Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Thuật Nói Chuyện ( Phần IV ) Tác Giả: Nhiều Tác Giả    
Sáng Suốt Giữ Mình

    Thường ngôn nói rằng: “Bệnh vào từ miệng mà họa cũng từ miệng mà ra“. Khi giao tiếp trong thế giới rộng lớn này, những người giỏi ăn nói, miệng toàn nở hoa sen. Những lời hay ý đẹp như châu, như ngọc, làm việc gì cũng được như ý, luôn xuôi chèo mát mái; ngược lại, nếu không xem tình hình, không biết xử sự, nói xiên xẹo, lung tung, hồ đồ sẽ gây chuyện thị phi, thậm chí gây hoạ.
    Vậy làm thế nào để tránh “Bệnh vào từ miệng mà hoạ cũng từ miệng mà ra“? Điều này cần phải chú trọng đến nghệ thuật ăn nói. Đối với mỗi đối tượng khác nhau, ngữ cảnh khác nhau, đều phải suy nghĩ cho thấu đáo, rõ ràng. Có như vậy, bạn mới có thể bình tĩnh, ung dung để đối phó, vật lộn với cuộc đời rộng lớn đầy rẫy những lọc lừa, gian trá. Bạn mới có thể đứng vững, có thể bắt rễ, nở hoa và cho ra những quả trái cuộc đời sai trĩu.
    Chương 1: Có Thể Khéo Léo Vận Dụng Những Lời Nói Mơ Hồ
    Đôi lúc không thể nói thẳng nói thật được, phải để lại cho mình những khoảng tiện thoái lui. Nếu quá cứng nhắc, ta cũng khó tránh khỏi bị bối rối. Do vậy, cần nói nhiều những lời mơ hồ.
    Câu trả lời của “thầy bói“
    Có một câu chuyện cười như thế này, một hôm, có một người do không cẩn thận, đâm vào kiệu quan của Tri phủ đại nhân, bị trói lại đưa đến công đường nha huyện. Tri phủ đại nhân quát hỏi: “Người là ai mà dám đâm vào bản quan?”
    Người đó sợ hãi, run rẩy trả lời: “Tiểu nhân không phải là cố ý xô vào đại nhân, bẩm đại nhân, tiểu nhân là thầy bói“.
    Vừa hay vợ của tri phủ đang có mang, tri phủ đại nhân rất muốn biết vợ mình có mang con trai hay con gái, do vậy mới nói với thầy bói rằng ngươi biết xem bói thì hãy xem cho ta một quẻ, xem vợ ta nặn ra ngọc hay ra ngói?“
    “Nặn ra ngọc, ra ngói“ là câu nói thể hiện phong tục thời xưa. Thời xưa, khi sinh con trai, phải tặng 1 miếng ngọc nên mới nói là “nặn ra ngọc“, nếu sinh ra con gái thì chỉ tặng ngói để chơi thôi nên mới gọi là “nặn ra ngói“.
    Người thầy bói đó nào biết được ý mà tri phủ đại nhân hỏi nên cứ thuận miệng trả lời rằng: “Bẩm đại nhân, theo như con tính thì bà vừa nặn ra ngọc, vừa nặn ra ngói“.
    Tri phủ thoạt nghe nói đã nổi giận: “Mi là đồ dối trá, mồm mép lém lỉnh, rõ ràng là lừa đảo người khác. Bay đâu! Đánh thật nặng 40 roi rồi đuổi đi cho ta!“.
    Nào ngờ, sau đó vợ ông ta sinh quả thật đã sinh ra một đôi “thai long phượng“. Tri phủ đại nhân vui đến nổỉ không để đâu cho hết, lúc đó mới đột nhiên nghĩ đến lời nói của thầy bói kia. “Ồ! Vừa nặn ra ngọc lại vừa nặn ra ngói, tên thầy bói này nói đúng quá. Mình phải chuẩn bị hậu lễ để đến thăm ông ta mới được“.
    Đương nhiên. Đây chỉ là một câu chuyện cười. Nhưng nó cũng nói lên được rằng, khi một sự việc hoặc một vấn đề khó có thể biểu đạt, thì cách nói mơ hồ hai khả năng đều được này lại là một cách để thoát khỏi tình huống khó khăn.
    Chúng ta đều biết rằng, những thầy bói trên phố đều rất biết dùng những lời nói mơ hồ này để lừa người, bởi vì họ rất biết cách đoán ý qua lời nói là nét mặt, gió chiều nào theo chiều ấy khiến cho lời nói của họ có tính đàn hồi lớn, mời các bạn hãy xem tiếp câu chuyện dưới đây:
    Ba tú tài kết bạn với nhau ở trên đường cùng đến tỉnh lỵ để tham dự kỳ thi cử nhân. Khi đến tỉnh lị, họ tìm đến một thầy bói để nhờ ông ta xem cho kết quả kỳ thi. Thầy bói giả vờ bấm ngón tay để tính, sau đó làm ra vẻ thần bí giơ một ngón tay lên. Mấy người tú tài mới hỏi thế là có ý gì. Thầy bói liền cười và nói rằng: “Người được học hành như các anh là những người thông minh, nào cần gì tôi phải nói nhiều, đạo lý chính là ở ngón tay này“, dứt lời ông ta không nói nữa.
    Các tú tài trả tiền rồi đi khỏi. Sau khi kết quả thi được công bố, các tú tài tức giận hầm hầm tìm đến thầy bói nọ và nói: “ông xem bói giỏi cái gì chứ, lần trước 3 người chúng tôi đến chỗ ông, nhờ ông xem mấy người có thể đỗ, ông giơ một ngón tay ra và nói rằng một người có thể đỗ, nhưng chúng tôi đỗ được 2 người, ông còn được coi là “thần toán “ nữa không?“.
    Thầy bói cười mà nói rằng: “Tôi có được coi là thần toán hay không thì bản thân tôi không tự nói được. Chỉ là 3 vị đã hiểu lầm ý của tôi, tôi giơ một ngón tay ra ý nói là chỉ có một người trượt, còn các anh lại cho là chỉ có một người đỗ, tôi rất ân hận là đã không nói rõ cho các anh biết“.
    Ba người tú tài nghe xong: “Ồ! Quả là thần toán!“.
    Họ liền khen ngợi rối rít. Thực ra, những vị tú tài kia nào biết được cái khéo léo khi dùng những lời lẽ mơ hồ của vị thầy bói kia chứ? “Một ngón tay“ có rất nhiều ý nghĩa, dù cho kết quả thi của 3 người họ có ra sao thì ông ta cũng sẽ giải thích được:
    Ví dụ một người đỗ, thì “1 ngón tay“ có nghĩa là “1 người có thể đỗ“. Nếu 2 người đỗ thì “1 ngón tay“ có nghĩa là “Chỉ có một người trượt“. Nếu cả 3 người cùng đỗ thì “một ngón tay“ có nghĩa là 3 người cùng đỗ.
    Nếu chẳng ai đỗ cả, thì “1 ngón tay“ có nghĩa là “chẳng có 1 ai là đỗ cả“.
    Tóm lại, mọi trường hợp ông ta đều có thể ứng phó được cũng có thể thấy được sự thông minh của ông thầy bói này.
    Xin các bạn hãy xem tiếp một câu chuyện về thầy bói như sau:
    Vào thời Đường, Triệu Vương - Lý Đức Thành trấn thủ Giang Diện. Ở địa phận quản hạt của ông ta có một thầy bói. Mọi người đều nói ông ta là “thánh sống“. bởi vì miệng của ông ta có thể nói người sống thành người chết, nói người chết thành người sống. Chẳng có chuyện gì có thể làm khó ông ta được. Lý Đức Thành vẫn ngưỡng mộ danh tiếng ông ta lừ lâu. Một hôm, Lý Đức Thành mời ông ta cùng uống rượu, ông thầy bói khi rượu say la đà, mắt đỏ ngầu nói rằng: “Triệu Vương gia, tôi thấy ngài là một người đại phú đại quý, sau này sẽ lập được sự nghiệp huy hoàng?“.
    Lý Đức Thành có lẽ vẫn chưa say, mới thờ ơ mà hỏi rằng: “Làm thế nào để nhận ra được?“.
    Ông thầy bói do uống rượu say, mới nói lung tung rằng: “Béo, gầy, cao, thấp, phú quý nghèo hèn, tiểu nhân chỉ cần liếc qua là biết“. Lý Đức Thành không hề phản bác ngay, mà vẫn cứ tiếp tục nghe thầy nói khoác lác nhưng ông ta là người có dụng ý, nên đã ghi lại lời nói của thầy bói trong bữa tiệc.
    Vài ngày sau, Lý Đức Thành đoán rằng ông thầy tướng đã tỉnh rượu, nên sai người đến mời ông ta, nói với ông ta rằng: “Lần trước nghe ông nói rằng: “Người phú quý nghèo hèn, ông chỉ cần thoáng qua là phân biệt được ngay“, phải vậy không? Nhờ ông xem giúp, trong 5 người phụ nữ kia, ai là phu nhân của ta?“
    Ông thầy bói nhìn theo hướng tay chỉ của Lý Đức Thành. Năm người phụ nữ đứng ở sân ăn mặc giống nhau như đúc. Ông ta nghĩ, phen này thì gay rồi. Mình chẳng qua chỉ là nói khoác khi uống rượu, nào ngờ ông ta lại cho lời mình là thật. Việc này chẳng phải là ông ta cố ý làm khó cho mình rồi sao? Xem ra, lần này nếu bị ông ta bóc mẽ thì e rằng mình sau này chẳng dám ngẩng đầu trước mặt ông ta nữa. Có điều: “Không có trâu thì cũng phải bắt chó đi cày” (ý nói, dù thế nào cũng phải thực hiện cho được). Quyết không thể chịu thua được. Mình cứ chỉ bừa một người thì cũng còn có 20% hy vọng. Phải rồi, mọi người chẳng phải nói rằng phu nhân của ông ta có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành sao? Người đẹp nhất nhất định là bà ta rồi. Nghĩ đến đây, ông thầy bói đầy tự tin đi đến trước 5 người phụ nữ để nhận mặt. Nhưng khi đứng trước họ, ông ta sợ toát cả mồ hôi, làm thế nào bây giờ? Cả 5 phụ nữ ấy ai cũng xinh đẹp, thông minh và hấp dẫn, làm sao có thể chỉ được đây? ông ta hối hận thực sự, hối hận vì đã quá lời khi uống rượu, để đến nỗi nay phải há miệng mắc quai. Ông ta liếc trộm sang Lý Đức Thành một cái chỉ thấy Lý Đức Thành nở nụ cười đáng sợ. Ông thầy bói giật thót mình nhưng đã kịp trấn tĩnh lại. Ông ta rút cục vẫn là một người nay đây mai đó, hiểu biết nhiều, trò lừa bịp cũng lắm, lập tức sử dụng ngay chiêu. “Nói mơ hồ“ đã thành tài của mình. Ông ta bước vài bước đến bên Lý Đức Thành và nói rằng: “Bẩm vương gia, người trên đầu có mây vàng là phu nhân của ngài“. Nói xong, liền nhìn ngay xem phản ứng của 5 người phụ nữ ra sao. 5 người phụ nữ nghe xong liền có phản ứng khác nhau. Chỉ thấy 4 người phụ nữ ngước nhìn sang người phụ nữ đứng đầu tiên ở bên phải, còn người phụ nữ đó thì ngượng ngùng ngẩng đầu lên mặt ửng đỏ.
    Triệu Vương Lý Đức Thành hỏi: “Rút cuộc thì là ai, ta thấy trên đầu họ đều có mây vàng!“
    Ông thầy tướng từ từ đi đến trước mặt người phụ nữ đứng đầu tiên phía bên phải, rồi đắc ý chỉ vào bà ta và nói: “Bẩm vương gia. người này chính là phu nhân của ngài!“
    Lý Đức Thành vô cùng kinh ngạc, lập tức cũng cho ông thầy bói này là khác người, là thánh sống.
    Ông thầy bói đã dùng một chút mẹo mặt, dùng lời nói mơ hồ để thoát khỏi cảnh khó xử của mình, giữ vững được hình ảnh sáng chói của vị thánh sống“ trong lòng của Triệu Vương gia.
    Vận dụng những lời nói mơ hồ, giữ cho mình một khoảng trống tiện thoái lui, cũng làm cho người khác khó nắm được đuôi để gây chuyện bất lợi cho mình.
    Lưu Bang khôn khéo cứu bản thân mình
    Khi Sở diệt Tần, Sở Hoài Vương chia quân theo 2 ngả đông và tây. Cánh phía đông có 70 vạn binh mã do Hạng Vũ lãnh đạo, cánh phía Tây gồm 10 vạn binh mã do Lưu Bang lãnh đạo. Hai cánh quân cùng tiến vào Quan Trung. Hoài Vương đã có giao hẹn trước. Ai vào Quan trung trước, người đó sẽ được làm Quan Trung vương. Kết quả là Lưu Bang đã tránh chủ lực của quân Tần, tránh điểm mạnh, đánh vào điểm yếu và vào Quan Trung trước. Nếu như thực hiện đúng lời hẹn ước. lý ra Lưu Bang phải được làm Quan Trung vương, nhưng lúc đó Hạng Vũ binh nhiều thế mạnh, không phục Lưu Bang, muốn bày kế để hãm hại ông. Hạng Vũ tự xưng làm bá vương, phong Lưu Bang làm Hán Vương, dự định cho Lưu Bang đến Nam Trịnh. Mưu sĩ của Hạng Vũ là Phạm Tăng lại kịch liệt phản đối: “Nam Trịnh trong có núi non trùng điệp kiên cố, ngoài có các đỉnh núi hiểm yếu. Để Lưu Bang đến Nam Trịnh thì khác gì thả hổ về rừng?“
    Hạng Vũ hỏi: “Thế thì làm cách nào để giết được ông ta?“
    Phạm Tăng nói: “Có cách. Đợi khi Lưu Bang lên triều, đại vương hãy hỏi ông ta: “Quả nhân cử ông đến Nam Trịnh, ông có đồng ý đi không?“. Nếu ông ta đồng ý thì đại vương hãy nói: “Quả nhân đã sớm biết là ông muốn đi rồi, đó là nơi dưỡng binh luyện tướng, tích luỹ lương thảo lý tưởng, sau khi thao luyện xong sẽ tranh đoạt thiên hạ với ta, phải vậy không? Điều này chứng tỏ ông có ý muốn phản ta. Quân đâu hãy bắt lại đem giết cho ta!“. Nếu ông ta không muốn đi thì đại vương hãy nói: “Quả nhân biết là ông không muốn đi, Sở Hoài Vương vốn dĩ có hứa từ trước, ai vào Quan Trung trước thì người đó sẽ được làm Quan Trung vương, bảo ông đến Nam Trịnh thì làm sao ông có thể đồng ý được chứ? ông không muốn đi thì ắt là muốn ở lại đây để phản ta. Chi bằng bây giờ ta cứ giết ông đi là xong. Bay đâu, hãy trói lại đem giết cho ta“. Như vậy Lưu Bang ắt sẽ không tránh khỏi hoạ bị chém đầu.“
    Sau khi bí mật bàn bạc xong, Hạng Vũ liền triệu Lưu Bang lên điện, Hạng Vũ vội vàng hỏi Lưu Bang: “Quả nhân muốn phong ông đến Nam Trịnh, ông có đồng ý đi không?” Thấy Hạng Vũ sốt sắng hỏi như vậy, Lưu Bang cảm thấy hơi chột dạ, dường như bên trong có âm mưu gì đó, tuy bản thân muốn đi nhưng cũng phải thận trọng một chút. Thế là Lưu Bang liền trả lời như thế này: “Thưa đại vương, thần ăn lộc vua, mệnh lệnh nằm trong tay vua, thần chỉ như con ngựa của điện hạ, quất thì chạy, thu cương thì dừng lại, thần chỉ biết nghe theo lệnh?“.
    Lưu Bang vừa không trả lời là muốn đi, lại không nói là không muốn đi, cách nói nước đôi này hoàn toàn vượt ra ngoài sự dự liệu của Hạng Vũ. Hạng Vũ không viện được cớ gì để giết ông ta. Nên đành miễn cưỡng nói rằng: “Ông hãy nghe theo ta, đừng đến Nam Trịnh nữa.”
    Lưu Bang đáp: “Vâng, thần tuân chỉ“. Và thế là Lưu Bang đã dùng lời nói mơ hồ để cứu được mạng sống của mình.
    Người đánh cá khéo léo trả lời quốc vương
    Một người đánh cá nọ bắt được một con cá màu sắc kỳ lạ, vẩy lại óng ánh. Ông ta chưa từng thấy một con cá nào như vậy ở trong đời. Ông ta muốn mang con cá này ra chợ bán, nhưng bán cũng chẳng được là bao nhiêu, chi bằng cứ đem vào cung dâng cho quốc vương. Nếu quốc vương thích, không chừng còn thưởng cho mình một khoản liền lớn nữa. Người đánh cá sau khi quyết định xong, đã đem con cá đó dâng cho quốc vương. Quốc vương nhìn thấy con cá kỳ lạ rất vui mừng liền ra lệnh thưởng cho người đánh cá một trăm đồng tiền vàng. Một vị đại thần ở bên cạnh quốc vương thấy người đánh cá được thưởng nhiều như vậy, trong lòng rất khó chịu, bèn thì thầm với quốc vương, nói rằng: “Thưa bệ hạ, bỏ ra 100 đồng vàng chỉ vì con cá này thì quả là không đáng“.
    “Quân tử một lời nói ra, tứ mã nan truy, ông bảo ta phải làm thế nào đây?“, quốc vương nói khẽ.
    “ Điều này dễ thôi“, vị đại thần đó hiến kế: “Xin bệ hạ hãy hỏi người đánh cá xem, con cá này là con đực hay con cái. Nếu ông ta nói là đực, thì bệ hạ hãy nói là cần con cái, chứ không cần con cá đực này. Nếu ông ta nói là con cái, thì ngài hãy nói là ngài cần con đực, không cần con cái này. Dù ông ta có trả lời ra sao thì bệ hạ cũng sẽ đòi được những đồng vàng kia.“
    Quốc vương thấy vị đại thần kia nói có lý, bèn vui vẻ hỏi người đánh cá rằng: “Con cá này là con đực hay con cái, ngươi có biết không?“.
    Người đánh cá tận mắt nhìn thấy vị đại thần kia thì thầm với quốc vương nên đoán là quốc vương muốn nuốt lời, đòi lại tiền vàng. Thế là, người đánh cá đã khéo léo trả lời rằng: “Thưa bệ hạ, đây là một con cá lưỡng tính phản phúc vô thường“.
    Câu trả lời mơ hồ này của người đánh cá đã khiến cho quỷ kế của đại thần kia và quốc vương bị vỡ tan, đồng thời còn dùng cách nói mơ hồ này để khéo léo chế giễu hành vi lật lọng, phản phúc vô thường của bọn họ.
    Thông thường. lời nói phải mạch lạc, rõ ràng, chuẩn xác, không được mơ hồ. Nhưng điều này không phải là tuyệt đối. Trong 1 số trường hợp, trước mặt một số người không có ý tốt thì phương pháp vận dụng kiểu nói mơ hồ một cách thích hợp có thể làm cho mình giành được quyền chủ động.
    Xin các bạn hãy xem ví dụ dưới đây:
    Thư sinh nghèo khôn khéo trả lời quan giám khảo
    Trước đây, có một thư sinh từ nhỏ đã rất ham học, tuy nhà nghèo nhưng bụng chứa đầy kinh luân, tài học hơn người. Song cả mấy lần thi khoa cử đều bị trượt. Vậy mà rất nhiều người dốt hơn anh ta lại đỗ được cử nhân. Nguyên nhân là gì vậy? Một người quen quan giám khảo mới tiết lộ cho anh ta hay rằng: Không phải là tài học của anh kém hơn người khác, mà là do lần nào anh cũng trả lời thành thực với quan giám khảo rằng nhà anh nghèo như thế nào, xuất thân nghèo hèn ra sao?
    Anh thư sinh đó mới chợt tỉnh ngộ. Tuy rằng, anh ta cảm thấy bất bình với cách làm chọn người căn cứ theo gia cảnh của quan giám khảo, nhưng đã biết là như vậy thì đành phải thích ứng thôi. Và thế là anh thư sinh đó đã định ra kế sách của riêng mình.
    Năm đó, khi ứng thi, quan giám khảo mới hỏi anh ta rằng: “Gia cảnh nhà anh ra sao?“. Anh thư sinh đã rút ra được bài học do trả lời thành thật ở những lần trước nên trượt, lần này bèn dùng những lời nói mơ hồ để trả lời: “Nhà tôi rộng hàng 9 luống đất, nhà có hàng nghìn cột, 70 người nấu cơm, 80 người gánh nước, 2 thuyền muối, bữa nào cũng chỉ uống canh nhạt mà thôi!“.
    Quan giám khảo nghe thấy nhà của thí sinh này sang trọng như vậy, hẳn là con quan rồi. Thêm vào đó lại có tài năng, đâu cần phải dựa vào gia đình để thăng quan tiến chức. Thế là, ông ta lập tức giăng bảng cho đỗ.
    Thực ra, gia cảnh của chàng thư sinh này là: Nhà anh ta thuê 9 luống đất của người khác, còn nhà ở thì chỉ là 1 túp lều tranh quây bằng thân ngô ở giữa ruộng, “70, 80 người“ được nói đến chính mà mẹ già 70 tuổi và cha già 80 tuổi, 2 thuyền muối chỉ là 2 con gà mái già đẻ trứng để đổi lấy muối ăn, còn bữa nào cũng canh nhạt chính là nói mỗi bữa cơm chỉ được ăn canh trứng mà thôi.
    Nhưng anh thư sinh đó không hề nói sai. Anh ta chẳng qua cũng chỉ là dùng vài phép so sánh để miêu tả gia cảnh của mình mà thôi. Từ đó làm cho tình hình thực của gia đình mình trở nên mơ hồ, khiến quan giám khảo chuyên chọn người nhà giàu kia đã có phán đoán sai lầm về gia cảnh của anh ta. Lỗi không phải là ở anh thư sinh kia mà là ở vị quan giám khảo luôn nhìn người theo hình thức và gia cảnh.
    Do lời nói mơ hồ có tính đàn hồi và thay đổi rất mạnh, có khoảng trống tiến thoái lui rất lớn, do vậy được mọi người sử dụng rộng rãi. Bởi vì, vận dụng phương pháp này tiến có thể công, lùi có thể thủ, công thủ kết hợp, khiến cho bản thân mãi mãi ở vào thế bất bại.
    Xin các bạn hãy xem những ví dụ dưới đây:
    Chúc Chi Sơn khéo chọc lão địa chủ
    Chúc Chi Sơn - một trong “tứ đại tài tử Giang Nam“, cầm kì thi phú, thư hoạ đều tinh thông. Một hôm, có ông địa chủ vốn hâm mộ danh tiếng từ lâu, sai người đến xin Chúc Chi Sơn tranh chữ để làm câu đối xuân. Chúc Chi Sơn thường ngày rất khinh thường những địa chủ học làm sang dốt nát kia, nay lại thấy ông ta không đích thân đến mà lại sai người đến để xin tranh chữ, chỉ dựa vào mấy đồng tiền mà muốn ra vẻ trước mặt ta! Được, thế thì cứ chờ ta chơi cho ông một vố đã thế còn không làm gì được ta nữa. Nghĩ xong, ông ta tủm tỉm cười rồi vung bút viết trên dải giấy đó như sau: “Kim niên chính hảo hối khí toàn vô tài miên tiến môn“ (Năm nay quả thực đen đủi, chẳng có của cải vào nhà) 12 chữ lớn có trọng lượng này được đưa cho người đến xin chữ, anh ta cảm ơn rối rít rồi ra về.
    Địa chủ nhìn thấy người đầy tớ vui mừng hớn hở trở về, biết là việc đã làm xong, vội vàng mở dải giấy mà Chúc Chi Sơn viết ra, 12 chữ đó vừa hiện ra trước mắt lão địa chủ, lão tức muốn chết đi được. Chúc Chi Sơn, ngươi lại dám chửi ta ngay trong ngày lễ vui vẻ đón xuân về mà không hề kiêng nể. “Năm nay quả thực đen đủi, chẳng có của cải vào nhà“ là có dụng ý gì đây Lão địa chủ vội vàng tìm đến Chúc Chi Sơn để tranh cãi trực tiếp với ông ta, hỏi xem tại sao Chúc Chi Sơn lại chửi bới ông ta như vậy. Chúc Chi Sơn nghe xong lớn tiếng cười. Lão địa chủ ngơ ngác chẳng hiểu gì. Chỉ nghe thấy Chúc Chi Sơn nói rằng: “Ngài đọc sai rồi. Nên đọc là: Năm nay thật tốt, không có vận đen, của cải vào nhà. Đây là một khẩu hiệu tuyệt vời biết bao.“
    Tài chủ nghe xong, tức giận chuyển sang vui và hớn hở ra về.
    Chúc Chi Sơn đã khéo léo lợi dụng đặc điểm không có dấu của chữ Hán cổ, khiến cho ý nghĩa của câu đối do ông viết trở nên mơ hồ, rất có tính đàn hồi và tính biến hoá. Do vậy vừa chọc được tài chủ, lại vừa khéo léo bảo vệ được mình. Có thể thấy rằng, ngôn ngữ mơ hồ thật tuyệt diệu xiết bao.
    Bức thư của bà mai
    Vương công tử nhờ một bà mai làm mối cho chuyện hôn nhân. Bà mai vui vẻ nhận lời. Vương công tử muốn biết cô gái là người như thế nào nên bà mai đã viết cho anh ta một bức thư, giới thiệu về tướng mạo của cô gái này cho Vương công tử. “Cô gái này có tóc đen không rỗ chân không to đứng đắn“.
    Vương công tử sau khi xem xong bức thư hình ảnh của người con gái đó đột nhiên hiện lên trong đầu. Anh ta vui vẻ viết thư trả lời cho bà mai nói rằng anh ta đồng ý cuộc hôn nhân này.
    Nhưng vào ngày thành thân, cô dâu của Vương công tử lại là một người phụ nữ xấu xí, đen đủi, trọc đầu, mặt thì rỗ, chân thì thọt. Vương công tử tức điên lên, vội vàng đem theo bức thư mà bà mai viết cho để đến tìm bà ta, trách cứ bà ta sao lại lừa mình. Bà mai trả lời rằng: “Tôi đâu có lừa công tử. Tôi chẳng phải là đã nói thật với công tử rồi sao? Là do công tử tự đồng ý cuộc hôn nhân này chứ“.
    Vương công tử nghe xong càng thêm tức giận, hầm hầm lấy bức thư đó ra và nói với bà ta: “Để ta xem bà còn dám giảo biện nữa không, bà hãy xem bức thư mình viết mà xem, trong thư chẳng phải bà đã nói “Cô gái này tóc đen, không rỗ, chân không to, đứng đắn sao? Giấy trắng mực đen đây, bà còn muốn giảo biện nữa không?“
    Bà mai cầm lấy bức thư rồi nói: “Tôi lừa công tử ở chỗ nào? Là do công tử đọc sai chứ, trong thư tôi đã viết rất rõ rồi: Cô gái này rất đen, tóc không có, rỗ, chân không bình thường. Tôi đã nói thật với công tử rồi còn gì.“
    Vương công tử chẳng nói lại được câu nào, đành phải tự cho mình là đen đủi.
    Bà mai đó cũng thật đáng ghét, tuy là có thể kiếm được cớ cho hành vi lừa gạt của mình nhờ vào việc sử dụng ngôn ngữ mơ hồ, không rõ ràng, nhưng từ mặt phản diện nó cũng nói rõ được tác dụng của ngôn ngữ trong việc bảo vệ bản thân.
    Vận dụng ý nghĩa không rõ ràng trong ngôn ngữ mơ hồ đôi lúc có thể khiến bạn có thể thoát khỏi tuyệt lộ, chuyển bại thành thắng.
    Xin các bạn xem ví dụ dưới đây.
    Vụ án tranh chấp tài sản thừa kế
    Trước đây, có một phú ông nhà có đến hàng vạn quan tiền, tên là Trương Lão. Trương Lão không có con trai, chỉ có một người con gái nên mới thương con rể như con trai. Rất lâu sau, người thiếp của Trương Lão sinh cho ông ta một người con trai. Trương Lão về già mới có con trai, vui mừng khôn xiết, đặt tên cho con là Nhất Phi. Nhất Phi khi tròn 4 tuổi thì Trương Lão lâm bệnh qua đời. Trương Lão khi bệnh nặng đã nói với anh con rể rằng: “Con do thiếp sinh ra không có tư cách thừa kế tài sản của ta. Ta muốn đem toàn bộ tài sản của mình tặng cho hai vợ chồng con. Nhưng các con phải nuôi hai mẹ con Nhất Phi, để họ không chết vì đói rét, cũng coi như các con đã tích được âm đức rồi đó“. Nói xong, Trương Lão liền cầm bút viết di chúc, trong di chúc có ghi: “Trương Nhất Phi là con ta được hưởng toàn bộ tài sản con rể và người ngoài không được tranh giành“.
    Trong bản di chúc này không hề có dấu câu, nó được viết liền một mạch. Anh con rể cầm lấy bản di chúc và đọc thành: “Trương Nhất, không phải là con ta, gia sản toàn bộ giao cho con rể, người ngoài không được tranh giành.“
    Anh con rể rất vui mừng, không chút do dự chiếm giữ gia sản hàng vạn quan tiền của Trương Lão. Sau đó khi con trai của người thiếp là Trương Nhất Phi trưởng thành, anh ta đã đến quan phủ để kiện, đòi phân chia tài sản với anh rể. Anh con rể giao lại bản di chúc cho quan phủ. Quan phủ xem xong, chẳng thèm để ý đến vụ kiện của Trương Nhất Phi. Một ngày nọ, có một vị quan vâng lệnh cấp trên đến cơ sở để xử án. Nhất Phi lại đến kiện. Anh con rể của Trương Lão lại nộp bản di chúc lên trên. Vị quan này đọc kỹ bản di chúc, cảm thấy không đúng. Nguyên cáo tên là Trương Nhất Phi, nhưng trong di chúc lại chỉ nói đến Trương Nhất, phải chăng là Trương Lão còn có ý sâu xa khác. Viên quan này đọc kỹ vài lượt bản di chúc, trong lòng đột nhiên hiểu ra tất cả. Thế là, ông ta đã xử cho Trương Nhất Phi được hưởng toàn bộ tài sản. Anh con rể của Trương Lão hỏi lý do là gì? Vị quan này mới trả lời rằng: “Bản di chúc phải đọc như thế này: Trương Nhất Phi, con ta, được hưởng toàn bộ gia sản, con rể, người ngoài không được tranh giành. Bởi vì, em vợ của người không phải tên là Trương Nhất mà tên là Trương Nhất Phi, bố vợ của ngươi sở dĩ có ý viết chữ “ “ (phi) thành chữ “ “ (phi)(âm tiếng Hán của 2 chữ này đều đọc là phi) là do con trai ông ấy còn nhỏ, sợ ngươi sẽ hại nó. Bố vợ ngươi đã nói rõ rằng ngươi là người ngoài rồi, cớ sao ngươi còn dám tranh giành tài sản với anh ta chứ?“.
    Anh con rể của Trương Lão nghe xong sững cả người, đành phải trao trả toàn bộ gia sản của Trương Lão cho Nhất Phi. Mọi người vô cùng thán phục kết quả phán quyết của vụ án này, họ đều nói rằng vị quan này liệu việc như thần.
    Thực ra, vị quan xử án này đã khéo léo sử dụng hàm ý mang tính đàn hồi trong ngôn ngữ mơ hồ, mới có thể giải thích lý do phán quyết một cách chặt chẽ, không chút sơ hở như vậy, không hề có chút miễn cưỡng và gò ép nào, khiến anh con rể kia phải tâm phục khẩu phục, phục tùng sự phán quyết. Từ đó, Nhất Phi có thể chuyển bại thành thắng.
    Chính vì đặc điểm tính đàn hồi và tính biến hoá trong ngôn ngữ mơ hồ quá mạnh, do vậy nó thường xuyên được sử dụng trong rất nhiều trường hợp. Trong các trường hợp ngoại giao lại càng hay sử dụng ngôn ngữ mơ hồ, cổ kim trong ngoài cũng không hề ngoại lệ Ví dụ, năm 1977, Ai Cập và Israel được sự giúp đỡ của Quốc vương Monaco - Hasang đệ nhị, đã tiến hành mật đàm bàn về quan hệ giữa hai nước. Khi ngoại trưởng Israel hỏi đại diện của Ai Cập là lúc nào sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao, đại diện của Ai Cập nói rằng 5 năm sau khi Israel rút toàn bộ quân ra khỏi Ai Cập và bán đảo Sinai thì Ai Cập, Israel có thể thiết lập quan hệ ngoại giao. Quốc vương Hasang đệ nhị sau khi nghe xong, đã hỏi đại diện của Ai Cập là tại sao lại định ra thời hạn là 5 năm? Quốc vương Hasang đã bảo với đại diện của Ai Cập rằng trong vấn đề ngoại giao, cần đặc biệt chú ý đến cách dùng từ, đừng nên nói rõ thời gian cụ thể khi thiết lập quan hệ ngoại giao, mà nên nói rằng: Sau một khoảng thời gian thích hợp nữa hoặc sau khi rút khỏi bán đảo Sinai không lâu, Ai Cập sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao. “Một khoảng thời gian thích hợp“, “không lâu” mà Quốc vương Hasang sử dụng ở đây, đều là ngôn ngữ mơ hồ, có tính linh hoạt tương đối lớn. Nó tương đối chủ động đối với Ai Cập.
    Vậy mà đại diện của Ai Cập lại nói là 5 năm, nếu đến lúc đó không thể thực hiện lời hứa thì sẽ bị Israel chỉ trích là nói mà không giữ lời, và sẽ bị rơi vào thế bị động trong ngoại giao. Chính vì tác dụng độc đáo của ngôn ngữ mơ hồ nên những nhà ngoại giao đã gọi ngôn ngữ mơ hồ là: “Kỹ xảo cao nhất trong ngoại giao“, “là nguyên tắc khiến đối phương không ra quyết định được“
    Chính vì ngôn ngữ mơ hồ có tính đàn hồi, tính biến hoá, khoảng trống tiện tiến thoái lớn, nên chúng ta trong khi giao tiếp hãy sử dụng nhiều ngôn ngữ mơ hồ, cố gắng giữ lại trong câu nói của mình một khoảng trống đầy hữu ích đó.

Xem Tiếp Chương 2Xem Tiếp Chương 7 (Kết Thúc)
Thuật Nói Chuyện ( Phần IV )
  » Đang Xem Chương 1
  » Xem Tiếp Chương 2
  » Xem Tiếp Chương 3
  » Xem Tiếp Chương 4
  » Xem Tiếp Chương 5
  » Xem Tiếp Chương 6
  » Xem Tiếp Chương 7
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Đi Qua Hoa Cúc
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Chết Cho Tình Yêu