Kể từ tháng tám trở đi, nước bắt đầu giựt dữ. Nằm trên ghe, trơi tối nghe con nước vỗ dưới dạ ghe mà sợ. Tiếng rộp rộp như hào cào, Song e vỏ móp chịu không thấu bị đục lủng. Đã vậy, nằm lắng ngóng tiếng ngáy của cha mà cô thêm sốt ruột. Ông già dường như hổng biết sợ mùa nước lên.
Đã bao lần Song muốn hỏi cha: tía tính chừng nào thì lên bờ mà không dám. Cô áp lại gần gần là y như bao nhiêu can đảm đều trôi sạch. Cũng bởi thấy cha rị mọ đêm đêm ngồi uống khan tô trà đậm, bặp hết điếu thuốc này tới điếu thuốc khác, rồi dán tàn chi chít theo vách ghe, cô thấy thương cha vô hạn.
Ông già cặm cụi suốt một đời bám lấy sông nước, hết ngược lại xuôi, cần mẫn chịu đựng, tay chèo, mắt ráo hoảnh, ai hỏi gì hổng nói. Đôi lần bắt gặp cha nhìn miết xuống đáy sông, cô cố thử đoán coi tía tìm gì dưới đó, rồi thấy cha gúc gúc cái đầu quay đi, thở dài sườn sượt, sau đó chun vô mui nằm, đốt thuốc nhả khói tùm lum, Song biết cha đang nghĩ nhớ chuyện gì đó.
Một thuở, Song nghe cha nói nhóng: sắp tới đám giỗ má mày. Rồi tía im bặt, mênh mông tựa con nước đêm khuya. Cô nhứ nhứ thưa với cha: con nghĩ mình lên bờ cho rồi, chớ tía lần sần trên sông, nhớ hoài chịu gì thấu.
Ông già quắc mắt lên giận dữ, song nghĩ sao lại dằn xuống. Ông nhỏ nhẹ nói với Song: tại mày chưa trải nên không thấu. Chớ má mày bỏ tao, thì tao nỡ bỏ bả sao đành. Tía thường chèo lẩn quẩn khúc sông má trợt chưn mùa nước giựt và trôi mất xác, lăm lăm cắm sào ở đó đúng đêm má mất để rồi ông già sụt sịt cả đêm.
Chèn ơi, nhớ gì nhớ dữ, nhớ tái nhớ tê, nhớ điên nhớ cuồng, Song tự hỏi sau này cô có chồng, liệu ảnh có mệnh hệ nào cô có nhớ như tía hôn. Bữa đó coi ông già như mụ mị, bị hốt hồn sạch bách, tay chưn lặp bặp, vấp chạm tùm lum, Song biết thì tía chống chế: già nên sanh tật.
Song biết cha dấu cô, ông già đang nhớ má vì đêm rồi cô nghe cha rột rẹt cái mũi, cô hỏi: tía đau sao đó, tía. Nhưng cha chối băng: uớ, hồi này trở lạnh nên cái mũi sanh bịnh đổ nước sơ sơ, chứ tía đau ốm gì mà mày càm ràm.
Năm nào cũng vậy, gần ngày giỗ má là tía y hệt vậy. Cái giọng tía nghẹn ngào, nức nở, ai mà không rõ, nhưng tía dấu quanh. Chỉ khi Song bất chợt gặp tía lén lấy tấm hình má dán ở căn cước ra coi, cô hỏi: bộ tía nhớ má hả thì ông già lại bẻ ngoặt đề tài sang hướng khác: nè mày hình chụp má mày lịch sự quá thể đó chớ. Hồi đó, tao giỡn chơi ngạo bả thằng cha chụp hình nịnh nên o bế chụp sửa cho bả đẹp, má mày ngắt tao muốn đau điếng. Tía nói rồi vạch tay áo lên định đưa cho cô coi vết bầm mà có gì đâu.
Tội nghiệp, ông già lỏn lẻn như chợt nhớ: ủa mà lâu lắc quá rồi, còn để dấu gì nữa. Tao thiệt lẩn thẩn, tía già lẩm cẩm, đừng trách nghe gái. Cô nghe mà chết điếng cõi lòng, mắt cũng muốn rưng rưng. Tối đó, chờ cha đi nằm, cô lẻn ra cuối ghe, thắp một cây nhang, cô lầm thầm khấn má: má ơi, má bỏ ba con chi cho tía nhớ hoài nhớ hủy. Má có sống khôn chết thiêng, má ráng dìa cất cái gánh nặng cho tía đi.
Vậy mà ông già ngửi thoang thoảng mùi nhang cũng vọt hỏi lên: mày thắp nhang làm chi đó, con. Song phải nói dối, nhưng ông già chặn đầu chặn đuôi, cô đành phải thưa thiệt: con thấy tía nhớ má rầu rầu hoài, nên con thắp nhang xin má phò hộ cho cha quên đi. Cô nghe lục cục cha cô di động rồi chỉ có tiếng thở dài vang ra.
Từ bận đó, cha cô làm tỉnh. Ông cố tỏ vẻ bình thản mà điệu bộ thì trái hẳn. Ông lình xình trên khúc sông buồn, chèo tới chèo lui, hà rầm quăng tấm lưới xuống xoạch xoạch. Có cá gì đâu mà hớt, tự ông làm rồi tự ông than: khúc sông này thuở nay nhiều cá lắm mà sao giờ quăng hoài hổng có một con. Rồi cha trách ba cái tàu ngoại quốc thả thứ thuốc ôn dịch đi dụ cá đi hết, Song nghe bắt nôn cười mà phải cắn ngón tay cho đừng ra tiếng.
Tâm hồn cha là rứa. Nhớ vợ thì cứ nói nhớ vợ, mắc gì che đậy cho khổ. Chung tình bộ ai cũng giống cha sao, tía phải hãnh diện cớ sao lại dấu. Song rất mến cha, ngặt thân con gái cũng có chừng có mực. Nhiều khi thấy cha sầu, cô ưng cha tìm được một người thay chỗ má để hai ông bà hú hí có nhau, nhưng tía nạt: mày, con nít trân, đừng bày đặt tính chuyện người lớn. Mày lo cái thân mày, còn việc tao để kệ tao.
Năm nay, nước rong sớm. Con nước rựng rựng suốt ngày, ui ui nhộn nhạo khó chịu. Cữ này, mùa lụt mới dữ đây. Song nghĩ đến sức mạnh của thiên nhiên vật đổ lăn chiêng mọi thứ mà ớn. Tiếng là sống trên ghe mà nào đã chắc gì, a thần phù gió lộng lên bựt đứt dây đỏi, lôi ghe trôi tuồn tuột, va vào cây ngả, đá ngầm cũng tiêu dên chớ bộ.
Nên Song muốn lên bờ, hai cha con kiếm chuyện gì đó sống, chớ bám con nước hoài, giàu có đâu tới phiên. Ngặt cái, ông già còn bịn rịn, làm như bỏ sông là tận tiệt nghĩa má với cha nên coi mòi cha không khứng.
Cuộc đời sông nước lâu cũng nhàm. Lênh đênh rày đây mai đó, hết ở dòng sông nước đỏ màu gạch, lại chui vào con rạch nước đục nhờ nhờ, ăn cũng nhờ ghe thương hồ, uống cũng nhờ dăm ghe đổi nước. Bỏ đi đâu cũng cắt người giữ canh ghe, sợ kẻ gian cướp phương tiện thì có nước ngủ bờ ngủ bụi.
Lại thêm, lâu lâu bị tàu tuần xét hỏi, hạch giấy hạch tờ, có đưa ra cũng bị hoạnh là giấy hết hạn hay bắt làm kiểm điểm này, kiểm điểm nọ. Mấy thầy chú lom lom nhìn Song như nhìn cục mỡ, hỏi tầm xàm đủ điều, có cha còn chọc lời ong bướm, gạ gẫm tía lia.
Chừng mấy chả rút đi, tía lại cằn nhằn cửi nhửi: mấy thằng lấc cấc nhìn con gái như ăn cướp. Song phải can ngăn vì đời sống khó trăm bề, lỡ bị úp vung, hổng ai cứu mạng được.
Vậy mà có một đỗi, cha con đã neo ghe lại một bến gần thành phố. Ông già định đóng chấu dài lâu. Bấy lâu sống miệt đồng, về thành phố tuy còn là ngoại ô cũng vui vui chút đỉnh. Ghe đậu cạnh một chiếc cầu xi măng, nhỏ như cái hạt mít, xe cộ qua lại xập xình, mỗi lần cầu rung rung, ghe cũng chòng chành theo ngồ ngộ.
Nhưng cái mùi sình đặc queo khiến Song khó chịu quá. Nó cứ xộc vô mũi ào ào như ai chọc que vô vậy. Nước nôi gì múc lên thấy mà ghê, Song không dám dội e bị ghẻ lở thì chết. Bởi vậy mà cha con dông lẹ.
Cha cô được thể có chuyện để từ khước mỗi khi cô mở lời này nọ. Ông già cứ lè nhè: thì đó, tao đã nghe mày neo ghe. Chưa lên hẳn bờ, chớ cũng mò dìa bến đậu, rồi có trụ nổi đâu. Mang tiếng thành phố mà nước còn thúi hơn bãi rác, may mà vọt lẹ chớ ở lâu chắc cũng tá lả bịnh rề rề.
Song nghe cha nói có lý nên cũng xà lơ. Vì dễ gì kiếm được một chỗ ở mà đòi lên bờ hổng biết. Cho nên bềnh bồng lại hoàn kiếp bềnh bồng. Mà còn ở trên sông nước ngày nào thì ông già cô còn nhớ, nhớ hoài tới bà má cô thôi.
Kết Thúc (END) |
|
|