Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Bụi Vết Tháng Năm Tác Giả: Trọng Huân    
Cậu ông trời say

    Trọng Huân
    Quê gốc tôi ở Hà Nam, nhưng sinh ra, lớn lên bên bờ sông Luộc, địa phận đất Hải Dương, nên coi nơi đây là quê hương của mình.
    Kỷ niệm của tôi về dòng sông, vào mùa nước đông ken, vờ vờ chơi vơi bay trên mặt sông. Sau đợt rét đậm, sẽ có ngày thời tiết ấm ấp. Vào những hôm như vậy, buổi sáng sương mù giăng trên sông. Đi bên sông cảm giác như ta bồng bênh trong mây.
    Không trung trên mặt nước những con vờ vờ bay lượn. Vờ vờ to bằng độ con châu chấu, trắng muốt. Thấy bảo, có người bắt vờ vờ về ăn - món vờ vờ rang. Chắc chẳng ngon nghẻ gì. Thế nên, vùng quê tôi có thành ngữ: xác như vờ vờ.
    Vào những hôm sương mù, bọn trẻ phố tôi đi học, chúng cứ men theo mép nước đến trường. Đường xa hơn đấy, lũ trẻ vẫn chọn con đường đó. Bởi chúng còn nghịch ngợm và xem vờ vờ bay.
    Trên sông, sáng sớm, vờ vờ khoẻ, dập dờn lượn. Sau bay lượn mệt, chúng sà thấp dần, chao đảo, có con rớt xuống nước, rồi vùng vẫy, cố cất mình lên. Dưới sông, đàn cá mương hau háu đớp bóng, quẫy đạp, chờ đợi… Mặt trời cao dần, ánh nắng chiếu rọi, cũng là lúc vờ vờ đuối sức, rớt xuống mặt nước, mà không cất mình lên nổi. Đám cá mương chầu chực, lúc này xúm lại.
    Nhìn những con vờ vờ xấu số, bị lũ cá mương đớp rỉa, thân mình tả tơi, để cuối cùng mất dạng dưới làn nước mùa đông lạnh giá. Nghĩ mà thương!
    Mặt trời cao dần, không còn con vờ vờ nào nữa. Mặt nước sông chỉ còn những cánh trắng mỏng mang, dập dờn trôi. Đàn cá mương cũng kết thúc cuộc săn mồi, lặn mất tăm.
    Dòng sông mùa đông ken, nước lững lờ. Nếu không có những cánh vờ vờ mỏng mang, lơ vơ, ai mà biết được, trên sông vừa xảy ra cái quy luật khắc nghiệt của tạo hoá… Con vờ vờ yếu đuối là một mắt xích của chuỗi sống tự nhiên và để lại trên thế gian bụi vết sinh tồn.
    Nhà tôi ở bên bến đò Ảnh. Bến đò nằm ở ranh giới mấy tỉnh con gà gáy nghe tiếng. Ngã sông được tạo ra trước năm 1284. Cuộc chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, Trần Hưng Đạo đóng quân dọc lưu vực sông Hoá. Trong cuộc hành binh, có câu chuyện cảm động. Khi vượt sông, con voi chiến chở Trần Hưng Đạo bị sa lầy, mãi mà không cứu được. Nước sông dâng cao dần, voi rống lên, nước mắt ròng ròng, vẫy vòi vái chủ. Sau này bên bờ sông, dân lập đền thờ Ông Voi.
    Sông Hoá nối vào sông Luộc. Lúc ấy hệ thống sông Luộc, sông Hoá tách biệt với sông Thái Bình. Trần Hưng Đạo thấy thuyền từ sông Luộc phải qua sông Hoá, rồi ra gần biển, mới vào được sông Thái Bình, quyết định đào nối hai hệ thống sông trên. Vậy nên nay sông Luộc mới nối được với sông Thái Bình.
    Đối diện quê tôi, bên kia sông là Vĩnh Bảo, một vùng quê có đặc sản nổi tiếng một thời, thuốc lào. Mấy ông nghiện thuốc, ai chẳng hay câu:
    Nhớ ai như nhớ thuốc lào
    Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.
    Cây thuốc lào cao cỡ hơn mét. Lá to bằng cánh cái quạt trần. Phải so sánh vậy cho nhiều người dễ hình dung. Thuốc lào mỗi vùng có sự khác nhau. Thuốc lào vùng núi thường mỏng, sợi nhỏ và màu vàng nhạt. Riêng thuốc lào anh Vĩnh Bảo, sợi dày, màu đậm.
    Dân vùng thuốc, phụ nữ hút là chuyện thường, chồng hút, vợ hút, bố hút, con hút, nam thanh nữ tú cùng hút, cứ điềm nhiên rít, điềm nhiên nhả khói và ngả ngốn say. Sự say thuốc lào đến buồn cười, lại thường diễn ra vào độ sáng sớm. Mở mắt ra, chưa súc mồm súc miệng, dân nghiền đã lôi cái điếu, điếu cày hay điếu bát, nhồi mồi thuốc to cỡ hạt lạc, châm lửa, làm một rít. Thế là say. Say lăn đùng ra đất. Say vật ngửa ra ghế. Người say dãi rớt trào ra miệng, mặt mũi tái đi. Nhưng chẳng sao, một lúc là tỉnh. Nhìn điệu bộ lờ đờ của kẻ say thuốc, trông đến buồn cười. Say như vậy, mà chẳng ai chừa, lại hút, lại say, lại hút…
    Nhìn kẻ say thuốc lào đã buồn cười, nhìn con cóc say thuốc lào còn buồn cười hơn. Đám trẻ bắt cóc, vạch miệng ra, tống thuốc lào qua, tống xuống tận tù và. Một lúc sau, con cóc say. Nó đứ đừ, đi không được, đứng không xong, cứ lạng chạng, lắc lư. Chưa kể nó ho, ban đêm, người yếu bóng vía nghe, sợ phát khiếp con cóc say thuốc lào.
    Người ta bảo, tang thuốc ngon hút phải đậm, êm,... Mấy bà buôn thuốc, đấu thuốc ngọn với thuốc gốc, thuốc mới với thuốc cũ. Lúc đấu, họ rải từng lớp, rồi chân đất đạp, giẫm, thỉnh thoảng còn phì phì phun nước chè đặc vào thuốc. Dân ăn trầu, lại chả đánh răng, thế mà các ông cứ khen, tang thuốc này ngon, êm và đậm.
    Để có anh tang thuốc ngon, êm và đậm, không thể thiếu giống phân bắc. Phân bắc, tức là cứt người. Kinh nghiệm truyền đời của dân vùng thuốc Vĩnh Bảo là vậy, nên họ quý phân bắc lắm. Thời tôi biết, phân bắc được quản hẳn hoi, không có chuyện luân chuyển, lưu thông tự do. Vùng nào quản chặt vùng đó, chính sách rõ ràng. Dưới thời bao cấp, mọi thứ hàng hoá đều được quản lý hết.
    Thị trấn hơn năm ngàn khẩu, một phần tư là dân nông nghiệp, sống bằng cây lúa, còn lại ba phần tư dân ăn gạo sổ, hay gọi là gạo bông. Dân ăn gạo bông chẳng cần gì đến phân, nên địa phương tôi, phân bắc dồi dào.
    Xin lan man thêm về ăn gạo sổ. Gạo sổ còn có tên là gạo bông. Gọi như vậy có lẽ xuất xứ từ thóc xay ra, gạo để quá lâu đến mục đi, nấu lên nở bung và mùi rất hôi. Thứ gạo này dân làm bún thích lắm, vì bún trắng và làm rất dôi. Ở nước ta cái tên gạo bông có từ thời đói năm Bốn Lăm. Lúc đó chính quyền Pháp - Nhật áp dụng chế độ tem phiếu bán gạo cho dân nội thành Hà Nội.
    Sau này vào quãng đầu những năm 1960, thì ta lại áp dụng sổ gạo. Tem phiếu cho đối tượng là dân thành thị, cán bộ công nhân viên, giáo viên, học sinh chuyên nghiệp, công an và bộ đội. Tuỳ theo đối tượng, thấp nhất là các ông bà giáo viên, mỗi người mười ba cân, diện lao động ít tốn sức lực; cao nhất là bộ đội, hai mươi bốn cân, ăn khoẻ thật, ngày tám lạng gạo. Thời đỉnh điểm cả nhà tôi, gồm năm nhân khẩu, được mua năm mươi tư cân, vừa đầy cai chậu sành.
    Diện ăn gạo bông mỗi nhà có một quyển sổ, gọi là sổ gạo. Hằng tháng các nhà đến cửa hàng mậu dịch xếp hàng mua gạo. Ai mất sổ gạo là một tai hoạ. Có thành ngữ như mất sổ gạo. Gọi là sổ gạo, nhưng không chỉ có bán gạo, mà còn độn thêm nhiều loại lương thực khác và cỡ từ năm 1965 áp dụng chế độ bán độn. Tuỳ theo vùng, miền, mà độn khác nhau, như ngô, khoai, sắn, mỳ, bo bo. Về mỳ có mì bột, mỳ sợi, đây là lương thực độn nhiều nhất, do ta nhận được viện trợ từ Trung Quốc và Liên Xô.
    Ngoài tem phiếu, sổ gạo, thì còn có tem phiếu và sổ mua bán cho các đồ dùng, vật dụng: than, dầu, vải, thịt, đậu, nước mắm, mì chính, đường, xà phòng, rượu, khăn rửa mặt, thuốc đánh răng, nan hoa xe đạp, bi, săm lốp, bát đĩa,… Tuỳ theo cấp bậc, lương bổng, mà chế độ tem phiếu khác nhau, như phiếu vải, thì dân thường bốn mét một năm, còn cán bộ năm mét một năm. Có thời ở một số nơi, khi đăng ký kết hôn, đôi uyên ương được mua chiếc giường và cái màn, còn nếu ai chết, có giấy chứng tử của ông uỷ ban xác nhận, thì đến cửa hàng được mua một cỗ gỗ.
    Riêng quê tôi do có nhà máy xay to nhất Đông Dương, nên thêm loại phiếu trấu, tức thóc xay ra, thành gạo và vỏ trấu. Mỗi nhà một tháng được phân phối mười bao trấu. Thôi, tem phiếu rất phức tạp, để các nhà tem phiếu học trình bày.
    Quay về việc quản phân quê tôi. Giữa một địa bàn dồi dào phân như vậy, hơn ba ngàn nhân khẩu ăn gạo bông, nhà nhà có hố xí, thì dân quanh vùng sẽ xúm vào cái mỏ đó. Mấy anh trồng lúa đất Thái Bình bên kia sông và mấy xã xung quanh, nhòm ngó cũng vừa vừa thôi. Riêng anh thuốc lào, họ quan tâm nhất. Khổ nỗi, đất Vĩnh Bảo cách sông, cách đò, lại vướng khâu quản lý chặt chẽ, nên việc vận chuyển khó. Mấy anh không cách sông, cách đò, cứ gánh ào qua địa giới là xong. Đêm ngày, sáng tối, lấy cán bộ đâu ra quản cho đủ.
    Dù việc quản lý ngặt nghèo, con đường vận chuyển khó khăn, phân bắc vẫn lén lút bị chuyển từ quê tôi sang Vĩnh Bảo. Cửa ngõ tiếp tay cho hành động phi pháp kia là cai bến đò Ảnh. Vì bến đò trước nhà tôi, nên bao lần, tôi mục kích, không chỉ thấy, mà cả xóm còn phải ngửi thứ mùi phân thum thủm. Vào mùa cao điểm, tức là lúc thuốc lào cần phân, dân vận chuyển lậu tập trung thu gom và vận chuyển.
    Cũng lạ, quản lý chặt chẽ, khít khao vậy, mà họ vẫn thu gom, vẫn vận chuyển được. Bảo cái kim, sợi chỉ, giấu trong túi quần, túi áo, thì bí mật được. Đằng này, nó chình ình ra đấy, vận chuyển phải bằng gánh, bằng sọt, rồi sức người quần quật, nhất là cái mùi thối hoăng lên của nó, thế mà họ vẫn giấu được. Thật tài tình! Cứ mỗi người một gánh, khối lượng không dưới năm mươi cân, tập kết về bến đò Ảnh.
    Khoảng bảy, tám giờ tối, nơi bến đò tập kết, mỗi chuyến khoảng hai chục gánh. Tại sao phải tập kết đông vậy? Không thể một gánh, mấy ông nhà đò chở sang luôn. Phải đông mới bõ chuyến, đủ phí trả ông đò. Điều nữa là ông đò không sức đâu chuyển ngay thứ hàng lậu, hàng phi pháp kia, họ cứ để đó ngâm, cho cánh vận chuyển đủ lo sợ, sợ như cậu ông trời, lúc thu tiền, đỡ kèo nheo.
    Ông nhà đò nhiều khi làm phách, lại làm phách quá đáng, dẫn đến cảnh khó coi. Đó là những hôm khách hàng tập kết đông đủ, nhà đò vẫn chưa chịu sang. Đôi co lời qua tiếng lại, ông đò nổi xung, cứ gánh, sọt hất tung. Thật kinh khủng, phân tro bừa bãi. Của đau con xót, mấy người mất của phải thu gom lại, thu bằng tay. Dù xót xa đến mấy, cũng chả ai gom hết được. Những lần như vậy, dân xóm bến đò được cả đêm ngửi, rồi ngày hôm sau, khách qua đò chịu trận. Họ lại đem lũ chuyển phân lậu đêm qua ra chửi.
    Quê tôi có một bà, tôi tránh gọi tên tục của bà này ra, chỉ tạm đặt cái tên là N. Bà N làm công việc thu gom phân bắc. Cứ như bây giờ ta gọi là chủ gom hàng. Làm cái nghề này, bà ta biết hết hộ nào, cơ quan nào trong thị trấn có nhà vệ sinh. Dân phố thị cơ bản sống bằng buôn bán, nên thứ phân bắc kia, chả nhà ai dùng.
    Bước sang thời kỳ làm ăn tập thể, khi người ta quản, sẵn cầu mà hiếm cung, hàng hoá thành có giá. Giá của phân, một gánh là ba đồng, tương đương hai cân gạo. Vậy là nhà ai cũng giữ. Trong bối cảnh vậy, muốn có hàng, bà N phải tìm đủ cách. Về thu gom, bà N có hai cách chính:
    Thứ nhất là mua của từng nhà, mua rẻ, bán đắt, hoặc làm phân giả. Bảo bây giờ mới có hàng giả, chứ thực ra không đúng. Manh nha làm đồ giả có từ lâu rồi, đến cái bà N quê tôi, hồi còn bao cấp đã làm hàng giả. Bà hoà nước, rồi độn đất sét, cứ hai gánh chộn thành ba, phân vẫn thối, vẫn đặc và màu vàng tươi, ai thẩm định nổi, giả thật.
    Cách thứ hai là bà thuổng.
    Đồ nghề của bà N là đôi quang sọt và hai rẻ xương sườn trâu, nó dùng để múc. Lắm lúc vội, bà vốc thẳng bằng tay. Một lần bà thuổng, bị chủ nhân bắt được. Lần đó vào khoảng đầu năm 1964, bà mò vào trường cấp hai, ngôi trường ở giáp sau nhà tôi. Trong lúc bà đang thuổng, thì ông giáo tên là Long bắt được.
    Trộm cắp bị bắt quả tang, tưởng hết đường chối cãi, vậy mà bà N vẫn lý sự:
    - Ông giáo ạ! Cứt này... bỉ ban ra quyết định rồi. Các ông, bà giáo diện ăn gạo bông, gạo do Nhà nước cấp, nên cái này thuộc về Nhà nước quản.
    Lý như vậy đúng quá, ai cãi được. Mà cãi thì lên ông uỷ ban mà cãi. Có mấy bãi phân, các ông giáo, bà giáo rỗi hơi lên cửa quan, đành cho qua. Đám phân ăn trộm được thoát hiểm.
    Trường cấp hai có khu vườn cây khá rộng, trong đó trồng nhiều chuối. Lũ trẻ con quanh trường thường trèo sang chặt trộm chuối, rồi giấm ngay trong vườn trường. Chúng đào hố, vùi chuối xuống.
    Một lần tôi và thằng em họ mò sang. Chúng tôi khôn lỏi, không chịu chặt, dấm chuối, thỉnh thoảng nẫng tay trên của đám kia. Thằng em tôi nhanh mắt, phát hiện ra cái hố, dù được xoá dấu vết cẩn thận. Nó hăm hở móc tay, luồn sâu xuống. Bất ngờ, thấy nó rút vội lên. Eo ơi, bàn tay nhoe nhét và thối. Hoá ra nó móc phải hố phân giấu trộm của bà N, bà thuổng từ nhà vệ sinh của trường.

Xem Tiếp Chương 2Xem Tiếp Chương 46 (Kết Thúc)
Bụi Vết Tháng Năm
  » Đang Xem Chương 1
  » Xem Tiếp Chương 2
  » Xem Tiếp Chương 3
  » Xem Tiếp Chương 4
  » Xem Tiếp Chương 5
  » Xem Tiếp Chương 6
  » Xem Tiếp Chương 7
  » Xem Tiếp Chương 8
  » Xem Tiếp Chương 9
  » Xem Tiếp Chương 10
  » Xem Tiếp Chương 11
  » Xem Tiếp Chương 12
  » Xem Tiếp Chương 13
  » Xem Tiếp Chương 14
  » Xem Tiếp Chương 15
  » Xem Tiếp Chương 16
  » Xem Tiếp Chương 17
  » Xem Tiếp Chương 18
  » Xem Tiếp Chương 19
  » Xem Tiếp Chương 20
  » Xem Tiếp Chương 21
  » Xem Tiếp Chương 22
  » Xem Tiếp Chương 23
  » Xem Tiếp Chương 24
  » Xem Tiếp Chương 25
  » Xem Tiếp Chương 26
  » Xem Tiếp Chương 27
  » Xem Tiếp Chương 28
  » Xem Tiếp Chương 29
  » Xem Tiếp Chương 30
  » Xem Tiếp Chương 31
  » Xem Tiếp Chương 32
  » Xem Tiếp Chương 33
  » Xem Tiếp Chương 34
  » Xem Tiếp Chương 35
  » Xem Tiếp Chương 36
  » Xem Tiếp Chương 37
  » Xem Tiếp Chương 38
  » Xem Tiếp Chương 39
  » Xem Tiếp Chương 40
  » Xem Tiếp Chương 41
  » Xem Tiếp Chương 42
  » Xem Tiếp Chương 43
  » Xem Tiếp Chương 44
  » Xem Tiếp Chương 45
  » Xem Tiếp Chương 46