Đó là một bước nhảy phi thân từ mái quán xuống vỉa hè. Bước nhảy có sắc màu, như một đóa quỳnh bừng nở rồi bị cuốn đi trong cơn gió lốc. Bước nhảy trong những giấc mơ tiên cảm của Duy cuối cùng đã hiện ra, có hình chim ưng, có hai màu vàng đỏ, dưới ánh đèn đường mờ nhạt của đêm ba mươi.
Mỗi khi nhắm mắt lại, bước nhảy thiếu nữ ấy lại chập chờn hiện về trong Duy như một nỗi ám ảnh ngọt ngào và cay đắng...
Lần đầu tiên Duy rủ rê Quỳnh về quê chơi là vào đầu mùa thu. Thực ra phải nói rằng đó là một lời mời tự nhiên và chân thành. Đó cũng là lần đầu tiên Duy biết thế nào là một sàn nhảy ở thủ đô. Và, đương nhiên, cũng là lần đầu tiên biết đến Quỳnh.
Hôm ấy là thứ bảy. Nhà trường cho các học viên nghỉ, những ai ở cách xa trường bán kính 20 cây số thì được về nhà. Nhà Duy ở cách xa trường gấp 7 lần cái bán kính ấy. Chợt thấy buồn. Đêm hôm trước heo may khẽ len lén tìm vào phòng ngủ. Sáng ra lại thấy mấy chiếc lá vàng rớt bên hiên cửa. Gió đi qua khóm cây trước cửa phòng và có tiếng chim bay theo chiếc lá vàng vừa rụng. Mùa thu đã đến một cách nhẹ nhàng và khó nắm bắt như thế. Trước mắt Duy là hai ngày nghỉ cuối tuần cực kỳ thừa thãi. Duy đi bộ ra cổng trường và nhảy lên xe buýt. Tự nhiên Duy nghĩ đến địa chỉ nhà một người quen. Người quen này từng đến trường thăm Duy, lại đã bảo với Duy rằng cứ nhảy lên xe buýt số 31, nó sẽ đưa đến tận cửa nhà. Người ấy là bạn của bố Duy. Người ấy giàu có và hào hoa. Người ấy có một cậu con trai bằng tuổi Duy. Người ấy còn một cô con gái nữa mà Duy chưa một lần biết mặt. Duy gọi người ấy là “Chú Nhuận”.
Và chiếc xe buýt số 31 đã đưa Duy đến gặp Quỳnh. Nhà chú Nhuận đúng là giàu có nhưng có vẻ gì đó bí ẩn. Đập vào mắt Duy là những bậc cầu thang huyết dụ lượn hình trôn ốc, tay vịn có hoa văn nhiều màu. Loại trừ sự sặc sỡ thái quá thì đó là một cái cầu thang đẹp và ấn tượng. Người giúp việc đưa Duy vào vòng khách. Trong lúc Duy đang quan sát giàn đèn chùm mắc trên trần nhà thì từ những bậc cầu thang đẹp đó, cô gái có tên là Quỳnh hiện ra.
- Anh là anh Duy con bác Tốn ạ?
- Phải.
- Bố em thường nhắc đến bố anh. Kia, ảnh của bố em và bố anh hồi còn ở chiến trường đấy. Cả nhà em đã từng về nhà anh rồi, chỉ có mỗi mình em là chưa thôi.
- Đúng.
- Anh Hải em bảo về nhà anh thích nhất là được đi tắm sông, rồi đi mót khoai và ăn trộm cam. Em không hiểu. Em còn bảo ở Hà Nội có mấy nghìn một cân cam, ăn nhòe, làm sao phải về quê nhà người ta ăn cắp, mà cam ở quê chán chết, chua loét, đắng ngắt...
- Anh Hải có hay gửi thư về không?
- Thư gì! Lúc nào cần tiền thì bốc điện thoại lên nói một câu là mẹ em lại gửi tiền sang ngay. Anh ấy chỉ cần tiền thôi chứ chẳng cần gì cả. Sinh nhật em cũng chẳng thèm hỏi thăm. Em thích một cái áo lông Kănguru quá mà anh ấy không chịu mua cho em. Nhưng thôi em chẳng cần. Bố hứa là sẽ mua cho em.
- Bố mẹ em đi đến khi nào mới về?
- Mẹ em đi miền Nam công tác, cuối tuần sau mới về. Bố em thì phải tối muộn. Em gọi di động cho bố rồi, bố em bảo phải giữ anh ở đây chơi đến sáng mai. Em sẽ tiếp anh.
Quỳnh có một khuôn mặt rất xinh đẹp. Mái tóc hoe vàng. Son môi tô màu hồng phấn. Dưới bờ môi đẹp như vẽ là hàm răng trắng đều. Cánh mũi lấm tấm những hạt nhũ màu bạc. Đôi mắt trong nhưng khi nheo lại thì hơi già và có vẻ từng trải. Trong nói năng đôi khi như một kẻ thiếu dạy dỗ nhưng biết dừng lại đúng lúc, vì vậy vẫn còn có thể nhận ra cô gái này từng được giáo dục rất chu đáo. Và phải thừa nhận một điều, Quỳnh có giọng nói hay, cách diễn đạt rất “tự nhiên chủ nghĩa”. Cảm giác ban đầu của Duy khi tiếp xúc là hơi khó chịu. Nhưng sự chân thành của Quỳnh đã dần dần lấy lại thiện cảm trong Duy. Quỳnh vừa bước vào tuổi hai mươi, đang là sinh viên năm thứ hai của trường Du lịch. Quỳnh bảo Duy: “Bây giờ em sẽ gọi bọn quỷ sứ đến đây. Trưa nay anh em mình quậy tung cái nhà này lên. Anh Duy nhé?”
Buổi trưa. Ba người bạn của Quỳnh đến. Một cậu bạn trai cao lênh khênh, hơi gầy, tóc màu đỏ, răng có đôi ba cái bịt vàng, mặt choán cặp kính to đùng. Hai cô gái đều tóc nâu môi trầm, kính gài trên đầu, áo gió buộc dây, quần bò trễ hông, dép cao gót, vai khoác túi da nhỏ hai quai, mùi mỹ phẩm tỏa ra sực nức. Cậu bạn trai tên là Tuấn, cô gái có đôi kính màu rong biển tên Huệ, cô còn lại tên Hường.
Việc đầu tiên của những người trẻ tuổi này khi gặp nhau là mở nhạc. Cô gái tên Hường mang theo trong chiếc túi xách của mình một tệp đĩa với đủ các loại nhạc tây, ta. “Tao quyết định rồi Quỳnh ạ. Tối thứ sáu tuần sau bọn tao sẽ chơi đêm đầu tiên ở Hải Phòng. Bọn tao đặt tên cho Ban nhạc là Những kẻ ngỗ ngược. Ông bầu bảo ngỗ ngược trong nghệ thuật là sự khích lệ nghệ thuật phát triển. Trong tờ rơi của bọn tao cũng có những lời quảng cáo đại loại như thế. Chắc chắn là sẽ thành công”. Hường đang học năm cuối trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật. Lúc nãy Quỳnh giới thiệu với Duy rằng Hường có biệt danh là Madonna. Quỳnh còn nói nhỏ với Duy: “Con này có phong cách biểu diễn cực kỳ bốc lửa”. Sau khi uốn éo một lúc theo điệu nhạc phát ra từ chiếc đĩa màu bạch kim, Hường “Madonna” như sực nhớ ra, vội lục túi lấy mấy tấm ảnh đưa cho Quỳnh. “Mày xem này, tao sẽ mặc những bộ này trong đêm nhạc đầu tiên. Được không?”. Quỳnh xem xong đưa cho Duy. Duy buột miệng: “Nghe nói bây giờ người ta cấm diễn viên ra sân khấu mặc trang phục hở rốn...?”
- Ông anh yên tâm đi. Bọn em sẽ có những chiêu đặc biệt để che nó đi và hở nó ra khi cần một cách hợp lý. Mà ông anh là thế nào với Quỳnh đấy? Chắc mới quen nó hả? - Hường bây giờ mới có vẻ để ý đến Duy.
- Mới quen.
- Anh ở phố nào?
- Ở nơi mà sắp tới bạn sẽ xuống biểu diễn.
- À, em hiểu rồi. Con Quỳnh này sướng thật. Lúc nào nó cũng có một vài Gã tình si rong rêu kèm như kèm kem.
Nói xong câu ấy Hường lại chạy ra chỗ chiếc loa nhún nhảy theo một điệu nhạc mới. Quỳnh và Huệ đang lúi húi đang trong bếp chuẩn bị đồ ăn. Huệ có đôi mắt buồn buồn. Biệt danh của cô là Huệ sầu. Mỗi khi từ trong bếp đi ra, thấy Hường nhún nhảy, cô cũng nhảy theo. Cô nhảy đẹp chẳng kém gì Hường. Nhưng hình như cô không thích nhảy vào lúc này. Có lẽ cô cảm thấy mình còn đang có phần trách nhiệm ở trong bếp. “Đừng nghe Waves of Danube, bật Deililah đi, bài 11 ấy, mày với Tuấn nhảy Quick Waltz đẹp hơn”. “Sao mày cứ nhảy Mambo mãi thế, thử đi Samba xem nào, chân nhảy Samba của mày chưa thạo lắm đâu”. Đấy là những gì mà Huệ trao đổi với Hường. Huệ nói ít, nhưng qua những gì cô nói đủ để Duy nhận thấy cô cũng là một người có hiểu biết về âm nhạc, hoặc ít ra cô cũng là một Madonna như Hường. Tuấn rút bao thuốc lá lạ hoắc ra mời Duy. Trong khi Tuấn đang làm động tác xoay chiếc bật lửa để bắn tia nhiệt ra mồi thuốc cho Duy thì Quỳnh bỗng đưa tay từ phía sau ra rút phắt điếu thuốc trên môi Duy. “Thuốc gì đây hả Tuấn? Em xin lỗi anh Duy nhé! Để em lấy thuốc của bố em ra mời anh. Anh không hút được thuốc này đâu, bạn em chơi nặng đô lắm”. Tuấn ngước mắt lên hỏi Quỳnh: “Sao thế? Bạn đặc biệt à? Chưa dính phải không?”. Quỳnh thản nhiên: “Vô trùng”
Duy cảm thấy mình đang rơi vào một tình huống rất không thuận lợi, thậm chí không cẩn thận sẽ trở nên thừa thãi và lố bịch. Những con người đang ngồi trước Duy có cuộc sống rất khác. Họ đang rất tự tin với mỗi hành động, cử chỉ của mình. Và thật lạ, tất cả những gì toát ra từ họ sao lại tự nhiên đến mức phi lý thế kia? Sự xinh đẹp phi lý! Sự giàu có phi lý! Sự tự tin phi lý! Sự sành điệu phi lý!... Nhưng hình như chính Duy mới có vẻ như đang phi lý trong con mắt họ!?
Và bữa cơm được dọn ra. Không khí có vẻ thân mật hơn. Hường “Madonna” bắt đầu bộc lộ những nét hồn hậu và dễ mến. Huệ vẫn mang ánh mắt buồn buồn nhưng đã cười nhiều hơn. Tuấn thì trẻ thơ trở lại khi nói rằng lâu lắm rồi mới được ăn rau dền luộc, tự nhiên thấy nhớ mẹ quá. Mẹ Tuấn chết khi cậu ấy mới lên mười tuổi. Bố Tuấn là chủ một cửa hiệu vàng ở Hàng Bạc. Tuấn đang học Quản trị kinh doanh nhưng những gì cậu học được không hơn kinh nghiệm quản lý của bố, và đương nhiên, chẳng có lý gì khiến cậu phải chăm đến trường. Huệ và Quỳnh có vẻ thân nhau hơn. Có lẽ vì cả hai cùng học Du lịch. Thức uống là rượu tây ngâm với những lát chanh cắt mỏng. Riêng Tuấn uống kiểu khác. Cậu ta trộn rượu với sôda rồi lắc cho sủi bọt lên trước khi uống. Quỳnh có vẻ cũng thích uống kiểu đó. Quỳnh gọi đó là “Cooktai răng vàng”. Răng vàng là biệt danh của Tuấn. Duy ăn uống một cách cầm chừng. Yếm thế cũng có, tự ti cũng có, nhưng thích quan sát thì đúng hơn. Duy rất muốn có cơ hội để khai mở những tâm hồn đang mưng mẩy lên vì rượu kia nhưng sẽ không bắt đầu theo kiểu “Nghe nói bây giờ người ta cấm diễn viên ra sân khấu mặc trang phục hở rốn...?”. Cách vào chuyện như thế bất ổn. Quỳnh là một người thông minh và nhạy cảm. Cô không ngừng cố gắng để có sự hiểu nhau hơn giữa Duy và những người bạn của mình nhưng nghe ra vẫn “lệch kênh”. Thực ra Duy cũng đang là mối bận tâm của chính bản thân cô. “Anh bảo anh học chuyển loại à? Là học cái gì cơ?”. “Trước anh là sĩ quan chỉ huy, bây giờ anh học chuyển loại sang sĩ quan chính trị”. “Thế là không làm chỉ huy nữa à?”. “Vẫn làm chỉ huy nhưng trước đây chỉ huy về quân sự còn sau khi chuyển loại sẽ chỉ huy về chính trị”. Không ngờ những từ “Quân sự”, “Chính trị” lại làm những người bạn của Quỳnh có những liên tưởng thật kỳ quặc. Tuấn bảo:
- Thế nghĩa là anh biết bắn súng phải không? Thằng bạn em thích chơi đồ “nóng” ấy lắm. Bữa trước nó mua được một khẩu K54. Ba vé rưỡi. Nếu nó nghe lời em chỉ dùng đồ “lạnh” cảnh cáo thôi chắc không dính án nặng đến thế. Bây giờ thì vác đá ở Thanh Hóa rồi. Mà anh bắn có giỏi không? Hôm nó mang súng ra khoe em, em cũng hơi ngán. Nó cũng bắn chưa thạo. Nó bắn được mỗi viên rồi quăng súng bỏ chạy. Sau bố mẹ nó đưa nó ra tự thú.
- Nói chuyện súng ống làm gì, khiếp lên được!
Hường cũng bắt đầu vào chuyện một cách hào hứng. Sau khi cắt lời Tuấn, “Madonna” quay sang Duy:
- Anh bảo anh học chính trị á? Em là em chúa ghét những chuyện chính trị. Thế mà bố em suốt ngày nghe thời sự. Sáng ra nghe bản tin buổi sáng. Rồi vội vàng ra bảng tin công cộng đọc Nhân dân, Quân đội, Hà Nội mới. Rồi lại nghe bản tin buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, bản tin cuối ngày. Xem ti vi chưa đủ, lại còn kè kè cái đài nhỏ xíu bên mình nữa. Nghe đài trong nước xong lại nghe đài BBC, RFI. Rồi ra cửa hong hóng, hễ gặp mấy ông bạn già về hưu là lại lôi vào nhà hàn huyên, lại I rắc chết bao nhiêu thằng Mỹ, Bin La đen còn sống hay đã chết, bọn khủng bố đánh bom nhà hát ở Nga, cái anh Triều Tiên mà cũng dám chơi với hạt nhân, nguyên tử mới khiếp chứ, ông A-ra-phát chuyến này chắc chết, bà Tống Mỹ Linh thì chết rồi, chết thật rồi, cả báo lẫn đài đều đưa tin thì chắc không sai đâu...
Em bảo hôm nay Michael Jackson biểu diễn ở Nhật đấy, tuyển cả trẻ em Việt Nam để phụ họa cho chương trình nữa, họ mà chọn mình thì sướng quá. Bố em bảo hay ho gì cái trò gào thét nhí nhố, nhún nhảy điên cuồng ấy mà mày cứ xí xớn. Ngày xưa mẹ mày làm văn công nhưng nền nã, thuỳ mị chứ như chúng mày bây giờ cứ cong cớn, hễ lên sân khấu là phải gào, phải nhảy song phi, phải nhắm tịt mắt, những cái ấy đừng khoe ra trước mắt tao, tao mà điên tiết là tao cho mấy cái bạt tai. Em bảo bà Tống Mĩ Linh chết thì liên quan gì đến bố mà bố cứ sùng sục lên thế? Bà ấy có tốt đẹp gì đâu. Bố mà chưa thông báo được cho ai cái tin bà ấy chết thì ấm trà trong bộ ấm chén bát tràng kia chắc chắn là không còn hương vị gì nữa, thậm chí ăn cơm cũng thấy đắng miệng. Bố quan tâm đã đành bố lại bắt cả nhà phải quan tâm theo, có phải bố làm khổ mọi người không? Bố em ngồi đờ ra một lúc rồi bảo: Cút, cái loại xướng ca vô loài chúng mày thì biết cái gì! Em dắt xe ra khỏi nhà bảo, vô loài mà mỗi đêm nhả ra vài câu ú ớ thu về vài chục triệu catsê thì ai cũng muốn vô loài cả. Bố em ném theo cái chén giả cổ. Em lặn luôn một hơi nửa tháng. Hôm qua bố gọi điện bảo em về nhưng em bảo bao giờ đài đưa tin bốn chín ngày bà Tống Mĩ Linh xong rồi con về, không bố lại thấy cái tin ấy nó mất thiêng đi...
Hường kể đến đây thì cả nhóm đều đã ngấm rượu. Quỳnh cùng hai cô bạn gái kéo nhau lên gác ngủ, Duy và Tuấn nằm luôn trên ghế, nhắm mắt lại là quên trời đất, chẳng còn biết ngoài kia nắng có còn màu mật ong không và lá vàng có còn rụng tơi bời xuống mặt phố? Không biết Duy sẽ còn ngủ bao lâu nữa nếu không có tiếng chuông điện thoại reo. Quỳnh nghe điện xong thông báo rằng bố em đang phải đưa đoàn doanh nhân Đức lên thăm khu Đồng Mô, có thể phải ngủ lại, mai mới về, bảo anh Duy cứ ở nhà chơi, muốn đi đâu thì em đưa đi. Rồi Quỳnh hỏi Duy: “Anh có biết nhảy không?”. Duy gật đầu. Quỳnh bảo: “Cả bọn tắm rửa đi rồi tối nay đi dancing”. Tuấn từ trong buồng tắm chạy ra bảo: “Ừ, được đấy, Let’s dance!”. Hường và Huệ nãy giờ đứng thập thò trên những bậc cầu thang màu huyết dụ, nghe vậy liền đồng thanh hô: “Ok, Let’s dance!”
Quỳnh đưa Duy lên tầng ba, mở cửa một phòng nhỏ và bảo: “Đây là phòng anh Hải. Có phòng tắm trong đó. Anh cứ lấy đồ của anh Hải mà mặc”. Rồi cô lại tất tả chạy xuống tầng dưới. Duy tiến lại phía cửa sổ kéo rèm. Ngoài trời thành phố đã lên đèn. Cả bọn đã ngủ như chết bốn, năm tiếng đồng hồ liền. Duy đưa tay quờ tìm công tắc điện. Ánh sáng bừng lên và Duy nhìn thấy tấm ảnh Hải chụp cùng với mình bên bờ sông quê hai chục năm về trước lồng trong khung kính để ở đầu giường. Ngày đó chú Nhuận chưa giàu như bây giờ. Chú đưa cậu con trai lớn về nhà Duy chơi. Hình như đó là thời kỳ chú Nhuận và vợ có có một sự trục trặc nhỏ nào đấy. Cậu con trai chú Nhuận rất thích Duy. Hai đứa thường ra sông chơi. Ở đó có bãi cói, có cù lao, có đám trẻ nhà quê chân tình và thật thà, có những trò chơi giản dị, có cả những bí mật mờ ám trẻ thơ. Hải mang theo chiếc máy ảnh tự động. Hải hướng dẫn cho mọi người chụp nhưng hình như cả cuộn phim chỉ có mỗi tấm ảnh đang đặt ở đầu giường này là đạt yêu cầu. Hai chú nhóc cười toe toét bên bờ sông đầy lau sậy, sau lưng là dòng phù sa, tiếp nữa là bãi ngô chạy dài, rồi đám mây trắng đang trôi trên nền trời xa hừng nắng. Hải ở chơi nhà Duy một tuần. Sau đó chú Nhuận cùng vợ quay lại đón Hải về thành phố. Bố Duy bảo: “Thôi, thông cảm được mà về với nhau là tốt rồi”. Quỳnh là kết quả sau này của sự “thông cảm được mà về với nhau” ấy. Bây giờ thì Hải đang ở nước ngoài. Học quay phim hay đạo diễn gì đó. Có lẽ cũng đã quên Duy với cái bờ sông đầy nắng gió và lau sậy này rồi?
Duy tắm xong thì Quỳnh chạy lên lục lọi đống quần áo treo trong tủ của Hải. Cô yêu cầu Duy mặc quần âu, xơ mi dài tay, “đóng thùng”, đi giày da đen rộng mũi. Rất may những thứ đó Hải để lại nhiều và Duy diện khá vừa. Quỳnh bảo: “Những thứ này em mua cho anh Hải đấy. Nhưng anh ấy luôn dè bỉu nó. Anh ấy có vẻ ghét em”. Duy ngạc nhiên: “Sao lại có thể ghét một cô em gái như Quỳnh nhỉ?”. “Anh ấy xung khắc cả với mẹ em nữa. Có lần anh ấy bảo với mẹ em là mỗi khi nhìn thấy em anh ấy lại không muốn tha thứ cho mẹ. Mẹ em có lỗi lầm gì? Dường như mẹ cũng không yêu em. Chỉ có bố yêu em thôi. Em hiểu rằng, chẳng qua bố yêu mẹ nên bố yêu cả lỗi lầm của mẹ mà thôi!”
Duy bắt đầu lờ mờ hiểu ra những bí ẩn trong ngôi nhà của chú Nhuận. Khi Duy bước xuống tầng dưới thì thấy xuất hiện thêm hai cậu bạn trai và một cô bạn gái nữa của Quỳnh đang ngồi chờ ở phòng khách. Duy hơi lúng túng khi ngồi lên chiếc xe tay ga của Quỳnh. Duy chưa đi xe tay ga bao giờ. Quỳnh có vẻ hồn nhiên, không để ý đến sự lúng túng ấy của Duy, cô hướng dẫn Duy cách nổ máy rồi thích thú khi thấy chiếc xe chồm lên, lao vào dòng người đông đúc trên đường phố. Sàn nhảy nằm gần một ngã tư.
- o O o -
Cảm nhận đầu tiên của Duy là nó không sang trọng lắm. Khi điệu nhạc đầu tiên nổi lên và nhìn những đôi lứa ôm nhau ra sàn Duy hiểu rằng mình đã sai lầm khi bước chân vào đây.
Không phải vì nó ô uế hay phức tạp mà vì khả năng khiêu vũ của Duy nếu bước ra sàn chắc chắn sẽ chỉ nhận được những ánh mắt coi thường mà thôi. Duy đã tin vào khả năng khiêu vũ của mình một cách ngây thơ. Những gì Duy học được ở đơn vị hoặc qua các lớp tập huấn về cán bộ Đoàn chỉ đủ để “múa may” trong các đêm lửa trại hoặc các buổi dạ hội kết nghĩa chứ không thể góp một chân nam cho Quỳnh trong sàn nhảy này. Duy lắng nghe mãi điệu nhạc đầu tiên mà vẫn không nhận ra được nó là điệu gì. Các bạn của Quỳnh đã lần lượt lên sàn rồi mà Duy vẫn không dám mời Quỳnh ra. “Anh không thích nhảy Mambo à?”. À, thì ra đó là điệu Mambo. Duy quay sang Quỳnh, thành thực: “Anh không nhảy được đâu Quỳnh ạ. Những gì anh trải qua không giống thế này”. Lần lượt các điệu Chachacha, Boston, Bebop, Tango, Rhumba... lướt qua mắt Duy. Những đôi nhảy đều đã vượt qua trình độ cơ bản. Duy đứng vào đó sẽ trở nên vô cùng lạc lõng. Có đôi ba người đến mời Quỳnh ra nhảy. Đến lúc này Duy mới biết Quỳnh có biệt danh là nhím. Quỳnh “nhím” có vẻ khá nổi tiếng trong giới nhảy trẻ. Nhưng Quỳnh đã không ra sàn với ai mà kéo Duy xuống tầng dưới ngồi uống bia. Quỳnh gọi mỗi người một chai Heineken nhỏ và cứ thế người nào người ấy dốc ngược vào miệng mình. “Hôm nay quả thực em cũng không muốn nhảy. Em chỉ muốn làm cho anh vui thôi”.
- Em thấy anh có giống anh Hải không?
- Đôi lúc em cứ nghĩ anh là anh Hải. Nhưng em có thể mang lại niềm vui cho anh chứ anh Hải thì không. Anh ấy căm ghét em trong khi em lại rất muốn yêu anh trai mình mà không được.
- Thế là sao?
- Khi em còn bé, anh ấy thường dứt tóc em, vứt đi một chiếc giày, một chiếc dép hay một bên cặp tóc của em. Một lần em bị bọn trẻ con cùng phố bắt nạt. Đúng lúc ấy anh Hải đi đến. Em sung sướng vì sẽ được anh ấy bênh vực. Nhưng anh ấy đã bỏ sang bên kia đường, thản nhiên đứng nhìn bọn con trai đánh em. Còn em thì hễ có cơ hội là tìm cách để lấy lòng anh ấy. Anh ấy từ chối tất cả. Anh ấy luôn đem cái bờ sông quê của ký ức lên mười ra để so sánh và chê bôi những gì em có. Khi em vào năm cuối cấp ba thì anh ấy đi ra nước ngoài học. Anh ấy bảo: “Tao đi để khỏi có một lúc nào đó có thể sẽ bóp cổ mày”...
Thỉnh thoảng lại có một cậu trai mới lớn đi qua đá mắt đưa đẩy với Quỳnh. Anh có người yêu chưa? Quỳnh đưa chai bia lên miệng và làm như vô tình hỏi Duy câu ấy. Duy lắc đầu. Anh bằng tuổi anh Hải em. Ba mươi rồi. Anh Hải em cũng không có bạn gái. Anh Hải em thường nói xấu về phụ nữ. Tại sao lại thế? Duy không trả lời bằng cách đưa chai bia của mình lên nhưng không uống. Anh biết không? Tất cả với anh Hải chỉ có cái bờ sông quê nhà anh là thiêng liêng thôi. Chính vì thế em rất muốn một lần về nơi đó. Em muốn xem nó thế nào? Có thể em sẽ tìm thấy một điều gì đó để làm vui lòng anh Hải em chăng?
- Vậy hôm nào em về quê anh chơi nhé?
Duy đã bật thốt ra lời mời chân thành đó mặc dù Duy không tin rằng cái bờ sông quê nhà mình lại có thể hấp dẫn một cô gái trẻ đậm chất thành thị như Quỳnh.
Lời rủ rê đó được đưa ra vào đầu mùa thu, ngay dưới sàn nhảy, trong lúc cả hai còn đang muốn tiếp tục uống bia. Sau đó là cả một mùa thu đi qua và Duy không gặp lại Quỳnh lần nào nữa. Đêm đó, khi ở sàn nhảy về Duy đã ngủ trong căn phòng bỏ không của Hải. Chiều hôm sau chú Nhuận đưa Duy trở lại trường. Chú vào siêu thị mua cho Duy một cái áo sơ mi và một ít đồ ăn đóng gói sẵn, lại còn nhét vào túi Duy một ít tiền nữa. Duy đã có trong tay địa chỉ email của Hải. Ngay tối hôm đó Duy ra quán cà phê Internet trước cổng trường viết thư cho Hải. Lá thư khá dài, trong đó có một ý rằng tại sao cậu lại có thể đối xử với cô em gái của mình tệ như thế? Một tuần sau Duy nhận được mail trả lời. Hải cho biết rằng Quỳnh không phải là con của chú Nhuận. Quỳnh là cô em gái cùng mẹ khác cha, và sự hiện hữu của Quỳnh luôn làm Hải khó chịu bởi nó nhắc tới sự phản bội của mẹ, sự tha thứ của bố, sự sụp đổ hình mẫu gia đình lý tưởng trong Hải. Lý trí bảo Hải hãy yêu quý Quỳnh nhưng tình cảm luôn xui khiến cậu làm những điều đau đớn, ê chề cho cô em gái. Cuối cùng thì lý trí đã thắng. Phần tình cảm khắc nghiệt đã chuyển hóa. Khi Hải thực sự thấy thương xót cho cô em gái thì Quỳnh đã trở nên hư hỏng. Quỳnh đã từng nghiện hút, từng đua xe, từng dùng thuốc lắc và đâm trọng thương người khác bằng dao Thái Lan. Mẹ vẫn lấy lý do vào Nam công tác để ở với những người đàn ông của mẹ, bố thì vùi đầu vào công việc để quên đi chuyện bất lực của bố. Hải phải ra đi vì sợ phải sống trong một gia đình khủng khiếp như thế, và sợ phải thừa nhận về mình một điều rằng, tất cả những sự hư hỏng của Quỳnh đều có nguyên do từ Hải. Cái lần bố gửi Hải về quê Duy khi Hải lên mười là để giải quyết chuyện khúc mắc giữa mẹ và người đàn ông kia. Vì yêu mẹ, bố đã chấp nhận em Quỳnh khi đó còn đang là một bào thai. Hải vô hình chung trở thành cái phần khuất lấp trong bố, phần không thừa nhận em Quỳnh, phần không thể tha thứ đối với mẹ. Bây giờ Hải rất muốn làm một Hải khác, tức là biến mình thành một người anh trai mẫu mực trước cô em gái nhưng không thể làm được. Mọi thứ diễn ra ngượng ngập, phi tự nhiên và giả dối. Hình ảnh Hải trong Quỳnh là như thế rồi, bây giờ Hải có muốn làm khác đi thì Hải phải chết, phải hóa thân trong một Hải khác thì cô em gái đáng thương kia mới có thể tiếp nhận được. Vì thế Hải phải ra đi. Và Hải đang bế tắc trong việc làm mới hình ảnh mình...
Như thế là mọi bí ẩn trong gia đình chú Nhuận đã trở nên rõ ràng đối với Duy. Duy thấy thương người đàn ông giàu có và hào hoa ấy. Khi ông chụp ảnh với bố Duy ở chiến trường ông nở một nụ cười rất tươi. Nhìn vào nụ cười ấy không ai nghĩ rằng một tương lai buồn đang chờ đón ông. Ông là một trong số những đồng đội thành đạt nhất của bố Duy sau ngày xuất ngũ. Vậy mà ông lại đang phải gánh trên vai mình cả một bi kịch gia đình. Thi thoảng trong giấc mơ, Duy gặp lại Quỳnh. Không hiểu sao Duy rất hay mơ thấy Quỳnh đang nhảy. Bước nhảy cuối cùng của Quỳnh rất lạ. Nó như một đóa quỳnh bừng nở rồi bị cuốn đi trong cơn gió lốc. Bước nhảy ấy có hình chim ưng và hai màu vàng đỏ. Duy thường thức dậy với một nỗi lo sợ mơ hồ. Cảm giác bất ổn ấy hoàn toàn có thể lý giải được.
Khi mùa thu tàn thì Quỳnh xuống trường tìm Duy. Quỳnh đưa Duy ra một khúc đê của sông Hồng, lôi trong túi xách ra nào bim bim, bò khô, chuối sấy, xúc xích, dưa chuột, bánh mì và, cả rượu nữa. Quỳnh bảo: “Em buồn quá anh Duy ơi, hôm nay em với cái Huệ sầu vừa ở tòa án về. Bố nó chính thức bị tuyên án hai mươi năm rồi. Tên tuổi bố nó có khi anh cũng biết đấy. Mấy hôm nay báo chí đưa tin ầm ĩ. Còn cái Hường Madonna thì đã bỏ vào Nam với ban nhạc điên khùng của nó rồi anh ạ. Hôm biểu diễn đêm đầu tiên em cũng đi theo để cổ vũ. Không ngờ bố nó cũng có mặt ở đó và ông đã chạy lên sân khấu lôi nó xuống tát cho mấy tát. Đêm diễn vỡ, chúng nó phải chạy bạc mặt mới trả được hết nợ. Tuấn răng vàng thì đang băng bó toàn thân. Nó đua xe trên Đường 5 và... bay xuống ruộng. Cái vũ trường mà em đưa anh đến đấy, cũng bị đóng cửa rồi. Chủ nó buôn thuốc lắc. Cái Huệ rủ em đi hít nhưng em không muốn dùng lại thứ đó nữa. Em nhớ đến anh, chạy ào qua siêu thị mua vài thứ rồi xuống đây”.
Trăng lấp ló bên kia sông. Gió đầu đông lạnh cóng. Cả khúc sông buồn trôi trong ánh mắt Quỳnh. Duy chẳng biết phải an ủi Quỳnh như thế nào cả. Duy liền đọc thơ cho Quỳnh nghe. Trăng vàng đêm ấy bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may... Ôi, sao thơ hay thế? Anh đọc nữa đi! Ta đi nhưng biết về đâu chứ/ Đã dấy phong yên lộng bốn trời/ Thì cứ ở đây ngồi giữa chợ/ Uống say mà gọi thế nhân ơi? Ôi, buồn quá. Nhưng mà hay quá. Sao ngày xưa em lại ghét thơ thế nhỉ? Ngựa ơi! Hãy nghỉ chân cuồng khấu/ Cho thỏa lòng ta nỗi khát khao/ Ta chẳng mò trăng như Lý Bạch/ Nhưng tìm thi hứng mất đêm nao... Anh Hải em có thích thơ không? Mà sao anh thuộc những câu thơ lạ thế? Anh làm quân sự mà cũng lãng mạn nhỉ? Có bài thơ nào nói về khiêu vũ không hả anh? Lui đôi vai, tiến đôi chân/ Riết đôi tay, nhả đôi thân/ Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió/ Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ/ Chân rã rời/ Quay cuồng chi được nữa/ Đất trời nghiêng ngửa/ Mà trước mắt Thành Sầu chưa sụp đổ/ Thành Sầu không sụp đổ, em ơi! [1]
Lạnh tê tái. Trăng bàng bạc trôi trên mặt sông. Duy không muốn đọc thơ nữa mà kể cho Quỳnh nghe về đơn vị của mình. Đó là những dãy nhà nằm ngang dọc trong một thung lũng nhỏ. Vào những đêm đông như thế này tiếng gió gào thật khủng khiếp. Ở đấy có núi non, có những đồi dẻ chạy dài, có hồ nước uốn lượn, có những bãi tập địa hình rộng mênh mông. Ở đó có rất nhiều những người trẻ tuổi, đều xa gia đình cả và đều thích những vần thơ lãng mạn, hoài cổ, có hình ảnh chinh nhân. Ở đấy cũng có những người thích nhảy. Một lần Duy đi kiểm tra gác vào ban đêm. Khi qua chốt gác ở cổng phụ thấy hai cậu lính trẻ đang dạy nhảy cho nhau. Trong túi họ có một cái cátxét Walkman. Từ chiếc cátxét đó điệu nhạc chachacha phát ra vừa đủ cho hai người nghe trong vòng bán kính 2 mét. Duy đã yêu cầu họ viết kiểm điểm vì trong khi thực hiện nhiệm vụ đã tự ý làm việc riêng. Cậu lính trẻ có chiếc Walkman bảo: “Hôm nay là sinh nhật một thằng bạn thân của em. Nếu ở nhà thì bọn em đã quậy tưng bừng ở Kinh Đô rồi kéo nhau ra Ngõ Huyện hát cả đêm. Lâu lắm rồi em không được nghe nhạc sống. Nhớ những bước nhảy quá!”. Kể xong câu chuyện đó Duy bảo với Quỳnh rằng Duy luôn nghĩ mình còn trẻ nhưng có lẽ Duy không hiểu hết được những người trẻ. Mãi hôm đi với Quỳnh lên sàn nhảy, Duy mới hiểu thế nào là “thèm nhạc sống” và “nhớ những bước nhảy” của những cậu trai phố. Hai cậu lính trẻ ấy ra quân cả rồi, bây giờ có lẽ đang làm một nghề gì đó và biết đâu, lấy vợ rồi cũng nên?
Rõ ràng những câu chuyện của Duy tẻ nhạt và xa lạ đối với Quỳnh nhưng cô lại ngồi nghe rất chăm chú. Cô có cảm giác như mình là người được tin cậy, được gửi gắm những điều tâm sự, điều mà anh trai cô không bao giờ làm đối với cô. Thật ra, trong sâu thẳm lòng mình cô còn hận anh trai lắm. Hận nhưng chỉ biết đem bản thân ra mà trả thù thôi. Cổ tay cô vẫn còn vết sẹo nhỏ như sợi chỉ. Đó là lần cô dùng lưỡi dao lam tự cắt mạch máu mình để tự tử. Đó cũng là lần duy nhất anh trai cô ôm cô vào lòng. Khi cô được cứu sống thì anh trai cô lại trở nên xa lạ. Tại sao chứ? Tại sao cô có anh trai mà lại như người dưng thế chứ? Khi trăng trôi về phía thượng nguồn thì Duy đưa Quỳnh về. Mặt Quỳnh đã tái đi và người cô thì rét run lên. Trước khi chia tay Duy, Quỳnh bảo “Hôm nào anh chép cho em mấy bài thơ anh vừa đọc nhé”. Từ hôm ấy, hễ có khi nào được ra khỏi trường là Duy lại lên nhà chú Nhuận chơi. Vợ chú Nhuận hồn hậu, vồn vã nhưng lúc nào cũng như đang còn phải làm dở một việc gì đó. Duy không sao nắm bắt nổi người đàn bà đẹp này. Chỉ có mùi nước hoa rất đặc trưng của bà là Duy còn lưu giữ được. Nó quyến rũ và gợi cho người ta cảm giác muốn đi ngủ. Bà luôn tránh cái nhìn của Duy và thường bỏ đi mỗi khi còn lại hai người. Bà nói với Quỳnh rằng Duy là một chàng trai trung thực, cậu ấy có ánh mắt rất nghiêm nghị, ánh mắt ấy gây cho người đối thoại cảm giác mình là kẻ tầm phào. Chú Nhuận rất vui. Chú cảm nhận được Duy có ảnh hưởng tích cực đến cô con gái bướng bỉnh và ham chơi của mình. Duy ít gặp lại đám bạn cũ của Quỳnh. Chỉ thỉnh thoảng thấy Tuấn tạt qua trao đổi gì đó với Quỳnh rồi lại rồ ga phóng vụt đi. Đôi ba lần Quỳnh đưa Duy đến nhà Huệ. Huệ có vẻ như đang trượt dốc thê thảm. Cô đã bỏ học và đang làm thủ tục xuất cảnh. Quỳnh đi học thêm một lớp nấu ăn. Lời mời về quê Duy chơi vẫn còn nguyên giá trị, và hai người hẹn nhau sẽ thực hiện điều đó vào dịp tết.
Và dịp tết đã đến.
Hai người thỏa thuận với nhau rằng Duy phải đón giao thừa ở nhà Quỳnh, sau đó cả hai sẽ về quê Duy vào sáng mùng Một. Đó không chỉ là ý của Quỳnh mà còn là ý của chú Nhuận nữa. Điều này cũng phù hợp với ca trực của Duy ở trường. Quỳnh đón Duy lên nhà từ chiều ba mươi. Cô đưa Duy đi chợ hoa Hàng Lược, rồi ra Hàng Mã, ngược lên Bờ Hồ, đi triển lãm Giảng Võ. Cô luôn miệng hỏi Duy thích cái gì? Duy bảo thích lấy vợ. Quỳnh bảo không được, lấy vợ thì Quỳnh sẽ mất ông anh ngốc nghếch và đáng yêu! Quỳnh khuân hết thứ này đến thứ khác về nhà, ngồi một lúc rồi lại nhớ ra còn quên cái này cái nọ, thế là lại lôi Duy đi. Khi từ siêu thị Tràng Tiền bước ra, Quỳnh gặp Tuấn. Tuấn bảo: “Vẫn thế chứ, không thay đổi nhé?”. Quỳnh gật đầu, khẽ đưa ngón tay cái lên làm hiệu. Chú Nhuận vướng đưa mấy ông bạn đối tác người nước ngoài đi xem chợ xuân, mãi hơn mười giờ mới về. Vợ chú ở nhà lúi húi soạn sửa việc cúng giao thừa. Hải gọi điện về vào lúc mười một giờ. Hải bảo muốn gọi vào lúc giao thừa nhưng sợ nghẽn mạch, thôi thì gọi trước cho chắc ăn. Duy có cầm máy nói chuyện với Hải đôi ba câu. Duy cảm nhận được sự yên ấm và hạnh phúc đang hiện hữu trong căn nhà của chú Nhuận. Không khí gia đình chú trước khoảnh khắc giao thời khác hẳn mọi ngày. Vợ chú Nhuận có vẻ điềm đạm và bình thản hơn. Bà chủ động chuyện trò với Duy. Bà sợ Duy nhớ nhà và tủi thân. Chú Nhuận bật rượu ra mời Duy. Có vẻ như muốn lai rai chờ đến giao thừa luôn. Nhưng Quỳnh nháy Duy đứng dậy để đi bẻ cành lộc.
Quỳnh mặc một bộ đồ thể thao màu đỏ xen những sọc vàng. Trông cô khỏe khoắn, trẻ trung có phần hồn nhiên, nhí nhảnh. Duy thấy nhớ nhà, nhớ đơn vị, nhưng đi bên Quỳnh thì lại thấy vui. Máy di động của Quỳnh chuông đổ liên tục. Cô tắt máy đi, không nghe. Hai người đi lòng vòng một lúc thì sắp đến giao thừa. Quỳnh mua mấy cành phát tài làm lộc rồi bảo Duy quay về cho kịp giờ. Khi ti vi truyền trực tiếp chương trình bắn pháo hoa thì Duy cùng Quỳnh và vợ chồng chú Nhuận nâng ly chúc mừng năm mới. Quỳnh chỉ uống một ly duy nhất rồi bảo: “Con đi ngủ đây. Lấy sức để mai còn đi đường xa”. Duy bỗng thấy cảm động. Cả nhà chú Nhuận đã chuẩn bị cho Duy rất chu đáo. Ngày mai hai anh em sẽ về nhà Duy bằng xe máy. Với Duy, có lẽ đây là một cái tết đáng nhớ. Duy thấy phấn chấn, liên tục giơ ly lên cụng cùng chú Nhuận. Cạn chai rượu thì chú Nhuận nhắc Duy đi ngủ. Thế là tàn giao thừa. Lại một đêm ba mươi nữa trôi qua trong đời. Nhanh thật!
Duy leo lên cầu thang, lần bước về phòng Hải. Duy đã quen với căn phòng này. Khi Duy tắt điện chuẩn bị đi ngủ thì có một bóng người lướt qua cửa phòng. Lúc đầu Duy cho là ảo giác vì thấy trong người cũng đã ngà ngà, rất có thể nhìn gà hóa cuốc. Nhưng cái bóng người ấy hình như mặc một bộ đồ màu đỏ? Duy bỗng nghĩ đến Quỳnh. Duy liền nhẹ nhàng bước theo những bậc cầu thang dẫn lên sân thượng. Cửa trổ ra sân không chốt. Đúng là có người đã ra ngoài. Chẳng lẽ Quỳnh không ngủ được, muốn ra sân thượng ngắm đất trời trong khoảnh khắc vào xuân? Duy đẩy cửa bước ra. Sân thượng vắng tanh. Duy đi ra phía trước. Và lần này thì không phải là ảo giác nữa, Duy đã nhìn thấy Quỳnh đang lom khom đi trên mái nhà hàng xóm. Từ sân thượng nhà mình, Quỳnh tụt xuống mái nhà bên cạnh thấp hơn, rồi Quỳnh lại tụt tiếp xuống tầng dưới. Nhà hàng xóm có một mái quán trổ ra phía mặt đường. Quỳnh nhẹ nhàng lần ra mái quán ấy và cô nhún mình nhảy xuống vỉa hè. Duy nhắm mắt lại. Bước nhảy có hình chim ưng và hai màu vàng đỏ! Duy định cất tiếng gọi nhưng không kịp nữa. Sau khi tiếp đất Quỳnh ngã lăn ra nhưng cô lại gượng dậy ngay. Cô chạy xuống lòng đường và leo lên một chiếc xe máy chờ sẵn. Chiếc xe phóng vụt đi. Duy đã nhận ra cái dáng quen thuộc của người cầm lái. Một cảm giác như là ghen tuông bỗng xuất hiện và cứ thế lớn dần lên trong Duy.
Quay trở lại phòng nhưng Duy không sao ngủ được. Không biết thời gian trôi qua được bao lâu thì có tiếng chuông điện thoại. Duy chạy xuống phòng Quỳnh nhấc máy kéo dài. Tiếng Huệ “sầu” run run: “Anh Duy ơi, cái Quỳnh đua xe bị tai nạn rồi. Bữa trước thằng Tuấn răng vàng đua bị thua. Chúng nó thách nhau đua vào đêm nay. Luật chơi là mỗi xe phải có một nam một nữ. Thằng Tuấn thì hiếu thắng, cái Quỳnh lại nể bạn nên chấp nhận ngồi cùng. Nó bảo chỉ ngồi một lần này nữa thôi, nhưng mà...”.
Duy nghe thấy một tiếng “cạch” rất to. Tiếng của tổ hợp điện thoại rơi xuống đất! Vậy là ở dưới nhà chú Nhuận hoặc vợ chú cũng đã nghe thấy hết cả. Bước nhảy trong những giấc mơ tiên cảm của Duy cuối cùng đã hiện ra. Đó là một bước nhảy phi thân từ mái quán xuống vỉa hè. Bước nhảy có sắc màu, như một đóa quỳnh bừng nở rồi bị cuốn trôi đi trong cơn gió lốc...
Chú thích:
[1] Thơ của Phạm Công Trứ, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương.
Kết Thúc (END) |
|
|