Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Trăng Huyết ( Phần III ) Tác Giả: Anthony Grey, Nguyễn Ước    
    Vào năm 1930, vùng đất thuộc địa Đông Dương được hưởng một kỷ nguyên mới, yên lành và ổn định. Bắt đầu từ năm 1932, Pháp hoàn toàn dẹp tan những phong trào của người An Nam chống đối thực dân đô hộ; đồng thời kinh tế thịnh vượng trở lại. Cũng năm đó, Bảo Đại từ Pháp hồi loan lúc 19 tuổi, ngồi yên trên ngai vàng và đóng đúng vai trò do Pháp đào tạo là làm một hoàng đế nghi lễ, trưởng giả và vô hại. Tại Bắc kỳ và Nam kỳ, tây thuộc địa tiếp tục được cấp nhiều ruộng đất. Ngoài việc lợi nhuận tăng gần như gấp đôi do các đồn điền cao su mang lại, người Pháp còn ồ ạt kinh doanh các ngành khai thác mỏ, dệt, và đặc biệt, thuốc phiện, rượu và muối. Nhưng trên bề mặt yên tĩnh chừng nào thì ở bề dưới lòng căm thù người Pháp lại càng sâu sắc dữ dội chừng nấy do những hành động cực kỳ tàn bạo của Pháp khi ra tay đàn áp các cuộc nổi dậy năm 1930 và 1931.
    Ngoài Nghệ An và Hà Tĩnh, phong trào “cộng sản dậy” còn diễn ra tại Quảng Ngãi. Ở huyện Đức Phổ và đặc biệt huyện Sơn Tịnh, lính Lê dương bắn thẳng súng máy vào đoàn nông dân biểu tình. Nó cũng lan vào Nam kỳ với các cuộc tuần hành của nông dân ở Bà Hom, Hóc Môn, Đức Hòa cùng ba tỉnh Sa Đéc, Long Xuyên và Long An. Sài Gòn ban đêm tràn ngập truyền đơn dập bắng bản kẽm do công nhân xưởng thủy binh Ba-son in lậu.
    Thế giới nói chung ít biết tới các biến cố đó nhưng người An Nam ước tính rằng trong hai năm bạo động vừa kể, có tới hơn mười ngàn đồng bào bị hành quyết, tra tấn tới chết, hoặc bị giết bằng máy chém, bom, súng và lưỡi lê. Cuộc oanh kích những người tuần hành không vũ trang ở Vinh tháng Chín năm 1930 làm chết 217 người, bị thương 125 người, cháy rụi 277 nóc nhà, riêng hai làng Lộc Châu và Lộc Hải bị san thành bình địa. Tiếp đó, thực dân Pháp và Nam triều đưa khoảng 2000 người lên máy chém mà không đem ra toà án xét xử. Khoảng hai mươi ngàn người An Nam theo chủ nghĩa dân tộc hoặc theo chủ nghĩa cộng sản bị bắt giam hoặc bị đày biệt xứ ở đảo Côn Lôn, Lao Bảo, Sơn La,v.v. Cuộc đàn áp làm rúng động toàn cõi Đông Dương. Khắp nơi chất ngất bầu không khí khủng bố rùng rợn. Chỉ cần nghe có người ám chỉ xa gần tới ba tiếng “quốc sự phạm” là ai nấy đều xanh mặt, sợ bọn hào lý vu oan giá họa hoặc bọn mã tà lính kín tình nghi, bắt bớ.
    Nhưng kích thước thật sự của sự tàn ác ấy chỉ lộ ra khi có những tên lính trong Binh đoàn Lê dương Hải ngoại của Pháp bị đưa ra toà. Tới lúc ấy người ta mới biết rằng lính Lê dương thường bắt bớ bừa bãi mỗi làng mười người rồi giết hết chín, sau đó mới thẩm vấn kẻ sống sót còn lại. Đôi khi chúng tra khảo tù nhân theo từng cặp, chặt đầu người này và bắt người kia cầm chiếc đầu đã chặt đó trong lúc bị chúng tra khảo. Lính Lê dương thường đối xử cực kỳ hung ác với tù nhân ngay trong xà lim mà không cần lý do. Chúng dùng lưỡi lê cắt tai, khoét mặt và để các tù nhân - theo một báo cáo đương thời - “lấm bê bết món nước sốt hổ lốn kinh tởm gồm máu, nước tiểu và các thứ do tù nhân ói mửa ra.”
    Tuy nhiên không chỉ có người Pháp mới phạm các hành vi cực kỳ tàn ác như thế, còn có người An Nam cộng sản nữa. Trong một vài tỉnh, đặc biệt tại Nghệ An và Hà Tĩnh, các chi bộ đảng cộng sản và tổ chức Nông hội đỏ dựng lên các “sô-viết” nông thôn. Họ bắt chước những khu vực nông dân cai trị do Mao Trạch Đông thiết lập đầu tiên ở Hoa Nam, và họ dựa theo những hiểu biết sơ sài về chính quyền sô viết của Nga được họ tiếp thu qua tài liệu huấn luyện và báo chí của đảng. Các lực lượng “tự vệ” của họ, võ trang bằng gậy và dao, sử dụng chiến thuật khủng bố để trấn áp kẻ thù của đảng. Nông dân nào không chịu tham gia hoặc ai bị kết tội phản bội sự nghiệp cộng sản thì bị họ ám sát. Quan lại thân Pháp và địa chủ An Nam bị họ treo cổ hoặc thắt cổ trước công chúng hoặc cho vào rọ tre rồi dằn đá ném xuống sông lạch hoặc ao hồ. Đồng thời, những nạn nhân họ đặc biệt ghét cay ghét đắng đều bị họ xẻo đứt mũi, nhổ trụi răng và thiêu rụi râu rồi mới bị đem đi giết.
    Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ nổi loạn và khó truy bắt của cộng sản, rốt cuộc bị Pháp kết án tử hình vắng mặt vì là kẻ xúi giục và lãnh đạo từ xa các cuộc “cộng sản dậy”. Nhưng dù trải qua một thời gian ngắn ngủi trong nhà tù của người Anh tại Hồng Kông, ông tiếp tục lẩn tránh Liêm Phóng Pháp và vì nhận thấy cơn thủy triều cách mạng đang hồi rút xuống, ông thêm lần nữa biến mất vào bóng tối mịt mùng ở Mát-cơ-va. Tại đó, vào năm 1932, ông được báo chí cộng sản chính thức tường thuật là đã chết. Hầu hết các đảng viên hàng đầu của Phong trào Cộng sản do ông thành lập đều bị bắt và những xà lim đông đúc, đặc biệt ở đảo Côn Lôn, ngoài khơi bờ biển Nam kỳ, trở thành đất huấn luyện cho một thế hệ mới của cộng sản An Nam; đúng như lời trong một bài hát thường được tù nhân cộng sản ca vang: “Chốn lao tù là nơi ta rèn tâm chí; đây cũng là chiến trường mà ta không cần vũ khí!”
    Lẽ ra những người tù ấy phải triền miên chờ đợi dài ngày hơn trong ngục tối Côn Lôn nhưng việc Hitler lên cầm quyền tại Đức khiến Đảng Cộng sản Pháp bị buộc lòng phải hợp tác với phe xã hội và phe ôn hòa để thành lập liên minh chống Phát xít ở Paris. Chính quyền Mặt trận Bình Dân mới lên này hợp pháp hoá Đảng Cộng sản Đông Dương. Vào những tháng đầu năm 1936, Pháp tuyên bố ân xá chính trị phạm đang bị giam ở Côn Lôn. Cách thức đàn áp của Pháp tại Đông Dương có thay đổi tùy ba miền, khiến tình hình tương đối thuận tiện cho những hoạt động đấu tranh dưới nhiều hình thái khác nhau.
    Tại Hà Nội, vận động cách mạng chuyển sang vận động văn hóa và xã hội, tiếp nối các hoạt động cổ động cho tân học và đổi mới tư duy được phát động và cổ vũ trước đó bởi Đông Dương tạp chí của Nguyễn văn Vĩnh và Nam Phong tạp chí của Thượng Chi Phạm Quỳnh, nhà văn Nguyễn Bá Học, Nông Sơn Nguyễn Can Mộng,v.v. Báo chí và các cơ sở xuất bản nở rộ: báo Thanh Nghị với Vũ Đình Hòe, Dương Đức Hiền,v.v.; An Nam Tạp Chí của Nguyễn Khắc Hiếu; Tiểu Thuyết Thứ Bảy... Xuất sắc nhất là Tự Lực Văn đoàn với cơ quan ngôn luận Phong Hóa (1933) và Ngày Nay (1936) cùng các cây bút kiệt xuất như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Tú Mỡ... Họ đã làm được công cuộc cách mạng về văn học, mở đầu lối viết trong sáng và giản dị để truyền bá tư tưởng, khuyến khích thanh niên phải có lý tưởng và đem hết nghị lực tham gia sinh hoạt xã hội, đòi hỏi phá bỏ những cổ tục lỗi thời, nhất là quan niệm trọng nam khinh nữ. Đặc biệt TLVĐ khéo lồng vào các tiểu thuyết tình yêu nam nữ những lời kêu gọi yêu nước, đòi hỏi nhân quyền, nhiệt tình lãng mạn cách mạng. Và như một hệ quả của kỳ vọng “không thành công thì thành nhân” của các liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng, họ đã góp phần bồi đắp con đường sáng cho thế hệ mới, gây được làn sóng ngầm để tạo nên những triền sóng cuồn cuộn chuẩn bị cho các biến động mùa thu 1945.
    Tại Huế, nổi bật là Huỳnh Thúc Kháng với tờ Tiếng Dân phát hành suốt từ năm 1927 tới 1943. Vợ chồng Đào Duy Anh với Quan Hải tùng thư. Tuy thế, chương trình cải cách của nam triều bế tắc với sự từ chức thượng thư đầu triều của Ngô Đình Diệm, và sau đó, người thay thế ông là Phạm Quỳnh với chủ trương Pháp Việt đề huề và quân chủ lập hiến - trước sự lấn lướt thô bạo của người Pháp và tinh thần khiếp nhược của quan lại nam triều - chỉ có giá trị như những tiếng vang cho một niềm ước vọng của những phần tử theo dân tộc chủ nghĩa, chủ trương tranh đấu ôn hòa.
    Những đổi thay ở Paris làm sinh hoạt chính trị tại Sài Gòn rộn rịp hẳn và trở thành hạt nhân đấu tranh cho cả nước. Nó là nơi qui tụ các thanh niên và trí thức năng động, các tổ chức sinh hoạt trong khung luật pháp thuộc địa, tương đối qui củ, có qui chế báo chí thoáng hơn Hà Nội và Huế. Đợt đầu là 19 sinh viên ở Paris bị Pháp trục xuất vì biểu tình trước điện Elysée đòi ân xá Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí VNQDĐ, trong số người hồi hương ấy, có những khuôn mặt kiệt xuất như Tạ Thu Thâu, Huỳnh văn Phương, Phan văn Chánh, Hồ văn Ngà, Trần văn Giàu, Nguyễn văn Tạo... Rồi tới thế hệ đảng viên CS Đông Dương được Liên Sô đào tạo, lấy vùng Hóc Môn Bà Điểm làm địa bàn cho các hoạt động nổi, như Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, T.V. Giàu, N.V. Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn thị Minh Khai... Các đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu, VNQDĐ Kỳ bộ Miền nam, Thanh Niên Cao Vọng Đảng của Nguyễn An Ninh và sự manh nha thành lập các giáo phái nhập cuộc chính trị như Cao Đài, Hòa Hảo. Nhưng nổi bật hơn hết là tờ báo La Lutte - Tranh Đấu - của khuynh hướng CS Quốc tế Đệ tứ dưới danh xưng Tân tả Phái như Nguyễn An Ninh, T.T. Thâu, Phan văn Hùm, Trần văn Thạch... kết hợp với một số nhân sĩ độc lập và đảng viên CS Quốc tế Đệ tam. Đây là cuộc kết hợp độc nhất vô nhị trên thế giới của hai quốc tế cộng sản. Dù khác nhau về khuynh hướng chính trị hoặc phương thức hành động, hoặc đôi khi động cơ cá nhân, nhưng mục tiêu chủ yếu của những nhân vật kiệt xuất ấy là đấu tranh cho công cuộc giải phóng đất nước khỏi nền đô hộ của thực dân Pháp. Những sinh hoạt ấy đưa tới cao điểm là Đông Dương Đại Hội Nghị năm 1937 của các tổ chức chính trị người An Nam từ Sài Gòn lan ra tới miền trung, yêu cầu Pháp cải cách chính trị và phóng thích đại trà các tù nhân chính trị. Bị áp lực của Paris, nhà cầm quyền Pháp tại Sài Gòn đành chấp nhận sửa đổi đường lối đôi chút và thả tù quốc sự phạm.
    Khi những người tù chín muồi căm thù và nôn nóng hoạt động ấy bắt đầu trở về Sài Gòn, Hà Nội và Huế, nhân viên mật vụ và mật báo viên của Nha Liêm Phóng lại bị đặt vào tình trạng báo động, âm thầm rình rập, theo dõi những dấu hiệu của một mưu đồ chống Pháp mới, có triển vọng thấm sâu và lan rộng khắp nước.
    - 1 -
    Bước nhàn tản trên những con đường Sài Gòn đầy bóng mát lần thứ nhất kể từ năm 1925, Joseph tự hỏi phải chăng anh đang bị chính giác quan của mình đánh lừa. Trên đầu anh, hàng me hai bên đường Catinat héo hắt như đang chết rủ trong cái nóng ngột ngạt tháng Tư nhưng ngược lại, không khí thấm đẫm ẩm ướt ứ đọng nơi cổ họng dường như tạo ra trong anh một cảm giác ngần ngật và khích động, vừa bồn chồn vừa mơ hồ dễ chịu. Cùng lúc ấy, toàn bộ hệ thần kinh trong người cũng có vẻ như đang giản ra và dàn rộng để hấp thu càng nhiều ấn tượng càng tốt về cái thành phố từng sống quá đổi buốt nhói trong ký ức anh suốt mười một năm nay, kể từ lần ghé lại trước đây.
    Ở tuổi hai mươi sáu sung mãn, thân hình cao lớn, vai rộng, vẻ mặt còn đôi nét trẻ thơ nhưng đày đặn của thanh niên đang thời kỳ trưởng thành, khuôn mặt Joseph thuộc loại đẹp trai như tượng tạc, so ra không kém chút nào vẻ mặt từng được trời ban cho người anh quá cố của mình.
    Joseph vừa đi vừa thầm nhủ có lẽ mình cũng từng cảm xúc y như thế này trong một kỷ niệm không thể nào quên. Có thể đó là chuyến đi xe kéo đầu tiên với Chuck chạy qua mấy đại lộ của thành phố dù lúc này, thật ra anh chẳng còn nhớ chính xác cảm giác của mình trong buổi chiều xưa ấy ra sao. Cũng có thể sự đánh thức lại cơn đau đớn anh đã chịu khi nghe tin Chuck tử nạn khiến lúc này, cảm giác và nhận thức của anh bốc lên cao lạ thường.
    Sau khi một mình dùng bữa tối tại Khách sạn Continental, Joseph thơ thẩn đi dạo qua những con đường vắng lặng trong khu vực cư dân phía bắc nhà thờ Đức Bà. Anh tưởng chừng mình có thể phân biệt chính xác trong hương đêm đậm đà những mùi toả ra từ các vườn hoa rậm rạp bên trong vòng rào quanh các biệt thự sang trọng kiểu Pháp - mùi mốc ẩm ướt từ hầm nhà xông lên làm phai bạc những bức tường màu xám nhạt, mùi thối rữa của đất ẩm và lá khô. Những mùi ấy quyện với hương thơm nồng nàn của hoa lài, hoa anh thảo, đu đủ và vô số hoa quả nhiệt đới khác mà anh không bao giờ biết rõ tên từng loại, cùng nhau xông thẳng lên đầu làm ngất ngây trí não.
    Joseph nghe văng vẳng bên tai những giọt dương cầm thánh thót và trong trẻo từ một bao lơn lặng khuất nào đó, kèm theo là tiếng cười của nhiều người Pháp và tiếng ly cụng vào nhau. Những âm thanh ấy kéo dài trong một lúc và vang lên rõ hơn bởi không khí ẩm ướt chung quanh như làm nổi bật thêm trong anh tính chất ngụy biện về sứ mạng khai hoá của các tây thuộc địa ở Đông Dương.
    Dưới mắt Joseph, tại những đường phố trong khu vực người bản xứ chung quanh chợ Bến Thành, lề đường dường như ngất ngây sinh động với màu sơn ta mộc mạc và đậm đà. Trong ánh sáng lập loè của những ngọn đèn khí đá, da thịt người nhà quê An Nam ở trần óng ánh như vàng khi họ cúi mình bên những ụ cao rau quả nhiệt đới xanh biếc bóng lưỡùng. Tại các tủ cho vay tiền bên lề đường, các phụ nữ Ấn Độ, quấn xà-rông đỏ và vàng loè loẹt quanh thân thể màu nâu khi ẩn khi hiện, mặt đầy vẻ thuần phục. Dọc rãnh nước bên đường, những người An Nam huyên náo khác đang chơi cờ bạc bằng hột xí ngầu hoặc bài tây, và các cu-li xe kéo co ro ngồi nghỉ mệt, xúc cơm đưa lên miệng bằng bàn tay cầm thìa đầy bụi bặm. Trước các tiệm mặt đường đang mở cửa, những nhà buôn béo phệ người Tàu lắp bắp quảng cáo hàng hoá của mình bằng tiếng Quảng Đông xuỵt xoạt.
    Giữa tất cả những tiếng đời huyên náo và rộn ràng ấy, Joseph bắt gặp thấp thoáng sau cánh cửa hé một bàn thờ lung linh ánh nến, bên trên an vị mấy pho tượng Phật bằng đồng và bài vị tổ tiên. Anh dừng chân nhìn vào và thấy một người An Nam khoác áo thụng bằng lụa màu lam, râu cằm lưa thưa, đang thắp hương rồi bắt đầu tụng thời kinh tối. Vẻ mặt chan hòa an tĩnh và tràn đầy cung kính của ông lão khi phủ phục hình hài mảnh khảnh xuống mặt chiếu khiến tâm trí Joseph bỗng nhớ lại, một cách sống động, cuộc lễ khấu đầu bày tỏ lòng trung quân trong ngày Tết Nguyên đán thuở nào anh đã cùng mẹ chứng kiến tại Điện Thái Hoà ở cố đô Huế.
    Tới lúc này Joseph hiểu rõ hơn bao giờ hết rằng trí óc non nớt mười lăm tuổi của mình đã chịu ảnh hưởng sâu đậm biết bao bởi những nếm trải trong chuyến đầu tiên ghé lại xứ sở này. Đột nhiên anh nhận ra, một cách sắc nét, rằng chính đôi ba phút ngất ngây bên ngai vàng của Hoàng đế Khải Định đã khiến anh không thể nào chấp nhận cuộc sống quân ngũ theo ý muốn của cha mình. Các cảnh tượng ngoại lai Á Đông tại kinh thành xưa cũ của An Nam đã như những liều thuốc kích thích xông thẳng lên não anh. Rồi chúng lắng xuống và đọng lại trong tâm tư khiến lòng mê say lịch sử trước đó của anh tự nó đặt trọng tâm và cố định vào phương Đông. Có lẽ nhờ thế, anh được tuyển vào đại học Harvard, nối tiếp bước chân người anh đã khuất.
    Tối nay Joseph cũng nhận ra rằng việc mình quyết định chọn chuyên đề lịch sử Á Đông chỉ có thể phát xuất từ khoảnh khắc tiếp xúc với một trong những nghi lễ đẹp mắt của nước An Nam có quá khứ nhuốm đầy tinh thần Khổng Mạnh. Anh học ngôn ngữ Trung Hoa để có thể làm việc trên bản nguyên văn của những tài liệu thời cổ và của những hoàng đế vĩ đại thuộc các triều đại Hán Đường Tống Nguyên Minh và Thanh, những người trước đó anh đã đọc rất kỹ. Rõ ràng, tất cả những gì tái hiện trong con mắt tâm trí của Joseph chỉ là các biến thái từ hình ảnh được điểm trang bằng châu ngọc của Khải Định, vị quốc chủû ngồi trên ngai vàng lộng lẫy khi anh vào quan chiêm Điện Thái Hòa mười một năm về trước.
    Sau khi ra trường, nỗi ám ảnh dai dẳng về vấn đề đó đã đẩy Joseph vào một công trình nghiên cứu sâu xa hơn. Anh bảo vệ xong luận án tốt nghiệp tiến sĩ về các quốc gia triều cống “Trung Hoa: nước trung tâm” gồm Triều Tiên, Miến Điện, Xiêm, Mông Cổ, Tây Tạng và An Nam - suốt trong nhiều thế kỷ đều công nhận quyền tối thượng của hoàng đế Trung Hoa qua những cống phẩm thường kỳ bằng bạc và nhiều loại châu báu. Nghiên cứu ấy sắp được xuất bản thành sách.
    Khi tiếp tục bước nhàn tản qua trung tâm thành phố Sài Gòn oi ả Joseph chợt có ý nghĩ rằng chính đề tài ấy đã được quyết định vào năm 1925, trong cuộc thăm viếng lần đầu và có tính định mệnh của anh tại xứ sở An Nam này. Qua sự chọn lựa chuyên đề các chư hầu của Đế quốc Trung Hoa phải chăng chính tiềm thức của anh đã tìm lý do để đưa anh quay lại vùng đất đang sống mãi trong anh bằng những hồi tưởng vừa xót xa vừa cay đắng?
    Chính Joseph tự đề xuất ý kiến rằng anh cần tiến hành thêm một số nghiên cứu trong các văn kiện lưu trữ của Trường Pháp Quốc Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội để có những am hiểu vững vàng và thẩm quyền hơn cho những chương viết về An Nam trong lần xuất bản sắp tới. Sau khi ý kiến ấy cùng các kế hoạch nghiên cứu đề tài được giáo sư bảo trợ tại Đại học Harvard chấp thuận, Joseph mới mơ hồ nhận ra rằng động cơ của việc anh ao ướùc quay lại xứ sở này có lẽ không chỉ đơn thuần là nhiệt tâm học thuật.
    Trong những tuần lễ trước khi bắt đầu chuyến vượt đại dương dài ngày, Joseph thấy mình càng lúc càng suy nghĩ tới cuộc săn bắn đã kết thúc cực kỳ bi thảm với cái chết của người anh mà mình vừa ganh tị vừa ái mộ. Tuy họa hiếm lắm Joseph mới ghé thăm Nhà Bảo Tàng Chuyên Ngành Vạn Vật Học Sherman tại Washington nhưng trước ngày rời Hoa Kỳ anh có tạt ngang đó, ngắm nhóm động vật trâu rừng, hươu và min do Chuck và cha anh bắn hạ. Thấy những con thú ấy được trưng bày như chúng đang sống trong môi trường rừng nguyên sơ, lòng Joseph lại nao nao những xúc động tưởng đã đào sâu chôn kín suốt hơn mười năm qua.
    Rồi trong cuộc hành trình dài ngày từ Vancouver đi Hồng Kông trên con tàu khách của hãng Thái Bình Dương Canada, Joseph thấy mình mỗi ngày một thêm bâng khuâng. Kế đó, anh đi tiếp đến Sài Gòn trên một con tàu chạy bằng hơi nước của Công ty Vận tải Đường biển của Pháp xuất phát trước đó ở Marseilles. Khi bắt gặp hai ngọn tháp song đôi của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn thấp thoáng nhảy nhót trên các ngọn cây bên dòng sông Lòng Tảo khúc khuỷu và lộng gió, Joseph thêm lần nữa cảm nhận vẻ mê hoặc dị thường của xứ nhiệt đới từng làm ngây ngất tâm trí thơ dại của anh nhiều năm trước đây.
    Quang cảnh Rừng Sác xanh thẩm ăn tràn ra mé nước hai bên dòng sông mang bồng bềnh trở lại tâm trí Joseph những ký ức lắng đọng lâu năm ở tận đáy sâu tiềm thức. Lệ bắt đầu trào lên mắt khi anh nhớ lại người anh quá cố từng hào hứng sôi nổi biết bao về viễn tượng săn bắn tại đây, trong buổi sáng đầu tiên hai anh em cùng đứng dựa lan can con tàu đi ngược dòng sông này. Kế đó, dù với nụ cười gượng gạo, Joseph vẫn nhớ tới một khoảnh khắc hạnh phúc hơn và cảm giác hưng phấn lớn lao tiếp theo cuộc khải hoàn thầm lặng của bản thân mình nơi sóc Mọi. Cùng với những hoài cảm ấy, Joseph còn cảm thấy có linh cảm bồn chồn bứt rứt, như báo hiệu một điềm gỡ có thể lúc này đang lơ lửng đâu đó trên vùng đầy bóng tối bên ngoài ký ức của anh.
    Trong thời gian con tàu từ cửa Cần Giờ lần đường cập bến cảng Sài Gòn, Joseph có một giấc mộng không lớp lang, lẫn lộn lung tung các hình ảnh đầy xáo lộn của những gã tây thuộc địa người Pháp hung ác, con trâu rừng bị bắn gục, những ông quan khấu đầu trong cung điện bằng vàng, Và vật vờ giữa cảnh tượng hỗn mang đó là hình ảnh của Chuck cùng cha mẹ anh như những bóng ma hồn lìa khỏi xác, không thể hoặc không muốn thấy anh hoặc không giao cảm được với anh.
    Chới với và hoàn toàn bị bỏ lại cô đơn trong giấc mộng, Joseph thêm lần nữa nếm trải cảm giác choáng váng cực độ và hoang mang hiu quạnh anh từng phải chịu trong cơn bão nửa đêm nơi trại săn trong rừng. Rồi anh choàng tỉnh trên giường, toàn thân đẫm mồ hôi lạnh.
    Vừa tới Sài Gòn Joseph ngạc nhiên thấy chuyến ghé lại thứ nhất đầy bất hạnh của gia đình Sherman không bị người đời hoàn toàn quên lãng. Một nhà báo Pháp lanh lợi thường để ý khách mới đến, nhớ ra danh tính gia đình người Mỹ nổi tiếng với thảm kịch được đăng trên trang nhất năm 1925. Joseph liền bị phỏng vấn và chụp hình ngay trong phòng mình ở Khách sạn Continental Palace cho một tờ báo thuộc địa.
    Bài phóng sự đó kèm theo hình của Joseph xuất hiện trên ấn bản buổi tối, viết đại khái những nét chính về chuyến viếng thăm hiện nay của anh và đề cập tới những con thú do cha và người anh quá cố của anh đã bắn được ở An Nam thuở ấy, nay là những vật triển lãm chủ yếu tại Nhà Bảo tàng Sherman ở thủ đô Washington.
    Joseph mang theo mình một tờ khi đi dạo. Lúc về lại khách sạn, anh thả người xuống chiếc ghế mây kê sát cửa sổ nơi tầng trệt, đưa mắt đọc lướt bài báo lần nữa trong khi chờ người hầu bàn bưng thức uống ra.
    - Thì ra anh đã trở về đây để xem nàng công chúa Mọi nhỏ bé có còn mong ngóng mình nơi cung điện ám khói trong rừng, phải không Joseph?
    Có giọng nói bằng thứ tiếng Anh chưa đủ trọng âm sát bên tai làm Joseph giật nảy người. Anh quay lại, thấy trước mắt mình bộ mặt tươi cười hớn hở của một đại úy Bộ binh Thuộc địa Pháp. Trong một thoáng Joseph ngơ ngác nhìn khuôn mặt đẹp trai rám nắng, dí dỏm với bộ ria cắt tỉa gọn ghẽ, đôi ủng cao cùng búp nịt bóng loáng và bộ quân phục ủi thẳng nếp, không một tì vết.
    - Chớ nói với tôi là “chàng thanh niên Mỹ đa tình” không nhận ra kẻ tháp tùng anh ta trong chuyến đầu tiên lẻn đi gặp đàn bà.
    Viên đại úy vừa nói vừa làm bộ tức tối giở chiếc mũ màu trắng xuống để lộ mái tóc quăn dày và sẩm màu.
    - Cũng chớ nói với tôi là lần này anh không chịu đi. Tôi đã chuẩn bị sẵn ô-tô cùng ngựa. “Già làng” đã mở sẵn nắp ché “rượu cần”...
    Tiếng cười sang sảng của người Pháp ấy khiến mọi người đang có mặt trong tầng trệt ngoảnh đầu về phía hai người. Joseph tần ngần kéo ghế đứng lên, rồi chìa tay. Anh nói ấp úng:
    - Tôi khó mà tin nổi! Thật Paul Devraux đây sao?
    Viên sĩ quan Pháp nồng nhiệt đưa cả hai tay mình ra chụp lấy bàn tay của Joseph:
    - Thật, thật đấy. Vừa thấy hình anh trên báo tối nay, tôi đi thẳng một mạch tới đây ngay.
    Vẫn toét miệng cười Paul nghiêng đầu sát hơn, nói vô tai Joseph, làm bộ như thầm thì:
    - Có lẽ tôi phải báo động cho anh trước khi tụi mình rời chỗ này đi lên bản Mọi - đàn bà ở đó mau già lắm. Nàng béo rất lẹ và lúc này tóc bạc phơ, không ít hơn “già làng” một sợi. Nhưng nàng vẫn đợi chờ anh trong cái lều thơm phưng phức đó, không bao giờ quên anh, không bao giờ yêu người khác. Nàng nói với già làng rằng chưa từng có ai hợp ý và vừa với bụng nàng hơn “chàng Mỹ đa tình” của nàng.
    Paul lại khoái chí rộ lên cười còn Joseph cảm thấy bứt rứt dưới tia mắt của những người chung quanh, không cười theo. Việc nhìn thấy mặt Paul lần đầu tiên từ khi rời trại săn trong rừng làm Joseph bỗng, cực chẳng đã, nhớ lại buổi sáng đầy tủi thân sau đêm mưa bão. Đột nhiên, mặt nóng bừng bối rối, Joseph ảm đạm tự hỏi không biết Paul có ý niệm mơ hồ nào về những gì xảy ra trong đêm ấy không.
    Paul tiếp tục nói, cũng với cái giọng giả vờ thầm thì nhưng cố ý cho người ngoài nghe rõ từng tiếng. Và anh cười tươi rói vỗ vỗ tờ báo trên bàn:
    - Tôi cho rằng ba cái thứ tào lao nói trong tờ báo này về việc anh sắp đi Hà Nội để nghiên cứu lịch sử, chỉ là cái vỏ che đậy thôi. Anh không thể thừa nhận trắng trợn với báo chí rằng anh vượt Thái bình dương tới đây cốt chỉ để thăm cô bạn Mọi năm xưa.
    Nét hồn nhiên sung sướng chào đón cùng với vẻ tươi cười rạng rỡ không tan biến chút nào trên khuôn mặt đôn hậu và rám nắng của Paul lập tức xua tan những nghi ngại trong lòng Joseph. Anh nói, cố ý giữ bộ mặt rất nghiêm trang:
    - Tôi biết anh vẫn ghen tức hơn bao giờ hết dù đã mười một năm rồi, phải không Paul?
    Nụ cười của người Pháp thoáng chút mờ đi:
    - Ghen? Anh có ý nói gì vậy Joseph?
    - Rằng tôi đã xớt mất cô nàng xinh đẹp nhất!
    Cả hai cùng rộ lên cười ngặt nghẽo. Paul vừa nồng nhiệt vỗ vai Joseph vừa thả người xuống chiếc ghế bên cạnh. Ngay lúc ấy người hầu bàn bước tới với ly bia đạm bạc trước đó Joseph đã gọi. Thấy vậy Paul xua tay, mặt tỏ vẻ gớm ghiếc và chế giễu. Anh lớn tiếng ra lệnh bằng tiếng Pháp:
    - “Xin anh bồi vui lòng“ mang ra cho chúng tôi một chai sâm-banh! Chúng tôi uống mừng một biến cố lịch sử - chuyến trở lại Sài Gòn của một trong những người tình vĩ đại nhất thế giới!
    Trong lúc Paul và Joseph cười rũ rượi nhắc lại và thêm mắm giặm muối cho chuyến cả hai ghé bản Mọi, người hầu bàn trở ra với chai sâm-banh Perrier-Jouet và hai chiếc ly. Cả hai nhìn nhau, cùng ngạc nhiên và cùng sung sướng chẳng kém gì nhau khi thấy thời gian trôi qua không làm suy xuyển chút nào tình bạn của họ dù sợi dây bằng hữu ấy chỉ được đan kết trong đôi ba ngày niên thiếu và suốt hơn mười năm nay chẳng còn được người nào nhắc nhở. Ngồi bên nhau khi đã quá đôi mươi, Joseph và Paul vẫn cảm thấy khoan khoái dễ chịu không thua gì thuở mới mười mấy tuổi.
    Dần dần những bỡn cợt bông đùa qua đi, nhường chỗ cho lời thăm hỏi đứng đắn về những năm cả hai không gặp nhau. Paul vừa rót rượu vào ly lần thứ hai vừa nhoẻn miệng cười trìu mến rồi nói với Joseph:
    - Joseph này, anh biết không, vẻ ngoài của anh thay đổi quá nhiều. So với lúc anh còn là một cậu bé, tôi thấy lúc này anh giống hệt ông anh Chuck của anh - nhưng anh đẹp trai hơn. Vừa thấy anh tôi cứ tưởng...
    Paul chợt ngừng nói, chờ cho sâm-banh đầy ly rồi liếc thật nhanh người bạn Mỹ:
    - Tôi xin lỗi - mình đã không gặp nhau kể từ tai nạn khủng khiếp ấy. Anh rời cuộc săn trước ngày xảy ra chuyện đó, đúng không?
    Joseph lẹ làng gật đầu và xua tay:
    - Không sao đâu Paul. Chuyện xảy ra đó ai cũng biết hết.
    Rồi đang nâng ly rượu đầy ắp lên môi anh bỗng ngừng lại:
    - Nhưng thú thật, việc trở lại nơi này làm tôi nghĩ tới anh Chuck nhiều hơn những năm vừa qua. Hẳn anh hoàn toàn hiểu rõ anh ấy trong mấy tuần lễ hai người đi săn với nhau, phải không?
    Trong một thoáng trầm ngâm nhìn xuống đám đông đang đi dạo buổi tối dưới những hàng me trên vĩa hè đại lộ Catinat sát thềm khách sạn, Paul trả lời:
    - Vâng, đúng vậy. Anh của anh là một thanh niên rất gan dạ và bắn giỏi. Cũng là một người bạn đồng hành cực kỳ hoà nhã. Cái chết của anh ấy làm ba tôi và tôi bị sốc rất nặng.
    Lần đầu tiên Paul và Joseph im lặng. Trong một hai phút cả hai ngồi yên nhắp rượu, không ai nói với ai lời nào. Sau cùng Paul nói tiếp:
    - Những buổi tối ở trại săn chúng tôi chuyện trò rất nhiều. Có một đêm Chuck nói tới một điều mà về sau nó bám riết trí óc tôi rất lâu.
    - Điều gì vậy?
    - Chuck nói cha anh kỳ vọng rằng anh ấy sẽ là một chính khách và còn có cao vọng rằng một ngày nào đó anh ấy có thể trở thành tổng thống Mỹ. Khi nói với tôi như thế, anh ấy nhe răng cười và thú thật rằng mình không quan tâm chút nào tới chính trị - tôi nghĩ có lẽ chính vì thế tôi nhớ mãi điều đó. Những gì xảy tới vào mấy ngày sau dường như làm cho điều đó hoá ra buồn bã vô cùng.
    Thoáng chút ngần ngại, Paul nhìn thẳng vào mặt Joseph ở bên kia bàn:
    - Ba anh có chuyền kỳ vọng đó qua cho anh không? Anh có sắp đi vào chính trường không?
    - Tôi nghĩ là không.
    Joseph trả lời thật lẹ, gần như trước khi người bạn hỏi xong câu. Anh từng mơ hồ nhận ra cái chết của Chuck khiến anh sinh lòng thèm muốn được sáng chói trong mắt cha để điền vào chỗ của anh mình và việc nhận ra ấy làm anh bối rối.
    Tại đại học Harvard, Joseph lao vào hoạt động thể thao để cố chứng tỏ thể chất mình kiên cường, đó là cái anh thường nghi ngờ sẽ không bao giờ tự nó bộc lộ dưới cái bóng tài giỏi về thể thao và điền kinh của Chuck. Trong những năm học ở đó, anh trở thành cầu thủ ngoại hạng của đội bóng bầu dục và là một tay bơi lội hàng đầu, tuyển thủ quần vợt hàng đầu. Khi cha anh rũ anh tham gia những chuyến đi săn thường lệ, Joseph kinh ngạc thấy mình có thể nổ súng vào con mồi với lòng không chút băn khoăn. Nhưng kết quả những việc đó không làm thay đổi nhiều lắm bản chất mối quan hệ giữa hai cha con, và vì một lý do nào đó, anh không ngạc nhiên, cũng không đặc biệt thất vọng về mức độ quan hệ ấy. Cuối cùng anh nhận thấy thật vô ích khi nỗ lực tái tạo một hình ảnh phản chiếu các tài nghệ của Chuck - nhưng thật trái ngược, sự nhận biết ấy không cất bỏ hoàn toàn tình trạng chính anh tự mình thúc ép mình, một cách phi lý, phải tiếp tục những nỗ lực như thế.
    Cuối cùng, Joseph nói với Paul bằng giọng nhẹ nhàng, cố che giấu cảm xúc của mình về vấn đề đó:
    - Cũng y như anh Chuck, tôi nghĩ mình không có phẩm chất và khả năng thích hợp với chính trị. Và dù sao chú em của tôi có vẻ sẽ là người được cha tôi yêu thương hơn bất cứ ai trong nhà.
    Cặp lông mày Paul nhíu lại thành một vệt nhăn dò hỏi:
    - Anh có em trai sao Joseph?
    Joseph nói thật nhanh, mắt nhìn xuống ly rượu:
    - Tên nó là Guy, đứa không ngờ mà có. Lúc này nó lên mười. Nó sinh vào cuối cái năm anh Chuck qua đời. Tôi nghĩ nó giúp rất nhiều cho cha tôi trong thời gian ông cố gắng vượt qua tấn thảm kịch; nó làm cho cha tôi bớt phần nào suy nghĩ ủ ê.
    Nói xong, anh vội vàng liếc vẻ mặt của viên sĩ quan Pháp nhưng không thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ Paul đọc được ý nghĩa đặc biệt trong thông tin ấy.
    - Và ông ấy có hoàn toàn bình phục không? - ý tôi muốn nói tới cha anh đấy.
    Joseph gật đầu, mặt vẫn không ngước lên:
    - Ông ấy mất một cánh tay, tôi tưởng anh biết rồi. Nhưng cha tôi là người rất quyết tâm - tôi giả dụ anh có thể nói là thậm chí ngoan cố nữa. Ông vẫn đi săn bằng một tay còn mạnh - và không tệ chút nào. Dĩ nhiên dùng súng trường loại rất nhẹ và không bao giờ còn bắn hạ con gì lớn hơn con nai. Tôi nghĩ, ban đầu cha tôi cảm thấy phiền muộn rằng ông đã chẳng làm được gì hơn nữa để cứu Chuck. Rồi thì dường như cái làm cho ông bực bội là Chuck đã không hành động đúng với tính cách của anh ấy. Anh tôi là một người gan dạ, đúng như anh nói, nhưng anh ấy không bao giờ liều lĩnh dại dột. Suốt một thời gian dài, cha tôi gần như tự trách mình rằng chính ông là người có lỗi vì đã không phản ứng nhanh nhạy hơn khi Chuck cứ nhất quyết đuổi theo con min bị thương ấy vào trong lùm tre gai, trái với mệnh lệnh của ông.
    Paul nhớm người lên trên ghế, hít một hơi thật lẹ như thể sắp nói điều gì đó nhưng rồi đổi ý. Thay vào đó, anh cầm ly rượu đưa lên miệng. Đang vừa nói vừa bứt rứt bóp bóp chiếc ly của mình, Joseph nhìn lên và kịp thấy vẻ tần ngần trên mặt viên sĩ quan Pháp. Giữa cả hai thoáng chút lấn cấn rồi Joseph hỏi để phá tan bầu khí im lặng:
    - Còn anh thì sao Paul? Kể từ lần cuối mình gặp nhau, anh đã trải qua những gì?
    Người Pháp nhún vai và nhăn mặt để che lấp tình trạng không thoải mái của mình:
    - Nhiều và ít - cuộc sống khá buồn nản của một quân nhân ở thuộc địa. Chẳng bao lâu sau khi anh đi, tôi rời Sài Gòn trở về Pháp - vào St. Cyr. Sau ba năm ở đó, đơn vị bổ nhiệm đầu tiên của tôi là về lại đây, ở Bắc kỳ, tại một cứ điểm có tên là Yên Bái. Tới năm ba mươi hai tôi đi châu Phi cho một nhiệm kỳ ba năm rồi quay lại Sài Gòn theo đơn xin của mình - chỉ mới sáu tháng nay thôi.
    Joseph háo hức hỏi và nhíu lông mày cố nhớ:
    - Vậy ra anh ở đây vào lúc xảy ra những biến động hồi năm ba mươi và ba mươi mốt? Báo chí bên chúng tôi có một số bài tường thuật về các cuộc nổi dậy đó. Phải chăng đã có một loại khởi nghĩa nào đó ở Yên Bái?
    Paul chầm chậm gật đầu nhưng không đưa ra chi tiết. Joseph nói tiếp:
    - Trên chuyến tàu tới đây tôi có hỏi một người đồng hương về chuyện đó. Ông ta nói đó chỉ là một cơn bão trong tách trà: “Vài gã bôn-sê-vich của Joseph Stalin tính chuyện thừa cơ lợi dụng đôi ba vụ mất mùa.” Tôi cho rằng đó chỉ là cách diễn tả của ông ta thôi. Ông ta còn nói họ cố lén lút đưa một ít công thức cách mạng rỗng tuếch cho những người bản xứ nhẹ dạ nhưng không tiến xa lắm. Nói như vậy có đúng không?
    Lắc đầu và nhớm hẳn người tới trước, Paul hạ thấp giọng để không ai có thể nghe lén:
    - Joseph nàyï, nó còn tệ hại hơn bất cứ ai ở thế giới bên ngoài có thể biết tới. Máu đổ rất nhiều và không cần thiết. Đối với tôi, nó xuất hiện hoàn toàn như một cú sốc cực kỳ. Tại Yên Bái, cuộc nổi dậy gần như sắp thành công. Những kẻ nổi dậy bằm nát năm sáu sĩ quan đồng đội của tôi. Và lần đầu tiên tôi tận mắt thấy chính xác rằng trong nhiều người An Nam lòng căm thù người Pháp quả thật sâu xa, không bờ bến.
    Joseph khắc khoải hỏi:
    - Anh có dính líu trực tiếp không Paul?
    Paul gật đầu:
    - Chẳng may là có Joseph ạ.
    Paul lại đưa mắt xem xét kỹ lưỡng vĩa hè Catinat đông đúc sát mé dưới tầng trệt khách sạn. Anh nói và bất giác xoa xoa vai bên mặt làm Joseph nhớ lại cử chỉ cấn cái của Paul anh từng nhận ra mỗi khi Paul nhấc ly rượu lên.
    - Tôi nghĩ mình may mắn thoát chết. Tôi lãnh một vết thương trên vai nay thỉnh thoảng còn bị nó hành. Nhưng có lẽ cái tệ hại nhất là thấy những người An Nam mình từng đối xử như bạn thiết nay bỗng chốc trở thành kẻ căm thù mình dữ dội.
    - Anh có ý nói tới lính bản xứ của anh?
    - Không - còn tệ hại hơn nữa.
    Ngừng một chút Paul quay lại nhìn Joseph:
    - Anh còn nhớ Ngô văn Lộc, người “bồi” trại săn của chúng ta không?
    Joseph gật đầu.
    - Chính việc đó. Lộc và hai con trai của anh ta xuất hiện trong số những người nổi dậy ấy. Cả ba vung gươm và mác lên, thét lớn đòi máu của tôi, cùng với những người khác...
    Joseph giật mình không tin nổi:
    - Anh có ý nói hai đứa nhỏ đùa giỡn với chúng ta nơi trại săn?
    Paul gật đầu cay đắng:
    - Té ra suốt trong những năm đó Lộc cùng vợ anh ta hoạt động cho phong trào chống đối này nọ. Anh biết không, vào lúc chúng tôi gặp gia đình anh, ba tôi thỉnh thoảng có phụ trách một ít công tác mật cho Liêm Phóng, còn vợ chồng Lộc được gài vào nằm vùng để theo dõi chúng tôi. Trong thời gian xảy ra các biến động ấy, ba tôi đang là viên chức làm việc thường trực cho Nha Liêm Phóng. Hiện ông là phó tổng chỉ huy cơ quan đó, kiêm nhiệm phân sở Trung kỳ tại Huế.
    - Rồi sau đó Lộc và hai con trai của anh ta ra sao?
    Trong một thoáng Paul nhìn Joseph với vẻ mặt đau đớn:
    - Học, chú bé nhỏ nhất, bị bắt và sau đó bị hành quyết công khai bằng máy chém cùng với mười hai người nổi dậy khác.
    Nghe đến đây, Joseph kinh hoàng, chầm chậm lúc lắc đầu:
    - Thật không tin nổi Paul ạ.
    Người bạn Pháp xoa một bên hàm, cử chỉ tỏ vẻ khích động:
    - Chuyện không chỉ có vậy. Nói ra nghe buồn lắm. Trước đó, vào một ngày nọ, ba tôi để ý thấy trên bàn viết mất một số giấy tờ, rồi ông tìm thấy chúng trong nhà của người giúp việc. Lúc ấy Lộc đi xa vì vậy vợ của anh ta bị hiến binh bắt giam để điều tra.
    Paul ngừng lại, rõ ràng đang đau lòng vì những gì mình nói, và thêm lần nữa anh đưa mắt xem xét đường phố:
    - Chị ta sau đó chết trong tù... theo lời của công an là “trúng gió”. Vậy anh thấy, rốt cuộc của tất cả những cái đó... gia đình Ngô văn Lộc có cơ sở để không thương mến gì chúng tôi.
    - Rồi xảy tới chuyện gì nữa cho người cha với cậu con lớn ấy?
    - Sau đó, Lộc gia nhập Đảng Cộng sản và cuối cùng, nghe nói anh ta bị thương trong một cuộc nổi loạn đâu đó ở mạn bắc Trung kỳ. Và rồi hình như anh ta lại tham gia những vụ “cộng sản dậy” ở Bắc kỳ hoặc ở lục tỉnh Nam kỳ. Nhưng tôi biết chắc rằng khoảng bốn năm trước đây, anh ta bị bắt và bị cho lên tàu chở ra làm tù khổ sai ở đảo Côn Lôn cùng với cả ngàn đảng viên cộng sản khác. Ngoài ra, tôi không biết chuyện gì xảy tới cho Đồng.
    Người bạn Mỹ trầm giọng hỏi:
    - Có phải những việc ấy để lại trong anh cảm giác cay đắng về người An Nam?
    Viên sĩ quan Pháp chầm chậm nhắp rượu. Và anh ngã lưng ra ghế với tia nhìn xa xăm trong mắt:
    - Cũng khá lạ lùng là nó tác động ngược lại. Cuối năm ba mươi mốt, sau khi mọi biến động ấy lắng xuống, tôi muốn rời nơi đây đi thật xa - nhưng tại châu Phi tôi lại thấy mình thường xuyên nghĩ tới người An Nam hơn là nghĩ tới người châu Phi.
    Mặt Paul hằn nét suy tư trong khi anh tìm cách diễn đạt những cảm xúc phức tạp có lẽ chính anh cũng không thể hiểu cặn kẽ:
    - Tôi khám phá ra rằng xứ sở này và dân tộc này dù sao cũng đã lậm vào máu của tôi. Tôi quả thật không thể giải thích nổi điều đó. Dù đó là cái gì đi nữa, nó cũng khiến tôi xin thượng cấp được thuyên chuyển về lại đây.
    Anh nhìn Joseph, mỉm cười rầu rĩ:
    - Đối với anh thì có vẻ điên rồ khi một sĩ quan quân đội lại suy nghĩ theo cách đó, nhưng giả dụ tôi cảm thấy nước Pháp, bằng nhiều cách thức khác nhau, đã làm nhiều điều sai trái ở đây - người ta đã có thể và nên ứng xử tốt hơn. Dĩ nhiên, đang có nhiều cải tiến. Liên minh Mặt Trận Bình Dân ở Paris đã hợp pháp hoá Đảng Cộng Sản ở đây và người ta bắt đầu phóng thích các tù nhân chính trị hiện bị giam ở đảo Côn Lôn. Lúc này, thậm chí có tới bốn người cộng sản trong hội đồng thành phố Sài Gòn; không khí chính trị tương đối khoan nhượng tới độ người của Trotsky và người của Stalin hợp tác được với nhau. Đó chỉ là mới bắt đầu, tôi biết...
    Paul nhún vai như thể thừa nhận rằng anh không có khả năng giải thích cảm xúc của mình một cách tỉ mỉ hơn:
    - Có lẽ tự tay mình tôi không làm được gì nhiều - nhưng dù sao tôi cũng đang ở đây...
    Joseph mỉm cười, cảm thấy ấm lòng vì sự chân thành và thẳng thắn của người sĩ quan ấy:
    - Paul ạ, tôi nghĩ là tôi hiểu. Lúc này tôi cũng đang ở đây. Tôi có thể thấy sâu trong tiềm thức mình rằng tôi lúc nào cũng muốn trở lại đây. Dù không dính líu theo cách hiện nay của anh, tôi vẫn cảm thấy xứ sở này và dân tộc này có điều gì đó làm mình say mê.
    Nghe vậy, Paul nhoẻn miệng cười trở lại và nói:
    - Thì ra tôi nói giỡn lại trúng y chóc hơn tôi tưởng. Này, nói tóm lại, có phải thật ra anh bị lôi trở lại đây là vì nhớ tới bộ ngực trần của mấy nàng Mọi đó? Hay là anh đã lập gia đình?
    Joseph lắc đầu, tới lượt anh nhoẻn miệng cười:
    - Chưa. Tôi chưa có vợ.
    - Sao lại chưa? Một chàng tuổi trẻ độc thân đẹp trai con nhà giàu như anh đương nhiên bị các người đẹp Mỹ quốc săn đuổi ráo riết, đúng không?
    Joseph hơi ngượng vì câu hỏi thẳng thừng đó. Thoáng chút lưỡng lự, anh cố làm cho rõ tâm trạng của mình nhưng không nổi:
    - Nói thật Paul ạ, tôi thấy hầu hết phụ nữ đều không thật lòng. Tôi nghĩ mình chưa gặp được thiếu nữ nào mình hoàn toàn tin tưởng để có thể kết hôn.
    Viên sĩ quan Pháp lại vừa căn vặn vừa cười:
    - A, té ra bên Mỹ, phụ nữ bạc bẽo cũng là một chủng loại thông thường, phải không?
    - Nó không là một hiện tượng toàn cầu sao?
    Paul lại quay nhìn xuống đường phố, ngắm hai thiếu nữ An Nam mảnh mai đang bước đi tha thướt trong chiếc áo dài cao cổ nhẹ như tơ:
    - Có thể... có thể... cho dù các tiểu thư Sài Gòn con nhà gia giáo dĩ nhiên vẫn thích mang trinh tiết của mình bước tới bàn thờ.
    oseph nhìn theo mắt Paul, mỉm cười:
    - Các chú rể ở đây có còn chơi cái trò trải vuông lụa trắng trong đêm động phòng không đấy?
    Người Pháp cười lớn:
    - A, Joseph, trí nhớ của anh tuyệt vời. Anh nhớ không sót một tí gì tôi đã dạy cho anh. Vâng, đúng đấy, người An Nam vẫn đánh giá rất cao trinh tiết và thủy chung.
    Paul quay bộ mặt tinh quái lại ngó người bạn Mỹ:
    - Có lẽ tôi nên thú nhận sự thật, tuyên bố chính xác và thành thật khai báo với anh rằng lý do duy nhất khiến tôi quay lại nhận nhiệm sở ở xứ này là để ngắm những tạo vật bằng vàng và thú vị ấy ngày nào cũng lướt bềnh bồng qua mắt tôi trong gió Sài Gòn phiêu diêu thổi.
    Người Mỹ trả lời hóm hỉnh:
    - Căn cứ vào những gì chính anh đã kể về anh khi tôi ghé lại đây lần trước, tôi không ngạc nhiên chút nào về chuyện đó.
    Háo hức rướn người qua bàn vỗ vỗ cánh tay Joseph, viên đại úy Pháp nói:
    - Tôi chỉ nói giỡn một nửa thôi Joseph. Hãy nhận lời khuyên này của một người bạn già hơn anh ba tuổi đời - nếu anh có thể mang được một trong những người đẹp An Nam kia về làm phu nhân thì tốt hơn rất nhiều so với hết thảy mọi đại sự anh đang dự tính làm ở đây. Bản thân tôi suy nghĩ chuyện đó hoàn toàn nghiêm túc.
    Paul lại hoác miệng ra cười trong khi dốc hết phần sâm-banh còn lại trong chai vô hai chiếc ly vừa cạn:
    - Tôi sẽ để cho anh tự mình nhận ra điều tôi có ý nói, nếu anh muốn. Chiều mai, tại Câu lạc bộ Thể thao, người ta đấu trận chung kết giải vô địch quần vợt hằng năm của chúng tôi. Lúc này nó là cuộc thi đấu hỗn hợp, đúng với tinh thần thời đại. Và lần đầu tiên có một tay vợt An Nam vô chung kết đơn nam. Anh ta có một cô em gái đẹp tuyệt trần và tôi được hân hạnh tháp tùng cô ấy xem trận đấu. Tại sao anh không cùng đi với tôi? Anh sẽ thấy cách chúng tôi thực thi công cuộc “sứ mạng khai hoá” của mình bằng tác phong hiện đại - cùng lúc ấy, anh sẽ được gặp một trong các thiếu nữ đáng yêu nhất Sài Gòn.
    Joseph đồng ý, cười và đưa ly lên môi:
    - Được thôi. Chúng ta uống mừng chuyện đó.
    Khi cả hai cạn xong ly, Paul mỉm cười đưa một ngón tay lên cảnh cáo:
    - Nhưng lần này, tôi nhất định rằng “Người Mỹ Đa Tình” cần giữ ý tứ hơn. Tôi biết tình bạn của chúng ta vì cái khởi đầu độc đáo của nó - tuy vậy cách riêng dịp này, chớ có tính chuyện chia chung cái ngăn chuồng của tôi.
    Nói xong anh đứng dậy và cười vang, vỗ vai Joseph:
    - Nghe rõ chưa?
    - Nghe rõ!
    Joseph đáp lại, nồng nhiệt bắt tay bạn. Rồi anh đứng nhìn theo Paul với cảm giác trìu mến chân thật khi vóc dáng nhà binh vai ngang ấy khuất dần trong đám đông đang dạo tới dạo lui tấp nập đường Catinat vào buổi tối. Thân hình thẳng đứng của người sĩ quan Pháp khiến Joseph nhận ra Paul càng ngày càng giống hệt cha.
    Bỗng dưng Joseph lại thấy thêm lần nữa trong tâm trí mình hình dáng anh hùng kỳ bí và im lặng đầy kính sợ thuở nào, trước đôi mắt của cậu bé Joseph mười lăm tuổi, đang lắc lư cứng cỏi và thẳng lưng trên yên dẫn đầu đoàn kỵ mã trong chuyến đi đầu tiên và ngất ngây của họ vào rừng xanh. Ký ức ấy lại nhen nhúm một chuỗi hồi tưởng khác, cuối cùng dẫn trở lại những khoảnh khắc kinh hoàng bên ngoài túp lều của Devraux, trong cơn mưa bão.
    Sau khi không còn đám đông đi lại tấp nập trên đại lộ bên ngoài cửa sổ, Joseph nằm thao thức rất lâu trong phòng khách sạn Continental, vật vã thêm lần nữa với những âm vang xao xuyến và lẹ làng của quá khứ.
    

Xem Tiếp Chương 2Xem Tiếp Chương 10 (Kết Thúc)
Trăng Huyết ( Phần III )
  » Đang Xem Chương 1
  » Xem Tiếp Chương 2
  » Xem Tiếp Chương 3
  » Xem Tiếp Chương 4
  » Xem Tiếp Chương 5
  » Xem Tiếp Chương 6
  » Xem Tiếp Chương 7
  » Xem Tiếp Chương 8
  » Xem Tiếp Chương 9
  » Xem Tiếp Chương 10
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh