– Anh Hiếu ơi!
– Yến Linh đưa tay làm loa hét gọi Hiếu, khi thấy Hiếu đang băng mình chạy đến từ xa.
Hiếu vẫy tay hét to lại:
– Ú... ú...
Phóng thêm mấy bước chân dài nữa đến bên Yến Linh, Hiếu vừa nói vừa thở ồ ồ vì mệt:
– Trời chuyển mưa quá, sao em không chịu về. Anh nghi là em còn ở ngoài này, nên chạy ra. Về thôi, cơn mưa này lớn lắm đó!
Vừa nói, Hiếu vừa chụp tayYến Linh định lôi cô đi.
Yến Linh vùng vằng hờn dỗi:
– Không. Ra đây chỉ lôi em về thôi, cần gì phải ra. Ngày mai anh về Sài Gòn, lâu lắm mới trở về, vậy mà...
Nước mắt Yến Linh trào ra, cô bé vốn nhạy nước mắt, bữa nay giận Hiếu, cô nhóc tức tưởi hơn.
Hiếu lúng túng:
– Anh xin lỗi. Anh định ra đây với em hồi trưa. Anh cũng biết em đang đợi anh, nhưng mà ba cứ báo hết chuyện này đến chuyện nọ, anh không đi được, đừng có giận anh mà!
Yến Linh tức tưởi:
– Ngày mai anh đi, anh vui lắm phải không?
– Đâu có.
Trung Hiếu bối rối lau nước mắt cho Yến Linh:
– Anh cũng buồn vậy. Anh nào có muốn xa em, nhưng anh phải về Sài Gòn đi học. Anh đi học đến hè, anh cũng về với em mà.
– Có chắc không?
– Chắc.
– Anh đi rồi, em buồn lắm, đâu có còn mỗi ngày được gặp anh.
Yến Linh nhủi đầu vào người Hiếu. Hiếu ngập ngừng rồi ôm Yến Linh.
– Em phải biết dẹp nỗi buồn cho anh đi lo tương lai của mình chớ. Cười lên nào! Em khóc xấu thí mồ.
– Hứ!
Yến Linh nũng nịu phát vào ngực Hiếu:
– Em xấu lắm. Con gái ở đảo sao bằng con gái Sài Gòn.
– Bộ em nói con gái Sài Gòn văn minh lại đi thích con trai ở đảo này sao?
Yến Linh phì cười:
– Huề nghen!
Một cơn gió thổi mạnh, trời vụt tối sầm, hạt mưa ào ạt trút xuống.
– Chết! Mưa rồi, chạy Linh ơi...
Trung Hiếu nắm tay Yến Linh chạy theo mình. Hai người chui vào hang đá to tránh mưa.
– Xích vào đây Linh! Mưa tạt dữ lắm.
Yến Linh đứng xích vào, cô ái ngại nhìn ra màn mưa bên ngoài. Trời chớp giật những tia sáng xanh lê, rồi bất thình lình phát ra những tiếng ầm ĩ đinh tai điếc óc.
Yến Linh hoảng sợ ôm chặt lấy Hiếu, toàn thân cô ướt những nước mưa, cứ run bắn lên.
Biết Yến Linh sợ sấm, Hiếu ôm chặt cô ủ vào lòng.
– Đừng sợ! Anh ôm em nè. Lạnh không?
Yến Linh giấu mặt vào người Hiếu. Từ nhỏ, cô rất sợ sấm sét, lúc ba tuổi ở nhà một mình, có lần Yến Linh ngất đi vì sợ khi cơn mưa chợt ập đến, may mà lúc đó Hiếu băng mình chạy trong mưa đến cứu Yến Linh.
Anh vỗ về cô:
– Đừng sợ.... đừng sợ....
Mới lúc nãy bên ngoài còn sáng, bây giờ tối đen một màu sẫm. Cơn mưa cứ trút nước ào ạt, tiếng gầm chuyển ầm ĩ, ánh sáng của tia chớp trà nên xanh lè ma quái.
Cái cảm giác lạnh dần ấm lại khi hai thân thể sát vào nhau. Hiếu ngậm ngùi trong ý nghĩ ngày mai anh sẽ đi xa, còn lại Yến Linh, anh không còn đi tìm cô, không còn ra nơi này, chỗ hẹn hò của hai người...
Bất giác vòng tay Hiếu siết mạnh vào người Yến Linh, anh cúi xuống tìm môi cô. Nụ hôn đầu tiên vụng dại, rồi nụ hôn thứ hai bản lĩnh hơn, ngọt ngào hơn... Cả hai cùng ngã xuống trên gộp đá lạnh ẩm ướt, hai con người trẻ đi tìm cảm giác tình yêu, với những điều mới biết lạ lùng và tuyệt diệu...
– Linh à! Em có giận anh không?
Giọng Yến Linh nhỏ xíu đầy xúc động:
– Không có. Em yêu anh.
– Anh cũng yêu em. Em sẽ chờ anh phải không Linh?
– Ừ. Chờ cho tới khi chết thì thôi.
– Không được nói chết. Anh sẽ về thăm em khi có dịp.
Trung Hiếu vùi mặt vào mái tóc người yêu, thân thể Yến Linh ấm quá. Cơn mưa bên ngoài cũng vừa dứt...
– Yến Linh! Con chạy đi đâu vậy?
Như sợ cha sẽ ngăn mình lại, Yến Linh vừa chạy vừa quay lại đáp:
– Con ra bến phà một chút!
Ông Hồi lạnh lùng:
– Không cần ra đó. Nó đi rồi, đi từ lúc năm giờ sáng, dọn cả nhà đi rồi.
Yến Linh thảng thốt quay lại:
– Ba nói thật không? Không phải là có một mình anh Hiếu đi sao?
– Con không tin thì cứ đi.
Yến Linh phóng chạy đi ra bến phà. Một chiếc phà vừa cặp bến, hành khách lên đất liền, không có con phà nào vừa tách bến hay neo lại cả. Yến Linh lại chạy thục mạng đến nhà Hiếu, cô đứng lại khi nhìn thấy căn nhà trống hoác, người chủ mới đang dọn vào.
Hai chân Yến Linh run rẩy muốn quỵ xuống, giọng cô trở thảnh cà lăm:
– Chú ơi... nhà... nhà này... nhà này...
– Người chủ cũ đi rồi, họ bán nhà này cho chú, nói là về đất liền sinh sống luôn, vì thằng con đã đậu vào đại học.
Yến Linh đứng chết trân. Ngày hôm qua Hiếu đâu có nói với cô như thế, anh chỉ nói là anh sẽ về thăm cô khi có dịp. Cả nhà anh dọn đi, có nghĩa là anh không bao giờ quay lại vùng cù lao nghèo này, quanh năm chỉ có nước và nước với cánh đồng ngập mặn bạt ngàn.
Quay đầu, Yến Linh chạy báng bổ ra bến tàu, cô nháo nhào đi tìm Hiếu, chỉ có những gương mặt xa lạ. Yến Linh quỵ trên cát biển, cô khóc nức nở:
– Anh Hiếu ơi! Bao giờ anh mới về, Hiếu ơi...
Gió sớm thổi vào người Yến Linh lạnh giá, tóc và áo cô bay bay. Yến Linh không nghe lạnh, mà một nỗi đau đến buốt lòng. Bao giờ anh mới về thăm em Hiếu ơi?
Thất thểu, Yến Linh trở lại hang đá. Cô ngồi trong hang, lòng đau quặn.
Chiều hôm qua cô và Hiếu trong háng đá này, anh đã thật xúc động và nồng nàn nói yêu cô, bây giờ hang đá trống không, ngoài kia biển và gió trở nên hiền hòa không giận dữ thét gào như chiều hôm qua.
Em sẽ đợi anh mãi mãi Hiếu ạ. Lời thề này, em sẽ khắc ghi trên đá, bia đá tình yêu của chúng mình.
Bây giờ lênh đênh giữa sóng nước chập chùng, anh có nhớ em như em đang nhớ anh?
– Cho một ly cà phê đen, cô chủ quán ơi!
Bỉnh vừa cười vừa kéo ghế ngồi vừa bảo Yến Linh, mặc cho cô bé mặt bùng thụng không vui.
Yến Linh vùng vằng lui vào trong:
– Ba pha eà phê mang ra cho thằng cha mặt đen đó đi, con không bán cà phê cho thằng cha đó đâu.
– Sao lạ như vậy? Mình bán cà phê, ai vào quán cũng vui vẻ bán, chứ sao lại ghét người ta.
Mặc cho ông Hồi nói, Yến Linh cứ ngồi quay mặt vào trong. Cô ghét tên mặt đen ấy, ngày nào gã cũng lẽo đẽo đi theo cô, làm cho cô muốn ra hang đá ngồi nhớ Hiếu cũng không dám đi. Cứ mỗi chiều cô đứng sau nhà trông ra hòn Phụ Tử cao vòi vọi mà nhớ Hiếu.
Mới đó mà anh đi hơn một tháng, chỉ có một lá thư về rồi thôi, anh báo chưa có địa chỉ chắc chắn, lần sau anh sẽ cho cô địa chỉ để cô viết thư cho anh, thế mà thư vẫn bằn bặt.
Thấy Linh ngồi yên, ông Hồi đành pha cà phê mang ra cho Bỉnh.
Bỉnh cười tươi:
– Ngồi uống cà phê luôn với cháu chú Hồi!
– Thôi, cậu uống đi! Tôi còn vào làm công việc. Mấy ngày nay Yến Linh cảm, nó có phụ được gì đâu.
Nghe nói Yến Linh cảm, Bỉnh lo lắng:
– Cảm sao vậy chú? Chú mua thuốc cho cổ uống chưa?
– Rồi. Con nhỏ này sợ thuốc, ép lắm mới chịu uống.
Cha đang nói chuyện với khách, Yến Linh vội vàng đứng lên. Cô muốn đi ra biển, xuống bến phà để đợi, dù biết là Hiếu không về, nhưng còn hơn là ngồi ở quán.
Vừa đứng lên, một cảm giác choáng váng và buồn nôn, Yến Linh đưa tay bụm miệng, cô chạy ào ra ngoài.
Cơn nôn toàn là nước khiến Yến Linh mệt muốn ngất. Cô cố gượng dậy thẫn thờ nhìn ra biển xa. Hòn Phụ Tử xa xa cao vòi vọi.
Trời hôm nay biển lặng sóng êm màu trời trong xanh, không u ám như buổi chiều nào cô và Hiếu, buổi chiều cuối cùng ấy rồi mỗi người một phương. Em bệnh vì nhớ anh rồi Hiếu ạ, anh có biết? Mấy ngày nay người em ngầy ngật, em không ăn gì được, ăn vào là nôn ra hết. Xưa nay, em chưa từng bị như thế này.
Nếu như em có mẹ sẽ đỡ tủi hơn, ba thương em nhưng ông đâu có cho em tình cảm ấm áp.
Cơn khó chịu mỗi lúc nhiều hơn, Yến Linh gục xuống, hai mắt nhắm nghiền lại chừ cho cơn khó chịu đi qua. Khó chịu quá! Yến Linh đứng lên để đi về nhà, nhưng đôi chân cô không đi theo sự sai khiến của cô nữa, mà đổ gục xuống cát ướt.
– Cô Yến Linh! Sao vầy nè?
Bỉnh phóng nhào tới, kịp đỡ Yến Linh lên. Toàn thân cô đang bất động trong tay anh. Bỉnh lo lắng hét to:
– Cô Linh... cô Linh...
Không thấy Yến Linh cử động, Bỉnh hoảng sợ bế cô lên, chạy ngược lên trên, chạy như điên. Khổ chưa! Bệnh hoạn như vậy còn ráng đi ra biển.
Bỉnh biết Yến Linh mong Hiếu, cái gã thư sinh đẹp trai ấy rời Kiên Lương hơn một tháng nay, vậy mà ngày nào cô cũng cứ ra bến phà ngóng đợi, mặc cho mưa, mặc cho nắng gió, người của Yến Linh gầy rộc héo hon, vậy mà cô có màng tới đâu...
Vừa thấy vị bác sĩ mở cửa đi ra, ông Hồi vội xông lại:
– Bác sĩ! Con gái tôi như thế nào?
– Tỉnh lại rồi. Cô ấy bị kiệt sức do thần kinh căng thẳng, lại không ăn uống được. À! Còn điều này nữa, nên cẩn thận, nếu không sẽ không giữ được cái thai.
– Cái gì!
Ông Hồi kêu lên sửng sốt:
– Bác sĩ nói gì?
Con gái ông có mang gần hai tháng. Hãy bảo chồng cô ta chăm sóc vợ cho cẩn thận.
Vị bác sĩ vừa nói vừa hướng mắt về phía đầu hành lang khi Bỉnh vừa đi tới, song ông ta bỏ đi, trong lúc ông Hồi đứng chết sững.
Con gái ông có mang. Chưa chồng mà có mang. Ai là người làm cho con gái ông có mang? Đồ khốn kiếp! Kéo nhau về đất liền hết, còn để lại nghiệp chướng cho cái vùng cù lao nhỏ bé này.
Bỉnh đi tới, anh băn khoăn:
– Cô Linh tỉnh chưa bác?
Vừa đau đớn vừa giận dữ, ông Hồi cộc lốc:
– Không biết! Cầu cho nó chết đi còn hơn sống.
Ông Hồi giận dữ bỏ đi. Bỉnh ngẩn ngơ nhìn theo. Xưa nay anh chưa từng thấy ông Hồi giận con gái mình như thế.
Bỉnh ngập ngừng rồi bước vào phòng bệnh. Yến Linh đang nằm khóc, cô vội quay vào vách khi thấy Bỉnh.
Bỉnh rụt rè:
– Cô Linh! Tôi mang sữa vào cho cô nè.
Giọng Yến Linh đầy nước mắt:
– Anh mang đi đi, tôi không uống đâu.
Bỉnh đặt ly sữa lên bàn, ôn tồn:
– Bác trai giận cô nên nói như vậy, chứ ổng rất thương yêu cô. Mà cũng tại cô, ngày nào cũng ra bến tàu ngồi từ sáng tới chiều, không bệnh sao được. Bác trai giận cô là đúng rồi:
Yến Linh muốn hét lên:
anh không biết gì hết thì câm mồm lại đi, tôi đang nát cả ruột gan nè. Song những lời nói ấy, Yến Linh ghìm lại được. Bây giờ cô giống như ngồi trên đống lửa, ba sẽ giết cô mất, rồi cả cái cù lao Kiên Lương này ầm ĩ lên:
con gái lão Hồi có mang, gã con trai tặng cho con gái đứa con xong liền xuôi tàu về đết liền, mãi mãi không trở lại nữa.
Yến Linh cắn chặt răng cố ngăn tiếng khóc òa vỡ. Cô phải làm sao đây?
– Yến Linh à! Cô đừng khóc nữa, bệnh thì chịu uống thuốc rồi vài hôm sẽ khỏi.
Mặc cho Bỉnh nói, Yến Linh cứ khóc. Làm sao để Hiếu biết? Xưa nay có bao giờ Yến Linh đi khỏi cù lao Kiên Lương này đầu. Hiếu ơi! Anh đang ở nơi nào? Em mong tin anh tan nát cả lòng.
Đến trưa, ông Hồi vào bệnh viện chở Yến Linh về nhà, nét mặt ông lầm lì thật dễ sợ.
Yến Linh không dám nhìn cha, cô chờ cơn thịnh nộ của cha giáng xuống mình.
Đóng cửa nhà lại, ông Hồi nhìn con gái chăm bẵm:
– Của thằng Hiếu đúng không?
Sợ hãi, Yến Linh cúi gằmđầu, cô sụp xuống chân cha, nghẹn ngào:
– Ba ơi! Con xin lỗi...
– Xin lỗi? Một lời xin lỗi của con, ba có thể xem như không có chuyện gì xảy ra sao? Năm nay, con mười tám, ba không nghĩ là con ngu xuẩn đến như vậy, đem cuộc đời mình cho không, phụ bạc công nuôi dưỡng khó nhọc của cha. Mẹ con vì sinh con ra mà chết vào cái năm mùa lũ quét, ba trở tay không kịp, một tay bế con để lên cao, vai đeo mẹ con, bà ấy lạnh run đuối sức nên buông vai ba ra, ba đang bế con và chống chỏi với dòng nước lũ tàn bạo... Nếu ba cứu mẹ con thì ba phải bỏ con, con hiểu không? Ba đã chọn con, một điều làm tan nát lòng ba. Chính vì lẽ đó mà mười tám năm nay, ba ở cảnh đời gà trống nuôi con. Sao con có thể cư xử tàn nhẫn, bạc bẽo với ba như thế?
Yến Linh khóc òa:
– Ba ơi! Con xin lỗi. Hay ba đưa con về Sài Gòn đi!
– Không, không bao giờ ba xa cù lao này cả. Ở đây có mộ phần của mẹ con, có chết ba cũng không đi. Ba cho con hai điều chọn lựa. Một là bỏ đứa bé trong bụng con, cha con mình sống với nhau như cũ, khi nào con hai mươi, ba sẽ tìm chỗ tử tế gả con.
Yến Linh kinh hoàng:
– Ba ơi! Con không muốn như vậy đâu.
Ông Hồi nghiến răng:
– Con không muốn, vậy con sẽ sinh nó ra nuôi nó, rồi người dân ở cù lao này cười vào mặt ba, vậy thì con giết ba chết đi Linh. Còn nếu con muốn giữ đứa bé thì hãy ưng thằng Bỉnh đi. Nó thương con, tuy nó đen đúa xấu xí nhưng nó sẽ là ngưới chồng tốt, biết lo cho con, hơn là cái thằng khốn kiếp kia, nó theo cha mẹ về Sài Gòn ở còn cố tình hại con. Con chỉ có hai điều lựa chọn, còn nếu con đi Sài Gòn tìm nó, chi bằng để cho ba uống thuốc chuột chết cho xong.
– Ba ơi! Sao ba lại ép con như vậy?
Yến Linh ôm choàng lấy chân ông Hồi.
– Xin ba đừng đẩy con vào con đường cùng, những điều ba nói, con không chọn lựa được.
– Con phải chọn lựa. Nếu biết ngày xưa con ngu xuẩn như vậy, ba thà cứu mẹ con hơn là cứu con. Đồ bất hiếu!
Yến Linh rụng rời. Cách giải quyết nào của cha cũng làm cô đau đớn và tan nát cả cõi lòng. Còn Bỉnh, liệu anh ta có muốn cưới cô khi cô đã hư thân, còn mang giọt máu của kẻ khác trong người?
Ông Hồi hất Yến Linh ra, bước ra ngoài đóng cửa lại. Ông căm giận Hiếu đã cướp đi cuộc đời trong trắng của con gái ông. Đứa con gái mà ông cưng như ngọc và quý hơn mọi thứ trên đời.
Phải đi tìm Hiếu cho dù Sài Gòn rộng lớn. Ý nghĩ vừa đến khiến Yến Linh nôn nao, nhưng đồng thổi lòng cô cũng chùng xuống. Cô không có bất kỳ một thông tin nào về Hiếu. Tại sao anh không gởi thư cho cô. Anh có biết thư của anh, chính là liều thuốc hồi sinh cho cô đợi chờ anh.
Phải đi tìm Hiếu. Hiếu ơi! Anh không thể nào quên kỷ niệm chúng mình từng có với nhau, những mùa thu vào tháng Tám. Tháng Tám nhiều mưa, trong hang đá ấy, tình yêu của chúng mình nở hoa. Em sẽ đi tìm anh, Trung Hiếu...
Xình xịch... xình xịch...
Con tàu nổ máy, một cụm khói đen bốc ra sau đuôi con tàu. Yến Linh thở phào, tàu chạy đi rồi, cô mới cảm thấy nhẹ nhõm, vì ông Hồi không thể nào biết cô trốn đi.
Hành lý của Yến Linh chỉ có hai bộ đồ đựng trong bọc ni-lông và một ít tiền.
Yến Linh gần như thuộc nằm lòng lá thư Hiếu gởi cho cô. Lá thư đầu tiên từ lúc đi xa, anh viết cho cô rồi không thấy nữa.
Yến Linh!
Anh đã đến Sài Gòn. Mọi thủ tục ba lo giùm anh. Anh học về ngành hàng hải, ước mơ duy nhất của anh vẫn là lái tàu. Em không hình dung ra ngôi trường anh học lớn như thế nào đâu. Đường phố cũng đầy xe chạy, đúng là ngựa xe như nước vậy.
Còn mấy hôm nữa là nhập học rồi, anh hồi hộp lắm. Đại học hàng hải, em nghe câu này chưa? Ở đây đông người, song anh rất nhớ em, nhớ những chiều mình từng đi dạo trên biển Kiên Lương, ngắm hòn Phụ Tử, một hòn núi cao đến ba mươi mấy mét và như là cha con đang ôm nhau vậy. Anh nhớ buổi chiều mưa trong hốc đá... anh nhớ em lắm em ạ. Em có nhớ anh không?
Con tàu lướt sóng đi phăng phăng. Xung quanh Yến Linh, có nhiều người ngả người vào thành ghế ngủ. Yến Linh muốn như họ, song cô không tài nào nhắm mắt được. Tâm trạng của cô phức tạp lo lắng, lo lắng không tìm thấy Hiếu, và lo cho cha, chắc chắn ông sẽ rất giận.
Chợt, một bọc nước đưa từ phía sau ra trước mặt Yến Linh, làm cô giật mình quay lại. Cô tái cả mặt mày:
– Ba...
– Uống nước đi! Có đói lắm không?
Cứ tưởng cha sẽ nổi cơn thịnh nộ, nhưng không, ông còn đưa cho Yến Linh ổ bánh mì.
Yến Linh nghẹn ngào:
– Ba... Con có lỗi với ba.
– Con có biết tại sao ba đi theo con không?
Nước mắt Yến Linh lưng tròng:
– Ba ơi! Ba đừng bắt con lại.
Ông Hồi lắc đầu:
– Con nghĩ là con sẽ tìm được thằng Hiếu sao? Sài Gòn chứ đâu phải Kiên Lương của mình hả con?
Yến Linh nghẹn ngào:
– Dù sao con cũng muốn gặp anh Hiếu, ba ạ. Con ân hận để ba phải lo lắng cho con.
– Ân hận hay không, con cũng đã trót dại rồi. Con dại thì cái mang. Ba sẽ gặp ba má thằng Hiếu hỏi họ tính như thế nào?
– Nhưng ba cũng đâu biết họ ở đâu hả ba?
– Ba biết.
– Ba biết? - Yến Linh vui mừng – Sao ba không nói cho con biết?
– Thằng Hiếu có gởi cho con một lá thư chiều hôm qua, trong đó có cho địa chỉ của nó. Con đọc đi!
Yến Linh run rẩy cầm lá thư, nét chữ quen thuộc của Hiếu làm cô rung động mạnh. Hiếu đâu có quên cô, bằng cớ là anh vẫn viết thư cho cô.
– Con hãy đọc đi!
Yến Linh mở thư đọc:
“Yến Linh!
Khi anh thư này cho em là anh chuẩn bị lên máy bay sang Anh học năm năm. Chính anh cũng không biết quyết định của ba. Anh muốn chống lại ý ba, song ba nói làm trai phải lo tương lai sự nghiệp trước đã. Em yêu anh, em phải đợi anh. Anh mới mười chín, em mười tám, tương lai còn dài, hãy thông cảm cho anh. Qua đó, anh sẽ thư về cho em.
Yến Linh bủn rủn buông lá thư, cô không có can đảm đọc tiếp. Hiếu là cái phao cuối cùng cho Yến Linh bơi đến, song anh đã bơi ra xa, bỏ mặc cô chết đuối trên dòng biển đời.
– Con bình tĩnh Yến Linh!
– Ba ơi! Lâm sao con bình tĩnh được hả ba?
Yến Linh nấc lên, cô thật sự đau khổ suy sụp và hoảng sợ trước ngày mai của mình, không có chồng mà lại mang thai có con.
Ông Hồi đau xót vuốt tóc Yến Linh.
– Ba sẽ đưa con đến nhà họ, bắt buộc họ lo cho con. Ba nhất định làm điều này cho con.
Yến Linh hồi hộp, cô ngước nhìn căn nhà lầu cao ba tầng sang trọng. Bây giờ Hiếu ở căn nhà như thế này sao?
Ông Hồi mạnh dạn đưa tay lên ấn chuông cửa, mắt ông nhìn Yến Linh khuyến khích:
– Con đừng sợ!
Yến Linh đưa tay chận ngực, giá như Hiếu có mặt ở nhà, cô không sợ mấy.
Liệu ba má Hiếu sẽ cư xử thế nào khi biết tin họ sắp có một đứa cháu nội?
Từ bên trong, cô giúp việc đi ra. Cô ta chưa chịu mở cửa, mà đứng bên trong nhìn hai người khách.
– Ông tìm ai?
– Làm ơn nói với ông bà chủ nhà này... à, mà có phải là nhà của ông Trung Tín, quê ở Kiên Lương không?
– Phải.
– Vậy làm ơn nói giùm có ông Hồi ở Kiên Lương muốn gặp, chuyện rất quan trọng.
– Chờ một chút!
Cô giúp việc quay vào, trong lúc trống ngực Yến Linh gần như muốn nổ tung vì căng thẳng, cô ôm lấy cánh tay cha như nhờ cha tiếp sức mạnh cho mình.
Ông Hồi ôm qua lưng con gái:
– Đừng sợ gì cả! Thật ra bạ không thích con làm dâu cho nhà giàu đâu.
Nhưng tất cả đã lỡ, họ có nhận con thì tốt, sau đó ba quay về Kiên Lương một mình.
Nước mắt Yến Linh trào ra, cô dụi mặt vào cánh tay cha, cô ân hận mình đã làm khổ cha, đưa con gái đến nhà người ta nhận nhìn con gái mình. Con người ông xưa nay ăn ngay nói thẳng, mà bây giờ chịu nhún mình, tất cả vì cô mà ra.
Thật lâu, cánh cửa vẫn không mở. Sốt ruột, ông Hồi bấm chuông cửa liên tục, ông giận dữ hét lên:
– Bà Trung Tín! Bà phải ra đây gặp tôi. Tôi đã đi từ Kiên Lương đến đây, tôi nhất định không về nếu như vợ chồng ông không chịu ra gặp tôi.
Có lẽ do ông Hồi làm ầm ĩ nên cô giúp việc đi ra mở cửa, mặt cô ta đanh lại lạnh lùng:
– Vào đi! Ông có biết ông la hét như vậy là bất lịch sự không? Bà chủ của tôi vừa ngủ dậy, phải ăn sáng nữa chớ.
Ông Hồi trợn mắt. Ông mặt trời lên cao đến cả sào, vậy mà bà ta mới ngủ dậy, còn ăn sáng. Đồ trưởng giả học làm sang!
Ông Hồi cố dằn cơn nóng giận kéo Yến Linh đi vào. Yến Linh van lơn, cô biết tính cha xưa nay luôn nóng như lửa:
– Ba ơi! Ba đừng giận, đừng la hét nghen ba, tất cả là do lỗi của con.
Ông Hồi im lặng lôi Yến Linh đi.
Bà Trung Tín đang ngồi chễm chệ trên ghế xa lông, một con người hoàn toàn khác với lúc còn ở cù lao. Căn phòng khách rực rỡ sang trọng. Yến Linh chùn chân lại, mặc cảm tự ti dấy lên trong lòng cô.
Không mời cả hai ngồi, bà Trung Tín hách dịch.
– Này ông! Con trai tôi đã đi Anh học, ông muốn gì mà dẫn con gái ông lên tận đây la hét um sùm. Nếu không nghĩ tình là đồng hương, tôi gọi điện thoại cho công an đến bắt ông. Nào, ông muốn gì?
Cái giọng trịch thượng của người giàu có, ông Hồi muốn nổi điên lên. Đúng là Trung Hiếu hiền lành đáng yêu bao nhiêu thì cha mẹ nó lại giống như là ác quỷ vậy. Nếu không vì con gái ông lỡ dại, không bao giờ ông muối mặt đến đây, để nghe họ hỏi ông muốn gì.
Cố nuốt cơn giận xuống, ông ngồi xuống ghế xa lông, bất chấp vẻ khó chịu của chủ nhà:
– Dĩ nhiên là có mục đích, tôi mới đến đây. Không phải tôi muốn mà là bắt buộc bà. Tôi muốn gặp Trung Hiếu.
Bà Trung Tín lạnh lùng:
– Tôi không vừa nói với ông là con trai tôi đã đi du học bên Anh rồi sao?
Bà đứng lên quát chị giúp việc:
– Mở cửa đưa khách ra đường!
Chưa hết, bà còn khinh bỉ:
– Một lát, nhớ lau bộ xa lông cho tao!
Cơn thịnh nộ trong ông Hồi tới óc, ông gằn giọng:
– Tôi chưa nói hết! Hẳn bà biết con trai bà và con gái tôi đã có tình cảm với nhau?
– Rồi sao? Chúngnó có tình cảm thì sao? Ông nên nhớ, con gái ông không nằm trong danh sách chọn dâu của tôi đâu. Hãy nhìn vào địa vị trong xã hội của chồng tôi và ông. Đồ đỉa mà muốn đeo chân hạc. Chị Hai, tiễn khách!
Bà ta ngoe nguẩy đi lên lầu. Ông Hồi hét lên:
– Bà đừng có khinh người quá đáng. Con gái tôi đã có mang, ít ra bà phải có trách nhiệm chứ?
Đứng lại giữa cầu thang, bà ta cười nhạt khinh miệt:
– Tôi chẳng có trách nhiệm gì cả. Hãy mang con gái ông về nhà dạy dỗ lại.
Đừng có thấy người sang muốn bắt quàng làm họ. Tôi không phải loại người cho ông bắt nạt đâu.
Quét ánh mắt lạnh lùng vào Yến Linh đang đứng khóc, bà Trung Tín xẵng giọng:
Liệu cái thai đó có phải của Trung Hiếu? Làm thân con gái, sao không biết phải giữ gìn, cô ăn ở với ai rồi đổ vạ cho con trai tôi sao?
– Trời ơi...
Yến Linh bưng mặt đau đớn, cô nhục nhã thì ít mà thương cho cha thì nhiều, cô nghẹn ngào:
– Mình về đi ba ơi.
– Không, ba bắt họ phải lo cho con.
Ông Hồi xông lên cầu thang, bắt kịp bà Trung Tín, ông nắm vai bà giữ lại.
– Bà không thể ăn nói khốn nạn như vậy. Lương tâm làm người của bà ở đâu hả?
– Có buông tôi ra không? Chị Hai! Gọi điện báo công an cho tôi!
– Đồ khốn kiếp!
Ông Hồi dặc mạnh vai bà ta một cái, cả hai cùng lảo đảo,ông Hồi chụp tay vào cầu thang, còn bà Trung Tín, tấm thân đồ sộ sang trọng đang lăn lóc trên những bậc cầu thang.
Xuống đến đến bậc cuối cùng toàn thân nẩy lên rồi nằm im, máu tuốn đỏ thẫm.
Yến Linh kinh hoàng:
– Ba...
Cô giúp việc lao lại gào lên:
– Bà chủ! Bà chủ chết rồi. Đồ giết người... đồ ăn cướp...
Không thể nào... Ông Hồi đứng chết trân rồi nhào xuống, đưa tay lên mũi bà Trung Tín:
– Bà dậy đi... dậy đi...
Yến Linh khụy xuống, cô ngất đi...
Trước khi bị còng tay áp giải lên xe, ông Hồi còn cố quay lại nhìn Yến Linh vừa tỉnh dậy. Ông nghẹn ngào:
– Linh à! Ba xin lỗi con. Con trở về Kiên Lương đi.
Yến Linh đuổi theo xe, cô khóc ngất. Ba ơi! Con biết làm sao đây? Tại sao lại ra nông nỗi này, tất cả tại con, tại con...
|
|
|