Khởi Động Những ngày tết Ất Mùi chấm dứt, Sài Gòn trở lại không khí oi ả nhiệt đới kinh niên của nó – và, bây giờ, thêm cái oi ả của thời tiết chính trị.
Sau giây phút lãng quên sự đối địch nhờ tiếng pháo – lần đầu tiên kể từ năm 1946, Sài Gòn đốt pháo Tết – đâu lại trở về đấy: Bình Xuyên tăng quân ở các chốt rải rác khắp các thành phố và ngoại ô, cố ý chứng minh rằng họ đủ mạnh và nhất định đánh, đánh cho đến khi nào lật đổ xong thủ tướng Ngô Đình Diệm. Phía Chính phủ khôn khéo hơn, ít la lối hơn, song đêm đêm, những cuộc di chuyển: các đơn vị bộ binh và thiết giáp vẫn phá giấc ngủ của mọi người.
Đài phát thanh Bình Xuyên ra rả. Người xướng ngôn là Trịnh Khánh Vàng. Tờ “Yêu nước” in bên kia cầu Chữ Y được phát không cùng đủ loại truyền đơn bươm bướm, thư ngỏ... Luận điệu và phương thức tuyên truyền rập khuôn theo kinh nghiệm của Phòng nhì Pháp pha ít nhiều tính chất “anh chị”. Tờ “Đời mới”, tuần báo của Trần Văn Ân, xuất bản công khai bên này cầu Chữ Y, muốn giới thiệu Bình Xuyên như là một cái gì độc đáo: từ kháng chiến, chuộng công bằng, rất chính nghĩa và rất trí thức. Đời tư của Thủ tướng bị sỉ vả thậm tệ - dĩ nhiên, Bình Xuyên còn đủ khôn ngoan để không ghép Thủ tướng về phe Việt Minh. Nhưng, hiệu quả của lối tuyên truyền đó thật ít ỏi, bởi hiểu biết của các tay mưu sĩ của Bảy Viễn về Ngô Đình Diệm còn mỏng, nhất là khi họ không dám đặt Ngô Đình Diệm lên bàn mổ chính trị và chọc con dao vào chỗ yếu nhất của Diệm: con bài của Mỹ. Họ chống Diệm nhưng lại ve vãn Mỹ. Và họ kẹt cứng đối với Pháp – không thể không nịnh, Pháp là kẻ nắm sự sống của họ, mà nịnh Pháp trong khí thế dân tộc hừng hực sau đại thắng Điện Biên Phủ thì thật là bất tiện. Bởi vậy, lập luận của họ đầy lộn xộn.
Đối lại, các phương tiện thông tin của chính phủ một mực kêu gọi đoàn kết quốc gia để chống Thực – Phong - Cộng và chẳng dại gì mà bỏ qua các huyệt trí mạng của Bình Xuyên: đầu trộm đuôi cướp, tay sai của Thực,... Những vụ bắt cóc và ám sát ngày mỗi nhiều hơn, tuy cả hai phía đều hạn chế ở mức triệt tiêu các cá nhân thừa hành cấp thấp.
Đại Thế Giới đóng cửa mà không có giao chiến. Paul Ély nhắc khéo Bảy Viễn: sẽ không thể tranh thủ được bất kỳ ai nếu như cuộc chiến tranh nổ ra rốt cuộc vì một sòng bạc. Bảy Viễn không cần lắm cái ý nghĩa sâu xa đó, song như vậy, có nghĩa là Pháp chưa bật đèn xanh. Trong một đêm, mặt tiền Đại Thế Giới lặng lẽ biến mất, còn lại bức tường và ba cổng ra vào với ụ súng đắp thêm và những toán công an xung phong hầm hừ. Tuy nhiên, hoạt động của Đại Thế Giới chưa dứt hẳn: sòng bạc “chọn lọc” gồm các tay chơi máu mặt Hồng Kông, Nam Vang, Tân Gia Ba (1), Chợ Lớn; các gái điếm hạng “luýt” (2) sẵn sàng tiếp khách theo một giá biểu kinh khủng và chỉ tiếp những ai báo trước. Mỗi chiều, Ly Kai vẫn mang về bên kia cầu chữ Y chiếc cặp căng phồng giấy bạc – dù chỉ bằng một phần nhỏ so với trước.
Báo chí chính phủ chạy tít lớn: Thủ tướng Ngô Đình Diệm, ngày mồng bảy tết, viếng tòa thánh Tây Ninh, hội đàm với Hộ pháp Phạm Công Tắc. Một tít khiêm tốn hơn, in bên dưới: Thủ tướng tiếp xúc với tướng Trịnh Minh Thế, chỉ huy trưởng Cao Đài Liên minh.
Thực ra, báo chí đã đảo lộn ý nghĩa chính xác chuyến đi Tây Ninh của Ngô Đình Diệm: đáng lẽ tít lớn phải dành cho cuộc gặp gỡ Diệm – Thế.
.... Đoàn công xa được bảo vệ cẩn mật, lao nhanh trên quốc lộ 1, hướng về Tây Ninh. Nó hối hả giống như tác phong của Thủ tướng. Có thể đó là một tật bẩm sinh của ông ta, có thể đó là điều cần thiết để giảm bớt nguy hiểm. Bác sĩ Trần Kim Tuyến đích thân tổ chức và trực tiếp bố trí chuyển đi này. Trên một chiếc Land Rover, ông ta chợt vọt lên phía trước, chợt lùi lại phía sau, kiểm tra cự ly các xe và kiểm tra luôn các cụm bố phòng ven lộ.
Thủ tướng ngồi trong chiếc xe Cadillac kính dầy, nguyên là long xa của Cựu hoàng, giữa hàng đống vệ sĩ, xe tướng Tổng tham mưu trưởng chạy trước xe Thủ tướng, liền sau xe Thủ tướng là xe của Mai Hữu Xuân, giám đốc Nha an ninh quân đội.
Xe Luân chạy sau xe của Mai Hữu Xuân. Trật tự nầy là do bác sĩ Tuyến xếp đặt. Trước khi xe nổ máy, Tuyến nói với Luân:
- Tôi muốn nhờ ông kỹ sư đi thật sát Cụ và tôi tin ông kỹ sư sẽ phản ứng kịp thời khi có tình huống xấu...
Ai chạy sau Luân? À, đại tá Nguyễn Ngọc Lễ, luôn mỉm cười. Trần Kim Tuyến theo thuyết “dĩ độc chế độc”: Luân kèm Mai Hữu Xuân, Nguyễn Ngọc Lễ kèm Luân. Chắc có người kèm Nguyễn Ngọc Lễ và cứ vậy. Dù sao, Luân cũng được nhìn với một đặc ân: anh là người duy nhất có quyền mang súng ngắn trong các nhân vật tùy tùng quan trọng tiếp cận ông Diệm.
Chính Mai Hữu Xuân hiểu rõ điều đó. Khi mọi người tề tựu dùng điểm tâm ở dinh Gia Long, Mai Hữu Xuân chủ động đến chào Luân.
- Xin được phép làm quen với ông kỹ sư... - Xuân chìa tay và bắt tay Luân thật chặt – Tôi là Mai Hữu Xuân...
- Hân hạnh! – Luân đáp lễ.
Cả Xuân và Luân đều coi đây đúng là lần đầu họ quen nhau và tỏ vẻ như họ chưa từng có điều gì phải bận tâm về nhau.
- Tôi nghe tiếng ông kỹ sư và biết ông kỹ sư làm việc với ông cố vấn, song không có dịp chào ông, mong ông thứ lỗi...
Xuân nói rất nhũn nhặn:
- Không! Người phải xin lỗi là tôi. – Luân cười thật tươi – Tôi đã không đến Nha an ninh quân đội chào trung tá, vì biết trung tá rất bận và vì chưa có dịp...
Không rõ Xuân hiểu mấy chữ “vì biết trung tá rất bận” theo nghĩa nào, ông ta tránh đôi mắt của Luân, môi dường như thâm thêm một chút.
Luân nhìn qua khắp lượt số người sẽ cùng đi với Thủ tuớng, rồi như vô tình, hỏi Xuân:
- Không thấy Tống giám đốc Cảnh sát Quốc gia... Đáng lẽ việc bố trí cho Thủ tướng đi công vụ phải là việc của đại tá Sang.
- Chắc Cụ không gọi. Vả lại, có gọi, ông Sang cũng không đi... Họ đang rất bận!
Xuân trả lời, đăm chiêu, và, ông ta lặp lại chữ “rất bận” của Luân. Nói xong, biết mình hớ, môi trên ông ta giật giật...
- Bây giờ thì ai cũng bận cả! – Luân nói bình thản – Tất nhiên, không có việc bận nào giống việc nào... Đối với chuyến công tác lần nầy của Thủ tướng, theo ý trung tá, yên ổn không?
Xuân nhún vai trước câu hỏi đột ngột của Luân.
- Tôi báo với ông kỹ sư, bác sĩ Tuyến là người chịu trách nhiệm... Phần tôi, tôi chỉ lo một phạm vi nhỏ. Trong phạm vi tôi lo, sẽ không có bất kỳ một đáng tiếc nào xảy ra... Còn như ông kỹ sư muốn tìm những khả năng xấu từ hướng ông Sang, tôi không thể trả lời được. Ông kỹ sư thừa biết ông Sang là hạng người gì. Cả lãnh tụ của ông ra, ông Bảy Viễn nữa, với những hạng đó, mọi tiên tri theo lối xem họ là những cái đầu bình thường để dự đoán hành động của họ, đều mạo hiểm. Họ hành động bằng tay và chỉ bằng tay.
Nói đến đó, Xuân chợt nhìn sang người ngồi bàn kế: một người da ngăm, cao to, mặt mũi đần độn, đeo hàm đại tá. Luân biết ông ta – đại tá Nguyễn Ngọc Lễ. Luân hiểu Xuân muốn giới thiệu một người nữa chỉ dùng cái đầu để đội – đội thứ gì cũng được. Lễ nguyên là chỉ huy trưởng Bảo chính đoàn Bắc Việt, người Công giáo, sắp nhận một chức an ninh. Đó là điều khiến Xuân không ưa Lễ.
Luân và Xuân to nhỏ không lọt qua mắt Nhu. Nhu không đi Tây Ninh song vẫn có mặt tại bữa ăn sáng này. Cho nên, lúc mọi người rục rịch lên xe, Nhu thì thầm với Luân:
- Anh lo xa là phải... Song lão Xuân không có gì đáng ngại đâu, kể cả với cá nhân anh. Tôi nói cho thật đúng: hiện nay – nghĩa là năm 1955… Biết làm sao? – Nhu cười khinh khỉnh – Chúng ta chỉ có thể nói chuyện tính năm với người này, tháng với người kia và ngày với người nọ. Hiện nay, ông ta đang là người của chúng tôi. Dĩ nhiên trên tất cả, không có sự đề phòng nào là vô ích.
“Nhu xếp mình vào hạng tính tháng hay tính ngày đây?”, Luân cười trong bụng khi lên xe.
Vậy là Luân đã có thể rút ra nhận xét về Mai Hữu Xuân: Hắn không thuộc cánh Bình Xuyên, mặc dù cả Bình Xuyên và hắn đều liên quan đến Phòng nhì Pháp. Có thể chủ trương của Phòng nhì không nhất quán: phe muốn đẩy các giáo phái và Bình Xuyên đi đến gây rối với Diệm, phe muốn bảo tồn lực lượng chờ cơ hội. Xuân, với bất cứ thế nào, không thể không trung thành với chủ cũ. Nhưng, đồng thời, hắn biết phải làm gì là thông minh nhất. Vả lại hắn bị Lại Văn Sang giành mất cái ghế đứng đầu ngành Công an - ở xứ này, ai giỏi hơn hắn? Hèn chi không bao giờ hắn nhắc đến quân hàm đại tá của Sang, không bao giờ gọi Sang là Tổng giám đốc. Hắn cay cú và miệt thị Sang. Hẳn là hắn nghĩ: Thằng du côn này mà lọt vào tay tao ngày xưa thì phải biết! Có thể nói, Nhu sử dụng Xuân trước mắt như là bàn tay sắt đối với các thế lực vốn ngày xưa cùng cánh với Xuân.
---
(1) tức Jarkata, thủ đô Indonésia
(2) luxueux: hạng sang
|
|
|