Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Trăng Huyết ( Phần VIII ) Tác Giả: Anthony Grey, Nguyễn Ước    
    Sau 1975, tướng Trần Độ, nguyên Phó Chính ủy Quân Giải Phóng Miền Nam, người góp phần tích cực trong việc hoạch định cuộc Tổng Công Kích Mậu Thân đã nói với Stanley Karnow, tác giả cuốn Vietnam: A History rằng: “Nói thật, chúng tôi không đạt được mục tiêu chính là khích động cuộc tổng nổi dậy khắp Miền Nam.(.) Còn về tác động tại Mỹ thì chúng tôi không có dự tính ấy – nhưng nó lại hóa thành một kết quả rất may mắn.” Để may mắn hơn nữa, Bộ Chính trị rướn thêm hai đợt Tổng Công Kích vào tháng 5 và tháng 9 bất chấp tổn thất xương máu gấp bội đợt thứ nhất. Rốt cuộc, Tổng Khởi Nghĩa chỉ là khẩu hiệu động viên các cán binh đi chết và từ sau năm Mậu Thân 1968, mùa xuân về mang theo lễ kỵ giỗ của khoảng 80.000 người cả bắc lẫn nam.
    Với ba đợt Tổng Công Kích, cơ sở nằm vùng bị vỡ, cán binh Cộng Sản từ rừng núi tràn xuống đồng bằng làm mồi cho phi pháo, nhân dân thấy rõ “bản lai diện mục” của Hà Nội và MTGPMN. Hà Nội không còn đủ quân giành lại nông thôn, phải rút về rừng núi; hoạt động biểu tình, đấu tranh chôáng Mỹ và chính quyền tại nội thành, các phong trào hòa bình, phản chiến của một số trí thức và sinh viên yếu hẳn; đặc biệt MTGP rơi mặt nạ “tổ chức tự phát của Miền Nam”, và từ nay cứ 10 Việt Cộng thì có 8 người từ Miền Bắc.
    Theo tài liệu của MACV, từ tháng 10-1965 đến cuối năm 1968 CSBV đã xâm nhập vào Miền Nam khoảng 600 ngàn quân; trong năm 1968, họ đưa vào khoảng 236 đến 250 ngàn quân; thiệt hại của CSBV (tính luôn cả Việt Cộng) trong năm 1968 là 289 ngàn quân (bị thương, chết, ra hồi chánh, đầu hàng và tù binh). Chính Võ Nguyên Giáp cũng công bố với nữ ký giả Orina Fallaci là đến giữa năm 1969, CSBV đã chết nửa triệu quân.
    Thế nhưng cuộc tấn công Tết Mậu Thân lại đạt thành quả tâm lý và chính trị nhờ báo chí và truyền thanh truyền hình khắp thế giới, đặc biệt tại Hoa Kỳ. Nó vô hiệu hóa nhận định của tướng Westmoreland rằng Mỹ và đồng minh đang chiến thắng; đưa tới sự phá sản các chính sách của Johnson về Việt Nam; góp phần chủ yếu vào việc ông quyết định không ứng cử một nhiệm kỳ tổng thống nữa; đẩy mạnh thêm phong trào phản chiến khiến xã hội Hoa Kỳ thêm quằn quại vì dân chúng chia rẽ; đồng thời dọn đường cho Mỹ đồng ý gặp riêng Bắc Việt tại Paris tháng 5.1968. Năm 1968 cũng là năm tổn thất nặng nề nhất cho HK với số tử thương 14.314, bị thương 150.000 và chiến phí lên tới 30 tỉ mỹ kim.
    Lời từ chối tham dự hòa đàm Paris của Nguyễn Văn Thiệu giúp Richard Nixon đắc cử tổng thống. Để thực hiện lời hứa khi tranh cử là sẽ “kết thúc chiến tranh Việt Nam và đạt được một nền hoà bình trong danh dự”, Nixon bắt đầu dọn đường rút quân và chủ động hòa đàm với Bắc Việt. Như thế, chiến tranh VN chuyển sang một giai đoạn khác, đặc biệt sau chuyến Nixon đi Bắc Kinh, Việt Nam không còn là yếu tố quan trọng trong những quyết định chính trị, quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ ở châu Á.
    Muốn cho cả hai phía “diều hâu” lẫn “bồ câu” vừa lòng, Nixon tiến hành trong cùng một lúc các phương án:
    – Hiện đại hóa vũ khí, tiếp tế và huấn luyện cho quân đội VNCH phát triển trên một qui mô lớn, theo chính sách được ông gọi là “Việt Nam hoá chiến tranh”. Mục đích là giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của HK để rút dần lính đánh bộ Mỹ ra khỏi VN;
    – Mở rộng phạm vi oanh tạc của Mỹ và hành quân phối hợp với QLVNCH sang Cambodia và Lào;
    – Thả thủy lôi phong toả hải cảng Hải Phòng để ngăn chận đồ tiếp liệu bằng đường biển từ Liên Sô vào Bắc Việt, và nếu cần thì oanh tạc Miền Bắc để trả đũa những cuộc tấn công của Cộng Sản tại Miền Nam;
    - Xúc tiến hòa đàm Paris giữa Mỹ và Bắc Việt; đề nghị góp phần tái thiết Đông Dương 7.5 tỉ mỹ kim, trong đó Hà Nội sẽ nhận được 4.2 tỉ;
    - Chuyển quan hệ ngoại giao giữa Mỹ, Hoa và Nga sang giai đoạn mới và mật thiết hơn. Trung Quốc được nhận vào Liên Hiệp Quốc năm 1971 thay Đài Loan. Nixon tuyên bố tại LHQ là “chấm dứt thời đại đối đầu, chuyển sang thời đại thương thuyết trong tinh thần hiểu biết lẫn nhau”. Năm 1972, ông cùng Cố vấn An ninh Quốc gia, Tiến sĩ Henry Kissinger chính thức thăm Bắc Kinh; trong Thông cáo chung phổ biến tại Thượïng Hải, Trung Quốc và Mỹ xác nhận “đều không mưu cầu bá quyền và đều phản đối bất cứ nước nào hay tập đoàn nào cố gắng thiết lập bá quyền ở châu Á”.
    Vào tháng 3.1969, có tới khoảng 540.000 quân nhân Mỹ chiến đấu tại VN, nhưng con số cao điểm đó được rút dần từng đợt cho tới khi chỉ còn 27.000 “cố vấn” ở lại vào cuối năm 1972. Dù Nixon thành công trong việc rút từng bước một các lực lượng trên bộ của Mỹ ra khỏi cuộc xung đột, nhưng trong thời gian ông làm tổng tư lệnh quân đội, có hai chục ngàn lính tác chiến Mỹ bị tử trận tại VN. Và trong hai năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống, ông thả xuống Đông Dương số bom nhiều hơn số lượng Mỹ thả xuống châu Âu và vùng Thái Bình Dương trong Thế Chiến II. Tới tháng 5.1972, mỗi ngày có khoảng 30 ngàn tấn bom rơi trên Đông Dương với phí tổn 20 triệu Mỹ kim — nhưng chiến tranh vẫn kéo dài.
    Đối với dân chúng Mỹ, ảo tưởng về chiến tranh ngày càng tan vỡ khi có sự tiết lộ vào tháng 11.1969 rằng có ba trăm thường dân VN bị lính Mỹ tàn sát tại làng Mỹ Lai 18 tháng trước đó; việc Thượng nghị viện Mỹ rút lại quyết nghị Vịnh Bắc Bộ ngày 24.6.1970 và việc xuất bản vào mùa hè năm 1971 các tài liệu mật bị tiết lộ, được người ta biết tới với cái tên là “Pentagon Papers — Tài Liệu Lầu Năm Góc“. Nó là một bản nghiên cứu chi tiết của chính quyền về sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam kể từ năm 1945 tới năm 1968. Nó cho thấy, một cách đầy kịïch tính, qui mô can thiệp của tổng thống Kennedy trong âm mưu lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm và bối cảnh mơ hồ của Nghịï Quyết Vịnh Bắc Việt mà nay người ta ngày càng biết rõ rằng đã có sự dàn dựng trước của Mỹ để chọc cho quân Bắc Việt tấn công vào tháng 8.1964, nhằm giúp Johnson rộng tay tiến hành chiến tranh tại VN mà không cần tới lời tuyên chiến chính thức. Tài Liệu Lầu Năm Góc còn là một bản liệt kê rất đặc biệt và làm người ta choáng váng về những cách thức mà Kennedy lẫn Johnson cố tình lừa dối nhân dân Hoa Kỳ về vấn đề VN, và vì thế, giờ đây công luận hướng tới cuộc hòa đàm tại Paris.
    Hiểu rõ con đường rút quân không thể đảo ngược của Hoa Kỳ và vẫn bám sát mục tiêu nhất thống nam bắc, kể từ sau Tết Mậu Thân, nỗ lực chính của Hà Nội là chuyển cán bộ chính trị và bộ đội vào nam để lấp đầy chỗ trống — từ đó, chiếm tới 80% quân số các lực lượng võ trang của MTGPMN — và lập lại cơ sở bị phá vỡ trong cuộc Tổng Công Kích Mậu Thân. Đồng thời Hà Nội tiến hành đấu tranh quân sự và chính trị theo một qui mô mới, khai thác tối đa diễn tiến rút khỏi VN càng nhanh càng tốt của Mỹ và gắn liền với tình hình của cuộc điều đình tại Paris vốn bắt đầu từ ngày 13.5.1968.
    Trong khi tiến hành mật đàm với Mỹ, Hà Nội cho ra mắt Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình ngày 10.4.1968 gồm danh sách một số nhân vật tôn giáo và trí thức từ thành thị Miền Nam thoát ly theo MTGPMN. Ngày 6.6.1969, Hà Nội công bố sự ra đời của chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, cũng chỉ gồm một danh sách nội các do Nguyễn Hữu Thọ đứng tên chủ tịch.
    Hai sự kiện đó cùng với việc chính phủ VNCH phóng thích các tù nhân chính trị bị bắt dịp Tết Mậu Thân và các phong trào tranh thủ hòa bình, đòi quyền sống của một số trí thức sinh viên tự xưng là “thành phần thứ ba” tuy không gây được bất ổn như trước đây nhưng tạo thế tuyên truyền cho CS và góp phần tạo thành cái gọi là lý cớ cho chế độ quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu biện minh sự tồn tại của mình. Thiệu tiếp tục dung dưỡng tham ô và thao túng các cơ chế dân chủ từ quốc hội tới các hội đồng tỉnh thị xã; phá hoại các đảng phái hoặc các tổ chức đối lập; ứng cử tổng thống độc diễn. Đồng thời Thiệu không tích cực khai thác lời hứa của Mỹ trong chương trình Việt Nam hóa, tình trạng suy sụp của Cộng Sản sau Mậu Thân và tinh thần chiến đấu quyết liệt của Quân lực VNVH, để xây dựng phương án tự lực tự cường trong tương lai.
    Tất cả những thành tố ấy đều được Hà Nội khai thác triệt để cho cuộc hòa đàm Paris đang bị kéo dài lê thê từ tháng 5.1968. Những đàm phán phức tạp và rắc rối vô tận đó kéo ra tới năm năm, được cả đôi bên sử dụng vào mục đích tuyên truyền, nhưng chỉ tập trung quanh một vấn đề duy nhất là ai sẽ cai trị tại Sài Gòn. Ban đầu, những cuộc đàm phán ấy chỉ diễn ra giữa các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Bắc Việt, về sau được mở rộng cho cả đại diện của VNCH và của MTGPMN, nhưng nhanh chóng lâm vào tình trạng gần như thường xuyên bế tắc. Hà Nội và MTGPMN đòi hỏi rằng hoà bình phải được trả giá bằng việc Hoa Kỳ rút lui toàn bộ và MTGPMN có đại diện trong một chính phủ liên hiệp tại Nam Việt Nam nhưng Nguyễn Văn Thiệu không tán thành ý tưởng liên hiệp đó.
    Trong khi tại Paris cuộc hoà đàm kéo dài mà không đưa tới kết quả chung cuộc nào thì tháng 3.1972, theo đúng sách lược “vừa đàm vừa đánh”, và tận dụng quá trình VN hóa để rút quân của Mỹ, Hà Nội lại phát động một chiến dịch đại tấn công bất ngờ vào Miền Nam bằng ba mũi giáp công, với sự yểm trợ ào ạt của đại pháo, và chiến xa Cộng Sản bắt đầu xuất hiện trên chiến trường. Mũi thứ nhất, xua ba sư đoàn ưu tú nhất của Miền Bắc với 200 chiến xa và phi pháo, lần đầu tiên tràn thẳng qua khu phi quân sự, công khai đánh chiếm Quảng Trị và đe dọa Huế. Mũi thứ hai, ba sư đoàn bộ binh, hai trung đoàn chiến xa cùng bốn trung đoàn pháo tiến chiếm Lộc Ninh, vây An Lộc. Mũi thứ ba, tại cao nguyên, ba sư đoàn Bắc quân tấn công Dakto, tràn ngập Tân Cảnh và ba sư đoàn chủ lực Quân khu 5 chiếm ba quận dọc miền duyên hải Bình Định.
    Quân đội VNCH mà lúc này quân số lên tới 900.000 với vũ khí hiện đại, cùng sự yễm trợ của không lực Mỹ, đã có khả năng đẩy lui cuộc đại tấn công mùa hè ấy và thu hồi phần lớn lãnh thổ bị mất. Bắc quân chỉ còn chiếm được Đông Hà, Lộc Ninh và Tân Cảnh. Để trả đũa, Nixon ra lệnh cho pháo đài bay B-52 của Mỹ dội bom các khu vực chung quanh Hà Nội và Hải Phòng, lần đầu tiên kể từ năm 1968, đồng thời cho gài thủy lôi tại Vịnh Bắc Việt để phong toả hải cảng Hải Phòng. Hậu quả là cuộc chọc thủng phòng tuyến Miền Nam của Cộng Sản bị mất đà và cuối cùng, cuộc tái oanh tạc và thả mìn Hải Phòng của Hoa Kỳ đã buộc lãnh đạo Cộng Sản tại Hà Nội rút bớt các điều kiện hòa bình của họ.
    Tới đầu tháng 10.1972, Bắc Việt từ bỏ việc khăng khăng đòi hỏi MTGPMN phải được lập tức tham gia một chính phủ liên hiệp tại Sài Gòn. Thay vào đó, để đổi lấy việc ngưng bắn và rút quân của Hoa Kỳ, họ đề nghị rằng chính quyền của VNCH sẽ tiếp tục tạm thời nắm quyền trong thời gian một “Hội đồng Hoà hợp và Hoà giải Dân tộc” thảo luậïn các vấn đề hợp tác tại Nam Việt Nam. Trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới vào tháng 11, Nixon và Henry Kissinger, nóng lòng muốn sớm ký kết hoà ước — nhưng Nguyễn Văn Thiệu phản đối kịch liệt những đề nghị mới ấy, gọi đó là một “sự liên hiệp trá hình” và không chịu hợp tác. Bất chấp sự thất bại đó, Hoa Kỳ đáp ứng bằng cách giữ lời hứa ngưng phần nào việc oanh tạc Miền Bắc và Kissinger lên tiếng loan báo rằng hoà bình đang ở “trong tầm tay” trong một cuộc họp báo đầy sôi nổi tại Washington ngày 26.11.1972.
    Hai tuần sau, theo triều sóng lạc quan về hoà bình, Nixon được bầu thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa với tuyệt đại đa số phiếu của cử tri. Thế nhưng sau cuộc bầu cử một thời gian ngắn, khi cuộc hòa đàm Paris tiếp tục trở lại, các bên tham dự lại sa lầy mà không đưa ra được lời giải thích rõ ràng nào về những gì đang cản trở hoà ước. Những người chỉ trích Nixon lập tức cáo giác rằng ông đã lợi dụng hòa đàm để tạo lợi thế cho mình trong cuộc bầu cử. Trong khi thực tế, trước đó, vào ngày 18.12.1972, Nixon cảnh cáo Nguyễn Văn Thiệu rằng nếu cần, Mỹ sẽ đi tìm một thỏa hiệp riêng rẽ với Hà Nội. Trước ngày ký kết Hiệp định Paris, Nixon một mặt trấn an Nguyễn Văn Thiệu bằng một lá thư hứa hẹn rằng nếu CS vi phạm Hiệp định Mỹ sẽ trả đũa dữ dội, mặt khác, ông lại thêm lần nữa trắng trợn đe dọa rằng nếu VNCH không chấp nhận Bản Hiệp định có nội dung chấp nhận 150.000 quân Bắc Việt được ở lại Miền Nam, Mỹ sẽ hành động một mình và sẽ chấm dứt cả viện trợ quân sự lẫn kinh tế.
    Trước đó, khi các đại biểu khởi sự nhóm họp thêm vào lúc bắt đầu tháng 12.1972 tại các biệt thự vô danh trong khu vực ngoại ô Paris, nơi họ từng gặp gỡ nhau suốt bốn năm qua, các ký giả đang ngóng đợi trên các con đường mùa đông tuyết phủ bên ngoài đều mang chung tâm trạng căng thẳng chưa từng thấy. Cũng y như đại biểu của các phái đoàn tham dự, họ chỉ nghĩ tới hoà bình. Đồng thời với lễ Giáng Sinh gần kề, vài người trong bọn họ đoán trước rằng sẽ có những hành động phá hoại đẫm máu được tiến hành trên một qui mô lớn một khi các lực lượng sau cùng của Hoa Kỳ đã cúi đầu chào từ biệt Việt Nam. Trong lúc ấy, máu người VN, thường dân và lính của cả hai bên, vẫn đổ trên khắp đất nước. Tổng kết hai năm 1968-89, Nam Việt Nam bị 39 ngàn người tử thương, 132 ngàn bị thương và 3 ngàn mất tích.
    Về phía Bắc quân, con số thương vong không bao giờ được công bố. Nhưng như nhà văn bộ đội Bảo Ninh kể lại trong cuốn Nỗi Buồn Chiến Tranh, in ở Hà Nội năm 1991: “Tôi không sợ chết, nhưng cứ bắn giết mãi thế này thì chết hoại tính người. Anh còn nhớ trên Plây-cu năm 72 không, có nhớ cảnh thây người la liệt trong khu gia binh không? Máu tới bụng chân lội lõm bõm... Mình vào đây làm gì khi để mẹ già ở nhà cơ cực, không nơi nương tựa, ngày đêm than khóc nhớ con. Mẹ tôi cứ van tôi tìm cách mà trốn... Bao thằng khốn nạn ung dung hưởng lộc chiến tranh chỉ con cái nông dân là dứt lòng ra đi bỏ lại đằng sau cảnh mẹ già màn trời chiếu đất... Thắng hay thua, kết thúc mau hay kết thúc chậm, với tôi chẳng nghĩa lý gì nữa.”
    - 1 -
     Joseph Sherman lật ngược cổ áo măng-tô, kéo lên thật cao để che ngọn gió buốt tháng Chạp thổi dọc Đại lộ Général Leclerc ở Gif-sur-Yvette và dậm mạnh hai chân cho đỡ cóng. Cùng với hai mươi ký giả và phóng viên nhiếp ảnh thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, anh đang trông ngóng Henry Kissinger tới chỗ này. Trong khi đứng hai vai co ro trong trời giá lạnh, Joseph ngẫm nghĩ và nhận thấy sự sắp xếp địa điểm cho cuộc đối đầu này giữa Hoa Kỳ và những người Việt kẻ thù của nó, thật đáng ngạc nhiên và đầy quái đản không kém bất cứ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến tranh đầy hoang mang kéo dài suốt cả chục năm nay. Các đại diện của Mỹ và Bắc Việt đang tiến hành những cuộc họp kỳ kèo để kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương Lần Thứ Hai trong một tòa nhà trên con đường mang tên của vị tướng, vào cuối năm 1945, làm quyền cao ủy kiêm tổng chỉ huy các binh đoàn của Pháp đổ bộ và tái chiếm Việt Nam trong tay của Việt Minh, mở đầu cho cuộc chiến tranh Đông Dương Lần Thứ Nhất.
    Biệt thự nghỉ mát được các phóng viên tụ tập bên ngoài này có tường quét vôi trắng, mái ngói màu da cam, các lá cửa chớp màu lục. Trước đây nó là một cư sở gần như không ai để ý, toạ lạc bên trong vòng tường trét vữa, gắn nhiều phù điêu, tại ven một thị xã thuộc vùng ngoại ô ngái ngủ, cách trung tâm Paris gần hai mươi lăm cây số. Địa chỉ của nó là 108 Đại lộ Général Leclerc.
    Lần đầu tiên nó được chọn làm địa điểm để so đo mặc cả là vào cuối năm 1969 khi Tiến sĩ Kissinger và Lê Đức Thọ, người thương thuyết chính của Hà Nội, khởi sự tiến hành những cuộc tiếp xúc bí mật, nhằm tránh sự nhòm ngó của công luận đang chú mục vào cuộc hoà đàm diễn ra chính thức tại một hội trường vĩ đại của chính phủ Pháp bên Đại lộ Kleber.
    Chủ nhân nguyên thủy của biệt thự nghỉ mát này là Fernand Léger, một nghệ sĩ Pháp tả khuynh. Sau khi ông qua đời, nó được trao cho Đảng Cộng Sản Pháp, một đảng từng được Hồ Chí Minh góp phần thành lập vào thập niên 1920. Ngoài kỷ niệm đó mối quan hệ giữa hai đảng Cộng Sản xoay quanh trục Mát-cơ-va và tình nghĩa quốc tế khiến quan hệ đôi bên ngày càng hữu hảo. Cuộc hòa đàm Paris trong đó Hà Nội đang trực diện đối đầu và dương cao ngọn cờ cách mạng chống đế quốc thực dân mới cũng được xem như một đấu trường thu hút sự yễm trợ vô điều kiện của các đảng Cộng Sản năm châu thế giới, vì vậy Đảng Cộïng sản Pháp cho Hà Nội mượn ngôi biệt thự của nhà họa sĩ làm cư sở ngoại giao. Và suốt những tháng cuối của năm 1972, nó trở thành một trong ba ngôi nhà được Bắc Việt thường xuyên sử dụng nhất tại Paris.
    Qua những chuyện trò với người quen tại Bộ Ngoại giao, Joseph biết rằng những bức họa trừu tượng lập thể của Fernand Léger vẫn còn treo trong phòng khách rộng và dài. Tại đó kê chiếc bàn chữ nhật bọc nhung xốp màu lục. Trên mặt bàn và ngay trước mặt sáu chiếc ghế dành cho phái đoàn Mỹ luôn luôn bày sẵn các chai nước khoáng nhỏ của Pháp cùng với mấy chiếc ly mỗi khi họ sắp đến.
    Thuở còn giữ được bí mật về nơi gặp gỡ này, Kissinger gần như ngày nào cũng bước qua ngưỡng cửa trong hơi thở hổn hển, sau khi phóng xe qua vùng ngoại ô với tốc độ một trăm sáu chục cây số một giờ để bỏ rơi các phóng viên đang rượt theo. Nhưng kể từ lúc địa điểm này được người ta biết tới như hiện nay, ông có thói quen đến rầm rộ hơn, bằng chiếc xe cho thuê hiệu Mercedes màu trắng và hai bên có xe mô tô hộ tống của cảnh sát Pháp chạy kèm.
    Vào hôm mồng 8 tháng Mười, chung quanh chiếc bàn bọc nhung xốp màu lục ấy, Kissinger gần như không nén nổi hồi hộp khi Lê Đức Thọ sau bốn năm dài bướng bỉnh không chút nhượng bộ, đột ngột đảo ngược thái độ, bảo với ông rằng chính quyền Hà Nội cuối cùng sẵn sàng đồng ý chấm dứt sự thù nghịch. Lê Đức Thọ nói rằng Hà Nội sẽ phóng thích tù binh Mỹ, đổi lại tổng thống Nixon phải cam kết sẽ rút toàn bộ quân Mỹ và để cho Nam Việt Nam tự hoạch định tương lai chính trị của chính nó. Lời tuyên bố ấy làm sửng sốt những người Mỹ có mặt vì nó có nghĩa Hà Nội hầu như chấp nhận các đề nghị trước đây của Mỹ và phía Cộng Sản không còn giữ yêu sách quen thuộc là đòi cho MTGPMN phải được tham gia chính phủ liên hiệp tại Sài Gòn. Người Mỹ nhận ra rằng Bắc Việt đang chú mục vào thời điểm bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ sẽ diễn ra trong tháng tới, chỉ còn đúng ba mươi ngày nữa. Và rõ ràng Bắc Việt kỳ vọng rằng họ có thể làm áp lực khiến tổng thống Nixon phải giải quyết thật nhanh để đạt lợi thế tối đa trong các cuộc thăm dò dư luận trước ngày bỏ phiếu — nhưng về mặt khác, có vẻ như không còn có thể nghi ngờ sự thành thật của các đại biểu Hà Nội.
    Tuy nhiên, từ hôm đó tới nay đã hai tháng trôi qua trong căng thẳng dữ dội. Tổng thống Nixon tái đắc cử nhưng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn không chịu chấp thuận kết quả thương lượng kể trên. Và những người cung cấp tin tức cho Joseph tiết lộ rằng khi các cuộc hoà đàm tái tục vào giữa tháng Mười một, người Mỹ nhận thấy Cộng Sản đã trở lại, một cách không giải thích nổi, đường lối bất hợp tác ngoan cố trước kia của họ.
    Phái đoàn Hoa Kỳ cố thuyết phục Cộng Sản tiếp nhận một số điểm phản đối của tổng thống Thiệu nhưng chẳng đạt được chút tiến bộ nào. Joseph còn được nói cho biết rằng không có chọn lựa nào khác ngoài việc ngưng hoà đàm. Từ ngày nhóm họp trở lại vào mồng 4 tháng Mười hai, kỳ họp mới này kéo dài lê thê tới mười ngày. Và kể từ đó, trong những lần tiếp xúc với ký giả, các nhà thương thuyết đầy hoang mang của Mỹ thừa nhận rằng họ càng ngày càng chán nản vì sự thô lổ và đôi khi vì chiến thuật khinh khỉnh mất thời giờ của Cộng Sản.
    Các phóng viên đã tự ý dựng lên một khán đài bên con đường đối diện với biệt thự nghỉ mát ấy để có thể vươn cổ lên cao hơn đầu tường, ngó vào khu vườn bao quanh biệt thự. Thỉnh thoảng, trong những khoảnh khắc nghỉ giải lao giữa các buổi thương thuyết, họ có thể thấy thấp thoáng bên dưới những hàng cây trụi lá, Kissinger và Lê Đức Thọ đang soãi bước và chuyện trò với các phụ tá. Bằng ống viễn kính, người ta chụp được những bức ảnh lung linh của cả hai. Nhưng các cửa sổ của ngôi biệt thự vẫn bị che kín mít bằng những bức màn thẳng nếp, có viền đăng ten, khiến các phóng viên không thể nào thấy chút gì bên trong. Theo dõi cuộc hoà đàm bằng cách thức như thế này quả thật nản lòng nhưng vì đang đặt nhiều hy vọng vào một chung cuộc nên từ mười ngày nay Joseph, cũng y như các đồng nghiệp khác, gan lì bám thật sát mọi dấu vết.
    Trưa 13 tháng Mười hai hôm đó, từng đợt bông tuyết bắt đầu nhảy múa trong gió lạnh khi rốt cuộc đoàn xe của Kissinger chạy tới đại lộ và lao vào khu vườn biệt thự, qua cổng sắt khép kín vừa mở ra đã vội vã đóng sập lại đằng sau đoàn xe. Thân hình chắc nịch, bè bè và mập mạp trong chiếc áo mưa màu trắng với kính đeo mắt gọng nặng chình chịch, Henry Kissinger rảo bước thật lẹ tới cửa trước của biệt thự. Mặt ông nghiêm trọng, không cười không nói khi các phóng viên trên khán đài bên ngoài yêu cầu ông dừng lại một chút cho họ chụp hình.
    Cũng như các ký giả khác, Joseph đang chăm chú nhìn, cố chờ xem hình dáng khắc khổ với đầu tóc bạc của Lê Đức Thọ có xuất hiện để nghênh đón Kissinger nơi ngưỡng cửa hay không. Và vì anh mãi miết chú ý nên không nhận thấy ở một khung cửa sổ nơi tầng trên, bức màn của nó bị ai đó vén lên trong một thoáng. Cuối cùng, Lê Đức Thọ không xuất hiện. Có tiếng xì xào thất vọng rộ lên khắp chung quanh khán đài kèm theo những lời trao đổi và tiên đoán đầy ảm đạm về một lời tuyên bố đình chiến sẽ sớm được đưa ra.
    Từ chỗ của mình bên khung cửa sổ trong một căn phòng nơi tầng trên và trong khi quan sát các phóng viên trò chuyện với nhau, Trần Văn Kim bỗng búng tay lách tách về phía viên phụ tá đang đứng đằng sau anh, ra hiệu bảo đi lấy ống nhòm đưa cho mình. Kim mặc áo đại cán kín cổ màu sẩm, cùng loại y phục của Lê Đức Thọ. Thái độ của anh đối với những thành viên trung cấp trong phái đoàn Bắc Việt cũng xa cách và kiểu cách y như thái độ của Thọ. Khi người phụ tá quay lại mang theo ống nhòm, Kim nôn nóng cầm lấy. Anh thận trọng điều chỉnh ống kính cho tới khi nhóm ký giả trên khán đài hiện rõ trong mục kính. Rồi anh giật nảy mình khi thấy một khuôn mặt. Cuối cùng, Kim vẫn ngồi yên nhìn ra và đều giọng nói với viên phụ tá:
    - Đồng chí đi lấy danh sách các ký giả săn tin cuộc thương thuyết. Kiểm tra kỹ lưỡng xem trong số đó có một người Mỹ tên là “Sherman” không. Lẹ lên đấy!
    Viên phụ tá lật đật rời khỏi phòng. Ít phút sau anh ta quay lại, mang theo một xấp giấy, và vừa thở hổn hển vừa nói:
    - Thưa đồng chí có ạ. Trong danh sách các ký giả Mỹ có một người tên là Joseph Sherman.
    Anh ta rút ra tấm hình của Joseph do một nhân viên hoạt vụ điệp báo của phái đoàn hòa đàm chụp bằng ống viễn kính. Và Kim hăm hở cầm lấy. Trong khi Kim xem xét bức hình, viên phụ tá bắt đầu làm đúng nhiệm vụ, đọc hồ sơ của Joseph:
    - Từ năm 1954 tới năm 1967, giáo sư môn nghiên cứu Á Đông tại Đại học Cornell. Từ tháng Giêng tới tháng Ba năm 1968, cố vấn cao cấp Cơ quan Dân Sự Vụ JUSPAO của Mỹ tại Sài Gòn. Sau đó từ chức và viết một cuốn sách có nhan đề “Người Mỹ Bị Phản Bội” phê bình chính sách của Mỹ tại Việt Nam...
    Kim cáu kỉnh bật thành tiếng:
    - Đúng, đúng. Cuốn sách đó nổi tiếng. Nhưng hiện nay hắn làm gì?
    Người phụ tá lại tra cứu danh sách:
    - Joseph Sherman kết hôn với một ký giả truyền hình Anh và định cư ở Luân đôn. Nhờ danh tiếng cuốn sách ấy mang lại cho mình, hắn hiện nay được tờ The Times ở Luân Đôn đặt viết một loạt bài phân tích đặc biệt về cuộc hoà đàm và chiến tranh. Cho tới hôm nay, đã in được hai bài.
    Người phụ tá đưa hai bài báo cắt sẵn, được gắn vào một tờ giấy khác:
    - Hiện nay hắn trọ tại khách sạn Intercontinental, tại góc đường Rivoli và Castiglione dọc theo Công viên Tuileries. Số phòng 4567.
    Vẫn đứng bên cửa sổ, Kim cẩn thận đọc từ đầu tới cuối hai bài báo cắt. Rồi anh tới ngồi xuống đằng sau bàn giấy, lấy ra một tờ giấy trắng. Anh rút bút bi từ túi ngực áo đại cán ra, tự tay viết bằng tiếng Pháp:
    “Tôi nhận ra anh giữa các ký giả ở bên ngoài. Tôi sẽ gặp anh sáng mai lúc bảy giờ rưỡi phía bên trong cổng Công viên Tuileries, chỗ cuối đường Castiglione. Có lẽ anh rất muốn nghe đôi chút tin tức về Tuyết, con gái của anh — và câu chuyện chi tiết bên trong những thủ đoạn lừa đảo mà Kissinger và những người Mỹ thương thuyết đang theo đuổi bên trong ngôi nhà này. Trần Văn Kim.”
    Anh đút mảnh giấy vào bì thư, dán lại rồi đưa cho viên phụ tá:
    - Gọi một trong các ký giả của ta qua máy truyền tin trên xe anh ta và yêu cầu anh ta lập tức đến đằng sau nhà. Đưa anh ta thư này, bảo trao ngay cho Sherman. Nói với anh ta rằng tôi sẽ trông chừng từ cửa sổ này.
    Khi người ký giả Cộng Sản Pháp mặc áo da không quen với Joseph, đưa cho anh phong thư ấy trên khán đài, Trần Văn Kim thấy vẻ mặt của người Mỹ cau lại vì kinh ngạc. Kim quan sát Joseph đọc mảnh giấy. Nhưng khi Joseph nhướng con mắt sửng sốt lên nhìn về phía biệt thự nghỉ mát, Kim đã thận trọng lùi bước ra xa màn cửa để khỏi bị trông thấy.
    Từ đại sảnh bên dưới, vang lên rõ mồn một giọng đều đều của Kissinger, nói tiếng Anh với lối uốn giọng trong cổ họng của tiếng Đức. Bằng cung giọng lên rồi xuống theo nhịp điệu khi thẳng thừng khi gay gắt, viên Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nói cho bộ mặt không lộ chút cảm giác của Lê Đức Thọ nghe. Rằng phái đoàn Bắc Việt, vì một lý do nào đó không nói ra, lúc này rõ ràng là đang né tránh và thường xuyên giở thủ đoạn gian trá, vì thế Hoa Kỳ không sẵn sàng tiếp tục cuộc thảo luận, và do đó, cuộc thương thuyết bị đình chỉ.
    

Xem Tiếp Chương 2Xem Tiếp Chương 11 (Kết Thúc)
Trăng Huyết ( Phần VIII )
  » Đang Xem Chương 1
  » Xem Tiếp Chương 2
  » Xem Tiếp Chương 3
  » Xem Tiếp Chương 4
  » Xem Tiếp Chương 5
  » Xem Tiếp Chương 6
  » Xem Tiếp Chương 7
  » Xem Tiếp Chương 8
  » Xem Tiếp Chương 9
  » Xem Tiếp Chương 10
  » Xem Tiếp Chương 11
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu