rằng với mỗi hơi thở lại phát hiện ra một mùi thù địch mới không ngờ hay để mất đi một mùi dễ chịu. Lần đầu tiên gã gần như có thể thở tự do mà không phải vừa ngửi vừa rình rập. Gọi là gần như vì thật ra chẳng có gì tự do đi qua mũi Grenouille cả. Dù không có chút lý do nhỏ nào nhưng gã luôn luôn thận trọng bẩm sinh khi để cho những thứ bên ngoài lọt vào bên trong gã. Cả đời, kể cả đôi lúc hiếm hoi mà gã được sống trong những thứ tương tự như sự thoải mãn, hài lòng, thậm chí cả may mắn nữa, gã vẫn thích thở ra hơn hít vào như gã đã bắt đầu sự sống không phải bằng một sự hít vào đầy hy vọng mà bằng cái tiếng khóc rùng rợn. Trừ cái hạn chế bẩm sinh này ra thì càng xa Paris bao nhiêu Grenouille càng thấy thoải mái bấy nhiêu, gã cảm thấy dễ thở hơn, bước đi nhanh nhẹn hơn và đôi lúc thẳng người lên được, lúc ấy nhìn từ xa thì thấy gã chẳng khác mấy một gã thợ thủ công, nghĩa là như một người hoàn toàn bình thường.
Gã thấy xa cách con người là giải thoát hay nhất. Ở Paris người ta sống chen chúc hơn bất kỳ đâu trên thế giới này. Sáu, bảy trăm nghìn người sống ở Paris. Họ nhan nhản ngoài đường phố và quảng trường, trong nhà thì đầy ứ từ hầm tới nóc. Không một xó xỉnh nào ở Paris mà con người không trân trối ngó vào, không một khoảnh đất nào mà lại không có hơi người.,
Sang ngày thứ ba của chuyến đi, gã bị hút vào trọng trường mùi của Orléans. Grenouille phát hiện trong không khí sự tích tụ của con người thật lâu trước khi có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy đang ở gần thành phố và quyết định tránh xa Orléans, ngược với ý định ban đầu. Gã không muốn cái hơi thở tự do vừa mới có được lại sớm bị cái môi trường ngột ngạt của con người ô nhiễm. Gã đi vòng thật xa thành phố, gặp con sông Loire ở Chateauneuf và vượt sông ở Sully. Tới đây thì cũng vừa ăn hết dồi, gã mua một cây khác rồi bỏ dòng sông đi sâu vào đất liền.
Lúc này gã không chỉ tránh thành phố mà tránh cả làng mạc. Gã như bị say bởi cái không khí không ngừng loãng và vắng con người hơn. Chỉ khi nào phải mua thêm đồ ăn gã mới đến gần một khu dân cư hay một nông trại chơ vơ, mua bánh mì rồi lại biến vào rừng. Sau vài tuần thì ngay cả những lần gặp đôi người qua lại trên những con đường khuất nẻo cũng là quá nhiều đối với gã, gã không chịu nổi mùi toát ra từ những nông phu đang cắt vụ cỏ đầu tiên trên đồng cỏ. Gã sợ hãi tránh những đàn cừu, không phải sợ lũ cừu mà để tránh mùi người chăn cừu. Gã băng đại ngang đồng cỏ, sẵn sàng đi vòng hàng dặm nếu ngửi thấy mùi đoàn kỵ binh đang phi về phía gã dù họ còn cách xa gã cả tiếng đồng hồ. vì không hề biết có chiến tranh nên không phải gã sợ bị khám xét hay hỏi giấy tờ và bị bắt lính như những tay thợ thủ công hay bọn du thủ du thực khác mà chỉ vì gã gớm ghiếc mùi người của các kỵ binh. Vì thế kế hoạch đi thật nhanh tới Grasse tự động tan biến dần, chẳng do một quyết định đặc biệt nào, có thể nói là kế hoạch đã hoà tan trong sự tự do như mọi dự tính và kế hoạch khác. Grenouille không muốn đi bất kỳ đâu nữa mà chỉ muốn xa con người.
Cuối cùng gã chỉ còn đi vào ban đêm. Ban ngày gã chui vào các lùm cây thấp, ngủ trong các bụi cây rậm rạp ở những nơi khó vào nhất, cuộn tròn như một con vật, cái chăn thô màu đất nâu trùm kín cả người lẫn đầu, mũi kê giữa khuỷu tay, quay xuống đất để không một chút mùi lạ nào quấy rầy giấc mơ của gã. Gã thức dậy khi mặt trời lặn, đánh hơi khắp mọi hướng và chỉ sau khi đã ngửi thấy chắc chắn rằng người nông phu cuối cùng đã rời khỏi đồng ruộng và ngay cả người bộ hành gan góc nhất cũng đã tìm một chỗ trọ trước màn đêm, chỉ sau khi đêm tối với những nguy hiểm tưởng tượng đã quét sạch con người khỏi vùng đất, Grenouille mới chui ra khỏi chỗ ẩn nấp, tiếp tục chuyến đi. Gã không cần ánh sáng để nhìn. Ngay trước đây, khi còn đi trong ban ngày, gã thường bịt mắt hàng giờ liền và chỉ đi theo cái mũi. Cái bức tranh đồng quê sặc sỡ, sự loá mắt, sự thay đổi bất chợt và sự phải nhìn rõ làm mắt gã đau. Gã chỉ thích ánh trăng. Ánh trăng không có màu và chỉ soi nhạt đường nét địa thế. Ánh trăng phủ mảnh đất với màu xám nhơ nhuốc và bóp nghẹt sự sống được một đêm dài. Cái thế giới trong đêm như được đúc bằng chì, không có gì lay động ngoài ngọn gió thỉnh thoảng như cái bóng đổ xuống những cánh rừng màu xám và không có gì sống trong đó ngoài mùi thơm của đất trần trụi, là cái thế giới duy nhất mà gã chấp nhận vì giống với cái thế giới của tâm hồn gã.
Gã đi về hướng nam như thế đấy. Gọi đại khái là hướng nam thôi vì gã không đi theo la bàn nam châm mà chỉ theo la bàn của mũi gã, nó bảo gã đi vòng mỗi thành phố, mỗi làng, mỗi khu dân cư. Hàng tuần liền gã không gặp một ai. Và gã có thể tự ru ngủ trong niềm tin vững vàng rằng gã là kẻ duy nhất trong cái thế giới tối tăm, được tắm trong ánh trăng lạnh lẽo nếu cái la bàn nhậy bén của gã không chỉ ra điều ngược lại.
Trong đêm cũng có người. Ở trong những vùng hẻo lánh nhất cũng có người. Họ chỉ rút về chỗ trú ẩn ngủ như chuột. Mặt đất chưa hết sạch hơi họ bởi vì ngay trong giấc ngủ họ vẫn phả ra mùi, xuyên qua cửa sổ để ngỏ hay những kẽ hở trong nhà, bay ra ngoài làm uế tạp cái thiên nhiên tưởng chừng không gì đụng đến được. Grenouille càng quen với cái không khí trong lành bao nhiêu thì gã càng nhậy cảm bấy nhiêu với cái mùi người có lần ào đến bất ngờ, hoàn toàn không chờ đợi, kinh tởm như mùi phân bón, tố giác rằng nơi trú chân của người chăn cừu hay lều của người đốt than hay hang của bọn cướp đâu đó quanh đây. Thế là gã tiếp tục chạy, càng ngày càng phản ứng nhậy hơn với cái mùi người ngày càng ít hẳn đi. Và cái mũi gã càng dẫn gã đến những vùng hẻo lánh hơn, xa con người hơn và đẩy gã mãnh liệt hơn về cái cực nam châm của sự cô độc, càng gần càng tốt.
|
|
|