Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Con Cóc Gỗ Tác Giả: Lê Huy Oanh    
    Cái chuyện gây gổ, đập lộn, tôi không ham, thực tình tôi không ham tí nào cả. Vào lúc thiếu thời, đôi khi tôi có đánh nhau với bọn trẻ bằng trang lứa, nhưng có lẽ từ năm tôi mười tám mười chín tới nay, cả mười mấy năm rồi, tôi không hề đánh nhau, mặc dầu không hiếm những khi tôi bị xử ức. Dĩ hòa vi quý, tôi rất ưa cái câu phương châm đã xưa như trái đất ấy. Dĩ hòa vi quý, bốn tiếng êm ái mà âm vang, đã nhiều lần làm dịu tức khí của tôi. Có lẽ vì lý do thể chất: thân thể tôi vốn mảnh mai yếu ớt. Nhưng đó chỉ là lý do phụ. Lý do chính: khi người ta nổi giận đập lộn nhau, cơn giận dữ khiến người ta trông xấu xa, dơ dáng lạ lùng. Tôi thuộc loại hiền khô, có lẽ thường khi hiền quá hóa ra hèn nhát. Nhưng tôi vẫn bằng lòng chịu tiếng hèn nhát chứ không chịu đánh nhau, bởi tôi vốn quan niệm một cách rất chủ quan rằng, đánh nhau còn hèn nhát hơn nhịn nhục nữa kìa.
    Vậy tại sao buổi sáng hôm đó tôi đã đập lộn một trận dữ dằn như thế? Tôi đánh nhau với một thằng to gấp hai tôi, một thằng vốn nổi tiếng hung dữ cục cằn. Xuân Mắt Xếch. Những tay lì lợm như Minh Lắc và Bạch Răng Vàng mà còn phải kiêng dè hắn, vậy mà tôi, cái thằng trói gà không nổi này, đã cả gan đụng độ với Xuân Mắt Xếch, mà lại đụng độ một trận rất ư kịch liệt. Không ai can nổi. Thiên hạ hoảng hồn vì hai thằng nổi cơn điên, đã chạy giạt hết. Kết quả đối thủ của tôi bị rách trán, máu chảy ròng ròng, còn tôi bị một trận nhừ đòn, phải nằm dưỡng thương suốt cả tuần lễ mà vẫn chưa lại người. Tôi đã đập lộn với Xuân Mắt Xếch! Chuyện khó tin, nhưng nó đã xảy ra.
    Trên đường thuyên chuyển từ Ban Mê Thuột về Saigon, tôi ghé quận Ninh Hòa để thăm cha tôi. Ông đã già. Sáu mươi hai rồi còn gì nữa. Nhưng người vợ thứ ba của ông chưa tới bốn mươi nhăm, và năm trước đó đã hạ sinh đứa con thứ tám. Tám đứa con riêng của bà ba. Còn bà cả, bà hai? Chết cả rồi. Con bà cả hai đứa. Con bà hai: tôi và sáu đứa nữa. Má tôi ngày xưa mồ côi cha mẹ từ nhỏ, đã ở với người bác làm nghề gá bạc ở Hà Nội. Cha tôi dạo ấy đang học năm thứ nhất thứ hai gì đó tại một trường trung học. Ông tới lớp học rất ít nhưng tới sòng bạc thì nhiều. Thua, dĩ nhiên. Tiền ăn, tiền học và đôi khi cả áo thế, giày ban, ô lục soạn, nướng hết. Thỉnh thoảng ông đành phải bắt bồ với mấy bà nhiều tuổi, kém nhan sắc nhưng lại lẳng lơ, để lấy tiền xài. Bắt địa của gái được đồng nào cũng nướng hết. Cha tôi thua bạc dữ lắm, thua đến độ cô cháu ông bà chủ gá bạc đâm ra thương xót ái ngại. Cô bé cũng chẳng đẹp đẽ gì, thân hình gầy ốm, tay dài như tay vượn, đôi môi héo hắt thỉnh thoảng nở một nụ cười buồn rầu – những lúc cao hứng, cha tôi thường kể lại cuộc tình này của ông – Ở, má tôi có hai cánh tay dài nghêu, và thường khi hai cánh tay đó rất đắc dụng: chúng vươn ra nhặt xâu dễ dàng những khi người phải thay hai bác để làm cái công việc lấy xâu. Má tôi vốn hiền lành, ít nói, nhưng lấy xâu rất thông thạo. Xì phé, nhà chủ thường lấy năm phần trăm. Má tôi tính xâu rất lẹ và chính xác, ngay cả trong những ván bài cực kỳ gay cấn, các con bạc tố đi tố lại ào ào như bão táp.
    Chiều hôm đó, như thường lệ, cha tôi thua hết tiền. Thua riết đâm quen, người bước ra khỏi cửa sòng với vẻ bình tĩnh. Bình tĩnh nhưng buồn bã, dĩ nhiên. Có ai thua bạc mà vui được. Đi khỏi cửa chừng năm chục thước; cha tôi thoáng nghe thấy có tiếng người gọi tên mình: "Anh Trác! Anh Trác!". Tiếng gọi thất thanh, rất êm. Cha tôi quay lại. Cô cháu gái ông bà chủ sòng đang đứng trước cửa, đưa cánh tay dài lêu nghêu lên vời "anh Trác". Cô ta mặc quần dài đen áo cánh trắng, đứng giữa hoàng hôn, một buổi hoàng hôn đầu thu, tiết trời hơi lành lạnh. Vầng mặt trời sắp lặn chiếu một làn ánh sáng êm dịu vào cô bé, khiến thân hình cô ta sáng hẳn lên, và chung quanh người cô được viền bằng một ánh hào quang. Gã thanh niên thua bạc bỗng thấy lòng mình ấm áp hẳn lên. "Anh Trác!" tiếng gọi rất thanh, rất êm, có mãnh lực của một sự an ủi đầy công hiệu. Và anh Trác quay lại. "Anh để quên cái ví này!". Chắc hẳn đôi môi cha tôi lúc đó đã nở một nụ cười ngượng nghịu và biết ơn. Cái bóp phơi lẹp kẹp, trong đó chỉ còn tấm thẻ tùy thân và vài thứ giấy má lặt vặt. Anh Trác giơ bàn tay đỡ lấy nó từ bàn tay thiếu nữ. Vô tình hai bàn tay họ chạm vào nhau. Bộ mặt xanh xao của thiếu nữ bỗng hơi đỏ lên. Nàng ngoảnh nhìn chỗ khác và đôi mắt nàng chớp chớp. Nàng móc túi lấy ra một đồng bạc, e dè đưa cho anh Trác:
    "Lúc nãy, anh quên chưa lấy tiền về xe. Anh cầm lấy một chút đi!"
    Quả thật, lúc ấy cha tôi đang cần đồng bạc ấy lắm, nhưng, như cái máy, ông từ chối:
    "Thôi, cám ơn cô Loan, tôi cũng còn…"
    "Không, anh cứ cầm lấy đi cho… Loan vui lòng…" Tiếng nói của nàng run run, đôi mắt nàng chớp chớp nhiều hơn, chớp luôn cả một đời anh Trác vào cuộc đời nàng. Anh Trác thôi không còn nói năng màu mè gì nữa. Anh cầm lấy đồng bạc.
    Chừng nửa tháng sau, cô Loan tay vượn đó bỏ nhà bác ruột về ở với anh Trác. Họ yêu nhau thương nhau – yêu thương ghê lắm, có lẽ thế – để rồi đẻ ra tôi.
    Ngoài kia, mưa bay lất phất. Đường sá quận Ninh Hòa vắng ngắt, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe hàng chạy qua. Ở quận đường bên kia, lá cờ ba sọc đỏ đứng ủ rũ dưới trời mưa. Anh lính gác quận đứng im lìm như một pho tượng.
    "Có mấy người mách với tao là dạo này mày đam mê quân bài lá bạc lắm phải không? Coi mày gầy yếu, xanh xao quá. Cẩn thận, giữ sức đấy. Gắng mà chừa đi, đừng bài bạc nữa. Cái tính mày bừa bãi ngông nghênh như vậy không đánh bạc được đâu. Đừng bê tha nữa!"
    Người tôi sững sờ. Tôi hơi ngạc nhiên. Cha tôi mà lại nói như vậy sao? Bây giờ người đã già yếu, phong độ cũ không còn nữa ư? Thời kỳ tôi mười chín hai mươi, đang sửa soạn thi Tú tài, cha tôi đã đôi lần bắt gặp tôi khoác tay một đứa con gái nào đó đi dạo phố. Những vụ như thế khiến cha tôi khoái lắm. Có lẽ ông quan niệm tôi phải là một thứ Don Juan như vậy mới đáng là con ông. Một lần có người phê bình ông về cặp mắt tôi, y bảo tôi có cặp mắt đẹp và đa tình. Lúc ấy tôi có đó. Nghe y nói, cha tôi cười phá lên với vẻ đắc thắng. Đôi mắt con trai ông giống đôi mắt ông chứ còn gì nữa. Một ông bố như vậy mà sao ngày nay lại thốt ra những chuyện tầm thường cằn cỗi đến thế. Quả thật, trên các chiếu bạc, tôi đã nhiều phen bị các đối thủ quật lên quật xuống đến dở sống dở chết. Đời tôi tàn mạt, xác xơ, nợ nần như chúa Chổm. Nhưng tôi không thể chấp nhận cho cha tôi thốt ra những lời khuyên can như thế. Ai kia thì nói như vậy được chứ cha tôi không thể nói những câu đó. Ông mà cũng xài những sáo ngữ như vậy sao? Một cơn giận mơ hồ dâng lên trong người tôi khiến tôi hơi khó thở, nhưng đột nhiên lòng tôi dịu hẳn lại, cơn giận vụt biến tan khi cha tôi tiếp lời:
    "Nhưng tao biết mày sẽ không chừa được. Mày có máu của tao trong người mà. Mày hay chơi thứ gì?"
    "Thì cũng giống với thầy" – tôi quen gọi bố tôi bằng thầy – "con chỉ ưa đánh xì phé".
    "Xì phé hả?" Đầu cha tôi khẽ gật gù. "Mày nhẹ dạ nông nổi, chơi xì phé không hợp. Phải luyện tính cho đằm. Đừng có háu đá. Háu ăn háu đá là tính nết của lũ ngựa non, lũ dê non. Đừng thương đôi, thương xì, thương tây, thương đầm gì hết. Nếu thấy lợi thế thì dù có phải tung hết láng cũng làm ngay, không được do dự. Thế bất lợi, phải bỏ bài, không được tiếc. Mày có biết chuyện con gà chọi mà cái ông vua thời xưa nào đó đã giao cho ông Kỷ Sảnh, Kỷ Siếc gì đấy chăm nom om bóp không?"
    Tôi giật mình. Trời đất ơi, bố tôi dạo này lại để ý tới chuyện đời xưa nữa! Tôi có thấy ông đọc sách vở bao giờ đâu. Năm thì mười họa mới thấy ông hỏi tới quyển Kiều, trong đó có hai câu ông rất thích nên mỗi khi cao hứng thường vẫn gõ ống xe điếu đánh vào vành bát điếu mà ngâm nga:
    Dầu cho sông cạn đá mòn,
    Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ
    Hôm nay ông lại có thêm cái truyện Kỷ Sảnh nuôi gà chọi. A, hẳn ông phải khoái câu chuyện này lắm nên ông mới mất công nhớ nó. Tôi đã đọc truyện này trong sách Cổ học tinh hoa. Nhưng tôi im lặng không trả lời.
    "Thì có một ông vua thích chơi gà chọi" – cha tôi kể – "Ông ta mới mua được một con gà hay và giao gà cho một viên quan hầu chăm sóc, sửa soạn cho nó ra đấu trường. Được một tuần lễ gì đó, vua hỏi: "Mang gà đi chọi được chưa?". Quan hầu trả lời đại khái: "Tâu đức vua, chưa được vì gà còn nhiều kiêu khí, chưa trông thấy gà nào mà đã hục hặc muốn đánh nhau". Một hai tuần lễ sau vua lại hỏi xem gà đã chọi được chưa. Quan hầu trả lời: vẫn chưa chọi được, vì gà tuy đã bớt kiêu khí nhưng vẫn còn háo chiến lắm, chỉ mới thản nhiên được lúc không có gà nào trước mắt, chứ chưa giữ được bình tĩnh khi gặp gà khác. Ít lâu sau vua hỏi lần thứ ba. Lần này quan hầu trả lời có thể đem gà ra đấu trường được rồi, vì gà lúc này cực kỳ bình tĩnh thản nhiên ngay cả khi có gà khác trước mặt. Trông nó như bất động chẳng khác chi gà bằng gỗ, nhưng thật ra có đầy dũng lực, hễ đánh tất phải thắng. Và quả nhiên, gà ấy thắng".
    Cha tôi cười rất tươi, rít một hơi thuốc lào thật dài, có vẻ đắc ý. Ông nói tiếp:
    "Kẻ chơi xì phé nếu muốn thắng, phải luôn luôn bình tĩnh thản nhiên như con gà chọi ấy. Nhưng chiến lược hay nhất vẫn là đứng ở trên mái nhà mà đái (sic) xuống, chứ đừng có đứng dưới đái vọt lên. Cứ nước thượng mà chơi. Tuy nhiên cũng phải dám tháu cáy. Sửa soạn tính toán thật kỹ rồi hãy tháu, đừng có tháu láo. Đánh xì mà không tháu cáy thì kể như chưa biết chơi xì. Mà đã biết tháu cáy thì lại phải biết bắt tháu cáy. Tính cho ra lẽ rồi nếu cần bắt là bắt, ở giữa có nhiều tiền hay ít tiền, cũng cứ bắt là bắt. Nhằm ăn số tiền nó tháu cáy hơn là nhằm ăn số tiền đã đánh. Hờ, hờ, nói ra thì nhiều lắm, phức tạp lắm, phải tùy thời, tùy thế, tùy cơ hội, tùy đối thủ, nhưng đại để thì như thế đó. À, mày thường chơi cóc hay chơi đĩa".
    "Chơi đĩa. Chơi cóc lôi thôi quá, móc bài ra đút bài vào mất thì giờ nên ít nơi chịu xài cóc".
    "Không được. Chơi chỗ quen biết thì đánh đĩa còn khả thủ. Chứ chỗ lạ hoặc chưa quen biết lắm thì phải có cóc mới được. Thiên hạ chúng nó giỏi vẽ bùa lắm. Lối đòn ấy rất thông dụng. Nào cạo, nào gọt, nào bấm, nào uốn. Nhiều trò lắm, con ơi. Không có cóc, rất nguy hiểm. Mày phải nghe lời tao. Gặp chỗ lạ phải chịu khó cô bài, thấy thằng nào có thái độ khang khác mình phải theo dõi nó ngay, và nhất là phải đánh bằng cóc. Con ạ, phải nghe lời thầy, khi gặp chỗ lạ phải đặt được con cóc vào rồi hẵng chơi. Không có cóc hãy rút lui ngay, dẫu có thèm chơi đến mấy cũng phải dằn lòng lại".
    Tới đây, cha tôi gọi thằng nhỏ:
    "Này, Quế ơi, Quế ơi! (Tiếng dạ của thằng nhỏ). Lên đây ông bảo (Quế thò đầu lên). Mang cái tráp ra đây cho ông".
    Cha tôi thong thả mở tráp, lấy ra một con cóc bằng gỗ có đánh vẹc ni màu nâu sẫm nổi vân mờ.
    "Tao dùng con cóc này cả chục năm nay rồi. Đi đâu tao cũng mang nó theo. Đóng theo mẫu ông Tư Cây ngày xưa đó, dễ rút lắm (cha tôi lại mở tráp lấy ra một cỗ bài Kem cho vào cóc). Nó chỉ ra từng cây một chứ không ra nhiều (ông thử hai ba lần). Thấy không. Để tao bảo thằng Quế nó cầm con cóc này sang thợ mộc, nhờ bác ấy đóng ngay cho mày một con giống như con này. Quế ơi!..."
    Có tiếng dạ. Thằng bé lại chạy lên.
    "Ờ, chờ đấy ông bảo. (Cha tôi quay sang tôi). Mày để chiều nay hẵng đi được không. Ở đây chơi với tao một ngày nữa".
    "Không được, thầy ạ. Con đã nhờ một người bạn ghi chỗ phi cơ để đi vào chín giờ sáng mai. Phải đi Nha Trang chiều nay mới kịp được. Còn có hai tiếng nữa xe lửa sang Nha Trang khởi hành, con xin phép thầy… Bây giờ đóng cóc chắc không kịp đâu. Để về Saigon con bảo họ làm một con cũng được".
    "Không được. Phải đúng theo mẫu này mới dễ rút. Ờ mà để tao chỉ cách cho thợ mộc ở đây làm cái khác. Thầy cho con con cóc của thầy, mang nó về Saigon mà dùng. Hãy luôn luôn nhớ lời thầy dặn: trong những cuộc sát phạt, con cóc là một vật hộ thân cần thiết".
    Chắc hẳn cũng một phần nhờ con cóc mà đời tôi đỡ tả tơi. Có muốn bảo rằng cuộc sống của tôi bắt đầu lên hương thì cũng vẫn cứ đúng. Căn nhà tôi ở, một thời hoang tàn lạnh lẽo bây giờ dần dần sầm uất ấm áp trở lại. Trước kia ngày ngày các đồ đạc đội nón mê ra di bây giờ ngày ngày chúng đội mũ Mossant quay trở về. Suốt hai ba năm tôi toàn phải cuốc bộ đến sở làm việc, lúc này tôi đã có cả một chiếc xe gắn máy Nhật mới tinh. Rồi ti vi, rồi tủ lạnh, rồi tourne disques, rồi mangé-tophone, gần đủ mọi tiện nghi của cuộc sống hôm nay. Toàn kiểu mới nhất, toàn thứ dữ. Stereo, Hi Fi, Auto-Return, F.M. Mời các bạn thân mến cứ tới nhà tôi chơi. Có Congac, có Martell, có vat 69. Cam táo nho chuối le bưởi đầy trong tủ lạnh. Bạn mỏi lưng ư? Tôi đã dành riêng cho bạn một cái giường khăn nệm mới tinh. Xin các bạn cứ tự nhiên như ở nhà các bạn vậy. Mà nhà tôi đích thị là nhà của các bạn, chứ còn gì nữa. Này nhé, tất cả các vật dụng hạng de luxe trong phòng này đều là tặng vật của các bạn đó. Các bạn đã thương tôi, quý tôi, mến tôi mà cho tôi những đồ dùng ấy. Cám ơn các bạn. Ba, bốn lần cám ơn các bạn. Nếu các bạn muốn hưởng lạc theo lối mấy ông nhà giàu Chợ Lớn, có lẽ tôi cũng sẵn sàng làm theo ý các bạn. Tôi sẽ đến khách sạn Tản Đà mướn một hai con gà mái thượng hạng về đây để họ rút bài hộ các bạn, nâng khăn sửa túi cho các bạn lúc các bạn nặn bài. Nếu các em có áp bộ ngực căng phồng của họ vào vai vào má các bạn thì đó là thói quen nghề nghiệp của họ đó thôi, xin đừng lạm dụng óc tưởng tượng để mà có thể nghĩ rằng đó là đòn Vân Nam. Không đâu, tôi xin thề độc là không có đòn phép gì đâu. Chỉ có xanh và chín. Chỉ có cao và thấp. Hoàn toàn là một cuộc đấu trí, một cuộc thi thố kinh nghiệm. Xin lỗi các bạn, tôi đếch cần đòn phép, cũng đếch sợ đòn phép. Tôi sẵn sàng nghênh tiếp bất cứ ai, kể cả ông Hảo Mập, ông cả Bích, ông Trần Lê Nguyễn. Miễn các ông ấy cho phép tôi làm lại bài, cho phép tôi đặt con cóc nâu của tôi vào, cho phép tôi che kín tẩy ngay, từ miệng cóc.
    Chín mười giờ sáng gì đó. Hôm nay, Chủ nhật. Tôi gõ cửa nhà ông B. Vợ B. ra mở cửa. Có tiếng B. hỏi vọng ra. Bà vợ trả lời: "Ông Oanh Cóc!". Năm tráng sĩ đang say cơn máu lửa. Thấy tôi, họ reo lên: "A, Oanh Cóc!". Một ông sính xài tiếng Pháp: "Bonjour, l’Homme au Craupaud!". Riêng Xuân Mắt Xếch chỉ đưa mắt nhìn tôi chứ không nói câu gì. Có lẽ hắn đang thua. Đôi mắt hắn cúp hẳn xuống đến gần như không xếch nữa. Khi hắn thua, mắt hắn hết xếch.
    Tôi cởi giày đưa mắt nhìn láng các đối thủ rồi thong thả ngồi xuống chiếu. Nhẹ nhàng đặt con cóc vào giữa tấm chăn, tuyên bố: "Đánh bằng làng". Ba bốn ván đầu, không có gì đáng kể về phần tôi. Chỉ mất ít tiền đi chợ. Ván thứ năm thứ sáu gì đó, tôi rút xì, ông bên cạnh rút đầm. Xuân Mắt Xếch rút tây, mấy ông kia, không có gì đáng nhớ. Tôi mậu tẩy đi tiền năm trăm. Con đầm theo năm trăm. Xuân Mắt Xếch theo năm trăm tố thêm một ngàn rưởi. Ba nhà cuối cánh quay bài lẹ. Tôi nhấc tẩy lên ngó. Một xì nửa ở dưới. Nhưng theo xuôi thôi. Cây đầm cũng vào. Tôi rút cây xập, ông bạn mặt đầm rút bồi. Mắt Xếch (nhưng đã hết xếch) rút một con chó. Bồi ngần ngừ một lát rồi pha. Mắt Xếch đếm tiền trong láng của hắn: tám ngàn năm trăm đồng. Hắn đẩy tất cả số tiền ra, nói bằng giọng rất khô khan: "Tám ngàn năm trăm". Mạng hắn tận rồi nên hắn mới thò đầu vào xì líp của tôi. Tôi giả bộ suy nghĩ, suy nghĩ hơi lâu là khác, rồi ngần ngừ đếm tiền, rồi ngần ngừ theo xuôi. Ông bạn bên cạnh cũng theo. Trừ tám ngàn năm trăm, còn đâu sáu nghìn ông ta tố nốt! Và ván đó, ông ta thắng. Tôi bị phản phé, mặc dầu rút thêm một cây xập nữa là hai đôi. Lá cuối cùng, ông bạn bên tôi rút thêm một đầm. Bất cần biết bài của chúng tôi, ông ta nhanh nhẹn vật tẩy đầm lên rồi quơ tiền.
    Xuân Mắt Xếch đã hết tiền nhưng hắn vẫn lặng lẽ rút bài. Cả làng, như kính trọng sự đau đớn của hắn, cũng giữ im lặng không nói gì. Đến lượt hắn phải đi tiền. Không ngẩng mặt lên, hắn hỏi mượn chủ nhà năm ngàn. Chủ nhà viện cớ từ chối. Hắn lại hỏi Bạch Răng Vàng. Không xong. Bây giờ hắn mới ngẩng đầu lên nhìn tôi như con cọp nhìn con dê mà không nói gì cả. Tôi vừa bị một ván nặng. Nhưng con cọp kia đang say đòn nên bất cần phải trái cọp vẫn cứ lầm lì nhìn dê. Và dê biết phận dê, nghĩa là dê móc túi trong lấy mớ tiền ra đếm đủ mười tờ lớn đưa cho cọp. Cuộc chơi tiếp tục. Chừng mươi phút sau Xuân Mắt Xếch lại hết tiền, còn tôi ăn được một ván khá lớn, không những gỡ hòa mà còn được tí chút. Dĩ nhiên, hắn lại hỏi tiền tôi, lần này, hắn chịu mở miệng nói vài câu khi vay tiền. Hắn lầy tiền của tôi thêm ba bốn lần nữa vẫn không sao gỡ được. Con cọp hóa thành con bò rừng, rồi con bò rừng hóa điên, gặp bất cứ màu gì cũng húc. Húc như thế dẫu có giàu đến bằng ông La Thành Nghệ thì rồi cũng tới cái lúc phải mang bị gậy. Xuân Mắt Xếch hỏi tiền tôi tới lần thứ sáu. Bản tính hiền lành đến gần như hèn nhát, tôi vốn tránh những chuyện có thể đưa mình tới chỗ gây gổ với những kẻ thuộc giới dao búa như hắn. Nhưng dầu hiền lành mấy, dầu nể sợ Xuân Mắt Xếch tới đâu chăng nữa, dầu tôi đang đều đặn hốt tiền của làng, tôi cũng không thể không cằn nhằn khi đưa cho hắn năm ngàn bạc lần thứ sáu: "Thôi đấy nhé, tôi nói, tôi không đưa nữa đâu. Bình tĩnh lại đi, cậu cứ húc như thế thì hết thuốc chữa đấy!". Cơn giận của Xuân Mắt Xếch được dịp bùng ra dữ dội. Hắn vứt mạnh xấp năm ngàn xuống chiếu, giơ một cánh tay to lớn đầy vết xâm lên chỉ vào mặt tôi, răng hắn nghiến lại, mắt hắn quắc lên, rồi hắn nói gào gừ trong cuống họng:
    "Này ông con, đừng có lên mặt dạy đời. Ta mượn tiền rồi tao trả, có quịt nợ của ai bao giờ đâu (!). Mày nói hỗn ông quật bỏ mẹ".
    Cả làng lao xao can gián. Tôi ngồi im không đáp lại. Tưởng chuyện sẽ êm, chẳng dè cây muốn lặng gió chẳng đừng. Xuân Mắt Xếch vẫn cứ lải nhải chửi bới tôi đủ điều. Tôi cố nhịn nhục, nhưng tôi càng nhịn hắn càng làm già. Hắn biết tôi là kẻ vốn sợ oai hắn. Hắn biết tôi là kẻ luôn luôn chủ trương cái câu Dĩ hòa vi quý. Nhưng bữa nay, câu danh ngôn ấy trở thành vô nghĩa đến trơ trẽn. Nhưng tôi vẫn không bỏ nó. Tôi vẫn cứ dĩ hòa. Và tôi dĩ hòa bao nhiêu hắn lại dĩ chiến bấy nhiêu. Cả làng vẫn lao xao can gián nhưng sự can gián chỉ là dầu đổ thêm vào lửa. Đôi mắt Xuân lúc này xếch hẳn lên, tròng trắng đục hẳn đi, đầy sát khí, bọt sùi cả ra mép hắn. Cơn giận nung nấu từ lâu rồi đột ngột bùng ra đã làm hắn mất cả trí khôn. Hắn thóa mạ tôi hoài, nhai đi nhai lại những câu ngang hơn cua, đến độ tôi phải lên tiếng đáp lại, nhưng tôi vẫn cứ giữ vẻ ôn tồn: "Này, vừa phải thôi chứ, anh Xuân. Đừng bắt nạt nhau quá thế!". Ấy vậy là hắn vùng đứng ngay dậy co chân đá thốc vào mặt tôi. Tôi né vội sang bên tránh đòn. Đá hụt, hắn hùng hổ nhào tới, vươn cả hai cánh tay lông lá ra có lẽ định vồ lấy cổ tôi mà bóp. Tôi chạy nhanh ra phía cửa định thoát thân, nhưng cửa khóa. Hắn chạy theo nhưng hai ba người kịp thời cản hắn lại, giữ chặt lấy hắn ngay giữa chiếu bạc. Tôi quay một vòng chìa khóa mở cửa. Tránh voi không xấu mặt, tôi còn kịp nghĩ như thế. Nhưng ngay lúc đó, Xuân Mắt Xếch bỗng để ý tới con cóc gỗ của tôi nằm trên mặt tấm chăn. Hắn hú lên: "Này cóc này!" rồi hắn đá mạnh vào con cóc, khiến nó bay lên như một trái banh vuông, đập chát vào tường, hộp đi đằng hộp nắp đi đằng nắp. Bàn tay tôi dừng lại nơi quả đấm cửa. Tim tôi đau nhói. Máu trong cơ thể tôi như thoáng ngừng chảy rồi bỗng nhiên sôi lên. Cơn giận chận lấy cổ họng tôi khiến tôi khó thở. Xuân Mắt Xếch có thể lấy tiền của tôi, có thể chửi bới tôi, có thể đánh đập tôi, nhưng hắn không thể được phép đá con cóc của tôi một cách ngu dại như thế. Con cóc ấy là gia bảo độc nhất của gia đình tôi, cha truyền con nối. Con cóc ấy là thần hộ mệnh của tôi, đã cứu vớt tôi khỏi cuộc sống bần hàn đen tối, mang tôi vào cuộc đời phong lưu sáng sủa. Tôi vốn tôn thờ con cóc ấy, coi nó như một vật linh thiêng, như biểu tượng của bố tôi, một người bố rất mực thương yêu tôi và hiểu tôi, sẵn sàng thông cảm bỏ qua tất cả những mối đam mê ngông cuồng của tôi. Tôi không thể nào tha thứ cho cái cử chỉ ngu dại đó của Xuân Mắt Xếch được. Nắm tay tôi buông quả đấm cửa ra để với lấy một cái ghế. Tôi xông thẳng vào giữa chiếu bạc. Có lẽ vì thấy dáng điệu của tôi hung hăng quá, mấy người buông Xuân Mắt Xếch ra và chạy dạt sang bên. Chỉ còn Xuân Mắt Xếch đứng sững giữa phòng. Chính hắn cũng hơi ngạc nhiên nhưng chỉ kịp ngạc nhiên trong vài giây đồng hồ. Chiếc ghế trong tay tôi bổ thẳng vào đầu hắn. Xuân giơ hai cánh tay to lớn lên gạt mạnh. Pắc, chiếc ghế văng khỏi bàn tay tôi. Tôi khom người lấy đà, húc mạnh đầu vào bụng đối thủ. Nhưng tôi đã húc vào một cái bị gạo. Gã hộ pháp vẫn đứng trơ trơ không chút nao núng. Xuân giơ hai bàn tay nắm lấy bụng tôi, nâng bổng tôi lên cao như nâng một đứa con nít, rồi không do dự, hắn quật mạnh tôi xuống đất. Toàn thân tôi đau dội lên. Thân thể tôi lăn đi mấy vòng va vào một cái chân bàn. Cái bàn đổ nghiêng, nào chai nào ly, nào tách rơi xuống vỡ loảng xoảng. Tôi vớ lấy một cái chai cụt cổ ở gần tay, cô-ca hay bia gì đó, và cố gắng đứng dậy. Ngay vào lúc Xuân Mắt Xếch tới sát ngay trước tôi, tôi ném luôn cái chai vào mặt hắn. Xuân ôm mặt lảo đảo, máu chảy ra khỏi những kẽ tay hắn. Được thể, tôi vồ lấy một cái chai khác nguyên vẹn, còn đầy nước nện mạnh vào đầu hắn, nhưng cái chai hụt xuống vai hắn. Xuân rên lên một tiếng đau đớn, quay phắt người lại phóng vào bụng tôi một ngọn độc cước khủng khiếp. Mắt tôi hoa lên. Mọi vật chung quanh tôi đảo quay. Thế rồi tôi ngất đi không còn biết gì nữa.
    Tôi tỉnh dậy trên một cái giường nhỏ trong bệnh viện. Mấy người thân đang xúm xít quanh tôi. Cả Bạch Răng Vàng cũng đang đứng ở đó. Thấy tôi tỉnh lại mọi người đều mừng rỡ. Tôi nằm im một lát, cố tĩnh trí lại để phán đoán hiện tình. Trật tự trở lại dần trong bộ óc hỗn mang của tôi. Cả người tôi đau ghê gớm. Tôi xin một chút nước. Bạch Răng Vàng xáp mặt hắn tới gần mặt tôi, nhe răng cười. Tôi hỏi hắn:
    "Con cóc của moa đâu rồi?"
    

Kết Thúc (END)
Lê Huy Oanh
» Hồi Chuông Báo Tử
» Miếu Âm Hồn
» Con Cóc Gỗ
» Cây Cầu Xi Măng
» Dòng Sông
» Bài Học Đầu Tiên
» Con Chim Họa Mi
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em