Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bão Lạc Mùa Tác Giả: Ngô Tự Lập    
    
    Những người dân Hòn Nhĩ nhớ mãi trận bão năm 192... không phải vì nó lạ, cũng không phải vì nó mạnh, mặc dù nó đích thực là một cơn bão lạ... Đổ vào đúng ngày ba mươi Tết, khi mùa bão đã chấm dứt từ lâu - Và đích thực là một cơn bão mạnh - Sau khi dừng chân trên đảo nó tràn vào đất liền, đã yếu đi mà vẫn còn quật đổ hàng vạn cây cối, hàng nghìn ngôi nhà, ném hàng trăm tàu thuyền lên bờ, nhấn chìm cả một vùng đồng bằng xuống biển. Dân đảo đời đời kiếp kiếp sinh ra và lớn lên giữa lòng biển cả, họ chẳng còn ngạc nhiên trước những điều kỳ lạ cũng như sức mạnh ghê gớm của thiên nhiên. Điều làm cho họ nhớ là ngoài những cây cối, xác người và súc vật, mảnh tàu đắm cùng đủ thứ rác rưởi khác, cơn bão còn ném lên đảo một người dân mới - thằng Ba Nghệch.
    Thực ra Ba Nghệch cũng là một thứ rác rưởi mà thôi, mặc dù trước khi trở thành dân Hòn Nhĩ hắn đã làm việc trên chiếc "Hải Mã" do tôi làm thuyền trưởng.
    Năm ấy Ba Nghệch hai bốn tuổi, cao to, đen nhẻm, mặt vuông, trán thấp, cằm bạnh như mang rắn hổ - Đúng là một con bò đực đần độn nhưng trung thực. Quê hắn ở Sơn Hạ, vùng quê của thuốc lào đen và những tay thuyền trưởng nổi tiếng ngổ ngáo mà đa tình. Ba Nghệch không cha không mẹ. Hắn lớn lên như thế nào chẳng ai hay. Khi người ta bắt đầu để ý đến hắn cũng là khi người ta bắt đầu kinh sợ hắn. Mới mười tám tuổi đầu Ba Nghệch đã khét tiếng là một tay ăn trộm liều mạng, đến nỗi ngay cả những phường đã bạc đầu trong nghề đào tường khoét gạch cũng phải kiềng mà nhường hắn làm đại ca. Thế nhưng cũng có người nói rằng Ba Nghệch vẫn còn biết thương người, rằng có những bà già độc thân, những kẻ lâm nạn được hắn cứu giúp. Mỗi người nói một đằng, chẳng rõ đúng sai ra sao nhưng ai cũng sợ hắn.
    Hai lời đồn đại hóa ra đều là đúng cả. Ba Nghệch đúng là một tay trộm cắp chuyên nghiệp liều mạng, có điều hắn hoàn toàn không ý thức được tính chất của công việc ấy. Chưa bao giờ hắn suy ngẫm xem hành động mình làm là đúng hay sai. Thì có ai dạy hắn bao giờ đâu! Hắn đã không chết yểu, đã lớn lên được là nhờ những đồ ăn cắp, bắt đầu từ miếng bánh bắp ngô, sau đến cái quần manh áo rồi đồ vàng bạc. Hắn ăn cắp một cách tự nhiên, ăn cắp để sống và khuây khỏa. Đó là công việc làm ăn của hắn. Trong tiềm thức hắn thấy công việc ấy cũng chính đáng như công việc của bất kỳ ai.
    Những con thú dù tranh nhau ăn vẫn không mất lòng thương đồng loại. Ba Nghệch cũng là một con thú trơ trọi giữa loài người. Hắn sống đến đâu hay đến đó, trộm cắp được thì ăn xài phung phí, gặp kẻ nghèo hèn thì cưu mang. Hắn chẳng ham giàu, không sợ chết - Chỉ có bọn ham giàu mới sợ chết - Thành ra hắn liều. Liều thì được người ta sợ, bí quyết của hắn chỉ có vậy.
    Có lẽ cuộc đời Ba Nghệch sẽ cứ thế mà trôi đi cho đến khi chết vì rượu ở một xó xỉnh nào đó nếu hắn không vô phúc (hay có phúc) mà gặp được Vân Lùn, tức Vân Lì, tức Vân Cá Mập, người về sau đã giới thiệu hắn lên tàu tôi.
    Trước đó, khi Vân Lì còn làm thuyền trưởng chiếc "Dragon" năm trăm ngựa tốt nhất Tùng Quảng, chúng tôi đã từng có một thời gian dài mánh mung với nhau. Cứ hai tháng một lần chúng tôi hẹn nhau ở Hòn Đôi, "Hả Mã" bốc sang "Dragon" các loại hàng xa xỉ, vải, gạo và trái cây khô để nhận dầu, than cục và đồng vụn. Cha này hơn tôi đúng một giáp, người lùn tịt, vai rộng, chân vòng kiềng, mặt gãy và lạnh tanh như đá cuội, cả ngày không mở miệng trừ khi phát giá hàng và ra khẩu lệnh. Làm ăn với nhau thật nhưng gặp ông ra tôi luôn cảm giác rờn rợn. Nghe nói Vân Lì đã từng nện gãy cổ một thằng Mạch lô (1) vì tội ngủ quên giữa phiên gác khi tàu neo ở Vụng Giải. Vụ ấy đã làm chủ tàu tốn khá nhiều tiền của mới bít đi được. Tuy vậy ông ta không dám thải Vân. Là chủ tàu nhưng ông ta vẫn nể và có phần sợ Vân. Kiếm được một tay thuyền trưởng như vậy đâu phải dễ - Vân Lì thuộc lòng từng viên đá, từng doi cát ngầm dưới đáy biển suốt từ Thuận Bình đến Trà Hoa. Ngoài ra còn một lý do nữa buộc chủ tàu phải giữ Vân lại: cũng như hầu hết các tay thuyền trưởng gốc gác ở Sơn Hạ, Vân Lì khét tiếng với những ngón đòn hiểm hóc khiến tất cả đám dân anh chị ở Hòn Chông đều kiềng mặt. Trong cuộc cạnh tranh đến chóng mặt giữa các hãng tàu, cái tên Vân Lì sẽ là lời cảnh cáo của ông ta đối với những đối thủ đang nảy nòi đông đúc như ruồi.
    Cuộc đời riêng của Vân Lì tôi chỉ biết qua những lời đồn đại. Nói cho công bằng thì tuy vẻ ngoài lì lợm nhưng chưa bao giờ Vân tỏ ra hung bạo, ít ra là chưa bao giờ tôi trông thấy. Có người nhận xét: Cá mập ngấy thịt người rồi thì còn hiền quá cá heo ! Cũng có lý!
    Vân còn có biệt hiệu là Cá Mập. Điều này hoàn toàn không phải vì Vân có tài săn cá mập, mặc dù tôi biết chắc chắn ông ta đã từng vật lộn với chúng không chỉ một lần, mà vì Vân luôn luôn đeo bên mình chiếc vuốt hổ có khắc hình cá mập. Đó là bùa hộ mệnh của ông. Việc đeo bùa hộ mệnh bây giờ có vẻ lạ lẫm nhưng thời đó chẳng làm ai ngạc nhiên. Dân biển ai cũng có một chiếc bùa hộ mệnh và được gọi bằng một biệt danh gắn liền với nó. Bùa hộ mệnh của tôi chẳng hạn, là chiếc móng quạ.
    Một lần tôi để ý thấy con số 60 trên cái vuốt hổ của Vân Lì, bèn hỏi nó có nghĩa gì. Vân bảo "Tao sống đến sáu mươi tuổi". Tưởng nói chơi nhưng đến năm năm mươi nhăm tuổi Vân Lì đột nhiên tuyên bố từ giã nghề đi biển.
    - Lênh đênh thế đủ rồi, năm năm cuối đời tao về quê cha đất tổ - Ông nói vậy rồi sau bữa rượu ngán (2) chần, gói chiếc áo vằn với hai chục đồng bạc, trở về Sơn Hạ, giũ bỏ tất cả: biển khơi, con tàu, tuổi xuân, sức lực và những lời đồn đại.
    Bây giờ, biết chuyện tôi chỉ thấy nực cười. Đúng là lão gàn, đầu hai thứ tóc rồi mà còn tin những chuyện nhảm nhí. Mà dù có tin thì cũng cứ ở lại với biển, sống chết trên sóng nước cho thỏa, việc gì phải mò về để rục xương ở cái xứ khỉ ho cò gáy của ông ta! Phải mãi sau này tôi mới hiểu ra rằng mọi thứ đều có cội nguồn. Con người cũng vậy, cuối cùng sẽ phải trở về nơi đã sinh ra họ.
    Ngôi nhà của Vân Lì nằm trên sườn đồi, tận rìa làng, mái lợp cỏ tranh, tường trình đất đỏ, xung quanh có rào đá bao bọc, kiểu thường thấy ở những vùng bán sơn địa. Sau trận đậu mùa trước đó ba năm họ hàng thân thích của ông chỉ còn lại đứa cháu gái ngoài ba mươi tuổi, gọi Vân bằng chú, thân hình gầy đét, mặt rỗ như tổ ong, không chồng, suốt ngày quàu quạu. Nếp sống của Vân Lì thay đổi hẳn. Ông vận quần áo bằng vải thô, do đứa cháu gái tự dệt và nhuộm chàm, từ sáng sớm đến tối mịt cặm cụi làm vườn, sửa nhà như một lão nông thực thụ. Chỉ có rượu là ông không bỏ, có lẽ không muốn bỏ. Ông uống rượu như uống nước, uống rượu thay nước. Những khi nhớ biển, rượu đem lại cho ông cái cảm giác bồng bềnh quen thuộc. Ông thường uống rượu vào buổi chiều, sau một ngày làm lụng quần quật như trâu lăn, mặc chiếc áo vằn, ngồi bắt chân chữ ngũ trên mảnh chiếu con ở đầu hè, mắt đăm đăm nhìn đồng lúa rập rờn như sóng. Lúc đó ông có trông thấy thằng Ba Nghệch lảng vảng qua lại hay không? Có lẽ là có, nhưng rõ ràng là ông chẳng thèm để ý đến hắn. Cổng rả vẫn để tanh bành ra đấy, thậm chí khi đứa cháu gái thì thào Vân Lì cũng cứ phớt như không.
    Chuyện ấy không lọt qua mắt những người thóc mách. Dân làng thấp thỏm chờ cuộc đụng độ.
    Thế rồi một hôm Vân Lì say rượu, đập vỡ cóng tương ở gốc cau và thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với đứa cháu gái. Hàng xóm biết vậy vì thấy cô ta mặt mày thâm tím, ngực lấm tấm nước tương, sang xin vôi và lá khoai, chắc làm thuốc giã rượu. Đứa cháu dìu chú vào nhà, đặt nằm trên chiếc phản mộc, bôi vôi vào gan bàn chân và đổ nước lá khoai vào cái miệng đang thở phì phì. Chỉ có cô ta biết rằng chiếc áo vằn không cánh mà bay.
    Nửa đêm hàng xóm đột nhiên kinh động vì một tiếng rú rùng rợn, ngắn và lạnh như cật nứa cứ vào bắp thịt. Người ta nhận ra giọng Ba Nghệch và lờ mờ hiểu ra mọi chuyện. Cho đến sáng không ai chợp mắt nhưng cũng chẳng dám ra đường, chỉ cài chặt then cửa, đoán già đoán non và thì thào về Vân Lì đủ chuyện: Những miếng võ bí truyền, những cuộc trả thù tàn khốc. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Đáng đời Ba Nghệch, vô phúc vớ phải tay không vừa. Có lẽ những câu chuyện ấy đều được thêu dệt thêm cho li kỳ, nhưng tính công bằng nghiệt ngã của Vân Lì có thật, tôi biết rõ như vậy. Ba Nghệch đang sống đêm cuối cùng của đời hắn.
    Nhưng Ba Nghệch không hay biết điều đó, mặc dù hắn không hề ngủ. Khi bị ném như một bó củi xuống sàn và nghe tiếng chốt cửa lạch cạch đóng lại, hắn sờ tay lên ngực. Máu từ vết thương ở xương quai sanh vẫn còn ri rỉ, thấm đẫm chiếc áo vằn lính thủy. Con thú lần đầu bị cầm tù chợt hiểu ra tình thế, thở hồng hộc, lồng lộn một cách tuyệt vọng trên sàn nhà xây bằng đá hộc. Mũi hắn ngửi thấy mùi nước đái ngựa nồng nặc, chân hắn đạp lên những đống phân khô, tai hắn nghe ong ong tiếng muỗi đàn, tay hắn sờ soạng trên bốn bức tường ghép bằng gỗ nguyên cây, chỉ bóc vỏ, vẫn còn chìa ra những vấu lớn xù xì. Húc bằng đầu không nổi, nắm đấm như cái vồ của hắn cũng chẳng làm những khúc gỗ suy suyển chút nào. Ba Nghệch bèn lấy móng tay mà cào. Những móng tay của hắn dày, cứng như mảnh sành, nếu bình tĩnh mà tách từng thớ gỗ thì cũng khá được việc. Nhưng đầu hắn làm gì có óc mà nghĩ. Hắn cứ hùng hục cào như người ta dùng bàn cạo mà cạo gỉ. Vài cọng xơ gỗ rơi xuống chân càng khích lệ hắn. Hắn làm việc như điên như dại, cho đến khi móng tay trỏ tuột phựt ra, mắc lại trong đám sợi gỗ bờm xơm. Hắn nấc lên vì đau đớn, vội đưa ngón tay mất móng lên mồm mà hút. Dòng máu mằn mặn tứa ra mồm khiến hắn bình tĩnh lại và sực nhớ đến hàm răng.
    Buổi sáng, khi Vân Lì lại gần chuồng ngựa thì Ba Nghệch đã dùng răng cắn xé, mở được một khe hở đủ để thò đầu ra ngoài. Cảnh tượng thật khủng khiếp: một cái đầu bù xù như tổ quạ, những cái răng chìa ra to như răng ngựa, hai hàng lợi bị gỗ cào rách tướp vẫn đang ròng ròng máu.
    Mắt Vân Lì sáng lên vì phấn chấn. Những thợ săn cá mập lão luyện cũng phấn chấn như thế khi gặp được một con mồi dữ tợn. Ông từ từ tiến lại gần.
    Nhưng mặt khi đối mặt với Ba Nghệch, khi ánh mắt ông chạm phải ánh mắt hắn thì Vân Lì giật mình lùi lại, không tin vào mắt mình. Trước mặt ông là cặp mắt của một người vô tội. Trong cuộc đời bôn ba, ngang dọc, Vân chưa từng gặp cái nhìn nào như thế, mặc dù đã chạm trán với đủ loại kẻ thù, nhiều lắm, ông không thể nhớ nổi, cũng như không sao nhớ nổi trong đời mình có bao nhiêu chuyến ra khơi. Tất cả những cặp măt ấy - dù căm giận hay khiếp nhược, đần độn hay gian giảo - đều ngập trong những tia hối hận chỉ làm ông khinh bỉ. Chúng, lũ súc vật ấy, ý thức hoàn toàn rõ ràng về việc làm của mình, nhưng lòng tham và tâm địa tàn bạo khiến chúng mờ mắt, tự giác lao vào tội ác. Chính vì thế mà khi bị sa lưới chúng hối hận, van xin.
    Vân Lì tiến lại, Ba Nghệch vẫn lồng lộn nhìn ông, răng nghiến ken két, mắt vằn lên những tia máu đỏ ngầu. Đúng, ông không nhầm. Đó là đôi mắt của một con thú dữ, hung hãn nhưng vô tội.
    Ông ném con dao xuống đất và mở cửa.
    Chẳng biết Vân Lì đã giảng giải cho Ba Nghệch những gì về nhân cách nhưng khi ông ta dẫn hắn đến giao cho tôi thì Ba Nghệch đã trở thành một gã đàn ông hiền như đất. Trên tàu, ngoài tôi ra không ai biết gì về quá khứ u mê và bẩn thỉu mà chính hắn đã quyết một lòng đoạn tuỵệt. Có người bảo Ba Nghệch dở hơi, kẻ khác lại nói hắn lại cái. Hãy thử tưởng tượng một thằng mạch lô không rượu, không thuốc, không cờ bạc, cũng chẳng thèm để ý đến những ả chèo thuyền "mua mọi thứ cần bán, bán mọi thứ cần mua", lả lơi và sấn sổ như quỷ cái giữa đám đàn ông bỗ bã và sấn sổ như quỷ đực. Những lúc ấy Ba Nghệch lẳng lặng bỏ ra ngồi một góc, cặm cụi học chầu dây hoặc những công việc thủy nghiệp khác. Hắn tập chăm chỉ đến nỗi không ai nỡ cáu giận khi thấy sự vụng về của hắn, mà dù có cáu thì hắn cũng không phật ý, chỉ nhe răng, không biết cười hay mếu, càng nhẫn nại hơn. Cuối cùng tôi hiểu rằng, cái đầu củ chuối của hắn không thể tiếp thu những kiến thức dù sơ đẳng ấy. Ba Nghệch không thể trở thành thủy thủ được. Hắn chỉ có ích mỗi khi xảy ra ẩu đả với đám đàn ông say rượu ở các cảng, mà đó là chuyện cơm bữa, nguyên nhân nhiều khi rất ngớ ngẩn, phần lớn có liên quan đến mấy ả bán ô-vi-lơ(3) và ngán chần.
    Bấy giờ Ba Nghệch đã ở trên tàu được non một năm. Chiều hăm tám Tết "Hải Mã" nhổ neo ở mũi Ba Gà, định rấn một mạch về Hòn Chông trước giao thừa. Trời mù, biển cũng động rồi, sóng không dưới cấp sáu. Nhưng chúng tôi không ngán. Máu về ăn Tết át đi mọi lo ngại. Vào dịp cuối năm nhưng con tàu đã rã rời vì sóng gió bị cuốn hút về bến cảng chẳng khác gì lũ chim mỏi cánh bị hút về tổ lúc hoàng hôn.
    Trong lịch sử ngành hàng hải đã có bao nhiêu thuyền trưởng chôn vùi sự nghiệp của mình dưới đáy biển vì những cái tặc lưỡi như vậy?
    Vừa đi khỏi doi cát ngầm, tới chính ngang Hòn Diều, tôi cho tàu nhằm hướng chính bắc, quất hết tốc lực. "Hải Mã" rung lên, thở hồng hộc. Những dãy núi ven bờ nhòa đi nhanh chóng. Sóng mỗi lúc một mạnh. Từ trên đài chỉ huy tôi lo ngại nhìn mũi tàu chốc chốc lại chìm đi dưới đám bọt nước trắng xóa. Dù sao cũng không thể nghĩ đến chuyện quay lại.
    Cả ngày hôm sau thời tiết không khá hơn. Tàu đi chậm đến sốt ruột vì ngược gió, ngược nước.
    Gần trưa ngày ba mươi sương mù dần dần tan. Mặt trời hiện ra, đỏ ngầu như máu. Biển chuyển sang mầu nước dưa.
    - Bão mất rồi - Đám mạch lô kêu lên khi trông thấy cá heo xuất hiện hàng đàn cách tàu chưa đầy năm chục mét.
    Làm gì có bão vào mùa này nhỉ? Nhưng bão đang đến gần thật. Một đám mây lạ xuất hiện phía chân trời rồi nhanh chóng tỏa ra hình nan quạt. Không khí bỗng chốc ngột ngạt và nóng bức như giữa mùa hè.
    Lúc đó "Hải Mã" đang ở giữa mũi Sào và Hòn Cóc. Tiến thoái lưỡng nan, cách duy nhất là chạy vào Hòn Nhĩ, một cù lao nhỏ cách tuyến hàng hải chừng mười lăm hải lý về phía tây. Tôi chưa lần nào đến đó. Tránh bão ở một nơi xa lạ thì thật mạo hiểm, nhưng dù sao cũng còn hơn là phơi lưng giữa biển. Tôi cho tàu quay mũi. Có kịp không? Chỉ có trời mới biết. Bọn mạch lô huýt sáo và cười đùa vui vẻ. Cười đùa trong nguy hiểm đấy là biểu hiện tuyệt vọng. Dân biển lúc bình an thì uống rượu và văng tục, gặp việc dễ thì cãi cọ phồng mang trợn mắt, có khó khăn thì mắm môi im lặng, còn khi tuyệt vọng thì vui vẻ cười đùa - Lúc đó còn bụng dạ nào nữa mà uống rượu và văng tục, có cách giải quyết nào đâu mà bàn cãi, còn im lặng thì khủng khiếp quá, vậy biết để làm gì?
    Con tàu, cơn bão và bóng đêm đến Hòn Nhĩ cũng một lúc. Trong trường hợp này chớ có dại thả neo. Chẳng có xích neo nào chịu đựng nổi những cú giật ghê người như thế. Tôi lợi dụng ánh chớp để xác định vị trí, cho tàu chạy vòng quanh đảo. Đó là trò chơi đuổi bắt căng thẳng và không cân sức. Hòn đảo ở giữa, một bên là con tàu nhỏ nhoi, bên kia cơn bão như một gã khổng lồ đáng sợ. Chúng tôi chèo chống, vật lộn, kinh hãi và tuyệt vọng. Tôi không nhớ được gì cụ thể. Tất cả như một cơn ác mộng. Về sau tôi lấy làm kinh ngạc: tại sao chúng tôi thoát chết?
    Không biết cơn bão kéo dài bao lâu, nhưng đột nhiên nó dừng lại, dường như sực nhớ là đã vướng chân ở hòn đảo nhỏ với con tàu bướng bỉnh này quá lâu, bèn hướng vào đất liền, giận dữ lao đi, để lại một trận mưa sầm sập như trút nước.
    Tôi không dám cho tắt máy ngay, cử người kiểm tra kỹ các khoang, chỉ tin chắc rằng cơn bão đã tan hẳn mới hạ lệnh cho thả neo, tàu bị hư hại nhẹ, hơn nữa giao thừa cũng đã qua rồi, tôi quyết định ở lại.
    Hôm sau trời tạnh ráo và ấm áp. Đó cũng là điều bình thường ở vùng này - Thời tiết đã sang xuân. Hòn đảo nằm phơi mình dưới nắng. Nếu không kể những thứ rác rưởi ngổn ngang trên bãi cát thì phong cảnh bình yên như đêm qua chẳng có chuyện gì xảy ra.
    Cũng như tất cả các đảo cát ở miền trung mà tôi có dịp ghé qua, Hòn Nhĩ có rất ít mầu xanh. Tôi trông thấy thấp thoáng vài tàu dừa xơ xác. Một nhóm nhỏ, thưa thớt mấy ngôi nhà vách đất thấp lè tè, mái lợp lá dừa, được chèn kỹ bằng đủ thứ gỗ, ván và cây cọc để chống chọi với gió bão. Một đám đông chừng hai chục người, phần lớn là đàn bà và trẻ con, mặc những cái quần ống rộng, áo nhuộm chàm, tụ tập sát mép nước, chỉ trỏ về phía tàu, điệu bộ rất tò mò. Mấy đứa con trai táo tợn nhất nhảy ùm xuống nước, mặc cho những bà mẹ huơ tay lên trời giận dữ, bơi ra tận tàu, quẫy nước tung toé như cá heo, bám lấy xích neo và hét váng lên bằng tiếng địa phương trọ trẹ rất khó nghe:
    - Đầu tàu ở đằng nào các chú hề?
    Trên bờ đám người đông dần đến khoảng bốn chục, sau đó tản bớt đi, nhưng cũng chỉ có người lớn ra về, còn lũ trẻ vẫn ở lại, tiếp tục la hét đến tối mịt. Về sau tôi biết rằng đó là gần như toàn bộ dân cư trên đảo.
    Sự tò mò của dân đảo là chuyện dễ hiểu, tôi cũng đã gặp nhiều lần. Dân đảo trừ những người đàn ông thường phải đi khơi xa và thỉnh thoảng ghé vào đất liền, suốt đời không rời hòn đảo. Hòn Nhĩ xa tuyến hàng hải, lại ở giữa hai cảng lớn Ba Gà và Hòn Cóc, nên tàu bè ít khi ghé vào. Có lẽ đó là lần đầu tiên họ được trông thấy một chiếc tàu to như vậy.
    Dân Hòn Nhĩ sống bằng nghề đánh cá. Đó là một nghề hết sức bấp bênh và nguy hiểm. Hằng năm những người đàn ông trên đảo ra khơi từ giữa tháng giêng đến cuối thu. Hầu như vụ cá nào cũng có người thiệt mạng. Đảo luôn luôn thiếu đàn ông, mỗi người phải nuôi năm sáu miệng ăn. Đàn bà chỉ việc đẻ đái, nuôi con và muối cá. Hết vụ cá, dân đảo chất cá muối lên thuyền, chở vào đất liền đổi lấy khoai ngô, muối, dầu, vải và những đồ dùng cần thiết khác, chỉ để lại cá nhâm, loại cá mình dẹt, lắm xương và nhiều vảy. Đời sống của dân đảo rất kham khổ, quanh năm chỉ có khoai, ngô với cá nhâm muối. Những năm thời vụ không thuận lợi, khoai ngô cũng không đủ. Gạo là thứ xa xỉ chỉ dành cho người ốm và dịp giỗ Tết.
    Năm ấy coi như không có Tết. Ngay từ hôm mồng một chúng tôi đã bắt tay vào công việc. Chỉ cần sửa chữa những gì không thể trì hoãn để tiếp tục hành trình. Ra bắc, rằm tháng Giêng ăn Tết lại. Sau đó hẵng hay. Số thực phẩm dự trữ được bảo quản cẩn thận là thế mà vẫn bị nước mặn làm hỏng phần lớn, rượu cũng đã hết. Việc bổ sung tôi giao cho Ba Nghệch. Chính việc này đã dẫn hắn đến với Chắt.
    Chắt là một người đàn bà ba mươi mốt tuổi với những nét đặc trưng của dân miền biển: da đen, môi dày, đôi vai rộng, quen gánh vác những công việc nặng nhọc. Vì Chắt cao lớn và có dáng đi lừng lững như đàn ông nên dân đảo gọi cô là "Chắt Đực" để phân biệt với cô Chắt khác là Chắt Còi. Nhà Chắt Đực ở cuối xóm. Cô sống bằng nghề nấu rượu, hoạn lợn và muối cá thuê. Nghề muối cá đàn bà trên đảo ai cũng làm, còn hai nghề kia với ngôi nhà là những thứ cô thừa hưởng của người cha đã chết vì đắm thuyền tám năm về trước, khi cô mới hai ba tuổi. Mẹ "Chắt Đực" chết từ khi cô còn ẵm ngửa.
    Hôm ấy Chắt cùng đám đàn bà con gái đi xem tàu về, đang định rủ nhau đến nhà cụ Chòm xem các ông bà già chơi tam cúc. Ba Nghệch vừa dưới xuồng lên, vai khoác chiếc bao tải, tay xách thùng rượu bằng gỗ có quai đồng, bước huỳnh huỵnh theo sườn đảo thoai thoải dốc. Chắt bảo:
    - Anh gì có mua cá mều không nờ?
    Ba Nghệch ngẩn người. Chắt bảo:
    - Đây này! - nói rồi vỗ bộp vào con "cá mều" của cô bạn đứng bên cạnh và cười ré lên.
    Ba Nghệch đỏ bừng mặt nhưng thinh thích. Lần đầu tiên trong đời Ba Nghệch đỏ mặt. Lối đùa tục tĩu và chân thật của Chắt khơi dậy trong lòng hắn bản năng giống đực. Đã bao giờ hắn được đàn bà chòng ghẹo như vậy đâu: Người ta chỉ khiếp sợ hoặc kinh tởm hắn. Hai cách xử sự này kích thích tính man rợ ở cả con thú lẫn con người.
    Ba Nghệch lí nhí:
    - Tôi mua rượu, mới lại gà, mới lại rau.
    Chắt bảo:
    - ở đây không có rau, gà phải đến cụ Chòm, còn rượu thì theo tôi.
    Chắt nói rồi xăm xăm đi trước. Ba Nghệch theo sau. Dọc đường hắn nhìn đuôi tóc bé tí tẹo, vàng như lông bò trên lưng Chắt, lại nhìn bờ vai vạm vỡ, lại nhìn hai cái mông bè bè, đâm bối rối.
    Vào nhà, Chắt bảo Ba Nghệch ngồi xuống cái ghế con rồi nói:
    - Chẳng mấy khi anh đến chơi nhà, lại ngày Tết ngày nhất, mời anh uống rượu, ăn bánh với tôi cho vui! - Nói rồi đi xuống bếp. Ba Nghệch đảo mắt nhìn quanh. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì ngoài hai cái chum to, một cái đã vỡ, phải hàn lại bằng thứ keo gì đó mầu vàng xỉn. Giữa nhà có bàn thờ đắp bằng đất, trên đặt hai cặp bánh chưng, chùm dừa xanh, giữa bày bát hương đã tắt hết. Một con mèo già gần trụi hết lông đang ngủ say sưa trên chiếc phản nứt nẻ kê bên trái bàn thờ. Dưới gầm phản có cái chậu gỗ đựng con dao nhỏ, cái kéo, cái kim lớn đã xỏ dây và lọ thuốc. Đó là đồ nghề hoạn lợn.
    Chắt bê lên một cái hũ nút lá dừa khô, hai cái bát sành, một đĩa tôm kho, trên rắc mấy ngọn rau tựa như rau ngổ, sau đó lấy một chiếc bánh trên bàn thờ xuống, đặt trên ghế con, rót rượu ra bát. Ba Nghệch chối đây đẩy:
    - Tôi không uống rượu đâu!
    Chắt cứ chìa cho Ba Nghệch một bát:
    - Anh đừng từ chối, giông đấy! - Nói rồi cũng bưng một bát, uống ừng ực. Rượu khoai chua loét, đục như nước gạo, không lấy gì làm nặng, nhưng đã lâu không uống rượu nên Ba Nghệch cũng thấy lâng lâng. Hắn bạo lên, bảo:
    - Chị uống được nhiều nhỉ.
    Chắt đáp:
    - Làm nghề nào ăn nghề nấy.
    Ba Nghệch liếc trộm vào ngực Chắt:
    - Chị xinh gớm!
    Chắt đỏ bừng mặt, nguýt:
    - Nhà anh cũng khỏe gớm.
    Ba Nghệch ngồi im một lúc rồi đột ngột bảo:
    - Này!
    Chắt ngẩng lên. Ba Nghệch ôm choàng lấy thân hình vạm vỡ của Chắt, vật ngửa cô ta ra đất. Chắt không chống cự, chỉ ú ớ gì đó không rõ. Một lúc sau hai đứa hổn hển đứng dậy. Chắt khép ngực áo đứt cúc, bảo:
    - à quên, chưa bóc bánh - Nói rồi bóc bánh, cắt làm tư, lấy đũa xiên cho Ba Nghệch một miếng.
    Bánh độn khoai, nhân chỉ có vài hạt vừng. Ba Nghệch ăn hết hai miếng ngon lành. Chắt hỏi:
    - Anh lấy tôi chứ?
    Ba Nghệch đáp như mất hồn:
    - Để xem đã.
    Thực ra ngay từ lúc đó Ba Nghệch đã gắn bó đời mình với Chắt, người đàn bà đã đem đến cho hắn niềm hạnh phúc bình đẳng làm người và tình yêu chân thật.
    Công việc sửa chữa tưởng ít, ai dè kéo dài đến mồng chín mới hòm hòm. Buổi sáng Ba Nghệch chèo thuyền vào bờ, đổi được một con lợn gầy dơ xương, nặng gần ba chục ký. Tôi cho giết thịt và quyết định sáng hôm sau, mồng mười, sẽ nhổ neo ra bắc. Đám mạch lô thảy đều hồ hởi- Chúng đã chán ngấy tận cổ hòn đảo cằn cỗi và thứ rượu khoai chua loét rồi. Riêng Ba Nghệch không nói năng gì, chỉ cau có và văng tục. Điều ấy chẳng khiến ai để ý- lầm lì và cục súc là bản tính của hắn. Vì vậy ai nấy đều bất ngờ khi hắn xin ở lại đảo cưới vợ.
    - Lại bão đến nơi rồi, Ba Nghệch đã biết nói đùa! - Bọn mạch lô ồ cả lên. Nhưng tôi nhìn vào mắt Ba Nghệch, nhận thấy sự biến đổi lớn lao và hiểu rằng hắn không đùa. Một chút dịu dàng trên bộ mặt to bè, một tia vui trong đôi mắt trắng dã, một thoáng run rẩy của cặp môi dày nứt nẻ- Tất cả đều nói lên hạnh phúc.
    Thôi cũng mừng cho hắn. Số mệnh đã làm một sự lựa chọn tuyệt vời khi ném Ba Nghệch lên Hòn Nhĩ. Không có nơi nào thích hợp hơn với hắn. Cù lao nhỏ xa đất liền này sẽ giúp hắn quên hẳn quá khứ. Nhưng công việc nặng nhọc và đơn giản phù hợp với sức vóc cường tráng và cái đầu đần độn của hắn. Nhưng còn một điều quan trọng nhất: ở đây hắn sẽ được sống giữa những con người lương thiện, tốt bụng và chân thật. Trên các cù lao khắc khổ của miền trung này dân cư sống với nhau như trong những gia đình lớn. Từ nhà nọ đến nhà kia không hề có rào giậu, cổng rả gì, thành ra câu tục ngữ "yêu nhau rào dậu cho kín" hóa ra vô nghĩa. Hòn Nhĩ đã từ lâu không xảy ra trộm cắp vặt. Tôi đã có dịp trò chuyện với cụ Chòm, người đàn ông cao tuổi nhất đảo, đã từng làm phu mỏ trong đất liền, lại đi lính cho Pháp, cái gì cũng biết, bây giờ suốt ngày khò khè trong xó bếp vì bệnh hen. Cụ Chòm kể:
    - Hồi tôi mới lên chín mười tuổi được xem dân đảo hành hình Tảo Chột: Tảo Chột cũng là dân chài, thế mà đột nhiên ăn trộm rượu của ông Lai Kỳ, tức là cụ của con bé Chắt Đực bây giờ. Người ta cắt gân gót chân Tảo Chột, buộc đá vào cổ rồi thả xuống biển - Cụ Chòm đưa bàn tay xương xẩu mô tả kích thước hòn đá rồi chép miệng: - Quân ấy sống thì thế nào cũng đẻ ra quỷ sứ thôi!
    Chuyện ấy dân đảo nghe đi nghe lại đến thuộc lòng; thậm chí còn bắt chước cả cách chép miệng của cụ Chòm.
    Thực ra tốt bụng và chân thực là những đức tính chung của dân miền biển. Trong cuộc sống khắc nghiệt giữa thiên nhiên hung bạo, sự giả dối và ích kỷ, xưa nay vốn đồng nghĩa với nguồn gốc chia rẽ, là những điều không thể nào tha thứ được. Nó sẽ dẫn đến cái chết của cả cộng đồng.
    Tôi hoãn nhổ neo và ngày hôm đó theo Ba Nghệch lên bờ. Các thủ tục được tiến hành chóng vánh. Dân đảo không cầu kỳ, nếu không kể việc bắt cô dâu chú rể phải tuyên thệ bằng một bài đồng dao hết sức ngô nghê. Sau đám cưới rất to đối với dân đảo - Ai cũng được chén thỏa thuê cơm, rượu và mỡ lợn -Nhưng quá nhỏ đối với dân tàu - Vì chỉ có ngần ấy thứ - Chúng tôi để lại cho vợ chồng Ba Nghệch một số đồ dùng rồi nhổ neo. Tất cả cư dân trên đảo ra tiễn. Ba Nghệch dắt vợ lội xuống nước, khóc hu hu. Tàu đi xa rồi tôi lấy ống nhòm nhìn lại vẫn thấy vợ chồng hắn đứng ngâm mình dưới nước. Tôi thầm cầu chúa phù hộ cho hắn. Mong sao cuộc sống lương thiện sẽ gột rửa quá khứ khỏi đời hắn như nước biển trong xanh gột rửa những rác rưởi trên bãi cát trắng sau lưng hắn kia.
    đoạn kết
    Sau chuyến đó "Hải Mã" thôi chạy tuyến Bắc - Nam vì thế tôi không có dịp ghé vào Hòn Nhĩ. Tuy vậy thỉnh thoảng tôi cũng dò hỏi được đôi chút tin tức về Ba Nghệch. Hai vợ chồng hắn sống hòa thuận, cần cù, lại có sức khỏe nên càng ngày càng khấm khá. Hình như hạnh phúc cũng có thể góp phần mở mang trí tuệ con người. Ba Nghệch đã học được nghề đi biển. Hai vợ chồng sắm một chiếc thuyền. Đến vụ Ba Nghệch đi khơi cùng đàn ông trên đảo. Chắt vẫn nấu rượu, lại nuôi được đàn lợn, đời sống chẳng có gì đáng phàn nàn.
    Bốn năm sau, có mối hàng mới, "Hải Mã" trở lại tuyến cũ. Tôi quyết định ghé thăm vợ chồng Ba Nghệch. Thật bất ngờ, tôi được nghe một kết cục bi thảm sau đây:
    Lấy nhau được hơn hai năm thì Chắt có thai. Hai vợ chồng mừng rỡ đón chờ đứa con đầu lòng. Chắt đã gần băm tư mới có thai lần đầu, yếu lắm, người mệt mỏi, xanh rớt. Ba Nghệch bảo vợ ở nhà, một mình gánh vác mọi việc.
    Một hôm đang ăn cơm Chắt chợt để ý đến ngón tay trỏ tuột móng của chồng, hỏi bị làm sao. Ba Nghệch đã lâu quên bẵng chuyện cũ, nghe hỏi giật bắn mình, buông bát. Chắt im lặng nhưng hôm sau lại hỏi, lần này về vết sẹo ở xương quai xanh. Ba Nghệch càng thêm lúng túng. Hắn đã nhiều lần được nghe câu chuyện của cụ Chòm, biết rõ định kiến của dân đảo nên hiểu rằng không thể nào nói thật. Nhưng hắn cũng không biết nói dối. Hắn văng tục, tránh nhìn vợ, bỏ ra khỏi nhà.
    Thái độ của chồng làm Chắt sinh nghi. Thói xấu tò mò khiến người ta suy diễn. Đàn bà chửa lại hay hoang tưởng, nỗi ngờ vực của Chắt dần biến thành sự sợ hãi. Chắt ngày đêm nơm nớp, thường mơ thấy mình đẻ ra quỷ sứ ba đầu sáu tay. Càng gần đến ngày sinh Chắt càng thêm hoảng loạn, nhiều lúc như điên dại, khóc lóc, van vỉ chồng nói sự thật. Ngược lại Ba Nghệch ngày càng lì lợm cục cằn.
    Hôm ấy Ba Nghệch về nhà không thấy vợ đâu. Linh tính mách bảo hắn chạy ra bến buộc thuyền. Chắt khi đó đã có chửa tháng thứ bảy, bước đi lảo đảo như người mộng du. Ba Nghệch đuổi kịp vợ trên sườn đảo, đúng chỗ ngày nào Chắt đã chòng ghẹo hắn.
    - Mình đi đâu? - Hắn ngăn vợ lại.
    - Sơn Hạ! - Chắt đáp.
    Ba Nghệch ngã phịch xuống như một cây chuối đổ.
    Ba Nghệch lại uống rượu - Thứ rượu khoai mà Chắt đã cất trước lúc ra đi. Bây giờ hắn uống nhiều hơn cả khi còn ở Sơn Hạ.
    Được bốn ngày thì rượu hết, còn đời hắn kéo dài hơn một ngày. Hôm sau dân đảo cắt gân gót chân Ba Nghệch, buộc đá vào cổ và ném xuống biển.
    - Đáng kiếp ! - Cụ Chòm chép miệng và ai nấy đều chép miệng theo: - Quân ấy sống thì thế nào cũng đẻ ra quỷ sứ thôi.
    Hải Phòng 5-1990
    (1) Thủy thủ.
    (2) Một loài họ trai hến đặc sản biển.
    (3) Hột vịt lộn.
    
    
    

Kết Thúc (END)
Ngô Tự Lập
» Bão Lạc Mùa
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam
» Xuân Phương Shop