Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Điệp Khúc Đói Tác Giả: MJG Le Clezio    
    MJG Le Clezio
     Điệp khúc đói (tạm dịch từ Ritournelle de la faim) của MJG Le Clezio ra mắt ngày 2 tháng mười vừa rồi - một tuần sau, ông được Nobel văn học vinh danh một cách xác đáng. Một sự trùng hợp hi hữu !
    Cuốn sách ngắn gọn và không hề rẻ như kết tinh những gì làm nên sức nặng của cả đời văn của ông, minh chứng hùng hồn cho sự xác đáng đó.
    Được hiểu như một biểu tượng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cái đói ám ảnh tựa một thảm họa vô hình. Nó đầy đọa và hủy diệt một cách xảo trá một nữ ca sỹ Nga lưu vong, bạn thân của nữ nhân vật chính Ethel, hình ảnh của người mẹ của nhà văn.
    Nó dần dà đập tan vũ trụ bé nhỏ của cô bé này, con gái của những người làm ăn sinh sống ở thuộc địa, hồi hương về Paris, tự đày đến Nice, sau chót bị dồn lên vùng núi cao.
    Cái đói hiện diện khắp nơi, nhưng luôn được che đậy bởi nhiều mặt nạ, như một mối đe dọa, như nỗi sợ hãi cuối cùng gậm nhấm từ từ cả thế giới trước chiến tranh, thế giới suy đồi không cưỡng lại được, thế giới bị xô đẩy vào đủ kiểu chủ nghĩa vị kỷ, phân biệt chủng tộc, và ngu muội thú vật.
    Nó dồn con người đến chỗ quên đi liêm sỉ, tự nhục mạ mình. Cho nên, nó có mặt trong sự vươn lên của các chủ nghĩa phát xít, từng buớc một ngự trị đến tận phòng khách của các phụ huynh của Ethel.
    Nó dẫn các vị này tới việc tước đoạt hầu như mọi thứ của con cháu họ. Giữa thế giới đang hấp hối ấy, hình tượng Ethel tỏa sáng, khao khát công lý, tình yêu và tự do.
    Ethel đúng là một nữ anh hùng ở tuổi 20. Chìa khóa để giải mã chất anh hùng ấy hé lộ trong trích đoạn dưới đây đang được nhiều cơ quan truyền thông đại chúng đua nhau giới thiệu.
    Trở về với thiên nhiên, với những giá trị đích thực vẫn tồn tại trong cõi đời, đấy hẳn là nhắn nhủ của ngòi bút được mệnh danh là của toàn cầu, chứ không của riêng CH Pháp.
    ...Ethel. Cô bé đứng trước lối vào công viên. Sắp tối rồi. Trời trong veo, êm ả. Có lẽ một cơn giông đang gầm gào trên sông Seine. Bé nắm chặt bàn tay cụ Soliman. Bé suýt soát mười tuổi. Bé còn nhỏ lắm, đầu chưa tới ngang hông cụ già mà mẹ bé gọi là cậu.
    Trước mắt hai người, giữa cây cối của rừng Vincence hiện ra cảnh tượng như một thành phố, nào các ngọn tháp, nào các mái vòm đền thờ Hồi giáo, nào các mái vòm thông thường. Dân chúng chen chúc trên các đại lộ xung quanh.
    Bỗng bầu trời mây đen vần vũ đáng sợ và một cơn mưa rào trút xuống ào ạt. Cơn mưa hầm hập làm bốc lên bên trên thành phố một bầu hơi nước. Lập tức, hàng trăm chiếc ô màu đen nở tung.
    Cụ già quên khuấy mở ô của mình. Lúc những hạt mưa to đùng bắt đầu rơi xuống, cụ vẫn lưỡng lự. Nhưng Ethel kéo tay cụ và hai cụ cháu chạy qua đại lộ, hướng tới mái che của cửa lối vào, trước những xe ngựa cho thuê và ô tô.
    Tay trái bị cô bé lôi, tay phải cụ già giữ cho cân chiếc mũ đen trên cái sọ nhọn của cụ. Khi cụ chạy, hai chòm râu má cứ rung tõe theo nhịp chân và cô bé không nhịn được cuời. Thấy đứa chắt cười, cụ cũng cười theo. Hai người cười khoái chí đến nỗi dừng lại trú dưới một cây dẻ.
    Đây là một chốn tuyệt kỳ. Ethel chưa gao giờ nhìn thấy hay mơ thấy một nơi như vậy. Hết lối vào, qua cửa rồi, hai cụ cháu đi dọc tòa nhà bảo tàng mà đàng trước du khách như nêm.
    Cụ Soliman không để ý. Cụ bảo: “Bảo tàng ấy à, lúc nào con chẳng gặp”. Cụ có sẵn một ý định. Vì ý đó, cụ mới đưa Ethel đến chỗ này. Cô bé muốn biết chuyện, suốt mấy hôm nay, cứ gặng hỏi cụ.
    Nó láu lắm, cụ Soliman đã bảo nó như thế. Nó biết cách moi bí mật. “Phải bất ngờ! Ta nói trước cho con, thì còn bất ngờ gì nữa hử?”. Ethel không nao núng. “Chí ít cụ cũng để lộ một tẹo, cho con thử đoán xem ạ”.
    Bấy giờ, sau bữa ăn, cụ ngồi trong ghế bành, hút xì gà. Ethel thổi vào khói thuốc cụ nhả ra. “Cái ấy ăn được ạ? Hay một loại đồ uống? Một áo dài phụ nữ phải không ạ?”.
    Cụ già không suy suyển. Cụ điềm nhiên hút xì gà, nhấm rượu cô nhắc, tối nào cũng như tối nào. “Mai con khắc biết ”. Sau đó, Ethel làm sao ngủ được. Suốt đêm, nó xoay ra xoay vào trên chiếc giường sắt bé tí kêu kèn kẹt rất ghê.
    Rạng sáng, nó mới chợp mắt nổi, và vất vả lắm mới thức dậy được vào mười giờ, khi mẹ nó đến đưa nó đi ăn trưa ở nhà các dì. Cụ Soliman còn chưa có mặt ở đó.
    Thế nhưng đại lộ Monparnasse không xa phố Cotentin. Mười lăm phút đi bộ thôi, và về khoản này, cụ Soliman rất giỏi. Cụ cứ bước thẳng, chiếc mũ như bắt vít trên hộp sọ hói, cái can đầu bịt bạc của cụ không chạm đất bao giờ.
    Bốn bên ì ầm hỗn độn, Ethel bảo nó vẫn biết cụ đang đi ngoài xa, nó nghe được tiếng đế sắt của đôi ủng cụ gõ đều đặn trên hè phố. Nó nói tiếng đế ủng của cụ nghe như tiếng vó ngựa.
    Nó thích ví cụ như một con ngựa, và cụ không mếch lòng. Dù đã tám mươi cái lá vàng rơi, thỉnh thoảng cụ vẫn công kênh nó trên vai, dạo chơi trong vườn hoa công cộng. Cụ rất cao, con bé có thể chạm tay vào các cành cây thấp.
    Mưa đã tạnh, cụ già và cô chắt nắm tay nhau bước đi, cho đến tận bờ hồ. Dưới bầu trời xám, hồ hiện lên mênh mông, trông tựa một mặt cầu bất tận, chẳng khác một đầm lầy.
    Cụ Soliman hay nhắc tới ao hồ và các nhánh sông chết mà cụ từng nhìn thấy ở châu Phi, hồi cụ làm việc như một bác sỹ quân y ở Congo thuộc Pháp. Ethel thích gợi cho cụ cất lời. Cụ cũng chỉ tâm sự với cô bé thôi. Những gì nó biết về thế giới đều từ chuyện của cụ.
    Trên mặt hồ kia, Ethel thoáng thấy những con vịt trời, và một con thiên nga lông hơi vàng, dáng vẻ buồn bã. Cụ già và cháu nhỏ đi ngang qua trước một hòn đảo, bên trên người ta đã xây dựng một ngôi đền kiểu Hy Lạp. Đám đông đang chen lấn để vượt cây cầu bắc sang đảo.
    Cụ Soliman hỏi Ethel: “Con muốn vào không?”, dĩ nhiên hỏi cho khỏi hối tiếc hay ân hận. Khách thăm nghìn nghịt, cô bé kéo tay cụ già: “Con không, con không. Ta đến ngay Ấn Độ đi cụ!”. Cụ Soliman bèn dắt nó đi theo bờ hồ, ngược với biển người xuôi xuống.
    Biển người dạt sang hai trước ông cụ cao lớn, mình mặc chiếc pardessus bên ngoài áo ca pốt, đầu đội chiếc mũ kiểu cổ, và trước con bé con tóc vàng, chân dận bốt tin, mình diện áo dài xếp nếp sặc sỡ.
    Ethel rất hãnh diện được ở bên cạnh cụ Soliman. Nó tưởng như đang sóng bước cùng một người khổng lồ, người luôn mở được một con đường qua bất cứ sự lôn xộn nào của cõi trần thế.
    Bây giờ đám đông đi ngược chiều, về phía cuối hồ. Bên trên cây cối, Ethel nhìn thấy những cái tháp kỳ lạ, màu xi măng. Một tấm biển nhỏ có ghi chữ thông báo địa điểm, nó khó nhọc lần đọc từng chữ mà không ra:
    - Ang…kor…
    - Vat ! , cụ Soliman tiếp lời, Angkor Vat. Đấy là tên một ngôi đền ở Campuchia. Họ dựng đền như thế xem chừng được rồi. Nhưng trước tiên, ta muốn chỉ cho con cái này đã. Cụ trù tính một ý định trong đầu. Vả chăng, cụ Soliman không muốn đi cùng chiều với số đông.
    Cụ không tin vào các phong trào tập thể. Ethel thường được nghe bình phẩm về cụ: “Ông ấy là một người kỳ cục !”. Mẹ bé bảo vệ cụ, hiển nhiên vì cụ là cậu ruột của mẹ: “Một người tử tế và quan trọng lắm đấy !”.
    Cụ đã nuôi dạy mẹ thật khó khăn. Từ khi cha của mẹ qua đời, chính cụ đảm đương việc chăm lo tất cả cho mẹ. Nhưng mẹ không mấy lúc được thấy cụ, cụ thường xuyên ở xa, nơi tận cùng thế giới.
    Mẹ yêu quý cụ. Mẹ hẳn còn xúc động hơn vì ông cụ cao ngất ngưởng này thương yêu Ethel hết lòng. Như thể mẹ nhận chân được rằng cuối cùng trái tim cụ đã mở cửa cho người khác, sau cả một đời cô đơn và chai sạn.
    Phía này, một con đường tách ra, chạy xa dần bờ hồ. Nơi đây, người lui tới qua lại thưa vắng hơn. Một tấm biển đề: “Các thuộc địa cũ”. Bên dưới dòng chữ đó là tên các thuộc địa. Ethel đọc từ từ:
    Réunion
    Guadeloupe
    Martinique
    Somalie
    Nouvelle-Calédonie
    Guyane
    Ấn Độ thuộc Pháp.
    Đích thị cụ Soliman muốn tới khu trưng bày thuộc địa Ấn Độ này đây.
    Khu ấy nằm trong một khoảng rừng thưa, lùi lại một quãng so với hồ. Rải rác nhiều căn lều nóc tranh, số khác dựng bằng bê tông, với các cột trụ bắt chước thân cây cọ.
    Cảnh tượng gợi ý nghĩ đây là một ngôi làng. Ở giữa làng là một kiểu quảng trường, trải sỏi nghiền mịn. Quảng trường kê nhiều ghế tựa. Một số du khách đã ngồi trên ghế, nhiều phụ nữ bận áo rất dài, vả lại, hiện giờ trời nắng chan hòa, ô dùng che nắng thật tiện. Cánh đàn ông thì trải khăn mùi soa lên ghế cho chúng hút khô nước mưa.
    “Đẹp quá !”. Ethel không kìm nổi, thốt kêu lên trước cái đình Martinique. Trên bức tường trước của ngôi nhà (cũng kiểu nhà lều, cố nhiên), người ta trang trí lối trụ nổi đủ loại hoa quả được đưa tới từ các vùng lãnh thổ xa xôi, như dứa, đu đủ, chuối, hoa dâm bụt, chim thiên đường.
    “Phải, rất đẹp. Con muốn tham quan chứ?”. Nhưng cụ hỏi vẫn như lúc nãy, giọng do dự. Đã thế, cụ lại nắm bàn tay Ethel và đứng im lìm. Cô bé hiểu, thưa lại: “Để lát nữa, được không ạ?”.
    - Dù sao đi nữa, chẳng có gì bên trong đâu…Qua cửa ra vào, Ethel thấy một người đàn bà quần đảo Antilles, khăn đỏ bịt đầu, nhìn ra ngoài, nụ cười vắng bóng. Bé thích ngắm chị, sờ vào áo chị, hỏi han chị, nét mặt chị sao xiết đỗi u buồn. Bé không nói gì với cụ. Cụ dẫn nó về phía kia của quảng trường, nơi triển lãm về Ấn Độ thuộc Pháp.
    Căn nhà không to rộng. Nó không lôi cuốn được khách thăm. Họ lần lượt diễu qua, chẳng dừng lại, vẫn cuồn cuộn như thác, complet đen, mũ đen, tiếng áo phụ nữ sột soạt, trên đầu mũ cài lông chim, hoa quả, khăn trùm mặt.
    Một vài đứa trẻ lang thang nhìn trộm Ethel và cụ Soliman đi ngược trở lại, xuyên qua biển người. Cả hai đi về phía những công trình, những khối đá, những ngôi đền, những ngọn tháp to lớn, tất thảy như bơi bên trên cây cối, khác nào các artichauts.
    Ethel không còn lòng dạ nào hỏi cụ Soliman xem đó là gì. Cụ lẩm bẩm cắt nghĩa: “Mô hình đền Angkor Vat đấy. Nếu con muốn, ta sẽ đưa con tới thăm đền thật”. Cụ không thích bản sao. Cụ chỉ quan tâm đến cái thật. Chỉ vậy thôi.
    Cụ Soliman dừng chân trước một ngôi nhà. Khuôn mặt đỏ au của cụ toát ra vẻ hài lòng hể hả. Không hề hé môi, cụ xiết chặt tay Ethel và cả hai leo lên những bậc thang bằng gỗ dẫn tới một bậc thềm.
    Đấy là một căn nhà hết sức đơn giản, bằng gỗ sáng màu, có một hàng hiên xung quanh, được đỡ bằng cột. Các cửa sổ đều trổ cao, che bởi những bức sáo gỗ mầu sẫm. Mái gần như bằng, lợp ngói men, bên trên là một tháp nhỏ có lỗ châu mai. Lúc ông cụ và cô bé bước vào, nhà không có ai cả.
    Ở giữa nhà, một sân trong, được chiếu sang bởi cái tháp, chan hòa một thứ ánh sáng màu hoa cà rất lạ. Bên cạnh sân trong, một bể nước hình tròn phản chiếu bầu trời.
    Nước lặng đến mức trong giây lát, Ethel nghĩ đó là một tấm gương cực lớn. Cô bé dừng bước, tim đập rộn. Cụ Soliman cũng đứng im bất động, đầu hơi ngửa ra sau, để nhìn thật rõ mái vòm bên trên sân trong.
    Trong những lỗ hốc tường bằng gỗ, hình tám cạnh đều đặn, đèn nê ông phát ra một thứ màu hư ảo như khói, không thực, màu hồng thẫm, tựa ánh hoàng hôn trên biển.
    Một cái gì đấy rung rinh. Một cái gì đấy chưa hoàn chỉnh, có phần huyền ảo. Nào có ai đâu, hẳn rồi. Cứ như đây là ngôi đền thật, bị bỏ rơi giữa rừng rậm, và Ethel tưởng như nghe thấy tiếng xì xào trên các vòm cây, tiếng kêu chói tai và trầm khàn, tiếng chân mượt như nhung của các loài ác thú dưới các lùm cây, bé run run và ôm riết lấy cụ già.
    Cụ Soliman không động đậy. Cụ đứng im giữa sân trong, dưới vòm ánh sáng, ánh điện mờ ảo nhuốm mặt cụ thành màu tím hoa cà, hai chòm râu mép thì thành hai ngọn lửa xanh lơ.
    Giờ Ethel đã hiểu, chính mối xúc động của ông cụ làm cho nó run rẩy. Một người cao lớn và quắc thước như cụ mà thừ ra trong ngôi nhà, hẳn nhiên, ngôi nhà phải chứa một bí mật, một bí mật kỳ diệu, nguy hiểm và mỏng manh, hẳn nhiên, tất cả ngưng lại, khi xuất hiện một chuyển động nhỏ nhất.
    Sau đây, cụ bộc bệch như toàn bộ chuyện trên là của riêng cụ.
    “Chỗ đây, ta dành cho thư ký của ta, chỗ này hai thư viện…Chỗ ấy, ta để chiếc đàn cla vơ xanh nhỏ của ta, cuối phòng là những bức tượng châu Phi nhỏ bằng gỗ đen tuyền, dưới ánh đèn điện, chúng sẽ hút hồn như ở quê hương của chúng, sau cùng, ta có thể trải xuống sàn tấm thảm Berberes lớn của mình”.
    Ethel không thật hiểu. Nó lẽo đẽo theo cụ già cao ngật ngưỡng, trong khi cụ đi từ phòng này sang phòng khác, vẻ bồn chồn mà nó thấy hoàn toàn xa lạ. Sau chót, cụ quay về sân trong và ngồi xuống các bậc thanh gỗ, để chăm chú nhìn bể nước phản chiếu bầu trời, lóng lánh như gương.
    Bé Ethel ngồi bên cụ, và cơ hồ hai người cùng chiêm ngưỡng mặt trời đang lặn trên một phá nước mặn, ở đâu đó rất xa, bên Ấn Độ, hoặc đảo Maurice, xứ sở tuổi thơ của cụ. Cứ như trong một giấc mơ.
    Mỗi lần nghĩ tới giấc mơ đó, bé lại nhớ màu hoa cà và bể nước lấp lánh hình tròn phản chiếu bầu trời và chiếm trọn tâm hồn nó. Một làn khói vương vấn từ một thời xa thẳm.
    Bây giờ, hết thảy biến mất rồi. Cái còn lại không phải là những kỷ niệm, như thể nó chưa từng là một đứa trẻ. Triển lãm về thuộc địa. Nó đã lưu giữ những cái ít giá trị của ngày hôm ấy, khi nó dấn bước cùng cụ Soliman trên những lối đi rải sỏi nghiền mịn.
    “Ở đây, ta đặt chiếc ghế xích đu…và khi trời mưa, ta sẽ theo dõi các hạt mưa châm kim mặt nước cái bể tròn. Ở Paris, mưa nhiều lắm… ta sẽ nuôi cóc. Chỉ nhằm nghe chúng báo mưa“.
    - Cóc ăn gì ạ?
    - Ruồi muỗi, bướm đêm, bọ nhậy…Bọ nhậy, Paris nhiều vô thiên lủng…
    - …
    - Cũng phải trồng cây thân mềm. Nhất là loài cây cho hoa màu tím.
    - Phải, cây sen…Nên trồng súng thì hơn. Bởi hoa sen chết vào mùa đông. Không trồng trong bể nước. Ta sẽ đào một bể khác để nuôi cóc, ở cuối vườn. Bể nước tròn, ta mong nó thật trong cho trời soi gương.
    Ý nghĩ định sẵn của cụ Soliman, chỉ mỗi bé Ethel nắm được. Khi nhìn thấy sơ đồ triển lãm, cụ chọn gian Ấn Độ tức thì. Và cụ mua sơ đồ gian đó ngay.
    Cụ đã bỏ các dự án của cháu họ cụ. Không có nhà cao tầng trên đất của cụ, không có chuyện đụng chạm dù chỉ một cây. Cụ đã cho trồng cây đồng hoa tím cà và cây thắng Ấn Độ. Mọi thứ sẵn sàng tiếp nhận sự điên rồ của cụ.
    “Ta không có thiên hướng làm quản lý”.
    Nhằm chống lại các kế họach của Alexandre, cụ biến Ethel thành người được hưởng di sản của mình. Ethel chẳng mảy may biết gì về chuyện đó. Hay một hôm cụ đã nói cho mẹ bé nghe.
    Việc ấy xảy ra sau khi đi thăm triển lãm ít ngày. Những mảng miếng tháo ra từ ngôi nhà Ấn Độ thuộc Pháp bắt đầu chồng chất trong khu vườn của phố Armorrique.
    Để che mưa cho chúng, cụ Soliman phủ lên chúng một tấm bạt đen xấu xí. Rồi cụ dẫn Ethel tới tận hàng rào ngụy trang khu vườn. Cụ đã mở khóa cửa và cô bé trông thấy những đống đồ vật đen sì lấp lóe ở cuối vườn. Cô cứ sững sờ mãi.
    - Con biết gì đó không? - cụ Soliman ma mãnh hỏi.
    - Ngôi nhà tím hoa cà.
    Cụ nhìn cô bé đăm đăm, vẻ vô cùng ngưỡng vọng.
    - Đúng, con nói phải, ngừng lời giây lát, cụ thêm, Ngôi nhà tím hoa cà, tên nó sẽ là như vậy, chính con tìm ra tên ấy.
    Cụ xiết chặt bàn tay cô bé, và cô hình dung được liền cái sân trong, các hành lang, bể nước tròn lớn phản chiếu bầu trời.
    - Nó là của con, mình con thôi.
    Chưa chi cụ đã không nói nữa. Tính cụ vốn vậy. Bao lâu nay, việc gì, cụ cũng nói một lần, rồi chẳng khi nào nhắc lại.
    Cụ đã chờ đợi một thời gian dài. Có lẽ quá dài là đằng khác. Có lẽ cần xác định cho đúng, cụ thích mơ ước cái sẽ hiện hình, hơn là bắt tay thực hiện nó tức thì.
    Những bộ phận của Ngôi nhà màu hoa cà được tháo ra vẫn nằm dưới vải tấm bạt ở cuối vườn, cây ngấy bắt đầu xâm chiếm chúng. Nhưng cụ Soliman vẫn đưa Ethel đến đó, tựa đi lễ nhà thờ hay đi xưng tội, đều đặn mỗi tháng tối thiểu một lần.
    Về mùa đông, cây cối chung quanh đều trụi lá, nhưng cây cụ trồng vẫn tươi tốt như không. Những cây đồng và cây thắng Ấn Độ tạo nên những chùm lá xanh đậm, khiến liên tưởng đến lối vào một khu rừng, chứ không phải một khu vườn thành phố.
    Mảnh đất bên cạnh, của một ông Conrard nào đó, không đổi mới gì cả. Ông là một trong những cư dân gốc gác lâu đời nhất của khu phố này. Ông là con trai của người khai sáng khu phố năm 1887.
    Nghĩ rằng mình được ban một uy quyền, một bữa ông ta đã công kích cụ Soliman: “Tôi nhận thấy, do các vòm lá của những cây cụ mang từ ngoại quốc về, các cây anh đào của tôi bị che lấp từ giữa trưa tới ba giờ chiều”. Cụ độp lại bằng một cú choáng váng: “Vâng, thưa ông, tôi làm cho ông hực lên đấy”.
    Lần đầu tiên Ethel nghe câu ấy, vốn do cha nó đem về, cha vừa nói vừa cười ha hả. Cụ Soliman ăn nói như một người đánh xe bò kéo, đúng hơn một người lính, (Alexandre bình phẩm như vậy), điều này được Ethel thán phục. Bé thích thú thật, nhưng cũng biết rằng nó không thể tuôn câu đó ra, nhất là trước người đã nói nó. Nhưng thế cũng tốt vậy.
    

Kết Thúc (END)
MJG Le Clezio
» Điệp Khúc Đói
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop
» Cô Khịt
» Bất Diệt