Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Hà Nội - Tình Nhân ( Phần III ) Tác Giả: Nguyễn Hiếu    
    (Tất cả mọi sự trên đời đều sẽ rơi vào quên lãng nếu như nó không dính dáng với trái tim)
    Một câu nói làm duyên của nhà văn.
    
    Có thể xem mười năm của thập kỷ 60 của thế kỷ 20 người Hà nội và cả thành phố Hà nội luôn luôn rơi vào tình trạng bất ngờ. Niềm vui sướng hân hoan mang một chút ngây thơ, cả tin của trẻ khiến đám đông tưởng chừng con người sau mọi khốn khổ, đau đớn, buồn phiền day dứt của một dân tộc thất thế, bất hạnh kéo dằng dặc của hàng thế kỉ, của hàng vài chục thế hệ, của hàng triệu, hàng vạn sinh linh nhỏ bé thì sẽ đến lúc được tận hưởng cho hết, cho cạn những gì là sự vui vẻ, no đủ, tươi vui. Nỗi sung sướng cá nhân thoắt oà ra, mở tung để hoà vào, trộn lẫn với sự cuồng nhiệt ngây dại của quần thể tưởng rằng từ nay mọi sự chỉ còn là yên vui, hưởng lạc trong thái bình thịnh trị. Tiếng nổ sinh ra từ sự phát minh man rợ của giống người sẽ không bao giờ còn vang trên đất này. Cụ già Vĩ đại không còn vất vả, lặn lội rừng sâu nưóc độc để lo toan cho quần thể mà công việc chỉ còn vẻn vẹn cầm đũa chỉ huy dàn nhạc dân tộc hát lên lòng tự hào và nỗi vui sướng của sự tự do và ước của một dân tộc hay chỉ của một con ngưòi. Nhưng khốn khổ thay mọi niềm vui chưa traỉ hết năm cái tết của thập kỉ khốn khổ đó. Hà nội đã rúm lại trong những hồi còi báo động máy bay của lũ giặc cuồng điên tưởng chẳng bao giờ dám xâm phạm đến bầu trời xanh ngắt và thoang thoảng mùi hoa sữa và hoa đinh lăng của Hà nội. Vợ chồng con cái trong gia đình Hà nội ngơ ngác, hoảng hốt nhìn những căn nhà đang bình yên giữa những dẫy phố xám ngoét mầu thời gian đột nhiên xụp đổ tan tành sau những tiếng nổ rung trời, chát chúa. Họ bíu ríu nhau rời khỏi những căn nhà bé nhỏ nhưng ấm áp và quen thuộc của phố phường để đi lên những làng quê chang chang nắng, hay tận vùng rừng núi âm u đầy gió gào và lũ suối. Hà nội mở hoắc rộng miệng để cười vào hai, ba năm đầu của thập kỉ 60 khi mọi thứ ăn thức uống còn tràn đầy rồi lại nhăn mặt, ngậm miệng đau khổ bẳn gắt nhau khi tay cầm những tờ tem phiếu chen lấn, đổ xô nhau trong những hàng ngũ xộc xệch để cố mua bằng được những bó rau muống cằn cỗi, lạng thịt mỏng dính, hôi mù, những con cá bướm mỏng dính mặn chát. Đầu thập kỉ sáu mươi cả dân tộc hơn hớn hát to dưới bàn tay vung đũa của ông già Vĩ đại để vào gần năm cuối của thập kỉ này Hà nội và cả dân tộc nước mắt ròng ròng, gào to để cho hả hết nỗi sót thương về sự ra đi vào cõi vĩnh hằng của chính ông cụ đó. Cuộc đời nghiệt ngã bởi nó đan sen giữa cái đầy đủ và sự mất mát, giữa nước mắt và nụ cười, giữa lòng dũng cảm quên mình vì điều cao cả, thiêng liêng và sự ti tiện, tính toán vì những món lợi cỏn con. Đầu thập kỉ người ta cởi mở, rộng lòng, hào nhập với nhau trong sự dễ dãi và tha thứ thì vào những năm của nửa cuối thập kỉ người ta so đo, tính toán và khép chặt lòng mình, túi mình, dấu biến đi mọi suy nghĩ, tình cảm chân thành để phủ lên sự giả dối mong cố tồn tại vượt qua cơn hồng thuỷ của bom đạn và của sự vất vả trong cuộc đời. Tiếng leng keng ngây ngô của đoàn tầu điện ngày ngày chạy về năm cửa ô cùng tiếng chuông lắc của ông bán phá xa lặng dần trong sự hốt hoảng thu mình của một Hà nội chiến tranh với những đêm mất điện tối thui và những ngày vắng ngắt chỉ còn chốc chốc con mèo hoang chạy qua dẫy phố vắng và trái xấu chín rụng chua ngắt trưa hè. Vào những năm đầu của thập kỉ nhiều biến động đó, đâu như vào năm 61, 62 hoặc xấp xỉ những con số đó nghĩa là vào khi Vũ bước vào tuổi 25 thì bà Hai Tuy cưới vợ cho cậu. Mặc dù vào những năm đó nghe trên những chiếc đài hình đĩa bay treo tòng teng trên những lùm cây ven Hồ Hoàn Kiếm dân Hà nội cho dù chưa hết phấn khích bởi những đêm liên hoan, hội hè và cả bởi những câu thơ của một nhà thơ mà chính bởi vì ông ta làm to trong chính phủ nên những câu thơ này được phổ biến rất rộng trên báo, trên đài. Những câu thơ ràn rạt một mầu phấn khích bởi một thế đứng ở "đỉnh cao muôn trượng nào đó". Thế rồi những linh cảm ban đầu giống như những giải mây vàng kệch trên đầu con sông Cái báo hiệu những cơn giông, cơn bão lớn gần đến. Những đám cưới của Vũ vẫn có được sự may mắn về niềm vui lứa đôi trọn vẹn. Sau những ngày cỗ bàn trong đám ăn hỏi, tiệc trà rộn ràng diễn ra ở Hô ten Phú Gia rồi ngày cưới. Sau những đêm đầu tiên trên đầu giường của vợ chồng Vũ còn có hộp nho khô nghe nói nhãn hiệu Mỹ để hai vợ chồng nhấm nháp và bộc lộ tình yêu son trẻ. Vợ Vũ có lần đang cong môi để chờ chồng mớm trái nho khô chợt chun mũi thì phát hiện mùi chuột bạch vừa theo cơn gió xộc vào qua khe hở khung cửa. Cô nàng định kêu "khiếp quá "thì chợt nhận ra tiếng kêu đó có vẻ hơi thô trong đêm tân hôn, vậy là nàng chun mũi lại vờ đưa mùi xoa lên vừa lau vừa bịt. Đó là sự làm điệu mà cô nàng tình cờ học được trong một lần đi dự đám cưới một cô bạn trên phố hàng Ngang cách đám cưới của chính cô nàng chưa đầy hai tháng. Bởi xét về thành phần- dạo đó động cái gì người ta cũng lôi thành phần ra vì thế kẻ chép lại câu chuyện tản mạn này cũng bị ảnh hưởng- Xin nhắc lại là, về mặt thành phần. Đông vợ Vũ cũng chưa phải là con nhà vào loại gia giáo, thượng lưu của Hà nội dạo đó mà thành thạo lối cầm mùi xoa. Hình thức bề ngoài thì Đông cũng vừa phải. Ưu điểm lớn nhất của Đông theo bà Hai Tuy và chị chú rể là Vân là khoẻ mạnh và là người theo đạo. Người anh thúc bá của Vũ là anh Lâm công an khi biết được lý lịch của cô em dâu họ có ý không hài lòng lắm. Nhưng rồi vì nhiều lý do anh cũng không phản đối. Vì vậy nên Lâm chỉ cho vợ con đến ăn cỗ mừng còn không theo vào làm lễ trong nhà thờ. Muốn làm công an cộng sản thì phải trung thành với Đảng. Mỗi cá nhân theo Đảng thì luôn luôn vô thần không đi theo một tôn giáo nào hết. Đường lối chính sách, kỉ cương của Đảng và chính phủ đã qui định thế nhất nhất phải theo. Vì sự phản ứng ngầm đó nên mấy hôm ăn hỏi và cưới xin thì Long lại đứng ra giữ vai của người anh thay cho Lâm. Trong những ngày đó không có ngày nào Long vắng mặt ở nhà Vân và một tay anh gần như lo toan tất cả mọi thủ tục, mọi sự xắm sửa cho chú rể. Mười ba, mười bốn năm sau tức là vào khoảng những năm 73, 74 khi con trai duy nhất của Lâm tên Huy cưới vợ thì Long cũng lo toan mọi sự cho chú rể, cho lễ cưới của Huy như một người chú cần mẫn và chu đáo. Mặc dù Long không là người theo đạo nhưng anh chàng vẫn ngoan ngoãn vào nhà thờ và cũng cung kính chấp hành thể thức của nhà thờ khi nghe giảng đạo. ấy là đến lần thứ hai Long ngoan ngoãn đứng về phía đàn ông, con trai thay cho lần đầu Vân phải xua mãi, nói mãi Long mới chấp nhận để sau đó ra khỏi nhà thờ Long còn nói nhỏ vào tai Vân rằng"buổi tối nghe giảng đạo đó sao dài thế?". Vân lặng lẽ không nói gì. Nhưng chính vì tận mắt thấy Long đứng đúng thể thức nhà thờ như thế nên chẳng những bà hai Tuy vừa lòng mà ngay Vũ cũng ca ngợi Long. Điều này khiến cho mỗi khi bà Hai Tuy và Vũ định trách móc gì Long thì lại có vẻ vì nể, để rồi mọi sự lại trở về cái tặc lưỡi, lần lữa nước chảy bèo trôi. Hơn thế công lao của Long đối với nhà bà Hai Tuy hàng chục năm trời sau khi anh trai cả Phong đột ngột mất đi gần như một sự thay thế ngưòi anh cả này từ khi Vũ còn là cậu thanh niên đang chập chững cho đến khi Vũ lấy vợ, sinh con… Buổi tối cuối cùng của lễ cưới, có lẽ Long là người khách cuối cùng rời nhà trai. Vì công việc nên mấy hôm liền Long và Vân thêm một dịp gắn kết bên nhau. Sự thân mật và những cử chỉ âu yếm của họ như được chất men say của đám cưới tạo nên, hùn đẩy, nên trước khi về Long đi lên phòng của Vân. Vân đang ngồi trước bàn điểm trang, tháo nốt đồ trang sức ra. Nghe tiếng động Vân quay lại thấy Long cô mỉm cười:
    Anh chưa về à? Mọi sự xong rồi còn gì?
    Me đi ngủ rồi.
    - Mấy hôm quần quật như thế me lại già rồi nên mệt quá còn gì. Vũ và Đông đâu rồi?
    Long bật cười vì câu hỏi của Vân, anh ôm lấy vai Vân bỏ nhẹ vào tai
    - Đến bây giờ mà em còn hỏi thế á. Đêm tân hôn của người ta mà lại. Vợ chồng mới cưới. Lúc anh rón rén đi qua đã thấy vợ chồng cậu ấy rúc rích trong buồng rồi. May mà anh nhanh trí bảo kê lại cái tủ đứng rồi mua mấy tấm ván dựng lên thành cái buồng chứ không thì...
    - Nhưng đáng ra em bảo là Vũ nên lên trên gác này vừa rộng rãi vừa tiện lợi, nhất là vợ chồng trẻ. Vậy mà không hiểu sao me lại nghe anh. Long cố ghìm tiếng cười:
    - Thế em không thấy là anh bảo me em rằng trên này tuy rộng cũng nhiều cái không tiện. Em ở đâu và nhất là lúc anh lên với em
    - Thôi không nói nữa. Anh về đi, không khuya rồi đấy.
    - Anh cứ muốn ngồi với em một tý thì sao. Ai cấm anh nào? Nhất là hôm nay trông em đẹp thế không biết. Anh nói thật. Long hạ giọng thì thào. Còn hơn cả cô dâu nữa nhé.
    - Thôi, thôi đi. Me chưa ngủ đâu.
    - Ngủ rồi. Không phải lo. Này nhớ mắt em đánh một tý trông vừa to vừa tròn, lại thêm sống mũi. Những người theo đạo sống mũi của ai cũng thành dọc dừa thế mới lạ chứ.
    - Thôi không phải tán nữa. Em bảo rồi. Anh về đi cho đứng đắn một cái đã nào. Chính Vân cũng không hiểu vì sao giọng mình lại mềm nhũn như vậy.
    - Mùi nước hoa này thơm quá làm anh, làm anh…
    - Đừng, đừng. Kìa anh… Em không thể, không thể…
    - Anh yêu em, yêu em…
    Tiếng của Long nhỏ dần, có tiếng "không, không"của Vân rồi có tiếng động nhẹ trên đệm giường, tiếng thì thào xa xôi "đêm này cũng là đêm của anh, dù có chết anh cũng không thể xa em được"… Vân chưa kịp nhận ra điều gì thì thấy đôi chân mình tự nhiên mở ra, và trên mình mơ hồ một cảm giác trĩu nặng êm ái…
    Khi Long chòang dậy. Anh cảm thấy trời đêm hình như đã chuyển về sáng. Ngọn đèn đường treo trên cột điện ngay ngòai ban công đà đưa làm ánh sáng chiếu vào phòng cũng lắc lư theo. Long hoảng hốt nhận ra Vân đang cúi đầu ngồi gục phía cuối giường. Đôi vai tròn rung rung. Long vừa định lại gần thì mặc dù không ngẩng mặt lên nhưng Vân vẫn xua xua hai tay mồm lắp bắp:
    Anh đi về đi. Về ngay đi. Không thì..
    - Tại sao lại thế? Long chìa hai tay ra như định trình bày việc gì nhưng tay Vân càng lắc mạnh.
    - Em đã nói rồi. Không được, không được. Anh về đi. Về đi.
    Rồi như một người muốn quên hết, mọi chuyện. Vân đứng phắt dậy đi ra cầu thang. Khi cô quay đầu lại. Long ngạc nhiên khi thấy ánh điện đường soi rõ đôi mắt Vân ráo hoảnh, giọng cô thì tỉnh táo như chưa có chuyện gì xẩy ra:
    - Em sẽ mở cửa cổng sau. Anh ra theo lối ấy. Đừng để ai trong nhà này nhìn thấy là được.
    - Sao lại thế? Long trố mắt sững ngưòi đứng nhìn
    - Không sao cả. Anh cứ nghe em đã. Vân lùi lại kéo nhanh tay Long
    - Để anh lấy cái xe đã. Chứ về không thế này vợ anh…
    - Thôi để khi khác.
    - Đúng rồi bây giờ cũng sắp sáng rồi anh sẽ đi ăn sáng rồi uống cà phê chốc nữa rẽ vào em là được chứ gì.
    - Anh muốn làm thế nào thì làm, nhưng bây giờ thì đi đi đã…
    Vân cài then cánh cửa sau lại rồi lặng lẳng lên gác, lòng dạ cô xốn xang và bồn chồn như đang sửa soạn làm một điều gì to tát. Một ngày mới hình như chớm bắt đầu. Trong không gian yên lặng của thành phố bắt đầu lạo xạo tiếng chân lệt xệt của chị hàng xôi, của người gánh nước thuê sớm. Vân lẳng lặng làm dấu, miệng lẩm bẩm đọc kinh cố xua tan sự ám ảnh kỳ quặc. Không hiểu số phận sẽ xui khiến, đưa đẩy cô đến đâu… Trong khi đó Long lững thững đi về phía nhà thờ. Mặc dù thỉnh thoảng trong lòng gợn lên sự lo lắng về nỗi cằn nhằn của vợ và sự ân hận khi nghĩ về hai đứa con còn nhỏ. Hình như anh không phải với vợ con anh. Nhưng tất cả đều vụt qua. Sự việc thêm một lần chồng vợ với Vân, Long hiểu rằng cuộc đời đã cố tình gắn bó với hai người với nhau trong một quan hệ không thể dứt bỏ được nhưng lại không thể công khai trước bàn dân thiên hạ. Biết làm thế nào được. Chỉ lo rồi Vân lại có mang thì thật rắc rối và phiền toái. Lần đầu tiên bên bờ hồ Tây đêm nào đấy. Mà mình cũng thật vô tâm không hỏi rõ Vân về chuyện ấy sau lần lên bà lang ở trên Xù, Gạ… Thôi được rồi. Hôm nay mới là ngày thứ hai sau ngày cưới của em Vân. Bao nhiêu việc ở nhà ấy vẫn cần đến anh cơ mà. Dù sao anh cũng là bạn của người anh cả ở gia đình này. Người anh cả mất đi thì bạn của anh ấy, nếu là người tốt thì cũng sẽ được coi như một sự thế chân người đã khuất. Việc trả phông màn, ấm chén bát đĩa, việc tính toán thu chi… Thôi cứ ăn sáng uống cà phê đã. Độ hơn chín giờ tạt qua cũng được… Long đã định thế và anh hơi ngạc nhiên thấy một đêm không ngủ gần như không ảnh hưởng gì đến anh… Khi Long quay lại nhà Vân theo giờ đã định thì có một việc thật bất ngờ xẩy ra khiến anh chỉ vào được chốc lát để lấy chiếc xe đạp của mình. Sau đó dù rất muốn ở lại nhưng anh vẫn phải làm bộ có việc bận phải đi ngay. Ngay buổi chiều hôm đó anh đến nhà Vân, tiếng là để giúp Vũ giải quyết công việc còn lại sau đám cưới rồi hỏi Vân vài chuyện khiến anh không mấy yên tâm nhưng Vân lại không có nhà khiến sự bồn chồn của Long càng tăng. Nguyên nhân cũng thật đơn giản. Vào quãng hơn chín giờ khi Long vừa đến cửa nhà bà Hai Tuy thấy cánh cửa mở rộng. Trong đó có người đàn ông vào độ trung niên, cao dong dỏng, da hơi vàng đi cùng với một người đàn ông thấp, to ngang, da đen xạm và có bộ râu quai nón nếu như chỉ để quên một sáng không cạo là lập tức bộ râu sẽ đâm ra tua tủa khiến khuôn mặt của ông ta bị thu nhỏ lại sau đám râu rậm rì chỉ còn hở ra hai kẽ mắt nhỏ, óng lánh. Thoáng nhìn Long đã nhận ra hai người hình như anh đã gặp ở đâu rồi. Khi thấy người đàn ông cao nhận chén nước từ tay Vân, nhọn môi lại thổi phù phù rồi húp nước xoàn xoạt theo kiểu những người đi cầy ở quê khi khát. Nhất là khi ông thấp lùn da đen cố mở to cặp mắt ti hí nói nheo nhéo bảo với Vân rằng tuổi của hai người chỉ đáng cô gọi bằng anh thôi. Vũ là em Vân đã gọi là anh rồi. Vân gọi hai người bằng chú là không thuận. Vừa lững thững đạp xe trên đường Long chợt à to lên một tiếng khiến người đi xe đạp bên cạnh ngạc nhiên nhìn sang. Đúng rồi, trộn không lẫn. Đó chính là hai cán bộ trong tổ cải tạo ngày nào. Bây giờ hình như lão cao là giám đốc xưởng in Công tư hợp doanh chỗ Vũ, còn lão râu quai nón là phó. Nhưng hai lão đến nhà Vân có việc gì nhỉ.. Long lại à thêm tiếng nữa. Đúng rồi vì đám cưới của của Vũ chứ còn sao nữa. Nhưng hôm tiệc trà hình như hai lão đã đến rồi cơ mà. Chắc chẳng có việc gì đâu. Long tự nhủ rồi cố giữ cho mình vẻ yên tâm tạm thời. Nhưng ngay sau đó Long lại tự hẹn là buổi chiều bằng giá nào, dù bận bịu đến đâu Long vẫn đến nhà Vân. Nhưng buổi chiều hôm đó Vân lại không có nhà, nghe Vũ bảo cô về Phùng khoang với bà chị họ nào đó. Nghe giọng của Vũ Long càng không tin hình như anh chàng này có cái gì đang muốn dấu Long thì phải. Vì thế sự băn khoăn càng cồn cào trong Long.
    Chiều đó đúng là Vân về Phùng khoang thật nhưng không phải vì đi với người chị họ mà thực ra cô về để vào nhà thờ ở quê nội cầu kinh. Con đường xa dằng dặc qua Khâm Thiên, qua Ngã tư sở về đến quê nội chắc chắn sẽ làm cô chừng nào giải thoát được những suy nghĩ đang bộn bề trong cô sau đêm cô đã thêm một lần ăn ở vụng trộm với Long. Đó là một điều hoàn toàn tội lỗi mà Chúa thực sự không hài lòng và sẵn sàng quở trách. Điều thứ hai, và không ngờ điều này lại làm cô không một chút yên tâm mặc dù nó mới đến thật bất chợt. Tất cả sự không yên tâm này do ông giám đốc Tô bất ngờ mang đến. Một người đàn ông xa lạ dù sao cũng làm đến chức phận là một giám đốc, vậy mà… Rõ là thật kì quái mà cũng thật buồn cười…
    

Xem Tiếp Chương 2Xem Tiếp Chương 13 (Kết Thúc)
Hà Nội - Tình Nhân ( Phần III )
  » Đang Xem Chương 1
  » Xem Tiếp Chương 2
  » Xem Tiếp Chương 3
  » Xem Tiếp Chương 4
  » Xem Tiếp Chương 5
  » Xem Tiếp Chương 6
  » Xem Tiếp Chương 7
  » Xem Tiếp Chương 8
  » Xem Tiếp Chương 9
  » Xem Tiếp Chương 10
  » Xem Tiếp Chương 11
  » Xem Tiếp Chương 12
  » Xem Tiếp Chương 13
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu