Tháng 10 năm 1856, tàu chiến Pháp hạ thành Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lăng nước Việt Nam nhằm thiết lập các cơ sở chính trị và thương mại cho nước Pháp, để tối hậu, biến Việt Nam thành thuộc địa của Pháp. Tháng 2 năm 1859, quân Pháp chiếm thành Gia Định rồi dần dần xua quân đánh loang khắp lục tỉnh. Mười bốn năm sau, Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ nhất. Tháng 3 năm 1874, đại diện vua Tự Đức và nước Pháp ký Hòa ước Giáp Tuất nhường đứt sáu tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Tám năm sau, Pháp đưa quân ra Bắc, hạ thành Hà Nội lần thứ hai. Tháng 6 năm 1884, hòa ước Patenôtre ký kết giữa các đại diện Pháp và triều đình Huế công nhận nước Việt Nam bị chia hẳn làm ba kỳ. Hiệp ước ấy đánh dấu nền thống nhất đất nước mà dân Việt từng xây dựng bằng biết bao nhiêu xương rơi máu đổ suốt mấy ngàn năm lịch sử, nay lâm vào cảnh tam phân vì chính sách thâm hiểm “chia để trị” của người Pháp; nó đồng thời xác định sự chiến thắng trọn vẹn của đế quốc Pháp và sự suy tàn không cứu vãn nổi của phong kiến Việt Nam.
Như thế, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, từ trước năm 1925, đất nước hiện nay có tên là Việt Nam đã bị chia làm ba phần. Miền phía nam gồm Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long làm thành xứ Nam Kỳ, trên thực tế là thuộc địa kể từ năm 1862; miền trung ở giữa với đế đô Huế là xứ Trung Kỳ Bảo Hộ; và miền phía bắc với kinh kỳ Hà Nội cũng là một xứ bảo hộ riêng biệt, được gọi là Bắc Kỳ. Về mặt lý thuyết, hoàng đế An Nam có toàn quyền cai trị phần đất bảo hộ, nhưng sau biến cố Kinh thành Thất thủ 1885 với việc vua Hàm Nghi xuất cung, truyền hịch kêu gọi toàn quốc Cần Vương, người Pháp truy bắt được vị vua 16 tuổi này, đem đày ở Algeria. Sau khi phong trào Văn Thân tiếp nối rồi bị dẹp tan, người Pháp bắt đầu thao túng chính sự của Nam Triều.
Năm 1907, người Pháp dựng cớ vua Thành Thái bị bệnh tâm thần, bắt đưa đi an trí ở Vũng Tàu. Tới năm 1914, nổ ra Thế Chiến Thứ Nhất ở châu Âu, họ đưa vị cựu hoàng đầy khí phách ấy đi đày ở đảo Réunion tại Phi Châu thuộc Pháp để ngừa biến loạn. Bảy năm trước đó, người Pháp đặt lên ngôi con của Thành Thái là Duy Tân, lúc ấy mới tám tuổi. Tới năm 1916, vị vua trẻ anh tuấn này dũng cảm “rửa vết nhơ cho nước” bằng cách đứng đầu một phong trào khởi nghĩa đánh Pháp từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Sự việc vỡ lỡ, nhiều sĩ phu và nghĩa dân trong Việt Nam Phục Quốc Hội bị bắt rồi bị cấm cố khổ sai hoặc xử tử. Nhà vua bị Pháp đem đi đày chung một đảo với phụ hoàng.
Người Pháp đưa lên ngôi người con trai duy nhất còn sống của vua Đồng Khánh là Bửu Đảo, một hoàng tử thường đau yếu và miệt mài trên chiếu bạc, rể của đại thần Trương Như Cương là kẻ lúc bấy giờ có quan hệ thân thiết với Pháp và quyền uy bậc nhất Nam Triều mà quan lại các cấp hầu hết đều xu phụ người Pháp. Trên lý thuyết, vua Khải Định, hoàng đế An Nam, cai trị hai miền gồm Trung Kỳ Huế và Bắc Kỳ Hà Nội với sự giúp đỡ và bảo hộ của Pháp còn Nam Kỳ thì chịu sự cai trị trực tiếp của Paris — nhưng trong thực tế cả ba miền đều là thuộc địa bị đô hộ.
Dân Việt Nam hầu hết thuần chủng tuy có một số bộ lạc sống nơi núi rừng hẻo lánh thuộc hệ Môn-Khmer và Thái, Tày, Nùng, v.v. làm thành khoảng 57 sắc dân. Ngày nay người ta gọi dân nước này là người Việt Nam nhưng vào thời đó (1925) thế giới bên ngoài chỉ biết rằng họ là người An Nam. Về cơ bản, họ thuộc nòi Giao Chỉ, có nguồn gốc chủng tộc bản địa, giống Mã Lai đa đảo Mê-La-Nê-Diên sống ở Đông Nam Á, trong đó có đồng bằng Bắc bộ, và hợp chủng với tộc Bách Việt mà vào thời tiền sử đã từ phía nam sông Dương Tử lan xuống vô số hải đảo Thái Bình Dương. Định cư tại dải đất ven biển phía đông bán đảo Hoa Ấn, dân tộc Giao Chỉ này lập quốc với tên Văn Lang, sau đó, từng đặt tên xứ sở mình là Nam Việt: Đất của dân Việt phương Nam. Họ còn gọi xứ sở mình là đất giao lưu của hai nền văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Người Trung Hoa xâm lăng họ, chiếm cứ xứ sở họ suốt mười một thế kỷ, đồng thời đổi tên Nam Việt thành An Nam: Phương Nam ổn định và từ đó, gọi họ là người An Nam.
Trong suốt thời gian dài dằng dặc ấy, họ hấp thu hệ thống quân chủ và triết lý Khổng Mạnh của người Trung Hoa nhưng từ khi giải phóng đất nước nhân lúc sụp đổ của nhà Đường, họ vươn lên thành một quốc gia độc lập. Có thời xưng là Đại Việt: xứ sở của Dân Việt Vĩ Đại; cũng có thời xưng là Đại Nam: Phương Nam Vĩ Đại, họ đẩy lùi cuộc xâm lăng của đám người Mông Cổ cũng như họ chiến đấu và chiến thắng những nỗ lực xâm lăng của các hoàng đế Trung Hoa thuộc các triều đại Tống, Minh rồi Mãn Thanh. Từ đồng bằng Bắc bộ, họ bành trướng lãnh thổ xuống phương nam. Dần dần họ xâm chiếm đất đai của vương quốc Champa vào tới Bình Thuận và lấn luôn phần Khmer-krom (Thủy Chân Lạp) của người Khmer từ Bình Tuy tới Châu Đốc Hà Tiên vào cuối thế kỷ 17. Họ còn khiến vương quốc Lào phải thần phục và triều cống.
Thế nhưng tới cuối thế kỷ mười chín họ không đủ sức chống cự các đạo binh châu Âu. Vào thời đó, sau hai thế kỷ xâm nhập ngày càng sâu của các nhà truyền giáo và các nhà buôn phương Tây, tới lượt người Pháp quyết định dùng sức mạnh vũ khí để thiết lập nền đô hộ trên khắp lãnh thổ An Nam với hai vương quốc cách biệt là Lào và Cambodia, cộng thêm nhượng địa Quảng Châu Loan ở cực nam Trung Hoa, lập thành Liên bang Đông Pháp (Đông Dương thuộc Pháp).
Ngay từ năm 1886, Paul Bert, Thống sứ Bắc Kỳ rồi Khâm sứ Trung kỳ đã nói: “Khi một dân tộc, vì một lý do nào đó mà đặt chân lên lãnh thổ của một dân tộc khác, thì chỉ có ba cách đối xử, đó là: tiêu diệt dân tộc bại trận, nô dịch họ một cách nhục nhã hoặc gắn bó họ vào chung số phận của dân tộc mình.” Chính quyền thực dân Pháp chưa bao giờ chọn cách thứ ba.
Khoảng mười sáu ngàn người Pháp thống trị mười lăm triệu người An Nam với một chế độ cai trị khắc nghiệt, không chút khoan nhượng. Họ bổ nhiệm các viên chức Pháp và một số người bản địa thân Pháp nắm quyền hành cho tới tận cấp chính quyền thấp nhất còn người An Nam đã không có quyền hành lại còn bị sỉ nhục ngay trên quê hương mình. Gạo, than đá và cao su bị đem bán ra nước ngoài vì lợi nhuận độc quyền của những người Pháp có cổ phần trong các công ty châu Âu, còn cu-li người An Nam bị hành hạ trong hầm mỏ, trên công trường cao su với đồng lương không đáng kể. Dân quê làm ruộng cũng lâm vào hoàn cảnh khốn khổ như thế. Đất của họ thường bị kiếm cớ cướp đoạt rồi đem sáp nhập để tăng thêm đất sở hữu của các Tây thuộc địa và của một số ít ỏi người An Nam đang hợp tác với Pháp.
Trong khi bóc lột các xứ sở mình chiếm cứ, người Pháp lại không ngớt rêu rao rằng họ tới Đông Dương với “sứ mạng khai hóa” để giúp quốc gia lạc hậu này tiến vào ánh sáng văn minh của thế kỷ hai mươi. Ngay từ đầu, các nho sĩ và quan chức hàng đầu người An Nam như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Âu Dương Lân, v.v... đã nhận ra sự đạo đức giả đó của người Pháp. Họ không bao giờ chịu thật lòng hợp tác với chủ nhân ông thực dân và họ coi khinh những đồng bào nào hợp tác toàn tâm toàn ý với Pháp. Một số ra sức tổ chức các nhóm yêu nước và kháng chiến như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, v.v... và sau đó, các phong trào Cần Vương, Văn Thân... nhưng không mấy thành công.
Cũng như các nước thực dân thời đó, người Pháp tin rằng đám thần dân thuộc địa “da màu” thì rất thấp kém so với các chủng tộc da trắng châu Âu. Và vào năm 1925, niềm tin ấy tác động hết sức mạnh mẽ lên mọi lãnh vực trong đời sống hằng ngày — khắp các mặt chính trị, kinh tế, vắn hóa, xã hội… và thậm chí tình dục.
- 1 -
Bọt trắng phun ngược lên mặt nước rồi ngoằn ngoèo chạy theo các bánh lái bằng thép của chiếc Avignon, con tàu Pháp trọng tải năm ngàn tấn, khi họ ra khỏi vùng Biển Đông nước ấm xanh màu nhiệt đới. Con tàu rời Hồng Kông hai ngày trước đây, nay đang hướng mũi về vùng xích đạo phương nam dưới ánh mặt trời chói chang ban trưa. Giữa bóng tối nóng nung người trong các hầm tàu không hàng hóa ngay bên dưới sàn boong, ba trăm cu-li người Hoa cùng với gia đình của họ im lặng chen chúc nhau, ngỏng cổ rướn tới các luồng không khí thoáng đãng đang chờn vờn bên trên những nắp vỉ sắt nóng bỏng dùng để cách ly họ và nhốt thật kỹ.
Nơi khu vực bên trên boong sát bên ngoài nửa tá buồng ngủ hạng nhất, các tấm bạt sọc trắng xen lẫn sọc xanh lá cây nhẹ nhàng vờn cánh trong gió, rung êm đềm theo chuyển động của thân tàu. Dưới bóng mát của vải bạt, thượng nghị sĩ Nathaniel Sherman ung dung ngửa người trên lưng ghế xích đu bằng vải thô, khoan khoái duỗi thẳng hai chân ra đằng trước. Cao, mặt hồng hào và có khuynh hướng phát phì trong độ tuổi vừa quá bốn mươi, người Nathaniel toát ra vẻ tự mãn của một kẻ sở đắc được sự hâm mộ của quần chúng tới một mức nào đó. Đầu xù và mái tóc rậm từ đường ngôi giữa trán rẽ ra hai bên thành hai mé đều nhau. Môi trên của ông phủ một bộ ria rậm hợp thời thượng.
Nathaniel đã cởi áo khoác bằng vải lanh nhưng phong cách chững chạc được nuôi dạy từ thuở bé của một người thượng lưu Virginia khiến ông vẫn mang trên mình chiếc áo vét-tông may cắt rất vừa vặn và chiếc cà-vạt lụa màu nâu được ghim vào áo sơ-mi bằng cây kim nạm kim cương. Cũng thế, lòng kiêu hãnh và thích kiểu cách của người Mỹ miền nam khiến thượng nghị sĩ phải vội vàng nhỏm dậy khi có một sĩ quan cấp úy, mặc đồng phục trắng, xuất hiện sát bên ông. Trên tay anh ta là khay nước giải khát ướp lạnh được bưng ra cho ông, vợ và hai con trai. Nathaniel nói chậm rãi, cố ý làm cho nụ cười ân cần chiếu cố tỏa khắp khuôn mặt mình:
- Thưa anh, săn sóc chúng tôi như thế này anh thật là người cực kỳ tinh tế. Nhất là trong khi anh rất bận rộn với con tàu nhỏ nhắn và ngăn nắp này.
Người thanh niên Pháp nghiêng đầu tỏ vẻ tôn kính rồi thận trọng nói bằng thứ tiếng Anh của người ít khi dùng tới:
- Thưa thượng nghị sĩ, xin ông chớ nói như thế. Tôi chỉ là người vâng lệnh thuyền trưởng mang tới quí vị nước giải khát cùng lời vấn an của ông ấy. Trước đây, chúng tôi chưa bao giờ có hân hạnh được chở một đại biểu quan trọng của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ tới Sài Gòn như lần này.
- Xin anh vui lòng chuyển lời cám ơn của tôi tới thuyền trưởng về sự đánh giá vô cùng tử tế của ông ấy. Chắc chắn lòng hiếu khách nổi tiếng của người Pháp sẽ làm cho thời gian chúng tôi ở lại tại thuộc địa của quí quốc thành một kỷ niệm không bao giờ phai nhạt.
Viên sĩ quan đẹp trai với vẻ mặt trẻ thơ ấy thêm lần nữa nghiêng đầu. Rồi xoay lưng lại với thượng nghị sĩ, anh hướng khay nước về phía Flavia, vợ ông, một phụ nữ trong độ tuổi chưa tới bốn mươi, đẹp tuyệt vời và rất quyến rũ. Mái tóc đen tuyền ôm gọn khuôn mặt trái xoan màu trắng phơn phớt xanh cùng bộ ngực đầy đặn và thanh tú, tỏ cho thấy phần nào dòng máu Louisiana lai Pháp đang chảy trong huyết quản bà.
Viên sĩ quan mỉm cười nhìn thẳng vào mắt Flavia khi bà đưa bàn tay đeo găng lên nhấc ly nước chanh tươi có đá lạnh. Flavia cũng mỉm cười cám ơn, lâu hơn mức cần thiết một chút, rồi nhỏ nhẹ cất tiếng:
- Merci beaucoup, monsieur. Vous êtes trop gentil. Cám ơn ông rất nhiều. Ông dễ mến quá.
Trước khi quay sang hai con trai của Flavia, người thanh niên Pháp để ánh mắt thoáng lướt theo đường nét trên bộ ngực bà đang căng phồng dưới lớp áo đầm bằng lụa mỏng mới may cắt ở Đại lộ Thứ Năm; rồi anh lại mỉm cười ý nhị với bà. Sự phô bày lộ liễu niềm say mê và thú vị đó khiến Flavia cảm thấy mặt mình nóng bừng.
Bên kia bàn, Joseph, cậu con trai thứ, thấy má mẹ ửng hồng. Flavia ngước mắt, nhận ra cậu đang đăm đăm nhìn thấu tâm trạng sâu kín của mẹ. Để giấu kín vẻ bối rối, bà lóng ngóng cho tay vào túi xách tìm chiếc hộp nhỏ và dẹp làm bằng mai rùa có gắn gương soi bên trong nắp rồi xoay người qua hướng khác, bà điểm điểm phấn lên khuôn mặt mình. Joseph cầm ly nước chanh trên khay của viên sĩ quan nhưng thay vì uống, cậu tiếp tục nhìn về phía mẹ, sẵn sàng nở nụ cười đồng tình. Nhưng trước trạng thái trông ngóng của cậu, Flavia lại đưa mắt ngó chỗ khác, không nhìn con.
Khi người thanh niên Pháp vừa quay đi, Nathaniel Sherman tủm tỉm cười, nghiêng mình đầy tự tin về phía chiếc ghế có cậu con lớn đang ngồi:
- Chuck ạ, bố đang tự hỏi là anh ta sẽ đối đáp ra sao nếu bố bảo anh ta rằng anh ta vừa mời nước một người tới ngày nào đó sẽ trở thành nhân vật quan trọng còn hơn cả thượng nghị sĩ tầm thường này của đảng Dân Chủ tiểu bang Virginia? Giả dụ bố bảo anh ta rằng chiếc Avignon này đang chở người thanh niên có tên Charles Sherman, kẻ mang định mệnh một ngày nào đó sẽ trở thành tổng thống nước Mỹ?
Ông nắn nắn bắp tay Chuck, tên gọi tắt của Charles, rồi liếc cậu con thứ:
- Chắc chắn thế nào anh ta cũng phải chú ý tới nổi giật bắn cả người, đúng không Joey?
Joseph gật đầu, cầm ly nước lên, nốc cạn một hơi rồi trả lời gọn lỏn, không ngước mặt:
- Đúng hết sẩy đó bố.
Cách nhau sáu tuổi, hai anh em đều có mái tóc màu vàng tươi nhưng chỉ Charles Sherman, hai mươi mốt tuổi, giống vị thượng nghị sĩ cha mình một cách rất đặc biệt. Cao như cha, hai vai rộng khoảng khoát, Chuck có vẻ đẹp như tượng tạc, lồ lộ những đường nét của kẻ bẩm sinh là lực sĩ điền kinh, đồng thời cũng toát ra một cá tính mạnh mẽ khác thường. Và như thể bắt chước cha, cậu cũng hãnh diện để một bộ ria mép màu hung.
Đưa ngón tay trỏ với ngón cái lên xoắn xoắn mấy cọng ria, Chuck làm bộ mặt mày nhăn nhó, ngó Joseph với vẻ trêu chọc, để tỏ cho em thấy trong bụng cũng đang khó chịu khi nghe lời tuyên bố đầy tin tưởng và quá đáng của cha về mình. Lập tức Joseph toét miệng cười tội nghiệp cho anh. Rồi cảm thấy ông bố thượng nghị sĩ đang hào hứng với đề tài quen thuộc đó, cậu cầm lên cuốn sử ký Đông Dương thuộc Pháp đã mở và đặt sẵn trên bàn trước mặt, thả ngửa người ra lưng ghế.
Vóc người nhỏ hơn anh, ở tuổi mười lăm, bộ mặt của Joseph mang nét thơ dại và còn nhiều biến đổi của một thiếu niên đang lớn nhưng đã để lộ vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi và sâu sắc hơn Chuck. Nụ cười của cậu có dấu vết đa cảm như thừa hưởng tính khí của mẹ. Khi cha bắt đầu lên tiếng nói nữa, đôi lông mày mơn mỡn trẻ trung của Joseph nhíu lại. Dù đang cố tập trung trí óc vào việc đọc sách nhưng từ đằng sau cuốn sách, cậu vẫn nghe không sót tiếng nào trong lời lẽ của bố:
- Chuck ạ, bố biết con cảm thấy ngượng nghịu khi bố đề cập tới con theo cách đó nhưng bố làm vậy cũng chỉ với động cơ tốt.
Thận trọng và trang trọng châm điếu xì-gà Havana, thượng nghị sĩ nói tiếp:
- Chẳng bao giờ là quá sớm khi gieo rắc những ý tưởng vĩ đại vào một đầu óc non trẻ. Bố tin rằng một khi người đàn ông đã lập quyết định thì không việc nào hắn không làm được. Con nên nhớ rằng: hễ nếu con bắt tay vào việc sớm hơn một chút thì không cái gì trên quả đất này có thể cản trở nổi một quyết tâm thật sự. Bộ không phải cộng đồng tiểu bang Virginia của chúng ta nổi tiếng là nơi sản sinh tổng thống Mỹ sao? Washington, Jefferson và sáu người Virginia khác từng lãnh đạo đất nước của chúng ta. Vậy tới ba mươi lăm năm nữa — hãy cứ nói là khoảng năm một ngàn chín trăm sáu mươi — tại sao lại không có một vị tổng thống tên là Charles Sherman ngồi trong Toà Bạch Ốc? Bố đã nói với con trước đây rằng con hãy phóng tầm mắt của mình lên thật cao.
Nathaniel ngừng lại, chỉ điếu xì gà vào cậu con lớn và thân mật khích lệ:
- Nếu con bắt tay hành động thì cái không thể làm được sẽ bắt đầu trở thành cái có vẻ làm được.
Chuck Sherman ngọ nguậy trên ghế, nhăn mặt hóm hỉnh nhìn mẹ:
- Ôi, cũng lại cái chuyện đó nữa! Mẹ ơi, rồi mẹ có thỉnh thoảng ghé lại Tòa Bạch Ốc thăm con để con chẳng cảm thấy mình quá cô độc ở chỗ đó không?
Trước khi vợ kịp trả lời, thượng nghị sĩ cắt ngang với giọng có vẻ quở trách:
- Bố tin chắc, Chuck ạ, rằng không có gì làm mẹ con hạnh phúc hơn là được thấy con mang lại sự trọng vọng cho bản thân con và cho gia đình mình. Không kém gì bố, mẹ con cũng muốn con thành công.
Flavia Sherman lập tức mỉm cười đồng tình với Chuck. Rồi với tiếng thở dài không màng che đậy cơn bực dọc, bà quay sang chồng:
- Nathaniel này, có phải để yên cho cả nhà thoải mái trong vài tuần lễ để tận hưởng chuyến đi này là tốt hơn không? Liệu chúng ta không thể, chỉ lần này thôi, để Washington và chính trị Virginia ở lại bên Mỹ sao?
Với cử chỉ độ lượng, thượng nghị sĩ cười cười, ve vẩy điếu xì-gà trước mặt mình và trả lời:
- Mình ạ, dĩ nhiên anh muốn cả nhà mình vui vẻ thưởng thức chuyến đi hiếm có này, nhất là em. Trưa nay, anh thấy em có vẻ cực kỳ thoải mái trong chiếc áo đầm em đang mặc. Anh nghĩ chuyến đi này tự nó là một liều thuốc bổ cho em. Thật may mắn cho mình, phải không các con, là cửa tiệm Saks Fifth Avenue sang trọng đã khai trương đúng một ngày trước hôm chúng ta đi xa?
Nathaniel tít mắt nháy về phía hai con rồi đưa tay vỗ vỗ bàn tay của vợ đang đặt trên thành ghế, ông xuống giọng:
- Anh nghe người ta đồn lòng vòng ở Manhattan rằng sau hôm em đi mua sắm ở khu vực đó, các cửa tiệm phải đóng cửa vì hết sạch y phục thời trang Paris, có phải vậy không?
Flavia cố nhoẻn miệng cười nhưng trong thâm tâm bà muốn rụt tay lại khi bị chồng chạm vào. Suốt ba ngày vượt biển vừa qua, lần đầu tiên sau nhiều năm trời bà lại được giao tiếp với lối sống kiểu Pháp và trong lòng bà những xúc cảm bị quên lãng từ lâu nay xôn xao trở lại.
Lời thăm hỏi đầy phong nhã của thuyền trưởng và đặc biệt, ánh mắt sáng lên khi nhìn bà của các sĩ quan trên tàu gợi cho Flavia nhớ rằng nhan sắc thời trẻ của bà, một nhan sắc từng được vô số người ngưỡng mộ, nay chưa phôi pha. Lúc này, trong bầu khí nóng bức và sôi nổi của vùng nhiệt đới, dường như đã bốc thành hơi và tan biến khỏi ký ức của Flavia mọi dấu vết, mọi hình ảnh những năm dài vừa qua lịm chết với việc chăm lo nội trợ cùng săn sóc gia đình giữa lòng xã hội gò bó Tidewater xứ Virginia.
Ngay từ những ngày bắt đầu cuộc sống vợ chồng, Flavia đã cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà nơi đồn điền Queen Anne nhìn xuống dòng sông James dù chung quanh bà lúc nào cũng có mặt một “đạo quân” nhỏ gồm những người da đen giúp việc. Và cứ thế, nhiều năm trời trôi qua trước khi Flavia hoàn toàn hiểu ra rằng chồng mình đã dùng tình trạng thường xuyên vắng nhà — ban đầu vì công việc của đồn điền, rồi sau đó tới ở hẳn tại Thủ đô Washington — để che đậy việc ông gần như chẳng quan tâm chút nào tới con người của vợ. Sau cùng, Flavia thu mình vào một cuộc sống tẻ nhạt, thiếu đam mê, còn chồng bà che phủ tình trạng ông không để ý tới cảm xúc của vợ bằng một chiếc mặt nạ lịch sự nhã nhặn trước mặt mọi người. Ngoài tính cách của một người mẹ, vai trò độc nhất Flavia đóng là tiếp khách như một nữ chủ nhân nhằm trang trí cho những buổi họp mặt chính trị của chồng.
Cứ thế Flavia chịu đã thành quen nếp sống hôn nhân bề ngoài mãn nguyện nhưng bên trong đầy dẫy dối trá tới độ có lẽ chính bà cũng sắp sửa tin rằng đó chính là hạnh phúc thật. Nhưng lúc này, bản tính một thời đam mê đang thêm lần nữa thức giấc, Flavia bắt đầu cảm thấy mình sống động sôi nổi trở lại. Những ngón tay của chồng đang chạm vào bà một cách tẻ nhạt và hời hợt bỗng có vẻ ghê ghê hơn bao giờ hết. Vội vàng rút tay mình về và cầm ly nước chanh lên để che giấu lý do thật sự khiến mình cắt ngang sự đụng chạm đó, bà nói thật bình thản, không ngước mắt nhìn chồng:
- Nathaniel ạ, em sẽ sung sướng hơn nếu anh đừng cứ vài phút lại làm Chuck lo nghĩ tới tương lai của nó. Em chắc rằng nó đang rất háo hức chuyện đi săn. Tại sao mình không để yên cho con tự thoải mái với chính nó.
Nathaniel nhấc điếu xì-gà khỏi miệng rồi thêm lần nữa vỗ vỗ bàn tay vợ và nói với vẻ bao dung:
-Mình ạ, về mặt đó chắc chắn em có lý. Dĩ nhiên chúng ta dự tính tận hưởng thú đi săn và sẽ tự tay dồn đầy túi săn của mình một số dã thú quí và hiếm của xứ Nam Kỳ. Nhưng em nên nhớ rằng chúng ta đang du hành tới một góc của địa cầu, nơi ít có người biết rõ nó. Cuộc sống ở một thuộc địa của Pháp tại Á Đông khác hẳn mọi thứ chúng ta từng thấy nơi quê nhà. Dù ta đi bất cứ chỗ nào, mỗi chuyến đi cũng là một dịp học hỏi mới — đó là điều cha anh đã dạy cho anh! Và dĩ nhiên cho cả Chuck lẫn Joseph. Anh chỉ muốn giúp các con học cách nhìn mọi sự, thế thôi.
Ông ngừng nói rồi cười với Chuck:
- Dù là dân đại học Harvard đi nữa, con vẫn phải học hỏi từ chính cuộc sống vô số điều lạ lùng. Con không thể nào có được hết thảy khôn ngoan của thế gian qua thư viện, ngay cả khi con là một học giả giỏi tới cỡ nào đi nữa...
Đột nhiên tiếng động của cuốn sách đóng ập lại làm thượng nghị sĩ trừng mắt nhưng ông vẫn không ngưng cuộc độc thoại của mình. Trong một thoáng, Nathaniel đưa mắt chăm bẳm nhìn theo cậu con thứ khi cậu bỏ đi, bước thơ thẩn dọc theo boong tàu. Rồi quay qua cậu con lớn, ông nói tiếp:
- Chuck ạ, thực tế là nếu chỉ nhìn những gì đang xảy ra chung quanh mình thôi thì không đủ. Dù ở Đông Dương hay ở Washington, con vẫn phải học cách cắt nghĩa chính xác các biến cố...
Joseph tiếp tục bước cho tới khi không còn nghe giọng nói lề mề của cha. Cậu dừng chân, tì người vào lan can mé đầu cầu thang, đưa mắt nhìn trống rỗng vào boong tàu phía dưới, và cảm thấy giận mình đã bỏ chỗ ngồi mà đi. Cậu rất muốn nghe những gì cha định nói nhưng giọng điệu đã quá quen thuộc của ông khi tán dương anh Chuck vẫn khiến cậu động lòng như thường lệ. Đây không phải lần đầu tiên Joseph tự hỏi tại sao nó lại làm mình mũi lòng đến thế trong khi chính cậu cũng thương mến và ngưỡng mộ Chuck. Tuy vậy, nỗi thắc mắc ấy tự nó không gợi lên được câu trả lời nào. Sau một hai phút, Joseph nhận ra rằng trong khi tâm trí lùng bùng với những ý nghĩ ấy, cậu cũng đồng thời nhìn xuống mé dưới các vĩ sắt cách ly, nơi nhốt những gia đình cu-li người Hoa.
Hình như phải mất một lúc họ mới từ từ hiện lên rõ nét. Một khối những bộ mặt vàng vọt lúc nhúc bên nhau, câm lặng, lấp lánh mồ hôi như đang tắm. Những lằn con mắt đen nhánh đăm đăm ngó Joseph không chút dao động nhưng chỉ biểu lộ một sự trống rỗng như nhau. Cậu bàng hoàng nhận ra rằng khi nhìn đám người ấy cậu bỗng nhớ lại lũ bê non từng có lần trông thấy nơi đường rầy xe lửa tránh nhau ở quê nhà, tại Richmond, Virginia. Những con bê ấy không biết mình bị dồn lên xe tải để chở tới làm nguyên liệu cho lò sát sinh. Trong lúc tự hỏi không biết những người nô lệ từng được tàu thủy chở tới Hoa Kỳ có giống thế này không, Joseph cảm giác bàn tay của mẹ chạm dịu dàng vào vai mình. Cậu quay lại thấy mẹ đang nở một nụ cười âu yếm.
Flavia dịu dàng cất tiếng:
- Joseph ạ, đừng chạnh lòng về việc ấy. Con đã biết bố thỉnh thoảng lại nổi cơn cao hứng về Chuck. Còn mẹ, mẹ cũng kỳ vọng nơi con rất nhiều điều lớn lao.
Lòng dịu lại, Joseph gật đầu. An tâm mỉm cười với mẹ vì thấy hai mẹ con vẫn hợp ý nhau, cậu vội vàng đáp:
- Không việc gì đâu mẹ. Mẹ không cần phải lo lắng cho con.
Lúc ấy thuyền trưởng của con tàu Pháp Avignon, người lực lưỡng với bộ râu cằm màu đen hình đuôi én, xuất hiện kế bên hai mẹ con. Cầm trong tay chiếc mũ cối làm bằng ruột bần, ông vừa nói vừa cười:
- Monsieur Joseph ạ, cậu phải hết sức cẩn thận mới được; chớ bao giờ phơi mình ra quá lâu dưới ánh mặt trời nhiệt đới.
Chưa dứt nụ cười ông đã lẹ tay ấn mũ lên đầu cậu bé Mỹ và liếc thật lẹ Flavia Sherman lúc này đang đội chiếc mũ rộng vành bọc nỉ trắng có mấy tua màu sặc sỡ:
- Chiếc mũ này của cậu tuy không xinh đẹp bằng của mẹ cậu nhưng cũng đủ cứu cho cậu khỏi bị say nắng.
Vì thuyền trưởng nói bằng tiếng Pháp nên Joseph phải lúng búng cám ơn ông bằng tiếng Pháp, rồi cậu đưa tay chỉ xuống sàn boong:
- Nhưng thưa ông, còn đối với những người đang ở dưới kia thì sao? Chắc là họ cảm thấy nóng thê thảm hơn bất cứ người nào trong chúng ta — mà dưới đó còn có cả đàn bà và trẻ em nữa.
- Cậu Joey trẻ tuổi con ạ, họ có thể là những kẻ gian đấy. Đó là lý do khiến người ta buộc lòng phải khoá chặt họ lại, nhốt họ thật kỹ.
Viên thuyền trưởng Pháp xoay nghiêng nửa người về phía vừa phát ra tiếng nói và nhận ra Nathaniel với Chuck đang đi tới đằng sau. Ông gật đầu đồng ý, chuyển qua nói bằng tiếng Anh:
- Thưa thượng nghị sĩ, ông thật chí lý. Trên tàu này hiện chỉ có một nhúm chúng ta trong khi đó có tới ba trăm tên người Tàu. Hầu hết bọn chúng đều là dân cu-li thất học từ Quảng Đông di dân tới Nam Kỳ, và tụi cướp biển có thể trà trộn vào trong bọn chúng. Dọc bờ biển đông này đầy dẫy hải tặc. Chỉ mới tuần trước đây, trên một chiếc tàu Anh, có một băng cướp biển giả làm hành khách đi vé hạng chót. Tới nửa đêm, bọn chúng tấn công đài chỉ huy. Tới khi thủy thủ đặt được chướng ngại vật để phòng thủ, chúng nổi lửa đốt boong tàu.
Joseph kinh hãi tròn xoe hai con mắt thơ ngây:
- Rồi sao nữa? Tất cả thủy thủ đều bị thiêu sống ư?
Thuyền trưởng mỉm cười trước câu hỏi nôn nóng và tử tế của cậu bé:
- May mắn là không. Ông chủ chiếc tàu Anh quay tàu ngược lại hướng gió khiến gió thổi tạt lửa về phía tụi cướp biển. Bọn chúng chỉ còn có cách nhảy xuống biển, không sót một tên. Nhiều đứa bị chết đuối.
- Goào, mánh lới kiểu đó thiệt là thông minh!
Joseph thở phào. Mặt cậu rạng lên sôi nổi khi nghĩ tới cảnh tượng ấy, rồi âm u trở lại. Cậu hỏi tiếp:
- Nhưng chẳng lẽ tất cả những người Tàu dưới đó đều là bọn cướp biển, đúng không? Có phải đang có chút gì đó không công bằng đối với họ?
Thuyền trưởng trả lời nhã nhặn:
- Cậu nhớ cho, chúng tôi buộc lòng phải làm như thế chỉ vì muốn chuyến đi được an toàn. Chẳng còn biện pháp nào khác. Tại các xứ thuộc địa, có những sự việc nhất định phải được thực hiện một cách khác với thông thường.
Rồi ông nhún vai, hơi có vẻ gô-loa, theo kiểu ngụ ý mình không thể lo liệu nổi. Và mỉm cười ông nói tiếp:
- C’est la vie coloniale: Đời thuộc địa là thế, Monsieur Joseph ạ! Chẳng bao lâu rồi cậu cũng sẽ quen dần với nó.
Trong một chốc nét mặt Joseph vẫn còn vẻ ái ngại nhưng rồi lại tươi rói khi đưa tay chỉ về hướng tây, qua vai thuyền trưởng. Cậu la lên háo hức:
- Có phải đất liền ở chỗ đằng xa kia không?
Lập tức thuyền trưởng người Pháp đưa ống nhòm lên quan sát:
- Vâng, Monsieur Joseph, cậu nói đúng. Đó là vùng duyên hải của một thuộc địa Pháp xinh đẹp nhất, trù phú nhất thế giới.
Ông xem đồng hồ và trao ống nhòm cho cậu bé Mỹ:
- Cậu có muốn nhìn không? Có lẽ chúng ta sẽ cập bến Sài Gòn vào một lúc nào đó sau bữa ăn trưa mai.
Bằng đôi mắt trần, Joseph chỉ thấy thấp thoáng dấu vết bờ biển lờ mờ, khi ẩn khi hiện. Nhưng qua ống nhòm cậu có thể thấy rõ hơn vài mỏm cuối của dải Trường Sơn ngàn dặm. Theo bản đồ, nó trông như một cành cây sần sùi nối liền vùng đồng bằng sông Cửu Long dồi dào lúa gạo phương nam và Sài Gòn với châu thổ phì nhiêu sông Hồng bao quanh Hà Nội ở phương bắc.
Qua cuốn sách vừa gấp lại trước đó Joseph biết rằng có những vùng rộng mênh mông toàn rừng nhiệt đới nguyên sinh bao phủ các khu vực núi non và các vùng đất thấp bao la phía dưới. Trong cuốn sách đó còn có những bức ảnh màu nâu sẩm chụp hình dân các bộ lạc bán khai, những kẻ ngày nay vẫn săn bắn bằng mũi tên đầu gắn đá nhọn và lao mác tẩm độc trong những khu rừng xanh mướt không kém gì nhau. Tại vùng rừng thẳm bạt ngàn ấy, dã thú sống thành từng đàn và nhung nhúc voi, cọp, trâu rừng, gấu đen cùng vô số loài thú quí hiếm khác chưa bị quấy nhiểu bởi bước chân của văn minh. Suốt chuyến vượt Thái Bình Dương, Joseph đã say sưa đọc ngấu nghiến nội dung cuốn sách đó và khi cả nhà vừa rời Hồng Kông cậu lại đọc thêm lần nữa từ trang đầu.
Vừa nhìn qua ống nhòm, Joseph chợt có cảm giác khắp mình mẩy rúng động như có một luồng háo hức rần rật chạy qua trước viễn ảnh sẽ được thấy những hình ảnh in trong sách hiện rõ thật sự giữa cuộc đời. Trong một hồi lâu, buông thả óc tưởng tượng, cậu mơ màng rằng mình là một nhà thám hiểm vĩ đại sắp đi vào một vùng đất vô danh và thù nghịch, tại đó tên tuổi của Joseph Sherman sẽ được ghi vào lịch sử mai sau với đầy đủ danh tính. Rồi cậu tự hỏi không biết các nhà thám hiểm vĩ đại có bao giờ cảm thấy giống như mình lúc này không: háo hức, đúng, nhưng còn nữa, có phần nào e sợ!
Đột nhiên nhớ ra rằng Chuck và cha đang đứng ngay sau lưng mình, Joseph cảm thấy thẹn tê người với ý nghĩ đó, tới độ muốn hụt hơi thở. Liệu cha và anh có nhận ra sự háo hức cậu đang cảm thấy trong lòng? Liệu cả hai có đọc thấy vẻ e sợ trên nét mặt của cậu? Điều sau cùng cậu muốn cha và anh vui lòng cứu xét, rằng ở tuổi mười lăm, dù sao đi nữa, cậu vẫn còn non nớt.
Khi quay mình chuyền ống nhòm cho Chuck, Joseph cố nhíu đôi lông mày với hy vọng rằng cử chỉ đó biểu lộ một phong thái kiên quyết, cứng cỏi. Rồi cậu nói với Chuck, cố làm giọng tự nhiên như thể buột miệng:
- Nếu anh hỏi ý kiến em, em sẽ nói như thế này. Rằng em chỉ thấy nó giống với bờ biển Virginia lúc trời sương mù dày đặc.
Nói xong, Joseph làm bộ nhún vai, bắt chước y hệt điệu bộ của viên thuyền trưởng người Pháp.
Để ý tới hai con mắt long lanh, chớp lia lịa của Joseph, Chuck nhe răng cười. Cậu với tay cầm ống nhòm, trìu mến huých cùi chỏ vô cánh tay em. Nhưng Chuck chưa kịp đưa ống nhòm ngang tầm mắt đã dậy lên những tràng gào rú dồn dập từ đám đông người Hoa đang xô đẩy nhau ào tới sát tấm vỉ sắt phía dưới.
Ba cha con nhà Sherman vừa cảnh giác quay người lại, thuyền trưởng đã lật đật tuột từ trên cầu thang xuống, rút khẩu súng lục đeo bên hông áo chẻn bộ đồng phục trắng ra. Ông quì một chân xuống bên tấm vỉ sắt, bắn lên trời ba phát liên tiếp. Tiếng súng làm mấy trăm người Hoa im bặt trong vài giây. Rồi một giọng phụ nữ lẻ loi ré lên than khóc rền rỉ. Và ba cha con thấy một hình hài còm cỏi xác xơ bị đẩy lên mé bên dưới vỉ sắt.
Sau khi trao đổi thì thầm qua vỉ sắt, thuyền trưởng ra lệnh cho hai sĩ quan rút súng ra hờm sẵn và đứng sát hai bên ông trong lúc ông mở khoá, rút then sắt. Khi nắp vỉ sắt bật lên, ông gọi hai ba thủy thủ tới kế bên, ra lệnh cho họ lôi mạnh tử thi lên rồi đặt nằm trên boong. Ông cho phép người đàn bà gầy guộc, quần áo lem luốc trườn lên theo sau thi hài. Vừa ra ngoài, bà ta lập tức quì mọp bên xác chết và bắt đầu cất giọng than khóc kể lể. Để mặc người đàn bà, thuyền trưởng ra lệnh mang tử thi ra đằng sau đuôi tàu. Cuối cùng, người đàn bà cũng đứng lên, vừa khập khểnh bước theo vừa không ngớt sụt sùi.
Flavia xoay lưng lại, dựa mình vào lan can. Người bà run lẩy bẩy, mặt tái mét, hai mắt nhắm nghiền. Lát sau bà mới mở nổi miệng:
- Dễ sợ quá. Chẳng biết rồi có còn ai trong bọn họ sống sót nổi dưới chỗ đó không!
Thượng nghị sĩ trả lời vợ bằng giọng dịu dàng:
- Mình ạ, chớ để cho việc đó làm em mất ngủ. Lũ cu-li Tàu hết thảy đều cộc cằn. Chúng nó sống cuộc đời rất thô lậu. Chúng không khao khát được ung dung cả tâm hồn lẫn thể xác như chúng ta. Đối với bọn chúng, mạng sống còn rẻ hơn bèo.
Nathaniel vắt người qua lan can nhìn xuống boong tàu phía dưới. Toán người của thuyền trưởng đã đi hết và những người Hoa bên dưới vỉ sắt dần dần lặng yên. Ông nói vói ra đằng sau:
- Chuck ạ, có thể nói rằng con vừa tự mắt mình nhìn thấy một sự việc chứng minh rất rõ ràng cái qui tắc trên đó mọi đế quốc trong lịch sử được dựng lên. Julius Ceasar và Alexander Đại Đế hiểu rõ qui tắc đó và Nữ hoàng Victoria của Anh cũng hiểu rõ. Đó là: “quyền lực là lẽ phải.” Ở đây và lúc này, người Pháp sở hữu quyền lực; vì thế người Á Đông trên con tàu này cũng như khắp Đông Dương đều phải làm theo lời họ bảo chúng làm. Đó là cách thức của thế giới này. Người giàu của cải và người nắm quyền lực đều ở vị thế chủ động. Nếu con tập hợp được sức mạnh siêu việt, con có thể áp đặt lối suy nghĩ của mình lên trên kẻ khác dù họ không thích điều con làm hoặc cách con làm điều đó. Nếu con có cơ bắp lực lưỡng hơn và con quyết tâm sử dụng nó, kẻ khác phải đi theo con. Đó là một qui tắc không bao giờ biến cải.
Ngưng một chút, thượng nghị sĩ đưa mắt liếc chung quanh xem có thủy thủ Pháp nào ở trong tầm nghe không. Rồi ông nói tiếp:
- Người Pháp có bàn tay nặng nề. Họ thích dùng súng bắn voi để làm chóng mặt một con bọ chét. Con sẽ thấy điều đó khi chúng ta lên bờ. Người ta nói với bố là họ hành xử ở đây như thể họ kỳ vọng rằng đế quốc Pháp sẽ kéo dài tới vô tận. Tại Mỹ, chúng ta biết ứng xử theo cách khác. Đường lối của Pháp không phải là đường lối của Mỹ. Các con ạ, chúng ta xử sự cách khác — và xử sự tốt hơn.
Nắm khuỷu tay cậu con lớn, thượng nghị sĩ vừa nói vừa ra hiệu cho cậu cùng đi với ông dọc theo boong tàu. Joseph nhìn theo bước chân của cha và anh rồi quay sang nhìn mẹ. Mắt ánh lên vẻ khắc khoải, cậu hỏi, cố giữ cho giọng mình thật thấp để không lọt tới tai cha:
- Mẹ ạ, mẹ có nghĩ rằng những người phía dưới ấy quả thật rất khác với chúng ta?
Lùa sợi tóc đang rủ xuống mắt, Flavia Sherman mỉm cười âu yếm đáp lời con:
- Joseph ạ, đời sống đầy dẫy những câu hỏi không trả lời nổi, như câu con vừa hỏi. Rõ ràng về nhiều mặt, họ rất khác. Nhưng tất cả chúng ta đều được làm nên bằng máu và thịt, phải không?
Nét mặt Joseph vẫn đầy nếp nhăn nghĩ ngợi và Flavia nhận thấy con mình không thoả mãn với câu trả lời ấy. Để hướng con suy nghĩ sang chuyện khác, bà choàng tay lên vai cậu và hai mẹ con cùng nhau rời lan can:
- Lúc này, con đừng bận tâm với chuyện đó nữa. Mình hãy trở lại chỗ cũ, cùng ngồi với nhau trong bóng mát, được không? Rồi con có thể kể cho mẹ nghe thêm đôi ba điều về cuốn sách con đã vùi đầu vào đó suốt tuần lễ vừa qua.
|
|
|