Mùa xuân năm 1940, Đức tràn quân qua Đan mạch, Na uy, Hà lan, Bỉ và tới tháng Sáu, buộc được nước Pháp đầu hàng. Tại Á Đông, quân đội Thiên hoàng Nhật lúc ấy đang tung ra những cuộc tấn công nhằm mở rộng phạm vi kiểm soát tại Trung Hoa và phối hợp nhịp nhàng với những chiến thắng của Đức Quốc xã tại châu Âu. Việc chính quyền Vichy của Pháp hợp tác với Đức đưa tới hậu quả Toàn quyền Pháp tại Đông Dương - cách nước Pháp hai mươi ngàn cây số - gần như mất liên lạc với Paris, và noi gương chính quốc, phải tự mình xoay xở.
Tháng 8.1940, Pháp và Nhật Bản ký hiệp định Tokyo trong đó Pháp cho Nhật dùng các sân bay để tiến công miền Nam Trung Quốc, và đem nền kinh tế Đông Dương phục vụ cho guồng máy chiến tranh của Nhật. Tuy thế, chỉ hơn hai mươi ngày sau, Nhật vẫn vượt biên giới vào Bắc kỳ, đánh chiếm Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng, đổ bộ lên Đồ Sơn, bắt đầu cho sự có mặt của lính Nhật trên toàn cõi Đông Dương.
Sau đó, chiến tranh ngày càng kéo dài. Chính quyền Pháp tại Đông Dương hợp tác êm thắm với Nhật, cung cấp cho Nhật lúa gạo, than đá, cao su và các nguyên liệu khác. Sự kiện một nước Á Đông buộc được nước Đại Pháp phải gánh chịu nhục nhã đưa tới hậu quả hủy diệt hoàn toàn hình ảnh bất khả chiến bại của thực dân da trắng - một hình ảnh từng kéo dài suốt gần một thế kỷ - đồng thời tạo niềm khích lệ mới mẻ cho các nhóm chống Pháp ở Nam kỳ, Trung kỳ lẫn Bắc kỳ, và cách riêng, cho người cộng sản bản xứ.
Sau một thập niên phân tán, những người An Nam theo chủ nghĩa dân tộc qui tụ lại để chống Pháp trong các đảng phái thiếu tổ chức chặt chẽ, thiếu vận dụng các phương pháp đấu tranh một cách triệt để và khoa học. Họ nương theo quân đội Nhật Bản để từ Trung Hoa nhập Việt. Thế nhưng, sau khi điều đình xong với Pháp và nắm quyền chủ động ở Đông Dương, người Nhật không thật tâm ủng hộ các phong trào đòi độc lập dân tộc. Phục Quốc Quân của Trần Trung Lập vừa theo Nhật đặt chân về nước liền bị Nhật để cho Pháp đánh tan ở Lạng Sơn; chủ tướng bị bắt và bị xử bắn cùng với hàng trăm đồng chí.
Trước đó, lại thêm một cuộc “cộng sản dậy” tại Nam kỳ vào tháng 11.1940. Nhiều tổng xã trong một số tỉnh và huyện ở Nam kỳ đồng loạt nổi dậy. Đa số những người lãnh đạo cuộc nổi dậy ấy theo bôn-sê-vich, xuất thân Học Viện Thợ Thuyền Đông Phương KUTV của Stalin, đã chọn phương pháp đâáu tranh chẳng khác gì Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930. Cán bộ cộng sản sát hại bằng cách mổ bụng dồn trấu thả trôi sông, chém giết nhiều viên chức chính quyền tổng xã, đại điền chủ thân Pháp, các hương chức có thành tích bắt bớ hoặc từng đánh đập những ai bị nghi ngờ hoặc thật sự có hoạt động quốc sư,ï và những trí thức nông thôn thường phê bình cộng sản qua thông tin của tôn giáo hay tài liệu họ có được... Ngoài ra, đảng viên cộng sản còn diễn thuyết, sách động nông dân đốt phá trụ sở làng, đốt phá hồ sơ, sổ sách... Sự dùng dằng và lủng củng giữa Trung ương Đảng ở miền bắc và Xứ bộ Nam kỳ khiến hàng chục đảng viên lãnh đạo cấp cao bị Pháp bắt và xử tử, trong đó có cả Nguyễn VănCừ, tổng bí thư đảng, và hàng ngàn đảng viên trung ương lẫn địa phương bị đưa đi đày ở đảo Côn Lôn, khiến cơ sở đảng tại xứ Nam kỳ thuộc địa gần như tê liệt.
Ngoài ra, còn có cuộc nổi dậy lẻ tẻ tại Bắc kỳ ở Bắc Sơn và binh biến Đô Lương ở Nghệ An, nhưng đều bị dập tắt nhanh chóng vì thiếu sự tham gia của đông đảo quần chúng.
Trên khắp An Nam, tình thế rối ren hơn bao giờ hết. Dân chúng cực kỳ khốn khổ vì phải nạp thóc vừa cho quân đội Nhật sử dụng trong khi đánh Đồng Minh, vừa cho chính phủ Đông Pháp dự trữ để chờ sự đổ bộ của quân đội Đồng Minh. Một phần lớn ruộng đất bị trưng dụng để trồng thầu dầu, đay, gai, hầu cung ứng cho kỹ nghệ chiến tranh của Nhật. Quan lại nam triều thừa dịp ấy bóc lột nhiều thêm khiến dân chúng từ thôn quê tới thành thị đều bị đói kém, cơ hồ hết sức chịu đựng.
Những người An Nam làm cách mạng chịu hai tầng trấn áp. Một mặt, trong khi nhân nhượng quân Nhật và đề phòng người bản xứ nổi loạn, người Pháp lùng bắt và đưa đi an trí hàng chục ngàn người bị họ xét thấy là nguy hiểm cho nền cai trị đang lúc yếu thế của họ. Một mặt, người Nhật và các quan lại nam triều, trên thực tế hầu hết chỉ là tay sai của Pháp và khiếp sợ Nhật, muốn dẹp yên những phần tử khích động quần chúng chống lại chính sách vơ vét tài nguyên bản địa của Nhật và Pháp. Các đảng phái có gốc từ hậu duệ Quốc Dân Đảng như Đại Việt Dân Chính hoặc Đại Việt Dân Xã, Việt Nam Ái Quốc Đảng, đều được thành lập nhân chiêu bài “châu Á của người châu Á” và “Đại Đông Á” của quân phiệt Nhật với đa số đảng viên là trí thức, công chức và sinh viên chưa già dặn thủ đoạn chính trị. Họ cũng bị Nhật để mặc cho Pháp tha hồ lùng bắt khắp nước nên hầu hết các lãnh tụ phải lưu vong sang “thánh địa” Quảng Châu và Côn Minh.
Tháng Sáu năm 1941, Hitler xé bỏ Hiệp Ước Bất Tương Xâm từng ký kết hai năm trước đó với Liên bang Sô viết và xâm lăng Liên Sô. Hành động ấy biện minh cho việc quay ngoắt quan trọng về chiến tuyến của người cộng sản An Nam, vì chỉ qua một đêm và đi theo lập trường mới của Mát-cơ-va, họ biến thành đồng minh của các đạo quân Âu Mỹ đánh lại lực lượng khối Trục.
Lúc này địa bàn hoạt động chủ yếu của đảng Cộng Sản Đông Dương chuyển từ Nam kỳ ra Bắc kỳ, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc tại Pắc Bó, một sào huyệt ở Cao Bằng, nằm kề biên giới Trung Hoa. Ông về Pắc Bó lần thứ nhất vào tháng 2.1941 với tính cách đại biểu của Quốc tế Cộng sản. Ông chủ trì đại hội bầu Trường Chinh làm tân tổng bí thư, đồng thời đích thân phục hoạt Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Minh), một tổ chức của những người theo dân tộc chủ nghĩa, do hai chiến hữu cũ của Phan Bội Châu là Nguyễn Hải Thần và Hồ Học Lãm thành lập ở Nam Kinh năm 1936, và từng được Quốc Dân Đảng Trung Hoa thừa nhận. Tổ chức Việt Minh ấy hầu như đã bị rơi vào quên lãng từ lâu, nhưng nay dưới sự phục hoạt của Nguyễn Ái Quôác, nó là tổ chức duy nhất trong nước có quan hệ với các tướng lãnh Trung Hoa. Tháng 8.1942, Nguyễn Ái Quốc sang Tàu cốt để gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc của Mao Trạch Đông nhưng ông bị phe Tưởng Giới Thạch bắt giam cho tới tháng 9.1943. Ở trong tù, ông thuyết phục được tướng Trương Phát Khuê là ông có khả năng huy động Việt Minh hợp tác tích cực với Trung Hoa.
Một năm sau khi ra khỏi nhà tù và sinh hoạt với các thành phần dân tộc chủ nghĩa tại Liễu Châu, Nguyễn Ái Quốc lại về Pắc Bó lần thứ hai vào tháng 10.1944, với danh xưng mới là Hồ Chí Minh, một cái tên xa lạ với quần chúng quốc nội. Mục đích chính của họ Hồ là dương cao khẩu hiệu “Đánh Nhật và đuổi Pháp”, sử dụng Mặt trận Việt Minh để che giấu nguồn gốc cộng sản của những thành viên và cơ sở chủ chốt, đồng thời ngụy trang với diện mạo của người theo chủ nghĩa dân tộc để dễ dàng tiếp cận quần chúng trong nước và tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng đồng minh phương tây. Trong khi đó, thành phần chủ lực của các đảng phái theo dân tộc chủ nghĩa đang lưu vong ở Trung Hoa không có liên hệ chặt chẽ với quốc nội và lúng túng trong thái độ đối với Đồng Minh vì e rằng ủng hộ tích cực Đồng Minh tức là gián tiếp mở đường cho Pháp trở lại đô hộ như cũõ. Một vài tổ chức chính trị mới được thành lập ở trong nước, nương theo sự hiện diện của quân Nhật, chỉ phát triển hạn hẹp trong giới nhân sĩ, trí thức, sinh viên. Các nhân sĩ và giáo phái cũng như tổ chức thanh niên tiền phong ở Nam kỳ có quan hệ mật thiết với Nhật, nhất là sau ngày Nhật đảo chánh Pháp.
Trước đó, suốt những tháng cuối năm 1941, Nhật dùng Đông Dương làm bàn đạp để tập trung sức mạnh trên đất liền và biển cả; rồi trong tuần lễ đầu tiên của tháng Mười Hai, họ tiến quân ồ ạt và dữ dội vào Mã Lai, Hồng Kông, Guam, quần đảo Phi Luật Tân, Indonesia thuộc Hà Lan và các đảo vùng Nam Thái Bình Dương.
Vào đêm mồng 6 tháng Mười Hai, oanh tạc cơ Nhật ồ ạt bay tới Hawaii, tập kích căn cứ hải quân Hoa Kỳ tại Pearl Harbour (Trân Châu cảng), cùng lúc ấy, các đơn vị bộ binh Nhật bao vây tất cả những binh đoàn đã qui thuận sẵn của Pháp tại Đông Dương để đề phòng bạo loạn; và các binh sĩ Pháp không đề kháng chút nào.
Ngay chiều hôm sau, Thứ Hai 8.12.1941, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt yêu cầu họp khoáng đại Thượng nghị viện Hoa Kỳ tại thủ đô Washington để tuyên chiến với Nhật Bản - một hành động đưa tới việc nhiều người Mỹ can dự vào các sự vụ tại Á Đông trong những năm tiếp đó.
- 1 -
Khi tám mươi hai thượng nghị sĩ - thể theo lời yêu cầu của Franklin D. Roosevelt họp để tuyên chiến với Nhật Bản - từng người một từ tiền sảnh Toà nhà Quốc Hội bước vào nghị trường ở cánh bắc Điện Capitol với vẻ mặt quyết liệt, kim chiếc đồng hồ mặt vàng trên tường đằng sau ghế của Phó Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ kiêm Chủ tịch Thượng nghị viện chỉ đúng mười hai giờ bốn mươi bảy phút trưa Thứ Hai ngày 8 tháng Mười hai năm 1941.
Trên bao lơn bao quanh ba mé nghị trường, các hàng ghế dành cho công chúng Mỹ chật ních những người mất tinh thần. Họ vừa lũ lượt kéo nhau vào Điện Capitol để chứng kiến thời điểm long trọng công bố việc tổ quốc mình can dự vào cuộc khủng hoảng đang lan rộng khắp thế giới. Trong hàng ghế dành cho gia đình nghị sĩ, Joseph Sherman ngồi giữa Temperance, vợ anh, và Guy, cậu em mười sáu tuổi của anh, yên lặng quan sát cha đang chống cây gậy làm bằng cành cọ, đầu bịt bạc, khập khểnh đi tới chỗ ngồi của ông, sát bên chiếc bục cao dành cho phó Tổng Thống.
Tuổi lục tuần với đầu tóc xù cùng bộ ria rậm bạc trắng như tuyết, nhưng đó không là vẻ độc nhất làm vị thượng nghị sĩ lâu năm của đảng Dân Chủ ấy nổi bật giữa các chính khách đồng viện. Một bên bộ mặt hồng hào của Nathaniel Sherman nhăn nhíu vì những lằn sẹo mờ nhạt. Cổ tay áo trái nhét vào túi áo vét theo cách cố ý phô ra cho người ta thấy. Bả vai phía trên cánh tay vốn bị cắt cụt ở Sài Gòn mười sáu năm trước, lẹm vào rất sâu. Phải khó nhọc lắm ông mới buông được thân mình xuống lòng ghế đằng sau chiếc kệ nhỏ bằng gỗ màu nâu đỏ dành cho mỗi thượng nghị sĩ.
Tuy bị thương tật đến thế thượng nghị sĩ Nathaniel vẫn thích mặc y phục hào nhoáng. Vào dịp nghiêm trọng này ông chọn cho mình chiếc cà-vạt lụa màu sẩm, áo sơ mi cổ cồn trắng cùng áo vét mặc buổi sáng, kiểu thời Hoàng đế Edward nước Anh bốn mươi năm trước.
Trong khi nghe xướng danh, Nathaniel tì lệch một bên người lên mép kệ, ghi chú nguệch ngoạc và không ngước mắt nhìn cho tới khi thư ký Quốc Hội đọc xong lần thứ hai bản dự thảo nghị quyết của Quốc Hội có nội dung chính thức tuyên bố xác nhận Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đang lâm vào tình trạng chiến tranh với chính quyền Thiên Hoàng Nhật Bản.
Tiếp đó, Phó Tổng Thống kiêm Chủ tọa hỏi:
- Quí đồng viện nào có ý kiến phản bác bản dự thảo nghị quyết khoáng đại vừa đọc xin vui lòng phát biểu?
Không một tiếng đáp lại. Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Thượng nghị viện đứng lên và lập tức cất tiếng:
- Thưa Chủ tọa, tôi xin yêu cầu không một chút trì hoản rằng những phiếu thuận và phiếu chống...
Phát biểu chưa hết câu ông bỗng chửng lại khi bất chợt thấy Nathaniel Sherman vừa lóng cóng đứng dậy vừa nói thật chậm rải:
- Nếu vị thượng nghị sĩ Texas đáng kính có lòng quảng đại nhường lời cho tôi... tôi xin trình bày ngắn gọn ý kiến của mình về bản nghị quyết khoáng đại...
Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại lập tức đáp lại, không màng giấu vẻ bực bội:
- Thưa Chủ toạ, vào thời điểm lịch sử này, cả hai phía đối lập của nghị trường đều đã cùng thông hiểu nhau tới độ không phía nào bảo lưu những ý kiến không cần thiết. Tôi hy vọng sẽ không có ý kiến nào...
Hướng nụ cười đầy tôn kính về phía Chủ tọa, Nathaniel Sherman tiếp tục đứng:
- Thưa Chủ tọa, nhưng nếu vị Chủ tịch Ủy ban chịu nhường lời trong chốc lát thôi, tôi đoan chắc rằng mình sẽ không đối lập sâu sắc với những gì vị ấy đang có trong tâm trí.
Trên hàng ghế tham quan Guy toét miệng cười với anh và háo hức chồm người tới trước. Kề vai bên kia của Joseph, Temperance cũng nhìn xuống nhạc phụ với vẻ ngưỡng mộ. Năm năm trước, nàng mê mẩn phong thái miền nam đầy quyến rũ của Nathaniel ngay hôm đầu tiên Joseph mời nàng tới thăm gia đình anh ở ngôi nhà đồn điền Queen Anne bên bờ sông James. Và vì thái độ hoà nhã ông đã tỏ ra với nàng từ lúc đó, nàng càng ngày càng quí mến ông.
Tuy thế, đối với Joseph, giọng nói miền nam phong phú âm điệu của cha vang lên giữa nghị trường Thượng viện lại khiến lòng anh phát sinh một phản ứng khác. Hiếm khi anh tham dự những sinh hoạt chính trị của gia đình vì anh khó gạt khỏi tâm trí mình cái ấn tượng rằng động lực chính của cha không hẳn là duy trì sâu xa những xác tín chính trị mà chỉ là khát vọng làm dáng cùng với lòng khao khát được nổi bật trước công chúng.
Một đôi lần Joseph tự hỏi phải chăng mình có thái độ quá cay nghiệt đối với cha, thế nhưng ấn tượng ngờ vực ấy vẫn dai dẵng mãi trong lòng anh. Và lúc này, quan sát kỹ tất cả những dãy ghế xếp thành hai phía rạch ròi trong nghị trường bên dưới, phân theo con số nghị sĩ của hai đảng đối lập, anh tưởng chừng có thể thấy rõ hết thảy các thượng nghị sĩ của cả hai phía đều cau mặt như nhau. Tuy thế, cha anh vẫn bướng bỉnh đứng yên bên chiếc kệ của ông. Và Joseph tin chắc ông hiểu rất rõ rằng chính những thương tật của tai nạn năm xưa giờ đây làm cho bộ mặt ông mang đầy vẻ gay cấn và khích động.
Thượng nghị sĩ Chủ tịch Ủy ban nói lạnh nhạt:
- Dĩ nhiên vị thượng nghị sĩ Virginia có quyền phát biểu nếu ông ấy cứ nhất quyết yêu cầu được lên tiếng. Nếu ông ấy từ chối việc không bảo lưu ý kiến như mọi đồng viện khác, tôi chẳng còn chọn lựa nào khác hơn nhường lời.
Nathaniel Sherman đáp trả bằng một nụ cười nồng ấm rồi cúi đầu thật sâu về phía phó Tổng Thống, tỏ ý biết ơn:
- Thưa Chủ tọa, tôi biết ơn về việc đã cho tôi được đưa ra những ý kiến sau đây. Lúc này, đột nhiên tôi nhận ra rằng Thượng nghị viện Hoa Kỳ là một bộ phận vĩ đại nhất, qui tụ những người không dễ tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên địa cầu - và cũng là một bộ phận tập hợp những con người trung thực nhất, hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Đó là lý do hôm nay, trong khi lập quyết định có tính lịch sử này, chúng ta phải hết sức minh bạch tỏ rõ những cảm xúc chân chính của mình.
Nathaniel dừng lại, ngửa người ra sau một chút để gây tác động rồi đưa mắt nhìn chằm chặp khắp hội trường:
- Thưa Chủ tọa, từ bầu trời xanh thanh bình ngày Chúa Nhật và không một lời cảnh báo, Nhật Bản đã phóng ra một cuộc tấn công bỉ ổi nhất và hèn nhát nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Nhật Bản đã xâm phạm chủ quyền của chúng ta, tàn sát công dân của chúng ta, và hành động đê hèn ấy phơi bày một tham vọng điên cuồng sặc mùi ô nhục. Đối với Nhật Bản, thưa Chủ tọa, chúng ta nên trả lời một câu như thế này: “Các ngươi đã tuốt gươm ra, các ngươi sẽ chết bởi chính lưỡi gươm ấy!” Và đối với Tổng Thống của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, câu trả lời của chúng ta nên như thế này: “Để bảo vệ những gì chúng ta đã và đang gìn giữ một cách thiêng liêng, chúng ta trịnh trọng đứng lên chào màu cờ tổ quốc và sẵn sàng tiến bước!”
Dừng lại thêm lần nữa, Nathaniel đặt bàn tay độc nhất lên mặt kệ và bạnh hàm một cách hùng hổ:
- Chúng ta sắp bỏ lá phiếu quan trọng nhất, lá phiếu mà từ trước tới nay chúng ta chưa bao giờ được yêu cầu sử dụng tới. Chúng ta sắp làm điều mà không một ngành nào khác của chính quyền có thể làm, đó là tuyên chiến. Hiến pháp trao cho Quốc Hội quyền hành lớn lao ấy và hôm nay, chúng ta phải tỏ rõ cảm xúc của mình một cách cực kỳ minh bạch. Trong mấy tuần lễ vừa qua, tại nghị trường này đã nhiều lần vang lên tiếng nói bất đồng ý kiến đầy tai hại. Những tiếng nói “Hoa Kỳ phải lo cho mình trước đã” từng được cất lên rất thường xuyên bởi những kẻ chủ trương cô lập. Và tôi tin rằng chính ý kiến đó chịu trách nhiệm trực tiếp việc khuyến khích kẻ thù thực hiện những hành động đáng khinh bỉ của chúng. Chúng đang trông mong nội bộ của chúng ta suy yếu - chính vì thế, hôm nay chúng ta phải tỏ ra cho chúng thấy rõ rằng, trên tất cả mọi sự, chúng ta cương quyết siết chặt hàng ngũ của quốc gia chúng ta và chúng ta phải biểu lộ sức mạnh ý chí và quyết tâm của chúng ta. Đó là hai hòn đá nền tảng và song sinh, trên hai tảng đá ấy lập nên sự thắng lợi của chúng ta. Trong giờ phút đen tối này, chúng ta loan báo cho toàn cả địa cầu biết rằng một trăm ba mươi triệu người Mỹ hiện đang đoàn kết và kiên quyết chiến đấu. Thế giới phải biết rằng Hoa Kỳ ghét chiến tranh nhưng Hoa Kỳ sẵn sàng và luôn luôn chiến đấu một khi tổ quốc của mình bị xâm phạm...
Giọng thượng nghị sĩ ăm ắp xúc động khi ông hâm nóng đề tài của mình. Trong lô khán giả, Temperance rõ ràng đang bồi hồi, nhích sát hơn vào người Joseph và đưa tay bóp bóp tay chồng.
Thân thể Temperance vốn thon thả và trông rất thể thao lúc cả hai mới gặp nhau, giờ đây đầy đặn và chín muồi do hậu quả lần mang thai thứ hai. Mái tóc nâu màu hạt dẽ với những gợn sóng óng mượt vẫn mịn màng ôm đôi má trong thời kỳ rực rỡ nhất của chức năng làm mẹ. Khi Joseph quay qua nhìn vợ, anh thấy dù đang để hết tâm trí vào vấn đề, nàng vẫn chan chứa vẻ thanh thản định tĩnh của một người nữ vừa qua kỳ sinh nở và trên bộ mặt không một vết nhăn của nàng tràn trề mãn nguyện. Anh cảm thấy lòng nao nao thương cảm, và đáp ứng lại, anh dịu dàng trìu mến siết chặt tay vợ.
Joseph và Temperance gặp nhau tại Baltimore trong một cuộc triễn lãm nghệ thuật phương đông, chỉ một hai tuần sau ngày Joseph từ Sài Gòn trở về. Anh tìm thấy nơi nàng một bản sắc Mỹ nồng nhiệt và đơn giản, làm lòng anh dịu lại sau cơn xúc động và rối loạn anh vừa chịu ở Á Đông. Temperance là con gái của một luật sư mộ đạo. Ông đặt tên cho hai người chị của nàng là Faith: Đức tin, và Charity: Bác ái, còn tên nàng Temperance: Trung dung.
Mới ghé thăm hạt Charles lần đầu, Temperance đã mê thích toà nhà của dòng họ Sherman nơi đồn điền Queen Anne. Nàng thở hắt trước vẻ vĩ đại của tiền sảnh và chiếc cầu thang chạm trổ, bóng loáng, làm bằng gỗ óc chó. Nàng tuyên bố có thể nhận ra hai tai và mũi của Joseph trong những bức chân dung đóng khung mạ vàng vẽ chín thế hệ dòng họ Sherman treo trên các bức vách dán pa-nô. Và Temperance còn dẫn dụ được thân phụ của Joseph cho phép nàng ngủ đêm đầu tiên ấy trong chiếc giường lớn thường kêu kẽo kẹt, bốn góc cắm bốn cọc cao dùng để mắc rèm. Đó là chiếc giường đặc biệt, được gia đình Joseph trịnh trọng xác nhận rằng chính Robert E. Lee, vị đại tướng lừng danh thời nội chiến Nam Bắc một trăm năm trước, khi còn trẻ từng ngủ ở đó trong không biết bao nhiêu lần ông ghé thăm.
Dù Joseph chưa bao giờ thừa nhận nhưng anh biết rằng quyết định cầu hôn của mình bị tác động sâu xa bởi chính mối thiện cảm mộc mạc và say đắm Temperance dành cho thuở vàng son của Virginia, một thời đại từng phai nhạt rất nhanh trong tâm trí Joseph khi lòng anh ngày càng mê mẩn phương đông cổ đại.
Vào tháng Sáu năm 1936, trong thời kỳ rảnh rỗi sau khi hoàn tất bản thảo cuốn sách về các nước triều cống Trung Hoa, Joseph cực chẳng đã phải chấp nhận phụï trách quản lý nhà cửa và đất đai của đồn điền theo lời cha yêu cầu: “chỉ một vài năm thôi”, để thượng nghị sĩ có thể dấn thân trọn vẹn hơn cho những nghĩa vụ chính trị tại Washington.
Tempe, tên thân mật gia đình dùng để gọi Temperance, vừa học luật xong và rùng mình trước viễn ảnh trở thành đệ nhất phu nhân của một trong các toà nhà trang nhã nhất và nổi tiếng nhất Virginia. Cả hai kết hôn mùa thu năm đó với một đám cưới trọng thể diễn ra trên các bãi cỏ nhìn xuống dòng sông James xinh đẹp.
Vì thiện cảm đặc biệt với Tempe, thượng nghị sĩ Nathaniel Sherman biến hôn lễ ấy thành một biến cố xã hội lớn nhất trong năm. Ông thuê hai ban nhạc và mời nhiều nhân vật chính trị hàng đầu từ Washington đến dự. Và ngay lúc đó Joseph bứt rứt nhận ra rằng chính những khổ đau thấm thía anh đã chịu khi từ Đông Dương trở về đã ảnh hưởng lên việc anh hấp tấp lập gia đình. Tuy thế, không bao giờ anh kể cho Tempe nghe chuyện tình quá khứ, và theo năm tháng trôi qua, tâm tư Joseph phôi pha dần những ký ức buốt nhói ấy.
Một năm sau, Gary, đứa con trai đầu lòng chào đời. Nó là nam nhi Sherman thứ ba mươi lăm của dòng họ nội, kế tục nhau bắt đầu cuộc đời nơi toà nhà đồn điền cổ kính này. Trong khi nghị lực của Joseph bị cuốn hút hết ngày này sang ngày nọ vào việc nắm vững những vấn đề anh chưa quen thuộc như quản trị bất động sản và mùa màng của đồn điền, Tempe cho phép mình thưởng thức mùi vị của công tác tổ chức “đạo quân” nhỏ bé gồm những người giúp việc da đen vẫn giữ lối sống theo phẩm trật gia đình và xã hội của người Virginia thuộc giai cấp của họ.
Giữa cuộc sống gia đình xuôi theo năm tháng hình thành những lề thói không thay đổi, Joseph thỉnh thoảng vẫn cảm thấy lòng nao nao một nỗi ngậm ngùi nào đó nhưng nói chung, năm năm hôn nhân đánh dấu một tình trạng mãn nguyện và bình lặng. Cả anh lẫn Tempe đều sung sướng khi Mark, đứa con trai thứ hai, chào đời vào đầu mùa thu năm 1941 này.
Những tường thuật đầu tiên về lực lượng quân sự trấn áp của Nhật Bản đóng chung quanh Sài Gòn tới Hoa Kỳ vào đầu tháng Mười Một khiến Joseph chợt nhận ra rằng từ một hai năm nay, anh hoàn toàn không nghĩ tới người thiếu nữ An Nam xinh đẹp cùng với cuộc tình đã tàn lụi.
Rồi hình ảnh một nước Nhật điên cuồng đang diễu hành những binh đoàn hiện đại của nó khắp xứ sở cổ đại ấy, nơi Joseph từng mê mẩn vì quá khứ của nó, làm anh tự hỏi không biết Lan và gia đình nàng đang trong tình trạng như thế nào. Rốt cuộc nàng có thành hôn với Paul Devraux không? Và nếu cả hai còn ở đó, tình trạng của Paul lúc này ra sao? Anh ấy có còn là quân nhân dưới sự giám hộ chặt chẽ của người Nhật không?
Những ý nghĩ như thế vật vờ lui tới trong tâm trí Joseph suốt mùa thu nhưng thời gian trôi qua đã hầu như làm phai nhạt mối quan tâm của anh. Anh tự nhủ rằng những gì mình đang cảm thấy thật ra chỉ có tính cách hiếu kỳ về những con người và những biến cố không bao giờ còn tác động lên thực tế cuộc sống của mình nữa.
Tuy nhiên, cũng y như mọi người, Joseph choáng váng trước các biến cố trọng đại xảy ra hôm Chúa Nhật đầu tháng Mười Hai. Tin tức về những con tàu rực cháy, vỡ nát và những người lính thương vong được đài phát thanh loan báo lúc anh và cả nhà vừa thoải mái dùng xong bữa ăn trưa trong phòng ăn vách dán pa-nô. Chúng làm anh và hết thảy những người Mỹ khác bỗng chốc nhận ra rằng Thái Bình Dương bao la, hoang vu và trống trải kia không còn có thể che chắn cho họ tránh được những hỗn loạn của cuộc chiến tranh đang lan tràn khắp Á Đông.
Suốt Chúa nhật đó, Joseph và Tempe thì thầm thảo luận về những gì cả hai vừa ghi nhận, để tiếng nói của họ không lọt tới tai cậu con trai nhỏ Gary. Nhưng không phải đợi tới lúc ngồi lắng nghe cha phát biểu hùng hồn trên diễn đàn của Thượng nghị viện về việc trả đũa Joseph mới nhận biết trọn vẹn phản ứng của anh từ đầu chí cuối thật ra là gì: đó là cảm giác hào hứng đang bị dồn nén!
Trận oanh kích Trân Châu Cảng cũng sẽ buộc Hoa Kỳ dấn sâu vào trận chiến ở Á Đông. Và xét theo bản năng của mình, Joseph biết rằng trước sau gì anh cũng sẽ tham dự. Thế nào cuộc chiến này cũng sẽ mang anh trở lại vùng đất nơi thiên nhiên và lịch sử của nó đã mê hoặc anh trong một thời gian rất lâu.
Lòng Joseph lâng lâng khoan khoái trước viễn ảnh đó. Đây là lần đầu tiên anh hiểu tận tường rằng cuộc sống thôn dã đang làm mình cảm thấy tù túng biết bao. Ngượng ngùng về sự bất chợt nhận ra những cảm xúc thật sự ấy, Joseph liếc Tempe thật lẹ. Anh sợ mình đang để lộ ra mặt phần nào ý nghĩ đắc tội đó nhưng rồi anh cảm thấy nhẹ nhỏm vì vợ vẫn không chú ý tới anh. Tempe đang dồn hết tâm trí vào cha chồng lúc này vẫn phát biểu ở nghị trường bên dưới.
-...Suốt một thời gian rất dài, Nhật Bản nghênh ngang tung hoành gây chiến khắp cõi Á Đông nhưng lúc này, thưa Chủ tọa, hãy cho Nhật Bản thấy rõ rệt rằng nó đang lâm phải một cuộc chiến tranh chân chính trong tầm tay! Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẵn sàng củng cố lực lượng hải quân để khống chế hữu hiệu cả Đại Tây Dương lẫn Thái Bình Dương và củng cố lực lượng không quân để tiến hành thắng lợi mọi trận không chiến trên khắp các bầu trời châu Âu và châu Á. Bằng hành động tấn công Trân Châu Cảng, có thể Nhật Bản hy vọng kềm chân chúng ta để chúng ta chỉ phòng ngự nội trong phạm vi lãnh thổ của mình. Nhưng, thưa Chủ tọa, hôm nay, từ nghị trường này, chúng ta có thể dõng dạc nói rõ và nói thẳng với Nhật Bản rằng: “Chúng tôi sẽ không quanh quẩn bên trong ngôi nhà của mình - và chúng tôi sẽ không cố thủ!”
Nathaniel Sherman thêm lần nữa dừng lại khá lâu để đẩy lên thật cao tác động của lời ông nói. Trong sự đột ngột im ắng tiếp đó, rõ ràng toàn thể Quốc Hội và công chúng trên các hàng ghế tham quan đều bị mê hoặc bởi khả năng hùng biện điêu luyện của ông. Rồi sau cùng, ông tiếp tục phát biểu với giọng trầm tĩnh hơn trước:
- Thưa Chủ tọa, không còn nghi ngờ gì nữa và đã hoàn toàn rõ ràng rằng cuộc chiến tranh này giờ đây là cuộc chiến tranh của chúng ta - và rằng chúng ta không những chỉ chiến đấu tại châu Á, chúng ta cũng sẽ phải chiến đấu tại châu Âu - và trên khắp cả hai đấu trường đó, chúng ta sẽ chiến thắng. Hôm nay, chúng ta tuyên bố rằng: “Nhân dân Hoa Kỳ sẽ chủ động và khi dứt điểm xong bọn xâm lược, thế giới sẽ có một trật tự mới. Và trật tự đó đặc biệt dành cho các quốc gia cướp bóc, nghĩa là: Các ngươi hãy tôn trọng công pháp quốc tế! Hãy duy trì hoà bình thế giới! Hãy giải tán các tập đoàn cướp bóc! Hãy quay về biên giới của chính xứ sở các ngươi - và hãy ở lại bên trong ranh giới đó.”
Vừa dứt câu nói, Nathaniel ngồi xuống ngay, đưa mắt ứng chiến ngước lên nhìn lá cờ Hoa Kỳ cắm đằng sau Phó Tổng Thống.
Tuy việc vỗ tay bị cấm nơi nghị trường nhưng từ khu vực tham quan của công chúng vẫn có tiếng vỗ tay lác đác. Thậm chí vị thượng nghị sĩ Texas, kẻ vừa miễn cưỡng nhường diễn đàn cho Nathaniel, cũng nhìn về phía ông gật đầu tán thưởng. Bốn phía nghị trường râm ran tiếng thì thầm ủng hộ cho tới khi Phó Tổng Thống ra lệnh đọc lại bản dự thảo nghị quyết thêm một lần nữa rồi trịnh trọng đặt câu hỏi:
- Quí đồng viện có thuận thông qua nghị quyết này không?
Không có thêm ý kiến nào. Khi thượng nghị sĩ Sherman vừa bỏ phiếu “thuận” xong, chính ông cũng là người đầu tiên đứng bật lên, rời khỏi chỗ ngồi.
Trong lúc Nathaniel khập khểnh bước giữa hai dãy ghế để đi ra cửa, toàn thể hội trường im phăng phắc, như thể hình dáng xiêu lệch của ông đang tác động và thôi miên hết thảy những người có mặt.
Ông đi qua rồi nhưng hai lá cửa tự động vẫn bật vào bật ra trong vài ba giây trên bản lề của chúng. Tiếng gõ lọc cọc của cây gậy Nathaniel chống dội lại rõ mồn mộït trong nghị trường thinh lặng, hoà nhịp với tiếng bước chân ông chầm chậm xa dần dọc theo hành lang lót gạch bên ngoài.
|
|
|