Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Tìm Trong Nỗi Nhớ Tác Giả: Lê Ngọc Mai    
    Tác phẩm "Tìm trong nỗi nhớ" của Lê Ngọc Mai đã đạt giải nhì cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 2 của HNV. NMS xin gửi đến các bạn tác phẩm này.
     1
    Đó là một ngày mùa hè nắng chói chang cách đây vừa đúng hai mươi năm. Chiếc xe commăngca dã chiến bạt sờn, sơn lở mà bố tôi mượn của cơ quan chở ba bố con tôi ra sân bay Nội Bài. Tôi lên đường đi học đại học ở Nga, bố và em trai đi tiễn. Đây là lần đầu tiên tôi rời Việt Nam. Mười tám tuổi, bốn mươi ba cân, hành lý là một chiếc vali lèn đầy quần áo và các mặt hàng tạp hóa. Son phấn Thái (xịn), kimono Nhật (rởm), áo phông nữ "cành mai", áo phông nam "cá sấu"..., mỗi loại xếp thành một xấp. Một đống quần lót "hoa hồng" xanh đỏ tím vàng với số lượng thừa thãi cho cả năm năm đại học. Hai bức tranh sơn mài màu sắc na ná như nhau, đỏ đỏ, xỉn xỉn, một bức "chăn trâu thổi sáo" và một bức "vịnh Hạ Long". Vài tấm tranh lụa, cái nào cũng tre, chim với thiếu nữ áo dài (khi tre chim nhiều thì áo dài ít, khi tre, chim ít thì áo dài nhiều). Dăm gói bột nghệ, một lô dầu cao "Sao Vàng", mấy hộp "sâm quy bổ thận" (thành phần ghi ngoài vỏ hộp gồm nhiều loại cây thuốc nghe tên rất đáng nể, nhưng không thấy có sâm.)
    Số hàng hóa này không phải là dành cho tôi, tức là không phải để tôi dùng. Phần tôi, chỉ có vài bộ quần áo và hai tập từ điển Nga-Việt dày cộp. Còn lại, quần áo, son phấn, thuốc thang là để xuất khẩu sang thị trường Nga với mục đích đổi về bàn là, nồi hầm, ấm điện, tủ lạnh... Các tác phẩm nghệ thuật thì dành để khi có dịp dùng làm quà tặng thầy giáo, bạn bè (người Nga, tất nhiên, chứ người mình có ai treo những thứ này trong nhà.) Suốt cả tuần lễ trước ngày tôi lên đường, chiều nào sau giờ làm việc cô tôi cũng phải lăn lóc lượn đi lượn lại Hàng Ngang, Hàng Đào để kiếm cho đủ chủng loại, số lượng hàng hóa cần thiết. Cô nhất quyết dành cái công việc khổ sai này về phần mình vì không tín nhiệm bố con tôi. "Lù đù như bố con mày, không mua nhầm hàng rởm thì cũng bị chúng nó chém cho, thôi cứ để đấy cô lo, cô có kinh nghiệm mua đồ cho thằng V. đi Hung năm ngoái rồi". Những túi to, bọc nhỏ mà cô hì hụi vác đến làm bố tôi phát hoảng: "Con L. C. đi học chứ có đi buôn đâu mà cô bắt nó tha đi nhiều thứ thế!" " Ai cũng mang đi như vậy cả, tội gì không mang", cô tôi gạt phắt.
    Đúng, ai cũng mang đi như vậy cả. Lúc kiểm tra ở hải quan, hơn ba chục cái vali của cả đoàn mở ra, cái nào cũng có ngần ấy thứ: "cành mai", "cá sấu", phấn "con bướm", xi líp "hoa hồng"... Mấy cậu bạn tôi, trong lúc xếp lại đồ đạc, vụng về làm tung ra ngoài xấp quần lót nữ màu sặc sỡ, mặt đỏ lựng lên ngang màu đỏ của bông hồng thêu trên quần lót (thời ấy khái niệm "đỏ mặt" còn tương đối thông dụng.)
    Trong vali của tôi có một thứ mà chắc chẳng ai trong đoàn cùng đi hôm ấy có. Không, không phải là một mặt hàng "độc" mang lậu qua hải quan. Đó chỉ là một tờ giấy đơn sơ với vài hàng chữ viết to, đường nét rắn rỏi, tự tay bố tôi viết và dán vào mặt trong của nắp vali cho tôi trước hôm tôi lên đường. "Tính con hay quên nên bố dán vào đây cho khỏi thất lạc, và để mỗi lần con mở vali ra thì lại thấy ngay", bố tôi bảo. Nội dung tờ giấy là những điều bố tôi căn dặn cô con gái lần đầu tiên đi học xa nhà. Ông đánh số cẩn thận, có bảy điều cả thảy.
    Hai mươi năm đã qua, chiếc vali cũ mòn và quê kệch của chuyến xuất ngoại đầu tiên đã bị quẳng từ lâu ra bãi rác, nhưng tờ giấy ấy thì đến giờ tôi vẫn giữ. Ố vàng, mép giấy chỗ sờn mỏng tang, chỗ cộm vệt hồ dán, nó nằm sâu trong một ngăn tủ của tôi, kẹp giữa cuốn sổ thơ thời sinh viên. Bây giờ đọc lại, thấy thương bố đến nao lòng.
    Nhưng ngày đầu tiên ở Matxcơva, lúc mở vali ra, đập vào mắt những lời dặn dò của bố, tôi chỉ thấy buồn cười. Từ khi mẹ tôi mất, mọi nỗi lo toan cho hai đứa con dồn cả lên vai bố tôi, ông đâm ra thành người kỹ tính. Con gái đã mười tám tuổi mà bố phải dặn chi li từ chuyện ăn, chuyện mặc. Mặc đủ ấm khi trời lạnh... (Ông già không yên tâm với cô con gái chủ trương ăn mặc vị nghệ thuật, bất chấp thời tiết. "Mặc gì" luôn luôn là đề tài tranh luận nảy lửa giữa hai bố con, những sáng mùa đông trước giờ đi học, kể từ khi tôi bắt đầu trở thành một cô bé thích làm điệu, lớn lên giữa Hà Nội đói nghèo của thời bao cấp mà khái niệm "ấm" và khái niệm "đẹp" chẳng mấy khi may mắn đi đôi được cùng nhau.) Ăn uống điều độ... (chứ đừng thỉnh thoảng lại bỏ bữa ban ngày, lục cơm nguội ăn đêm, như hồi ôn thi đại học!) Chịu khó tập thể thao... (đây là điều mà cụ vẫn phàn nàn rằng con chẳng giống cha: bố thì hăng hái hết chạy lại bơi, con thì rảnh rỗi chỉ thích nằm dài ra đọc truyện.) Học tập là nhiệm vụ chính, không được để các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến việc học... (Các hoạt động khác? Hẳn cụ muốn nói đến "hoạt động thương mại"? Nghe nói sinh viên Việt Nam ở Liên Xô và Đông Âu bây giờ buôn bán rầm rầm, bố tôi chỉ sợ con gái theo đuôi bạn bè mà xao lãng chuyện học. Nếu không có cô tôi vừa thuyết phục vừa trách móc thì bố tôi đã quyết không cho tôi mang đi những mặt hàng "chiến lược" kể trên. ("Dính vào chuyện buôn bán phức tạp lắm, nhà mình không có khiếu đi buôn!"). Tôi đang háo hức với chuyến đi, thấy bố bảo sao cũng sẵn sàng nghe vậy, nhưng cô tôi đã đưa ra một lý lẽ đơn giản: "Anh có lo được cho con L.C. không, mà không để nó tự lo cho nó? Mấy năm nữa nó học xong về nước, lấy chồng đẻ con, anh muốn nó cũng sống cực như anh bây giờ à?". Bố tôi lập tức đầu hàng, những rõ ràng trong lòng vẫn không yên.) Tuyệt đối tránh quan hệ yêu đương với người nước ngoài... A, đây mới là vấn đề mấu chốt!
    "Tình không biên giới" là nỗi lo sợ ám ảnh hầu hết các ông bố bà mẹ có con đi du học thời bấy giờ. Đương nhiên, ở một cái xứ, một cái thời, mà việc cô con gái Hà Nội lấy chồng Nghệ Tĩnh đôi khi cũng đủ làm nên một bi kịch gia đình, thì chuyện dâu tây rể tây phải bị coi là đại họa. Vả lại, ai cũng biết rằng đi du học mà "lấy tây" thì chẳng còn đường về nước: đương sự bị coi như kẻ đào ngũ, bố mẹ mất con, gia đình mất danh dự. Đây mới là điều đáng sợ nhất đối với các bậc phụ huynh. Hai tiếng "lưu vong" thời ấy nghe giống như một án tù. Những trường hợp "lưu vong ái tình" trong giới lưu học sinh mới chỉ xảy ra hiếm hoi lẻ tẻ, nhưng cũng đủ để treo gương tày liếp.
    Cuộc đời luôn luôn có những biến động bất ngờ. Thế hệ của chúng tôi, lớp du học sinh ra đi vào những năm tám mươi, sẽ mở đầu cho một làn sóng lưu vong mới mà "ái tình" không phải là nguyên nhân và con đường duy nhất như các năm về trước. Nhưng vào thời điểm đó, đứng chen chúc trên sân bay Nội Bài, nhễ nhại mồ hôi trong cái oi ả của một ngày cuối tháng tám, không ai trong chúng tôi có thể ngờ trước được điều này. Vali đầy ắp hàng và đầu đầy ắp ước mơ, chúng tôi ra đi, để lại sau lưng mình quê hương mà sau này đối với nhiều người mãi mãi sẽ chỉ còn là một chốn để thương để nhớ.
    Đêm đầu tiên ở Matxcơva, trời cuối hè bắt đầu se lạnh. Mệt phờ người sau một chuyến bay dài và một lô thủ tục hành chính rắc rối, nhưng không sao ngủ được, tôi và T.H. ra đứng bên cửa sổ, nhìn xuống thành phố lấp lánh dưới ánh đèn. Choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy của đêm Matxcơva, choáng ngợp vì nhiều cảm xúc mơ hồ, lẫn lộn, choáng ngợp với những dự cảm về một tương lai còn chưa rõ nét nhưng chính vì vậy mà lại có vẻ đẹp huyền bí đến nao lòng. Còn gì rạo rực hơn khi người ta mười tám tuổi, thả hồn bay bổng đến một vùng trời mà mọi mơ ước đều được phép, một vùng trời bí ẩn có cái tên gọi rất quyến rũ là Tương Lai.

Xem Tiếp Chương 2Xem Tiếp Chương 14 (Kết Thúc)
Tìm Trong Nỗi Nhớ
  » Đang Xem Chương 1
  » Xem Tiếp Chương 2
  » Xem Tiếp Chương 3
  » Xem Tiếp Chương 4
  » Xem Tiếp Chương 5
  » Xem Tiếp Chương 6
  » Xem Tiếp Chương 7
  » Xem Tiếp Chương 8
  » Xem Tiếp Chương 9
  » Xem Tiếp Chương 10
  » Xem Tiếp Chương 11
  » Xem Tiếp Chương 12
  » Xem Tiếp Chương 13
  » Xem Tiếp Chương 14
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc