Cuốn theo dòng đời cùng năm tháng.
Một mảnh tình riêng ta trong ta…
Trung tá Phạm Trung Nghĩa vóc người cao lớn, thời thanh xuân vốn nổi tiếng là đẹp trai và có duyên. Trong đám nữ sinh cùng học ngày xưa, trong đám bè bạn con gái trên đường đời sau này, không biết đã bao nhiêu người yêu thầm nhớ vụng Nghĩa trong lòng. Đám bè bạn con trai tị nạnh về hình dáng ưa nhìn của anh phần nào, nhưng nhiều người thực sự vừa ghen vừa mến dáng điệu nói năng hiền từ và hình như không bao giờ vội vã của Nghĩa.
Bây giờ tóc ông đã ngả sang màu muối tiêu, đuôi mắt nheo lại sâu hơn nữa sau cặp kính trắng. Những gì còn lại của nét mặt thanh tú thuở xưa hình như chỉ tăng thêm sự đôn hậu cho giọng nói tiếng cười của ông.
Đám bè bạn đồng chí thân thuộc thời chinh chiến gọi ông là công tử bột. Vì lính tráng gì mà to lớn, trắng như Tây, mặt mũi chẳng một chút dấu vết phong sương hay khói lửa của chiến trường.
-...
- Cha mẹ sinh ra thế, da dẻ mình không bắt nắng mà...
- Béo tốt thế này, thủ trưởng cắt bớt khẩu phần của anh Nghĩa giành cho thương binh đi!
-...
- Anh Nghĩa, cho em xin một đứa con làm giống!
-...
- Đừng cho nó! Cho mình em thôi!
- Không, em cũng xin một đứa, nhỡ anh hy sinh mất thì hoài...
-...
Những giai thoại, những khoảnh khắc như thế nhiều lắm. Nghĩa nhớ không xuể.
Nhiều lúc thiếu ăn hay sốt rét trong rừng, hoặc sau những chiến dịch dài ngày, Phạm Trung Nghĩa gầy rộc đi rất nhanh, xanh như tàu lá, chứ không sạm nắng. Được chăm sóc, anh cũng lại người rất nhanh.
Nghĩa còn được đồng đội và cấp trên tặng cho danh hiệu "lính tạch tạch xè"(*) [(*)Tạch tạch xè: "tts" = tiểu tư sản], vì học thức và cách sống nho nhã phần nào, con nhà giáo nòi mà. Song điều mọi người đều thấy là Nghĩa rất thích âm nhạc, như một niềm đam mê, đam mê đến lãng mạn.
Những lúc cùng đơn vị nằm ém quân hàng ngày, hàng tuần trong vùng đường 9 Nam Lào hay vùng rừng núi Quảng Trị - Thừa Thiên, những lúc nằm im chịu phi pháo địch đánh cầm chừng hoặc cấp tập dội xuống từng đợt, từng đợt, mặc... Những lúc trận đánh lắng xuống, những đợt đơn vị nghỉ xả hơi và củng cố lại sau mùa chiến dịch, những khoảnh khắc thư giãn chờ lệnh cấp trên giữa những buổi họp hành. Nghĩa là khi nào được rỗi rãi, thích thú nhất đối với Nghĩa là bật cái bán dẫn National lên, dí sát vào tai để khỏi làm phiền những người chung quanh, dò dò tìm tìm. Để tâm hồn trầm bổng theo âm nhạc.., nhất là đôi khi Nghĩa bắt được đài tiếng nói Việt Nam phát đi một bản giao hưởng nào đó... Ôi, đấy là những lúc thế giới riêng của Nghĩa trở nên bất khả xâm phạm. Cũng vì thói quen này, đối với Nghĩa quà thưởng của cấp trên, hoặc những thứ nhân dân địa phương tiếp tế cho, không gì quý bằng mấy cục pin. Ba-lô Nghĩa nặng đến mấy, lúc nào cũng phải có vài cục pin Văn Điển dự trữ.
Trong những giây phút như thế, nằm giữa chiến trường, có lúc Nghĩa thả những suy tư của mình bay đi đâu đó, có lúc như đang tâm sự với Nguyệt, vui đùa với hai con mình, nhớ đến bố mẹ, gia đình, những bước đường đời... Đấy là cách Nghĩa cố quên đi những nỗi nhớ thương da diết. Những lần như thế, không hiếm trường hợp anh phải chuốc lấy nhiều điều day dứt hơn, về thân phận biết bao nhiêu con người anh đã giáp mặt giữa sống và chết trong chiến tranh, về đất nước...
... Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng cánh chim xao xuyến gió mùa xuân...
Gửi lời chim yêu thương...
Từ thời còn là học sinh, Nghĩa đã tìm đọc nhiều, hiểu biết nhiều về âm nhạc, say mê tiểu thuyết. Cuộc đời và tình yêu càng dẫn dắt Nghĩa vào thế giới tâm hồn. Có khi cao hứng, Nghĩa thầm hát trong đầu một giai điệu nào đó. Nhưng Nghĩa không bao giờ cầm đến cây đàn hoặc bất kỳ một nhạc cụ nào. Bạn bè hay đồng đội truy hỏi, thường được Nghĩa trả lời:
- Tớ chỉ là kẻ hưởng thụ. Một thế giới tâm hồn như thế không hưởng thụ sao được! - Một nụ cười sau khoé mắt cố thanh minh cho sự đam mê của mình.
- Ông coi bộ tâm sự với âm nhạc hay nhớ nhà? Thực lòng đi! - một lần chỉ huy trưởng của Nghĩa gạn hỏi như vậy.
- Cả hai, nhưng lúc này là tâm sự.
- Với ai?
- Với mình. Với những người anh em không bao giờ trở về nữa cậu ạ... Không bao giờ nữa...- Giàu triết lý quá ta. Mở to cái đài lên, cho nghe nhờ một tý - chỉ huy trưởng mắc võng lại sát võng của Nghĩa ngay trước cửa địa đạo. Cả hai đều ngước nhìn lên những tán cây trơ trụi in thẫm trên nền trời, lửa của bom đạn đã làm cho chúng trở thành những bộ xương cháy rụi..
Giây phút ấy xẩy ra vào giờ nghỉ đổi ca trực chiến, khoảng một tuần sau trận tấn công ác liệt kéo dài liên tiếp 3 ngày cuối tháng ba năm 1967 của Mỹ - nguỵ vào khu hậu cứ của ta tại vùng A Sao - A Vương, nơi giáp ranh hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam. Trận địa trong tuần lễ ấy lặng ngắt như một bãi chết, có lúc nghe rõ cả tiếng cây đổ răng rắc. Hì hục đào bới, tìm kiếm sáu bẩy ngày liền không nghỉ, đơn vị Nghĩa vẫn không sao thu gom đủ thi thể những chiến sỹ đã hy sinh. So với danh sách và quân số thì còn thiếu nhiều quá... Cũng may là trên kịp thời tổ chức ngay nhiều đợt tấn công mới vào các cứ điểm ngoại vi thành Quảng Trị để giảm sức ép cho A Sao - A Vương. Đơn vị Nghĩa được dịp củng cố lại trận địa, nhận thêm quân tiếp viện, rà soát lại bản đồ đánh dấu nơi chôn cất các tử sĩ, kiểm điểm rút kinh nghiệm trận đánh, kiểm tra và huấn luyện các chiến sĩ mới được bổ sung...
Tất bật, thầm lặng...
Trận huyết chiến đó là lần đầu tiên đơn vị Nghĩa được nếm mùi thế nào là ăn miếng trả miếng với chiến thuật “bão lửa" của Mỹ - nguỵ.
Đánh trận này vào A Sao - A Vương, Mỹ - nguỵ muốn triệt hạ khu căn cứ địa của ta, đồng thời muốn trả đũa cuộc tấn công của ta vào sân bay Đà Nẵng tháng trước. Đó cũng là mục tiêu chính của chiến dịch "Mini Junction City" trải rộng khắp miền Trung. Chiến dịch này được tiến hành đồng thời với chiến dịch Junction City phía Tây bắc Sài Gòn và dọc biên giới Việt Nam - Campuchia. Vào thời điểm này cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ bắt đầu leo thang ác liệt trên cả hai miền đất nước.
... Trước khi xảy ra trận đánh, nhiều tuần liền chất độc da cam đã làm cho khu rừng trú quân của đơn vị Nghĩa trụi lá. Nghĩa hiểu đây là một tín hiệu báo trước, sớm muộn sẽ đụng độ nẩy lửa. Tình báo quân sự cũng dự đoán như vậy. Toàn đơn vị Nghĩa dốc sức chạy thi với thời gian. Ban chỉ huy vắt óc suy nghĩ ăn miếng trả miếng như thế nào để địch không thể nhổ bật ta ra khỏi khu rừng quan trọng này.
Ở thời kỳ chuẩn bị, vũ khí chiến đấu chủ yếu là cuốc xẻng. Toàn đơn vị lao động cật lực, làm tất cả mọi việc để chìm sâu hơn nữa vào lòng đất, sắp đặt trận địa sao cho có thể vô hiệu hoá tối đa ưu thế của giặc về phi pháo.
Không biết đây là cuộc chiến bằng cuốc xẻng lần thứ bao nhiêu. Nhưng lần nào cũng thế, các chiến sĩ trong đơn vị Nghĩa đều cảm thấy cuộc chiến không súng ống này vất vả gấp mấy lần so với lúc xung trận. Mọi người đều hiểu muốn ít thương vong thì phải tốn mồ hôi. Điều khác trước là bây giờ hậu cần sung túc, cho phép làm được nhiều việc mà trước đây chỉ là mơ ước, nhất là nhờ vào mấy cái máy đào đất dã chiến chạy bằng diesel. Nhờ có chúng hỗ trợ, tiến độ công việc nhanh hẳn lên, việc bố trí địa đạo, hoả điểm thuận lợi hơn nhiều.
Điện mật của trên gọn lỏn: "Chốt giữ bằng được A Sao!"
Đơn vị Nghĩa hiểu đấy là nhiệm vụ bảo vệ đến cùng cửa ngõ đi vào khu hậu cứ của ta dọc biên giới Việt - Lào.
Ngày đêm Mỹ cho máy bay trinh sát khuấy động bầu trời khu rừng, tầm bay mỗi ngày một thấp dần. Quân ta vẫn im ắng. Thế rồi đột nhiên B52 từng đợt, từng đợt ném bom rải thảm suốt từ A Lưới đến A Sao. Xen giữa là các đợt hoạt động của trọng pháo đặt trên đường 14. Rồi đến các đợt ném bom na-pam (napalm), bom bi loại 250 kg... Đấy là những loại vũ khí vô cùng lợi hại, buộc quân ta phải lặn sâu hơn nữa vào lòng đồi núi. Toàn trận địa lúc này chỉ còn là một vùng đất đầy khói lửa, loang lổ các hố bom, hố pháo. Sau cùng là các đợt ném bom Daisy Cutter loại bảy tấn rưỡi(*) [(*) Loại bom này có sức công phá rất mạnh, lần đầu tiên Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, lần thứ hai Mỹ bắt đầu dùng loại bom này từ ngày 10 tháng 12 năm 2001, ném xuống địa phương Tora Bara có địa hình hiểm trở ở Đông Afghanistan trong khi truy quét tàn quân Taliban (của Osama Bin Laden).], nhằm tạo mặt bằng cho trực thăng thả các xe tăng và đổ quân.
Lúc này quân ta mới từ dưới đất ngoi lên phản công.
Khi điện đài khu cửa rừng im bặt tín hiệu, tiếng súng của quân ta ở phía này tắt hẳn, Nghĩa xin trung đoàn trưởng cho phép rời vị trí chỉ huy, lấy theo hai trung đội gần đấy, lần theo chiến hào ra quan sát tại chỗ. Tới nơi, trước mặt Nghĩa các chiến sỹ nằm ngổn ngang, nhiều người thân hình nguyên vẹn, nhưng không còn ai sống sót. Trọng pháo và bom áp lực sát thương bằng sức ép đã giết chết họ.
Từ xa, xe tăng của giặc bắt đầu xuất hiện. Được sự yểm trợ chính xác của trọng pháo, chúng dàn hàng ngang ầm ầm gầm rú lao tới như vào chỗ không người. Núp sau xe tăng là lính thuỷ đánh bộ Mỹ và quân nguỵ, vừa chạy vừa hò hét. Mọi cỡ súng của giặc xối xả, hoả lực vượt quá mọi dự tính của ta.
Không còn cách nào khác, chưa kịp giáp mặt địch đã phải thực hiện phương án tác chiến cuối cùng: đánh giáp lá cà!
Nghĩa giao cho các chiến sĩ phụ trách hai khẩu đại liên làm nhiệm vụ yểm trợ, những chiến sỹ còn lại đi gom tất cả B40 trên tuyến này, chọn địa hình và một số công sự cho phép tập trung hai trung đội thành một hoả điểm mạnh nhưng có thể di động được. Tất cả chịu nằm im cho trọng pháo đấm lưng, chờ giặc tiến gần. Khi từng loạt, từng loạt trọng pháo của giặc dọt xuống ngày một xa về phía sau lưng mình, các chiến sĩ hiểu giờ quyết định đang tới gần.
Hai xe tăng đầu tiên của giặc đi thẳng vào hoả điểm của Nghĩa. Khi chúng lao qua chiến hào cuối cùng, B40 của ta mới đội đất đứng lên phát hoả. Cả hai xe tăng đứng khựng và bốc thành hai đám lửa lớn. Đội hình bộ binh giặc rối loạn, đại liên của ta bắt đầu hoạt động. Giặc lùi lại, nhường chỗ cho trọng pháo dập tới, rồi lại tiến lên. Giữa những khoảnh khắc chỉ được tính bằng giây phút khi giặc tạm lùi lại, hoả điểm của Nghĩa phải rút xuống địa đạo, nhanh chóng di chuyển sang vị trí khác để tránh pháo giặc nện xuống. Một cuộc chạy thi để cướp lấy cái sống... Cứ thế, từng đợt, từng đợt các đơn vị phục kích của Nghĩa lại xông lên giáp lá cà với giặc... Cánh quân của trung đoàn trưởng đánh vào ngang sườn đội hình địch bắt đầu giành lại thế chủ động, chia lửa cho hoả điểm của Nghĩa.
Vật lộn nhau chán chê đến trưa ngày thứ ba, giặc để cho B52 một lần nữa ném bom đào xới đất cát cả khu rừng rồi mới chịu bỏ cuộc. Các chiến sĩ bới địa đạo ngoi lên mặt đất...
Sáng ngày thứ tư, trong lúc Nghĩa đang họp ban chỉ huy tiểu đoàn của mình để rút kinh nghiệm trận đánh và điểm lại lực lượng còn mất thế nào, thì thiếu uý đại đội trưởng đại đội 3 dắt một chiến sĩ trẻ măng đến gặp Nghĩa:
- Báo cáo tiểu đoàn trưởng, đây là binh nhất Nguyễn Đăng Bảo, phạm tội đào ngũ, bị chúng tôi bắt về. Đề nghị xử nghiêm theo quân luật!
- Em không đào ngũ! Báo cáo, em chỉ bỏ trốn thôi ạ!
- Bỏ trốn là đào ngũ! Thế mà còn cãi! - giọng đại đội trưởng gay gắt.
- Không, oan cho em quá! Nhất định không phải em đào ngũ!
- Không được cãi. Nghiêm! - đại đội trưởng quát to.
Người chiến sĩ trẻ đứng nghiêm, không dám nói năng gì nữa. Đại đội trưởng báo cáo với Nghĩa việc đơn vị mình đã bắt được Bảo như thế nào ở trong rừng trong lúc đi tìm kiếm thi thể những chiến sỹ đã hy sinh.
Đại đội trưởng vừa dứt lời, Bảo lại kêu ầm lên:
- Không, oan cho em quá các anh ơi! Em không đào ngũ!
Nghĩa không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, liền nói với đại đội trưởng:
- Tôi đang bận họp. Anh để Bảo ở lại đây. Đưa cậu ta xuống hầm kia kìa. Dặn cậu ta chờ tôi ở đấy. - tay Nghĩa chỉ vào một cái hầm phụ của ban chỉ huy tiểu đoàn, rồi quay vào họp tiếp.
Gần hai giờ đồng hồ sau, làm xong báo cáo gửi lên trung đoàn, Nghĩa đi lại chỗ Bảo. Thoạt nhìn thấy Nghĩa, Bảo đã vọt ra khỏi hầm, hai tay ôm chặt lấy cánh tay Nghĩa:
- Oan cho em quá! Anh cứu em với, em không đào ngũ!.
- Cậu mấy ngày vắng mặt ở đơn vị rồi?
- Báo cáo, không kể hôm nay ba ngày ạ.
- Nghĩa là ngay lúc giặc bắt đầu đánh? - Nghĩa rất ngạc nhiên.
- Báo cáo, không ạ. Hết loạt bom đầu tiên, đến loạt bom thứ hai em vẫn ở vị trí của mình ạ. Đến loạt bom thứ ba em cũng không chạy, em run lắm những vẫn cố cắn răng xem lại tiểu liên của mình, kiểm tra lại các băng đạn... Nhưng bỗng nhiên có một anh người trần như nhộng, trên lưng là một mảng lửa to tướng vì na-pam, vừa chạy vừa hét, đến chỗ em thì anh ấy ngã lăn ra không chạy được nữa! Cứ vừa quằn quại vừa kêu rống lên! Trời ơi em hãi quá liền bỏ chạy. Được vài chục bước em rơi xuống một cái hố mối to ạ. Thế là em ngồi thụp xuống đấy.
- Suốt cả 3 ngày?
- Vâng. Nhưng em không đào ngũ! Em chỉ quá sợ thôi ạ.
- Nếu tôi không tin thì sao?
- Báo cáo, nếu em định đào ngũ thì từ chiều hôm qua em có thể chạy ra khỏi khu rừng này được một hai chục cây số rồi ạ!
- Sao cậu không chạy?
- Đã bảo em không đào ngũ mà! Nói đến thế mà không hiểu! Em chỉ quá sợ thôi!
- Thế sao chiều hôm qua không về điểm danh?
- Báo cáo.., em xấu hổ quá!
- Có ai biết cậu rơi xuống tổ mối đâu mà xấu hổ?
- Nhưng em thì em biết chứ!
Suýt nữa thì Nghĩa bật cười. Nghĩa động viên Bảo tả lại hết nỗi sợ và sự xấu hổ của mình, hỏi thêm về gia cảnh của Bảo. Thì ra anh ta là nhà con một, được bố mẹ chiều như chiều vong, lẽ ra được miễn nhưng vẫn tình nguyện đi bộ đội, vừa mới từ Thái Bình vào. Bảo đã dự một vài trận, nhưng đây là lần đầu tiên Bảo giáp mặt với cái chết thảm khốc như vậy. Ngồi nghe, Nghĩa tái tê, trong lòng gần như thốt lên: Chẳng ai quen được với cái chết!
Nghĩa lấy mảnh giấy ghi mấy chữ đưa cho Bảo:
- Đưa cho đại đội trưởng. Tự phê bình trong tiểu đội đi, không có chuyện bỏ trốn lần thứ hai đâu nhé!
Bảo ôm chầm lấy Nghĩa:
- Em cảm ơn thủ trưởng! Nhất định không có lần thứ hai đâu ạ!
- Bảo ơi, mình yêu cậu lắm! Cố lên nhé! - Nghĩa ôm xiết mãi rồi mới rời người chiến sĩ trẻ.
Trận ấy đơn vị Nghĩa thương vong nhiều. Tiểu đoàn của Nghĩa có 3 trung đội bị xoá sổ hoàn toàn vì không thực hiện được kế hoạch tác chiến bám sát thắt lưng giặc. Suýt nữa cả bộ chỉ huy của đơn vị Nghĩa bị tóm. Sau này nhớ lại, Nghĩa thấy trận chạm trán với giặc trong chiến dịch Lê Lợi năm 1970 cũng tại vùng này không vất vả bằng, có lẽ nhờ kinh nghiệm đánh bại chiến dịch Mini Junction City. Chiến dịch Lê Lợi của giặc quy mô hơn nhiều, nằm trong ý đồ chiến lược giành lại thế chủ động trên toàn chiến trường miền Trung.
Hình như chiến tranh chỉ rèn luyện thêm những phẩm chất vốn có của Nghĩa. Từ con người này và chung quanh anh bao giờ cũng là bầu không khí nhẹ nhàng, là hoà bình - vốn cha mẹ sinh ra tính nói năng nhỏ nhẹ, không hề to tiếng với ai, lúc nào cũng sẵn sàng một ý kiến bình tĩnh, một lời phân tích có đầu có đuôi, đôi khi là một sự nhường nhịn, một lời khuyên giải. Trong những lúc xảy ra việc gay cấn, kể cả những lúc tranh luận căng thẳng đến cực điểm giữa cái sống và cái chết trước trận đánh. Nghĩa luôn giữ được sự điềm đạm trời phú cho. Tuy là nhà binh, con người này hầu như không biết vội vàng. Trong phong cách bẩm sinh ấy, ý kiến của anh đôi khi chứa đựng những ý tưởng quyết liệt, có lúc làm cho các đồng chí của mình trong ban chỉ huy ngỡ ngàng.
-... Dứt khoát không xuất đầu lộ diện. Chỉ phối hợp với lực lượng cơ sở, mở đường đưa một tiểu đội đặc công đánh thẳng vào bộ chỉ huy chúng nó. Còn lại cả tiểu đoàn chủ lực chỉ ém sẵn chung quanh. Nếu chúng rối loạn, không kịp gọi phi pháo chi viện, thì xông lên san phẳng luôn, rút ngay. Nếu đặc công không đạt mục đích, ta lại chờ. Phải có gan giấu quân cho kỹ và chịu để giặc đấm lưng...
Một lần khác:
-... Địch càn đi quét lại vùng Gio Linh - Cửa Việt dữ quá, cơ sở mất trắng mấy năm liền không có cách gì gây dựng lại được. Hỗ trợ theo kiểu đánh tỉa không ăn thua. Dồn lực đánh cấp tập từ Khe Sanh, tiến sang tấn công chớp nhoáng vào Đông Hà, sau rút nhanh về đất Lào. Đánh cho địch phải co rúm lại mới giữ được cơ sở... -
Trong cả hai cuộc tranh luận gay gắt này, ý kiến của Nghĩa được chấp nhận.
Hơn một năm sau, không ngờ trận đánh bại chiến dịch Mini Junction City được coi như một khảo nghiệm đầu tiên của chiến dịch hạ thành Quảng Trị.
Phạm Trung Nghĩa là như vậy. Tuổi tác thời gian áp đặt cho mọi người chỉ làm cho ông chậm rãi hơn, ôn tồn hơn.
Từ ngày về Học viện Nghiên cứu quân sự, người ta thấy Phạm Trung Nghĩa có thói quen mặc quân phục. Đi làm mặc quân phục. Đi họp khu phố mặc quân phục. Đi đưa ma, dự đám cưới, thăm họ hàng... - mùa đông thì bộ quân phục dạ, mùa hè thì bộ quân phục vải, là ủi phẳng phiu, đầu tóc chải nghiêm túc. Lúc nào cũng giày da đen lau chùi sạch sẽ. Trời mưa thì ông đi ủng cao su. Tất cả toát lên một vẻ khoan thai, chỉnh tề. Người cao cao, dáng ông đi hơi khập khiễng do phải mang chân giả. Chân phải ông bị cưa bên dưới đầu gối. Xa xa, dù là nhìn từ phía sau lưng, vẫn có thể dễ dàng nhận ra ông.
Sau hoà bình lập lại, từ ngày có điều lệnh quân nhân phải ăn mặc chính quy lúc làm nhiệm vụ, ông có cái tật thường hay quên đeo quân hàm và nhiều lần bị phê bình về việc này. Ông phân trần: thích quân phục vì nó tiện lợi, nhưng không thích đeo quân hàm vì mỗi lần rời cơ quan, về đến nhà lại mất thời giờ tháo tháo gỡ gỡ, muốn đi làm một việc gì, hay có lúc tạt ra chợ, hoặc giả đi thăm ai đó - nhất là khi ngồi hàn huyên với đám bạn bè cũ, thấy nó bất tiện, rất bất tiện. Nể ông là thương binh 2/4, mọi người bỏ qua chuyện này.
- Chào anh Nghĩa. Về rất đúng hẹn. Hôm nay có việc gì mà đòi gặp tôi sớm thế. Ngồi xuống đây, làm điếu thuốc đã... - thiếu tướng Lê Hải - quyền giám đốc Học viện Nghiên cứu quân sự vừa đưa thuốc lá ra mời, vừa rời bàn làm việc kéo Nghĩa ra chỗ sa-lông.
Thiếu tướng tự tay pha trà. Khách chưa kịp trả lời, thiếu tướng đã nói tiếp:
- Trong những ngày anh đi vắng, tôi đã đọc xong “Báo cáo tổng kết chiến dịch Quảng Trị” của anh. Được lắm.
- Tôi có may mắn là tham gia chiến dịch này từ đầu cho đến khi kết thúc.
- Nhân chứng sống có khác. Công trình nghiên cứu này có phương pháp khoa học, phân tích khách quan, có sức thuyết phục. Có một điều nằm ngoài nội dung của công trình nghiên cứu này...
- Điều gì thế ạ?
- Anh đã làm được việc tổng kết với đúng nghĩa của nó. Cụ thể là không để khoe thành tích, không minh hoạ những quan điểm cho sẵn, mà là để tiếp tục tìm đường tiến lên phía trước.
- Có lẽ chỉ vì tôi có điều kiện kiểm nghiệm bằng người thực việc thực. Nói thấp chỗ này một chút là đánh giá thấp cơ hội, quá tự tô vẽ mình. Nói quá chỗ kia một chút là trong tương lai sẽ phải trả giá thêm nhiều sinh mạng, nhiều tổn thất.
- Đúng thế. Nói đơn giản, anh có tư cách làm công việc tổng kết.
- Tôi chỉ cố gắng làm công việc chắt lọc thôi ạ.
- Tôi phải cảm ơn anh là đã không làm công việc biên tập lại các tư liệu và không sáng tạo lịch sử.
- Thưa anh, làm ra lịch sử là sự nghiệp của nhân dân, đâu phải của ngòi bút ạ.
- Đọc tổng kết của anh, tôi thích nhất điều này... Anh cất hết các tư liệu gốc vào chỗ cũ rồi chứ?
- Báo cáo, rồi ạ. Tôi đã niêm phong lại các két sắt và lập hồ sơ trao trả đầy đủ cho lưu trữ.
- Tốt lắm. Anh có thời giờ đi được nhiều nơi trong ấy không?
- Dạ, tôi chỉ loanh quanh ở Sài Gòn.
- Thua tôi rồi. Tôi vào trước anh một tháng, cũng chỉ có 4 ngày như anh. Thế mà tôi dành được trọn vẹn một ngày ở Cần Giờ.
- Anh may hơn tôi là gặp được má Sáu và đông đủ gia đình các anh của chị Thạnh. Tôi không gặp được một ai trong họ hàng ruột thịt của mình.
- Tôi già mất rồi, không còn nước mắt để khóc... Nhưng thôi, không nhắc lại chuyện cũ nữa. Bây giờ tôi muốn được nghe chuyện của anh.
- Thưa thiếu tướng...
- Ông nội ơi, sao bỗng dưng trịnh trọng? Có cái giọng này từ bao giờ thế?
- Vâng, thưa đồng chí thiếu tướng, trước hết xin rất cảm ơn đồng chí. Không có bức thư giới thiệu của đồng chí với Ban Quân quản thành phố, chuyến đi Sài Gòn của tôi chắc sẽ công cốc. Tôi mới về tối hôm qua... - Nghĩa cầm tách chè lên, cố giấu sự lưỡng lự.
- Anh nói tiếp đi!
- Có việc quan trọng đối với gia đình, nên hôm nay tôi xin đến báo cáo ngay với đồng chí.
- Lại còn thế nữa? Học viện của chúng ta toàn công việc nghiên cứu dài hạn, có gì mà gấp gáp như vậy?
Trung tá Nghĩa chủ động rót nước đưa cho tướng Lê Hải. Ông muốn chuẩn bị cho thiếu tướng sự bình tĩnh cần thiết để nghe mình trình bày.
Sự việc là nhờ bức thư của tướng Lê Hải, sau 3 tháng liên hệ các nơi và nhờ được một số bạn bè trong Ban Quân quản thành phố giúp đỡ, cách đây bốn hôm trung tá Nghĩa xin đi ké máy bay quân sự vào Sài Gòn, mới trở về Hà Nội tối hôm qua. Trung tá đã tìm được địa chỉ em trai mình: Phạm Trung Lễ, đại tá quân đội nguỵ, hiện đang cải tạo ở trại B7. Ban Quân quản thành phố giúp đỡ Nghĩa liên hệ với Ban chỉ huy B7 qua điện thoại. Cán bộ trực ban của trại cho Nghĩa biết: Lễ đã tự khai báo với chính quyền và là một trong những người đầu tiên vào trại, thái độ học tập tỏ ra nghiêm chỉnh. Nghĩa định tới trại tìm em, nhưng người trực ban cho biết lúc này đang thời gian các trại viên học tập và tự khai báo, không ai được vào thăm, trừ khi có chỉ thị đặc biệt của trên. Ban Quân quản thành phố cũng khuyên Nghĩa nên chờ thêm cho qua đợt học tập đặc biệt này, chắc không lâu đâu...
Trại cải tạo B7 dành cho các sĩ quan nguỵ cấp tá. Cơ sở của trại cải tạo B7 vốn là trường huấn luyện hạ sĩõ quan nguỵ, tại Bảo Lộc.
Nghĩa kết thúc phần trình bày của mình:
- Anh Hải ạ, họ hàng thân thiết của tôi trong Nam hiện nay còn một số người. Gia đình lớn của chúng tôi ở Hà Nội bị xé lẻ ngay từ ngày Nam Bộ kháng chiến. Bố mẹ tôi đã mất liên lạc với hai đứa em sau tôi là Phạm Trung Lễ và Phạm Thị Thu Hoài ngay từ hồi đó. Tất cả những điều này tôi đã khai rõ trong lý lịch quân nhân và lý lịch đảng viên. Bây giờ sau hơn ba mươi năm, tôi mới có những tin tức đầu tiên về hai em mình...
Tuy là người từng trải, nhưng khuôn mặt thiếu tướng cũng không giấu nổi sự đăm chiêu của những suy tư đang lướt đi rất nhanh trong tâm trí. Ông hình dung được cảnh ngộ éo le của Nghĩa, cũng như ông đã từng cảm thông nhiều hoàn cảnh khác trong đồng chí đồng đội của mình. Cuộc chiến tranh này thật ác nghiệt và có nhiều điều vô cùng trớ trêu. Cùng một cha mẹ sinh ra, hai anh em, hai trận tuyến đối đầu quyết liệt...
Mãi một lúc sau ông mới hỏi Nghĩa:
- Anh định sẽ làm gì?
- Thiếu tướng tin vào sự trình bày của tôi chứ?
- Anh Nghĩa, sao bỗng dưng lại hỏi thế?
- Đồng chí đang tránh câu trả lời.
- Không phải như vậy. Có gì mà tin hay không tin?
- Ý tôi muốn hỏi anh có tin vào những điều tôi đã khai trong lý lịch không ạ?
- Sao lại không? Nhưng anh đặt ra câu hỏi này để làm gì?
- Để xin anh anh hai việc: Thứ nhất, đề nghị thiếu tướng giúp tôi đến thăm em trai tôi trong trại cải tạo. Nếu được, tôi xin đi ngay trong tháng này. Mẹ tôi chắc sẽ mừng lắm, cụ bây giờ ngày một yếu đi. Việc thứ hai: tôi xin được giải ngũ.
Thiếu tướng quá bất ngờ trước đề nghị thứ hai của Nghĩa. Một quân nhân cách mạng, mấy chục năm tuổi quân, chiến công đầy người, một đảng viên kiên cường.., đột nhiên xin giải ngũ? Mãi thiếu tướng mới trả lời nhát gừng, có những câu bỏ lửng, gần như ông đang nói với chính mình:
- Thu xếp cho đi gặp em trai trong trại cải tạo?... Được... Có thể nhờ làm được. Trong tháng này, tức là còn 10 ngày... Tạm đủ thời gian... Quyết ngay được... Giải ngũ? Sao lại xin giải ngũ? Tôi bất ngờ quá. Anh nói rõ hơn nữa xem nào.
- Thực lòng không phải vì tư tưởng nghỉ ngơi. Tôi muốn có nhiều thời giờ chăm sóc mẹ già và bù đắp những tổn thất của gia đình mình. Chiến tranh kết thúc rồi, tôi khao khát hàn gắn vết thương chiến tranh ngay trong gia đình mình. Anh có hình dung được không, một gia đình ba thế hệ, bị một chiến tuyến đẫm máu xé đôi...
- Cả nước ta bị đẩy vào hoàn cảnh như vậy...
- Vâng ạ. Nhưng sức chịu đựng của tôi có hạn. Tôi không có gì khao khát hơn là làm cho gia đình tôi đoàn tụ lại. Tôi đã nhiều lần nhìn thấy mẹ tôi khóc thầm một mình như thế nào... Tôi vừa mong mỏi, vừa cảm thấy mình bây giờ có quyền dành mọi tâm trí làm dịu nỗi đau của mẹ tôi!
- Tôi hiểu... Thế còn nghĩa vụ người đảng viên, nghĩa vụ một quân nhân?
- Tôi đã cân nhắc rồi anh ạ. Hơn nữa gia cảnh tôi như vậy mà lại làm việc tại Viện ta? Trước sau chắc sẽ khó tránh được điều này điều khác phiền toái. Rồi anh xem, kinh nghiệm bản thân đấy. Tôi tự nguyện tránh những điều phiền toái ấy trước khi xảy ra. Ngoài những điều vừa trình bày với anh, tôi không có lý do nào khác.
- Tôi khâm phục sự thẳng thắn của anh. - tướng Lê Hải lưỡng lự. - Nhưng bây giờ chưa thể nói gì. Tôi sẽ giúp anh đi Sài Gòn chuyến nữa, rồi về tính sau. Được không? Tôi thấy...
- Vâng. Xin cảm ơn anh. - Nghĩa cắt ngang lời thiếu tướng, đột ngột đứng dậy bắt tay và cáo lui.
Tướng Lê Hải ngơ ngác. Ông đoán Nghĩa muốn dồn mình sớm quyết định.
Nghĩa đã ra khuất sau cửa rồi, thiếu tướng vẫn đứng sững nhìn theo.
Một cử chỉ kỳ lạ mình chưa hề thấy ở con người điềm đạm này...
Dụi tắt điếu thuốc đã cháy gần hết, thiếu tướng đi đi lại lại giữa phòng làm việc.
... Xưa nay Nghĩa vốn là người điềm đạm, bình tĩnh... - Thiếu tướng cố hình dung lại câu chuyện. Xin đi gặp em ngay, cả em gái anh ta nữa.., còn nhiều người thân khác sống ở Mỹ... Tất cả những điều này mình thông cảm được. Nhưng xin giải ngũ? Nghĩa sợ mình hỏi han dài dòng nên rút lui ngay?...
... Tránh những điều phiền toái trước khi chúng có thể xảy ra! Mình hiểu chứ, hiểu cách suy nghĩ này của Nghĩa. Một cơ quan có nhiều chuyện cơ mật, họ hàng ruột thịt như thế, hiển nhiên là bất tiện rồi. Nhưng Nghĩa có chọn được họ hàng ruột thịt của mình đâu, hơn nữa đã từng suốt đời đứng trong quân ngũ cho đến nay! Không ít người có công lao chức tước thì quay ra đòi đãi ngộ, tư tưởng công thần từ chân đến tóc. Nhưng anh chàng này lại xin giải ngũ. Lời cầu xin của một người có nhân cách?.
Châm điếu thuốc mới, thiếu tướng tự nêu ra cho mình những câu hỏi khác. Ông biết Nghĩa hơn chục năm nay, đã từng là cấp trên trực tiếp của Nghĩa tại mặt trận miền Trung, rồi cấp trên cao hơn nữa của Nghĩa. Ông hơn Nghĩa đúng một giáp, nên cũng có thể coi Nghĩa vừa là bạn chiến đấu, vừa là bạn vong niên... Càng hiểu con người này, Lê Hải càng không thể chấp thuận đề nghị giải ngũ. Giữa ông và Nghĩa có nhiều điều rất hợp nhau, bổ sung cho nhau. Chỉ có hành trình cuộc đời quân ngũ của hai người trong kháng chiến chống Mỹ là trái chiều nhau. Ông từ Nam đi dần dần ra Bắc, còn Nghĩa từ Bắc vào Nam.
Ông Lê Hải đi từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp trong đoàn quân Nam tiến - hành quân từ chiến khu Thái Nguyên về Hà Nội tham gia Tổng khởi nghĩa, rồi đi thẳng vào tận Nam Bộ. Thử thách lớn đầu tiên đối với ông là tổ chức du kích ngay trong nội thành Sài Gòn.
Đây là một vị tướng của một quân đội cách mạng, bắt đầu binh nghiệp từ một chiến sĩ chân đất trên núi rừng Việt Bắc. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) 1954 ông tình nguyện không tập kết. Cuộc vũ trang chiến đấu chống Mỹ - nguỵ ở miền Nam càng phát triển, ông càng được điều dần lên phía Bắc để phục vụ yêu cầu nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, phát triển quy mô kháng chiến. Nhờ vào nghị lực kiên trì và khả năng học hỏi phi thường, ông sớm trở thành một người chỉ huy giỏi. Đặc biệt là nhờ có kinh nghiệm tổ chức chiến đấu, sự dày dạn trong mọi hình thái chiến tranh qua các thời kỳ khác nhau, dần dần ông trở thành một nhà quân sự nổi tiếng cả vùng. Vào những năm từ 1966 trở đi, cục diện quân sự cho phép tính đến khả năng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào thời kỳ quyết định. Năm 1969 ông được lệnh rời chiến trường miền Trung về tăng cường cho Học viện Nghiên cứu quân sự. Ông trở về Hà Nội, nơi trước đó một phần tư thế kỷ ông đã ra đi.
Vì đã từng chỉ huy nhiều năm chiến trường miền Trung, ông Lê Hải biết khá rõ về Nghĩa. Chính ông là người trực tiếp xin thiếu tá thương binh Phạm Trung Nghĩa từ Quân y viện 108 về đơn vị mình, đưa lên quân hàm trung tá.
Là người từng trải những đau thương của chính bản thân mình, ông Lê Hải vừa nhạy cảm, vừa có cái nhìn riêng sâu sắc về cuộc sống và con người. Sinh ra từ một gia đình nông dân vùng thuốc lào Vĩnh Bảo, cố gắng tột bực của gia đình là lo cho ông học xong trường làng, hồi đó chỉ có đến lớp 3 (cour élémentaire)... Đường đời của ông đến đây đi vào ngõ cụt đầu tiên. Bố mẹ ông sinh hạ bảy người con, nhưng chỉ có bốn sống sót, ông là con trưởng. Gia sản chưa đầy một sào ruộng trồng thuốc lào và mấy miếng đất thổ cư do tổ tiên để lại, nhưng với sáu miệng ăn mẹ ông dù tần tảo đến mấy, quanh năm giật gấu vá vai mà vẫn không xong.
Tròn 17 tuổi, người thanh niên nông dân Lê Đình Hải xin phép bố mẹ ra Cẩm Phả làm phu đào than, nhờ chú ruột ông ngoài ấy là thợ đi lò giúp đỡ. Bố mẹ ông chấp thuận, nhưng với điều kiện trước khi đi ông phải lấy vợ để có người đỡ đần cha mẹ. Cô Tấm, người con gái xóm trên, trở thành con dâu cả họ Lê. Cô hơn chồng hai tuổi. Lê Đình Hải ra mỏ đúng vào lúc phu than ngoài Cẩm Phả nổi dậy đấu tranh đòi tăng lương. Vào thời điểm này chính phủ xã hội của Léon Blum ở Pháp đổ, bọn thực dân ở Việt Nam thẳng tay đàn áp công nhân. Một số công nhân mỏ bị bắn chết, một số bị bắt đi tù vì bị tình nghi là cộng sản, trong đó có người chú ruột của Lê Đình Hải. Rất may Hải được mấy người bạn của chú cưu mang. Hai năm sau vụ đàn áp đẫm máu, năm 1939, ông chú và mấy người cùng bị bắt được tha vì không đủ chứng cớ. Ông chú quay về Cẩm Phả, bảo ông bỏ nghề đi mỏ, về quê chào gia đình, rồi cả hai đi biệt tăm...
Ông đã tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội ngày 19 tháng Tám. Hai tháng sau, ông về chào gia đình để gia nhập đội quân Nam tiến, với cái tên mới là Lê Hải. Lúc này Sơn, đứa con trai đầu lòng đã năm tuổi... Kẻ ở người đi đều không hay biết đấy cũng là lần vĩnh biệt không hẹn trước. Cả gia đình ông và một số khá đông người trong làng bị giặc Pháp sát hại trong trận càn năm 1950. Giặc Pháp cho rằng làng này là nơi quân ta xuất phát tấn công sân bay Cát Bi. Ông biết tin này khi hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) 1954 được ký kết, và đấy là một trong những lý do khiến ông khăng khăng xin ở lại không tập kết. Cuộc đời ông đi vào một thời kỳ chiến đấu mới ác liệt gấp bội...
Mình hiểu rất rõ con người này... - tướng Lê Hải ngẫm nghĩ. Gia đình Nghĩa ở Hà Nội mình biết như trong lòng bàn tay. Phần họ hàng ruột thịt trong Nam Nghĩa ghi tỷ mỷ trong lý lịch, điều này mình nắm chắc. Gần ba mươi năm tuổi quân, đi từ chiến trường giải phóng Nghĩa Lộ, Sơn La, Lai Châu rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng đơn vị hành quân vào mặt trận miền Trung từ 1966... Thế nhưng tại sao bây giờ lại xin giải ngũ? Cái gì nằm trong đầu người sĩ quan từng trải và được nhiều người mến mộ này?.. Hay là có điều gì khiến anh ta phải tự đặt vấn đề như vậy? Một quyết định của người từng trải? Một cú sốc lớn về tinh thần?
... Mới cách đây khoảng bốn năm, nhà giáo nhân dân Phạm Trung Tuyên, cha của Phạm Trung Nghĩa, cùng với vợ chồng người con trai út Phạm Trung Minh và đứa cháu nội lên ba tuổi bị trận bom B52 huỷ diệt phố Khâm Thiên giết chết. Đúng vào hôm vợ chồng Minh tổ chức sinh nhật cho con trai, một tuần sau khi gia đình lớn của nhà giáo Phạm Trung Tuyên tổ chức ăn mừng cụ thượng thọ 70. Lúc này cụ Tuyên bà tuổi ta là 67.
Trong trận bom hôm ấy, cụ Tuyên bà bị hơi bom hất vào bên dưới gầm cầu thang, rất may là được tự vệ phố moi lên kịp thời nên cứu được.
Phạm Trung Minh là nhà vật lý trẻ đang có nhiều triển vọng. Minh tham gia nhóm công tác đặc biệt của của Viện khoa học Vật Lý. Sau hơn một năm trời nghiên cứu, nhóm của Minh lặn lội khu vực cảng Hải Phòng mấy tháng ròng không nghỉ, áp dụng những sáng kiến kỹ thuật về kích nổ bằng ứng dụng những công nghệ sử dụng vi sóng, sóng từ... để phá thuỷ lôi và bom nổ chậm. Công lao của cỗ máy tính điện tử J2 duy nhất của Viện do Liên Xô giúp thật đáng ghi nhớ. Nhờ nó việc giải những bài toán, những phương trình đặt ra cho việc thiết kế các công nghệ kích nổ tiết kiệm rất nhiều thời gian và cho phép đi tới ba, bốn phương án tối ưu để lựa chọn. Việc phá thuỷ lôi và bom nổ chậm vừa kịp thời, vừa đạt hiệu quả cao làm cho Mỹ bất ngờ. Một vài tạp chí quân sự nước ngoài xôn xao về việc này. Nhóm của Minh được trên thưởng cho mười ngày nghỉ phép. Thế rồi cuộc ném bom huỷ diệt ập xuống. Lúc này Minh vừa tròn 30 tuổi, giữa lúc đang ôm mộng trở thành nhà vật lý hạt nhân. Minh đã có tên trong danh sách được cử đi nghiên cứu ở Viện Đúp-na.
Tuy đang thời sơ tán, nhưng nhân dân đi đưa đám cụ Phạm Trung Tuyên và gia đình Minh đông lắm, trong đó có nhiều thế hệ học trò của cụ. Mọi người còn nhớ thầy giáo Phạm Trung Tuyên là một trong những người có công lớn xây dựng nền trung học phổ thông của Liên khu Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp. Về dậy học ở Hà Nội sau hoà bình 1954, cụ hai lần được Bộ Giáo dục khen thưởng, một lần là chiến sĩ thi đua toàn quốc, trước khi nghỉ hưu cụ được tặng Huân chương Lao động hạng nhất...
Đúng vào lúc B52 Mỹ ném bom rải thảm xuống phố Khâm Thiên, Phạm Trung Nghĩa vừa mới bị cưa ống chân phải, sau lần mổ thứ tư không thành công tại trạm quân y trong rừng Lao Bảo. Trung đoàn của Nghĩa thuộc cánh quân đầu tiên tham gia hạ thành Quảng Trị và sau này cũng là trung đoàn chốt giữ nội thành đến giờ phút cuối cùng.
Cuộc tiến công vũ bão hạ thành Quảng Trị rất quyết liệt. Sau 40 ngày chiến đấu, các sư đoàn của quân ta đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của giặc từ Cửa Việt đến Hải Lăng. Mỹ nguỵ đã từng gọi hệ thống phòng ngự này cái lá chắn thép bảo vệ toàn bộ Cộng hoà Việt Nam. Lúc này là giai đoạn cao điểm của thời kỳ Mỹ hoá cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam và là thời kỳ không quân Mỹ đánh phá dã man nhất trong chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Ngày 2 tháng 5 quân ta hoàn toàn giải phóng tỉnh Quảng Trị. Tư lệnh trưởng quân khu I chạy thoát nhưng sau đó bị cách chức. Sài Gòn phải điều tư lệnh trưởng quân khu 4 là tướng Ngô Quang Trưởng lên thay.
Sau này, ai cũng biết khối lượng bom đạn Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam gấp hai lần chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhưng mật độ bom đạn trong khu vực nội thành Quảng Trị có lẽ là cao nhất trong toàn bộ lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ. Yếu tố bất ngờ qua đi, trong khi đó các mũi tiến công tiếp theo của ta tiến sâu vào Thừa Thiên Huế bị chặn lại. Mỹ nguỵ có đủ thời giờ huy động tổng lực phản công chiếm lại Quảng Trị. Việc chốt giữ thành gian khổ và đẫm máu gấp bội so với lúc hạ thành. Ta và giặc giành giật nhau từng thước đất trong nội thành dưới bom đạn ác liệt.
Có trận đánh ban đêm trong nội thành mới được vài giờ, trung đoàn của Nghĩa hy sinh gần hai đại đội. Nửa đêm phải đưa quân mới vào bổ sung. Nhưng chưa đầy hai tiếng đồng hồ sau đó, lực lượng bổ sung cho đơn vị Nghĩa lại hy sinh gần hết. Những trận đánh đẫm máu như thế diễn đi diễn lại nhiều lần. Ban chỉ huy trung đoàn của Nghĩa cũng chỉ còn lại một mình Nghĩa! Ngày đêm các loạt mưa bom của B52 và trọng pháo giặc từ các cao điểm phía Nam nội thành giặc chiếm lại được đã biến trận địa thành một cái cối xay thịt. Nghĩa ghi trong nhật ký chiến đấu của mình: Ngày 28 tháng sáu không quên... Đó cũng là ngày lực lượng chốt thành được lệnh rút khỏi nội thành.
Đến ngày thứ 116 kể từ thời điểm hạ thành, đơn vị Nghĩa rút về vành đai cuối cùng bao vây nội thành ở phía Bắc Thạch Hãn. Một quả đạn pháo giặc nổ sát ngay công sự chỉ huy của trung đoàn, người và đất cát chung quanh Nghĩa bị tung lên. Thiếu tá trung đoàn trưởng Phạm Trung Nghĩa chỉ còn là một cái xác thoi thóp. Đồng đội chung quanh kéo lê Nghĩa dưới chiến hào lui ra phía sau, rồi chọn một người khoẻ nhất cõng anh chạy tiếp dưới bom đạn về phía hậu tuyến. Số còn lại phải quay về vị trí chiến đấu, vì lực lượng ta ngày càng mỏng.
Không biết phải cõng Nghĩa chạy như thế trong bao nhiêu lâu, khi giao được Nghĩa cho trạm cứu thương đầu tiên, người chiến sĩ cõng Nghĩa nhét vội vào túi áo ngực của Nghĩa một thứ gì đó rồi chạy trở lại. Lúc này Nghĩa hoàn toàn bị điếc, cả chân phải chỉ thấy những cục máu đen sẫm bám vào những mảnh thịt như bị các thanh nứa cứa nát, bàn chân phải không còn nữa. Nghĩa ngất đi nhiều lần vì đau và mất nhiều máu.
Thiếu tá Phạm Trung Nghĩa là người duy nhất còn sống của trung đoàn mình ban đầu khi ra quân.
Đầu tháng 9 năm 1972, quân ta rút khỏi Quảng Trị.
Khi chuyển được Nghĩa ra tới Quân y viện 108 cuối tháng giêng năm 1973, lúc đó người ta mới cho Nghĩa biết tin bố và gia đình em út bị B52 giết chết. Thiếu tá thương binh Phạm Trung Nghĩa chịu đựng những mất mát lớn lao này với tất cả nghị lực của một chiến sĩ đã không biết bao nhiêu lần đối mặt với cái chết. Nghĩa có người anh cả, Phạm Trung Chính, kỹ sư xây dựng giao thông nổi tiếng, tác giả của biết bao nhiêu loại cầu ngầm, đường ngầm, cầu treo, đường ống dẫn dầu..., được ứng dụng trên tuyến đường Hồ Chí Minh.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình như thế, một chiến sĩ, một sĩ quan như thế... bây giờ xin giải ngũ? Thiếu tướng Lê Hải đi đi lại lại trong phòng, tự hỏi, tự trả lời. Đến điếu thuốc thứ ba, cuộc đối thoại với chính mình vẫn tiếp diễn...
Sau bữa cơm tối ở nhà ngày hôm ấy, Nghĩa lấy cái Babetta - xe máy tiêu chuẩn nhà nước cấp cho thương binh cấp tá, đi đến nhà anh trai Phạm Trung Chính ở phố Hai Bà Trưng. Nghe tiếng xe máy quen thuộc, hai con của Chính nhao ra:
- Bà ơi, chú Nghĩa đến. Chú Nghĩa. Cháu chào chú ạ...
- Cháu chào chú ạ.
- Chào hai cháu. Nhà ăn cơm chưa?
- Rồi ạ, mẹ cháu đang rửa bát. - Loan, đứa cháu gái lanh chanh, hai tay bíu lấy cánh tay Nghĩa. Nam, đứa cháu trai dắt xe cho chú.
- Con gái lớn thế này mà để mẹ rửa bát à?
- Mẹ cháu chỉ phân công cháu xếp hàng mua rau và thổi cơm chiều thôi ạ. Chắc mẹ cháu muốn cháu trở thành kỹ sư cấp dưỡng.
- Sinh viên con gái biết làm bếp giỏi, sau này chồng con được nhờ. Nhưng đừng bắt chước em Mai nhà chú. Nó vừa để mất cả ba tháng tem phiếu đấy, không biết là đánh rơi hay bị mất cắp.
- Thôi chết, thế lấy cái gì mà ăn hả chú?
- Thím Nguyệt sẽ phải chia khẩu phần mọi người nhỏ đi!
- Chú đừng lo, ở nhà cháu tem phiếu mẹ cháu quản hết. Nhưng anh Nam cháu lại được mẹ cháu ưu tiên không phải làm gì. Anh ấy còn có biết bao nhiêu thời giờ để vẽ. Con gái bao giờ cũng thiệt.
- Chú đừng nghe cái Loan. Mẹ cháu chỉ ưu tiên cho cháu học kỳ này thôi ạ. Nhưng ngày nào cháu cũng dán tương trợ cho em Loan cháu 10 hộp các-tông.
- Anh đã bảo là tương trợ thì không tính kia mà. Chú ơi, mẹ cháu lúc nào cũng bênh ông hoạ sỹ vô danh này chằm chặp.
- Chú xem, em Loan lúc nào cũng tức vì không biết vẽ như cháu.
- Chú Nghĩa ơi, Phạm Trung Picasso, hay Phạm Trung Van Gogh, đặt tên cho anh cháu như thế nào là hợp ạ?
- Ê, ê. Đấy là hai hoạ sĩ thuộc hai trường phái hoàn toàn khác nhau, thế mà lại đem gán vào cho một mình anh thì đúng là em không bao giờ học vẽ được! - Tuy vẫn phải một tay dắt xe cho chú Nghĩa, Nam vẫn lấy tay khác quệt lên má Loan một quệt dài.
- Thôi thôi, chú không dại gì dây vào chuyện của hai anh em cháu. Mậu dịch hồi này có giao đều gia công dán hộp cho nhà mình không?
- Hồi này thất thường lắm chú ạ. - Loan không để anh trả lời.
- Nam thi tốt nghiệp năm nay phải không cháu?
- Vâng ạ...
- Mẹ là bác sĩ, con sẽ đậu thủ khoa chứ?
- Cháu không dám mơ. Nhưng bác sĩ quân y thời bình chắc không có cơ hội chứng tỏ sự dũng cảm của mình như chú đâu ạ.
- Ví dụ bằng cách nào?
- Ví dụ như... băng bó chân cho chú ngoài chiến trường.
- A, chàng trai này bẻm mép.
Nghĩa bước vào đến nhà mọi người đã có mặt đông đủ ở phòng khách. Ai cũng nóng lòng về cuộc đến thăm này.
- Con chào mợ. Em chào anh chị. - Nghĩa vừa chào vừa chạy lại phía mẹ.
- Mong con suốt cả ngày hôm nay. - bà cụ giơ hai tay khẳng khiu ôm lấy Nghĩa. Cụ vừa đi vừa dựa vào Nghĩa - Ngồi xuống đây con. Mợ biết con về tối qua, Chính đã kể sơ sơ. Con kể đi. Ai còn sống? Ai chết? Khổ thân cho cháu Mạnh. Biết những gì kể đi. Có đúng Lễ và Hoài còn sống không? Chú thím Học đi Mỹ thật rồi à? Những mất mát trong gia đình chúng ta lớn quá. Bây giờ thêm sự chia ly... Mỗi người một phương...
- Sau khi nói chuyện điện thoại với em tối hôm qua, sáng nay anh đã kể với mợ. - Ông Chính xen vào, vừa nói vừa pha chè, rồi loay hoay đẩy các chồng hộp các-tông gia công cho mậu dịch sang một bên để kiếm chỗ kê cái quạt. Tiếng cánh quạt tai voi kêu vè vè... Cụ Tuyên bà xoay người né sang một bên vì không chịu được gió.
- Như thế là anh Chính đã kể cho mợ nghe hết rồi đấy ạ. Máy bay cất cánh chậm mất hai tiếng, mãi đến tám giờ tối hôm qua con mới tới Nội Bài. Về đến nhà khá muộn, con đành chỉ gọi điện thoại cho anh Chính thôi ạ. - Nghĩa quay ra nhận tách nước ông Chính đưa cho - Sáng nay em đã báo cáo với Học viện rồi. Có lẽ chỉ khoảng một hai tuần sau em lại bay vào trong ấy, anh Lê Hải đồng ý giúp rồi anh Chính ạ. Lễ còn sống, Hoài còn sống. Chắc chắn như vậy mợ ạ. Nhưng con chưa gặp được ai cả. Vào lần sau, nếu lại đi nhờ được máy bay quân sự thì đỡ mất tiền vé. Không nhờ được thì chạy tiền mua vé hàng không dân dụng. Chỉ có điều các chuyến bay của hàng không dân dụng thất thường lắm.
- Lễ và Hoài còn sống sao con không cố tìm đến chỗ các em? Trời ơi mấy chục năm nay rồi...
- Con muốn lắm mợ ạ. Lễ đang ở trại cải tạo, khá xa thành phố. Ban Quân quản cho con địa chỉ rồi, con đã liên hệ được với trại cải tạo bằng điện thoại. Nhưng ban chỉ huy trại cho biết tất cả sĩ quan nguỵ lúc này chưa được phép tiếp xúc với người nhà - vì đang là thời gian học tập để tự khai báo.
- Lễ làm gì mà phải vào trại cải tạo hả con? Có sớm được ra không?
- Đại tá nguỵ mẹ ạ, đại tá lục quân, nghe đâu những năm gần đây làm việc gì đó trong Bộ Quốc phòng hay trong Bộ Tổng tham mưu của quân đội nguỵ.
Ngoài ông Chính ra, cả nhà ngơ ngác. Bà Hương - vợ ông Chính, Loan và Nam ngồi im kiên nhẫn chờ đợi nghe tiếp. Cụ Tuyên bà hai tay run run bám vào vai ông Nghĩa:
- Chết, nó làm to như thế cho Mỹ nguỵ liệu có phải tù lâu không con? Nếu có nợ máu nữa thì sao? Cả nhà mình ngoài này theo cách mạng... Chắc nhà mình trong đó còn nhiều người khác làm cho Mỹ nguỵ. Ông trời sao mà tai ác thế.
- Có khi quân chú Nghĩa và quân chú Lễ đã bắn nhau tơi bời trong trận nào đó rồi cũng nên. - Nam nói chen vào lời than vãn của bà nội.
- Trời ơi là trời! - cụ Tuyên bà rú lên, hai tay ôm chặt lấy ngực, đầu gục xuống.
Bà Hương và ông Chính vội lao thẳng đến chỗ cụ. Bà ngoái lại mắng con:
- Nam, sao con nói năng linh tinh thế!
- Chết, cháu xin lỗi bà ạ. Con xin lỗi cả nhà ạ!..
- Mợ, cháu Nam tưởng tượng ra như vậy thôi, mọi chuyện đã qua rồi. Làm gì có chuyện chúng con bắn nhau bây giờ nữa ạ!
- Ông Nghĩa cố tìm cách làm cho câu chuyện nhẹ nhõm đi, nhưng chính ông cũng thấy lòng mình thắt lại. - Để con kể tiếp mợ nghe. Đúng như anh Chính nói, ngày xưa chú Học làm cho chi nhánh nhà in IDEO (Imprimerie d’Extrême Orient) của Pháp ở Sài Gòn, con nhớ lời dặn này nên mới lần ra đầu mối. Con nhờ một anh bạn trong Ban Quân quản Sài Gòn tìm tòi trong giới kinh doanh ngành in xem có tăm tích gì không. Lục lọi mãi, họ thấy chủ nhà in Ánh Sáng có tên là Phạm Trung Học... Anh ấy đoán đấy có thể là người chúng ta định tìm nên tìm thêm cho con một vài điều về nhà in này. Vào tới Sài Gòn, trước tiên con tìm địa chỉ mợ và anh Chính dặn. Hỏi thăm mãi mới biết tên phố mới do chính quyền nguỵ đặt là đường Phát Diệm. Đến nơi, chủ nhà cho biết: ngày xưa có Ông Phạm Trung Học ở đây, không biết là Học nào, nhưng chuyển đi nơi khác lâu lắm rồi. Sau đó con mới tìm đến địa chỉ ông chủ nhà in Ánh Sáng, ở phố Gia Long... Sài Gòn rộng quá, loay hoay mãi mới tìm được cái xích lô. Đến nơi, trời đã gần tối. Nhà riêng của ông chủ nhà in này khá to và đẹp. Con sợ đây có thể là một ông Học khác....Thiếu gì người trùng cả tên lẫn họ, nhưng đã cất công vào đến đây chẳng nhẽ về không. Con phân vân quá, cứ đứng mãi trên vỉa hè. Bấm chuông mấy lần mới có một ông đã khá cao tuổi ra mở cổng. Đó là ông quản gia. Trong nhà chỉ còn lại mỗi gia đình ông này. Hỏi ướm con đủ mọi chuyện, biết con là cháu chú Học, họ giữ con ở lại ăn cơm. Con nhận lời để muốn nghe thật nhiều chuyện. Càng hỏi ra, càng đúng là chú Học nhà mình thật mợ ạ. Con trả lời trôi chảy nhiều câu của ông già để gợi chuyện. Hoá ra ông quản gia biết cậu là nhà giáo, nói rõ tên họ cậu mợ, chú Tuấn, chú Phương, tên anh Chính, tên con, và em Minh, biết tên một số các cô các chú khác nữa ngoài này. Nhưng ông ấy không biết chú Tuấn, chú Phương đã hy sinh, không biết cậu và gia đình em Minh bị bom Mỹ giết chết, mà con cũng chưa muốn kể vội. Như thế chứng tỏ chú thím Học và các em chưa hay biết tý gì về ai còn ai mất ngoài này mợ ạ. Ông quản gia nói đích xác Lễ đã vào trại cải tạo, gia đình Lễ vẫn ở Sài Gòn.
- Tại sao nhà chú Học chỉ còn mỗi gia đình ông quản gia? - bà Hương thắc mắc.
- Ông quản gia cho biết: tháng giêng 1973 thấy Hội nghị Paris nhúc nhích, chú Học vội đưa tất cả gia đình và con cháu sang sinh sống tại California, đem theo cả gia đình Hoài. Bốn tháng sau Mạnh chết trong trận đánh vào Củ Chi, từ đấy chú Học bỏ hẳn việc làm ăn ở Sài Gòn. Nhà cửa và công việc kinh doanh của nhà in chú giao hết cho ông quản gia. Nghe nói một năm sau chú chuyển hẳn sang kinh doanh địa ốc và chứng khoán ở Mỹ. Theo lời ông quản gia, chú Học là một nhà kinh doanh giỏi.
- Chú thím Học vẫn có mỗi mình Mạnh thôi hả con?
- Vâng, chú thím cảnh nhà con một mợ ạ. Mợ còn nhớ không ạ, năm ấy nó là một thằng bé hiếu động, không lúc nào đứng ngồi yên một chỗ.
- Con nhớ rõ lắm mợ ạ. - ông Chính xen vào - Khi chú thím Học và Mạnh ra thăm chúng ta ngoài này, Mạnh lúc nào cũng quấn quít với Lễ và Hoài. Ba đứa nghịch phá như quỷ sứ. Mạnh nhất định không chịu về trong ấy cùng chú thím. Lúc sắp ra ga, Mạnh nước mắt ròng ròng, mếu máo, chân tay vùng vằng:...Con không về, con không về, con thích chơi với anh Lễ chị Hoài... Trong ấy con không có bạn. Dỗ thế nào cũng không được, chú thím Học đành xin cho Lễ và Hoài vào Sài Gòn chơi ít hôm...
- Mợ nhớ lắm chứ... - cả một quá khứ sống lại trong tâm trí cụ Tuyên bà.
- Vâng. Thế là cái ít hôm ngày ấy đã trở thành hơn ba chục năm, mợ ạ. Khó mà tưởng tượng nổi! - Nghĩa nói tiếp. - Ông quản gia kể Mạnh tốt nghiệp trường sĩ quan Đà Lạt sau Lễ 3 năm, khi chết là thiếu tá. Mạnh đã lập gia đình, có một con trai. Ông bà Học tuy chỉ có Mạnh, nhưng thực ra là có ba con, vì Lễ và Hoài ông bà quý như con đẻ, chăm lo cho đến lúc lập nghiệp, có gia đình riêng. Con nghĩ rằng chú thím Học rất tin cẩn ông quản gia...
- Chồng con của Hoài ra sao hả con?
- Chồng Hoài tên là Nhân, bác sĩ nha khoa mợ ạ. Nhà có tiền chạy, nên thoát được quân dịch. Vợ chồng Hoài có ba gái một trai. Theo ông quản gia thì cuộc sống nề nếp, sung túc. Ông quản gia kể: Nhân là con ông giáo Nguyễn Hiểu, một nhà Hán học nổi tiếng, hiện còn ở lại thành phố. Ông quản gia nói là bác sĩ nha khoa mà sang California thì đời sống kinh tế sung túc lắm.
- Vợ con của Lễ thế nào? Con có tìm đến nhà Lễ không?
- Vợ Lễ tốt nghiệp đại học luật mợ ạ, nhưng ở nhà làm nội trợ. Vợ chồng Lễ có một gái, một trai. Chắc chắn tất cả vẫn đang ở Sài Gòn. Ông quản gia cho con địa chỉ. Theo những điều ông quản gia kể thì có lẽ gia đình Lễ rất khó khăn. Vào đúng lúc Sài Gòn bắt đầu nhốn nháo, Lễ bị Nguyễn Văn Thiệu hạ lệnh tống giam, không biết vì lý do gì. Khoảng một tháng trước khi Sài Gòn giải phóng Lễ mới được thả, được phong lên đại tá. Theo ông quản gia đấy chỉ là phong miệng thôi, chẳng thấy Lễ đeo lon mới. Hơn nữa lúc này Sài Gòn nhốn nháo lắm rồi... Khi tướng tá và quân nguỵ xô nhau di tản, Lễ cũng chạy ngược chạy xuôi tìm cách đưa cả gia đình đi. Nhưng hình như không kịp. Từ khi Lễ vào trại cải tạo, vợ Lễ hoang mang lắm, không tin ai cả, không dám tiếp người lạ. Chính vì thế con định tìm cách đi thăm Lễ sớm rồi mới đến thăm cô ấy và hai cháu. Con nghĩ phải tìm cách đi thăm Lễ càng sớm càng tốt. Lúc này gia đình Lễ rất cần chúng ta.
- Giá mà chú cứ ghé thăm thím Lễ một tý thì hơn. - bà Hương vợ ông Chính thốt lên.- Em cân nhắc kỹ rồi, chắc mươi hôm nữa em lại vào lại mà...
- Con có lấy được địa chỉ của chú Học và Hoài ở bên Mỹ không?
- Dạ có ạ. Anh Chính và con đã bàn với nhau sẽ viết thư sớm cho vợ chồng Lễ, chú thím Học và Hoài.
- Thế còn nhà bác Sương?
- Về họ hàng nhà mình trong ấy ông quản gia biết ít thôi, nhưng có biết bác Sương. Theo ông quản gia, bác mất có lẽ đến chục năm nay rồi mợ ạ... Các chị con bác Sương đều có gia đình, nhưng di tản hết rồi.
Câu chuyện dần dà biến thành cuộc hỏi và trả lời giữa cụ Tuyên bà và ông Nghĩa. Cả một quá khứ hơn ba chục năm về trước sống lại, bị chiến tranh ngắt quãng nhiều đoạn, nhưng cụ còn minh mẫn và đặt ra những câu hỏi rành rẽ... Có thể lòng thương yêu vô bờ bến dành cho chồng con và những người ruột thịt đem lại cho cụ nghị lực bền bỉ và sự minh mẫn lạ thường, mặc dù cụ chỉ còn như một tàu lá khô, lìa cành bất kỳ lúc nào. Ông Chính là con cả trong nhà, nên hiểu nhiều nhất tâm trạng mẹ mình trong những câu hỏi đặt ra.
Cả nhà đồng ý Nghĩa phải quay vào Sài Gòn sớm, và mọi người sẽ góp sức thực hiện việc này. Nếu không đi nhờ được máy bay quân sự thì đành bán những gì có thể bán được hoặc đi vay loanh quanh đâu đó mua vé hàng không dân dụng, cùng lắm là đi nhờ ô-tô.
Tiễn Nghĩa ra đến cổng khu tập thể. ông Chính còn đứng lại nói chuyện với em một hồi lâu nữa.
- Anh vừa mừng Lễ và Hoài còn sống, vừa bàng hoàng về việc Lễ vào trại cải tạo và cái chết của Mạnh. Sau khi nói chuyện điện thoại với em, cả đêm hôm qua anh không ngủ được. Chú Tuấn, chú Phương là liệt sĩ. Cậu không còn nữa, gia đình Minh không còn nữa, em là thương binh. Không thể so với những tổn thất của đất nước, song chiến tranh đã cướp đi của gia đình chúng ta nhiều quá...
- Cuộc chiến tranh này ác nghiệt quá anh ạ.
- Mong sao... - ông Chính dừng lại không dám nói tiếp ý nghĩ của mình. Ông đang nghĩ đến mẹ.
- Mọi điều lành dữ sau chiến tranh đều có thể, anh ạ. Nhưng bây giờ hãy còn quá sớm để ngẫm nghĩ điều gì.
- Chúng ta có đủ lý trí, thế mà vẫn phải gắng gượng vượt lên sự tan nát trong lòng... Huống chi mợ... Anh rất lo cho mợ... Nhất là bây giờ cậu không còn nữa... Cháu Nam suy diễn đúng đấy, chỉ còn thiếu cảnh ngộ em và Lễ bắn vào đầu nhau nữa thôi! Cùng sinh ra từ một nhà...
- Ruột gan em thắt lại khi thấy mợ rú lên vì câu nói của Nam! Ngồi trên máy bay trở về Hà Nội, em cố gạt hết mọi lý lẽ để tìm câu trả lời: Giả thử đụng độ với nhau trên chiến trường, em và Lễ có dám nhìn thẳng vào mặt nhau mà bắn không?.
- Chiến tranh đã kết thúc, nhưng câu trả lời không dễ, có phải không?
- Em thực lòng không có câu trả lời. Dù đấy chỉ là câu hỏi duy lý!
- Đành chịu số phận sắp đặt?
- Vâng ạ.
- Ôi thân phận con người chúng ta!
- Anh ạ, trong chiến tranh em đã chứng kiến nhiều cảnh gia đình bị chia thành hai chiến tuyến... Nhưng đến khi chính mình phải đối mặt với cảnh ngộ này... Ôi, không tưởng tượng nổi anh ạ! Anh cũng không thể bắn vào đầu em được, có phải thế không anh Chính? Anh có thể nhằm vào em mà bắn được không?
- Nghĩa! Anh hiểu. Thấy người đứt tay, hoàn toàn khác với chính mình bị đứt tay!
- Từ vài hôm nay, lúc nào nghĩ đến điều này, người em cứ bừng bừng như phát sốt.
- Mợ quá mong em. Suốt từ sáng, cứ chốc chốc mợ lại nói một mình điều gì lầm rầm, đứng ngồi không yên, chân tay lẩy bảy. Có lúc mợ còn khóc nữa làm anh sợ quá. Sáng nay anh đành phải gọi điện thoại đến cơ quan xin phép vắng mặt, không dám để mợ ở nhà một mình như thế này.
- Gần như suốt cả chuyến bay, em cố hình dung Lễ và Hoài bây giờ như thế nào, cuộc sống của Lễ trong trại cải tạo. Ngày xưa có biết bao nhiêu kỷ niệm giữa anh em chúng mình, rồi cả Mạnh nữa...
- Anh vẫn thường chế giễu Lễ là công tử nhõng nhẽo, còn Hoài là công chúa bà già.
- Anh còn nhớ hôm ba anh em chúng mình được cậu mợ cho phép dắt nhau đi chơi bằng tầu điện đến Cầu Giấy không? Lần đầu tiên em được ra ngoại thành! Hoài bé quá không được đi cùng, khóc mãi. Ba đứa chúng mình suýt lạc nhau trong rừng nứa ở đền Voi Phục, sau đó đi bộ đến chùa Láng. Lúc trở về, Lễ vừa khóc vừa bò ra đường, anh và em phải thay nhau cõng nó từ chùa đến bến tầu điện...
- Nhớ. Hôm đó tụi mình bị mắng vì về nhà quá muộn.
- Còn bây giờ? Có lúc em nghĩ, Lễ sống sót vào trại cải tạo là nhà mình vẫn còn có phúc lớn! Thà như thế còn hơn...
- Đúng thế. Vẫn hơn là anh em nhằm vào nhau mà bắn...
- Tự tay em đã có những lần bắn Mỹ, bắn dữ dội. Có lần em đã cầm lấy AK của một chiến sĩ vừa ngã xuống, trút cả băng vào tên lính Mỹ trước mặt, lẽ ra chỉ cần một viên là đủ. Nhưng khi nhằm vào những lính nguỵ, em vẫn thấy có gì đó gợn gợn trong lòng mình... Bây giờ em càng hiểu rõ hơn điều này.
- Chuyện gì xảy ra đã xảy ra rồi.
- Em lo chưa biết chúng mình sẽ còn phải gánh chịu thêm những hậu quả gì nữa sau chiến tranh anh ạ. Sau khi cậu và gia đình em Minh mất, sức khoẻ và tinh thần mợ sa sút rõ rệt. Bây giờ mợ lại phải chịu thêm sự giày vò mới... Anh Chính ạ...
- Gì vậy em?
- Em lo thời gian của mợ không còn nhiều.
- Chính vì thế em đã quyết định xin giải ngũ?
- Vâng. Em tự cho mình là đã làm trọn phận sự với đất nước, bây giờ em muốn sống tất cả vì mợ, vì gia đình. Gia đình lớn của chúng ta tan vỡ, mất mát quá nhiều, bây giờ là lúc tự chúng ta phải lo hàn gắn lại.
- Anh sẽ hiệp lực cùng em. Đêm nay anh sẽ làm ngay việc viết thư đi Mỹ, mai gửi sớm. Chiều mai đi làm về, anh sẽ đạp xe xuống Bạch Mai báo tin thím Tuấn biết. Thím hồi này bắt đầu hay quên rồi.
- Ở tuổi thím, di tật tai biến mạch máu não như thế, trời để cho sống ngày nào biết ngày ấy thôi anh ạ.
- Thím có sự chịu đựng quá sức tưởng tượng, nếu không còn gay nữa. Cũng may là thím có Cúc bên cạnh.
- Chỉ khổ cho Cúc là chuyện chồng con lận đận quá Nghĩa ạ.
- Cuộc sống oái oăm là thế, em rất thương Cúc.
- Cúc lo được cho mọi người, nhưng lại lo cho mình không xong, có phải không Nghĩa?
- Còn anh em mình bây giờ phải lo chạy thi với thời gian. - ông Nghĩa xiết mãi tay anh trong tay mình.
Nghĩa ra về đã lâu. Nén hương trên bàn thờ cụ Tuyên bà thắp sau khi Nghĩa về đã cháy gần một nửa. Cụ thường thắp hương như thế khi xúc động trong lòng - không kể rằm, mùng một hay giỗ chạp gì cả. Cụ ngồi yên trên giường trước bàn thờ, hai tay chắp vào nhau, mắt ngước nhìn đâu đâu. Suy nghĩ của cụ hình như đang chờn vờn đuổi theo làn khói nhang mảnh mai bay lên không dứt. Ông Chính rất hiểu tâm trạng của mẹ trong những phút như thế. Ngồi nhìn mẹ một lúc, ông lặng lẽ rút sang phòng bên. Bà Hương, Nam, Loan thu dọn các việc đang làm rồi cũng đứng lên đi theo.
Ông ơi, ông sống khôn thác thiêng hãy phù hộ cho Lễ chóng được tha... Minh ơi, Thu ơi hãy phù hộ cho anh con... Các chú ơi hãy giúp các cháu... Lạy trời lạy phật cho tôi sức khoẻ để được gặp mặt các con các cháu tôi. Đất nước thống nhất rồi nhưng bây giờ gia đình tôi kẻ còn người mất. Lễ ơi, Hoài ơi bao giờ mẹ được gặp các con các cháu của mẹ... Trăm lạy thánh mẫu, ngàn lạy thánh mẫu, hãy phù hộ cho, các con các cháu tôi... Mạnh ơi, cháu còn nhớ bác không?
Cụ Tuyên bà ngồi yên, nhưng thỉnh thoảng vẫn lấy khăn tay lên thấm thấm nước mắt. Từng mảng đời xô dạt, va đập vào nhau, vỡ tung toé trong ký ức cụ. Không biết bao nhiêu đêm cụ khóc thầm vì nhớ Lễ và Hoài. Thời gian, sự vất vả của những năm tháng tản cư ra kháng chiến. Bom đạn, bệnh tật doạ sống doạ chết hàng ngày. Rồi lại đến những năm tháng sơ tán khỏi Hà Nội thời đánh Mỹ. Nhiều lúc nỗi nhớ héo hắt về hai đứa con lưu lạc làm cho ruột gan cụ khô quắt. Lại thêm những năm tháng canh cánh nỗi lo cho Nghĩa ngoài mặt trận, sống chết không biết thế nào. Những năm tháng đánh Mỹ, ông bà giáo sống chung với vợ Nghĩa để an ủi con dâu và đỡ đần thêm, vì vợ Nghĩa một nách hai con nhỏ. Mỗi lần có thư xa từ đâu về, dù là của ai, bà giáo Tuyên đều tìm một chỗ, khoanh tay ôm ngực ngồi chờ đợi. Không bao giờ bà giáo dám tự tay bóc thư đọc, vì trong lòng nơm nớp không biết lành dữ ra sao, miệmg lẩm nhẩm cầu trời cầu Phật. Chờ ông Giáo hay vợ Nghĩa đọc cho nghe xong rồi, bà mới thở phào buông tay xuống, lúc này mới tự mình cầm thư đọc lại... Cứ thế những lời tụng niệm nhiều lúc tự nó cứ vọng lên trong lòng... Năm năm, tháng tháng, ngày ngày, tích góp từng điều thiện nhỏ, từ trong ý nghĩ đến trong việc làm, cụ chỉ mong sao ở hiền gặp lành, mong đức từ bi thấu hiểu và độ trì cho hai đứa con lưu lạc và đứa con trên chiến trường...
|
|
|