Tám năm sau chúng tôi mới gặp lại nhau.
Cũng vào những ngày trời nổi gió. Nhưng không phải là thứ gió ẩm ướt, mà là gió nóng khô trên sỏi đá; nơi sỏi đá chỉ có cỏ tranh nhọn, cỏ bạch cập, cây chút chít và táo gai chịu hạn sống được mà thôi. Đây không phải là ruộng lúa nước của đội lao cải, mà là chuồng cừu nông trường, mùi phân cừu chua loét quyện với mùi cừu hôi nồng nặc toả ra trong không khí mùa xuân. Thời gian đã trôi đi, cảnh huống đã đổi thay, nhưng thân phận chúng tôi hầu như chẳng có gì thay đổi.
Tôi dùng cào bốn răng thu dọn cỏ khô vương vãi trên phân cừu lại. Cỏ khô bay tứ tung những cọng cỏ quay tròn lông lốc trong nắng, chẳng khác gì đàn châu chấu bay kín trời kín đất. Phía xa xa sườn núi giăng đầy sương khói lung linh, khiến cho cả dẫy núi trùng điệp không còn khí thế tầng tầng lớp lớp, và cũng mất luôn cả cảm giác hình khối lập thể, chỉ còn như một bức tranh phong cảnh lồng trong khung kính. Chân núi hiện ra một con đường nhỏ ngoằn ngoèo đi xuống dưới, tới tận chuồng cừu này, rồi lại từ chuồng cừu kéo dài tới điểm dân cư. Từ đấy, nhập vào con đường đất ăn thông với nông trường bộ.
Cô ta đến chuồng cừu theo con đường nhỏ ấy.
Hôm trước tôi dồn cừu từ trên núi về, chuồng cừu đã hư hỏng, chẳng còn ra chuồng trại gì nữa. Chuồng không nhốt cừu, chẳng khác gì nhà bỏ hoang không có người ở, dột nát rất nhanh. Cột thì xiêu xiêu vẹo vẹo, xó xỉnh nào cũng đầy mạng nhện, máng cho cừu ăn cũng chẳng biết ai đã lấy mất. Máng bằng gỗ, lôi về nhà cũng đóng được cái tủ. Ở nông trường chỉ có đá ngoài bãi hoang là không mất cắp, còn những gì dùng được trong cuộc sống hằng ngày, thì chỉ nhãng đi một tí là biến ngay. Sắp sang mùa đông rồi, ngay những tấm đá xanh để xây dựng, cũng có người lấy cắp - Vại dưa nhà nào mà chẳng đè đậy bằng tấm đá xanh.
Máng chẳng còn, mà rêu trên mái nhà cũng mất khá nhiều, thảo nào chuồng sụp mất một góc. Tôi đề nghị ông bí thư đội sản xuất của chúng tôi cho người đến giúp tôi sửa sang lại:
- Chuồng trại thế này, đâu dám để cừu chui vào, sập chết cừu đừng đổ cho tôi mưu đồ phá hoại.
Cừu quan trọng hơn người. Nếu bảo nhà mình hỏng, xin lỗi nhá, anh đừng hòng đội sản xuất cho người đến sửa chữa đâu. Nhưng cừu thì lại là chuyện khác, dẫu bây giờ đang là thời vụ mùa màng bận rộn, bí thư vẫn đồng ý cho một người nữ đến.
- Vừa đến đại đội ta đấy, vốn là ở nông trường Bãi Bạc. Cô ta không thích ở đấy nữa, thế là mình xin cô ta về đây – Ông bí thư nói rồi, nhe răng cười – cô ấy trước kia cũng đi lao cải, cùng ở một nông trường với cậu đấy
- Ồ! Tên là gì? – Tôi hơi giật mình.
- Hoàng Hương Cửu.
Quả đúng là thế thật.
Tù đàn bà cùng đi lao cải với tôi, dễ tới hơn trăm người, nông trường tôi đến cải tạo, trước sau có tới hơn một nghìn lượt người tù đàn bà, nhưng tôi nghĩ ngay tới cô ta. Tôi lại một lần nữa tin chắc rằng, mình có một thứ dự cảm thần bí, quá khứ, hiện tại, lúc nào cũng linh nghiệm. Có điều dự cảm tốt lành thì chưa linh nghiệm bao giờ. Có lẽ cái số tôi chẳng bao giờ gặp may cả.
Chỉ mong sao lần này được gặp điều may đặc biệt.
Tôi đứng nhìn cô từ chỗ ở của đội sản xuất tới lúc cô từ từ leo lên dốc, mới quay người đi, cô vác hai cây gỗ nhỏ và một cái xẻng. Gió ra sức thổi phần phật tấm khăn trùm đầu màu xanh trứng sáo của cô. Bộ quần áo màu xanh bộ đội – màu sắc hợp thời trang nhất lúc ấy - chật căng trên thân hình cô. Cô cúi đầu đi ngược gió tới chuồng cừu, quẳng các thứ trên vai xuống cái “rầm” một tiếng đứng dựa vào hàng rào gọi:
- Này, tôi làm ở đây có phải không?
Bên tai tôi lại vẳng lên – “ước gì tao giết được mày chết tươi!”. Giọng nói xa xăm ấy, giờ đây bỗng ở gần ngay bên cạnh. Đúng thế chính cái giọng ấy, buông tuồng mà lại nhõng nhẽo. Tôi tủm tỉm cười bước lại đón cô.
- Phải rồi. Nhưng cô mang rui này đến thì bé quá – Tôi đá thử mấy cây gỗ dưới chân cô – Như que củi thế này thì chống sao được chuồng.
- Kệ nó chứ! Vác cái bé thì nhẹ hơn – Cô bĩu môi, rồi lim dim mắt nhìn tôi. Tôi chờ đợi căng thẳng. Mấy giây sau cô hít vào một hơi dài:
- Ồ, anh đấy à?
- Phải tôi đây. – Tôi rất mừng là cô vẫn còn nhận ra tôi.
- Sao mà anh lại cũng ở đây? Mấy hôm trước anh làm ở đâu? Sao không thấy anh nhỉ? – Cô vừa trèo qua hàng rào vào trong chuồng cừu, vừa hỏi tôi. Tôi đỡ lấy nách cô, giúp cô vượt qua hàng rào. Giữa bầu không khí khô như rang này, chỉ có dưới nách cô mới thấy ấm áp chút hơi ẩm.
- Làm sao tôi lại đến đây ư? Số phận chúng tôi có khác chi những con cừu đã đánh số, không về nông trường như thế này thì còn biết đi đâu nữa – Tôi cố kìm nén nỗi vui mừng và phấn khởi vụt lóe lên, nhưng bất giác lại hóa ra lắm lời - Đội lao cải chẳng phải vẩn có nguyên tắc đâu gửi đến thì lại trả về đấy mà lị, nông trường này đưa tôi đi lao cải, cho nên được thả ra thì lại trở về nông trường này. Suốt mùa đông tôi chăn cừu ở trên núi, hôm kia mới về đây. Thế còn cô sao lại đến đây?
- Chà, anh biết chăn cừu à? Giỏi thật đấy! – Cô đứng trong chuồng cừu, lấy tay vuốt lại quần áo, nhặt những cọng cỏ khô dính trên người. Cái kiểu ưa sạch sẽ gọn gàng chi ly tỉa tót này thật đúng chỉ phụ nữ mới có. Chắc hẳn mắt tôi có ánh lên những tia khác thường nhưng tôi vẫn nói bằng giọng tỉnh khô:
- Hề hề! Cái gì mà tôi chẳng làm được? Từ năm 57 đến giờ, mười tám năm trời, nếu đi học đại học thì tốt nghiệp năm trường rồi. Công việc nhà nông, tôi chỉ không biết lái máy kéo thôi. Họ không cho tôi lái, chứ cho lái thì tôi cũng biết!
Cô lại nhìn tôi, từ đầu đến chân một lần nữa, tôi tươi cười bảo:
- Kể cũng lạ thật đấy! ngờ đâu chúng mình lại gặp nhau ở đây.
- Lạ cái nỗi gì? Tôi chẳng thấy lạ lùng chút nào cơ. Cái loại người như cô với tôi thì cũng nhốt vào một chỗ thôi. Thế giới này vô cùng rộng lớn, nhưng với chúng mình thì lại vô cùng nhỏ hẹp. Mấy năm nay, chẳng cụng đầu thì cũng cụng tai, tôi quanh đi quẩn lại toàn gặp lại những người đã từng lao cải với mình. Như lần này đấy, có năm tay chăn cừu trên núi, đều điều ở các đại đội đến, trừ cái lão đội trưởng chẳng biết làm một tí gì, là bộ đội phục viên ra, bốn tay còn lại, đều ở nông trường lao cải của chúng mình đến cả; lại có tay trước ở cùng một trại với tôi nữa kia, cô bảo có lạ không? Thôi nào, cầm lấy xẻng, chúng mình bắt đầu công việc đi.
Năm tháng dường như chẳng để lại bao nhiêu dấu vết nơi cô, cũng có thể trước kia tôi chưa từng nhìn rõ cô bao giờ. Giờ đây cô hẳn đã ngoài ba mươi, so với con người trong ký ức tôi, cô có phần đẫy đà ra, sắc mặt tươi tỉnh hơn trắng ngà mỡ màng. Trước kia cô cũng giống như mọi người thôi, mặt lúc nào cũng tối sầm; đuôi mắt và sống mũi đã thoáng hiện những nét chân chim li ti, nhưng tôi lại thấy khuôn mặt cô càng thêm dồi dào sức sống và tình tứ hơn nhiều. Trong mắt tôi cô hình như trẻ đẹp hơn xưa.
- Từ bấy đến nay, đã tám năm rồi đấy nhỉ - Cô giúp tôi chống đỡ cây cột – Tám năm trời anh vẫn ở nông trường này à?
- Không đâu – Tôi lấy xẻng xúc đất đổ vào chân cột, chúng tôi phải chống lại chỗ mái chuồng sập – Có điều tám năm ấy thật khốn khổ. Đầu tiên là chuyên chính một năm, sau đó ngồi tù hai năm. Lần đầu vừa được phóng thích thì bị cuốn vào << Đại cách mạng văn hoá >>; lần thứ hai vào năm 70, lại cuốn vào << một diệt ba chống >>. Còn cô? Tám năm nay cô sống ra sao?
- Tám năm đằng đẵng nhắc tới làm chi! – Cô cười nhại lại bằng một câu hát trong vở tuồng cách mạng mẫu mực << Dùng mưu chiếm Uy hổ sơn >>*. Hai chân cô dận lên chỗ đất tôi vừa đổ vào chân cột mắt nhìn xuống đất – Tám năm ấy, lấy hai đời chồng, hai lần ly hôn, có thế thôi, may mà không có con.
Tôi vẫn cắm cúi làm, chẳng mảy may kinh ngạc lạ lùng. Tôi đã mắt thấy tai nghe bao chuyện bất ngờ. Cho nên, chẳng có việc gì khiến tôi sửng sốt nữa. Cô không sống như thế thì còn biết sống như thế nào nữa cơ chứ? Hạnh phúc là điều lạ hiếm có, bất hạnh mới là lẽ thường tình. Cô cũng không hề kinh ngạc trước nỗi bất hạnh của tôi, và như thế chúng tôi thật sự hiểu nhau. Cô không thốt ra lời an ủi nào càng hay, nhưng năm tháng đã qua tôi sợ nhất cái thứ đồng tình thông cảm xuýt xoa ngoài miệng như kiểu các bà già.
- Nói anh đừng cười – Cô nói tiếp – Anh hai lần ngồi tù, tôi hai lần lấy chồng. Thực ra lấy chồng có khác gì ngồi tù đâu, có khi lại khốn khổ hơn là ngồi tù ấy chứ. Lần đầu tôi dấu anh ta là tôi đã từng đi lao cải, suốt ngày tôi cứ nơm nớp, sợ lộ bem. Nhưng rồi anh ta cũng biết đòi ly hôn ngay. Lần sau ở nông trường Bãi Bạc, ngay từ đầu tôi đã nói hết với anh ta. Nhưng anh ta cứ vin vào đấy mà hành hạ tôi, tôi chịu không nổi phải ly hôn. Lần trước người ta bỏ tôi, lần sau thì tôi bỏ người ta, tỷ số một đều - hoà. Ôi, một đời người, chỉ có vậy thôi. Tôi sẽ không lấy chồng nữa.
- Cô quyết chí không lấy chồng nữa thì dễ thôi, như tôi quyết chí không ngồi tù nữa mới khó chứ - Tôi cười trêu cô - Lấy chồng hay không hoàn toàn do cô, ngồi tù hay không lại chẳng phải do tôi. Thế là dẫu sao, cô vẫn hơn tôi.
Chúng tôi gặp nhau bao giờ cũng tươi cười hỉ hả, thoải mái tự nhiên không khác gì bạn cũ thân tình. Tình bạn kể cũng thật lắm kiểu, có người vừa gặp mặt đã thân mật một cách rất tự nhiên, có người phải qua một thời gian để dần dần gần gũi gắn bó, như bánh xe răng khớp lại với nhau, không khớp thì không chạy được. Chúng tôi đều không lạ gì nỗi thống khổ của nhau, vì mỗi chúng tôi đều đã khốn khổ với số phận của mình rồi.
Nhưng chúng tôi thực sự thông cảm được với nhau, vì chúng tôi tự mình đã từng chịu đựng nỗi thống khổ ấy, dẫu về hình thức có khác nhau: một bên ngồi tù một bên lấy chồng, nhưng thực chất và mức độ cảm giác lại giống nhau.
Cọng cỏ khô bay tung lên một lúc, rồi lả tả rơi xuống, loang loáng khắp chuồng. Gió thổi cần kéo nước kêu cót két cọt kẹt, gầu múc va vào thành giếng bình bịch bình bịch. Tôi kéo mấy cái thùng nước dưới giếng lên, nhào một đống bùn, rồi cùng cô ta thong thả trát vách quanh chuồng. Thực ra ông bí thư không cho thêm người, thì mình tôi cũng sửa sang xong chuồng cừu. Nhưng kinh nghiệm nhiều năm làm công nhân nông trường đã dạy tôi, trước khi nhận một nhiệm vụ gì người ta giao cho anh, đầu tiên anh phải kêu ca, cho thêm người đến thì anh đỡ phần vất vả. Say sưa khi lao động và ranh ma khi nhận nhiệm vụ lao động, hai cái đó không mâu thuẫn nhau: lao động là cuộc sống của mình còn nhiệm vụ thuộc về người khác. Chỉ có công nhân làm thuê mới phân biệt được rõ sự khác nhau giữa hai cái đó.
Giờ đây, hai chúng tôi làm công việc của một người, nên rất thảnh thơi rất, ăn ý. Điều đó bỗng khiến tôi nghĩ đến: sự hưởng thụ lớn nhất mà nền kinh tế tiểu nông đem lại cho con người, chính là làm ăn có vợ có chồng! Toàn bộ nội dung thẩm mỹ của Văn học cổ điển Trung Quốc về nông thôn chẳng qua chỉ xoay quanh cái hạt nhân - chồng cầy ruộng vợ dệt vải - mà thôi.
Chúng tôi chuyện trò với nhau về những người thân của mình. Những người thân quen ở đây, không phải là những người thân đã mất, những người thân chỉ còn trong thế giới ảo mộng, mà là những người cùng cảnh cải tạo tù tội với nhau. Vì cuộc sống của chúng tôi chỉ gặp nhau ở mỗi một điểm ấy mà thôi. Bọn họ, có người lại bị tống vào trại cải tạo lần nữa, người thì chồng bỏ, kẻ thì vợ chê, người thì tự tử, kẻ thì bị giết…..quanh đi quẩn lại chúng tôi lại thấy số phận mình hãy còn khá; cuộc đời hãy còn đặc biệt ưu ái hai đứa chúng tôi. Chúng tôi thở than nhưng chúng tôi vẫn thấy vui hơn.
- Vậy thì, sao cô không ở luôn nông trường Bãi Bạc, mà lại đến nông trường này? – Tôi hỏi cô – Có phải ở đấy công việc vất vả quá?
- Nông trường nào cũng thế thôi. Còn công việc cứ trông người ta mà làm – Cô nói và cố ý kéo lọn tóc trước trán ra khỏi tấm khăn lụa ni-lông rẻ tiền, dướn mắt nhìn vào đấy. Ở đây không có gương nếu có chắc cô đã chạy đi soi. Chính trong giây phút ấy, gương mặt cô quả thật duyên dáng một cách hồn nhiên như đang soi gương vậy. Nhưng đúng là tóc cô rất mượt và rất đen – Đã bỏ nhau mà còn ở cùng một nông trường còn ra gì nữa? Cứ đi thật xa cho rảnh, ông bí thư chỗ anh là bạn chiến đấu với ông bí thư chỗ chúng tôi, thường đến chỗ chúng tôi luôn. Chính ông ấy xin tôi về đấy.
Ngừng một lát cô lại nói:
- Cái lão bí thư này của các anh chẳng ra gì đâu!
- Sao cô biết? Theo tôi ông ấy cũng khá đấy chứ!
- Hừ hừ – Cô cười mũi – Đàn ông ấy mà tôi gặp nhiều rồi, cứ trông con mắt lão ta thì biết thôi.
Tôi nghĩ bụng mắt ông bí thư này cũng chẳng có gì khác người. Cũng có thể xưa nay tôi không chú ý đến mắt ông ta chăng? Rồi tôi lại nghĩ ngay tới mắt mình, hay là cô ấy cũng đã nhìn thấy cái gì đó trong mắt mình rồi? Tôi nhớ lại cảnh tượng đã nhìn thấy tám năm về trước; tất cả còn rất rõ ràng sống động: như sự việc mới xảy ra hôm qua, có điều lúc ấy tôi chẳng biết mắt mình ra sao?
Trước mặt người đàn bà rất tự tin có biệt tài quan sát đàn ông này, tôi phải cẩn thận mới được. Tôi vội vàng nhìn lảng ra chỗ khác, xem xét mấy cây gỗ cô ta vác đến làm như có ý định sử dụng chúng vào một công việc gì đấy.
Lúc ấy bí thư cũng đã leo lên dốc rồi rảo bước đến chuồng cừu. Cũng may đúng lúc ấy chúng tôi vừa ngừng câu chuyện, cô ta tỉnh bơ đứng đấy, còn tôi giả bộ đang làm việc.
- Chà hôm nay hai người làm khá nhiều việc đấy nhỉ! – Hôm nay bí thư vui vẻ khác thường, thực ra chúng tôi làm chẳng được mấy tí công việc. Bí thư đi qua cạnh tôi đưa mắt nhìn, tôi cũng nhìn lại ông ta. Tôi không phát hiện những gì khác thường trong mắt ông ta, ông cười tít, những nếp nhăn dầy dạn phong sương hằn rõ ở đuôi mắt. Ông là người nhạy bén tinh nhanh, khi không có ai ở bên cạnh ông đối xử với tôi rất tốt. Đội này vốn mang tên << Quỷ môn quan >>, là đội quản lý người chặt chẽ nhất trong nông trường. Sau << đại cách mạng văn hoá >>, đổi thành đại đội vũ trang, phụ trách cai quản nhà tù của sư đoàn xây dựng nông trường đặt tại đây.
Sau sự kiện Lâm Bưu – ngày 13 tháng 9 – chính ông đến đây giải tán nhà tù này. Nhưng giống như ở ngoài xã hội thôi, tiếng là giải tán, chẳng khác gì bỏ nhúm muối vào cả một chum nước - cuối cùng - muối tan biến, cả chum nước đều có vị mặn đắng pha loãng, cả xã hội đều phảng phất mùi vị của nhà tù. Tôi nghe nói ông thường cảnh cáo những kẻ thích dùng nắm đấm và gậy gộc đánh người rằng:
- Các anh chớ dồn chó tới chân tường!
Tuy ông coi bọn chúng tôi như chó, nhưng kể ra trong những năm tháng kêu gào:
- Đánh cho chết những con chó đã lăn xuống nước!
Thì nói như ông đã là có tình người lắm rồi, từ ngày ông đến đây chế độ ở << Quỷ môn quan >> có được nới lỏng ra ít nhiều, công nhân nông trường ngày nghỉ đã được ra khỏi cổng, thậm chí không xin phép cũng được; << Quỷ môn quan >> không đến nỗi là << Cửa ải của quỷ sứ nhà giời >> nữa.
Vẫn với cặp mắt cười tít, ông quay sang phía cô ta, đến trước mặt cô, đón lấy cái xẻng trong tay cô, nhấc thử nặng nhẹ rồi bảo:
- Vừa lĩnh à? Lưỡi còn nguyên chưa dẽ.
Nói rồi ông đặt lưỡi xẻng lên hòn đá ráp kê máng gỗ, cổ tay đè chặt cán xẻng, mài qua mài lại xoèn xoẹt. Chiếc áo xanh bộ đội đã bạc màu khoác trên người ông, hai ống tay áo vắt qua vắt lại như hai quả núm trống bơi, tư thế trông rất khoẻ, vóc người thấp chùn chùn mà lại ngồi xổm xuống, trông càng chắc nịch vạm vỡ. Mài một lúc khá lâu, ông đứng lên, lấy ngón tay cái miết thử lưỡi xẻng rồi trao cho cô ta:
- Này, có thế mới dễ làm, cô xúc thử xem có sắc không?
Theo lời ông cô xúc mấy nhát vào đống phân cừu, rồi nở một nụ cười thoả mãn:
- Vâng, đúng thế, dễ làm lắm.
Bí thư đã làm thay đổi nhanh chóng ấn tượng của cô đối với ông. Ông bí thư này giỏi thật! Tôi đâu có nghĩ ra việc giúp cô ta mài xẻng, chỉ khéo khua môi múa mép thôi.
Quay lưng lại họ, tôi buộc lại hàng rào bằng từng mẩu dây thép. Giờ đây bí thư thay tôi, cùng cô ta chôn cột, qua từng làn gió thổi tôi nghe họ trò chuyện với nhau:
- Bí thư Tào à, trước khi tới đây, ông ở đâu nhỉ?
- À! Tôi ở vùng cỏ mênh mông, đại thảo nguyên Xi-lin-cô-lơ, cô có biết chỗ đó không? Tôi làm lính kỵ binh ở đấy.
- À, nơi ấy đẹp quá chừng.
- Cô đến nơi ấy rồi à?
- Chưa tôi chỉ thấy trên màn ảnh. Thảo nguyên đẹp ơi là đẹp.
- Đúng thế đấy, thảo nguyên là một miền đất quý, nhất là về mùa hạ. Nhưng mấy trăm dặm liền không lấy một bóng người, càng không kiếm ra đâu đàn bà. Lính thì toàn đực rựa cả, nhiều lúc cô đơn quá chừng.
Ông ta mà cũng cảm thấy cô đơn ư?
- Sao ông không đưa vợ đi theo?
- Khi ấy tôi chưa có vợ. Hơn nữa tôi cũng chưa có tiêu chuẩn, tôi mới là trung đội trưởng. Trong bộ đội phải tiểu đoàn trưởng mới được đem vợ con theo.
- Chị nhà đẹp quá, có phải chị đang dạy ở trường nào đó không?
- Dào, đẹp gì mà đẹp! Tục ngữ có câu << Đi lính được ba năm, thì nhìn lợn sề mắt cũng hấp háy >>, huống hồ tôi đi lính những tám năm liền?! Tôi phục viên về quê là lấy vợ ngay, kể gì đẹp với xấu!
Giọng bí thư Tào có phần chán chường. Cứ như bây giờ có lẽ ông không lấy người đàn bà như vậy chăng? Nét nổi bật của vợ ông là miệng rộng, răng vàng khè, hai má đỏ lựng, da sần sùi, nghe đâu do vùng quê ông độc nước. Hoàng Hương Cửu khen chị ta đẹp, là để lấy lòng chị ta. Đúng thôi, không lấy lòng chị ta thì còn lấy lòng ai nữa? Chị ta là vợ ông bí thư đại đội kia mà, học chưa xong tiểu học, viết cái tên mình cũng còn nguệch ngoạc thiếu nét, thế mà được dạy tiểu học ở trường học của nông trường cơ đấy.
Cô ta cũng khéo bắt chuyện với bí thư thật. Bí thư Tào thường ngày vốn không khệnh khạng kênh kiệu gì, bây giờ càng giải bày cởi mở. Ông bảo, ở đây thua ở quê ông, đã lắm gió cát, giao thông lại không tiện lợi, nhưng đến đây lại được làm cán bộ quốc doanh, lại ăn đứt so với cán bộ công xã ở quê nhà, thứ hai vợ ông và chị dâu ở nhà không hợp nhau cho nên mới đến đây. Nếu có cơ hội chuyển về đơn vị quốc doanh nào ở quê thì ông sẵn sàng về.
Cô ta tỏ ra lấy làm tiếc vế việc bí thư không có ý định ở đây lâu dài, bảo rằng anh em trong nông trường chúng tôi trông chờ vào lảnh đạo giỏi giang << Tầu muốn chạy nhanh, cốt nhờ đầu máy >>. Cô lại còn suýt xoa: làm cán bộ sướng thật, điều đi chỗ nào cùng được. Chẳng thích ở nông trường thì đến nhà máy, chẳng thích ở nhà máy thì vào cơ quan nhà nước. Chứ làm cái thân công nhân nông trường chúng tôi, điều đi điều lại vẫn quanh quẩn ở nông trường thôi.
Bí thư Tào bảo cô ta cũng nên xoay xở để được điều về quê, bảo chỉ cần ở quê cô có đơn vị nào tiếp nhận, ở đây ông ta sẽ đồng ý cho đi ngay. Tôi liếc nhìn thấy ông xoáy cổ tay, làm như đang ký giấy. Cô ta bảo:
- Cám ơn ông lắm, nhưng tôi không muốn về quê, ra đi đất khách quê người đã phải tù phải tội, về quê chỉ tổ thêm nhục gia đình họ hàng.
Bí thư Tào bảo:
- Tội của cô thì to tát gì lắm đâu, thuần túy là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân thôi! Đấy là trước << đại cách mạng văn hoá >>, chứ thời << đại cách mạng văn hoá >> thì làm sao có thể bắt cô đi cải tạo ba năm được? Cô không thấy người ta tố giác trên báo chữ to đấy sao, khối ông cán bộ cao cấp mắc tội ấy đấy!
Tôi thì chưa biết cô ta mắc tội gì, bí thư nắm sinh mệnh chính trị, có quyền lục hồ sơ từng người tất nhiên là nắm được! Nghe khẩu khí của bí thư, chắc hẳn là cô ta mắc tội quan hệ nam nữ thôi. Chỉ có tội ầy là không phân biệt cán bộ cao cấp, cán bộ cơ sở hay dân đen, đều có thể mắc tuốt. Chứ còn tội đi theo << đường lối tư bản chủ nghĩa >> thì cô ta đâu đã đến cái cỡ ấy.
Hai người cứ chuyện trò bên nhau, còn tôi thì thẫn thờ với công việc. Chẳng hiểu vì sao tôi đâm ra uể oải chán nản. Trời đã xế chiều, sương núi long lanh đã tụ thành một lớp mù xám bềnh bồng, lững lờ quanh đỉnh núi trọc. Gió cũng đã yếu đi, lãng đãng chờn vờn trên cỏ khô mùa đông năm ngoái và lá non mùa xuân năm nay. Vời trông về hướng nam, trên đường chân trời màu vàng đã xuất hiện đám bụi màu trắng, Chàng Câm đã sắp lùa cừu về. Cánh chăn cừu đi làm muộn hơn lại về sớm hơn, họ về đến nhà còn phải cho cừu uống nước, chăm sóc cừu ốm – bao nhiêu là việc.
Tôi chẳng cần giữ ý gì, mở toang ngay cửa chuồng cừu ra. Cửa chuồng chẳng khác gì chiếc quạt đã rã hết khung nan, dẹo dọ lắc lư mãi, như có ý nhắc: anh chị đi đi cho, cừu sắp về chuồng rồi.
Bí thư Tào quay đầu lại nhìn tôi, rồi đưa tay nhìn đồng hồ bảo:
- Hôm nay làn đến đây thôi – Ông ta đưa trả xẻng cho Hoàng Hương Cửu, và đi đến chỗ tôi.
- Này hút điếu thuốc. Trên tin tức tham khảo nói là hút một điếu thuốc giảm thọ năm phút, mình không tin. Con người ta làm sao biết mình thọ bao lâu? Năm phút ấy trừ vào chỗ nào?
Tôi bảo:
- Hút thì hút. Chứ tăng thọ năm phút hay giảm thọ năm phút, đối với tôi chẳng có nghĩa lý gì.
Tôi đốt thuốc trước rồi chìa lửa cho ông ta. Ông ta mồi lửa trên tay tôi, phả ra một hồi rồi nói bằng một giọng thâm trầm ý tứ:
- Với ai, thì cũng chẳng nghĩa lý gì. Bây giờ có ai sợ chết đâu.
Đúng thế, người Trung Quốc đâu có sợ chết, nhất là giờ đây sống có sung sướng cái nỗi gì! Có điều nói với ông ta phải có chừng mực, tôi hỏi:
- Lần này về đây, tôi ở ngay chuồng cừu? Hay về ở cùng với đại đội?
- Tùy anh – ông trả lời thoải mái – Chăn cừu hay không cũng tùy anh. Anh đã vất vả chăn cừu suốt mùa đông trên núi rồi, muốn nghỉ ngơi thì về đại đội. Muốn chăn cừu cho thảnh thơi, lại chăn cừu tiếp. Với lại anh vừa về, cho anh nghỉ ba ngày nhé được chứ?
- Được, vậy tôi về làm ở đại đội.
Ở nông trường sống cho qua ngày thì ở đại đội là hay nhất, làm theo giờ, nghỉ theo giờ, phép tắc theo giờ, bất kể làm ăn tốt xấu ra sao, tiền công cũng không thiếu một xu. Đây không phải đội lao cải, đi làm riêng lẻ cũng không được tự do hơn, ngược lại còn bị trói chặt vào công việc, chẳng ai dại gì bỏ ngày nghỉ ra thay thế cho anh. Nhất là loại chúng tôi, lại thành ra đâm đầu vào chỗ nguy hiểm. May mà tỷ lệ cừu sống cao, thành tích cũng chẳng đến anh, chẳng may tỷ lệ cừu chết cao, thì tội vạ dứt khoát đổ vào đầu anh.
Bí thư xoa hai tay, phủi ống quần ra về. Vẫn đi theo con đường nhỏ ban sáng, trở về khu nhà ở. Cô ta ôm xẻng tới chỗ tôi
- Bí thư gia ân cho tôi nghỉ hẳn ba ngày – Tôi nói - Lạ thật, hôm nay, ông ta ăn ở có vẻ phúc đức hẳn lên. Tôi thấy ông ta chuyện trò với cô cũng rất rôm rả.
- Hừ! – Cô ừ hử một tiếng – Bây giờ khác ngày xưa rồi. Lũ này cáo lắm đấy!
- Khác là thế nào?
Tôi trở nên nhạy cảm hơn. Suốt mùa đông tôi ở trên núi, chẳng được xem báo, chẳng được nghe đài, lẽ nào trong thời gian ấy thế giới đã có biến đổi gì chăng
- Tôi cũng không biết nói như thế nào, nhưng tôi thấy khác rồi – Cô nhìn đám bụi trắng lớn dần lên phía chân trời bảo - Nếu anh rỗi rãi, đến chỗ chúng tôi chơi. Chỗ tôi yên tĩnh lắm, có hai người thôi, tôi ở cùng một bà già….
Chú thích:
*Tuồng cách mạng mẫu mực: tên gọi hợm hĩnh thứ tác phẩm văn nghệ khô cứng, sống sượng,tuyên truyền chính trị hồi Cách mạng văn hoá
|
|
|