Ba giờ, chiều thứ sáu. Quá trễ để bắt đầu một việc! Thế nhưng, tôi không còn thời gian rãnh rỗi nào khác trong tuần rời khỏi cơ quan đi thanh toán tiền bảo hiểm cho thằng con nằm viện tuần trước. Tập hợp các chứng từ và thẻ bảo hiểm, tôi thẳng tiến đến cơ quan bảo hiểm nằm ở một ngã tư đường lớn. Chắc không có gì trục trặc đâu mình đã thanh toán một lần nằm viện ở tận Saigon kia mà, tuy có chờ đợi hơi lâu vì người ta phải gởi hồ sơ đi giám định nhưng cuối cùng mọi việc cũng tốt đẹp. Với ý nghĩ chắc mẫm như thế tôi tự nhiên lái xe cua vào cơ quan bảo hiểm.
Nơi để xe cho khách không còn một chỗ trống, nhìn ngang dọc thấy trước cửa nhà xe có một chiếc xe gắn máy chắn ngang, tôi dựng chiếc xe của mình bên cạnh và an tâm bước vào khi thấy người bảo vệ nhìn tôi mà chẳng có ý kiến gì. Người ta đôi khi cứ thích theo lối mòn của người đi trước, cho dù biết chắc rằng điều đó không đúng.
Người bảo vệ chờ đợi câu hỏi của tôi với gương mặt thật hà tiện nụ cười. Bài học về maketing tôi thuộc nằm lòng: khách hàng ngoài việc mua hàng hoá, họ rất thích mua quan hệ với người bán, người giữ vai trò rất quan trọng trong việc bán quan hệ đầu tiên là người gác cổng và nhân viên trực điện thoại hay lễ tân. Bài học còn nhấn mạnh: không biết cười thì đừng mở cửa hàng. Là người đi mua quan hệ, tôi hỏi với giọng điệu của kẻ bước chân đến xứ người, dù biết rất rõ mình sẽ đến phòng nào. Quả đoán không sai, tôi nhận được câu trả lời rất ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa:
- Thanh toán bảo hiểm lầu 4, phòng 5.
Tôi vừa dợm bước đi thì khựng lại bởi một câu gắt gỏng đuổi sau lưng:
- Chị dắt chiếc xe để vào đúng nơi quy định đi. Chỗ đó là trước cửa nhà xe, chị không thấy à?
Tôi thấy chớ, biết chớ, nhưng chẳng lẽ giờ đây lại trả lời rằng có chiếc xe của ai dựng trước rồi nên tôi bắt chước. Không xong đâu, dễ bị mắng lắm, chị có phải là con nít đâu mà thấy người ta làm thì bắt chước? Vừa may có người dắt xe ra cho tôi điền vào chỗ trống.
Một mình trong thang máy, tôi có dịp ngắm lại dung nhan của mình một cách rất thoải mái. Tôi vuốt tóc, cười với chiếc gương, ngắm lại bộ quần áo, hơi nghiêng đầu một chút. Tất cả đều tạm ổn. Chiều cuối tuần thế là tốt rồi, tôi tự tin nghĩ như thế khi rời khỏi thang máy bước thẳng đến phòng số 5. Một mái đầu đang cắm xuống cuốn sổ mở to đùng, ngước nhìn tôi:
- Thanh toán bảo hiểm hả, thứ hai chị quay lại đi, mấy anh đó đi công tác hết rồi. Sao không đến đầu tuần mà lại để cuối tuần?
Tôi cố gắng níu một chút hy vọng:
- Không còn ai làm việc này sao chị? Tôi sợ thứ hai không rãnh.
- Không có ai giờ này đâu.
Câu trả lời nặng trịch ngụ ý muốn tôi đừng quấy rầy nữa. Tôi cố vớt vát:
- Chị coi giúp giùm ….
Lần này thì tôi nhận được một câu đuổi khéo:
- Chị qua phòng bên cạnh, có người ngồi bển hỏi thăm.
Tôi nghĩ thầm ráng kiên nhẫn sẽ được đến bù. Phòng bên cạnh, một cặp kính nhướng lên nhìn tôi, nói như ra lệnh:
- Thanh toán gì? Đưa giấy tờ coi.
Tôi mừng rỡ không đợi mời ngồi ngay vào ghế, chìa ra một xấp giấy tờ. Cặp kính xem xét hồi lâu:
- Tại sao học sinh nằm viện không đóng tiền theo bảo hiểm y tế? Con chị học trường nào?
- Trường X.
Bốn mắt ngước nhìn tôi:
- Mười năm nay trường X. không không mua bảo hiểm y tế.
Đến lượt tôi ngạc nhiên:
- Tôi cứ tưởng ….
- Tưởng gì. Chị về mà hỏi hiệu trưởng.
- Thế giờ tôi tự mua cho cháu có được không?
- Không được.
Một câu khẳng định chắc nịch và khô khốc vang ra. Cặp kính trắng còn xem xét giấy tờ của tôi hồi lâu, xem đến tấm thẻ bảo hiểm cặp kính ngẩng lên nhìn tôi xoi mói:
- Chị không biết chữ à?
Tôi có nghe lầm không nhỉ? Chợt nhớ, trong đời mình đã từng đi dạy xóa mù chữ hai mùa hè, thêm một mùa hè dạy bổ túc văn hóa. Tôi nhẩm nhanh một con tính: 17 năm ngồi ghế nhà trường chính quy, chưa kể những khoá huấn luyện chuyên môn hay những lớp học theo quy định của ngạch công chức … trải dài hơn 20 năm làm việc. Tôi chưa kịp trả lời thì cặp kính trắng được gỡ ra khỏi gương mặt, lộ rõ cái cau mày và một đôi mắt thật khó chịu đẩy về phía tôi tấm thẻ bảo hiểm:
- Chị đọc kỹ coi thẻ này mua ở đâu. Trước khi đến đây, chị phải chú ý cho, mất thì giờ quá!
Một câu đuổi thẳng. Tôi cầm tấm thẻ. Trời đất ơi, tôi không biết chữ thật rồi, thẻ này trường con tôi mua của Cty X, giờ tôi cầm đến đòi thanh toán ở Cty Y. Sao tôi lại xớn xác như thế này nhỉ. Tôi biết lỗi, đứng lên chào và đi ra. Cặp kính tiễn tôi:
- Lần sau chị rút kinh nghiệm nhé!
Dứt khoát rồi. Tôi nghĩ thầm như thế và đi nhanh đến buồng thang máy trong đầu lẩm nhẩm cái địa chỉ mình sẽ đến.
Người bảo vệ Cty Y. bước ra, vừa dẹp mấy chiếc xe vừa càm ràm:
- Để xe thì phải để cho gọn, mấy người không thấy cái lề đường có chút bẻo sao?
Khi người ta đang bực, im lặng là vàng. Thấy tôi cầm xấp giấy, một cô ngồi ở bàn hướng dẫn nói:
- Chị đưa coi thử.
Cô hướng dẫn xăm soi mấy tờ giấy một cách cẩn thận rồi trả lại cho tôi:
- Chị chưa đóng dấu ra viện.
Tôi như quả bóng hết hơi! Chực nhớ, hôm ấy có lẽ vui quá vì con khỏi bệnh tôi quên mất việc đóng dấu, mà phòng đóng dấu cách phòng thu tiền chỉ có mấy bước chân. Nhìn đồng hồ nhẩm tính thời gian quay đến bệnh viện, tôi hỏi cô hướng dẫn:
- Liệu đi đóng dấu rồi quay lại có được thanh toán trong chiều nay không hở chị?
Lần này thì câu trả lời không được nhẹ nhàng cho lắm:
- Chị cứ đi đóng dấu còn kịp hay không làm sao tôi trả lời được. Ở trong kia làm chớ phải ngoài này đâu, chị không thấy còn một loạt người đang ngồi chờ kia sao?
Tôi nhìn lại hàng ghế, đầy những khuôn mặt không dấu được vẻ nôn nóng. Một người nói giọng điệu thông cảm:
- Thôi đi lấy dấu rồi quay lại, không kịp chiều nay thì thứ hai.
Bước ra khỏi Cty Y đầu óc tôi quanh quẩn những ý nghĩ rời rạc. Con tôi nằm viện 3 ngày, theo mức thanh toán sẽ được 45 ngàn, công nhiều hơn của…. Nghĩ đi, hay thôi bỏ quách nghĩ lại, mắc mớ gì bỏ, tiền chớ bộ rác sao. Rồi đâm tự trách mình, sao mà cứ xớn xác mãi thế này …
Khi tôi quay lại Y. chỉ còn một người ngồi ở hàng ghế đợi. Câu nhắc của người bảo vệ: “Khi nào có tiếng chuông là đến phiên chị” làm cho tôi có cảm giác đang chờ đến lượt khám bệnh. Không biết làm gì tôi thả tầm mắt nhìn bao quát gian phòng mát lạnh, chiếc TV đựng trong một cái tủ lớn ở góc phòng, bức tranh treo tường có một cô gái với đầy những chiếc lá vàng dưới chân, tấm cờ thêu hình tam giác, giải thưởng một lần thi đấu cầu lông của đơn vị; trang thờ nằm dưới đất bên cạnh bình hoa cúc vàng có mấy trái cam, vú sữa, nải chuối … Cánh cửa ra vào chợt mở ra kéo tầm nhìn của tôi về hướng ấy, một người phụ nữ mang theo vào căn phòng mùi nắng, mùi đường phố ngồi xuống bên cạnh, tự nhiên nói với tôi như thể quen biết tự hồi nào:
- Chiều giờ chạy muốn hụt hơi!
Chìa cho tôi một tờ giấy, chị hỏi:
- Khai tờ giấy này chưa? Con em té gãy tay, nằm viện 5 ngày. Em không biết chữ phải chạy về nhờ hàng xóm viết. Còn phải đóng dấu xác nhận của trường học nữa. Hành quá sức.
Tôi nhìn tờ giấy và thật sự phát hoảng khi nghĩ đến đoạn phải quay về trường học xác nhận. Tự nhủ, may mà chiều nay mình đã không nhờ ông chồng yêu quý đi giùm, nếu gặp phải “ca” này chắc là ổng sẽ bỏ của chạy ngay, chưa kể còn phải nghe càm ràm suốt buổi: “Lần sau đừng nhờ anh đi nữa, mất công, mất việc lắm”.
Có tiếng chuông phát ra, tôi bước vào phòng thanh toán với cảm giác căng thẳng làm sao! Một cặp mắt kính nữa nhìn tôi kèm theo lời mời:
- Chị ngồi đi, cho xem giấy tờ.
Bốn mắt xem xét tờ giấy ra viện và tấm thẻ bảo hiểm một cách cẩn thận, xong đưa tôi một tờ giấy giống hệt tờ giấy của người phụ nữ khi nãy, bảo điền vào những thông tin cần thiết. Trả lại tờ giấy đã có đầy đủ thông tin, tôi hỏi:
- Có phải về trường xác nhận không chị?
Bốn mắt ngước nhìn tôi:
- Ai nói chị phải về trường xác nhận?
Tôi chỉ vào tờ giấy:
- Thấy trong này có ghi.
Bốn mắt cúi xuống, lầm bầm:
- Người ta không yêu cầu thì thôi, hỏi làm gì.
Đúng quá rồi còn gì, người ta không yêu cầu mà cứ hỏi. Tôi ngồi im với dáng điệu của người vừa rút được một kinh nghiệm.
Thủ tục thanh toán nhanh chóng và nhẹ nhàng, tôi qua phòng thủ quỹ nhận được 60 ngàn đồng, hơn dự tính 15 ngàn. Nhìn đồng hồ đeo tay. Một tiếng rưỡi đồng hồ cho tất cả mọi việc. Nắng chiều vẫn còn tràn đầy trên phố, mang tâm trạng nhẹ nhõm của người vừa làm xong việc lớn, tôi chạy xe thẳng đến siêu thị. Cần phải mua cho thằng nhóc một thứ gì đó như hộp sữa chẳng hạn. Thế nhưng vào siêu thị cái tính phụ nữ đã kéo tôi đi hết quầy này đến quầy kia. Khi cái giỏ trong tay tôi bắt đầu hơi nặng, tôi bước đến quầy đông lạnh xem xét và chọn hai lốc sữa chua của một hãng sữa nổi tiếng.
Tôi mang tâm trạng thoải mái như thế suốt con đường về nhà. Mấy đứa nhỏ vừa đi học về thấy tôi xách cái bị màu vàng to đùng liền ùa tới bàn salon náo nức chờ tôi lần lượt bỏ từng món ra khoe:
- Mẹ mua yaourt này ăn thử xem sao, mắc hơn loại mình thường ăn đến một ngàn đồng một hủ đó.
Con gái tôi có lẽ đang đói và khát nước cầm vội hủ yaourt:
- Mẹ cho con ăn nghe mẹ, thấy thèm quá!
Không kịp chờ tôi gật đầu, nó lấy cái muổng nhựa, kéo phăng miếng giấy thiếc. Múc một muổng đưa vào miệng, nó nhăn mặt lè ra:
- Ghê rợn quá, chua lèm, lạt nhách …
Nó đẩy cái hủ về phía tôi. Nếm một miếng, tôi không thể tưởng tượng được tại sao mình lại xớn xác như vậy. Tôi đã đứng ở quầy đông lạnh gần cả 10 phút, xem xét đến tận cùng những chi tiết nhỏ như hàm lượng calci bao nhiêu, chất béo bao nhiêu, protein, carbonhydrate bao nhiêu mà bỏ qua hai chữ màu đỏ nổi rõ trên nền màu xanh: “Không đường”. Thằng bé con đang ngồi bó gối một góc salon theo dõi phim hoạt hình trên TV quay lại:
- Yaourt gì vậy mẹ?
Chồng tôi tay cầm cái áo sơ mi đứng gần trả lời thay:
- Yaourt xớn xác con ạ.
- Xớn xác là gì?
- Là vô ý, bộp chộp, không ngó trước ngó sau.
- Lần sau mẹ phải cẩn thận chớ !
Thằng bé nói với tôi bằng giọng điệu của một ông cụ. Tôi chợt nhớ giờ này tuần trước nó còn nằm ở bệnh viện, trên tay loằng ngoằng sợi dây chuyền dịch, mặt mày xanh mét nói không ra hơi có đâu lên lớp cho tôi một câu đáng đồng tiền như vậy.
Kết Thúc (END) |
|
|