Sao chúng mình không cùng nhau ra một tờ báo nhỉ. Một câu buông bất chợt vào giữa hội. Rộn ràng hẳn. Hội ăn nhậu chị em, nhân sự gồm mấy chị và một em. Mấy chị đều ăn nên làm ra, buôn bán từ bất động sản cho đến đánh hàng xuyên quốc gia, mỗi người mấy nhà nội thành kèm mấy miếng đất ngoại thành ngoại tỉnh. Một em trai chưa đến tuổi tam thập nhi lập, thuộc diện sống bằng thừa kế, cha mẹ ki cóp cho cọp con xơi, lên đời xe máy từ uyn đến a còng, lên đời xe hơi từ Tô sang Pho sang Métxìđẹt. Thanh niên sành điệu từ đầu đến chân toàn hàng hiệu, phụ tùng trên người ước tính cả chục cây vàng, chân đi giày da đen lại mang tất trắng. Lấp ló cổ chân trắng phớ như chân sản phụ.
Khoan vội nói chuyện chị em xuất thần nổi hứng rủ nhau đi làm báo. Báo chí là chủ đề dềnh dàng trong toàn bộ trước tác này. Xin tuần tự bắt đầu từ chuyện họ là hội ăn nhậu. Ăn cho đến không còn gì mà không ăn nữa. Đám nouveaux riche nhà giàu mới phất ban đầu gắng gượng ăn Âu, gắng mãi chuyển sang ăn Á, cố ăn Ấn dần qua Nhật bật về Tàu, cuối cùng cáo chết quay đầu về nơi đặc sản đồng quê An nam. Miến ngan, bún cua, bún đậu mắm tôm thực sự khoái khẩu. Người châu Á ăn sạch những con hai chân, bốn chân, nhiều chân kềnh càng như cua đến không chân như sâu rắn, các loại bọ xít cào cào chẩu chấu biết bay cho đến chuột rết không biết bay. Xơi hết.
Từ thực phẩm xác thân sang thực phẩm làm hồn. Xơi đến báo cả chị lẫn em đều thực sự hào hứng. Em trai duy nhất trong nhóm bảo em quen một chị nhà văn đang sáng chói văn đàn, chị này đứng sau rất nhiều tờ báo. Bốc điện thoại gọi ngay. Chi nhà văn đủng đỉnh đi đến. Cằn nhằn buổi chiều đang ngồi viết tiểu thuyết, đang cho nhân vật chửi thằng cò đất thì em gọi. Sà ngay xuống bên nồi nước dùng bún ốc. Tờ báo coi như hoài thai bên nồi nước dùng nghi ngút mùi gừng mùi sả sực nức.
Chị nhà văn bảo chị thường trực có thái độ ngần ngại trước báo chí. Phản ứng đầu tiên của chị là can thằng em đứng đâm đầu làm báo. Bên phương Tây người ta bảo muốn giết ai thì xui người đó bỏ tiền ra làm báo. Mỗi năm có hàng trăm tờ báo chết yểu cùng lúc hàng trăm tờ báo mới mở ra thiêu thân tự lao mình vào lửa. Bên ta báo phát hành nhiều nống số lượng lên nhiều hơn nữa, báo phát hành ít thì xít ra nhiều. Để xin được quảng cáo. Phát hành được một vài ngàn bản cũng vẫn ra báo, thu nhập nhân viên mỗi tháng trăm ngàn cũng còn hơn không, lừa được thằng quảng cáo nào thì lửa lấy tiền nuôi nhau. Nhưng mấy chị một em hăng máu lên rồi, sẵn sàng mất cả một cái nhà để chơi báo. Chơi. Ôkê, thì chơi.
Tài chính là chuyện hàng đầu coi như đã yên tâm. Mấy chị một em ai cũng có thể lo được mỗi kì nguyệt san mấy trang quảng cáo. Công ty của chính mình, của cha mẹ anh chị em mình. Các ngân hàng xí nghiệp của người thân thiết hoặc của đối tác. Đều đều mỗi tháng mươi cái quáng cáo là đủ tiền in báo. Nhưng nói chuyện sẵn sàng bán nhà chỉ là để yên tâm mà chơi xông vào trưởng văn trận báo thì phải có quyết tâm làm ăn có lãi. Lãi không chỉ vì mình hám tiền, lãi vì báo mình bán được, bán được tức là có người đọc, có người đọc thì mới có động cơ có cảm hứng để tiếp tục. Ai đủ can đảm đứng hét to mãi vào một bãi trống, không tiếng vọng?
Tính đến đây tức là phải lo việc phát hành. Chị nhà văn đôn đáo dẫn mấy chị một em đi gặp trùm phát hành. Một nhà báo quyền thế, trong tay có tập đoàn cả đường dây phát hành trong nam ngoài bắc. Ông từng từ chối chức tổng biên tập một tờ báo, ông chỉ thích đứng đằng sau tất cả mà điều khiển tất cả. Ôkê, ông bảo êkíp làm báo này khiến tôi tin tưởng.
Báo ra đời bên một nồi nước ốc. Sau này chị nhà văn bảo đấy là tín hiệu buộc ta phải cưỡng lại, báo chí quyết không được quyền nhạt. Trong văn chương báo chí, trăm thứ tội đều tha thứ được, hãnh tiến quê mùa dốt nát, trắng trợn trâng tráo đểu giả, uỷ mị cải lương lạc thời đều tha thứ được. Nhạt thì không. Nhạt nhẽo bị kết tội đóng đinh câu rút vĩnh viễn, ném đá triền miên, thả bè trôi sông đời đời. Chị nhà văn bảo nội dung sẽ còn phải bàn nhiều, sinh ra con thì trước tiên hãy đặt tên cho con đã. Đừng đặt những cái tên kép, tam tứ ngũ ngôn, không ấn tượng. Cứ trần một chữ mà choáng. Mới. Tức là không cũ không quá đát không lạc hậu. Trẻ. Tức là không già không nhăn nheo không thủ cựu, nhưng cái tên này bị nhiều nơi xài quá rồi sống. Tức là không chết không ươn không thối. Chơi. Tức là không tất bật bươn chải bần tiện vương vấn sự đời. Chơi. Là phong lưu là tiêu xài là nghệ thuật thưởng thức là cái đích của mọi cái đích ở kiếp người. Chơi.
Chơi được chọn.
Tạp chí Chơi. Chị nhà văn cung kính mời đến một nhà thơ lão luyện trong làng báo. Ông về hưu đã lâu, chẳng thiếu tiền, ông chỉ cần được làm báo cho đỡ nhớ nghề, cho có cảm giác không bị gạt ra bên lề đời sống. Từ lão tướng cầm chòm này mà ra một êkíp làm báo thành thục. Toàn là những cây bút viết chuyên mục, nhuận bút bảy chữ số. Họ bắt đầu lập ra đề án. Chơi là tạp chí văn hóa văn nghệ lối sống. Lần đầu tiên xứ ta có một tạp chí toàn diện theo kiểu Pari Mát hoặc Niu Oóckờ và hơn thế nữa. Mọi vấn đề đều có ở đó, từ văn hóa văn nghệ cho đến lịch sử đến khoa học và kinh tế thế giới, tử xu thế thời đại cho đến lối sống, cái ăn mặc cái ở cái làm cái giải trí cổ kim đông tây, tức là tất cả những gì tạo nên con người và xã hội, không có một giới hạn nào. Chỉ trừ chính trị nhà nước và tôn giáo. Báo chí như thế là bổ ích và an toàn. Các mảng nội dung được phân công ngay. Nhà phê bình A giữ mảng Văn học, chém cho đẹp vào, văn chương chữ nghĩa đang trên đà biến thành câu lạc bộ phường xã. Nhà báo B giữ phần Truyền hình Điện ảnh. Không, lâu nay tôi vẫn thường làm các mục trả lời bạn đọc, trả lời quê quê tếu tếu. Thì quê quê tếu tếu mới đúng là truyền hình điện ảnh, B giữ mảng ấy là phải rồi. Tiến sĩ C, thạc sĩ D, cử nhân E lo phần Khoa học và Kinh tế thế giới. Dịch giả G làm chuyên mục Chữ S to tướng trên hành tinh nhỏ bé. Một tay chơi nức tiếng bạn của nhà thơ thì cho giữ mục Chơi, chưa hề viết bao bao giờ thì bây giờ viết, chơi được thì viết được. Chơi rụng rời thì viết rơi rụng.
Họ muốn mời thêm những cây bút thời thượng như Lâm Thị Hoan Hỉ hay Hai Cắc Cớ viết chuyên mục nhưng nhà thơ trưởng lão bác ngay. Ông ghét các cây bút nổi tiếng, họ cũ mòn rất nhanh. Ta đây còn nổi tiếng gấp vạn lần. Không cần. Người chưa viết bao giờ như tay chơi kia làm sao cho hắn viết được thì ra ngay cái lạ. Sướng hơn.
Mấy chị một em lo phần trị sự phát hành. Mấy chị chạy quảng cáo tổ chức phát hành, thằng em làm chủ nhiệm báo. Mấy chị một em lâu nay đầu tư vào khách sạn nhà hàng, khi nào muốn làm giàu văn hóa thì nhập phim Mỹ, phim Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, khi nào muốn gia ân cho phim Việt Nam thì mua quyền phát hành bộ phim chiếu một ngày rồi đứt. Bây giờ đang rục rịch ra báo thì có ngay một ông bạn tài phiệt đầu tư cho bộ phim nội hóa mang tên Của lạ mời cả bộ sậu đến họp báo. Ông tài phiệt cứ tưởng cái phong bì cho nhà báo là to, ông đi xa hơn dạy các nhà báo cách viết sao cho ngọt cho khán giả kéo đến chiếu cố phim nội. Ôi giời dạy khỉ đu cây. Cuộc họp báo đầu tiên của cả bộ sậu kết thúc bằng một liều thuốc ngủ tại cái rạp mênh mông mang tên Thung sâu vắng lặng.
Nhân sự xem thế đã dần dần hình thành. Nhà thơ trưởng lão và chị nhà văn gọi đến một nhà báo trẻ làm thư kí tòa soạn thường trực bên cạnh chú em chủ nhiệm báo. Thư kí tòa soạn như một thứ cửu vạn cho cả tổng biên tập trên và ban biên tập dưới. Phải có sức mạnh cơ bắp. Chị nhà văn giới thiệu dăm ba ứng cử viên, người nào chị cũng chú thích là thanh niên to cao, đến mức trưởng lão phải vặn lại cô chọn thư kí tòa soạn hay cô đi mua thịt. Cuối cùng thư kí tòa soạn được chọn cao to đen tươi, cao mét tám nặng bảy mươi sáu cân. Chàng chọn khoa báo chí vì báo chí đang thịnh, nghe đâu là quyền lực thứ tư, đất nước có gần sáu trăm tờ báo viết kiểu gì cũng chẳng lo không xin được việc. Qua cầu qua phà đến cơ sở chìa thẻ nhà báo là khối kẻ hãi hùng.
Một đồng nghiệp xui chàng chuyển sang viết kinh tế, xuân hạ thu đông tứ kì các nhà máy xí nghiệp công ty doanh nhân tự ý cống nộp, coi như đóng thuế báo chí để cho yên thân. Nhà báo không cần thiên tài vào nghề dăm năm đã có quyền hóa phép ra đất xây nhà. Dịp Tết lại các doanh nhân vây ra cái quảng cáo, mấy chóp bu làm báo bội thu, còn lại cái móng tay đến nhà báo cũng đủ xơi tạm, đến ông nhà văn cộng tác còn lại hạt mảy hạt tấm lót dạ. Chàng chí khí máu mê văn nghệ, trót dại chưa nghiên cứu kinh tế như người bị bắt nạt trót dại chưa học võ, chàng vững vàng kiên định với văn nghệ, chàng bèn chuyển sang đầu quân cho báo này.
Ngày đầu đến văn phòng, chàng thư kí chìa ngay ra một bài báo cho mục Du lịch, bài báo giải thích vẻ lừ đừ như chuột phải thuốc của chàng. Chuyến đi lên miền núi Thái Nguyên, gần một giờ chiều mới đến uỷ ban huyện. Một ông cán bộ văn phòng xin lỗi đoàn lên đột ngột không kịp chuẩn bị cơm nước: mời đoàn ra quán dùng tạm. Cơm dọn ra chàng ăn một bát thấy hai thái dương buôn buốt nghẹn ngào buồn nôn. Chàng chống đũa nhìn mâm cơm đắm đuối. Lại còn hỏi xin quả ớt may ra xơi thêm được bát nữa. Chủ quán bảo vùng này không trồng ớt cũng không nhập ớt nơi khác về. Cơm nước xong đoàn lên xe đi tiếp vào bản. Mấy nhà báo đi cùng kêu ngột ngạt nóng bức lột hết xống áo ra chỉ còn may ô. Lái xe thì kêu buồn ngủ không cưỡng nổi, cố chạy thêm hai chục cây số rồi rúc xe vào dưới bóng cây gục xuống lịm đi. Sau buổi chiều tất cả đều váng vất nghẹn ngào, buổi tối về đến thành phố, kể chuyện ăn trưa ở vùng nọ, dân địa phương ai cũng tròn mắt. Dám ăn cơm ở đó cơ à? Chúng tôi người ở đây mà đi công tác về đấy cũng phải mang thức ăn theo, có chết đói cũng không dám ăn cơm hàng cháo chợ. Một ông cán bộ thành phố tổ chức cưới vợ cho con ở đấy, mời quan khách trên tỉnh về phải mời cả công an đứng vòng trong vòng ngoài các bàn ăn. Dân vùng ấy có kẻ bỏ bùa, tán bột từ lõi cây, và nhớt sâu, phơi sương hạ thổ mấy lần, mỗi năm bắt lấy một nhân mạng lớ ngớ đi lạc vào vùng. Nhân mạng ấy sẽ làm ma nhà họ, trông nhà, trông nương rẫy cho họ, bảo toàn sinh mạng cho họ không bị người hành giời vật. Bùa của họ ăn vào có người ba ngày chết ngay. Không chết ngay thì thành kén trong bụng một tháng sau mới chết. Có ớt ăn vào thì giải độc bùa ấy nhưng cả vùng đó bói không ra một quả ớt.
Mọi triệu chứng thông tin trùng khớp. Chàng thư kí tòa soạn muốn đưa bài vào mục Giữa đường thấy chuyện. Chàng chất vấn chính quyền huyện xã, nếu không có thì phải chính thức xua tan những lời đồn đại về bùa, ngải, nếu có thì phải cho biết họ đã có biện pháp xử lí ra sao.
Chàng thư kí không thuộc diện chết sau ba ngày. Như vậy chàng mất thêm một tháng phấp phỏng chờ bùa độc làm kén trong người. Một tháng chàng lừ đừ ngồi trong văn phòng đúng triệu chứng say thuốc. Văn phòng là nhà của chàng chủ nhiệm báo, một phòng xịn trong khách sạn của gia đình. Điện thoại kéo vào văn phòng không hiểu sao toàn người gọi đến nói chán chê mới biết nhầm máy. Chàng thư kí tòa soạn trực cái điện thoại ấy. Reng reng reng. A lô anh Tèo đấy à? Thư kí xẵng giọng: Tèo thua đề bán nhà này cho tôi rồi. Chết, thua nhiều không anh. Tám trăm triệu. Anh có biết anh Tèo chuyển đi đâu không. Trốn rồi. Thằng Tí nhà anh ấy đi đâu. Cũng trốn hết rồi, ở lại có chết cả lũ. Dập máy.
Tạp chí có đủ bộ sậu từ chủ nhiệm sang tổng biên tập đến thư kí tòa soạn. Đó là nhân sự thực tế, nhưng muốn xuất bản được phải đi tìm một cơ quan chủ quản, phải là phụ trương cuối tháng của một tờ báo có giấy phép. Phụ trương báo Người đô thị còn đang bỏ trống. Đúng ra là nó đã từng do một ông đầu nậu làm theo kiểu chơi thử, làm được một năm thì hết hơi sập tiệm. Sau đó một bà nhà văn cấp quận lao vào. Thiếu ảnh bà xông vào các cuộc họp, gí máy tự động vào mặt các quan chức văn nghệ mà chụp. Thiếu truyện bà in truyện ngắn của bà. Thiếu thơ bà in thơ của bà. Trang âm nhạc bà thầu ca khúc của bà luôn. Còn trống mấy trang nữa bà in kịch bán phim tài liệu của bà lấp đầy chỗ trống. Báo Tết tổng biên tập còn không dám cho đăng ảnh của mình, sợ mang tiếng hâm hoắng, thế vào bà in ảnh bà to như lãnh tụ cùng lời chúc mừng năm mới. Trình bày bà làm lấy nốt. Tờ báo như tập san độc quyền của các ngành thuỷ lợi thuỷ nông đường sông đường mía. Cũng một năm thì thở hắt ra.
Báo như thế là đã có dớp. Không hết hơi thì cũng dẹp tiệm. Cái chính là nó đã mất tên đã chết trong lòng độc giả từ lâu, không nên chơi trò xác ướp trở lại. Mọi người quay sang báo Ngày đẹp. Phụ trương Chơi của báo Ngày đẹp, nghe ngon tai. Nhưng Ngày đẹp lâu nay chỉ in được 1.000 bản vừa bán vừa cho, chủ thầu trước thua lỗ bỏ trốn sang Đông Âu mang theo nợ nần truyền kiếp. Tai tiếng ấy có đáng cho bộ sậu những nhà báo hàng đầu như ta ghề vai vào đi tỉếp chặng đường đứt gánh? Rốt cục toàn những người cấp tiến cởi mở với nhau, ngại ngần dẹp sang bên, ta chọn báo Ngày đẹp. Toàn bộ Ngày đẹp do một ông phó tổng tung hoành tổng biên tập và tòa soạn không ai biết làm báo, chẳng qua cơ quan chủ quản bổ nhiệm thì phải làm. Ông phó tổng có thực quyền. Ông sốt sắng. Ông động viên ông nhiệt tình hợp tác cho tạp chí Chơi về làm dưới vòm ông.
Bộ sậu Chơi được mời đến nhà ông tổng biên tập Ngày đẹp. Ăn lươn nướng ống bương kiểu Nghệ An. Lươn nướng chui hết ra khỏi ống bương thì ông tổng mới oang oang nói như nói vào nơi không người rằng phó tổng Ngày đẹp đã qua mặt ông, lâu nay ông vẫn xử sự theo kiểu nhà có con gái bị trêu ghẹo là để yên xem sao. Người ta khinh ông không biết làm báo ông cũng để yên xem sao. Người ta định ra một tờ báo mới không báo cáo ông cũng để yên xem sao. Bọ cứ để yên xem các chú còn kéo con gái bọ đi đến đâu nữa.
Bậc trưởng lão nghề báo và bộ sậu Chơi đã xơi hết lươn. Ra về mặt thì yên mà trong lòng lươn quằn quại. Một cô nhà báo ãngti ghen ghét với bộ sậu ở lại kích ông tổng. Chú dẹp bọn này là phải. Chúng nó đã tai tiếng với trên với dưới từ lâu. Chúng nó có tài phiệt đứng sau, cậy trường lực, chúng nó gây hấn nội dung, ba bữa người ta dẹp. Nếu không dẹp được âm binh nổi loạn, Chơi là báo non tuổi hơn Ngày đẹp báo mẹ thì cũng phiền chú. Dẹp.
Thời hạn án treo một tháng chưa hết, chàng thư kí Chơi ngày ngày ngồi ôm bàn trực điện thoại. Chờ bùa ngải làm kén. Chờ chết làm ma cho một miền rừng. Ngày ngày ra vào phấp phỏng. Bứt rứt. Tức tối. Ngồi chờ mãi như thế ai mà chịu nổi, chàng lừ lừ lên đường ra quần đảo đông bắc viết thêm bài du kí. Một tay xe ôm chở chàng đi trên con đường xuyên đảo. Thao tác kiểu gai hướng dẫn viên du lịch anh xe ôm chở thư kí vào làng, chỉ hai cái giếng cổ dưới chân núi. Đúng lúc một đám con gái đang tắm tiên dưới suối thấy động chạy toé bốn phương tám hướng. Cứ nồng nỗng thế mà chạy, hai bàn tay úp mặt chứ không che hai điểm trên một điểm dưới. Họ cho rằng con người chỗ ấy ai cũng như ai, chỉ có cái mặt lộ ra mới phải ngượng. Tay xe ôm bảo đấy là giếng Long Nhãn mắt rồng, có từ ngày xửa ngày xưa. Con gái làng này chỉ ăn nước giếng ấy mà đẹp nổi tiếng, đẹp nhất quần đảo. Từ ngày có đường ống nước, nước máy vào tận nhà, người ta ngứa tay thế nào lấp giếng đi. Thế là hai chục năm qua làng thành trại cá sấu, con gái làng mắt lồi răng vổ. Cả làng sợ quá phải khơi lại giếng, nước càng trong leo lẻo mà chẳng ai dám lấy về dùng. Thư kí thử phản biện, cậu nói thế nào ấy chứ. Thật mà, em thề, vợ em cũng người xã này. Vợ cậu làm sao? Vợ em cũng vổ. Vổ cũng có duyên đấy. Anh nói thế nào, em tưởng răng khểnh mới có duyên chứ?
Đi cơ sở, chàng chỉ thích lân la với những nhân vật như thế. Chán người, chàng chỉ thích viết về thiên nhiên du lịch sinh thái lịch sử. Theo đường công tác chính thức, phải chìa thẻ nhà báo, lòng cứ tê tê vì đọc được ý nghĩ trong đầu người địa phương: nhà báo à, chắc lại đến xin quảng cáo hoặc moi móc nã tiền; nhà văn à, vừa mới có mấy ông nhà văn chả thấy nổi tiếng bao giở đến bình văn bình thơ xin phong bì nặng.
Chàng thư kí về lại văn phòng. Lại điện thoại nhầm số. Gọi đến cho người ta mà lại quát hỏi a lô ai đấy. Thư kí lạnh tanh: Đội tra tấn xét hỏi hình sự số Năm đây. Một lát lại reng reng a lô chị Cậy đấy à. Thư kí: Chị Cậy chết rồi. Ôi, em vừa gặp chị ấy sáng nay mà. Chết lúc chiều rồi. Em đang chờ chị ấy mang hàng đến, khách đang chờ. Thế thì xuống âm phủ mà chờ.
Mấy người ngồi quanh ai cũng lắc đầu. Điện thoại bưu chính viễn thông độc quyền thế đấy. Thư kí tòa soạn nói năng thế đấy. Trông vẫn chưa ra một tòa soạn báo.
Cuối cùng xin được giấy phép ở báo Tiếng vọng. Cái tên hơi hoài cổ. Bù lại báo con tên Chơi nghe rất hậu hiện đại, rất mốt.
Thư kí lao vào làm ngày làm đêm. Dựng trang với họa sĩ trình bày. Gào thét các ban bệ nộp bài. Nhà phê bình bỏ đi kinh doanh công ty nước ngoài vứt mảng Văn học lại cho một nhà thơ trẻ đang thất nghiệp. Thơ chàng chết yểu năm chàng hai mươi tuổi. Uất ức Làng văn không xếp chàng vào chiếu nào. Căm hờn. Chàng chủ trương trang văn học chỉ có tiểu khí xỏ xiên đánh đấm tất cả những kẻ thành đạt. Chàng kí đủ mọi bút danh nấp trong bụi rậm mà vãi đạn ra. Làm sao cho báo mình số nào cánh văn nghệ sĩ cũng phải thấp thỏm liếc qua một cái, xem họ có bị lên thớt hay không. Chỉ có chàng nộp bài hăng hái sớm nhất. Các trang khác thì thư kí hò như hò đò, vò đầu bứt tai như ngứa gầu ngứa chấy. Chàng đề nghị chủ nhiệm trói buộc các trưởng trang bằng cách kí hợp đồng trả thù lao để họ không biến được. Chị nhà văn thấy bộ sậu bắt đầu khởi động được chị bèn lẳng lặng rút về viết tiếp tiểu thuyết, không biết thằng cò bất động sản trong bản thảo của chị còn lươn lẹo những mánh lới gì nữa. Ai cũng bảo vui thì làm báo thôi chứ không muốn nhận tiền ràng buộc. Không ràng buộc. Vậy thì lấy ai nộp bài bây giờ? Ông trưởng lão bảo chính vì thế ông không thích mời các cây bút nổi danh hoặc nhà văn nhà thơ. Ông chỉ thích nhà báo thuần tuý. Họ không có sự nghiệp nào khác ngoài làm báo, họ sẽ không tạt ngang tạt ngửa khơi khơi amatơ, họ chỉ duy nhất tâm niệm làm báo mà thôi.
Đang nước sôi lửa bỏng thì được tiếp hai ông nhà thơ. Ông đi xe hơi của con trai đến, đũng quần ướt đẫm khai mù, răng lợi xiên xẹo mắt đầy lá hành nhánh tỏi. Ông bảo chưa bao giờ ông sáng tác sung sức như bây giờ. Ông đưa thư kí một chùm mười bài thơ bảo đăng cho nhà thơ lớn. Ông thơ thứ hai không danh không tiếng, một đời ngơ ngẩn mất hồn vì thơ. Nhà ông xập xệ bão sập, ông chui vào lôi được cái tập bản thảo ra bỏ đi luôn. Đến nhà bạn ngồi làm thơ. Vợ con ông nhếch nhác bồng bế nhau về nhà ngoại ở nhờ mấy năm coi như không có ông. Sau này vợ buôn bán giàu phổng lên. Thằng con ba mươi tuổi thì có hẳn công ty riêng. Ông thơ mò về xin tiền vợ in tuyển tập thơ. Bà vợ bảo là căm thơ. Ông xin tiền con trai. Chàng doanh nhân bảo bố muốn gì con cũng chiều nhưng in thơ thì không. Con hận thơ. Thơ của bố suýt nữa làm mẹ con con đi ăn mày. Thế mà ông vẫn in được tập thơ, con không cho tiền thì lấy trộm tiền của con, mỗi tập tiền rút ruột vài tờ 100 nghìn, con trai nghi ngờ đuổi việc mấy đời thủ quỹ. Thế mà còn kể lại cho tòa soạn nghe. Thế mà cứ ra vẻ quân sư tha thiết khuyên tạp chí Chơi mở trang thơ, in thơ của ông mở hàng. Việt Nam là đất nước thơ ca, báo chí không in thơ là giết đi một lượng lớn độc giả tiềm tàng.
Điện thoại gọi đến reng reng reng. Chả biết người ta có nhầm không mà thư kí nhấc ống nghe lên nói ngay, không, không nhận thơ đâu, thơ ca thời này bốc mùi lắm. Dập máy luôn.
Báo ra. Cuốn tạp chí cầm nặng tay cũng sặc sỡ bìa người mẫu trong nước và nước ngoài. Mấy đêm liền thư kí cùng trưởng lão làm ngày làm đêm, hai ba giờ sáng lăn ra ngủ trên bàn làm việc dưới nền nhà. Báo đưa phát hành vào các sạp báo, những sạp nhỏ chỉ xin nhận ba cuốn bán thử, hết sẽ lấy nữa, nhỡ bán không được tối lại khiêng về nặng gãy lưng em. Thư kí qua các sạp báo đánh mắt liếc vào sản phẩm của mình nằm tênh hênh thiếu nữ ngủ ngày theo kiểu thiếu nữ vô hồn, vô tư và hồn nhiên. Cẩn thận liếc thêm một cái xem sạp báo có dán áp phích quảng cáo Chơi hay không.
Về văn phòng vừa lúc có chuông điện thoại. Thư kí vui vẻ cầm ống nghe đúng bài bản: Tòa soạn báo Chơi xin nghe. Đầu tiên bên kia xối xả một tràng. Báo cái đầu bờ bố mày đây này. Chúng mày bảo chị Cậy chết làm suốt một buổi chiều bố mày chạy đi khắp nhà xác bệnh viện tìm. Rồi bố mày sẽ cho báo chúng mày không còn chỗ mà chôn.
Ngẩn ngơ một lúc sau mới nhớ ra hiểu ra. Trong một ngày vui thế này ai còn nhớ chuyện nhấm nhẳng của những ngày hoang mang chưa biết bùa bả có làm kén trong bụng hay không. Chiều cả bọn kéo nhau đi bún ốc. Trùng hợp thế nào, ngày báo hoài thai cũng đã bún ốc. Lại thấy chàng chủ nhiệm báo cười cười khi mọi người nhắc chuyện hôm nay có thằng mô mở hàng gọi đỉện thoại chửi báo. Chủ nhiệm lại còn nháy mắt hỏi thư kí có thấy giọng thằng chửi quen quen. Bỏ cha giọng ấy quen thật. Hay chính là chủ nhiệm chửi đểu chửi đùa? Bọn tài phiệt bị khinh thường nhân văn đôi khi không từ cơ hội để xỏ xiên cánh chữ nghĩa. Mà đúng là lúc ấy tay chủ nhiệm không có trong văn phòng. Hay chính là hắn?
Kết Thúc (END) |
|
|