Phố chạy tới đây có vẻ như là đã đuối sức. Nhà thưa thớt dần và mặc dầu mặt đường vẫn giữ nguyên vẻ đường bệ của một trục đường chính trong thành phố, nhưng tới đây hai bên hè cũng chỉ còn lác đác dăm ba cái biệt thự nho nhỏ, xinh xắn, kiến trúc kiểu châu Âu cuối thế kỉ trước, mái nhọn, nhiều ngóc ngách, góc cạnh, có vườn cây bao bọc. Những năm gần đây, thành phố phát triển về phía Tây và kéo dân cư về phía đó. Đoạn phố này, bên lẻ đánh số từ Một, bên chẵn đánh số từ Hai hoá thành cái đuôi của một đường phố lớn.
Xa cái náo nhiệt của trung tâm, nơi đây vắng vẻ, yên tĩnh, đến mức có cảm giác nó bị lãng quên, bị gạt ra khỏi đời sống phố phường. Ở đây có thể nghe thấy dép lê của khách bộ hành, tiếng trục xe ba gác lăn khục khịch, cót két trên đường. Ở đây, mùa hè inh ỏi tiếng ve và lao xao vòm lá rậm ngọn gió đùa. Mùa đông cảm nhận được tiếng sương rơi và hơi gió lướt của tàu lá liệng rơi trên mặt đất.
Căn nhà yên ắng nhất ở đoạn phố này là căn nhà số Một đứng ở đầu phố. Đó là một căn nhà gác nhỏ trong một khu vườn nhỏ, có cổng sắt. Căn nhà không còn toàn vẹn, sau một trận hoả hoạn cách đây chục năm, nay nó chỉ còn có căn gác và tầng trệt ở phía mặt tiền nhìn ra đường phố. Căn nhà yên lặng gần như suốt ngày, gần như quanh năm, hoà hợp với môi trường sống vì trú ngụ ở đây chỉ có ba bốn người, mà toàn là người lớn cả. Căn nhà chỉ mất đi sự yên ả cố hữu vào quãng năm giờ chiều. Lúc ấy có một người phụ nữ đạp xe đạp về, đeo lỉnh kỉnh những là gạo, mì, rau cỏ, ở sau xe, ở tay lái; chị gọi cổng, ầm ĩ và vui vẻ; lúc ấy mới thấy có hơi người, có sự sống động ở nơi này.
Nhưng cũng chỉ lúc ấy thôi, còn thì lặng yên, lặng yên hoàn toàn. Như bây giờ, đang cữ đông rét mướt, lại là những ngày giáp Tết Nguyên đán; ở đây, trong tĩnh mịch, nghe tiếng pháo lẻ tẻ từ trung tâm thành phố vẳng về, dửng dưng, không tư duy, không cảm xúc. Ở đây, lúc này tất cả dường như đã ổn thoả, ngay ngắn, trật tự, không còn phải lo toan, sắp xếp hoặc bàn bạc, cũng chẳng phải tính toán, nghĩ suy, hoặc đề phòng một tai biến nào đó có thể bất thình lình xảy ra.
Cứ nghe tiếng người đàn ông ngáy trong căn phòng khách đã dọn dẹp để đón Tết thì cũng thấy cảm giác an toàn đó. Trạc năm mươi, to béo, phục phịch, người đàn ông mặc quần áo bộ đội này nằm, đầu ghếch lên tay chiếc đi văng, chân duỗi thò ra ngoài ghế, hai tay chắp bụng, tư thế hết sức thanh thản, và thả ra những tiếng ngáy thật rầm rĩ và thoải mái.
Giấc ngủ thật sâu, hoàn toàn buông thả, thật sự là sản phẩm của một người đặt mình là ngủ, không hay trằn trọc, suy nghĩ.
Người này ngủ, không hề hay biết tất cả những gì đã xảy ra ở kề cận mình. Cho tới lúc nghe thấy tiếng một người phụ nữ xoe xoé trong căn buồng, ông mới cựa mình, he hé mắt.
- Quý hoá chưa kìa! Ngủ như hổ ngủ, gọi hết cả hơi mà không ra đỡ hộ người ta một tay. Để cả con mèo đen ở đâu đến nhảy lên bàn thờ mà không biết! Định ngủ đến nửa đêm, hả? Năm hết Tết đến rồi, không dậy nhúc nhắc chân tay lấy một tí, còn định nằm ăn vạ đến bao giờ? Rõ thật, hết ngày dài lại đến đêm thâu chưa!
Rõ ràng là cách nói đay đả, thân thiết kiểu vợ chồng. Nhưng cũng phải sau một câu trách cứ ác khẩu và âu yếm như thế nữa, người đàn ông mới uể oải ngồi dậy. Người đó là Đông.
- Có việc gì nữa đâu! - Đông gãi cái đầu mới húi, đưa đẩy hai con mắt lờ ngờ nhìn người phụ nữ đứng giữa hai cái làn nhựa nặng trịch, đầy ụ hàng Tết.
- Chịu ông thật! Phố xá người ta ầm ầm sắm sửa, mua bán. Quả gấc vọt lên trăm rưởi. Gạo nếp lên hăm nhăm. Chỗ máy nước đang có đám đánh nhau vì lá dong. Chỗ tránh tàu, ôtô kẹp phải cái xe bò chở toàn mứt. Sao mà lắm chuyện kinh cả người. Thế mà ông cứ bình chân như vại!
- Nghe cô nói cứ tưởng loạn đến nơi rồi!
- Chứ lại không à! Cứ tổ tôm tổ tép mãi vào. Nửa đêm mới mò về, lăn ra ngáy thì còn biết cái gì nữa. Đấy, củi ngoài sân cũng vẫn chưa bổ hộ! Thế đã đi gọi thằng Máy nước, bảo nó thông đường ống cho chưa? Cũng lại chưa! Nhưng mà thôi, chẳng khiến nữa. Cô Phượng đâu? Hừ, cũng lại không biết!
Lại được nghe những câu trách móc thân yêu và cảm thấy làn da mát tê tê, ấm ấm trong cái nguýt dài thân thương của vợ, Đông đứng dậy tủm tỉm thú vị rồi cúi xuống nhặt bộ quần áo đã đặt sẵn trên tay cái đi văng.
- Ối giời, lại còn chưa tắm hộ nữa cơ đấy. Để dành làm của hả? Chết thôi, ấm nước người ta đặt trên bếp điện khéo sôi cạn từ tám tỏng rồi còn gì!
Người phụ nữ vừa xong xóc mắng yêu ông chồng ngộc nghệch, vừa đưa tay bứt mạnh hàng khuy, mở bung cái áo măng tô san khoác ngoài, vứt lên lưng ghế, rồi ngửa cái đầu, lắc lắc mái tóc uốn điện đã duỗi dài trong một điệu bộ con gái hết sức trẻ trung. Tóc chị rậm, đen, đầy sinh lực, rất hợp với một vóc người tầm thước, đậm đà, nở nang, cân đối cùng với khuôn mặt tròn đã định hình ở tuổi bốn mươi, nhưng còn giữ nguyên vẻ tươi mát và duyên dáng: hai con mắt lá răm dài, lóng lánh dưới cặp mày rậm, đem lại vẻ thơ ngây cho khuôn mặt, khiến đôi gò má cao không trở nên lộ liễu; thêm cái cằm hơi lẹm bên trái có một nốt ruồi to đậu ở đó, tạo nên cái đặc sắc riêng, khiến khuôn mặt càng trở nên dễ nhớ, không lẫn với nhiều khuôn mặt khác.
Lúc ấy, ngoài cửa buồng có tiếng dép bước vội vàng. Người phụ nữ quay ra cửa, chưa kịp cất tiếng gọi thì một người phụ nữ trẻ, thanh mảnh đã nhanh nhẹn bước vào.
- Chị Lý! - Người phụ nữ mới vào không giấu nổi sự mừng rỡ, thật thà. - Chị về muộn thế! Ối, chị sắm Tết nhiều thế kia à! Em rút bếp điện từ nãy cơ. Thấy anh Đông ngủ, ngáy to quá, em không dám đánh thức anh dậy tắm.
Lý hất tóc ra sau lưng, dẩu môi:
- Ông ấy đã ngủ thì súng có nổ bên tai ông ấy cũng mặc. Cần thì cứ lay gọi. Không dậy thì đấm, đá, cấu, véo, tát. Có ai ngủ khiếp thế bao giờ không? Con ngáy thả ra rầm nhà. Ông cụ nằm ở trên gác nghe thấy cũng mất cả ngủ đấy.
- Chuyện, người ta ngủ bù… mấy năm ở Trường Sơn. - Đông đang luồn thắt lưng qua các con đỉa ở chiếc quần mới, ngẩng lên. Lý trề môi, dài giọng:
- Bù… Không có cái lối ấy nhé. Thời nào thanh khoản thời ấy. Bù! Thà cứ nói toẹt ra: đêm, tớ còn mải họp hội tổ tôm với các cụ…
Đông cười trong cổ họng, nhìn người phụ nữ trẻ:
- Ăn được, ngủ được là tiên, cô Phượng ạ. Ở Trường Sơn, tôi đặt mình xuống bao giờ cũng hẹn đồng đội: Thấy tớ ngáy, cứ việc đấm, cho tha hồ đấm.
- Chả bù cho anh Luận nhà em. Sao mà khó ngủ thế! Mười đêm thì thao thức cả mười. Không chuyện cơ quan lại chuyện phố xá, bạn bè.
- Này thôi! - Lý kéo tay người phụ nữ tên Phượng. - Cô đi đâu đấy? Hai cái làn nặng gãy cả tay mà gọi hết hơi chẳng ma nào ra đón cả.
- Em ở bên nhà ông thợ mộc. - Phượng đáp, bỗng lui lại một bước, hai con mắt to trên gương mặt gầy, vụt sáng rỡ. - Úi, chị Lý, chị có cái áo mới đẹp quá! Đẹp quá. Vải gì mà bóng mà mịn thế, chị? Chị may đo à? Anh Đông lại ngắm chị em một tí nào! Đẹp quá! Đẹp thật, chị Lý ạ.
Trong tiếng reo trầm trồ của Phượng, Lý tan hết cơn bực dọc. Cười nhỏn nhẻn, chị nhìn xuống ngực, ngắm hai bên sườn mình và người như bừng nở trong một cơn hưng phấn bất ngờ. Cái áo thật là đẹp! Áo liền mũ. Vải téclen, màu sôcôla, cao sang từ chất vải tới sắc màu, kiểu cách.
Chưa hết! Còn lần bông lót trong. Chưa hết! Còn cái khoá. Chưa hết, khi cái khoá kéo tuột xuống, mắt Phượng lại một lần nữa chói loá vì những mảng màu đối lập, nóng ấm ở cái áo len khuôn bó thân hình Lý và Lý lại một lần nữa hiện ra dưới một sắc hình khác hẳn thường ngày. Lý trẻ trung, mới mẻ. Lý rực rỡ, lập dị, lạ mắt vô cùng.
- Có hợp với mình không? Hình như vai hơi rộng nhỉ? - Lý dồn dập, sung sướng. - Hợp với da mặt mình đấy, Phượng nhỉ? Này trông, cái khuy tay của nó. Được đấy chứ! Người quen họ để lại cho đấy. Chưa bóc tem nhé!
- Bao nhiêu hả chị?
- Năm ngàn rưỡi! Giá hữu nghị đấy. Nó hô một câu, mình hét cũng chỉ một tiếng. Thế là xong. Cũng chưa hay bằng cái áo lông gấu Bắc cực, có biết bao nhiêu không? Hai mươi tư ngàn.
- Trời!
- Hé hé… Đúng là một cô nàng tỉnh lẻ mới về thành phố. Này, cô em ơi, một khi đã quyết định ăn chơi là không sợ tốn kém nhé!
Nhìn Phượng run rẩy lắc lắc hai bàn tay còn ướt và ngơ ngác như sợ sệt, Lý cười ré lên, đắc chí và mãn nguyện. Hai gò má thoáng hơi phấn hồng của chị rực lên vì kiêu hãnh. Chị thấy mình đẹp, mình sang, mình giàu. Còn cô em dâu chồng đứng cạnh chị lúc này thì sao mà héo hắt, quê mùa tội nghiệp thế. Cái quần lụa nhầu, ống hẹp. Cái áo budông simili màu cỏ úa, cổ lỗ.
Cảm giác thấy mình trội hơn người khác làm Lý vui. Nhưng khi thấy giữa mình và Phượng là một khoảng cách quá rộng và nhất là bỗng cảm thấy Phượng đơn sơ, gầy guộc, ánh mắt ẩn giấu một vẻ tủi thân thế nào, chị liền dịu lại.
- Cô gói bánh hộ lão thợ mộc cột nhà cháy đấy à, Phượng? - Lý kéo khoá áo, chuyển câu chuyện.
- Vâng. Vợ ông ấy hôm nay còn nằm bệnh viện, chị ạ.
- Ôi giời! Cái mụ đa tình ấy thì quanh năm suốt tháng có lúc nào xa rời được cái bệnh viện. Hết sẩy lại nạo, lại thắt buồng trứng. Còn cái thằng cha ấy, cô có biết không, nó có chết đứ đừ ra đấy, tôi cũng cứ kệ thây. Ai lại, thằng Dư con tôi hồi lên năm, đẹp như hòn ngọc, mà nó dám beo tai thằng bé! Cái thằng cha ấy ấy mà… - Ghé sát má Phượng, Lý hạ giọng, thầm thì.
Đông rũ phành phạch cái áo, quay lại thấy hai người phụ nữ đang bưng miệng rúc rích cười, liền gióng:
- Các cô bàn bạc, cười cợt cái gì mà bí mật thế?
Lý buông tay, cúi xuống một cái làn nhựa:
- Chị em chúng tôi bàn: Sẽ kí quyết định ăn chơi xả láng, ông có chịu không? Còn cười? Cười cái lão rậm râu sâu mắt.
- À, nếu thế thì tôi không thuộc loại ấy. Thôi, tôi đi tắm đây.
Đông ôm quần áo, đi ra phía cửa, bỗng đứng sững vì tiếng Lý gọi giật. Anh quay lại, chưa hiểu chuyện gì thì một bó mùi già xanh đậm, lấm chấm hoa trắng Lý mới móc từ dưới cái làn nhựa đỏ lên, đã lẳng tới giữa ngực. Lý nói như ra lệnh:
- Thả cái bó mùi này vào chậu nước nóng tắm tất niên cho nó thơm. Cái quần si đâu sao không lấy mà mặc? Lúc nào cũng cứ như mới từ chiến khu về ấy! Nhớ cắm bếp để nước cho ông cụ tắm. Nhớ, hay lại quên? Thật là người đời! Không hiểu tại sao tôi lại lấy ông đấy, ông Đông ạ!
Phượng cúi xuống, nhấc cái làn xanh, mủm mỉm cười. Lý bốn mươi rồi mà tính tình còn trẻ quá. Bà đối với ông chồng, thật đành hanh mà cũng thật nồng nàn. Còn ông chồng thì hiền lành đến mức ngờ nghệch, đối với vợ như chú em ngoan trước bà chị gái tận tình và lắm điều.
Hai cái làn nhựa đã được chuyển tới cạnh bộ xa lông kê ở giữa căn buồng. Đó là một căn buồng rộng, vuông vức, vẫn dùng làm phòng khách, nơi ăn uống, hội họp khi tết nhất, giỗ chạp của cả gia đình. Từ bộ xa lông nhìn sang trái là cái lò sưởi xây bằng gạch; bệ lò nay đặt bàn thờ - ở đó lúc này đã có mâm ngũ quả, một chai rượu chanh, lấp lánh mấy khung ảnh. Ba mặt tường khác treo mấy bức phong cảnh và tĩnh vật vẽ bằng sơn dầu, thưa thoáng mấy sợi vạn niên thanh nuôi trong mấy cái chai thuỷ tinh nhỏ. Đông đi tắm. Buồng đóng cửa, ấm sực. Lý kêu mới ăn phở còn no, cởi áo bay, gieo mình xuống đi văng, ngửa cổ, lim dim mắt. Và khi thấy Phượng cúi xuống hai cái làn, chị liền bật dậy, kéo tay Phượng cùng ngả lưng vào thành ghế với mình.
- Khoan hãy dỡ các thức ăn trong làn ra. Nghỉ tí đã, Phượng. Hà… Phượng này, mấy anh em nhà ông Đông mỗi ông một tính một nết, nhưng ông nào cũng y sì ông nào ở cái đức… ở bẩn. Ông cả Tường ngày trước thế nào thì tôi không biết. Chứ Luận nhà cô thì cũng vậy. Thằng Cừ giờ chẳng biết trôi dạt đến chân trời góc bể nào thì cũng rứa. Còn thằng út Cần chẳng hiểu đi học nước ngoài về có khá hơn được tí nào không, chứ hồi còn ở nhà thì cùng một giuộc với ông Đông. Quần áo đi đá bóng về, để xuống dưới chiếu, cha mẹ ơi, hôm sau lại lấy ra… mặc. Một hôm, thấy khăn khẳn, mình cứ nghĩ… quái, có con chuột chù chết ở đâu.
Lý cười rung cả ngực. Phượng đập tay Lý:
- Còn cái thói ăn cơm trưa xong, tống tất cả mâm bát rếch vào gầm giường, để đấy, ngủ cái đã nữa, chứ chị?
- Cái đó thì nhất rồi. - Lý nhổm dậy, mắt giàn giụa vì cái cười quá độ. - Về ăn mặc lôi thôi thì ông Đông nhà tớ thuộc loại cao thủ. Phượng ạ, lắm lúc mình cứ tự hỏi: Không hiểu tại sao mình lại lấy ông Đông? Mình thì thích cẩn thận, ưa sạch sẽ, lịch sự. Mình thích sống đàng hoàng, mình không chịu thua kém ai. Đói một tí, chịu được. Nhưng ra đường, đến xí nghiệp, mặc rách, mặc xấu, để người ta coi thường là mình không có chịu. Đằng này, ông ấy tứ thời quần nhàu, áo bạc. Mà có phải không sắm sửa cho ông ấy đâu! Dắt tay ra tận cửa hiệu, đo may cho một bộ técgan hẳn hoi. Mặc đúng hôm đám cưới cô với chú Luận, rồi nhét tủ. Hôm rồi lấy ra thì… ôi thôi… ông chuột ông ấy xơi ngay một cái đầu gối, một ống tay rồi. Thế là đi đời nhà ma cả bộ com lê giờ phải trên nghìn bạc.
- Anh Luận em, từ ngày chuyển sang làm phóng viên cũng đỡ…
- Khoan, chưa hết. - Lý xua tay, tranh lời Phượng. - Đã thế lại còn lúi xùi. Về mặt này, Luận nhà cô hơn ông Phật nhà này nhiều. Chú ấy hoạt bát, gãy gọn, lắm lúc nghe chú ấy nói những điều cao siêu, tôi chẳng hiểu, nhưng vẫn cứ mê. Còn ông Đông thì cứ như ngậm hột thị. Người ta thì quen từ ông giám đốc đến thằng bảo vệ cơ quan, xí nghiệp đằng vợ. Đằng này thì chẳng biết ai vào với ai. Có phải vì là cấp tá, là ông nọ ông kia mà kiêu căng thì nó cũng hớn hở cái mặt mình. Đằng này lại chỉ vì… bẽn lẽn. Cha mẹ ơi, lon trung tá lĩnh về, cất vào tủ, giờ còn mới nguyên. Huân chương gần chục cái, đựng đầy một bát ô tô giấu trong tủ. Rõ là áo gấm đi đêm chưa! Bảo đeo vào là lắc: “Chả cần” “Không cần thiết”. Giờ ra đường khác gì thằng xích lô, thằng chữa xe đạp. Mà chữa xe đạp, xích lô giờ nó còn sang gấp vạn.
- Anh quen tác phong giản dị như hồi ở chiến trường. - Phượng nói.
Nhưng Phượng thật không ngờ câu nói có dụng ý thanh minh cho Đông, để cho câu chuyện qua đi, lại như khơi vào khía cạnh khác trong tâm tư Lý. Lý bật chồm dậy, siết chặt tay Phượng, giọng đang nhuốm vẻ bỡn cợt bỗng cao vóng lên và có mùi vị cay chua thế nào:
- Chẳng thà cứ như hồi ông ấy ở chiến trường, tôi lại thích, lại sung sướng. Đấy, mười lăm năm trời, tôi một thân một mình đẻ con, nuôi con, trông nom hai cụ, bảo ban thằng Cừ, thằng Cần. Ôi, nuôi cái thằng Dư vất vả quá con cầu tự, ốm đau, sài đẹn đủ kiểu nhưng qua hết. Còn học hành từ cấp I đã không để thua kém ai. Hết thầy dạy tư âm nhạc, lại vẽ, ngoại ngữ… Tôi không nói ngoa: Con tôi không sướng nhất thì cũng nhì ở đất Hà Nội này. Đấy, ông ấy đi vắng. Nói thì có vẻ vô lí, nhưng thật là thế, ông ấy không có nhà, tôi lại thấy dễ chịu, thấy nhẹ nhõm.
Lý khoanh tay, ngả đầu vào lưng ghế. Mặt chị mất hẳn cái vẻ sắc sảo, lịch lãm, cả cái sắc tươi rờn cũng mất. Chị lờ đờ như bâng khuâng và vẻ như khó hiểu với cả chính mình. Vô lí hay thật là như thế? Ý nghĩa sâu kín nào ẩn giấu trong những câu nói mập mờ ấy? Và đôi mắt lá răm thắm thiết của Lý kia hằn một nét đăm chiêu như là luyến nhớ đang bộc lộ ý nghĩ gì của Lý? Lần đầu tiên Phượng hiểu: Người phụ nữ này hoàn toàn không giản dị như Phượng. Lý là con người có một độ sâu khác thường về tính cách và do đó khó hiểu với Phượng. Phượng mới sống gần chị có ít ngày thôi.
Phượng chưa thể hiểu được Lý. Vì chỉ một lát sau, Lý đã bứt ra khỏi trạng thái lờ lững, trở lại với bản lĩnh sôi động của mình. Hai tay Lý sục vào hai cái làn, thoăn thoắt. Và giọng chị lanh lảnh, liến thoắng:
- Phượng này, đây là hai chai Lúa mới nhé. Tranh nhau mãi với chúng nó mới được đấy! Thằng cung tiêu đem một giành từ Nhà máy Rượu về. Tớ phải quát ngay: “Để tao hai chai trả công tao đi liên hệ đây. Hứ, để cho giám đốc! Giám đốc đâu có cái lí ăn tranh của công nhân. Đưa đây!” Cái xúp lơ này để xào thịt bò. Măng lưỡi lợn đây, ngâm luôn đi. Miến Việt Trì đấy, khéo gãy. Còn đây là thịt để gói bánh. Cô rửa lá chưa? Đậu xanh thế nào rồi?
- Lá em rửa rồi. Còn đậu xanh, anh Luận bảo chờ anh ấy đi công tác ở Hải Hưng mua về.
- Lại còn chờ? Bao giờ chú ấy về?
- Có lẽ tối nay.
Lý thở đánh thượt:
- Rõ đau đẻ còn chờ sáng trăng! Thôi, tôi mua đây rồi. Gớm phố xá đông quá. Mà cái gì cũng tăng giá. Kẹo, tám mươi đồng một cân. Gà sống thiến, trăm rưởi rồi. Thật là ăn tiền, ăn tiền! Chết thôi. Tiền! Tiền! Tiền là trên hết! Này, cô trông miếng thịt có ngon không? Có tay trong cũng có khác chứ. Để tôi lọc chỗ thăn làm mọc. Ba cân rưỡi, giá cung cấp. Chưa đầy chục bạc, bằng cho không!
Hai cái làn đã rỗng không. Trên mặt bàn, dưới nền đá hoa là bức tranh tĩnh vật ngổn ngang, màu mỡ, đầy phong vị tết nhất. Trên bàn, dưới đất là cuộc trưng bày, là vật chất hoá tính lo toan tỉ mẩn, tài tháo vát, chu đáo và sự khéo khôn, thành thạo của Lý. Miếng thịt lợn ba chỉ, khổ mỡ dày nửa gang tay, chềnh ềnh, trắng ngộn. Cà chua đỏ hồng. Cà rốt đỏ gạch. Miếng bóng vàng ngậy. Bó hành xanh bóng. Hoa xúp lơ trắng ngà… Tất cả chỉ là thịt, là rau, là miếng sống, miếng chín vẫn ăn cả thôi mà sao vẫn hiển nhiên vẻ đặc sắc khác thường!
Phượng nâng hai cái túi ni lông trĩu những bánh kẹo, mứt Tết, đặt lên mặt bàn, sung sướng:
- Thế là đủ hết cả rồi.
Đập tay lên trán, mặt nhăn nhăn, miệng Lý lẩm nhẩm:
- Bánh, kẹo, mứt, bìa gia đình mua rồi. Pháo mua rồi. Dưa hành mua rồi. Tiêu sọ có rồi. Cô nhớ rang và xay hạt tiêu ngay đi nhé. Ông cụ, tiếng thế mà khó tính về ăn uống lắm đấy. Một hôm tôi làm bún chả, chỉ thiếu có tí hạt tiêu mà cụ bỏ bữa đấy! Còn gì nữa nhỉ? Vịt, gà mai mua. Mộc nhĩ, nấm hương, hãy còn đủ. Thôi chết, rõ hàng bấc thì qua, hàng quà thì tới. Cái cặp chả! Lại quên mua rồi.
- Bánh đa nem, chị?
- Đấy, không nhắc lại quên. Phiếu được một trăm lá, có một ông ở Sở đi Liên Xô tham quan, tôi gửi cho thằng Dư rồi. Tôi sẽ mua ngoài bù vào. Gì nữa nhỉ? Khéo lại ăn phải cháo lú. À, húng lìu, cà ri, sáng mai cô nhắc tôi mua nhé. Đấy suýt quên, ớt! Sáu hào một quả đấy! Còn để ở xí nghiệp, mai đem về. Ông Đông nhà này ấy à, bữa nào mà không có ớt là phàn nàn suốt buổi, ăn ớt cứ ngon như ăn kẹo. Rõ thật người đời. Đàn ông mà thích ăn ốc, cô bảo có kì không? Ăn được cả rổ, mút chùn chụt như ma xó, đến khiếp!
- Chị chiều anh Đông thật đấy!
Không để ý tới lời khen của Phượng, mặt Lý thản nhiên. Rồi đột nhiên, mắt chớp chớp liên hồi, những sợi mi cong hất lên như những tia mắt và chị bật tiếng reo:
- A, hoa! Năm nay hoa đắt lắm, cô ạ. Cành đào gầy còm toàn hoa mãn khai mà gần trăm bạc. Hôm qua chính mắt mình nhìn thấy một thằng già tặng một con chanh cốm mười bông hồng, mỗi bông giá những năm chục.
- Thế thì thôi hoa đi chị ạ!
- Thôi là thôi thế nào. - Lý thảnh thơi. - Đã ăn chơi là không sợ tốn kém. Đâu khắc có đó. Để tôi lo. Mai sẽ có. Bí mật nhé, để ông cụ bất ngờ. Con mụ phó phòng vật tư ở xí nghiệp tôi, ra cái điều ta đây là vợ ông thứ trưởng mới được đề bạt, hôm qua mua một cây quất ba trăm đồng, vác đến xí nghiệp cốt để khoe thiên hạ, thật là quá trêu ngươi mình. Tôi sẽ kể cho cô nghe về con mụ này sau. Nhưng… tôi cũng đã mua một cây quất năm trăm đồng rồi.
- Trời!
Dường như không nghe thấy tiếng kêu kinh ngạc của Phượng, Lý nhằn nhằn làn môi dưới, mải mê theo đuổi một ý nghĩ nào đó, rồi chợt ngẩng lên, bất ngờ:
- Ông cụ có nhà không?
- Em thấy vẫn có tiếng ông ho trên gác. Buổi trưa nay ông có khách.
- Ai thế?
- Một bà tóc bạc, trông mô phạm như bà giáo. Hình như bà đến chữa mắt cho ông, chị ạ.
Lý tủm tỉm:
- Bà lang Chí đấy. Các cụ già sắp xuống lỗ rồi mà còn tình tang ra phết.
- Tuổi già kể cũng buồn. Em thấy hình như ông lo nghĩ chuyện chú Cừ lắm…
- Buồn cóc gì. Cậu chưa biết đâu, tháng nào các cụ chả họp tổ hưu ở đây, cãi nhau í ỏm, thơ văn ông ổng dốc ra thâu đêm suốt sáng.
Phượng bật cười. Nhưng ngay lúc ấy, cả hai bỗng cùng đứng dậy. Và Lý nhanh nhảu xỏ chân vào đôi guốc cao, lộp khộp chạy ra cửa, rối rít:
- Ông… ông để con. Ông để con…
Ông Bằng, bố chồng của Lý và Phượng đang ì ạch bê một chậu cúc đại đoá từ ngoài sân vào; tới cửa buồng, định đặt xuống nghỉ, nhưng vừa thấy hai cô con dâu chạy ra đỡ, ông liền mắm môi, hào hển kêu: “Mặc ba, mặc ba”, rồi lại còng lưng, khạng nạng thực hiện nốt công việc nặng nhọc đang còn dang dở với một sự cố gắng phi thường.
Chậu cúc được đặt ở góc nhà. Và ông già ngoài bảy mươi gần như ngã xuống cái ghế bành, ho sù sụ một hồi, rồi ngả mái đầu bạc như cước vào thành ghế, mắt cố đẩy làn mi dày nặng như hai miếng cau khô, nghiêng nghiêng một ánh cười mãn nguyện. Những bông cúc vàng tươi vẫn đang còn xao động, rung rinh, toả cái vui tươi sáng, ấm áp ra khắp gian buồng và không gian nhỏ hẹp bị đóng kín trong căn buồng, tách biệt với khoảng trời chiều ngoài kia đang mù mịt sương giá, chợt dậy lên một mùi thơm thanh khiết và nguyên sơ, mùi đồng nội.
- Đẹp đấy. Đẹp đấy, các con ạ. Để bê chậu nữa ở ngoài vườn vào - Ông Bằng thì thào gật gù.
Lý nhanh nhảu:
- Ông để tí nữa con bê vào. Khổ, ông yếu, sức đâu mà ông cố.
- Ờ ờ… Ba định sum họp gia đình và họp các cụ tổ hưu nhân ngày Tết ở đây.
Ông già xoa xoa hai con mắt bị khô cộm mấy năm nay. Rồi hai con mắt ông lặng lẽ trong khó nhọc, he hé mở, đưa cái nhìn dịu dàng và bỡ ngỡ ra khắp gian buồng, xuống cái ve áo vét lấm chấm nhuỵ hoa cúc vàng. Không khí thoáng vẻ trang trọng và mơ màng.
Hai người phụ nữ vẫn đứng với một vẻ rụt rè, kính trọng. Cái phong thái ấy trong quan hệ bố chồng - nàng dâu xưa rày vốn là cố hữu ở gia đình này; nó từ ông Bằng toả ra, từ khung cảnh nếp sống của cái gia đình vốn coi trọng tinh thần, đạo đức toả ra, nhuần thấm vào mọi người, củng cố và nhân lên, kể từ khi Lý về làm dâu, sống ở đây đã hai chục năm lẻ, giờ mới được chuyển về sống với chồng ở căn nhà này trong thành phố này.
Sự kính nể của hai cô con dâu với ông Bằng phản ánh một nền nếp gia giáo cổ truyền, hơi cách bức, đã trở nên lạc lõng và hiếm hoi vào những ngày này, được tạo ra từ chính bản thân ông Bằng. Con người là phong cách. Ông Bằng là vậy: đĩnh đạc, khoan hoà, mực thước, cẩn trọng đến khắt khe. Ông sống cố định với những chuẩn mực đã xác định, và luôn gắng sức tạo nên sự ổn định trong tâm tưởng bằng một bản lĩnh kiên nghị, có ý thức, ngay từ khi còn là một công chức bưu điện trẻ, sau đó là nhà giáo, nhà báo, từ khi chưa có dấu hiệu lão hoá và xuất hiện căn bệnh mùa thu của đời người - bệnh cao huyết áp.
Thêm nữa đó cũng còn là một thái độ tế nhị, một cách né tránh những phật lòng, bất ý thường hay đột ngột xảy ra ở tuổi già, có thể gây ra những chuyện bất hoà vô cớ trong gia đình và gây tổn thương cho một cơ thể già nua đã xơ cứng các động mạch và trái tim đã quá mệt mỏi sau hơn bảy chục năm trời liên tục làm việc. Tuổi già, tuổi bất thường. Bất thường về bệnh tật, bất thường về tâm tính. Bà cụ Bằng về cõi tiên cách đây ba năm, sau một thời gian dài đốc chứng trở thành một bà lão nghiệt ngã, hành hạ hết con trai đến con dâu, từ những chuyện không đâu, gây nên những cảnh lục đục, tưởng đến tan hoang cả luân thường đạo lí. Ôi, cái gia đình gồm hai ông bà xưa nay được tiếng là mô phạm mẫu mực, với năm anh con trai, năm hòn ngọc quý, anh là liệt sĩ, anh đóng trung tá, anh làm nhà báo, anh đi học nước ngoài… anh nào cũng đẹp người đẹp nết, cùng mấy cô con dâu cán bộ nhà nước, cô nào cũng đảm, cũng dễ thương, ưa nhìn, cái gia đình rất đáng tự hào về sự hoà mục, tiêu biểu cho các quan hệ của con người trong một gia đình thuộc xã hội mới, vậy mà trong những ngày gần đây vẻ như là đã xuất hiện một bước ngặt đột biến, thấp thoáng những dấu hiệu của lủng củng, bất hoà, bất ổn trong các mối tương giao, khiến các thành viên nhạy cảm phải phấp phỏng lo ngại về một cuộc khủng hoảng khó tránh khỏi đang ở nhãn tiền. Gia đình, giọt nước của biển cả, cá thể của xã hội, liệu có vững vàng trong cuộc sống xây dựng đang có nhiều khó khăn, lắm bê bối này?
- Bố xơi nước ạ. - Phượng dâng chén trà bằng hai tay, nhỏ nhẻ.
Ông Bằng đỡ chén nước, nâng lên ngang tầm mặt. Hương chè và hơi ấm phả vào các giác quan ông. Mắt ông hấp háy, nhóng nhánh.
Lý tinh ý reo:
- Mắt ông… mắt ông đỡ rồi ạ.
- Ờ ờ… - Nhấp hụm trà, ông Bằng gật gật. - Ba cũng chưa hiểu nguồn cơn thế nào. Bà lang Chí bà ấy chữa chỉ bằng cách xoa vuốt…
- Ông ạ, ở phố Sinh Từ có ông lang nổi tiếng chuyên chữa bệnh bằng thôi miên. Gọi là cách chữa bằng điện sinh vật, hay thần giao cách cảm gì ấy.
Ông Bằng cười, nhìn cô con dâu lớn tuổi biết nhiều chuyện vặt, đưa mắt qua cái mặt bàn ngồn ngộn hàng Tết:
- Ờ, ba cũng là nghe đồn thế. À, thế Lý đã mua sắm hàng Tết rồi à. Chặc! Sao mà nhiều thế!
- Toàn là tem phiếu tiêu chuẩn cả, ông ạ.
- Lúc này đồng tiền hiếm hoi, nên tiềm tiệm thôi, các con ạ. Lý thì dẫu sao cũng đã ổn định. Còn Phượng, mới chuyển về thành phố, còn phải lo sắm sửa cho gia đình con cái. à, ba muốn hỏi: Việc chuyển công tác của Phượng đến đâu rồi. Ngồi xuống đây, các con!
Phượng ngồi xuống đi văng cùng Lý, mân mê hai bàn tay, khe khẽ:
- Dạ, anh Luận con đưa đơn của con đến. Họ nhận. Họ hẹn mồng năm Tết đến để họ xem mặt.
Lý phì cười:
- Cứ như xem mặt cô dâu không bằng, Phượng, hôm này để chị bôi son, đánh phấn cho nhé!
Ông Bằng chớp chớp mắt, Lý được đà:
- Phải biết cách, chứ đừng như các nàng choai choai chanh cốm đua đòi ăn chơi ở xí nghiệp chị. Chỉ tổ thiên hạ họ cười, họ khinh cho. Ai lại đánh phấn mà không bôi kem nền. Cha mẹ ơi, nóng bức, mồ hôi nó mới chảy ra, phấn nó mới vón cục lại, mặt mũi loang lổ, cứ như thằng hề. Phượng này, nói thế thôi, chứ được nhận vào làm ở xí nghiệp ấy thì cũng bõ công trang điểm má hồng răng đen đấy, cô ạ. Phúc lợi nó nhiều lắm. Năm ngoái, cả xí nghiệp nó dẫn diệu nhau đi chơi chùa Hương cơ. Ba ạ, con biết tay tổ chức ở xí nghiệp ấy. Chính con cũng định xin sang đấy.
Nhưng, họ đòi tiêu chuẩn cao lắm. Phải tốt nghiệp đại học Kinh - Tài này. Phải là đảng viên nữa này. Thế thì con xin rút lui có trật tự ngay.
Ông Bằng gật gù. Lý quay sang Phượng, càng liến láu:
- Cô Phượng này, cái thằng tổ chức mặt thịt nùng nục ấy, nó phải nhận cô là nó cay lắm đấy. Cũng là do Luận nó quen tay giám đốc. Chứ nó là định gài người của ê kíp nó cơ! Không thì cũng phải bạc nghìn!
Ông Bằng cắn môi dưới, đưa tay lên bóp thái dương. Không hề hay biết ông bố chồng đang khó chịu về cách ăn nói của mình, Lý càng hăng hái:
- Tức điên lên cơ, ông ạ. Hôm nó tiếp con, nó vừa lấy ráy tai vừa đọc đơn của con. Rồi nó đặt đơn của con xuống, giáng luôn một câu: “Cô học lớp mấy rồi mà chữ viết thiên thẹo mẹo giậu thế này?”
Cả ông Bằng và Phượng cùng bật cười. Và Lý, khôn ngoan vậy, khờ khạo vậy, cũng bật cười theo.
Ông Bằng gõ ngón tay lên mặt bàn, chậm rãi:
- Thôi được rồi, họ nhận Phượng thế là may. Ba hỏi Phượng: Mấy năm vừa rồi, ở Hoàng Liên Sơn, con làm công việc gì?
- Cô ấy làm quản lí nhà ăn ở trường Sư phạm huyện, ông ạ. - Tranh lời Phượng, Lý đáp sỗ sàng.
Phượng vội chữa:
- Các anh ấy cũng cố bố trí, sắp xếp nhưng chưa được, nên con đành phải làm việc ấy ba ạ.
- Họ muốn vòi tiền cô thì có! - Môi mim mím, mặt Lý vênh ra điều hiểu biết.
Ông Bằng nhìn cô con dâu đáo để, chép miệng:
- Nghĩ ngợi gì mà đen tối thế, Lý?
- Sự thật đấy, ông ạ. Ông nghỉ hưu rồi, ông ít tiếp xúc với thực tế, ông không hiểu, đời bây giờ tệ lắm, ông ạ. Có tiền là xong hết!
Ông Bằng lắc lắc đầu. Mặt Lý vẫn nghênh nghênh, ngạo mạn và tự tin. Lý ăn nói tợn tạo quá. Chẳng lẽ tổng kết toàn bộ cuộc sống chỉ cần một câu đơn giản như thế? Ông đưa mắt nhìn Phượng. Mặt Phượng thấp thoáng nỗi thơ dại, nhưng hai con mắt Phượng dịu ấm, trong veo. Phượng không sắc cạnh, lém lỉnh, nổi trội như Lý. Nhưng, mặt Phượng ánh lên tinh thần hài hoà, hợp lí, tin cậy hơn. Ấn tượng này có lẽ sẽ theo ông cho đến ngày ông rời bỏ cõi đời này.
- Ba hỏi vậy là muốn biết con còn nhớ nghiệp vụ kế toán không, Phượng ạ. - Ông Bằng giải thích, trở lại câu chuyện.
Phượng hiền hoà:
- Con còn nhớ ạ. Nhưng, con cũng sẽ đi học hỏi thêm ở mấy xí nghiệp bạn.
- Ừ, thế là đúng. - Ông Bằng thở phào. - Dù thế nào thì thật thà, chân thành vẫn là hơn, con ạ. Ai thế nào, mặc. Mình tự quyết định lấy phẩm giá của mình, thế mới đúng. Còn việc gia đình, con có định đưa cháu Nga về ngay không? Bà ngoại cháu nữa, vẫn ở trên ấy hay chuyển về dưới này?
Không để Phượng kịp đáp, Lý chồm ngay sang phía ông Bằng, giọng thấp xuống, nhưng vẫn hết sức sấn sổ:
- Ông ạ, dẫu sao nước cờ cao vẫn là nhún nhường. Con định thế này, để tạo điều kiện thuận lợi về công tác cho Phượng, tối ba mươi Tết này, cả nhà sum họp, ta mời tay tổ chức xí nghiệp Phượng tới, mời nó ăn, cho nó thấy gia đình ta. Mình đâu có phải loại hèn kém, muốn đè ép là được!
- Không được! Không được… Không nên như thế. Thế này.
Ông Bằng xua xua tay. Nhưng, ông chưa kịp nói hết ý, đã nghẹn lời, rũ xuống ho một hồi. Và ngoài sân có tiếng người, rồi ở cửa buồng có tiếng giày da bước lộp cộp vội vã.
- Ối! Cả nhà tụ họp ở đây, vui quá! Ba! Chào chị Lý, Phượng.
Người vừa bước vào cất tiếng reo hoan hỉ là Luận chồng Phượng. Luận trắng trẻo, cao dong dỏng, mặc áo vét títxuy tím than, trạc bốn mươi, dáng thanh nhẹ, trẻ trung.
Theo sau Luận là Đông. Đông vừa tắm xong, hai tai to như tai Phật đỏ ửng, co ro, cúm rúm, lù dù bước vào, chúi ngay xuống ghế cạnh ông Bằng, xuýt xoa kêu rét quá, xin Phượng chén trà nóng.
Lý phắt đầu lại phía Luận, hất hàm:
- Tưởng tối mịt mới về! Đậu xanh gói bánh đâu?
Luận đứng sững, khuôn mặt trái xoan linh lợi đờ ra một giây, rồi chợt hiểu, dang rộng hai cánh tay, thở phù một hơi:
- Chẳng có gì cả! Bị tịch thu hết rồi!
Lý nhảy ra khỏi ghế, giậm chân, xỉa tay:
- Bịa! Bịa! Tịch thu! Nói dễ nghe nhỉ? Có hốc xì thì có! Tịch thu! Ai tịch thu? Thẻ nhà báo đâu, sao không chìa ra?
Luận nhệch miệng như cười như mếu;
- Ai tịch thu? Thuế vụ chứ ai nữa! Lệnh của Nhà nước cấm vận chuyển lương thực, thực phẩm ngày Tết. Thế mà lại quên mất không xin cái giấy nhận thực của huyện.
- Há há!… Đẹp mặt chưa! - Vỗ tay đồm độp, Lý cười ha hả. - Chị em tôi mà tin ông thì có ngày rã họng. Phượng ơi, mày thấy chưa? Tao đã bảo rồi mà, các lão đàn ông nhà này toàn là hạng vô tích sự cả. Nhưng này thôi, để tôi kể một câu chuyện về bọn thuế vụ cho mà nghe…
Ồn ào, náo động cả căn buồng. Đầy ắp những chặp cười, những lời phiếm luận. Nổi lên giọng Lý chanh chua, những âm thanh, giọng điệu biến thái đột ngột và những thành ngữ, từ ngữ phi lí, lạ tai. Ông Bằng thấy đầu ù ù, có cảm giác mình vừa bị cuộn vào, vừa bị đẩy ra, đứng ngoài rìa một vòng xoáy càng lúc tốc độ và sự ồn tạp càng tăng.
Phượng thu dọn những đồ sắm Tết vào hai cái làn xong, ý nhị tách ra khỏi cái vòng xoáy của những câu chuyện càng lúc càng trở nên tạp nham vô bổ, đi đến bên ông Bằng, cúi xuống:
- Ông ạ, nước chắc đã nóng rồi, con mời ông đi tắm ạ. - Rồi Phượng ngẩng lên, nhẹ nhàng. - Các anh chị ơi, yên lặng để ông cho ý kiến về tổ chức Tết xem nên thế nào…
Ông Bằng đứng dậy, thấy như tròng trành, nghĩ một lát rồi mới thong thả:
- Thế này, các con ạ. Lúc nãy, ba chưa nói hết ý. Đúng là việc Phượng chuyển công tác về dưới này là việc vui mừng của gia đình ta, có khách khứa, bè bạn tới thì càng vui. Nhưng, ba muốn Tết là Tết riêng của gia đình. Khách, các con để khi khác. Mấy khi gia đình ta được sum họp thế này. Tết này đã vậy, còn Tết sau, biết thế nào…
Từ ngữ có giá trị tự thân và cùng với chúng là giọng nói, một giọng nói trầm trầm trong khung cảnh một chiều đông áp Tết, đã khiến cho những câu nói của ông Bằng giống như một giai điệu buồn, để lại những vang hưởng bùi ngùi và xao xuyến trong căn buồng, do vậy không khí Tết nhất đang tíu tít, hào hứng, bỗng như mất đi cái sinh khí hồ hởi, phấn chấn, kể cả khi ông Bằng đã đi tắm và hai người phụ nữ đã xách hai làn hàng Tết nặng xuống bếp.
Còn lại trong buồng là Đông và Luận.
Hai anh em cao bằng nhau, nét mặt, cử chỉ hao hao nhau, nhưng vóc dáng và tính cách thì hoàn toàn khác nhau, như cái cây cùng gốc lại chẽ thành hai cành, hướng về hai ngả đối lập nhau.
Luận hoạt bát, nhạy bén, xông pha, vừa là tính nết bẩm sinh, vừa là những đặc tính được hấp thụ từ nghề làm báo quen rộng biết nhiều. Đông, trái lại, chậm chạp, thản nhiên, ụ ị, mù mờ, dường như khách quan với tất cả mọi sự kiện, kể cả việc quan thiết đến mình.
- Uống nước đi, cậu lại hút à, Luận?
- Em hút thử một điếu thôi. Vừa rồi gặp một ông sành thuốc, ông bảo cách thưởng thức thuốc lá ngon. Thế này, anh Đông. - Luận châm điếu thuốc, rít một hơi dài, rút điếu thuốc khỏi miệng, giơ lên. - Hút khoảng hai xăng ti mét như thế này, lúc ấy mới thật là khói của nó. Thế! Hút tiếp, không thở ra, đưa khói lên mũi, vào chỗ này. - Luận chỉ vào đoạn sống mũi gần hai khoé mắt, thích thú như đối với một phát hiện lạ. - Khứu giác cảm nhận mùi vị tập trung ở đây.
Đông thì lì, không bị hấp dẫn:
- Thế cậu có dò tìm được tin tức thằng Cừ không?
Luận dụi đầu điếu thuốc xuống nền nhà:
- Để em nói nốt về việc hút thuốc đã. Nghĩa là nhiều khi ta sống trong cuộc mà chẳng hiểu cho tới ngọn ngành nó là thế nào cả. - Thoáng một ánh cười tự giễu trên môi, Luận tiếp. - Còn việc thằng Cừ. Em đã hỏi nhiều nguồn tin. Đích xác là nó đã đi rồi.
- Đi rồi!
- Chắc chắn là thế!
- Hừ, chắc chắn là thế!
Luận có cảm giác Đông hơi thu mình nhỏ bớt lại khi chậm rãi lặp lại câu nói của mình. Mặt Đông lặng tờ, hàng ria lấm chấm có sợi bạc vẽ một nét trang trọng trên mặt Đông. Vẻ như Đông không dửng dưng trước sự kiện này.
Nhưng khi Đông để mặc cả tấm thân đồ sộ đổ vào lưng chiếc đi văng, sau khi lừ lừ hai con mắt nhỏ tìm kiếm quanh quẩn một cái gì đó vu vơ, và vô nghĩa, Đông lại trở lại vẻ hững hờ vốn có.
Với Luận, sự kiện này thật nghiêm trọng. Thằng Cừ, đứa con thứ tư trong gia đình, em của Đông, Luận, cái thằng được cả nhà quan tâm, lo lắng, đã di tản, đã bỏ Tổ quốc, chạy ra nước ngoài rồi. Cái thằng hư đốn, mất dạy từ nhỏ. Không giống anh cả Tường, không giống Đông, Luận. Không bằng cả thằng Cần em nó hiện đang học kĩ sư ở nước ngoài, sắp tốt nghiệp. Luận đã cứu nó khi nó bị bộ đội kỉ luật sa thải về vì tội ăn cắp quân trang. Nhục quá! Nhưng, nghĩ nó là em, lại thương nó cũng đã bốn năm lặn lội Trường Sơn đánh Mỹ, xin cho nó học nghề ở một xí nghiệp lớn. Nó có vẻ tu tỉnh. Đùng cái nó được đi học lắp máy một năm ở nước ngoài. Mừng quá, tưởng đây là dịp nó gây dựng lại tinh thần cho cuộc đời riêng vốn đã có vết nhơ. Nhưng, một năm sau, từ nước ngoài về, gặp Luận nó nói thẳng thừng: “Biết khổ thế này, tôi chẳng về nước nữa!” Luận tức giận, nhưng cố nén: “Cậu hãy nhìn vào chỗ sáng đi”. Nó cười khẩy: “Có chứ, ông Đông đấy, hai mùa kháng chiến, giờ trung tá về hưu, tiều tuỵ, không hứng khởi, không vô vọng, chỉ một hoạt động là tổ tôm… Tôi chán!” Cái thằng khốn nó xưng là tôi. Nó coi thường, coi khinh một trị giá là Đông. Rồi nó sẽ chà đạp lên mọi giá trị tinh thần khác nữa cho mà xem. Đông uất, nhưng không thèm chấp, không thèm đáp, kệ Luận lăn lóc, bám sát nó, bảo ban, kiềm chế nó. Nó là cái mầm hoạ. Quả nhiên nó bảo Luận: “Tôi quyết định bỏ vợ đấy, ông Luận ạ”. Luận gào: “Mày tồi quá! Mày thử hỏi ý kiến ba đi, rồi mày sẽ hiểu”. Nó cười nhạt, đểu giả: “Ôi, ba lạc hậu hàng thế kỉ. Luật lệ đạo đức gì mà cổ quá. Chán nhau rồi thì phải bỏ nhau thôi, ông ạ”. Luận quát: “Mày câm mồm đi. Lúc mày đóng quân ở Ninh Bình, mày tán tỉnh nó, mày có ý nghĩ đê mạt ấy không?” Đông không nói, như kẻ đứng ngoài cuộc, chỉ nhìn nó lừ lừ, tưởng như thân hình hộ pháp của Đông sắp sửa lao vào nó mà đấm đá cho thoả hận. Chỉ còn Luận rát cổ đấu khẩu với nó, lúc uất quá chửi nó là đồ vô giáo dục, thằng ăn cháo đái bát, tên phản bội. Luận sục xuống xí nghiệp nó làm, gặp Đảng uỷ, giám đốc, công đoàn, yêu cầu quản lí nó thặt chặt. Êm được một tháng, đã mừng mừng. Nhưng, đùng cái có giấy tờ xí nghiệp nó gửi về: “Truy nã Lê Ngọc Cừ về tội đào nhiệm”.
- Từ lâu, em đã nghĩ: vào mùa khô, biển lặng, có lẽ nó sẽ vượt biên. Em biết nó ngấm ngầm chuẩn bị. Thằng này hư hỏng quá nặng rồi.
- Sao cậu biết nó ngấm ngầm chuẩn bị? - Đông hỏi, không nhúc nhích.
- Chị Lý bảo thế! Nó bán dần đồ đạc đem từ nước ngoài về. Nó cặp kè chơi bời với một đứa con gái hư ở phố này. Nghe nói, mỗi đứa đi phải nộp hai chục ngàn.
- Sao bà Lý không bảo tôi?
Luận châm lại điếu thuốc, rít một hơi:
- Cuộc sống thật hết sức phức tạp. Mỗi gia đình, mỗi con người thật không đơn giản.
- Có gì mà phức tạp hết sức?
- Như hiện tượng thằng Cừ, em nghĩ ngợi rất nhiều.
Đông nhăn trán:
- Có gì mà phức tạp. Nó nhiễm độc tư tưởng tư sản, hưởng lạc. Có vậy thôi!
- Cái đó có. Nhưng, cụ thể? Và còn những mặt khác?
- Nó đánh mất lí tưởng!
- Nói thế thì ai chả nói được. Nhưng, vì sao? Vì sao? Chứ chỉ một câu kết tội thế, giải quyết được gì! Đừng nên từ một khái niệm để xem xét con người. Phải tiếp cận nó, đặt nó trong các mối liên hệ mà xem xét một cách thực sự cầu thị. Có thể mới tìm được giải pháp đảm bảo cho nó không tha hoá, để nó phát triển lành mạnh.
- Thôi, cậu đừng có bênh che nó. - Đông chồm lên, và thật bất ngờ, giáng nắm đấm xuống mặt cái bàn nước. - Tôi có súng, gặp nó, tôi bắn chết luôn!
Luận chùng người lại, có cảm giác nghe thấy tiếng súng nổ bên tai. Đông lừ mắt, như bồi thêm một phát đạn nữa cùng với một cú đập bàn nhỏ hơn:
- Nó là một thằng phản động!
- Về cái nghĩa…
- Theo nghĩa chính xác của từ đó. - Đông ngồi thẳng dậy. - Cậu hiểu không? Tháng Tư năm 1975, tôi gặp nó ở Xuân Lộc, lúc ấy ta đang bao vây Sài Gòn. Nó kêu với tôi: Đói, khổ lắm anh ơi. Lúc đó tôi đã muốn bắn chết mẹ nó đi cho rồi. Hừ, còn bây giờ, nó sẽ hại cả nhà. Nó sẽ hại cả nhà. Bà Lý bảo thế đấy!
Người Luận có một cơn rung nhè nhẹ. Thằng Cừ sẽ hại cả nhà! Nghĩa là thế nào. Vì nó là một thằng phản bội Tổ quốc? Nó sẽ làm điêu đứng số phận thằng Cần, thằng Dư đang học ở nước ngoài và Phượng mới chuyển công tác về? Hay nó trực tiếp làm khổ vợ con nó? Và liệu ông cụ có chịu nổi vết đau này? Lý tinh nhạy lắm, đã nhìn ra những gì chưa xuất hiện. Còn Đông lại tiếp nhận ý kiến của vợ theo kiểu tư duy thô sơ, giản đơn, một chiều như Đông vốn có.
Ngửng lên, Luận cố rũ ra khỏi ám ảnh nặng nề:
- Anh Đông ạ. Chuyện thằng Cừ, nếu không phân tích rõ rành thì sẽ hoang mang. Mà lúc này, lại rất cần tỉnh táo. Đặc biệt trong các bi kịch có dính líu đến gia đình, mình càng phải thật rành rẽ để khỏi cuống, để tìm được tận gốc mà chữa.
- Có gì là phức tạp lắm đâu! Cậu hay vòng vèo quá!
- Anh vừa nói, theo em, ý ấy chưa toàn diện. Quy kết như thế, chẳng có ý nghĩa gì, ngoài ý nghĩa chính trị của vấn đề.
Đông lụng bụng câu gì đó trong miệng, quay mặt nhìn ra cửa. Luận hơi cúi xuống:
- Anh ít ở nhà, ít quan tâm tới nó, không hiểu hết nó, từ những điều nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày. Không kể nó hỗn láo từ lúc nhỏ, như đi học về mở mâm cơm ra, thấy thức ăn không vừa ý, chửi luôn: “Nó cho bố nó ăn thế này đây”. Không kể cái tính tắt mắt, ăn vụng từ miếng giò, quả trứng chị Lý mua cho thằng Dư hồi nhỏ. Không kể cái tồi tệ đớn hèn của thằng con trai đi bộ đội mà viết thư về chỉ kêu đói, kêu khổ và xin tiền gia đình. Nó hư hỏng ở mặt khác kia. Em kể anh nghe. Một lần, bà cụ mắng nó, đại để là trách nó không biết đến công lao sinh dưỡng, mang nặng đẻ đau, nuôi nấng, bú mớm của cha mẹ. Anh có biết nó trả lời thế nào không? “Thôi đừng đạo đức giả nữa. Tôi có khiến các người cho tôi ra đời đâu!” Lúc ấy, em đang rút dép, em run cả hai bàn tay. Uất quá, em lẳng cả cái dép vào người nó. Một lần khác, nó ở bộ đội về nghỉ phép, em hỏi nó: “Nghe nói, cậu lấy vợ có con rồi, sao không nói với ba, mẹ và dẫn cô ấy về nhà?” Nó nhún vai: “Ồ, chuyện ấy có gì mà quan trọng thế!” Nghĩa là thế nào? Nó đủ các tính xấu của thói ích kỉ hèn nhát, vân vân, và vân vân. Nhưng đáng sợ hơn đáng lưu tâm hơn ở chỗ này: Rõ ràng là có một lối sống đang có nguy cơ hình thành: coi tất cả chuẩn mực đạo đức là giả trá, vô bổ, vô lí, coi tất cả các quan hệ tình cảm thiêng liêng với Tổ quốc, gia đình, bố mẹ, anh chị em là vô nghĩa.
Luận ngừng lời. Đông có nghe không mà mặt vẫn ngoảnh ra ngoài cửa sổ. Chắc chắn là Đông không tiếp nhận ý kiến của Luận đâu. Thấy Luận im. Đông từ từ quay lại:
- Cậu hay lí sự, phức tạp hoá các vấn đề quá!
Luận cười, cố giấu vẻ chua chát:
- Thôi, bảo lưu mọi ý kiến đã. Bây giờ nó đi rồi. Hậu quả thế nào cũng có và phải giải quyết, anh ạ.
- Đến công an, nói: Chúng tôi từ nó. Thế thôi!
- Đơn giản thế thôi à? - Luận nhăn nhăn trán, ngẩng lên. - Thôi được. Còn việc này: Có nên để ba biết sự thật không?
- Ý cậu thế nào?
- Không nên! Hiện nay, cụ mới chỉ biết là nó bỏ việc ở xí nghiệp mà cụ đã buồn lắm rồi. Cụ đã viết thư kể việc này với tất cả mọi người thân thích trong nhà, kể cả chị Hoài, vợ anh cả Tường ngày trước. Em sợ sức khoẻ của cụ không chịu nổi… mặc dù em biết cụ luôn luôn tự chủ, muốn giữ thế cân bằng.
Trời, chị Lý, bàn tay chị là bàn tay vàng. Trông chị lóc thịt kìa: Lưỡi dao bài mảnh như cái lá úa, sục vào tảng thịt, rạch rạch, tở từng lát dài gọn như xén, trông đã phát thèm. Miếng thịt gói bánh to bản, dày vừa độ, có cả mỡ, cả nạc, ướp muối tiêu, không ướp nước mắm sợ để lâu bánh
thiu, xếp đầy ụ hai cái bát ô tô. Chỗ đỗ đồ vàng tơi nóng hổi. Mắt nhìn, miệng nói mà hai tay mềm mại thoăn thoắt vần chuyển, tăm tắp trong mọi động tác. Tấm lá bọc lau miết, sạch bóng. Hàm răng nhỏ trắng ngời tước cái cọng lá. Những ngón tay búp măng vặn cái lạt giang mềm óng ả. Một tiếng đồng hồ, gói gọn thon lỏn yến rưỡi gạo nếp. Tất cả, vừa nãy, còn ngổn ngang thúng, mẹt, nồi niêu, gạo, đỗ, lá, lạt, giờ đã chặt chịa ba chục cái bánh gói không khuôn mà chiếc nào cũng giống chiếc nào, cao thành, vuông góc, đều như đúc.
Một ngày ngắn ngủi qua, toàn bộ công việc chủ yếu của cái Tết lớn đã đâu vào đó. Phượng như cái bóng bám theo Lý, chịu sự điều hành, chi phối của Lý. Lúc nắm đỗ, khi bổ củi, lúc rửa rau, khi bóc tỏi. Phượng là cái tay cái chân của Lý, nhất nhất mọi việc đều thực hiện theo sự chỉ bảo của Lý. Cạnh Lý, Phượng càng lúc càng thấy mình lóng ngóng, tuềnh toàng, nhạt nhẽo thế nào.
Lý thật hoạt, thật vui, thật khéo, thật là người làm chủ công việc. Lý cười ha hả, cười hết cỡ và hoàn toàn tự nhiên, không bị ràng buộc, ăn nói thật bỗ bã, lắm khi thật bặm trợn mà nghe vẫn không chối tai.
- Mày có tin không, Phượng? Có lần tao cắt tiết trâu rồi đấy.
- Thật à, chị?
- Chẳng có khỉ khô gì cả. Ai làm được cái gì, tao cũng không chịu lép. Khắc làm, khắc quen. Lão giám đốc bảo tao: “Cô Lý, xem ra cô là người năng động, coi kho phí đi, tôi điều cô sang chạy vật tư, ưng không?” Được, tao bảo, ông làm quyết định đi. Thử tay nghề nhau một tháng nhé. Tốt, phải tăng lương đấy. Tao sang phòng vật tư một tháng, bao nhiêu ách tắc lưu cữu, cứ là bay. Bột nhẹ có rồi, kếp có rồi, sắt thép có rồi, nhưng nằm chết gí ở Cảng đã nửa năm nay. Để tôi giải quyết. Đưa hai nghìn đây. Tao chỉ gióng một tiếng, năm ôtô tải đến, đích thân tao xuống cảng. Một tuần sau, kho xí nghiệp đếch còn chỗ nào mà nhét nữa.
- Chị tài quá.
- Tài cóc khô gì! Chẳng qua là vì lão trưởng phòng không sai khiến nổi bọn con gái và mụ vợ lão thứ trưởng bị thịt trong phòng. Lão này năm chục cái xuân xanh, chưa vợ, xấu như ma, giàu ghê gớm, nhưng lại cứ hay ken két nguyên tắc rởm. Tao bảo lão: “Ông ơi, ông phải biết nịnh nọt quân của ông, phải biết ra lệnh lại phải biết bưng phở cho họ xơi. Đời phải biết nựng nọt, cưng chiều nhau chứ. Nịnh cũng tuỳ chỗ mới là xấu. Chứ vợ chồng nịnh nhau, chiều chuộng nhau thì xấu ở chỗ nào? Giờ lão Trưởng phòng là thần nịnh. Lúc nào cũng “Cô Lý thân mến”, “Cô Lý thân quý”. A, lão thủ thỉ, cũng có duyên ra phết. Nhưng, ông ơi, tao bảo lão, phải giữ khoảng cách đấy nhé. Tôi, gái có chồng rồi, cứ cặp kè nay đi công tác với ông, mai đi chạy hàng với ông, không giữ gìn thì làm bia miệng cho thiên hạ đấy. Lão nghe, mặt cứ đực ra.
Lý cười nắc nẻ. Công việc hoà quyện hai người. Chuyện tâm tình quấn quýt say sưa mà Lý vẫn không sao nhãng mảy may công việc.
- Thôi, nổi lửa cho nồi bánh đi, Phượng! Nhớ đun đều. Nghe lạch xạch là cho nước thêm. Đặt cái chậu thau nước lên nắp thùng này cho nó nóng.
Cái thùng bánh cao lù lù. Giục Phượng, nhưng Lý cũng xắn tay áo ra sau bếp, vác bao trấu mua trữ đã hơn tháng nay vào, rải quanh bếp.
Lửa bén củi, cháy một khối vàng đậm dưới đáy thùng, liếm chờm lên cạnh thùng, lơ lơ xanh. Ngoài sân, tối nhập nhoạng. Khu vườn quẩn hơi sương trắng mờ. Cái cổng sắt bị hơi gió tạt chốc chốc lại rung cành cạch. Pháo nổ ở cuối phố đì đẹt vọng lại.
Lý kéo cái thớt đại gỗ nghiến ra cửa bếp, đặt miếng thịt bò định thái để nấu sốt vang, sực nhớ lại bỏ đấy chạy vào nhóm bếp dầu rán mỡ. Phượng nhấp nhổm quanh thùng bánh:
- Có con mèo đen nó quẩn quanh ở trong vườn, chị Lý ạ.
- Mèo hoang đấy, hôm nọ tớ thấy nó tót cả lên bàn thờ.
- Mình nên nuôi một con, chị ạ. Nhà lắm chuột quá.
- Mèo nuôi phải có thần nó mới ở lại với chủ. - Lý cúi xuống cái thớt. - Tớ đã mua về hai con. Đo đuôi, ném que đo xuống một chỗ, kéo tai nó đi quanh chỗ đó ba vòng rồi bắt nó lạy ông thổ công, nó vẫn ị bậy, tức, đánh cho một trận, nó bỏ đi liền. Càng may, tớ kinh cứt mèo lắm. À này, lạc ngâm đường ở trên buồng được rồi đấy. Lên vớt ra, đem xuống đây hong đi, Phượng. Thôi chết, cái bếp dầu hở bấc hay sao?
Lý đứng dậy, lộp khộp đôi guốc cao, chạy vào phía trong bếp. Phượng lên buồng vớt lạc, lát sau qua sân xuống bếp, vừa đi vừa lắc rổ lạc còn ướt.
- Ối trời!
Chỉ suýt nữa là Phượng buột tay để rơi rổ lạc ngâm xuống đất. Kinh quá! Lợi dụng lúc Lý chạy vào đập lửa bếp dầu, một con mèo đen như cục than, từ đâu đã lẻn vào định cắp miếng thịt bò đang nằm thu lu một khối trên thớt. Nhưng, nó mới chỉ kịp hập miệng vào miếng thịt, Lý đã quay ra và sự việc đã xảy ra nhanh như một tia chớp. Lý nhanh hơn con mèo, và con mèo đã nhận trọn cú đá hết sức giận dữ của Lý, như một búi giẻ bắn vọt ra sân.
Kinh hãi, Phượng sững lại ở cửa bếp, quay mặt đi. Trong cửa bếp, lửa hắt vàng ngời, Lý đã ngồi thái thịt, điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
- Con mèo khéo chết mất, chị Lý ạ. - Phượng run rẩy, lách qua cửa bếp.
- Kệ cha nó!
Lý đáp thản nhiên. Lưỡi dao sần sật chạm thớt. Lát sau, Lý chợt ngẩng lên, nhìn ra sân, reo:
- A, ông Luận, xuống giúp chị em tôi một tay chứ!
Luận thật, Luận mới đi đâu về, người ẩm sương, len qua cửa, ngồi xuống cạnh bếp gần Phượng, quay đầu lại, hỏi:
- Có việc gì chị cứ sai bảo đi.
- Này, có biết ăn thịt mèo không? Có con mèo hoang hay vào ăn vụng lắm, bắt làm thịt đi. Tớ làm thịt mèo giỏi có tiếng từ hồi sơ tán đấy!
Phượng rùng mình. Lý cười khành khạch, tiếng cười hoà với tiếng pháo từ xa dội về càng lúc càng dầy. Luận nghênh tai, tủm tỉm:
- Ngày Tết, ai lại ăn thịt mèo. Có cách này trừng phạt mèo hay hơn. Bắt được cô nàng, ta buộc bánh pháo vào đuôi.
- Có thừa pháo!
- Chị Lý, Phượng này, bọn phe có đứa chơi ngông, ngày ông táo chầu trời, đốt bánh pháo dài ba mét.
- Ba mét đã ăn thua gì! - Lý ngẩng lên, bĩu môi. - Năm mét. Thả từ gác hai xuống tới đất. Đám cưới con bạn tôi đấy. Nó là y sĩ, chẳng hiểu tử vi thế nào mà lão thầy xướng: Số cô sẽ là hoàng hậu. Thế có điên không! Năm kia nó cưới một anh giáo, khổ mà hớn hở quá, đốt một lúc năm trăm đồng tiền pháo. Ngu hết chỗ nói. Cưới với chả xin. Biết là khổ mà cứ lao vào.
Luận nghiêng mặt, nhìn bà chị dâu. Giọng bà này tròn nuột, âm vang mà ý tứ thì thật ngộ, thật bất ngờ.
Phượng cúi xuống đẩy gộc củi, ngẩng lên chép miệng, bâng khuâng:
- Khổ, không biết Tết này chú Cừ bơ vơ ở nơi nào!
- Nhắc đến cái thằng ích kỉ hại nhân ấy làm gì. - Lý khẽ gắt, đứng dậy, cầm bát thịt cất vào chạn.
- Này, ông Luận, ông và ông Đông chuẩn bị đón nhận hậu quả việc thằng Cừ đi nhé.
Luận ngẩng lên:
- Chị Lý, sao chị bảo thằng Cừ là thằng ích kỉ hại nhân?
- Rõ quá rồi còn gì. Thứ nhất, nó ăn cắp trứng gà của thằng Dư con tôi. Thứ nhì, nó đi nước ngoài về, không cho tôi đến một cái mùi xoa, mà tôi thì nuôi dạy nó tốn không ít công của. Thứ ba, nó bán len cho tôi, len nó đem từ Tây về ấy, đắt hơn bán cho người khác. Rõ chưa.
- Rõ! - Luận cười, gật mạnh đầu.
Phượng thở dài:
- Chỉ thương vợ con chú ấy.
- Ai bảo nó dại.
Lý quay ra, ngồi xuống trước bếp nấu bánh, buông một câu thật gọn. Luận nhíu nhíu cặp mày:
- Sao chị lại bảo vợ thằng Cừ dại?
- Chứ còn gì! Tất cả những đứa lấy chồng lúc hai mươi tuổi đều là dại, là ngu hết. Cả tôi cũng vậy, cũng ngu, cũng dại.
Trời! Cả Luận và Phượng cũng sửng sốt, bất ngờ. Bà Lý lại nổi cơn hùng hổ bất thường rồi. Người phụ nữ này có thể rất ý nhị, kín đáo, lại có thể, thoắt cái trở nên tàn nhẫn, bạo liệt vô cùng. Giờ là thế, giờ là tung thả không giới hạn, là thông thốc cả những chuyện thoạt nghe Phượng đã hồi hộp thót tim.
- Các cậu phải biết là, tớ mười ba tuổi từ nhà quê lên đất Hà Nội này, đã biết ngay rằng: Làm thân con gái phải biết giữ mình. Hé! Khôn ba năm dại một giờ là vậy. Đón dâu buổi sáng, buổi chiều cô dâu lên bàn đẻ. Có đứa ở xí nghiệp tớ thế đấy. Đó là dại, là ngu. Phượng à, mày có con gái, mày phải dạy nó đanh đá thật lực vào, đối với bọn con giai phải cay như hạt tiêu sọ, phải biết tính toán trước sau. Cái lão Đông, anh trai ông ấy, ông Luận ạ, ngót ba chục cái lá vàng rơi, hồi ấy trông cũng bảnh, mà không hiểu sao mới chỉ có dăm ba lần gặp nhau mà mình đã cảm chàng cơ chứ. Lão chẳng biết gạ gẫm. Ngộc nghệch, đơn sơ vô cùng. Nhưng, nếu gạ cũng đừng hòng. Tuy vậy, tớ vẫn dại. Một là vớ phải bà mẹ chồng ác nghiệt chẳng kém ai. “Này, thằng Đông kia, chết mẹ thì hết mẹ, chứ chết vợ này lấy được vợ khác, con ạ”. Mới làm dâu được nửa tháng, đã nghe được câu ấy, hỏi có điên ruột lên không? Nhưng tớ không điên. Tớ ngọt nhạt: “Thưa mẹ, mẹ nói lại với ba con câu ấy để ba con nghĩ xem thế nào đã, có phải hay hơn không ạ”. Hé hé… Đó là một cái ngu của tớ.
Luận đưa đẩy:
- Còn điều ngu dại thứ hai?
- Đáng lẽ phải để đến bốn mươi như bây giờ hãy lấy chồng.
- Ha! Tình yêu của tuổi bốn mươi! Một đề tài độc đáo đấy.
Luận kêu, ngạc nhiên một cách thành thật.
Nhìn Luận hau háu đón chờ, Lý rành rọt:
- Cậu có hiểu không, vì tuổi bốn mươi mới có kinh nghiệm sống, mới hiểu đời, hiểu người, mới chín chắn, chín tới, chín nẫu ra.
- Chín thì có chín, nhưng hơi… già, chị ạ.
- Chả già tẹo nào cả. Tình yêu không có tuổi! Lần yêu thứ một trăm cũng cứ bồi hồi như lần yêu đầu.
Vấn đề nghiêm túc đây. Luận nghĩ. Lý vẫn không đổi giọng:
- Mười tám, đôi mươi, thật ra chỉ mới biết sơ sơ thằng chồng mình mồm ngang mũi dọc, mắt mọc hai bên thôi, chứ đã biết tâm tính, triển vọng nó thế nào. Đã làm gì có kinh nghiệm nhận xét người. Như tôi lấy ông Đông lúc mười bảy tuổi. Mười bảy tuổi, hồn nhiên thì có, nhưng ai dám đảm bảo là đã lựa chọn đúng người mình sẽ chung sống suốt đời được?
- Chị nói thế chưa hoàn toàn đúng. Vấn đề là phải dắt dìu nhau, tạo ra sự hoà hợp về tâm lí trong cả quá trình chung sống chứ. Nghĩa là cả hai bên phải chủ động!
Lý lắc đầu, môi nhệch cái cười mệt mỏi:
- Thế thì sống với nhau vất vả quá. Mà đời thì vốn đã khó nhọc lắm rồi.
- Hay tuyệt! Được rồi! Vậy chị quan niệm người chồng lí tưởng của chị phải là thế nào. Biết nựng nọt cưng chiều vợ chăng?
- Cậu nghe lỏm chuyện tôi với cô Phượng vừa rồi, hả? Dơ! - Lý thưỡi dài môi dưới, chao chát. - Lầm rồi cậu ơi! Nịnh nọt nhau chỉ là chuyện ở trong nhà thôi. Còn ở ngoài xã hội, người chồng phải làm hãnh diện cho vợ. Hãnh diện, cậu có hiểu không?
Có một góc tối mờ nào đó trong Lý vừa được những câu nói hết sức tự tin của chính Lý tạo thành một tia lửa điện soi tỏ. Lý đã tự bộc lộ. Và Phượng, vào lúc này, bỗng như đột ngột phát hiện ra cái bí ẩn trong tâm thái người chị dâu chồng ở cái buổi chiều hôm qua, khi hai người trò chuyện, nhắc tới những ngày Đông ở chiến trường. “Chẳng thà cứ như hồi ông ấy ở chiến trường, tôi lại thích, lại sung sướng”. Phải, Đông ở chiến trường thì Lý có một ông trung tá trong nỗi nhớ, một ông trung tá được miêu tả hết sức trừu tượng, nhưng đầy hãnh diện, trước mọi người. Còn bây giờ? Bây giờ thì chẳng có ông trung tá nào hết. Bây giờ Đông là xương thịt cụ thể như mọi người, đã về hưu, không tạo ra một giá trị mới nào, sống giản đơn, bằng lòng với một cuộc sống thường nhật buồn tẻ,
khiến Lý lắm lúc phải bật lên cái câu hỏi bề ngoài tưởng như chỉ mang sắc thái đùa cợt mà kì thực lập lờ một nỗi niềm: “Tại sao tôi lại lấy ông Đông nhỉ?”
Thấy Luận đăm chiêu, Lý quay lại, hất hàm trịch thượng:
- Thế nào? Sai à?
- Phải suy nghĩ đấy.
- Có gì mà phải suy với nghĩ. Tất cả bánh đúc bày sàng ra cả đấy thôi.
Luận lắc đầu. Bà Lý này sâu sắc đấy mà cũng nông nổi đấy, khôn ngoan đấy mà cũng nhẹ dạ đấy.
- Chị Lý này. Chị nói thế cũng chỉ đúng một phần thôi. Vợ chồng, ngoài cái tình còn có cái nghĩa. Sống với nhau lâu thì có cái nghĩa tao khang, đá vàng trăm năm. Thế cho nên, đói no có thiếp có chàng, còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình.
- Nhưng, một ngày tựa mạn thuyền rồng, còn hơn chính thất nằm trong thuyền chài!
- Chị tài lắm!
Luận rên nho nhỏ. Lại một lần nữa Luận bị bất ngờ. Luận lại không nắm bắt được bà chị dâu. Người phụ nữ bốn mươi tuổi này thật phong phú, dồi dào và đậm đặc tình cảm, ý nghĩ; trong chị là cái động cơ đốt trong đầy ắp năng lượng. Ngôn ngữ của chị sặc sỡ sắc màu, lung linh, góc cạnh; trong khi Đông thì cứng nhắc, phẳng bẹt tẻ nhạt. Chị hướng về cuộc sống thường ngày, nghĩ ngợi, day dứt về nó, trong khi Đông lại hết sức bình lặng, coi mọi chuyện đều hết sức đơn giản, rõ ràng.
Phượng bỗng đứng dậy, đi ra ngoài cửa.
- Cái gì ngoài ấy đấy, cô? - Lý nhìn ra, hỏi.
- Hình như con mèo đen nó không làm sao. Em thấy nó vừa chạy qua đây.
- Kệ cha nó. Giống hoang nó sống dai lắm.
Lý đứng dậy, xốc lại bao tải trấu, bốc một vốc, ném vào lòng bếp:
- Chú Luận này, hôm qua ông cụ nói, cái câu cuối cùng ấy, ý là thế nào?
- Hình như Sở nhà đất họ muốn ông cụ nhượng lại căn nhà này cho một ông Thứ trưởng. Họ sẽ xây lại mấy gian bị cháy đổ. Còn mình, họ bố trí xuống khu lắp ghép.
- Tôi dứt khoát không có đi đâu cả. Thằng Dư con tôi ba năm nữa tốt nghiệp về nước, nó phải có một căn buồng ở đây.
- À, là nghe loáng thoáng vậy.
- Nếu phải đi thì tiếc quá. - Phượng đứng ở cửa bếp, nói ra ngoài trời đêm. - Tiếc nhất là khu vườn.
Chẳng ai hưởng ứng lời Phượng. Chỉ có khu vườn nhỏ bỗng rào rào lá và lộp độp buông sương. Cây trong đêm có một ngôn ngữ riêng. Hình như chúng mừng rỡ. Mùa lá rụng sắp qua rồi.
Ngoài cổng có tiếng mở khoá và lao xao tiếng cười. Mấy bóng áo choàng đi qua vườn cây, rồi có tiếng reo mừng, chào đón. Các cụ tổ hưu đã đến họp buổi cuối năm.
Luận chống tay, đứng dậy, giậm giậm hai bàn chân tê cứng trong đôi giày da cũ:
- Thế nào, kế hoạch Tết ra sao, chị Lý?
- Mai, ba mươi: chơi chợ hoa, đi làm đầu. Tối, cúng tế gì thì cúng tế, rồi ăn cỗ tất niên.
- Mồng hai Tết phải về làng thăm hỏi, chúc Tết họ hàng chứ. Ông cụ nhắc đấy. Chị, giờ là dâu trưởng.
- Dâu trưởng! - Lý dài giọng. - Dâu trưởng là bà Hoài, vợ ông cả Tường chứ?
- Nhưng ông ấy đã hi sinh, bà ấy đã đi lấy chồng khác rồi.
Nồi bánh sôi lục bục. Lý đạp cái bao tải, trấu đổ toé quanh bếp, ngủng ngoẳng:
- Kệ, tớ không đi! Đồ ăn thức uống tớ chuẩn bị đủ. Ba ngày Tết, ông nào bà nào đói cứ việc bóc bánh ăn với thịt mỡ, dưa hành, thịt gà, thịt đông đấy. Tớ có kế hoạch của tớ. Khác đi, chứ cứ một kiểu mãi à? Lúc nào cũng một điệu nhạc thì ớn xương sườn lắm. Mà Phượng này, ra giêng, tôi với cô xin phép đi chơi hội hè cho nó sướng cái thân. Tội đếch gì. Khổ mãi rồi! Cái già nó xồng xộc đến sau lưng rồi còn gì.
Chợt ngừng, Lý ngẩng lên, nghiêng ngóng về phía căn buồng khách lúc này đã ran ran tiếng cười, bật kêu:
- Kìa kìa, các cụ cũng còn yêu đời nữa là mình! Đấy, đấy, có nghe thấy tiếng các cụ đọc thơ xuân không, Phượng?
|
|
|