Tôi khởi đầu, kể lại câu chuyện vào một buổi sáng trời mưa. Mưa không ngớt mấy ngày nay. El Nino xối phủ tràn nước trên khắp nẻo đường Bắc Cali. Mưa đang rơi nặng hạt ngoài kia. Sáng nay là sáng thứ hai đầu tuần, đầu tháng, và đầu năm.
Trong quán cà phê rất đỗi thân quen. Mỗi mặt bàn là một khuôn mặt. Câu thơ tôi đã làm nơi đây. Mùi cà phê bốc nồng ấm dạ. Nhìn mấy ngón tay mình bọc quanh ly từ từ duỗi thẳng, nhẹ nhỏm, thư thái.
Đã hai tháng trôi qua...
Sáng nay thức dậy, nhìn vòm lá sồi âm u trong màn mưa sương. Nằm như thể đợi chờ...
Đợi chờ gì? mà lòng âm u như lá. Thời khắc trôi. Đời sống trôi. Những công việc xếp hàng dọc mong ngóng, lấn chen, xô đẩy, cần hai tay và cái đầu tôi giải quyết. Phải tỉnh táo và phải làm xong. Từng việc, từng việc một. Hoặc hai, ba cùng một lúc. Trách nhiệm, lo âu lẫn muộn phiền, những yếu tố cấu tạo cuộc đời. Nếp nhăn gấp vội như vòng xe chạy miết.
Ngày nhích dần về phía mặt trời lặn, dẫu là giữa trưa mùa đông. Mặt trời ngày soi mặt, ngày biệt tăm. Thời gian là đời sống, là đóng khung, là sự thực, là khẩn thiết. Ngay lúc này, thời gian bao quanh tôi, lãng đãng và trôi tuột, âm u và sáng rỡ. Màu tối đêm qua, mền gối và hơi thở nồng, đậm mùi thân quen.
Ngoài kia mưa bắt đầu nặng hạt. Vỉa hè xi măng loáng nước.
Đã hai tháng trôi qua...
Tôi ra đời đúng vào mùa xuân Mậu Thân, 1968, năm chấn động lịch sử. Huế, người sống bơi lội trong đất cát. Nấm mồ chôn người tập thể. Mỹ Lai đâu đó thuộc về Quảng Ngãi. Vết nhơ chiến tranh. Độc ác bạo tàn, dù toan tính hay nhiệm vụ, ước mơ giải phóng, dân chủ độc lập, thế giới đại đồng. Đàn bà đàn ông trẻ con chó mèo heo chuột gào thét trong biển lửa ngút trời. Những con vật trốn chui trốn nhủi cả ngàn năm trong hốc đá giờ cũng phải tuôn ra đua với con người tìm sự sống.
Cái giá phải trả cho sự ước mơ ảo tưởng. Chân lý sụp đổ. Bi hài kịch hạ màn. Một thí nghiệm trả giá dân tộc thụt lùi thế kỷ. Hàng triệu thây ma chết mắt không nhắm.
Mỹ quốc, 1968 là năm đánh dấu hàng loạt làn sóng cách mạng. Trong nhà ngoài phố. Phong trào phụ nữ đòi bình đẳng nổi lên mạnh mẽ, không tương nhượng nam giới trong mọi lãnh vực. Martin Luther King, Jr, lãnh tụ da đen với câu nói để đời I have a dream, bị ám sát. Robert Kennedy trẻ, đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi, có cơ hội làm tổng thống Hoa Kỳ tương lai cũng bị ám sát. Hàng hàng lớp lớp sinh viên xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, thách đố Lyndon B. Johnson bằng khẩu hiệu: Hey, hey, LBJ, how many kids did you kill today?
Năm 2000 đang đứng chờ sẵn ở ngưỡng cửa. Giấc mơ Mỹ, màu trắng, liệu còn đứng vững được bao lâu? Như màu da Michael Jackson càng ngày càng nhạt. Jodie Foster, Madonna mang thai bằng cách mướn chồng, mua tinh trùng. Con chỉ cần biết mẹ là đủ! Qua rồi cái thời bắc võng ru con, chỉ bóng trên tường: cha con đấy, để rồi chọn cái chết oan thay cho lời bày tỏ lòng trung trinh tiết nghĩa, nay là chuyện cổ tích.
Nơi tôi ở, miền Bắc tiểu bang California với những buổi họp mặt, ăn trưa, gặp gỡ... đủ những nụ cười, những cái nhăn mặt của mọi sắc dân. Năm thực khách bước vào nhà hàng toàn người da trắng là nhận ngay ra sự khác biệt. Họ Nguyễn đã bắt đầu quen thuộc trong trường học, sở làm, giữa chốn công cộng. Hết còn bị người bản xứ phát âm Nu-gen, như thời chân ướt chân ráo tị nạn bẩy lăm, người Việt lúc đó gặp nhau ngần ngừ chỉ trỏ Mít Mít phải không? chỉ cần một cái gật đầu là lòng sung sướng như tìm lại được đứa con thất lạc lâu ngày.
- o O o -
Tôi đến Dục Mỹ trời vừa chập choạng, màu tối đang lấn màu sáng. Từ Sài Gòn ra đây xe chạy đúng mười hai tiếng. Bốn bánh xe trải qua không biết bao trăm ngàn lỗ hổng gọi là ổ gà, ổ trâu, ổ heo. Chị Hạnh, chị họ xa, ngồi sát cạnh, mắt liên hồi trợn, căng trắng dã, thở hắt liên tục: Ổ voi chứ chẳng phải ổ gà! Đầu tôi cứ bị tống mạnh lên tận đỉnh trần. Không dây thắt an toàn. Hai tay ghì chặt thành ghế, mỏi mệt lẫn buông xuôi.
Khuôn mặt Dục Mỹ đón tôi nhá nhem, như khuôn mặt đứa bé con nhà nghèo cả ngày chưa rửa. Gà đã xua vào chuồng. Tôi tắm rửa, xối nước ào ào. Chén cơm, với những hạt sạn suýt mẻ răng, da gà nổi ran tận háng. Chưa xong bữa, tăm đã rải trên bàn. Xỉa, quẹt, chẳng ai buồn lấy tay che miệng, tôi cũng thế, ai sao mình vậy. Xỉa răng che miệng là giả tạo, kiểu cách, thậm chí là sỉ nhục. Những chữ sorry, please, thank you... không thể áp dụng nơi chốn này. Nhất là trong căn nhà tôi đang xỉa răng, hai chân rút cao trên ghế.
Tôi ngồi im trong bóng tối. Ngọn đèn neon dài hắt ánh sáng xanh bệnh hoạn. Tôi ngó quanh, điểm từng khuôn mặt người sống trong căn nhà này. Gia đình chồng. Mỗi người thu gọn một góc. Tôi có ngồi nhầm góc của ai trong căn nhà này không?
- o O o -
Cùng máu mủ, thịt xương, gan ruột tuôn ra từ một cửa mình. Kết tinh từ hàng tỉ tinh trùng và hàng tỉ cái trứng, tạo thành năm người con. Toàn là cu, chẳng có cái hĩm nào. Sao không là tứ qúy mà là ngũ qủy. Nhà phải có nếp có tẻ mới vui. Bố thỉnh thoảng than, trái lại, mẹ tuyệt đối không bao giờ.
Anh cả tên Tịnh, chết vừa đúng mười tám tuổi hai tháng bẩy ngày. Anh chết ngay ngày đầu quân. Người lính, cũng là tân binh, đứng sau lưng, xếp hành lãnh súng, thử súng, một viên đạn còn sót trong nòng, chĩa thẳng ngay ót anh Tịnh. Anh chết mà mắt còn mở miệng còn há.
Anh thứ nhì, tên Quyến. Một ngày cuối năm 1976 bỏ nhà đi biệt, để lại những tin đồn, thắc mắc, nghi ngờ, tự hỏi trong lòng người thân, bạn bè, hàng xóm. Vượt biên? Chết đuối? Xe cán? Ăn mày? Chết đói? Bị giết?... Lần cuối ra khỏi nhà nó bận cái quần đùi đen rách tưa gấu, nhất định kiếm cho được cái địa bàn. Thêm thắt, thêm mắm thêm muối, thêm lời. Địa bàn hay hải bàn, đường bộ khác đường thủy, cha nội! Ông Tương đầu ngõ xía vào. Nhưng biết chắc một điều anh đi luôn một lèo, chết bờ chết bụi chết vật vờ. Chết thành ma đói ăn xin. Anh Quyến ít tuổi, lại bất tài, con nhà nghèo, chẳng đẹp trai nên huyền thoại thêu dệt về anh không quá ba tháng, từ ngày anh rời khỏi đất Dục Mỹ.
Người thứ ba là Đức, chồng tôi, nhân vật chính trong đời tôi. Tôi sẽ kể ở phần tới.
Người thứ tư là Trinh, nhân vật chính làm nên cuốn sách này. Tôi cũng sẽ kể ở phần tới.
Và người cuối cùng là Hoán. Thằng Út, trong nhà thương thì gọi thế, còn hàng xóm, bạn bè, người quen gọi hắn là thằng què, thằng thọt, thằng câm, thằng ngố, thằng lì... Sanh ra chân trái nó đã có tật, ngắn và không xương, bị thịt lắc lư vô dụng, chứa đựng tức bực, oán hận, oan ức... dẫn lộ ra hai tròng con ngươi. Lâu ngày, biến thành lầm lì, câm nín, chựu đựng.
Thằng Hoán ngồi ở góc phải từ lúc tôi đặt chân vào nhà. Tôi chưa thấy miệng nó mở rộng, ngoại trừ chị, chị, chị... rồi lúng túng thả lỏng câu định nói. Cái nạng gỗ quẹt ngang, quẹt dọc hoặc gõ lóc cóc trên sàn xi măng, như thói quen chồng tôi hay rung đùi khi xem TV, ăn ice cream, hoặc khoái chí điều gì. Tiếng gõ đều đều làm tôi tưởng chừng lòng nó vừa vui mừng, vừa lo âu, vừa sợ sệt vì sự có mặt bất thường lạ kỳ của tôi. Nó ngồi nhai cơm rào rạo. Có sạn hắn có nuốt luôn không? Răng có bị mẻ cái nào không? Thằng Út im ỉm suốt ngày, tiếng nạng gõ lọc cọc là biết nó đang có mặt, đâu đó. Đức bảo tôi thế. Anh chịu, chẳng biết nó nghĩ gì muốn gì cần gì. Thậm chí cái lắc đầu hay gật đầu, nó cũng hạn chế tối đa.
Ấy thế mà nó lại thích ra ngồi ở quán cóc. Một ly cà phê đen đá, một gói thuốc, nó ngồi lì hàng giờ, cong cả sóng lưng. Cạnh nó là thằng bạn, hai cái lưng trần song song, ốm nhom, chỉ cần kiên nhẫn một chút là anh có thể đếm được bao nhiêu đốt xương sống. Hai đứa nó có ngôn ngữ tín hiệu riêng, anh chịu, anh chịu thua. Những chữ tôi nghe rơi rớt tận đáy tim óc khi kết luân, kết thúc về gia đình anh.
Tên Hoán, có nghĩa là còn hy vọng, còn thay đổi, còn xê dịch, còn hoán chuyển.
Bố và mẹ, hai nhân vật này tôi cũng sẽ kể ở những phần tới.
- o O o -
Những lời nói dài liên tục không ngắt câu, không chấm phẩy, không nhấn mạnh, không viết hoa, không gạch dưới tôi hoàn toàn không hiểu. Nó là thứ ngôn ngữ của riêng anh. Bao nhiêu đêm, bao nhiêu lời nói, bao nhiêu lần bị đánh thức và nằm như thế trắng đêm, để chỉ cố nghĩ, tưởng tượng, rán hiểu những điều anh nói trong giấc mơ, nhưng cuối cùng đành chịu. Tôi chưa bao giờ nói với anh về thứ ngôn ngữ ban đêm của anh. Chỉ mình tôi nghe, tôi biết, dù rằng chẳng phải anh nói với tôi hoặc với bất kỳ khuôn mặt nào anh và tôi từng gặp gỡ. Sau những lời nói, thường thì hơi thở anh có phần nhẹ nhõm hơn.
Sau năm năm sống cạnh chồng, những điều có thể chia sẻ và những điều biết không thể chia sẻ. Nghĩ tới một câu nói của ai đó đã tình cờ lọt vào tai. Hôn nhân thường đổ vỡ sau một năm, năm năm, hoặc hai mươi năm. Giờ thì tôi đang bước vào giai đoạn thứ hai.
Chồng tôi tên Đức, họ Trần, và chữ lót là Văn. Trần Văn Đức. Chẳng biết ai đã chọn, mẹ hay bố. Đức nghĩa là phúc đức mẹ, bà, cha, ông để lại. Về lại đây, nơi chốn anh lọt lòng chào đời, tôi nghĩ tên anh là May thì đúng hơn. May đây là may mắn.
Anh là người may mắn nhất trong gia đình họ Trần này. Tôi tin rằng mỗi người có một số phận, và số phận người này may mắn hơn người kia.
Tôi gặp anh trong một buổi họp mặt ở nhà người bạn. Lúc đấy, anh vừa li dị và tôi vừa học xong. Tôi với chân trời rộng mở, tự do, phiêu lưu, thách đố, xăn tay áo một hai với đời. Còn anh, tâm trạng chán nản, thất vọng, mệt mỏi, mất mát... Người vợ Mỹ, về sau có cơ hội gặp, tôi quá đỗi ngạc nhiên là người trong ảnh thì gầy, cao dong dõng, nhưng khi đối diện, chị cao to gần gấp đôi anh.
Tôi lấy anh, lấy luôn đứa con gái tên Alyssa. Con bé nửa Mỹ nửa Việt. Đẹp và buồn. Miệng cười, mắt không cười. Khi nghe tôi quyết định lấy anh, chị tôi đùa, mua một tặng một. Bố tôi giận đúng một năm, mười hai con trăng lặn chìm suốt năm trong trí nhớ tôi ngày đó. Mẹ đỡ hơn, thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi han, hoặc hẹn ăn trưa, nhưng chữ nghĩa dè chừng, tuy bà không dấu được cử chỉ và nỗi lo âu bình thường nơi người mẹ. Bố coi tôi là đứa con hư hỏng, cứng đầu, vất đi, dám làm trái ý. Thậm chí có lúc coi như tôi đã chết. Sau một năm doạ nạt, đổi chìa khóa, cúp điện thoại... Yêu, tôi bất chấp tất cả, bố mẹ bằng lòng thì tốt mà không bằng lòng thì cũng rán chịu. Yêu thương chẳng phải là cái tội. Tôi nghĩ thế với đầy tự tin rằng mình đã chín mùi suy nghĩ. Kể cả những vết nhăn khổ ải cũng vì yêu tôi hằn sâu trên trán bố. Có anh là tôi đủ, no nê, tràn đầy. Về ở với anh, không hoa không bánh không bàn thờ rước dâu cúng lạy. Không cả thiệp cưới áo cưới, chỉ cái nhẫn hột soàn lấm tấm ở khu Lion Plaza, San Jose đông người Việt cư ngụ, cùng một tuần trăng mật ở Lake Tahoe, sáng thức dậy, nằm nhìn tuyết bám đầy trên những nhánh thông, lòng cứ lo âu hồi hộp sợ nhánh cây gẫy. Trước khi lấy anh, tôi cũng đã có vài mối tình với tụi con trai trên dưới tôi một vài tuổi, chúng nhi nhô bằng nhắng. Ở anh, có sự điềm đạm, vững chãi, từ tốn, không hiểu sao lúc đấy tôi nghĩ thế. Giờ thì có phần thay đổi trong tôi. Đôi khi, tôi muốn quấy động, giang tay hét to một tiếng, ném vỡ cái bát hoặc cái gì đó đang sẵn trong tay hay trước mặt, nhưng anh vẫn vậy, điềm đạm, từ tốn, và nói bằng hai con mắt đầy nhẫn nại yêu thương.
Anh là điểm tựa tinh thần, là miếng bông gòn tẩm sạch nước mắt, máu trong tôi. Chịu được cơn đau bụng và tính khí bất thường tôi ở những ngày kinh nguyệt. Tôi có thể nói cười líu lo hơn nửa giờ không ngưng nghỉ, và anh nghe nhìn không quay lưng đi nơi khác. Thế thì sao tôi không ngả vào lòng anh mỗi đêm cho được.
Sau năm năm, tôi vẫn còn yêu anh, lòng vẫn bồi hồi mỗi chiều khi rẽ xe vào driveway, vẫn tìm chân anh gác mỗi đêm, vẫn thích nói những câu rất bậy khi làm tình, vẫn đạt hai lần cực sướng khoái.
Người vợ trước tên Melissa. Cả mẹ lẫn con đều mang hai chữ sa cuối. Tôi đùa, nếu sau này sinh con gái em sẽ đặt tên Felissa để tiện gọi Sa chị, Sa em. Thỉnh thoảng tôi gặp Sa mẹ, còn Sa con ở với chúng tôi mỗi cuối tuần, ngày lễ, và ba tháng hè.
- o O o -
Một hôm anh đi làm về sớm, mở cửa, vợ anh và người đàn bà trần truồng như nhộng quấn lấy nhau trên thảm phòng khách. Người đàn bà là bạn thân của vợ chồng anh nhiều năm. Anh phải làm gì? em thử nghĩ đi, nếu ‘nó’ là đàn ông anh còn nhào vô đánh, đấm, đá, đâm... Tôi không thể cười khi nghe anh kể. Ừ, nếu là mình, mình sẽ ứng xử thế nào nhỉ? Chồng mình và thằng bạn thân đang chổng mông chơi nhau...
Không đầy một tháng sau, hai đứa chia tay, gia tài lúc ấy chưa có gì đáng kể. Hai đứa cũng trải qua biết bao ê chề, đớn đau, nhục nhã, thất vọng. Tâm trạng hầu hết của những ai băng qua con đường li dị, chỉ nhanh hay chậm. Lúc đấy anh vừa ra trường luật. Sa mẹ hành nghề bác sĩ nuôi anh ăn học. Ơn này đến nhắm mắt anh vẫn không quên. Chỉ đứa bé là rắc rối. Không lẽ chặt nó ra làm hai khúc. Toà án quyết định, Sa con ở với mẹ ngày thường và với bố cuối tuần.
Sa mẹ và anh biết nhau từ thời sinh viên. Cô bạn gái quấn vợ anh trên thảm cũng là bạn của cả hai trong thời gian ấy. Sau này, khi đang tiến hành thủ tục li dị, anh khám phá hai người đã liên hệ thầm kín sau lưng anh từ thời ấy. Trong ký túc xá, trên xe, nhà mẹ cô bạn vào ngày nghỉ lễ... Nhưng anh đã ‘chiếm’ được phần thắng. Sau này họ gặp lại nhau, anh thua đậm.
Thời còn đi học, anh như con kén chọn mộng. Mộng trở thành nhà văn. Cứ sách trong tay là đọc. Cầu tiêu nhà tắm phòng ngủ, chúi mắt trong những tiệm sách cũ, lục lọi hàng giờ trong thư viện. Đấy là giờ phút lâng lâng hạnh phúc. Tạp chí văn chương rãi đầy trên thảm nhà, sau nệm xe... Anh học cách viết, sáng tác truyện ngắn, thơ... Trí tưởng tượng, giấc mơ đời lẫn lộn trong lứa tuổi thanh niên bất cần đời. Rồi thời gian, thư từ chối nhiều hơn thư nhận đăng. Kiên trì, nhẫn nại, hy vọng là đức tính tốt, cần thiết cho nhà văn chưa thành. Tự dỗ và tự dối lòng mình.
Trong khi anh ấp ủ mộng nhà văn thì Sa mẹ đeo đuổi ngành y khoa. Xuất thân giai cấp trung lưu. Con một, bố bác sĩ, mẹ hiệu trưởng trường trung học ở một tỉnh lị miền đông. Năm Sa mẹ đi thực tập ở tiểu bang Chicago anh đi theo, quyết tâm viết cho xong cuốn tiểu thuyết. Hơn hai năm trăn trở, suy nghĩ, dốc lòng. Đêm đông hơi tuyết lạnh từ bên ngoài lùa vào khe cửa hở, anh ngỡ là hạnh phúc lùa vào. Sa mẹ mang bầu Sa con cũng trong thời gian này. Nếu cần anh trông con. Em đi làm nuôi con lẫn anh. Anh nói. Cả ba cười, kể luôn Sa nhỏ còn nằm trong bụng.
Về lại Cali. Sa mẹ kiếm được việc làm trong nhà thương, lương đủ sống. Tác phẩm cũng đã hoàn tất. Xoay quanh kinh nghiệm cá nhân, hội nhập, phức tạp hôn nhân dị chủng. Chẳng liên hệ đến chiến tranh, giết người, đĩ điếm. Xấp bản thảo gửi đến nhiều nhà xuất bản, lớn, vừa, nhỏ... đủ cả. Thư hồi âm từ chối nhận đều. Hy vọng lụi dần, rồi tắt ngấm. Mỗi năm xứ Mỹ sản xuất biết bao nhà văn không thành, anh là một. Sau hơn hai năm nhìn xấp bản thảo, anh nghĩ nó cũng ‘stink, thối hoắc’ như bà nhà thơ Sylvia Plath chán đời tự tử ở tuổi băm hai đã từng tuyên bố. Anh chua chát nghiệm ra một điều là, ngờ vực tài năng của mình... Phải thực tế, Đức ạ! Con kén vỡ mộng, căn chòi của nó bị bão tố bật tung. Anh đổi sang ngành luật. Quyết định một phần cũng vì nhu cầu gia đình ở Việt Nam.
Về đây, chứng kiến những người thân tôi hiểu anh hơn. Đừng bắt, hoặc nghĩ họ phải tự lập, tự lo cho bản thân.
Tôi nghĩ đến những lời nói dài không ngưng nghỉ của anh trong giấc mơ, lặp lại.
Trong từng ấy năm, từ ngày còn ngủ gật trên bàn học ở thư viện, mỗi sáng băng qua thảm cỏ trong sân trường, giấc mộng nhà văn và những bóng ma gia đình cứ vây hãm. Sa mẹ đáp ứng điền vào lỗ hổng đó. Những chất keo vá đắp tình yêu, tội tình, tội nghiệp, cảm thông bắt nguồn từ nàng, gia đình nàng, tóm lại anh đã sống nhờ họ. Những lá thư xin tiền bên nhà thường là tiếp nối bằng những đêm mất ngủ, người tươm vã mồ hôi, ruột nóng như lửa táp. Sa mẹ không thể ngờ được, hiểu được, hoặc vẽ ra được hình ảnh gia đình anh. Một gia đình không bình thường đúng nghĩa.
Gia đình Việt Nam. Khoảng cách thời gian, không gian. Khoảng cách hoàn cảnh, định mệnh. Khổ nạn.
Gia đình ở Mỹ, vợ anh. Trớ trêu, vấn nạn, phải chăng một lúc nào đó cũng tạo thành khoảng cách. Anh vẫn không rõ, không hiểu, không biết cho đến tận bây giờ.
Anh nhớ lại câu chuyện được nghe thời tuổi nhỏ. Cứu ai? khi giữa dòng nước xoáy. Mẹ hay vợ. Chỉ chọn một. Hiếu hay tình. Mẹ thì chỉ một, mà vợ thì có thể cưới hai hay ba. Câu nói ám ảnh anh thời thơ ấu. Lớn lên nhận ra câu chuyện ai bịa quả là ngu xuẩn và tàn nhẫn cho trẻ con. Giờ thì anh biết, anh phải cứu lấy anh. Anh thấy chính mình bị nhận chìm.
Làm sao anh hiểu được tâm trạng tôi trong lúc nằm cong người nghe anh kể trong đêm. Rời rạc, cố gắng, thiện chí, tình cờ, thậm chí bắt buộc... Tôi lắng nghe, mùi mưa, mùi lá khô giòn vỡ, mùi gió xoay trở trong không gian, mùi nồng đất vữa. Tuyệt nhiên chẳng hơi hướm da thịt. Nhắm mắt, những đụn cát bên bờ sông Bến Hải cứ giạt xa dần, xa dần.
Giờ thì anh chẳng còn oán trách gì Sa mẹ.
Trong bóng tối, nụ cười khó hiểu, lạnh lùng, diễu cợt của tài tử Jack Nicholson xuất hiện. Vì sao? Phức tạp, nếu là vật thể, thì nó là cái thòng lọng thắt chặt hồn tôi.
|
|
|