Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Nửa Đêm Làm Vợ Tác Giả: Phạm Thùy Trang    
     Tôi thức giấc bởi tiếng rầm rầm của cánh cửa tôn bị đóng vội. Những miếng tôn không được đóng bởi bàn tay người thợ lành nghề nên cứ dùng dằng đỏng đảnh, mỗi khi chạm tới là phát ra những âm thanh nghe như bất mãn với cuộc đời đen đủi của mình. Nhà bên, người đàn ông mới ra đi. Bây giờ chắc khoảng một giờ rưỡi là cùng, vì nghe vẫn còn tiếng xe chạy. Vả chăng người đàn ông cũng không thể về muộn hơn vì ở nhà vẫn còn người vợ bệnh tim đang chờ anh dù trời đã ướt đẫm sương đêm.
    Người đàn bà ở lại cũng đáng thương. Căn nhà với 24m2 ngổn ngang những nồi, niêu, chén dĩa, bàn ghế… Nhưng cô đơn một mình sau cuộc yêu đương thì quả là một sự trống vắng không gì bù đắp được. Người đàn bà ấy có gương mặt xinh xắn, vậy mà ông trời trớ trêu bắt phải cao số, sắp bước vào tuổi “hồi xuân” rồi mà chưa có trọn một đêm xuân.
    Chị bảo do lỡ lầm tuổi trẻ nên mười bảy tuổi chị là mẹ của một chú nhóc không cha vừa giáp thôi nôi. Không học thức cao, không có nghề nghiệp ổn định, sớm chiều vẫn buôn thúng bán mẹt, tích lũy mãi hơn chục năm chị mới thuê được mặt bằng mở quán ăn. Gọi “quán” cho sang vậy, chứ thật ra chỉ là một căn nhà nhỏ, che thêm cái mái ngăn ngắn rồi bán thức ăn điểm tâm, tối thì hủ tiếu bò viên, thêm vài con khô mực treo lủng lẳng và vài thứ phụ gia làm thức nhắm cho quý ông lai rai. Thằng nhóc con chị “nhà không nóc” nhưng được tính ngoan hiền và rất nghe lời các cậu nên bây giờ đang làm công nhân một nhà máy ở thành phố.
    Người đàn bà và người đàn ông ấy nếu nói thực tế một chút thì “buồn ngủ gặp chiếu manh”, còn văn vẻ một tí thì “đồng bệnh tương lân”. Khi chị đang cần người, một người có sức khỏe, siêng năng và biết nấu ăn càng tốt, thì người đàn ông ấy xuất hiện. Anh ta đến bằng một bữa nhậu tận khuya khi chủ dọn quán cũng không chịu đứng dậy ra về.
    À… thì ra anh có nỗi buồn: không tiền và vợ bệnh, căn bệnh quái ác một tháng phải đi thành phố đến hai, ba lần mà cảnh tay làm hàm nhai như anh, làm gì có bạc triệu để kéo dài sự sống cho người phụ nữ đã đi với mình nửa cuộc đời. Nhưng anh không thể bỏ vợ, dẫu rằng vợ đã không thể làm tròn bổn phận một người vợ nữa.
     Vậy là họ đến với nhau. Anh làm hết bao nhiêu việc cốt để hàng tháng có hơn triệu đồng đưa vợ đi trị bệnh: việc của ông chủ, việc của đầu bếp, việc bồi bàn và cả việc “làm chồng” bà chủ, nhưng chỉ làm chồng được đến nửa đêm. Một phần tư vòng tuần hoàn còn lại của hai mươi bốn giờ anh phải về với vợ.
    
    Trong mắt mọi người họ vẫn ngày ngày quấn quít bên nhau, cùng làm việc, cùng ăn chung mâm, cùng yêu thương nhau bằng mảnh tình muộn màng của đời người còn lại. Người ta nói người đàn ông yêu nhiều hơn vì anh cứ nhoáng nhoàng làm tất cả mọi việc, không cho người phụ nữ động tay vào việc gì ngoài việc ra toa đi chợ và… đếm tiền. Ngày nào quán ăn của chị cũng nhiều khách, bán từ năm giờ ba mươi sáng đến tận mười giờ đêm. Vậy cũng mừng, quán đông khách, tiền thu nhiều, lại đang kiếm thêm người phụ việc, lương tháng tám trăm ngàn còn nuôi cơm hai bữa.
    
    Thời gian này hình như người đàn ông ấy về với vợ càng muộn hơn. Nói công việc nhiều cũng đúng mà nói bây giờ anh chỉ còn nhiệm vụ tháng tháng lo tiền đưa vợ cũng không sai. Đêm đầu tuần không nhiều tiếng xe cộ đi chơi khuya, cả những tiếng nẹt pô nghe muốn rớt tim ra ngoài của mấy chiếc xe phân khối lớn do những công tử, tiểu thư “xiết hết ga” đã vắng hẳn, chắc chúng cũng biết mệt sau hai đêm cuối tuần rong ruổi…
    
    *
    * *
    Tiếng lách cách không phải của xoong nồi, vá, muỗng va chạm vào nhau khi vô tình bị chú chuột nhắt nào đó tông vào. Tiếng lách cách, ken két… của những thanh sắt mỏng ma sát xuống nền xi măng như cố kìm nén, rồi tiếng thì thầm xen kẽ những con số tính toán lỗ lãi, những nũng nịu ngọt ngào, ừ… à, những tiếng thở gấp… à, thì ra… sao người ta bất lịch sự tệ, người ở phòng kế bên còn thức, âm thanh cóc cách của bàn phím ngân vang, bộ không nghe hay sao…
     Tiếng ghế xếp lại rên lên như muốn sụm xuống dưới sức nặng của tiếng thở nén trong đêm vắng… Tôi không tài nào làm việc được trong không khí chỉ dành cho hai người. Tắt máy, nhưng công việc còn nhiều quá, đành restart lại mà cuối cùng cũng không làm được gì. Giá như nhà tôi và phòng chị cách nhau bằng một bức tường thì không thèm nghe chuyện người làm chi, nhưng đàng này… chỉ cách nhau tấm vách ván ép mỏng như lá lúa, muốn không nghe cũng không thể được. Tôi cố xua đi những tiếng vọng ma quái ấy bằng cách mở nhạc nhưng giữa đêm khuya thanh vắng thế này, mở nhạc to quá hóa ra mình khùng điên mất rồi. Thì mở cửa sổ vậy, hy vọng bóng trăng khuya lành lạnh sẽ xạc xào cùng tiếng gió thổi, sương rơi khỏa lấp…
    Con chó lông và tai xù xụ của chị la oẳng oẳng sau tiếng “cốp”, hình như là chiếc chày dùng để dần khô cá đuối phang vào đầu. Nó linh lỉnh chạy ra và dụi mặt vào đám cỏ mùng chầu dày đặc trước lề đường. Thật ra nó chỉ muốn làm trò cho bà chủ vui, bù lại không khí gia đình mấy hôm nay nặng nề như núi đổ. Trời cứ mưa sầm sập, quán vắng như chùa bà Đanh, bà chủ hình như vì vậy cũng sinh ra cáu gắt, bà chủ tìm đủ mọi cách để gây gổ với người đàn ông dù đó là việc nhỏ nhặt nhất.
    Đàn ông dù có yêu thật lòng vẫn còn tự trọng, còn sĩ diện chứ không mù quáng và điên rồ như phụ nữ? Người đàn ông chắc hiểu vai trò “thứ yếu” của mình trong cuộc tình chắp ghép, nên sau những gây gổ , anh ta không đến thường xuyên nữa. Người phụ nữ cuống cuồng lo mọi việc, nhìn chị tất bật tôi bỗng thương cho kiếp người đa đoan. Nhớ những khi quán vắng chị tâm sự:
    - Em có học, được việc làm ổn định, sướng nhất đời. Mai này lấy vợ, sinh con là hạnh phúc vẹn toàn của một con người. Đừng cầu toàn như chị, để đến tuổi về chiều mới giật mình hoảng sợ…
    - Thời buổi này ba mươi tuổi lấy chồng vẫn chưa muộn chị ơi! Chị đẹp lắm, sao hồi đó…
    - Có yêu chứ, nhưng tìm hoài không thấy điểm hợp nhau, cứ được điểm này thì mất điểm kia… Cù cưa mãi đến năm bảy năm thì chia tay cho người ta đi lấy vợ… nhưng cũng đủ thời gian cho một đứa bé ra đời. Chuyện mười mấy năm rồi.
    - Mười mấy năm không đủ thời gian chị tìm một tình yêu?
    - Tuổi chị bây giờ “trẻ đã qua, già sắp tới”, đàn ông lấy vợ chỉ để có con, em bảo ai ưng chị đây? Ước gì chị trở lại ngày xưa, tìm được người ấy cưới nhau cho rồi. Còn tình yêu hả, có ai thấy hình dạng nó như thế nào đâu? Hoang tưởng! Chỉ cần biết cảm thông cho nhau là hạnh phúc rồi.
    Tôi không nén được cười, sao bây giờ suy nghĩ của chị đơn giản quá, chả bù với mười năm về trước cứ muốn mọi điều đều “trên cả tuyệt vời”. Có phải đó là tâm lý chung của con người ta, khi hạnh phúc trên tay thì không biết nắm giữ, đến lúc vuột mất rồi thì thiết tha tìm lại dù chỉ một làn hương? Hai người đàn ông trong đời, vì quá cầu toàn mà chị đã đánh mất tuổi xuân, người còn lại cuộc rổ rá không trọn vẹn, vì người ta không thể bỏ gia đình, thôi thì cứ nắm níu tới đâu hay tới đó chăng?
    Mặt bằng quán ăn của chị với má tôi sắp hết hợp đồng, hình như bà định cho con của người cậu họ xa thuê mở cửa hàng mua bán điện thoại di động gì gì đó. Như vậy cũng hay, ít ra má không còn bị cảnh chén bay, đũa gãy và “giọng ca vàng” của mấy tay bợm nhậu hành hạ điếc cả tai. Tiền mặt bằng hàng tháng cũng cao hơn dù tôi biết má không quan trọng hóa chuyện đó, nhưng với người già, giúp đỡ cháu con được bao nhiêu là hạnh phúc bấy nhiêu.
    Chị dường như hơi buồn nhưng không biết nói sao, thật ra thuê không được nơi này thì còn nơi khác, biết đâu lại tốt hơn. Tôi cũng buồn mà không tài nào lý giải được. Khoảng cách thời gian đã vô tình đẩy tôi và chị xa nhau, nếu không, người phụ nữ dịu dàng chịu thương chịu khó như chị dễ gì tôi để vuột khỏi vòng tay. Mười hai năm có xa lắm không? Sao ông trời trớ trêu xui tôi gặp chị quá muộn màng. Có thể tôi nông nổi khi để lòng mình ngày càng hướng về chị, ngay cả cách xưng hô cũng không biết thế nào, gọi “chị” cũng dở mà kêu “em” càng tệ hơn.
    Hôm qua người đàn ông đã trở lại, lui cui dọn quán, bưng bê, bán buôn như hai vợ chồng thật sự. Thi thoảng họ cười đùa huých cùi chỏ vào hông và bẹo má nhau. Cuộc sống như một sân khấu với bao vui buồn, yêu thương, giận ghét… người ta phải diễn đi diễn lại như một điều hết sức tự nhiên. Mừng cho chị như lòng mình có gì khó tả, phải chi người đàn ông ấy cho chị niềm vui trọn vẹn, thì nửa đêm cánh cửa tôn không còn phát ra tiếng ầm oàng, thì tôi không còn nghe lòng mình day dứt…
    Đêm nay, xa xa trong sương khuya chuông chùa gióng bing… bong… bong… mười hai tiếng. Âm vọng ma quái của hai người buộc tôi phải dừng công việc khá lâu… Ngày mới đã bắt đầu, tôi khép cửa sổ, quyết chí làm hết việc hôm nay. Tiếng ầm… oàng… của cánh cửa tôn lại đóng vội, người đàn ông ấy lại ra đi. Người đàn bà nằm lại một mình với những dấu yêu còn vương vấn… mỗi ngày đi qua là mỗi niềm vui tìm về chị trong vá víu, thẳm sâu tâm tưởng có bao giờ chị khát khao được trọn vẹn một đêm làm vợ?

Kết Thúc (END)
Phạm Thùy Trang
» Nửa Đêm Làm Vợ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop
» Cô Khịt
» Bất Diệt