Mới đây Phùng Quân đưa cho tôi coi bản thảo cuốn này và buộc viết bài tựa.
Tôi thấy như vậy là bạn đòi hỏi sai chỗ, vì bàn về Giai thoại làng Nho, lý ưng để các vị kỳ cựu trong Làng làm mới đúng.
Song soạn giả đã giải thích: những câu chuyện kể lại ở đây, nhiều cụ chẳng lạ gì, vả nhà Nho tất thừa hiểu nhà Nho rồi, nhưng sự cần biết đối với người sưu tập để lưu lại, là cảm tưởng của Tân học thuộc lớp người sau.
Tôi đành chiều long Lãng Nhân, và xin chỉ bày tỏ vài nhận xét riêng, có tính cách hoàn toàn chủ quan, chớ không chắc chi được sự đồng ý của những bạn cùng trạc tuổi hoặc trẻ hơn tôi.
Ngoài ra tôi thấy, cần dè dặt trong sự phán đoán, vì chỉ được căn cứ nguyên vào số người có tên trong sổ đoạn trường này, nên chưa dám quyết rằng các vị đó đã đủ tính cách điển hình để tiêu biểu trung thực cho cả Làng Nho. Và liệu những câu chuyện được nhắc lại trong những lúc trà dư tửu hậu, đúng hay sai chừng nào, hoặc về những điểm gì?
Từ Bùi Ân Niên đến Vũ Phạm Hàm, các câu chuyện ngắn dài được sắp đặt và kể lại như dã sử, với những dòng thơ trích dịch và lời dẫn giải tường tận. Đôi khi tôi tưởng như đọc Nam Hải Dị Nhân, song lời lẽ ở đây gọn gàng hơn, và tuy nghiêm chỉnh, vẫn không giấu nổi ở nhiều đoạn, nụ cười hóm hỉnh mà các than hữu nhận ra ngay là của tác giả Chơi Chữ và Chuyện Vô Lý.
Ngoài ra lắm khi các câu đối hoặc vần thơ cũng nhiều thú vị, nên tôi tự hỏi: phần chính cuốn sách này, phải chăng là sự tích kể lại, hay đúng hơn là những tài liệu thi văn mà Lãng Nhân đã cố gắng thâu lượm?
Đành rằng cũng có một số bài cũ đã được phổ biến trước rồi, song ở đây được chú thích đúng và kỹ hơn; còn phần nhiều là những bài mới thấy trình bày lần này là đầu tiên, và công của Lãng Nhân là vớt được và ghi lại, những lời truyền khẩu đáng nghe song cũng dễ thoảng qua hay chìm mất.
Phấn thừa hương cũ bội phần sót xa….
Dù sao,, và đối với tôi, đáng chú trọng hơn, là ý nghĩa của các Giai thoại. Đọc một hai truyện, chưa thấy hấp dẫn mấy. Đọc tất cả và ngẫm lại, tôi đã nhận dần ra, qua cử chỉ và những lời xướng hoạ, diễu cợt, nguyền rủa hay khen chê của các nhân vật, nhiều đặc tính trái ngược của một lớp người trong thư hương thuở trước.
Theo những truyện kể trong tập này, thì Làng Nho đã cho tôi một hình ảnh khá phức tạp, song cũng lộ ra vài dáng vẻ chung: tôi không muốn nói là hay hoặc dở, sự phê bình xin để tuỳ quan niệm của mỗi người; duy có điều không thể quên, là dù lên án hay bênh vực, tưởng cũng cần nhớ đặt lùi các nhà Nho của chúng ta vào khoảng giữa hoàn cảnh lịch sử, nghĩa là ở giữa và cuối thế kỷ XIX, nhất là trong buổi giao tranh tân cựu, khi người Pháp mới sang xâm chiếm Việt Nam.
Làng theo nếp cũ đã lâu đời, lấy học vấn cử nghiệp làm thang giá trị, coi từ chương kỹ xảo là thước đo tài năng. Hơn người là hơn vì chữ nghĩa, và kết quả là các kỳ thi đưa lại: tự hào, tự phụ, hoặc thất vọng yếm thế, cũng do đó mà ra. Mà cũng chỉ vì thế, trong Làng hay có sự lục đục: thử thách nhau như Triệu Bích và Vũ Phạm Hàm, châm biếm nhau như Nguyễn Tư Giản và Nguyễn Khuyến, ông tú Vị Xuyên cùng ông thủ Vũ Tuân; hoặc chỉ muốn đua ganh về cờ biển cho tới lúc gần cõi chết ( Bùi Ân Niên, Đoàn Tử Quảng ) và khoa bảng gần như đã thành lẽ sống, và ngay cả khi cuộc sống bắt đầu chuyển hướng về những bước hiểm nghèo.
Như vậy thì đâu là đạo người Quân tử đã từ Trung quốc truyền sang trải mấy ngàn năm?
Nhưng nghĩ kỹ ra thì có chi là lạ, khi bất cứ đạo giáo nào cũng phải chịu sự biến cải tuỳ nơi cho thích hợp với đặc tính của mỗi dân tộc: đạo Cơ Đốc ở Do Thái khác với ở Đông Âu, và ở Anh khác với ở Phi Luật Tân; đạo Phật ở Tây Tạng không như ở Nhật Bản; vậy đạo Nho ở nước Lỗ sang Làng ta, tất cũng biến thể, để cho các Hoàng Cao Khải, Tôn Thọ Tường không giống các thầy Tăng Tử, Nhan Hồi….Chẳng lẽ đức Khổng Tử, khi ngài bưng mặt thốt rằng: Đạo ta hết rồi ( Ngô đạo cùng hĩ ) đã khóc lên sự thật rối sao?
May thay đạo ngài tuy biến cho hợp lệ Làng ( mà phép ai cũng phải chịu thua ), vẫn rớt lại được khá nhiều tinh túy.
Cuồng chữ, say chữ thật đấy, song lắm lúc bịnh cuồng say đó cũng hiện ra dưới những vẻ khả ái của thói ngông nghênh đúng chỗ, sự lien tài đặc biệt không thấy ở nước nào khác Tàu và Việt. Ngạo nghễ của nhà nho, ở nhiều trường hợp, chỉ là một trạng thái của tinh thần bất khuất. Và dẫu hỗn xược hay bần cùng đến đâu, mà đối nổi một câu đối, hoạ được một bài thơ, thì vẫn được lời khen, tiền thưởng, có khi cả vợ đẹp ( Hồ Quý Châu, Bùi Hữu Nghĩa ).
Phú quý thì ai chẳng thích - kể cả đức Khổng – nhưng phú quý chỉ có thể nhận nếu ở trong vòng Lễ Nghĩa Liêm Sỉ: bằng không, thì thà rũ áo từ quan, lui về xóm khuất mà chịu cảnh nghèo ( Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Khuyến ) hoặc giữ thái độ cương trực ( Lê Sĩ Nghị. Ông Ích Khiêm, Nguyễn Hữu Huân ). Bên cạnh những người vào lòn ra cúi, còn có những người không chịu hàng phục như Phạm Ứng Thuần và Phan Văn Trị, hoặc vì nước mà tự tận như Nguyễn Cao, giơ cổ chịu chém như Trần Cao Vân hay Tống Duy Tân. Biết bao nhiêu người đã dấy nghĩa Văn Thân, và tiết tháo của những vị đó có thể che đậy hộ cho cả Làng những lầm lỗi những tủn mủn của hạng tiểu nhân hay chữ.
Bởi vậy và lấy hơn bù kém, tôi gấp sách với một niềm tin tưởng: mặc dầu các vị đàn anh lần lượt di cư gần hết về bên kia lớp sương mờ cõi khác, sĩ khí ngát dư hương, vẫn còn muôn năm phảng phất….
SàiGòn, mùa đông Quí Mão,1963.
Đoàn Thêm.
Một phần giai thoại trong cuốn này, viết theo di cảo của cố Cử nhân Phạm Xuân Quang tiên sinh ( với sự đồng ý của lệnh lang ông Phạm Xuân Thụ )
Tử viết: đạo chi bất minh dã, ngã tri chi hĩ: hiền giả quá chi, bất tiếu giả bất cập giã; nhân mạc bất ẩm thực dã: tiển nămg tri vị dã.
Khổng tử nói: Đạo mà không sáng tỏ, ta biết là vì sao: kẻ hiền thì đi quá đà, kẻ bất tiếu thì đi không kịp. Người ai chẳng ăn chẳng uống, ít người biết thế nào là ngon.
|
|
|