Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Đêm Party Tác Giả: Nguyễn Hiếu    
     1. Cũng may đêm Party của trường hàng hải quốc tế do nhà trường tổ chức cho gần hai trăm tân thạc sĩ của bốn mươi hai quốc gia hôm đó tôi lại có người đồng quốc tịch xấp xỉ trang lứa. Tôi và ông Luận là hai ông bố Việt nam duy nhị trong số hàng chục người thân vượt hàng vạn dặm sang dự ngày tốt nghiệp của lớp Mastơ khoá học này. Ông Luận là người đàn ông nhỏ bé trước khi về nghỉ hưu từng làm phó chủ tịch phường phụ trách văn hoá ở một quận trung tâm thành phố Hải phòng. Hai chúng tôi ngồi lọt thỏm giữa rừng người của mọi loại mầu da, đủ mọi quốc tịch. Và cũng thật khổ, trong khi bà mẹ Xê nê gan và cả người mẹ Thái lan có thể trò chuyện bằng tiếng Anh -thứ tiếng phổ cập nhất của đêm hội thì tôi phải ngậm ngùi công nhận rằng nếu không có hai đứa con và vài cô, cậu Việt nam bạn học của chúng thỉnh thoảng thương tình lai vãng chỗ hai ông bố u tì thứ ngôn ngữ quốc tế phổ cập kia để mang bia và nói vội vài câu chuyện bằng tiếng mẹ đẻ thì quả tình hai chúng tôi thật ngơ ngác và đơn côi. Tôi không dám chê ông Luận. Cho dù ông đã từng là phó chủ tịch phường phụ trách văn hoá nhưng giỏi lắm vị trí của ông hồi công tác chỉ hạn chế ở trong một phường với việc ngày ngày đốc thúc phát thanh đọc những thông báo về tiêm chủng cho trẻ em, phòng chống dại, phòng chống cháy… Thảng hoặc vào dịp lễ tết thì tổ chức văn nghệ quần chúng ở phường hay phối hợp với vài thành viên trên thành phố xem xét việc thực hiện qui chế, nội qui của mấy nhà hàng Karaokê là cùng nên việc không cần tiếng Anh cũng chẳng sao. Rời quân ngũ với quân hàm đại uý dù chẳng biết quản lí mô tê gì nhưng may mắn được trên xét công lao cho chuyển ngang sang chức phó chủ tịch phường. Trước khi đi bộ đội ông Luận mới học hết lớp bẩy nay lại được sang tận Thuỵ điển thăm con trai lấy bằng thạc sĩ ông cũng đã lấy làm oai với bà con họ hàng, khối phố lắm rồi. Ông ngồi im lìm với khuôn mặt mãn nguyện, trên môi nở một nụ cười thân thiện kiểu của một gã mắc bệnh tâm thần hiền lành chẳng hề nổi xung phá phách gì. Nhưng còn tôi. Một vụ trưởng. Mà nếu chỉ nhìn tướng mạo bề ngoài thôi thì ai cũng chắc tôi là một học giả lớn biết ít nhất hai ngoại ngữ. Bộ ria hung hung vàng vắt ngang làn môi trên gọn gàng. Cái đầu hói bốc lên với hai bên tóc rậm và xoăn theo kiểu Gô gôn làm khuôn mặt tôi trí tuệ một cách bác học. Vậy mà tôi -một vụ trưởng của nước ta trong khi rất muốn trao đổi trò chuyện với thiên hạ cũng lại đành ngồi cô đơn, im lìm giữa mọi sự ồn ào của thứ ngôn ngữ phổ cập bậc nhất thế giới. Thỉnh thoảng con trai tôi khi thấy bạn học hay một giáo sư nào thấy bề ngoài học giả của tôi đến gần định trò chuyện hoặc hỏi thăm xa giao thì dù ở xa tận đâu nó cũng nhanh chóng lao đến giải thích nụ cười thân thiện và ngơ ngác của tôi bằng câu "bố tôi không nói được tiếng Anh ". Những lúc ấy tôi chợt nhớ đến đến ông trông xe ở hiệu phở Thiện phố hàng Lược. Cũng một mái đầu hói có núm tóc xoăn hai bên khiến ai cũng dễ lầm tưởng là một vị trí thức lớn. Vậy mà dốt lại chỉ làm độc một việc cực kì đơn giản là hướng dẫn khách ăn phở để xe đạp đúng chỗ. Chao ôi, tôi lại đang mang cái bề ngoài trí tuệ và rỗng tuếch kia. Còn ông Luận tôi tin trong đầu ông bố nguyên phó chủ tịch phường kia bây giờ đang là những suy nghĩ sĩ diện, tự kiêu ngầm. Còn tôi… Tôi uống hơi to li rượu vang Thuỵ điển và cảm thấy bực bội. Nếu đằng thằng ra. Một người đã tốt nghiệp đại học và đầu óc bình thường lại có địa vị kha khá trong xã hội, thỉnh thoảng lại có chuyến công tác, giao du nước ngoài đã xấp xỉ sáu mươi như tôi ở bất kì nứơc nào trên thế giới chả giao dịch được bằng thứ tiếng phổ cập kia. Ngay như Thuỵ điển đến ông dọn dẹp ở nhà vệ sinh công cộng còn trao đổi được bằng tiếng Anh nữa là. Nghĩ mà bực, mà tiếc. Thời bố tôi, chỉ mới học đến hết lớp bốn là có thể nói, đọc vanh vách tiếng Pháp hay tiếng Anh Còn chúng tôi. Một thế hệ nhận đủ kết quả của một thủa mà người ta vênh váo hô to lên rằng. Việt nam có thể giảng tiếng Việt trên giảng đường đại học. Dòng khẩu hiệu to tướng, hợm hĩnh đó đã làm thế hệ chúng tôi chẳng những mù tịt mà còn biệt lập hoàn toàn với thế giới. Đến mấy lứa tíếp theo Câu hô to ngớ ngẩn kia tuy chỉ còn là tiếng vọng loáng thoáng, nhưng nền giáo dục đầy dẫy sai lầm và có thể là tàn nhẫn luôn luôn lôi con trẻ ra làm vật thí nghiệm đã khiến con trai tôi víết ra thứ chữ cứng cành cành y hệt như những cọng giá còm cõi ngay cả khi nó viết văn tự tiếng Anh. Cúi gầm mặt xuống giữa đám đông ồn ào rồi hất nhanh làn trán hói theo lối của một trí thức lớn bị đời ruồng bỏ hoá cô đơn tôi cố làm ra vẻ cao đạo, chín chắn, kiệm lời nâng cốc rượu vang nhìn xung quanh nén tiếng thở dài.
     2. Đang tủi hổ vì là sản phẩm của một nền giáo dục lẩm cẩm tôi bỗng thấy hàng ghế của các vị giáo sư xếp trên sân khấu giống như hàng ghế chủ tịch đoàn trong những hội nghị ở ta bỗng rục rịch, rồi một vị da đen, cao to vận mặc bộ com lê mầu tím tiến về bục diễn đàn. Mặt ông lấp lánh và rạng rỡ trong ánh đèn sáng trưng. Ông nói một chuỗi rất dài. Tôi và ông Luận ngơ ngác chưa hiểu gì thì có tiếng con trai tôi thì thầm phía sau. "Đến phần phát các loại phần thưởng rồi đấy ". "Phần thưởng gì?"Tôi hỏi nhỏ. "Những ai tốt nhất trong các lĩnh vực hoạt động của nhà trường đều được tặng thưởng. Chốc nữa con cũng được lên đấy". Thằng bé không dấu vẻ tự hào. Rồi cứ thế sau những lần xướng danh sách lần lượt các ngiên cứu sinh có tên ào ào lên sân khấu đón nhận các loại cúp và huân chương dành cho các bạn vô địch ở các môn thể thao, những bạn có đóng góp xuất sắc cho các loại phong trào của nhà trường. Các vị giáo sư cũng thay nhau ra trao phần thưởng. Không khí đêm Parti rộn ràng hẳn lên. Ai cũng chăm chú hứơng lên sân khấu, ai cũng dỏng tai lên để nghe tên mình. Nhiều cô cậu liên tục lên nhận phần thưởng và cổ họ lủng lẳng đủ thứ huân chương và trên bàn tiệc bên cạnh các cốc rượu và đĩa thức ăn là những chiếc cúp vô địch thể thao sáng bóng. Cậu nghiên cứu sinh có vẻ là đầu đàn của cánh Việt nam hởn hở khoe với tôi "năm ngoái số cúp chúng cháu đoạt được còn gấp đôi chỗ này"". Cuối cùng con trai tôi cũng lên nhận huy chương vàng vô đich đơn nam và đôi nam nữ cầu lông. Khuôn mặt nó đỏ gay trông kiêu hãnh và vui vẻ. Ông Luận lật lật tám huy chương của con trai tôi tấm tắc. "Nó cũng chỉ như phần thưởng của phường thôi, nhưng họ làm long trọng quá nhỉ?". "Họ tôn trọng con người và biết các tạo niềm vui cho con người ". Tôi lẩm bẩm như nói một mình.
     3. Khi những tấm huy chương cuối cùng được trao thì cũng là lúc các vị ngồi hàng ghế long trọng trên sân khấu lặng lẽ đi xuống hoà vào đám đông học trò và quan khách. Tiếng nhạc sôi nổi bật lên. Đám tân các vị thạc sĩ đủ các quốc tịch, mầu da trong trang phục các dân tộc tự nhiên như những đám bọt trên dòng sông mùa nước lên tụm vào nhau từng tốp, để rồi dần dần hình thành một khoảng giữa trống trải. Cô gái Nhật bé nhỏ có khuôn mặt luôn đọng một nụ cười dễ mến trong bộ ki mô nô màu hoa anh đào đan chéo bước đi nhẹ nhàng của mình gập mình chào hai chúng tôi. Trong khi mấy anh, chị Việt nam tản mát tìm bạn thân, xì xèo những tiếng "yes, now"thì mấy bạn Trung quốc cụm vào nhau lào thào "nỉ, ủa ". Khi tôi và ông Luận ngồi yên vị trên bậc nhìn xuống đã thấy khoảng trống giữa đã chật ních người để rồi tất cả chuyển động theo tiếng nhạc dần dần hình thành hàng ngũ của vũ khúc tập thể hình như tôi đã có lần nhìn thấy ở khách sạn bẩy tầng vùng Kông pông xom. Có lẽ vì giai điệu của bản nhạc sôi nổi cùng với men của vang Thuỵ điển bắt đầu ngấm nên tôi cũng thấy náo nức. Tôi liếc mắt nhìn sang ông nguyên phó chủ tịch phường, thấy ông này vừa há rộng mồm ngáp vừa nhấp nhổm nghển cao cổ nhìn các đám người đang say sưa nhẩy. Điệu luân vũ tập thể vừa dứt, dàn nhạc chuyển sang giai điệu bản Cha cha cha sôi nổi Trong ánh đèn loang loáng, hình như chỉ trừ có tôi và ông Luận là ngồi yên, người nhoài lên chăm chú theo dõi đám vũ hội. Một cặp nhẩy đập ngay vào mặt tôi là đôi trai gái mà cô gái có làn da trắng rực trong ánh đèn nhấp nháy và khuôn mặt xinh đẹp điển hình của con gái vùng Vaikinh Bắc Âu đang ôm chặt chàng thanh niên có khuôn mặt to và chỉ đứng đến vai cô. Bất chấp sự khập khễnh về chiều cao tôi cho rằng đây là đôi nhẩy vào loại đẹp nhất đêm Party với sự hoà đồng, ăn nhịp đến từng động tác của những bước te uyển chuyển và táo bạo. Sau này con trai tôi cho biết đó cô gái Thuỵ điển và chàng trai Mê hi cô. Từ mấy tháng nay họ trở thành đôi bạn thân thiết và luôn nhẩy với nhau mỗi khi có dịp. Đang say sưa theo dõi thì ông nguyên phó chủ tịch đập khẽ vào vai tôi. Theo tay ông chỉ, tôi bật cười khi nhận ra một cô gái da đen cao phải đến thước tám đang nhẩy đôi với chaú bé con trai da trắng chỉ đứng đến thắt lưng cô. Cậu bé hình như quên hết xung quanh với những bước di chuyển say sưa. Bàn tay nhỏ bé trắng xoá như nắm bông nằm gọn trong bàn tay đen bóng to lớn. Ông Luận trầm trồ:
     - Hay nhỉ, hay nhỉ. Hoá ra đây là một hình thức văn hoá. Thế mà ngày trước đã có lần tôi cho bắt cả một đám thanh niên học nhẩy ở nhà 320 gạch 45 Cầu đất. Mấy đứa sinh viên học ở Cu ba về thèm nhẩy tổ chức, thế mà mình…
     Tôi quay mặt đi phần vì hơi bực mình vì lời thú nhận muộn màng của ông Luận phần vì muốn tìm xem con trai tôi đang ở đâu. Ngay lập tức tôi nhận ra ngay cu cậu đang dập rìu trong bước nhảy với cô gái da màu xẫm có đôi môi dầy đánh son đỏ rực. Tiếng nhạc sôi nổi và có phần bồng bột vẫn rộn lên. Tôi ngồi lặng lẽ nhìn vào dám động đang say sưa, bùng cháy trong vũ khúc. Tính đến đêm Party này tôi đã ở thành phố này được bảy ngày. Bảy ngày tôi không nghe thấy tiếng còi ôtô, không thấy những quán bia ầm ĩ với những khuôn mặt đỏ gay và những lời chửi thề hay những lời to tiếng cãi cọ Lá lặng lẽ chuyển mầu vàng và những pho tượng bình thản phun nứơc. Bẩy ngày tôi không thấy một tai nạn giao thông, không thấy những khuôn mặt gầm gè, tranh dành trên đường phố, những khuôn mặt chứa đầy những mưu mô âm thầm những toan tính làm ăn.
     - Ông về sau nhé. Tiếc quá càng xem tôi càng thấy múa kiểu này cũng lành mạnh ra phết, nhưng tôi phải về trước ông ạ. Tôi thấy mỏi lưng. Hôm nay ngồi nhiều, lại uống hơi quá một chút thành thử…
     Ông Luận về rồi, tôi ngồi lặng lẽ một mình. Quả tình tôi cũng bắt đầu thích nhẩy. Hồi đi công tác cùng đoàn tầu viễn dương, mấy anh thuỷ thủ có dậy tôi mấy bản. Dạo đó tuy đang làm phó giám đốc một nhà máy mà tôi phải đội danh anh cấp dưỡng để đi xuống tầu vĩễn dương theo sự ưu đãi, bình bầu của bộ quản lí ưu tiên dành cho những cán bộ có năng lực cai thiện đời sống. Việc này đầu tiên khiến tôi xấu hổ lắm, nhưng xuống tầu, tôi an tâm và đỡ ngượng ngập khi thấy mấy vị vụ trưởng, mấy viên thiếu tá ngành công an cũng đội danh thuỷ thủ, tạp vụ trên tầu đi hưởng tiêu chuẩn cải thiện như tôi. Trình độ nhẩy của tôi công bằng cũng đã vượt qua những nước cản ban đầu và nếu có bạn nhẩy thích hợp tôi cũng sẵn sàng bước ra sàn. Nhưng có lẽ từ sau chuyến viễn dương ấy lâu lắm tôi chưa bao giờ có dịp đăng xinh lại. Còn ở đây có tuổi rồi, lại có con trai làm thế sao tiện. Những ý nghĩ lẩn thẩn cùng sự bất lực trong ngôn ngữ làm tôi vẫn ngồi chôn mình một chỗ lặng lẽ, cô đơn nhìn xuống sàn nhẩy.
     - Giới thiệu với bố đây là bà Pác Sơn phụ trách dọn dẹp ở tầng của con Thưa bà bố tôi không nói được tiếng Anh.
     Tôi tin lúc đó mặt tôi đỏ bừng lên. Bà phục vụ cao lớn có khuôn mặt thanh thoát của người Thuỵ điển mỉm cười nhìn tôi, hình như bà nói "không sao không sao"sau khi gọi tôi, là "Pa pa"để đáp lại lời con trai tôi gọi bà là "Mama". Bà Pác Sơn chìa tay mời tôi nhảy, mặc dù con tôi nói nhỏ động viên nhưng tôi mỉm cười xua tay từ chối.
     - Xin lỗi bà, bố tôi không biết nhẩy.
     - Không sao, không sao.
     Tôi đoán bà phục vụ lại nói thế. Nói xong bà giơ má cho tôi hôn để tạm biệt. Một bà tóc bạch kim thấp nhỏ có cặp môi đỏ bóng trên khuôn mặt thanh thoát vừa đến. Bà này chìa tay cho tôi bắt rồi cùng bà Pác Sơn bước xuống sàn. Hình như hai bà thích điệu nhảy này. Nhìn theo hai bà con trai tôi thì thầm:
     - Bà Li li đa đấy bố ạ, năm ngoái dọn dẹp ở phòng con. Mấy lần bà viết giấy phê bình vì con để bếp quá bẩn, nhưng không hiểu sao sau đó bà lại thỉnh thoảng cho con sô cô la. Kìa con gái bà ấy đấy. Cô gái cao cao, mặc váy da đang nhẩy rất hăng kia kìa. Để con xuống mời cô ấy một bản.
     Nhìn con trai hăm hở lao đi, tôi lặng lẽ nhìn theo với nụ cười của người mắc chứng tâm thân hiền lành. Ma nu En-cậu bạn da đen người Công gô Parajavin nghe con tôi bảo thỉnh thoảng hay mời con trai tôi ăn món cơm nấu bằng nước pha muối và ớt đến đưa cho tôi hộp bia. Cu cậu có vẻ thích khi tôi có thể trò chuyện với cậu ta bằng thứ tiếng Pháp nhát gừng di sản của bốn năm đại học. Nhưng tối nay có lẽ Ma nu En chỉ đến chỗ tôi theo lễ nghĩa bởi sau đó cậu chúm môi lại "ôvoa "rồi chạy ào đi. Một cô da trắng, áo đen đang dang tay chờ cậu. Tôi ngồi nhâm nhi lon bia nhìn xuống sàn nhẩy. Tận mắt trông thấy lứa đôi đang giao hoà dập dềnh trong tiếng nhạc. Một mùi thơm thoảng thoang thoang, dìu dịu bao trùm không gian người ta khó có thể nghĩ rằng ở đâu đó trên trái đất này chiến tranh đang xẩy ra với ngập ngụa mùi khói bom, đạn, mùi máu và cũng ở đâu đó ở xứ sở của tôi người ta đang bàn tính những thủ đoạn moi tiền công quĩ. Tôi dốc lon bia chổng phộc cố uống một ngụm thật to để nuốt trôi những ý nghĩ kì quặc của kẻ cô độc trong đêm Party vui vẻ và náo nhiệt này. Một sự bức bối vô lí dâng dần trong người khiến tôi nhấp nhổm. Đèn trong hội trường chợt mờ hơn. Tiếng nhạc êm đềm và dịu dàng hẳn. Tôi chưa nhận ra điều gì thì một bàn tay mềm mại và thơm phức lờ mờ chìa ra trước mặt tôi. Tôi ngẩng mặt lên và nhận ra người đàn bà nhỏ bé có mái tóc bạch kim đang đứng trước mặt. Đầu bà hơi lắc lắc, đôi môi đỏ xẫm chum chúm. Tôi như bị thôi miên đứng lên. Tôi mơ hồ nhoẻn cười khi nhận ra bản slow tình tứ. Hai tay tôi tự tin hơn nắm vào tay người đàn bà Chúng tôi lặng lẽ rập rìu giữa những đôi nhảy. Có lẽ duy nhất đôi nhảy của tôi là im lặng. Tôi muốn nói, nói thật nhiều nhưng sự bất lực trong ngôn ngữ làm mặt tôi căng cứng y như vừa bôi sáp để chữa cơn nẻ mùa đông. Tôi cố cười để làm mềm lại. Bàn tay người đàn bà có mớ tóc bạc kim -hình như tên bà là Li li năm ngoài phụ trách dọn dẹp tầng con trai tôi-lặng lẽ đổi tư thế ôm eo tôi. Tôi cũng vô tình làm theo. Và ngay lập tức tôi nhận ra làn da ấm mịn của bà sau lớp vải trơn láng. Có tiếng tích tích nào đó ở đâu đấy đang xen vào giai điệu êm ả, trữ tình của bản nhạc. Thời gian tưởng như ngưng đọng phía trên vòm cao vút lấp lánh của sàn nhảy. Tôi thấy khá rõ trái đất như quay chậm hơn bình thưòng. Dòng sông quen thuộc của quê tôi đang vào tiết cuối thu với tiếng lạt xạt cọ vào nhau của lá ngô già và tiếng mài càng của con cào cào ma… Bỗng tiếng nhạc oà lên. ánh đèn bừng sáng. Người bạn nhảy buông tôi lặng lẽ như khi bà mời tôi. Tôi lắp bắp nói lời cám ơn bằng thứ tiếng Pháp nhát gừng. Li Li mỉm cười rồi thoăn thoắt đi ra cửa, ở đó con gái bà đang cầm sẵn áo choàng.
     Tôi đứng lặng nhìn theo.
     May thật. Đêm Party ở một đất nước xa lạ. Nếu không có người đàn bà dọn vệ sinh với hành vi văn hoá đó thì chắc tôi khó mà thoát được sự trống rỗng vô lí.
     Chả biết đến bao giờ xứ xở này có được những hành vi ấy nhỉ?
    

Kết Thúc (END)
Nguyễn Hiếu
» Hà Nội - Tình Nhân ( Phần III )
» Hà Nội - Tình Nhân ( Phần I )
» Hà Nội - Tình Nhân ( Phần 1 )
» Hà Nội - Tình Nhân ( Phần V )
» Hà Nội - Tình Nhân ( Phần 3 )
» Hà Nội - Tình Nhân ( Phần 2 )
» Hà Nội - Tình Nhân ( Phần II )
» Hà Nội - Tình Nhân ( Phần 5 )
» Hà Nội - Tình Nhân ( Phần 4 )
» Hà Nội - Tình Nhân ( Phần IV )
» Người Đàn Bà Trên Bãi Xe Quá Cảnh
» Trên Mặt Đất Lại Có Người
» Đêm Party
» Loài Dán
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh