Trời chạng-vạng tối.
Dãy nhà lá ở dài theo bờ kinh Dérivation, là cái kinh đào từ Lăng-Tô vô Rạch-Cát để chở lúa gạo trong các nhà máy Chợ lớn đem ra thương-khẩu Sàigòn, lần lần lu lờ, làm cho phai bớt cái vẻ nghèo hèn thấp thỏi được chút ít.
Tuy vậy mà đám con nít chạy chơi ngoài lộ, đứa quần áo lang-thang, đứa mặt mày dơ-dáy; những người đờn-bà ngồi ngoài cửa hứng mát, hoặc đút cơm cho con ăn, phần nhiều hình vóc ốm-o, tóc tai xụ-xọp; những đờn-ông làm ở các sở, mãn giờ đi về dập-dều, người nào cũng da nám tay chai; quang cảnh ấy, cũng đủ chứng cho cái xóm nầy là xóm bình dân lao động.
Anh Lý-trường-Mậu, làm Cặp-rằng[1] phụ trong một hãng vận tải dưới Xóm-Chiếu, đạp xe máy chạy chậm-chậm trên bờ kinh này. Anh trạc chừng 40 tuổi, nước da đen, con mắt lớn, mặt dài, trán rộng, rõ ràng là tướng mạo người khí khái, quyết đoán. Anh mặc một cái áo bành-tô[2] bố xanh với một cái quần vải đen, chân mang guốc vông[3], đầu đội nón trắng. Anh biết đọc và biết nói tiếng tây đủ dùng, hồi trước trong nhà anh thường có bạc ngàn, nhưng vì anh mê bài bạc lỡ thua cụt vốn, nên anh đi làm mướn mỗi tháng có 25 đồng. Vợ lớn của anh chết, có để lại cho anh một đứa con trai tên Hiệp, năm nay nó được 14 tuổi. Anh chấp nối với cô Ba Trâm sanh được một đứa con gái nữa, tên Hào, năm nay nó được 11 tuổi.
Gió chiều hiu-hiu mát-mẻ, nước kinh cuộn-cuộn chảy, tàu kéo ghe thổi xúp-lê[4] vang rân, bên Sàigòn đèn khí đã bực cháy sáng quắc.
Cặp-rằng Mậu đạp xe máy thủng-thẳng chạy mà hứng cảnh, khi run chuông cho con nít tránh, khi dỡ nón mà chào người quen. Thình lình gặp thím Hai Tiền, là vợ của Hai Cư làm cu-li[5] vác hàng dưới bến tàu, thím đi xăng-xái dựa lề đường, tay cầm cái khăn, và đi và lau nước mắt. Anh liền ngừng xe bước xuống hỏi Hai Tiền rằng:
- Thím đi đâu về tối vậy thím Hai? Có việc gì mà thím khóc?
- Cha con Lê té bị bịnh nặng lắm anh Ba ơi!
- Té ở đâu?
- Té dưới tàu.
- Hồi nào?
- Mới hồi trưa này. Hổm nay tôi bịnh nên tôi ở nhà, không đi mua bán được. Hồi trưa con Lê đếm bánh dừa đem đi bán, nó chạy về cho tôi hay rằng cha nó té bị thùng hàng đè hết thở, họ sửa soạn chở đem lại nhà thương thí. Tôi lật-đật ra đó, té ra quan thầy thuốc coi rồi lại dạy chở luôn vô nhà thương Chợ-Rẩy. Tôi tuốt theo vô Chợ-Rẩy mới gặp. Thiệt té nặng lắm anh Ba ơi!
- Quan thầy thuốc nói bịnh thế nào? Có lẽ cứu được hay không?
- Họ có nói đâu mà mình biết, song tôi coi thế nặng lắm, sợ chịu không nổi. Cha con Lê thấy tôi thì biết, mà cứ ngó tôi rồi lắc đầu chảy nước mắt, chớ không nói được. Mặt xanh lè, bộ mệt lắm, lại máu đâu trong họng một lát tuôn ra cả búng.
- Nghèo đi làm ăn, phải bị nguy hiểm như vậy đó, chết rồi ai nuôi vợ con! Sao thím không ở trong nhà thương với chú, lại bỏ đi về?
- Họ nói ban đêm họ không cho ở. Lại tôi đói bụng, nên phải chạy về kiếm ăn ba hột cơm rồi khuya tôi trở vô.
- Ở nhà còn tiền bạc gì hay không?
- Hổm nay tôi bịnh, có đi mua bán gì được đâu mà có tiền, nhờ cha con Lê đi làm kiếm bữa nào ăn bữa nấy.
Cặp-rằng Mậu móc túi lấy ra bảy cắc bạc, đếm năm cắc mà đưa cho Hai Tiền mà nói rằng:
- Thim lấy đỡ ít cắc để đi xe ra vô mà nuôi chú. Khuya thím trở vô nhà thương nói dùm tôi gởi lời thăm chú nghe.
Hai Tiền lấy mấy cắc bạc và đáp rằng:
- Cám ơn anh Ba. Nhờ trời cho cha con Lê mạnh, tôi đi mua bán rồi tôi sẽ trả lại cho anh Ba.
Cặp-rằng Mậu khoát tay, rồi leo lên xe máy mà đi.
Một cái nhà lá hai căn tum húm, thấp thỏi, vách phênh xịch xạc, mái sau muốn đổ, ở gần bến đò Kinh, ấy là nhà của Cặp-rằng Mậu.
Anh về tới, nhảy xuống xe, thấy trong nhà tối mò, lại có con Hào ngồi chơi trước cửa, thì hỏi rằng:
- Má con đâu?
- Má nằm trong buồng.
- Tối rồi sao chưa đốt đèn?
- Hồi nãy con muốn đốt. Má nói đốt tốn dầu nên má không cho.
Cặp-rằng Mậu dắt xe máy vô nhà, bóp hộp quẹt máy cho ra lửa, rồi kê vào đèn để trên bàn mà đốt.
Ba Trâm tóc tai dã dượi ở trong buồng bước ra. Tuy cô hẩm hút trong cái chòi lá, tuy cô mặc cái áo cụt vải trắng với một cái quần lãnh đen cũ xì, nhưng mà nước da trắng trong, mái tóc dợn sóng, tay chân dịu nhiễu, môi má ửng hồng, tuổi đã quá ba mươi mà sắc vẫn còn xinh đẹp. Nhan sắc nầy lẽ thì phải ở nhà lầu, ngồi xe hơi mới xứng đáng.
Cặp-rằng Mậu thấy vợ thì nói rằng:
- Chú hai Cư đi làm, chú té bị bịnh nặng lắm, họ chở chú vô nhà thương Chợ-Rẩy rồi.
- Sao mình hay?
- Tôi mới gặp thím đây. Tôi có cho thím năm cắc bạc.
- Mình nghèo mà cứ làm cái mửng đó hoài gặp ai mình cũng cho tiền.
- Chú lai Cư gặp việc rủi-ro, mình phải giúp chú chút đỉnh chớ. Mà thím Hai Tiền bộ thím cũng bịnh lắm, mét chằng.
- Nghe nói thím đau ban hổm nay mà. Ở cái chỗ sình lầy, thấp thỏi như vầy, tự nhiên phải đau ban, chạy đâu cho khỏi. Chẳng những là thím Hai Tiền, tôi sợ rồi đây tôi với con Hào cũng phải đau nữa chớ.
- Cái gì mà đau! Vậy chớ thiên-hạ họ ở đây đó sao?
- Họ ở nhà cao ráo sạch sẽ, chớ họ có ở cái nhà dơ-dáy thấp-thỏi như nhà mình vầy đâu.
- Ai lại không muốn ở nhà cho rộng lớn sạch sẽ. Ngặt vì mình nghèo biết làm sao?
- Tại ai mà nghèo đó? Nếu hồi trước mình nghe lời tôi can gián, mình đừng có mê sa bài bạc, thì đâu đến nỗi vợ con phải cực khổ như vầy.
- Thôi, chuyện xưa còn nhắc lại làm chi! Hễ mình nhắc tới chuyện đó thì chẳng khác nào mình đâm kim vào ruột tôi vậy.
- Tại mình than nghèo, nên tôi mới nói chớ nhắc chuyện cũ rồi làm giàu được hay sao?
- Con người giàu hay nghèo cũng tại cái mạng. Bởi cái mạng tôi phải nghèo, nên năm đó trời mới khiến cho tôi sanh tâm bài bạc, làm cho tiêu hết của tiền. Tôi chắc nếu tôi không thua thì cũng bị trộm cướp giựt hết.
- Thua bài bạc hết rồi bây giờ khéo kiếm lời mà chữa mình! Ăn cơm hay chưa đặng tôi dọn cho?
- Ở nhà ăn rồi chưa?
- Mẹ con tôi ăn rồi. Tối ngày không có bánh hàng chi hết, nên đói bụng, hồi chiều cơm chín mẹ con tôi ăn trước.
- Thôi để tôi đợi thằng Hiệp về rồi tôi sẽ ăn với nó.
- Nó đi lưu linh[6], biết chừng nào nó về mà chờ.
- Chừng nào cũng được. Bữa nay tôi không đói.
Cặp-rằng Mậu cởi áo bành-tô đen máng trong buồng; bây giờ còn mặc cái áo thung trắng, lên võng mà nằm, đưa nghe trèo-trẹo. Ba Trâm kéo ghế ngồi dựa đèn ăn trầu, ánh sáng đèn chói mặt cô ta coi thiệt là đẹp đẽ, mà cô nhai trầu cái miệng của cô lại càng hữu duyên.
Trường-Mậu nằm ngó vợ một hồi rồi kêu con Hào mà nói rằng: “Hào a, vô ba biểu một chút coi, con”.
Con Hào mặc bộ đồ hàng đen, tóc hớt bom-bê[7], ngặt mày sáng rỡ, giống hệt mẹ nó. Nó bước vô thì cha nó nắm tay kéo lại biểu ngồi trong lòng rồi hỏi rằng:
- Chiều nay con đi học, con có bị đòn hay không?
- Con thuộc bài mà bị đòn giống gì.
- Giỏi! Ráng học nghe không, con. Học đặng sau làm cô giáo như cô giáo của con vậy đó.
- Học đến chừng nào mới làm cô giáo được ba?
- Học cho tới chừng thi đậu, có bằng cấp, mới làm cô giáo được chớ.
Ba Trâm xen vô nói rằng: “Thứ học trường tư trong xóm làm sao mà thi lấy bằng cấp cho được. Muốn đi thi phải học trường lớn, người ta dạy đủ lớp rồi mới đi thi chớ”.
Cặp-rằng Mậu nói rằng: “Thì nó còn nhỏ, phải học trường nhỏ. Chừng nó học đủ lớp, nó khá rồi, mình sẽ đem nó đến trường lớn: chớ bây giờ dầu mình cho nó học trường lớn nó cũng phải ngồi lớp nhỏ, có ích gì đâu mà phải đi xa. Để nó học một vài năm nữa rồi sẽ liệu chớ”.
Ba Trâm thở ra nói giọng buồn rằng:
- Thấy con Hào tôi rầu hết sức. Con người ta 11 tuổi đã ngồi lớp nhì lớp nhứt rồi, còn nó thì lụt đụt ở dưới lớp chót! Chẳng nói ai đâu xa, đến con của con Tư, là con chệc khách, mà nó cũng hơn con Hào nữa, thì hổ thẹn biết chừng nào.
- Hơi nào mà phân bì. Thủng thẳng nó học có gấp gì đâu.
- Thủng thẳng rồi nó già, làm sao mà học nữa được. Chớ chi mình mướn phố bên Cầu-kho, hoặc ngoài chợ Ông-Lãnh mình ở thì nó học trường Cầu-Kho, hoặc trường Đống-Cát, tiện biết chừng nào. Con của con Tư, nhờ cha nó ở Ông Lãnh nên nó học mới mau đó.
- Tôi cũng muốn như vậy lắm chớ. Ngặt mình ăn lương ít, còn phố xá ở miệt bển mắc quá, làm sao mà mướn nổi.
- Vợ chồng con Tư không ra gì. mà coi thế nó làm ra tiền nhiều, con nó ăn mặc phủ phê.
Con Hào vỗ vai cha nó mà nói rằng:
- Tháng nầy ba lãnh lương rồi ba mua cho con một chiếc vòng nghe không ba; vòng chạm như của con Kiên đeo vậy đó, con muốn quá.
- Vòng mắc tiền lắm, ba mua sao nổi, con.
- Ba của Kiên mua cho nó đó sao?
Cặp-rằng Mậu day mặt vô vách, không trả lời được.
Ba Trâm ngồi xỉa thuốc và than rằng: “Con đến bây lớn rồi mà không có một phân vàng trong mình. Phận tôi chẳng nói làm chi, có vàng đeo chơi, bằng không có thì thôi. Tội nghiệp cho con Hào, nó thấy con người ta đeo vàng, nó muốn, nó ngó, bộ thấy thương quá”.
Cặp-rằng Mậu cứ day mặt vô vách, không nói một tiếng chi hết.
Ngoài sân có tiếng hút gió nghe lảnh lót, hút gió theo điệu bản đờn hành-vân, rồi thằng Hiệp hăng-hái bước vô nhà. Nó mặc một cái quần vải đen, hai ống cụt trên đầu gối, với một cái áo vải trắng cũ mà lại dơ, hai vạt trước có hai cái túi thiệt lớn, trên đầu nó lại đội một cái nón nỉ đen, nón cũ quá nên vành sụp xuống, còn dây băng[8] đứt đâu mất. Nó vừa vô khỏi cửa thì nó đứng chằn miệng mà cười, lòi hai hàm răng trắng trong mà nhỏ rứt. Nó thấy con Hào ngồi trên võng với cha nó, thì nó bước lại, móc trong túi, lấy ra một gói giấy mà đưa cho con Hào mà nói rằng: “Anh có mua cho em một cái bánh sữa đây, em ăn đi”.
Cặp-rằng Mậu thấy vậy ứa nước mắt.
Thằng Hiệp móc túi nữa lấy ra hai cắt bạc mà đưa cho Ba Trâm, tiếng xu vẫn còn khua trong túi rôn rổn.
Con Hào hỏi rằng:
- Bữa nay anh bán nhựt trình khá lắm hay sao mà xu nhiều dữ vậy?
- Bữa nay kiếm được bốn cắc, xài hết một cắc ba, còn có hai cắc chín.
- Dữ hôn! Anh cho em một đồng xu đặng sáng mua khoai lang ăn.
Thằng Hiệp móc xu ra đếm, rồi đưa cho con Hào hai đồng xu và nói: “Cho em hai đồng đây còn bảy đồng để sáng anh ăn bánh mà đi bán nhựt-trình”.
Ba Trâm đứng dậy bước vô trong và kêu thằng Hiệp mà nói: “Hiệp a, bưng đèn vô đây đặng tao dọn cơm cho mà ăn”.
Cách chẳng bao lâu, thằng Hiệp bưng ra một cái mâm chỉ có một tượng cơm, một dĩa cá với một dĩa rau luộc mà thôi. Nó để cái mâm trên bàn thì kế Ba Trâm bưng đèn ra theo, tay lại có cầm hai cái chén và hai đôi đũa. Cô ta nói trổng rằng: “Thôi, đi ăn cơm đi, khuya rồi”.
Cặp-rằng Mậu buông con Hào ra rồi đứng dậy bước lại bàn mà dòm mâm cơm. Anh ta chau mày mà nói rằng: “Ăn cực quá!”
Ba Trâm nói rằng: “Có đi chợ được đâu mà ăn sướng. Hổm nay con Hào nó thèm thịt, mà có dám mua đâu”.
Con Hào nằm đưa tòn ten trên võng, nghe mẹ nói như vậy thì nó nói tiếp rằng: “Đầu tháng ba lãnh lương rồi mua thịt heo ăn nghe không ba. Hổm nay con biểu má mua hoài, mà má không chịu mua”.
Cặp-rằng Mậu không trả lời, cứ ngồi lại bàn mà ăn cơm với thằng Hiệp.
Ba Trâm gật đầu đáp với con Hào rằng: “Ừ, để ba con lãnh lương rồi, má sẽ mua thịt heo cho con ăn. Con ăn bánh rồi, thôi đi uống nước đi con; uống nước rồi ngủ đặng sáng có đi bọc”.
Con Hào vâng lời, đi uống nước rồi đi vô buồng.
Thằng Hiệp ngồi ăn cơm với cha nó, rau luộc chấm với nước cá mà nó ăn ngon lành, bộ mặt coi rất hân hoan. Nó thấy cha nó không vui, thì nó hỏi rằng:
- Sao ba không mua giấy số ba?
- Số gì?
- Số tương tế họ bán đó. Trúng độc-đắc 10 ngàn lận ba à. Ba liều một đồng bạc mua thử nuột số, may trúng thì ba giàu to.
- Dễ gì mà trúng.
- Vậy chớ họ trúng đó sao. Họ trúng được thì mình cũng có thể trúng vậy chớ. Chớ chi con có một đồng bạc con mua một số liền. Nếu con trúng độc-đắc thôi thì sướng lắm.
- Nếu con trúng số rồi con làm giống gì?
- Trước hết con thôi làm nghề bán nhựt-trình. Tuy bán nhựt-trình không phải cực khổ hay xấu hổ gì, mình thả đi chơi các nẻo đường rao bậy bạ mà kiếm cũng đủ cơm ăn, song mình trúng số được bạc muôn thì cần gì phải theo nghề ấy nữa phải không ba?
- Ừ… Không đi bán nhựt-trình nữa, con ở nhà, rồi con làm việc gì?
- Con đi học chớ.
- Học thứ gì?
- Con học chữ Tây cho giỏi rồi con học chữ Ăng-Lê, đặng lớn con làm nuôi ba. Mà hễ trúng số rồi, thì con không cho ba đi làm nữa, làm cực khổ mà lại bị tiếng nặng tiếng nhẹ, làm chi. Con mướn phố tốt bên Sàigòn cho ba ở, con bắt ba ở không đi chơi, không cho ba làm việc gì hết.
- Ở không mà ăn, chừng hết tiền rồi làm sao?
- Dễ hết đâu! Trúng 10 ngàn đồng, dầu ăn xài nhiều đi nữa, thì cũng năm mười năm mới hết, chớ có lẽ nào một hai năm mà hết được, mà chừng hết tiền thì con giỏi rồi, con làm mà nuôi ba được, có sao đâu mà sợ.
Cặp-rằng Mậu và riết cho hết chén cơm, rồi đứng dậy bưng tô nước mà bước ra sân.
Ba Trâm đi vô buồng, vừa đi vừa nói rằng: “Hiệp ăn rồi thì dọn rửa dùm một chút rồi sẽ ngủ, nghe không con”.
Hiệp gật đầu, rồi ngồi ăn cho hết tượng cơm, ăn vẫn ngon, bộ vẫn vui hoài. Chừng ăn rồi, nó mới bưng hết chén dĩa đem ra sau mà rửa, và úp vô sóng tử-tế. Nó bưng đèn trở ra ngoài, thì thấy cha nó, miệng ngậm điếu thuốc, đương lấy cái áo bành-tô bố xanh mà mặc, nó bèn hỏi rằng:
- Ba đi đâu mà bận áo vậy ba?
- Đi làm.
- Đi làm ban đêm nữa sao?
- Ừ.
Cặp-rằng Mậu dắt xe máy đem ra ngoài sân rồi mới đốt đèn. Thằng Hiệp đi theo ra đó, Cặp-rằng Mậu dặn rằng. “Dì con có hỏi ba, thì con nói ông chủ sai ba đi xa không biết chừng năm ba bữa ba mới về”.
Nói dứt lời rồi leo lên xe máy đạp đi tuốt.
[1] tiếng Pháp: caporal 1) cai thợ; 2) (quân hàm) hạ sĩ
[2] tiếng Pháp: áo ngắn cổ kín mặc như áo veste ngày nay, thích hợp cho đàn ông lẫn đàn bà
[3] guốc làm bằng gỗ cây vông đồng (Hura Crepitans). Gỗ vông rất nhẹ, tỉ trọng 0,35-0,40 kg/dm3, nên làm guốc bằng gỗ vong để đi đường xa ít mỏi chân. Guốc gỗ vong đi mau mòn vì phẩm chất gỗ rất thấp, thường được giới bình dân dùng.
[4] tiếng Pháp: souffler: còi tàu (tiếng hơi nước xuyên qua ống khói như tiếng thụt ống bễ của thợ rèn).
[5] dịch âm từ tiếng Hindi sang tiếng Anh: cooly; tiếng Pháp: couli: 1) giai cấp thấp nhứt của người Ấn độ, 2) phu khuân vác ở Mỹ và ở các xứ thuộc địa
[6] lưu=trôi; linh=lẽ loi. Lưu linh: rày đây mai đó, lang thang không định hướng
[7] tiếng Pháp: bombé. Mái tóc phía trước hớt phủ trán vòng qua đến trái tai
[8] tiếng Pháp: bande=dây cột quà cáp hay hàng hóa, dây niền trên nón nỉ
|
|
|