- Anh làm gì ở đấy?
- Tôi đang ngắm trăng. Cô nhìn mà xem, trăng tròn rồi nay trăng lại khuyết.
- Rõ vớ vẩn! Chao ôi là giời! Sao tôi lại lấy phải anh nhỉ? Thật khổ hết chỗ nói.!
Trừ lúc đi ngủ, tôi cố tránh không vào gian buồng trong ấy nữa. Từ sau bữa phát hiện ra việc ấy, gian buồng như chỗ nào cũng giữ lại dấu vết Tào Học Nghĩa, cái mùi Tào Học Nghĩa, bóng dáng Tào Học Nghĩa. Chúng nó….ở đâu? Ở đầu giường đằng nào? Chắc không ở phía tôi vẫn ngủ chứ? Tôi cố chộp bắt trong không khí gian buồng từng động tác từng cử chỉ của chúng: Tào Học Nghĩa lẻn vào thế này, cô ta bước ra đón thế kia; đứa nào với tay giật công tắc đèn? Cô ta, hay thằng kia? Rồi chúng nó ôm nhau lăn trên giường như thế nào? Động tác của cô thì tôi vẫn quen thuộc, kể cả cái cách cô rên ư ử, vậy thì phải chăng cô lại diễn trọn cái quá trình ấy trong vòng tay Tào Học Nghĩa?….Tôi biết mình vớ vẩn, nhưng lại không kìm giữ được mình nên cứ vẫn tưởng tượng như vậy hết lần này đến lần khác. Đến nỗi có lúc nửa đêm giật mình tỉnh dậy, tôi cứ khịt mũi: quái lạ, có mùi gì lẩn quất đâu đây?
Bởi thế sau khi chăn ngựa về, ăn cơm tối xong, tôi thường ra ngồi trên khoảng sân tự tay tôi san phẳng kia để hóng mát.
Còn viết luận văn cóc khô gì nữa?! Cái con mụ Diêm Bà Tích này còn nguy hiểm hơn cả tên Chu Thụy Thành cơ! Với lại, tôi chẳng qua là đồ phế thải, là người có một nửa, tôi đã mất gần hết hứng thú với công việc đó.
Còn biết vất vưởng sống thừa mà nghe ngóng và chờ đợi.
Mùa hè oi ả đã đến, lúa mì đã gặt về. Gió nóng hầm hập lùa qua trên cánh đồng đang cày lật, mang đến mùi bùn đất tanh nồng. Bên kia, chiếc máy kéo Đông phương hồng đang ầm ầm gầm rít, tiềng sắt thép mà nghe như tiếng con quái vật nào gào thét, lại nửa như có tiếng hồn ma run rẩy. Cả đến sắt thép cũng đã trộn lẫn với thiên nhiên. Phía trước mảnh sân không có rào giậu che chắn gì kia là dải rừng dương với hàng liễu quế dương thẳng tắp. Chúng là những người làm chứng trung thực, mãi sừng sững trên ghế nhân chứng của tòa án thiên nhiên, không hề lùi bước, không hề né tránh, trong gió chiều xào xạc có lúc chúng còn tỏ ra bực bội giận dữ với tôi.
Tôi ngắm hoài vầng trăng thượng huyền ủ ê đầu hôm treo cao ở phía nam bầu trời, rồi lặn khuất lúc nửa đêm.
Tôi ngắm mãi mảnh trăng non ủ dột mọc lên phía tây khi mặt trời còn chưa lặn, mảnh trăng chạy đuổi theo ánh nắng chiều rồi chìm khuất bên kia núi gần như cùng lúc với mặt trời.
- Anh cứ trông cái thân anh, hồi này vừa đen vừa gầy đi bao nhiêu – Cô vừa thu từng chiếc quần áo phơi trên dây, vừa nói với giọng nửa quan tâm, nửa như trách móc - Người ta nhìn anh, người ta lại tưởng là tôi bắt nạt gì anh! Anh đói ăn ư? Hay là anh thiếu uống?
Phải rồi trong con mắt người ta, tôi bây giờ chỉ còn có mỗi hai việc là ăn và uống mà thôi.
- Tạng người gầy thì biết làm thế nào được! – Tôi thều thào uể oải – Còn đen thì cô biết đấy, nắng gắt như thế kia…..
- Thế anh không biết chúi vào bóng cây mà ẩn ư? Làm cái thân chăn ngựa mà cứ tích cực cho lắm vào! Người như anh thật hiếm có!
Trên trời, sao bắt đầu lấp lánh những tia sáng yếu ớt. Còn trên đỉnh núi đằng tây, một vệt ánh sáng màu da cam chưa tắt hẳn, lặng lẽ rọi chiếu xuống sườn non đang tối dần.
- Cô vào bê chiếc ghế đẩu ra đây mà ngồi một lát. Đây cô xem, đêm đẹp biết mấy….
- Tôi còn trăm thứ việc, lòng dạ nào mà tối tối ngồi đếm sao như anh được…..
Cô ôm một đống tướng quần áo, vén mành cửa đánh xạch một tiếng đi vào nhà. Chiếc mành cửa nhân tiện tôi đi chăn, cưỡi ngựa ra tận cửa hàng cung tiêu cách ba chục cây số mua về. Cô tỉ mẩn đột từng mũi kim viền một đường vải trắng quanh mép.
- Thế này thì phải dùng được mấy năm! – Cô bảo.
Cô còn nghĩ đến chuyện mấy năm.
Khi tôi bước vào gian trong, cô đang ngồi khâu đế giầy.
- Khâu cho ai thế? – Tôi bắt chuyện một cách gượng gạo.
- Còn ai vào đây nữa? Nhà có hai người, anh bảo còn khâu cho ai?
Cô giơ tay lên, gại gại mũi kim lên da đầu, động tác khéo léo gọn gàng, cánh tay mềm mại duyên dáng. Hệt như một vai đào lẳng lơ trong kinh Kịch, phẩy tay áo thụng có diềm lụa viền phơ phất.
Cái đế giầy thật to, rõ rằng là khâu cho tôi.
Tôi cởi áo nằm xuống giường. Giường đất về mùa hè đến tối nằm mát lạnh như ánh mặt trăng ấy! Chiếc lưng trần áp xuống lần đệm mỏng, như nổi trên mặt nước phẳng lặng. Tôi là một chiếc lá rụng, mặc cho làn gió nhẹ thổi vật vờ đến đâu thì đến. Có lúc tôi đã nghĩ: “ Hỡi đàn bà, ta phải dần dần hiểu rõ mi! ”. Nhưng ba tháng trời đã trôi qua, mà chỉ có mỗi mình cô tôi vẫn thấy lạ lẫm hơn, khó nắm bắt, khó lường biết hơn cả khi mới bắt đầu tiếp xúc. Nhà nữ triết học chân to nói rất đúng: Anh suy ngẫm sao cho thấu hiểu được con người? Đặc biệt là người đàn bà!
Sáng sớm hôm ấy, chú Lý lái máy kéo trở về, tôi đứng trong chiếc rơ-móc không. Sau rơ-móc, còn buộc hai con ngựa. Máy kéo đằng trước đủng đỉnh, theo tốc độ của ngựa đi bước một, còn hai con ngựa ở đằng sau mỗi bước một khật khưỡng cái đầu, như người ngủ gật chưa đã thèm. Vừa lúc đại đội ra đồng làm việc, tất thảy công nhân nông trường đã chứng kiến đội hình kỳ quái của chúng tôi.
Chú Lý mau mồm mau miệng, còn cách đoàn người khá xa đã hét toáng lên:
- Mẹ kiếp! Máy với chả móc?! Chưa chạy đến trạm máy đã chết dí, thế là tôi bị treo giò giữa bãi hoang, may mà có anh Chương, anh ấy chạy bộ cả đêm về dắt ngựa ra mới kéo về được. Nếu không thì cả hai anh em đã bị sói ăn thịt từ lâu rồi! Đ.mẹ! Không tính cho hai anh em tôi, hai đứa bốn công thì đừng có trách. Thằng nào tài giỏi đến đây mà lái, đây phải về nông trường bộ đánh một giấc đã!
Chú Lý nhảy xuống, bỏ máy kéo đấy, phốc lên xe đạp, đạp vèo về chỗ ông bố có chức có quyền để đánh một giấc. Trong đoàn người ra đồng, tôi bắt gặp ánh mắt cô nghi nghi hoặc hoặc nhìn chằm chằm vào mặt tôi.
- Tối hôm qua, anh trở về dắt ngựa đi đấy à? – Cô cười ngượng nghịu.
- Không tôi thì ai vào đấy – Tôi sầm nét mặt, đứng cởi dây cương cho ngựa.
- Vậy… sao anh không về nhà? – Cô đi theo sau lưng tôi.
- Hừ! – Tôi cười khẩy một tiếng. Từ ngày lấy nhau, tôi chưa từng cười như thế bao giờ - Hình như trong nhà không chỉ có mỗi mình cô!
Tôi đốp chát một câu thật bình tĩnh, rồi nhảy phắt lên lưng ngựa không đóng yên, phóng thẳng về chuồng.
Từ đó về sau, cô bắt đầu nói với tôi bằng một giọng nửa quan tâm nửa trách móc. Anh muốn hiểu sao cũng được, song dẫu sao thì nghe ra cũng có phần dễ chịu hơn cái giọng chỉ độc có trách móc. Trước đây cô nói với tôi bao giờ cũng chỉ rặt một giọng trách móc và chế giễu.
Và cô chăm giặt quần áo cho tôi hơn, có lúc khiến tôi cảm thấy không cần thiết phải như thế.
- Tôi sống độc thân quen rồi – Tôi bảo với cô – Cô cứ trông người ta, còn bẩn hơn tôi nhiều ấy chứ!
- Anh quen nhưng tôi không quen! – Cô bắt tôi phải bỏ cái áo choàng bằng vải bạt dày cồm cộm ra – Cái mồ hôi ngựa đầy người của anh khắm lắm, đi đến đâu người ta cũng bịt mũi đấy! Lúc nào cũng trông người ta, người ta chết thì anh cũng lao vào chết theo chắc?
Có thể là như vậy!
Cũng từ đó, dẫu tôi có ăn bao nhiêu thì cô cũng không giở cái giọng đe dọa “định lượng của nhà mình không đủ đâu ” như trước kia nữa.
Bây giờ cô lại khâu giầy cho tôi, đang đột từng mũi kim làm đế. Cô kêu bận, chính là bận công việc này đây.
Thế nhưng tôi lại cảm thấy bất nhẫn. Việc gì cứ phải lằng nhằng với cô thế này mãi nhỉ?
- Hương Cửu này – Tôi nằm ngửa trên giường, mắt nhìn thẳng lên trần nhà – Cô sợ vừa mới cưới đã ly hôn, mang tiếng không hay, thì chúng ta tạm yên ổn với nhau một năm vậy. Sang năm, cô viết đơn cũng được mà tôi viết đơn cũng được, chúng ta hợp được thì tan cũng được. Còn lý do, thì bảo là tình cảm không hợp. Không nữa, thì bảo là người miền Nam, người miền Bắc tập quán không sao hoà hợp được. Cô thấy thế nào?
Cô không trả lời. Trong gian phòng chỉ còn tiếng kim khâu đế giầy sồn sột.
Một con bọ xít va đánh bộp vào cửa kính, chừng muốn đâm đầu vào đèn, nhưng lại ngã ngửa trên bệ cửa sổ, cánh đập vù vù.
Loa phóng thanh đã vang lên hiệu kèn tắt đèn, đã mười giờ đêm. Đó là nề nếp mới có từ ngày “ Cả nước học tập Quân giải phóng ”. Dẫu ở nơi xóm nhỏ khỉ ho cò gáy này thì giờ giấc ăn làm, nghỉ ngơi cũng nhất nhất chỉ huy bằng kèn nhà binh cả. Hiệu kèn đã thu vào đĩa hát: kèn báo thức, kèn đi làm, kèn tan tầm, kèn tắt đèn…..Cô phát thanh của nông trường bộ không phân biệt được nên thường là đến giờ đi làm thì phát hiệu kèn tan tầm, đến giờ tan tầm thì lại nổi hiệu kèn báo thức.
Nhưng hôm nay cô phát đúng: kèn tắt đèn.
Cô thoăn thoắt quấn rất nhanh sợi dây gai quanh chiếc đế giầy khâu dở, rồi quay mình cầm lấy cái chiếc chổi quét sạch mặt đệm, chưa kịp nằm xuống đã giật công tắc đèn đánh tách một tiếng.
Thời gian trôi đi trong bóng đêm. Sự sống cũng tan biến theo. Con bọ xít vẫn đập cánh vù vù trên bệ cửa sổ, mãi cũng không lật sấp lại được. Cũng có thể nó mãi mãi không bao giờ lật lại nữa đâu, nhưng nó vẫn cố cựa quậy mãi. Một lát sau, tiếng đập cánh vù vù của con bọ xít đã hoà lẫn với tiếng máu chảy dồn căng trong màng nhĩ của tôi, không còn phân biệt được đâu là tiếng cánh bọ xít và đâu là tiếng máu chảy dồn nữa. Thế là tôi cảm thấy dường như mình chính là con bọ xít ấy. Lưng tôi tê dại đi, tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng, chân tay tôi nặng trịch…. Nhưng giữa lúc tôi đang mơ màng sắp ngủ thiếp đi, thì cô bỗng lên tiếng:
- Anh có thể đi bệnh viện khám thử xem sao. Em nghe nói bệnh ấy chữa được đấy.
Cuối cùng tôi đã nhận rõ tiếng cô. Tôi cố hết sức tìm kiếm lại tinh thần của mình, điều chỉnh lại thần kinh một chút. Để cố tỏ ra ôn tồn bình tĩnh, tôi buông một tiếng cười gượng gạo.
- Bệnh viện bây giờ có khám chữa gì bệnh này đâu? Chỉ có nạo thai với thắt…..
- Thì đi bệnh viện to - Giọng nói của cô nghe như cách tôi rất xa – Không thì tìm mấy ông lang đi chữa rong ấy.
- Đùa! – Tôi đáp lời cô mà như tự nhủ mình – Đi bệnh viện to thì phải có giấy giới thiệu, đừng nói là nông trường bộ chẳng đời nào chịu cấp cho tôi một giấy giới thiệu như vậy, mà cho dù có cấp, thì bệnh viện cứ trông vào cái lý lịch tiền sử của tôi, và thấy là bệnh đó thì đến cái giấy ghi tên họ cũng chẳng cho chứ nói gì đến khám và chữa! Còn các ông lang chữa rong ư? Bây giờ làm gì còn ông lang chữa rong nào nữa đâu. Người ta đã cắt béng “ cái đuôi tư bản chủ nghĩa ” từ lâu rồi!
Sau khi trở lại tỉnh táo, tôi chợt phát hiện ra rằng trong thâm tâm tôi từ lâu đã nẩy nở dần cái ý nghĩ không thể tiếp tục cuộc sống với cô nữa. Tôi dứt khoát từ chối mọi cơ hội có thể khiến tôi chữa khỏi; tôi quyết đào sâu thêm cái hố ngăn cách này, cho vỏ trái đất nứt toác ra ở giữa tôi và cô.
Lại im lặng một lúc lâu. Đúng, nói chuyện trong bóng đêm là thật nhất, rõ nhất, tôi nghĩ thế. Mọi thứ đều nẩy sinh trong bóng đêm: mọi thứ trong bóng đêm đều thật. Bóng đêm quả thật là một cõi kỳ diệu: trong bóng đêm người ta có thể làm tất cả, có thể nói tất cả. Chẳng phải lời nói giả dối sợ ánh sáng mặt trời đâu, mà chính là lời nói thật mới sợ ánh mặt trời! Một trạng thái đặc thù biết bao!
- Nói dối! Em chẳng thấy em với anh tình cảm không hoà hợp. Làm gì có chuyện người miền Nam, người miền Bắc?! Anh đã đi cải tạo bao nhiêu lần, làm gì còn tập quán miền Nam? Anh không ăn được mì sợi hay không ăn được bánh xèo? Không khéo đưa cho anh nắm cám anh cũng ăn ngon lành ngọt xớt đi chứ lỵ! Em làm gì có tập quán của người miền Bắc? Hễ khỏi được, thì cái gì em cũng có thể theo như người khác….
- Nhưng tôi thì không khỏi được! – Tôi vội vàng bày tỏ nỗi tuyệt vọng của mình.
- Vậy thì anh đừng có trách em! – Cô nói, và tôi hiểu được ý của cô.
- Tôi không hề trách cô. Tôi chỉ mong rằng trong năm nay, chúng mình sống với nhau cho yên ổn êm thấm – Tôi tin cô hiểu được mấy chữ “ yên ổn êm thấm ” nghĩa là như thế nào - Nếu cô cảm thấy không thích hợp, thì có thể viết đơn sớm hơn, viết ngay ngày mai cũng được.
- Thôi thôi! – Cô bắt đầu bực bội – Em nói không lại anh. Anh là người có học thì lắm chữ nghĩa lý lẽ lắm!
- Cô cũng là người có học đấy chứ. Đã học hết sơ trung, thì hẳn cô cũng biết đạo lý, biết quan hệ lợi hại như thế nào chứ. Với lại, cô chẳng chú ý danh dự lắm đó sao?
- Anh đừng mỉa mai tôi nhá! – Cô cáu, nhưng cơn cáu giận xem ra chưa đủ liều lượng - Muốn viết đơn thì anh đi mà viết! Tôi không viết đâu. Mà đơn xin kết hôn cũng anh viết đấy chứ.
Ả đàn bà này đích thực là con dâm phụ. Tôi nghĩ mà cứ tức anh ách. Tôi nín nhịn thì cô tưởng là tôi yếu đuối, cô lấy tôi làm cái bung xung để làm việc lòng thòng bậy bạ, bây giờ lại cứ bám lấy tôi không buông, mà còn toan bám lằng nhằng như thế này mãi……
|
|
|