Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Quê Hương Ngày Trở Lại Tác Giả: Lê Mỹ Hân    
     Như thường lệ, khi ngủ dậy, công việc đầu tiên tôi làm là bật máy điện toán lên để vào mail- yahoo xem có ai gửi thư từ gì cho tôi không, sau đó thì sẽ vào các trang mạng khác đọc báo, nghe radio… hoặc xem thiên hạ chửi nhau loạn xạ trên các diễn đàn khác rồi cười một mình.
    Vào một ngày cuối tháng 10 năm 2003, đang lang thang trong trang nhà Thư Viện Việt Nam thì cái điện thoại để bên cạnh réo um xùm, với tay chụp điện thoại tôi lên tiếng:
    - Mo shi mo shi (a lô).
    - Chị hả? Là em đây, mô si với chả mô sì.
    Tôi giật mình khi nhận ra tiếng em gái tôi hiện đang sinh sống tại Sài Gòn, lo lắng không biết có chuyện gì hệ trọng mà nó mới gọi điện thoại qua đây. Liền vội vàng hỏi:
    - Ở bên nhà có chuyện gì xảy ra thế?
    - Không có gì đâu, chẳng là trường cũ mình tổ chức lễ kỷ niệm bốn mươi năm thành lập. Gửi thư mời tất cả các cựu giáo viên và toàn bộ học sinh cũ của trường về tham dự. Bạn bè tụi nó gọi điện vào đây quá trời, kêu chị em mình về đấy. Vui lắm chị ơi! Mấy khi mới có dịp. Chị có về không? Chị về đi nhé. Em và chị Tư quyết định sẽ về tham dự rồi đấy.
    - Nghe ham quá hả? Nhưng để hỏi anh "Lùn" mi đã, vừa mới từ Việt Nam qua đây chưa được ba tháng lại đòi về, chắc chàng chửi tao chết. Từ từ đã nghen, để gọi điện hỏi chàng cái đã.
    - Thì chị cứ hỏi xin phép anh đi, rồi gọi về cho em sau. Nhớ quyết định sớm nhé.
    Gác điện thoại, tôi thừ người ra ngồi suy nghĩ, chẳng biết có nên về hay không? Vì trước khi nhận được tin này tôi đã có ý định đi Mỹ Du một chuyến, đơn xin Visa đã nộp tại Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo, chỉ còn vài ngày nữa là tới hẹn đến phỏng vấn, không lẽ lại hủy bỏ. Mà không về thì biết đến bao giờ mới có dịp gặp lại bạn bè, thầy cô, bà con lối xóm…và nhất là xem quê tôi thay đổi như thế nào. Chỉ trong vòng có vài phút, tôi quyết định "Về Nguồn" một chuyến. Tôi liền bấm máy gọi điện thoại cho chồng. Chồng tôi hết hồn khi nghe tôi có ý định về Việt nam tuần tới, chồng tôi bảo:
    - Em có bị làm sao không? Em vừa từ đó về chưa được ba tháng mà, còn chuyến đi Mỹ thì sao? Rồi…tết có về nữa không…?
    - Chuyến đi Mỹ hủy bỏ, Tết em sẽ không về nữa. Anh xem đặt vé máy bay cho em vào tuần tới, trước ngày 10 tháng 11 nghen.
    Chồng tôi nghĩ chắc tôi bị khùng, thích gì là làm nấy. Nhưng anh cũng không ngăn cản mà còn sốt sắng lo đặt vé máy bay cho tôi. Sáng ngày 9 tháng 11 năm 2003 tôi lên đường về nước, bắt đầu một cuộc hành trình về nguồn.
    Chuyến bay của tôi khởi hành lúc 11:30 sáng, tôi phải có mặt ở phi trường Narita trước hai tiếng đồng hồ, có nghĩa là tôi phải dậy sớm, phải chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng và rời nhà trước 8 giờ, vì từ nhà tôi lên phi trường không lỡ chuyến tầu nào thì cũng phải mất một tiếng rưỡi đồng hồ. Lúc nghe chồng tôi thông báo giờ giấc chuyến bay, tôi đã la làng đòi anh đổi lại vì tôi không thích ngồi máy bay của hãng hàng không Vietnam Airline, thứ nhất phải thức dậy sớm, thứ nhì vì sợ chết, dù sao ngồi máy bay của Nhật an tâm hơn nhiều. Chuyến bay của hãng hàng không Nhật thường cất cánh lúc 6 giờ tối, máy bay thật là bự, đầy đủ tiện nghi, thức ăn ngon và các em tiếp viên hàng không thì xinh như mộng… Nhưng chồng tôi không muốn phiền phức nên từ chối lời đề nghị thay đổi giờ giấc bất tử của tôi. Bực mình nhưng tôi cũng đành phải chấp nhận vì tôi không rành tiếng Nhật khó cho việc đặt vé máy bay.
    
- o O o -

    Vợ chồng tôi đến phi trường vào lúc 10 giờ sáng, tôi đứng chờ anh ở trước cổng vào làm thủ tục check in, để anh đến quầy lấy hành lý mà tôi đã gửi bằng dịch vụ vận chuyển nội địa JAMATO vài ngày trước. Lần nào cũng vậy, khi dự tính đi du lịch tôi đều gửi hành lý ra sân bay trước cho đỡ cực, từ nhà tới phi trường phải chuyển mấy lần tầu điện ngầm mà mang vác đủ thứ hành lý thì rất mệt. Tôi lại có bệnh tham lam, người nhỏ xíu nhưng lại bê mang đủ thứ giỏ xách lỉnh kỉnh, cái vali tôi sắm cũng thuộc ngoại cỡ, nếu chứa đầy ắp chắc cân nặng gần cả 50 kg. Mỗi lần đưa tôi ra sân bay về nước, chồng tôi hay càu nhàu vì hành lý tôi mang quá nhiều làm anh mắc cỡ. Anh vẫn thường bảo tôi nhìn biết ngay em là dân Việt Nam, chỉ mấy nước nghèo đó người ta mới tham lam mang nhiều như vậy, qua đây bao nhiêu năm rồi mà không thay đổi được tánh nết. Tôi mặc kệ, tha được bao nhiêu thì tha làm gì phải mắc cỡ, anh ta ngại ngùng thì cứ việc tránh xa tôi ra, có sao đâu!
    Tôi vào làm thủ tục check in có một mình, chồng tôi mang theo hành lý xách tay sang bên kia ngồi chờ. Qua bao nhiêu lần về nước tôi đã có kinh nghiệm, hàng xách tay không nên để cho nhân viên quầy check in biết, họ sẽ bắt cân lên hết và tính tiền phạt quá số lượng qui định, mà lần nào tôi cũng mang dư thừa cả. Đang đứng chờ tới phiên thì một cô gái khá trẻ đến bên tôi hỏi thăm:
    - Chị ơi! Chị về Sài Gòn chuyến này phải không?
    Tôi khẽ gật đầu, cô ta tiếp lời:
    - Vậy chị làm ơn cho em gởi má em với, má em cũng về chuyến này mà bà lại không biết tiếng Nhật, không rành đường đi nước bước. Chị giúp má em với nghen.
    - Được rồi! Chờ tôi làm thủ tục xong đã.
    - Cảm ơn chị nhiều! Em và má em chờ chị bên ngoài kia nghen.
    Cô ta đưa tay chỉ ra phía bên ngoài, nơi có để mấy hàng ghế cho thân nhân người nhà hành khách đưa tiễn có dịp trò chuyện trước khi vào cửa cách ly. Nơi đó, chồng tôi cũng đang ngồi chờ tôi ra.
    Đến phiên tôi làm thủ tục, tôi trình giấy thông hành và vé máy bay cho cô nhân viên ghi nhận, đưa cái vali lên bàn cân điện tử, hồi hộp xem nó nặng bao nhiêu ký lô. Sau khi xem xét giấy tờ và vé máy bay, cô ta mới ngó qua bàn cân xem hành lý của tôi có vượt mức qui định không. Con số chỉ 29,8 kg, cô nói với tôi một chàng tiếng Nhật, tôi làm bộ ngu ngơ không biết gì. Cô ta lại nói với tôi bằng tiếng Anh rằng hành lý của tôi vượt quá 5 kg, tôi phải đóng tiền phạt. Tôi tỉnh queo hỏi ngược lại, sao lần trước tôi cũng mang 30 kg không bị đóng phạt, lần này lại bị phạt…Cô ta bảo Vietnam Airline qui định chỉ cho có nhiêu đó thôi, cô kêu tôi chờ để cô ra hỏi Xếp xem sao. Cô bước tới bên một người đàn ông nói cái gì đó tôi không nghe rõ, rồi cả hai quay lại phía quầy tôi đang đứng chờ. Người đàn ông này cũng còn trẻ, là người Việt Nam. Anh ta hỏi tôi có mang theo hành lý xách tay không. Tôi giơ cái giỏ của mình lên. Anh ta gật đầu với cô nhân viên đồng ý cho hành lý của tôi được gởi đi mà không cần phải đóng phạt. Anh ta còn nói với tôi:
    - Tại cô là người Việt Nam tôi ưu tiên đấy! Chứ qui định mỗi người chỉ được 25 ký thôi.
    Tôi cảm ơn anh ta rồi đi ra phía ngoài. Tôi biết chuyện đó rồi, tôi đã mấy lần bị đóng phạt nên kinh nghiệm có thừa. Cứ giả bộ hết tiền, năn nỉ ỉ ôi một lúc là xong hết! Tiền đóng phạt ở Nhật khá cao, 2300 yên cho 1 ký lô (hơn 20 đô la), dại gì mà để bị đóng. Tôi ra đến ngoài bước lại phía chồng, chồng tôi vội hỏi:
    - Em có bị đóng phạt gì không mà sao lâu thế?
    Tôi nở nụ cười đắc thắng:
    - Không bị gì hết!
    Rồi tôi quay qua tìm cô gái hồi nãy nhờ vả mình. Cô và má cô cũng ngồi ngay đó, thấy tôi cô vội lên tiếng giới thiệu:
    - Má em đây nè chị! Chị cho má em đi theo với nghen.
    Cô quay qua nói với má:
    - Má cứ đi theo chị này, có gì không biết nhờ chị hướng dẫn giúp hén. Vợ chồng con phải đi về cho sớm. Từ đây về nhà xa lắm.
    Cô lại quay qua tôi xin số điện thoại để mai mốt có dịp gặp lại sau. Tôi lúng túng tìm cây viết trong giỏ xách, thấy vậy chồng tôi rút tấm danh thiếp của anh ra đưa cho tôi bảo ghi thêm số điện thoại nhà mình cho cô ta. Sau đó chúng tôi chia tay, cô và chồng đi về trước. Tôi ở lại nói chuyện với chồng mình một lúc nữa, dặn dò đủ thứ rồi mới cùng bà má cô gái đi vào phía bên trong. Chồng tôi ra về.
    Vào đến phòng chờ chúng tôi phải qua thêm một lần kiểm soát hành lý nữa. Lần này thì đơn giản hơn vì chỉ việc đưa hành lý chạy qua máy, thế là xong. Qua thủ tục này chúng tôi đi vào nơi kiểm soát thông hành, mọi giấy tờ tôi đã chuẩn bị hết ở nhà nên không cần phải ghi thêm gì nữa, chỉ mất chừng vài phút là được đi qua. Từ đấy đến phòng chờ khá xa, phải đi bộ, hành lý xách tay coi vậy mà nặng è cổ. Tôi mang theo ba cái giỏ xách và một cái vali nhỏ có bánh xe để kéo. Bà má thì mang hai cái giỏ, một đựng đồ lặt vặt giấy tờ hộ thân, một thì đựng mấy chai rượu ngoại quốc mang về làm quà. Tôi thấy bác lớn tuổi rồi nên xách giùm bác cái giỏ đựng rượu.
    Xách cái giỏ của bà lên tôi tái cả mặt, trời đất! Nó nặng quá! Tôi phải đưa bớt một cái giỏ nhẹ cho bác xách phụ vì hành lý của tôi khá nhiều. Tôi nói với bác:
    - Sao bác mang chi nhiều rượu thế này, một mình làm sao tha nổi.
    Bác cười trả lời:
    - Mấy đứa cháu tới chơi nó cho mang về làm quà, con bác nó cản mà bác tiếc rẻ nên mang theo hết.
    Tôi lắc đầu:
    - Cháu đã tham lam rồi mà bác còn tham hơn, từ đây đến chỗ phòng đợi xa lắm, xuống một cái cầu thang dựng đứng rồi đi tiếp một chuyến xe điện ngầm, lại phải đi bộ một khúc xa mới tới nơi đó bác à.
    - Cảm ơn cô, không có cô tôi chẳng biết xoay xở làm sao nữa!
    Tôi một tay kéo vali nhỏ trên để giỏ dựng rượu của bà già, một tay xách cái giỏ của mình nặng cỡ 7 ký lô, khoác bên vai cái túi xách đựng giấy tờ, tiền bạc, mỹ phẩm… đi về hướng mũi tên chỉ dẫn nơi có số cổng (gate) ra máy bay ghi trên vé. Bá già lẽo đẽo theo phía sau. Đến chỗ cầu thang cuốn đi xuống dưới để lên xe điện ngầm, tôi khựng lại, nhìn nó muốn chóng cả mặt. Cầu thang dựng đứng, dài cỡ 30 mét, đi chuyển liên tục làm tôi sợ. Lần nào đến chỗ này tôi cũng có cảm giác sợ vì mang quá nhiều hành lý, lỡ té một cái là tiêu đời…Tôi kêu bà già xuống trước, đứng đón hành lý ở bên dưới, để tôi thả từng thứ xuống một.
    Sau khi đến được phòng chờ, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tôi tự nhủ lần sau không tham lam nữa, mệt muốn đứt cả hơi! Nhưng lần nào tôi cũng tự nói như vậy rồi thì đâu lại vào đấy. Cái tật tham không bỏ được, nó thấm vào tận trong máu rồi!
    Trong phòng chờ cũng có khá nhiều người Việt Nam, một số chuyển chuyến bay từ Mỹ, một số là dân Việt Nam tại Nhật. Họ cười nói rôm rả. Đúng là dân Việt Nam có khác đi đến đâu cũng ồn ào náo nhiệt. Tôi làm quen được với một cô gái còn khá trẻ, nhà ở Củ Chi, có mẹ ruột sang đây nuôi đẻ. Cô ta khoảng chừng 25 tuổi là cùng, thế mà một nách ba đứa con, đứa lớn khoảng 4 tuổi, đứa 2 tuổi còn đứa út chỉ vài tháng. Chồng cô ta là người Hàn Quốc sinh sống tại Nhật. Tôi nhìn cô không khỏi ngao ngán. Ở Nhật, một đứa con đã nuôi gần chết, vậy mà cô đẻ một hơi ba đứa, làm sao có thể chăm sóc lo lắng cho chúng đầy đủ được. Chính phủ Nhật đâu có trợ cấp gì cho con nít, nếu lợi tức của bạn ít (vào diện nghèo) thì chính phủ chỉ trợ cấp 10000 yên cho đứa đầu, và 5000 yên cho đứa sau. Số tiền ấy chả thấm vào đâu. Làm sao so sánh được với bên Mỹ có chính sách trợ cấp con nhỏ, có khi mẹ còn được hưởng lương theo con. Đến lúc chúng nó trưởng thành, vào đại học còn khiếp sợ nữa, đủ các loại tiền. Cha mẹ nào cũng méo mặt. Bởi vậy ngày nay người Nhật họ không muốn đẻ con, càng ngày dân số càng giảm. Tôi có đứa bạn có con nhỏ, cô kể về sự khó khăn khi xin học cho con ở trường mẫu giáo. Có trường chỉ nhận vài trăm học sinh, nhờ vào may rủi, có phụ huynh phải sắp hàng trước cổng trường từ 10 giờ tối hôm trước để 10 giờ sáng hôm sau sẽ là người đầu tiên bước vào trường, hầu có được một lớp học cho con mình. Nghe cứ y như là bịa nhưng có thật 100% ở Nhật.
    Bà bác níu tay tôi, thì thầm bên tai chỉ về hướng người thanh niên ngồi bên hàng ghế khá xa chỗ tôi:
    - Cái cậu kia cũng ở gần chỗ con bác sống. Nhưng mà người ta độc lắm cô ơi! Hôm qua bác biết cậu ta cũng về Việt Nam bác nhờ cho đi theo mà cậu làm lơ. Lúc sáng nay bác cũng gặp ở chỗ check in, bác bảo cho bác theo với vì bác không rành đường. Cậu ta ờ ờ rồi lẻn đi một mình.
    Tôi nhìn sang hướng đó thấy người thanh niên cũng còn trẻ, vì hơi xa nên không nhìn rõ mặt lắm, tôi cũng chẳng để ý tới làm gì, chuyện của người ta. Tôi không lạ những chuyện như thế này. Tôi nghe mấy người Việt Nam ở nước ngoài về kể họ cứ phải làm bộ là người Nhật hay người Trung Quốc gì đó để tránh sự phiền phức của mấy bà già không biết tiếng nhờ vả. Đâu phải ai cũng sẵn lòng giúp người khác. Trách họ sao được! Hồi qua đây tiếng Nhật không rành đi xe điện ngầm, tôi cứ phải mang theo bản đồ, nhiều khi đi lạc phải hỏi đường tùm lum nên thông cảm với những người không rành đường đi nước bước. Lần nào về Việt Nam cũng hân hạnh được người ta gửi gắm khi thì ông bố, khi thì bà mẹ, có lần còn gửi cả hai ông bà già nhờ tôi hướng dẫn giúp.
    Lên máy bay, tôi và bà ngồi khác dãy ghế. Khi đã ổn định chỗ ngồi, tôi thấy khách vắng teo, chỗ trống nhiều quá nên lên chỗ bà rủ xuống ngồi cạnh ghế tôi đặng có người thủ thỉ đỡ buồn. Sáu tiếng đồng hồ trên máy bay mà ngồi có một mình thì buồn chết! Bác cháu tôi nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển…đôi khi còn cười hí hí với nhau. Qua lời bác kể tôi biết bác ở tuốt Trà Vinh, qua thăm con gái lấy chồng bên Nhật. Cô con gái định cư tại Nhật năm 1997, có được hai đứa con, chồng làm công nhân ở một nhà máy nào đó gần Yokohama, cô ở nhà làm nội trợ. Nghe vậy thì tôi biết chắc cũng chẳng khá giả gì. Bác còn kể tôi nghe hồi xưa bác cũng ham đi Mỹ lắm bỏ mấy cây vàng ra mua một chàng con lai Mỹ, hy vọng cả nhà sẽ được đi theo diện con lai. Nhưng khi phỏng vấn chỉ có bác và một đứa con nữa được chấp thuận, còn bác trai và các anh chị thì bị gạt lại. Bác chán nản ở lại Việt Nam luôn, để anh con lai đi một mình. Anh này đã có vợ con bên Mỹ nhưng cũng nghèo không giúp gì cho gia đình bác, được cái thỉnh thoảng cũng thư về thăm hỏi an ủi phần nào.
    Khi gần đến phi trường Tân Sơn Nhất, bác nhờ tôi viết giùm tờ khai quan thuế, đến phần tiền bạc, tôi hỏi bác mang về được bao nhiêu, trên 3000 đô la thì phải khai báo, còn dưới 3000 đô la thì thôi. Bác nói chỉ có dăm bẩy tờ (khoảng 500 hoặc 600 đô la Mỹ). Tôi hỏi bác:
    - Sao ít thế, bộ con gái không cho bác thêm tí nào hả?
    Bác cười cười vỗ vai tôi:
    - Nó có cho bác thêm mười mấy tờ mà bác hổng có lấy con à! Vợ chồng nó có giầu có gì đâu mà mình ngửa tay lấy tiền của con, tội chết! Thằng chồng nó đi làm hàn ở nhà máy, hai tay lúc nào cũng đỏ lòm thương lắm con ơi! Tiền này là tiền của bác qua đó cố gắng làm thêm đấy! Ở bên nhà bác không thiếu thốn gì mấy, tới mùa trái cây thu hoạch cũng bộn rồi, lấy tiền của con cái làm gì.
    - Bác làm thêm việc gì vậy? Chỉ con với, mai mốt con cũng muốn kiếm việc làm thêm cho đỡ buồn.
    - Thôi… thôi..mấy cái việc đó con không làm được đâu. Chủ cả người ta la lối dữ lắm, bác già rồi bác chịu được chứ bây nổi nóng rồi gây lộn um xùm.
    - Con chỉ hỏi vậy thôi chứ chồng con ảnh đâu cho đi làm.
    - Con thiệt có phước đó nghen! Đúng là số đẻ bọc điều!
    Tôi phì cười về câu ví von của bà. Số tôi đẻ bọc điều cái nỗi gì không biết! Ngày còn nhỏ tôi cực khổ thấy mồ, có việc gì mà không đến tay đâu. Buổi sáng đi học, buổi trưa về, sau bữa cơm thì phải lên rừng lấy củi hoặc chặt chuối về nuôi heo, có khi phải leo qua mấy quả núi dốc dựng đứng, lỡ mà trượt chân một cái chỉ có nước chết. Chiều nào cũng phải gánh vài chục gánh nước đổ đầy hai cái thùng phuy to đùng và tưới thêm hai vườn rau, mệt ná thở. Ngoài ra còn phải làm nương rẫy, trồng ngô trồng sắn, trồng củ dong..gí gỉ gì gi cái gì cũng phải làm hết. Vậy thì số đẻ bọc điều ở chỗ nào đây? Bà già này thật là dễ thương, chứ tôi thấy có nhiều bà mẹ mê tiền phải biết. Cứ tưởng con gái đi lấy chồng nước ngoài là sung sướng lắm, về thăm không có tiền cho thì mặt xưng mày xỉa, mắng chó chửi mèo. Đâu có biết là tụi nó ở nước ngoài cũng khổ thấy mồ.
    - Có ai đón bác ở sân bay không?
    - Bác trai đón bác rồi đi về Trà Vinh luôn con à.
    - Trời đất! Vậy là phải ngồi xe suốt đêm luôn hả?
    - Bao xe tốc hành mà con, họ chạy đêm luôn.
    - Vậy thì mệt chết!
    Tôi rùng mình nghĩ chặng đường mà bà già còn phải tiếp tục đi. Tôi tính toán, sáng nay bà từ nhà tới Phi trường ít nhất phải mất hơn ba tiếng đồng hồ, chờ ở sân bay hai tiếng nữa, sáu tiếng bay về Sài Gòn, rồi mười mấy tiếng nữa mới về đến Trà Vinh. Khiếp quá! Bà già chịu giỏi thật! Tôi thì chắc gục rồi.
    - Tại bác mướn xe rồi chứ không thôi lại đằng nhà con nghỉ một vài bữa lấy sức, mai mốt về cũng có sao đâu, đi liền như vậy mệt chết!
    - Cám ơn con! Bác trai bao xe rồi, bác phải về liền thôi!
    Máy bay đã hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất an toàn, tôi cùng bác ra cửa làm thủ tục nhập cảnh, và đến chỗ lấy hành lý. Chất hành lý lên xe cho bà già, cả hai chúng tôi đi ra phía ngoài cửa quan thuế, ở đây chúng tôi phải thêm một lần trình giấy khai hàng hóa, và đưa hành lý qua máy soi rồi mới an tâm bỏ lên xe, đẩy ra ngoài, nơi thân nhân nhốn nháo đứng chờ như cái chợ đang họp.
    Ngay tại đó, tôi chia tay bác, hẹn khi nào có dịp qua Nhật thì mời bác lên nhà tôi chơi.
    Hướng mắt ra phía ngoài, người đầu tiên tôi nhìn thấy là chị Vân giang, em gái tôi và con nó. Tôi lên tiếng hỏi chị Vân Giang:
    - Ủa bà đi đón ai vậy?
    - Thì đi đón mày chứ đón ai, con nhỏ này hỏi vô duyên!
    Tôi cười toe toét, chọc chị vậy thôi chứ lần nào tôi về mà chị không ra đón. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh rồi hỏi:
    - Cục vàng của tui đâu rồi?
    Em gái tôi xách đầu thằng nhỏ kéo lên phía trước nói:
    - Đây! Con trai cưng của chị đây nè! Gớm! Nhõng nhẽo phải biết.
    Tôi ôm con vào lòng, hít hít cái mùi khét lẹt trên tóc của nó.
    - Mèn ơi! Con tui lớn quá! Sắp cao bằng mẹ rồi còn đâu.
    Tất cả chúng tôi lên hai chiếc taxi về nhà. Trong sân bay, chỉ có một hãng taxi duy nhất được quyền hoạt động, đó là hãng Airpost Taxi. Tôi ghét đi xe của hãng này nhất, tài xế trong sân bay phần lớn là lũ mất dậy, vô văn hóa. Bạn kêu xe hãng này mà đi gần trong thành phố là chúng lảng hết. Còn nếu có người chịu chạy thì lên xe chúng sẽ xin tiền mình trắng trợn, trơ chẽn. Bực mình lắm nhưng không đi thì không có xe về nhà. Có lần cái vali nặng quá tôi nhờ anh tài xế khiêng lên giúp trên lầu một, vì toàn đàn bà con gái. Anh ta trả lời tỉnh queo nhiệm vụ chỉ đưa khách tới đây thôi, không phải là phu khuân vác, rồi bỏ vào xe đóng cửa phóng vù đi, làm tôi tức muốn điên lên. Biết vậy chỉ trả đúng số tiền ghi trên đồng hồ trong xe, cho thêm bọn này làm gì phí cả của giời! Từ sân bay về nhà tôi chỉ có 50 ngàn tiền Việt Nam, tôi hào phóng đưa hẳn 10 đô la, gấp ba lần số tiền chính thức.
    Tối hôm đấy cả nhà tôi thức nói chuyện đến hơn ba giờ sáng, đủ thứ chuyện trên đời mang ra tán gẫu. Mười một giờ đêm em trai tôi mới đi làm về, cũng nhẩy vào góp chuyện. Nó hỏi tôi:
    - Chừng nào chị ra Bắc họp lớp?
    - Trưa ngày 11 bay ra Hà Nội.
    - Có cho em đi theo không?
    Em gái tôi chõ miệng vào:
    - Mày mới học hết cấp hai, bạn bè ở đâu ra mà đòi về họp lớp với họp trường!
    Thằng em tôi mặt chưng hửng, tức lắm mà không nói gì được. Tôi khoái chí cười ha hả, vỗ vai nó bảo:
    - Thôi em chịu khó ở nhà vậy. Các chị đi hết thì phải có một đứa ở lại trông coi nhà hàng chứ. Giao cho con mập nhà mày chắc trở về là sập tiệm.
    Thằng Út liếc nhìn sang bà chị, bĩu môi:
    - Xì…bà đi theo hai chị ham vui chứ bạn bè ở đâu ra mà đòi gặp mặt.
    - Tao học hết lớp mười một rồi mà mà mày lại bảo tao không có bạn, thằng này vô duyên!
    Vân Giang cũng tham gia:
    - Phải chi chị không mắc công chuyện thì đi chung với mấy đứa, vui phải biết! Tiếc thật!
    Đồ đạc tôi mang mang về tụi nó lục tung cả lên, đứa dành cái này, đứa chọn cái kia, chẳng mấy hồi là sạch bách, còn hơn lũ ăn cướp!
    Cả nhà tôi kể chuyện cho nhau nghe rồi cứ ôm bụng mà cười, đứa này chọc ghẹo đứa kia cho tới gần sáng thì mọi người cùng ngủ thiếp đi.

Xem Tiếp Chương 2Xem Tiếp Chương 17 (Kết Thúc)
Quê Hương Ngày Trở Lại
  » Đang Xem Chương 1
  » Xem Tiếp Chương 2
  » Xem Tiếp Chương 3
  » Xem Tiếp Chương 4
  » Xem Tiếp Chương 5
  » Xem Tiếp Chương 6
  » Xem Tiếp Chương 7
  » Xem Tiếp Chương 8
  » Xem Tiếp Chương 9
  » Xem Tiếp Chương 10
  » Xem Tiếp Chương 11
  » Xem Tiếp Chương 12
  » Xem Tiếp Chương 13
  » Xem Tiếp Chương 14
  » Xem Tiếp Chương 15
  » Xem Tiếp Chương 16
  » Xem Tiếp Chương 17
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết