Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Một Nửa Đàn Ông Là Đàn Bà ( Phần II ) Tác Giả: Trương Hiền Lượng    
     Tôi không thể nào kềm chế được mình, cứ phải đưa mắt nhìn lên tờ báo trên tường. Trên tờ báo có một bức ảnh: “ Giặc Mỹ xâm lược gây ra thảm sát dã man ở Mỹ Lai ”. Tấm ảnh rất nhỏ lờ mờ không rõ lắm, nhưng vẫn có thể nhận ra một đống xác người nằm ngổn ngang chồng chéo lên nhau.
    Căn buồng mới đã được dán một tờ báo, tấm ảnh này lại ở đúng chính diện, làm tôi rất khó chịu. Nhưng tôi cũng không gỡ xuống thay tờ khác.
    Lại còn chiếc chăn hoa nữa, vỏ chăn thêu hai cỗ máy kéo, mang theo cả lưỡi cày. Sao mà nặng nề! Mình và cô ấy sẽ phải nằm ngủ dưới đống máy móc khổng lồ ấy ư?
    Vách buồng được Đen giúp dán giấy. Lúc ấy anh ta vui vẻ hồ hởi ôm ở văn phòng đại đội bộ về một cuộn báo, quẳng xuống đất, xắn tay áo lên bảo:
    - Người anh em, nhìn tớ đây! Vách đất này chẳng cách nào quét vôi trắng được, dán phủ báo lên cũng thế thôi! Cậu không thấy bên Mỹ người ta còn lấy báo làm nhà lầu cơ đấy!
    Anh ta rút trong cuộn báo ra một tập, quẳng lên mặt giường lò* tôi đang trát bùn, nói thêm:
    - Này, mình biết cậu thích xem bản tin tham khảo, nên cố tình lấy trộm một ít. Nhưng xem cái đồ ma này có ích gì đâu? Bây giờ người nước ngoài lại quay sang học tập chúng mình. Chẳng là, lại có đảng cộng sản ( Mác-Lê ) nào đó khen ngợi “ đường lối 57 ” của chúng mình. Đúng là no cơm rửng mỡ. Cứ bắt chúng nó đi xuống nông thôn thử xem!….
    Tôi xem báo, anh dán vách. Thế là trên vách hiện ra đống xác người ngổn ngang chồng chéo ấy.
    Vỏ chăn là quà tặng tập thể của những người đã lao cải, lao giáo*, quần chuyên*, đã ngồi tù ở đại đội chúng tôi. Chỉ có nhà nữ triết học chân to, là không thuộc vào cái đội ngũ này thôi. Mỗi nhà bỏ ra năm hào, ở cái xóm nhỏ chưa đầy trăm hộ này, đã góp nhặt được hơn hai mươi đồng. Một con số to lớn biết bao và cũng là một con số nhỏ bé biết bao!
    - Tôi đi xếp hàng mãi mới mua được đấy – Bà Mã phải đi ba mươi cây số về bảo – Toàn màu xấu cả, chỉ có cái màu này là nhất, đỏ chót, chúc mừng cô cậu, sang năm đẻ lấy thằng cu thật kháu nhá!
    Thế là chiếc máy kéo mang theo lưỡi cày chạy thẳng đến trên giường lò chúng tôi.
    Tất cả như trong một giấc mơ!
     Hơn nữa giấc mơ ấy còn tiếp diễn, và sẽ còn kéo dài nữa.
    Con đường mà thế giới này quy định cho mỗi con người thật vô cùng hạn hẹp. Hễ đã đặt bước chân đầu tiên trên con đường đó rồi, là bắt buộc phải cứ thế mà đi tiếp. Con người chỉ có thể chọn lựa trước khi đặt bước chân đầu tiên thôi. Một khi đã chọn lựa xong, thì con người lập tức biến thành con rối. Không phải là đang tự mình đi, mà là tường cao hai bên đang dồn ép con người đi lên phía trước.
    Hôm ấy tôi đến thăm Đen. Vừa vào nhà Đen đã oang oang:
    - Tốt lắm! Nghe Lệ Phương bảo cậu sắp kết hôn với Hoàng Hương Cửu phải không? Hai đứa chúng mày thật là đẹp đôi - Một cặp vợ chồng mới, hai món đồ cũ!….
    Hà Lệ Phương bảo:
    - Anh đừng có nói bậy. Anh Chương đây đâu phải đồ cũ, chưa “hé nụ” đâu nhá! – Nói xong, cô ta đứng sau lưng Đen, nháy mắt với tôi lia lịa.
    - Cô thì biết gì! – Đen phát vào mông vợ một cái – Con trai không gọi là “ hé nụ “, mà gọi là giai tân. Được đấy, cậu Chương này, cậu thì cái đếch gì cũng chính hiệu cả, đến cái “ của quý “ ấy cũng còn nguyên xi chưa bóc tem! Nói đi, cậu cần gì tớ bao cho tất.
    Không rào đón gì, tôi nói hết mọi dự định của tôi với anh ta.
    - Sợ đếch gì! – Anh vỗ vào ngực mình - Tớ đi tìm Tào Học Nghĩa, nếu lão ta không phê chuẩn, tớ cho lão nếm đòn của cánh anh chị Bắc Kinh toàn nông trường!
    - Mấy lão cai ấy còn chưa biết, ở Bắc Kinh ngay cả bọn tội phạm chiến tranh ngày xưa cũng đã được tha cả rồi! – Anh lại đưa tay ra bưng lấy miệng nói - Mẹ kiếp! Lần này mình về cúng hắn không ít đâu, riêng rượu trắng đã hai chai…..
    - Lại còn một hộp kẹo sữa, để vỗ béo mụ vợ xấu xí của lão! – Hà Lệ Phương ngồi cạnh bổ xung thêm.
    - Phải rồi! Nào nhanh lên, Lệ Phương, cho tờ giấy đây, viết ngay thôi……Được, tờ này được rồi. Mẹ kiếp! Tờ này là giấy viết thư mình mua ở cửa hàng Tây Đơn cơ đấy!… Này bút đây, cậu vẽ vời đi, xem có mực chưa? Viết thế này nhé: Phần tử phản cách mạng Chương Vĩnh Lân, cùng tù lao cải được phóng thích Hoàng Hương Cửu, tự nguyện kết thành tập đoàn phản cách mạng…..
    Chúng tôi cùng cười phá lên.
    Tôi bắt đầu viết lá đơn nghiêm chỉnh cả đời tôi chưa từng viết bao giờ, trong bầu không khí đùa bỡn, với một tâm trạng đùa bỡn như vậy. Tôi đón lấy giấy – hoá ra có phải là giấy viết thư gì đâu, mà là giấy để khách hàng góp ý của cửa hàng Tây Đơn - lật mặt trái lên, cầm lấy bút, trầm ngâm một lát.
    - Này Đen ơi – Tôi bảo, - Mình thấy, phải viết một dòng ngữ lục trước đã chứ.
    - Viết ngữ lục gì! – Đen đập bàn - Cậu mà viết rằng “ Phải chuyên chính với giai cấp tư sản ”, e suốt đời cậu cứ mồ côi vợ mãi thôi! Người ta sẽ bảo, mẹ kiếp, mày cứ thật thà chịu khó cải tạo thì cũng hết đời, còn kết hôn cái con mẹ gì nữa? Bọn “ trí thức thối tha ” chúng mày, chỉ biết vớ lấy roi của kẻ khác để quất mình thôi!
    - Đừng nói thế. Chúng mình cũng biết hưởng theo nhu cầu, lấy cái mình cần cho mình dùng chứ.- Tôi nói – Có rồi cậu đừng quấy đảo nữa.
    Thế là tôi cầm bút viết:
    
     Ngữ lục Mao chủ tịch.
    Điều động hết thảy mọi nhân tố tích cực, đoàn kết với tất cả những người đoàn kết được, và gắng hết sức biến nhân tố tiêu cực thành nhân tố tích cực, để phục vụ cho sự nghiệp vĩ đại xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa này.
     Đơn xin phép.
    Nay có công nhân nông trường đại đội ba Chương Vĩnh Lân, nam, ba mươi chín tuổi ( tình trạng hôn nhân: chưa từng kết hôn ), cùng với công nhân nông trường Hoàng Hương Cửu, nữ, ba mươi mốt tuổi ( tình trạng hôn nhân: ly hôn ) xin đăng ký kết hôn. Hai bên đều tự nguyện. Bảo đảm sau khi kết hôn tiếp tục cải tạo, tiếp thụ giám sát, dưới sự lãnh đạo của chi bộ và sự giáo dục lại của bần nông, trung nông lớp dưới, góp phần nhỏ bé xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa. Mong chi bộ đảng đại đội nghiên cứu phê chuẩn, xin đội ơn.
    Kính chào.
     Chương Vĩnh Lân.
     Hoàng Hương Cửu.
     Tháng 4 năm 1975.
    - Hừ! – Chàng Đen cầm lấy tờ giấy khách hàng góp ý của cửa hàng Tây Đơn lên, làm như ngắm nghía một bức hoành phi do một cây bút tài hoa đề chữ - Mẹ kiếp, thật hay hết chỗ nói! Lại còn “đội ơn” nữa chứ! Ngữ lục thuộc làu như cháo chẩy, mẹ kiếp, cậu làm được bí thư đảng uỷ đấy! Chỉ nguyên cái chữ viết đẹp thế này, thì lão cai cũng phải phê duyệt thôi! Chờ đấy tớ đi tìm lão ta.
    - Thế còn buồng ở thì sao? – Hà Lệ Phương túm lấy anh ta - Chuyện buồng ở cũng phải giao hẹn rành mạch với Tào Học Nghĩa.
    Đen cân nhắc một lát:
    - Nhà ở ấy mà, tớ thấy các cậu đừng
- o O o -
*ng đến bà Mã, cũng đừng đụng đến Chu Thụy Thành. Mẹ kiếp! Họ cũng tội nghiệp lắm cơ.
    - Em thấy, bảo hai người ấy dọn vào ở chung với nhau là xong! – Hà Lệ Phương cười nói chen vào.
    - Thôi, thôi! Cứ để mặc người ta! – Đen bảo – Mình thấy bọn ta phải tìm cách khác…….. À, phải rồi! Cánh ta xin lão, hai gian nhà kho xưa nay vẫn để nông cụ ấy.
    Đen đi rồi, Hà Lệ Phương tủm tỉm cười bảo tôi:
    - Anh Chương ạ! Em nói cái này nhé, nếu cô ấy không sinh đẻ, anh đừng ruồng bỏ cô ấy nhá.
    - Làm sao cô biết, cô ấy không sinh đẻ?
    - Hà hà! Chuyện đàn bà, còn có gì em không biết cơ chứ! – Cô miết hai ngón tay bật đánh tách một cái trước mặt tôi – Tri thức về chuyện này còn lớn hơn cả học vấn trong sách vở của anh nhiều.
    - Không biết đẻ càng hay, tôi đang cần người không biết đẻ đây.
    Tôi trả lời lạnh lùng.
    - À, à? – Hà Lệ Phương nhìn tôi kinh ngạc.
    Giờ đây nói như lời Đen, thì tất thảy đều đã xong!.
    Tôi bỗng nhiên có nhà.
    Mà lại là nhà hai buồng hẳn hoi, so với nhà ở của gia đình nông dân nông trường bình thường, thì còn dôi ra nửa gian. Tuy là hai gian nhà kho dột nát, nhưng vẫn cứ là có phòng trong phòng ngoài. Cũng chẳng hiểu Đen đã thuyết phục Tào Học Nghĩa như thế nào mà được thế.
    Cô đã trổ tài sắp xếp bố trí nhà ở, khiến tôi phải kinh ngạc: chỗ nào đóng giỏ tre đựng đũa, chỗ nào gắn miếng gỗ để xà phòng, chỗ nào xây bệ đất; rương kê làm sao trở thành tủ đầu giường, bàn thớt kê liền bệ lò, để khi kéo dài bàn thớt, thì đồng thời cũng mở rộng bệ lò, nồi niêu, gáo chậu, bát đĩa… nên để chỗ nào, để như thế nào, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh vừa ít choán chỗ; chậu rửa mặt, chậu rửa chân, khi dùng thì đặt ở đâu, dùng xong cất chỗ nào, cô chỉ bảo rõ ràng cho tôi trước, và tôi thật sự thấy chỉ có kê đặt như vậy mới gọn gàng được; trên tường phải đóng đinh vào chỗ nào, dây phơi khăn mặt căng ra sao, dây phơi quần áo căng như thế nào; phía trên và phía dưới giá treo mũ áo, cô chọn ra hai tờ giấy bóng trắng tinh dán lên, vậy là quần áo treo lên giá, vừa không cọ vào tường đất,mà phía trên lại có cái che phủ, công năng của hai tờ giấy bóng chẳng kém gì một chiếc tủ lớn gắn vào vách.
    Cô còn bảo tôi tháo cánh cửa ngăn giữa hai gian xuống, mượn cưa về, cưa trộm đúng quãng giữa để thành hai tấm. Một tấm kê dưới cửa sổ, bên trên phủ một mảnh vải kẻ ca-rô, bày lên đấy lọ kem xoa mặt và tài sản duy nhất có thể khoe ra của tôi - một chồng tác phẩm Mác-Ăngghen đóng bìa cứng ( chỉ có sách này mới dám bày công khai ra ngoài ). Thế là, sau mười sáu năm trời đằng đẵng, tôi lại có một chiếc bàn đọc sách nghiêm chỉnh. Trên chín triệu sáu trăm ngàn cây số vuông đất đai, tôi đã thật sự chiếm hữu cho mình một mét vuông! Mấy lọ kem thoa mặt kia, cũng không làm cho bàn đọc sách nhiễm không khí phấn sáp, tầm thường, ngược lại còn tăng thêm vẻ thanh nhã là khác, vì lúc ấy nhãn hiệu hàng hoá hết sức nghiêm chỉnh.
    Còn nửa cánh cửa kia, cô làm như thế này: cô chặt về bốn đoạn gỗ to bằng nhau, một đầu vót nhọn, đóng chặt xuống nền đất gian nhà ngoài, để bốn đầu phía trên cao ngang nhau kê nửa tấm cánh cửa lên trên, rồi phủ lên đó nửa vuông vải kẻ ca-rô, nghiễm nhiên thành ra một chiếc bàn ăn thật đẹp. Trong phòng chỉ cần một chiếc bàn ăn thôi, lập tức nổi ngay lên không khí gia đình. Cả nông trường này, đây là chiếc bàn độc nhất, không có chiếc thứ hai!
    Cô còn chỉ huy tôi, giường lò và lò phải xây tách ra ở từng gian một, buồng trong xây giường lò, buồng ngoài xây lò, nhưng hai thứ phải thông nhau. Cách xây như vậy, tôi chưa nghe nói bao giờ mặc dù tôi là tay chuyên nghề này. Nhưng sau khi đã xây theo ý cô, mới thấy là, chẳng khó khăn về kỹ thuật cả, chỉ có điều vì ở giữa có bức tường ngăn, đòi hỏi phải tăng thêm độ dài cho ống khói mà thôi. Đơn giản như vậy, mà sao người ta không nghĩ ra nhỉ.
    - Xây như vậy – Cô bảo – Chúng ta sẽ dùng buồng ngoài làm nhà bếp, phòng ăn. Buồng trong là nơi ngủ và nơi anh đọc sách, tro bụi chọc lò không bay được vào buồng trong. Chúng mình phải giữ gìn cho căn phòng lúc nào cũng sạch sẽ gọn gàng.
    Quả nhiên, phòng ngủ và đọc sách của chúng tôi không bao giờ vương chút bụi bẩn nào.
    Cánh cửa ở giữa gỡ đi rồi nhưng cũng chẳng hề gì. Cô treo lên đó một tấm khăn trải giường trắng tinh sạch sẽ làm màn cửa, hoá ra đẹp hơn tấm ván cửa dán đầy biểu ngữ.
    Hà Lệ Phương đem cho chúng tôi, cả bình lẫn hoa nhựa mà cô ta đã bầy hai năm rồi. Bó hoa ở phòng Đen suốt ngày mặt ủ mày chau, chết dở sống dở, xưa nay ai chú ý đến nó đâu. Cô chỉ lấy nước xà phòng rửa qua một luợt, lập tức tươi tắn lên ngay, sắc màu rực rỡ chói lọi lung linh đẹp mắt. Chúng lồ lộ trước bàn ăn của chúng tôi, Hà Lệ Phương hầu như không còn nhận ra được là hoa của nhà mình nữa.
    - Trời ơi!…. Này! Mẹ kiếp sao mà cô khéo tay thế? – Hà Lệ Phương tròn xoe mắt bảo – Vào đến tay cô, những thứ héo quắt héo queo cũng đều tươi tắn và đẹp xinh trở lại.
    - Nàng dâu khéo muối, dưa héo cũng ngon – Bà Mã nói – Mùa đông năm nay tôi không có rau ăn, là phải đến đây tìm cô cậu đấy!
    Chu Thụy Thành đang nhai kẹo, ngồi lặng yên trên ghế đẩu. Mọi người bảo anh kéo một bài nhị, anh vội vã xua tay bảo:
    - Không thích hợp, không thích hợp.
    - Có gì mà không thích hợp? - Tất cả đều thấy kỳ lạ.
    Điều đó chỉ có mình tôi hiểu.
    Bí thư Tào Học Nghĩa cũng đến vào lúc đang vui vẻ ồn ào.
    - Ồ! Hoàng Hương Cửu, cô tháo vát thật! – Ông ta nhìn cô toét miệng cười – Hai gian nhà nát này, qua tay cô thu dọn sửa sang thành đàng hoàng ra phết!
    Đen rút một điếu thuốc trên chiếc bàn ăn xinh xắn.
    - Đồng chí bí thư, đồng chí phải hút điếu thuốc này. Đồng chí xem, dưới sự lãnh đạo anh minh của đồng chí, người người đều muốn cắm rễ ở biên cương, coi nông trường là nhà rồi.
    - Hôm nay sao cậu văn minh hẳn lên thế nhỉ? – Tào Học Nghĩa cười bảo – Dĩ nhiên là tôi vui lòng hút điếu thuốc này rồi, ngày vui của Hoàng Hương Cửu mà lại. Chính tôi xin cô ấy về đây đấy……
    Hoàng Hương Cửu tuy đã đi lao cải nhưng không có mũ; tôi phải lao cải, lại thêm có mũ, là thân phận một cổ hai tròng. Trong trường hợp này bí thư phân biệt rành mạch, nên chỉ chúc mừng cô thôi.
    Còn cô thì đứng bên chiếc rèm cửa bằng vải trắng tinh mà cười thôi.
    Cười rất đẹp.
    Giờ đây, tất cả những gì bận bịu rộn ràng và ồn ào náo nhiệt đếu đã qua đi.
    Tôi ngồi trên giường lò hút thuốc, cô ở nhà ngoài dọn dẹp hạt dưa và bánh kẹo còn thừa lại. Chốc chốc lại vọng vào tiếng va chạm lách cách khe khẽ, âm thanh ấy vô cùng xa xôi. Một cõi mộng xa xăm và xa xăm như cõi mộng, đây chính là âm thanh của “ người vợ ”. Phải rồi âm thanh ấy, chỉ có thể thuộc về người vợ mà thôi, không thể phát ra từ bàn tay người nào khác được.
    Đàn bà không đơn thuần chỉ để nói về một loại người khác với giới tính đàn ông, mà còn có âm thanh đàn bà, linh khí đàn bà, từ trường đàn bà, hơi thở đàn bà, mùi vị đàn bà……Đàn bà có thể để lại những thứ ấy ở nơi họ đã đụng chạm tới, trên đồ đạc mà họ đã sờ vào. Dẫu cho họ không có mặt, thì nơi ấy, những đồ đạc ấy, đều có ma lực của họ bám vào, nó bao vây chặt lấy anh. Cô có mặt ở mọi nơi, quan tâm đến mọi điều, nhúng tay vào mọi việc.
    Tất cả mọi thứ trong cái nhà này, trừ tấm ảnh đáng ghét trên tường kia, đếu là cuộc sống do cô sáng tạo nên. Cuộc sống chính là do từng tí, từng tí ấy, cái giường lò này, tấm chăn bông kia, rồi chiếc bàn đọc sách làm bằng cánh cửa, tờ giấy bóng trên giá treo mũ áo, lọ kem xoa mặt….tạo nên. Cuộc sống do cô sáng tạo ra đang bao vây chặt lấy tôi, tôi bỗng chốc đánh mất bản thân mình, và bắt đầu thay thế mình bằng cô ta. Cô xen vào cuộc sống của tôi, chẳng khác nào khi cưa ngang tấm gỗ, cô đã chặt phăng ngang lưng cái quá khứ của tôi rồi. Quá khứ không biết đã để lại nơi đâu?
    
    Chú thích:
    * Giường lò: vùng nông thôn Trung Quốc lò sưởi kết hợp giường nằm cho ấm vào mùa đông.
    * Lao giáo: cải huấn bằng lao động.
    * Quần chuyên: (quần chúng chuyên chính) chịu sự chuyên chính của quần chúng. Tất cả đều là hình thức giam giữ trong Cách mạng văn hoá.
    

Xem Tiếp Chương 2Xem Tiếp Chương 16 (Kết Thúc)
Một Nửa Đàn Ông Là Đàn Bà ( Phần II )
  » Đang Xem Chương 1
  » Xem Tiếp Chương 2
  » Xem Tiếp Chương 3
  » Xem Tiếp Chương 4
  » Xem Tiếp Chương 5
  » Xem Tiếp Chương 6
  » Xem Tiếp Chương 7
  » Xem Tiếp Chương 8
  » Xem Tiếp Chương 9
  » Xem Tiếp Chương 10
  » Xem Tiếp Chương 11
  » Xem Tiếp Chương 12
  » Xem Tiếp Chương 13
  » Xem Tiếp Chương 14
  » Xem Tiếp Chương 15
  » Xem Tiếp Chương 16
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )