Ngọc tiến về phía cửa hàng cà-phê của Thanh ở Cổng Bắc, trong người cảm thấy lạnh hơn mọi buổi sáng. Chàng mỉm cười vẩn vơ, chờ đón một cách khoan khoái những cơn gió cuối thu từ ngoài cánh đồng thổi lọt qua các đường ngõ chật hẹp của thành phố Mông Tự.
Ngày hôm trước, chiếc áo da Mỹ đắt tiền do một người bạn ở Côn Minh biếu để chàng mặc phòng rét, chàng đã bán được một giá rất hời. Đây là lần đầu tiên chàng có được một số tiền khá lớn từ khi hơn hai năm trước, chàng rời bỏ đất Việt sang tỉnh Vân Nam để cùng các anh em khác, sống một cuộc đời cách mệnh nghèo khổ nhưng hào hứng lúc nào cũng chỉ mong chóng đến ngày trở về nước, giải thoát dân tộc khỏi ách đô hộ của người Pháp.
Lòng tuy vui vì được sống một cuộc đời khác thường ở Côn Minh, Khai Viễn, Mông Tự, một cuộc đời đầy nguy hiểm, nhất là những lúc được Ninh bí danh N.3, trung ương uỷ viên ban chấp hành hải ngoại bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng phái về các "công tác trạm" đặt rải rác ở biên giới Hoa Việt, nhưng chàng vẫn thèm ăn các thức ngon; địa vị cách mệnh, sự thiếu thốn về tài chính của Đảng chỉ cho phép chàng ăn cơm với một ít rau hoặc một ít "tàu sì" kho thật mặn, hoặc có khi chỉ có cơm hẩm với muối ớt trộn dấm.
Chàng nhớ lại cái thú đêm hôm trước, đến Cổng Tây, ngồi xuống chiếc ghế gỗ của một hàng quà rong, hai tay đón lấy một bát phở thịt cừu bốc hơi nghi ngút. Ngọc vẫn thích nhất phở cừu, lại gặp lúc thèm nên ăn càng thấy ngon. Người chàng mặc phong phanh có chiếc áo sơ mi mỏng; quanh chàng chỉ toàn người Tàu nên chàng không cần e dè, giữ lễ độ; thỉnh thoảng chàng đưa bát phở cừu lên và lua một hơi rồi ngừng lại nghe ngóng cái thú ăn ngon và đợi những cơn gió lạnh ban đêm thổi tới.
Ăn xong bát phở, thấy còn thòm thèm, Ngọc gọi thêm một bát "qua cầu mễ phẩn" [1]. Tuy bát nước dùng không bốc khói vì mặt nước có nhiều mỡ, nhưng rất nóng, chàng không thể lấy tay cầm lên được, đành phải đặt nó xuống cái bàn thấp chân của nhà hàng. Ngọc không ăn theo cách cho dần bún ở bát bên cạnh sang bát nước dùng, đúng lối ăn "bắc cầu bún" từ bát nọ sang bát kia như mọi người Tàu; chàng đổ cả bát bún lạnh sang bát nước dùng nóng bỏng cho nguội bớt rồi húp một hơi dài, vừa ăn vừa ngẫm nghĩ đến chất béo của nước dùng, đến các miếng bồ dục, cổ hũ, gan lợn, ngọt đậm mà từ lâu lắm chàng chưa được hưởng.
Tuy đã ăn hết hai bát phở cừu và "qua cầu mễ phẩn" nhưng vì thiếu chất bổ từ lâu nên chàng không cảm thấy no quá, trong người ấm áp không nghĩ tới gió lạnh nữa. Ngọc cũng bắt chước người Tàu vỗ vào bụng mấy cái, trả tiền rồi đứng dậy, tiến ngược lên chiều gió lạnh. Chàng thấy có lẽ từ bé đến giờ chưa từng được ăn ngon như thế, mà lại ngay trong lúc là một người cách mệnh, chàng không có quyền nghĩ đến ăn ngon cũng như nhà tu hành phải lấy khổ hạnh làm vui. Dẫu sao chàng cũng "hà" một tiếng khoan khoái, tự nhủ:
"Mai kia có chết vì phận sự thì cũng hả cái dạ dầy này."
Đêm ấy, chàng tạt qua nhà đồng chí Hoạt; Phương em gái Hoạt đương ngồi đan dưới ánh nến như đợi chàng. Phương đặt chiếc áo đan dở xuống ngửng nhìn Ngọc. Hai con mắt Phương sáng hẳn lên và long lanh dưới ánh nến. Phương nhìn chàng đầy tình tứ:
"Anh đi đâu về thế? Anh chị em đi ăn tiệc đằng bác Cần, có lẽ khuya lắm mới về. Năm nay Mông-Tự rét sớm quá anh nhỉ?"
Ngọc ngồi xuống cạnh chỗ Phương đan, nhìn ngắm Phương. Sau một lúc yên lặng, chàng hỏi:
"Cô đan gì thế?"
"Em đương đan chiếc áo len. Trong lúc chiến tranh khó kiếm được len quá! Em phải nhờ một người bạn lên tận Côn Minh mới mua được thứ len tốt này. Anh trông màu len này có ưng ý không?"
Bỗng nàng sửng sốt nhìn vào người Ngọc:
"Kìa, đêm lạnh, sao anh lại chỉ mặc áo sơ mi trần. Cái áo da Mỹ của anh đâu?"
Ngọc mỉm cười:
"Tôi đã bán nó đi rồi, được một số tiền khá nhiều."
"Đời nhà ai, mùa đông sắp đến lại đi bán áo rét. Anh lạ thật! Em đến chịu những người như các anh thôi!"
Rồi Phương đứng lên, lại gần Ngọc giơ một mảnh len đan dở, hỏi:
"Anh có ưng màu len này không?"
Phương vừa nói vừa ướm thử miếng len vào ngực Ngọc rồi thốt lên:
"Màu này hợp với nước da anh quá. Em cố đan thật mau, đan đêm đan ngày... em đan quen lắm không bao giờ mỏi tay cả; sao anh lại có vẻ như không tin em?"
Phương nói luôn một hồi, tay vẫn không quên thoăn thoắt cử động hai chiếc que đan. Ngọc đã hiểu là Phương định biếu mình chiếc áo len, nhưng ngượng không nói hẳn ra. Chàng cảm động và câu mà chàng chú ý đến nhất là câu Phương nói rằng hai vợ chồng Hoạt đi ăn cơm khách khuya lắm mới về. Ngọc biết Phương đã yêu chàng từ lâu và săn sóc chàng đủ thứ mỗi khi chàng đi công tác ở biên giới trở về. Ngọc cũng để lòng yêu Phương, vì Phương có một vẻ đẹp đôn hậu, dịu dàng. Chàng nói:
"Màu áo len này có vẻ hợp với tôi lắm. Cô đưa tôi xem lại."
Chàng cầm lấy mảnh len đan dở và vô tình tay chàng chạm vào tay Phương. Chàng đưa miếng len ra gần ánh nến để xem màu cho kỹ, rồi cũng bắt chước Phương đặt miếng len lên ngực Phương chỗ hai bầu vú phồng lên. Chàng ngắm len rồi lại ngắm nét mặt Phương, nhất là hai con mắt nàng dưới ánh nến mà chàng biết đã long lanh sáng lên vì sung sướng. Chàng nhớ lại lời Phương bảo hai vợ chồng Hoạt đi vắng nhà chỉ có mình nàng. Chàng nói không nghĩ ngợi:
"Đan xong áo này, cô cho tôi, vì mùa lạnh tới nơi mà tôi trót dại bán áo da rồi."
Phương cúi mặt đáp:
"Em cố đan thật mau, chắc độ ba hôm nữa xong. Để em lấy thước đo tay anh. Nhưng thôi cũng chẳng cần đo, em cứ đan dài tay một chút, lúc mặc anh cuốn lên thì vừa. Sáng thứ ba, đúng thứ ba, em gói cẩn thận để khi anh đến rồi lúc đi, anh cứ cầm đi như một cái gói anh đã đem sẵn từ khi tới... Hay thế này tiện hơn, hôm thứ ba anh đợi em ở đầu phố, đúng lúc tám giờ sáng, em đi chợ rồi đưa anh; như vậy anh chị Hoạt không biết gì cả."
Một cơn gió mạnh từ cửa sổ thổi vào suýt làm tắt ngọn nến. Ngọc chạy ra đóng cửa sổ lại. Lúc quay trở vào, chàng nghĩ giá có ôm lấy Phương mà hôn chắc Phương cũng thuận, nhưng tự nhiên có thứ gì ngăn chàng lại. Chàng nói:
"Thứ ba, đúng tám giờ tôi đợi cô ở đầu phố. Bây giờ đành phải chịu lạnh đợi đến hôm đó vậy. Thôi chào cô, tôi về. Đêm nay, chắc thế nào cũng nằm mê thấy được mặc áo đẹp của tiên nữ ban cho."
"Anh nhớ đúng hẹn. Em mong đấy."
Phương ra mở cửa rồi đứng nhìn theo Ngọc đi khuất dần vào bóng tối. Nàng đặt tay lên ngực, chỗ Ngọc vừa ướm thử miếng len rồi mỉm cười, thở hắt ra một cái nhẹ.
Sáng hôm sau, Ngọc thức dậy mới biết là đêm không mơ thấy tiên nào ban áo cả; chàng đã ngủ một giấc ngon lành không mộng mị, một giấc ngủ cũng ngon như bát phở cừu ăn trong gió lạnh đêm hôm trước.
Tám giờ sáng, chàng mặc xong quần áo và bước chân chàng tự nhiên tiến về phía cửa hàng cà-phê của Thanh có tiếng ngon nhất Mông Tự. Lúc bước vào cửa hàng không có một người khách nào. Chàng gọi to, giọng đùa:
“Cô chủ hiệu Thanh Hương đi đâu mà biệt tăm tích. Tám giờ sáng còn ngủ sao?”
Một tiếng nói thanh thanh từ trên gác vẳng xuống:
“Nghe như tiếng anh Ngọc. Sáng nay tôi không bán chịu đâu. Anh có tiền trả ngay tôi mới xuống, nếu không mời anh đi nơi khác. Mà anh còn nợ tôi bốn cốc cà-phê. Anh đợi đấy tôi xuống đòi nợ, nếu không có tiền thì tôi lột áo.”
Ngọc ngửng lên nhìn sàn gác gỗ hở khe, nghe tiếng guốc đi vội vàng của Thanh:
“Có mỗi chiếc áo da Mỹ để diện thì đã bán hôm qua rồi. Còn áo đâu để cô lột nhưng tiền thì vô số.”
Thực ra Ngọc không biết Thanh người ở đâu, làm gì và tại sao lại đến Mông Tự mở một hiệu cà-phê; tuy cà-phê rất ngon nhưng khách hàng không đông lắm. Chàng cũng biết chắc Thanh không phải là nhân viên của Quốc Dân Đảng phái về vì chàng đã hỏi Ninh về việc ấy. Chàng thấy đời Thanh có điều gì bí ẩn, nhưng vì cà-phê của nàng ngon nhất Mông Tự, Thanh lại săn sóc và có cảm tình đặc biệt đối với chàng, nên chàng thường lai vãng cửa hiệu, có khi ngồi hàng giờ để nói chuyện với Thanh. Chàng thấy Thanh có đôi mắt đẹp và sắc sảo, ăn nói rất có duyên; những ý nghĩ của nàng rất hợp với chàng; Thanh nói về bất cứ vấn đề gì cũng tỏ ra thành thạo và sâu sắc; giữa chàng và Thanh có ngầm một thứ gì mà chàng chưa nhận rõ.
Thanh bước xuống cầu thang hỏi Ngọc:
“Tám giờ rồi cơ à anh?”
“Thì cô trông ánh mặt trời là biết.”
Thanh vào nhà trong pha cà-phê, có vẻ vội vã. Khi đem hai cốc cà-phê phin, Thanh nói với Ngọc:
“Mời anh lên gác uống. Tôi cũng uống với anh cho vui.”
Ngọc chẳng hiểu vì cớ gì nhưng cũng theo Thanh lên gác. Quả nhiên ở ngay cạnh cửa sổ có một cái bàn trải khăn rất xinh và hai cái ghế bành mây đối diện ngồi thật thoải mái. Cửa sổ lại mở ra phía cánh đồng có hàng cây dương liễu loang loáng vàng về phía mặt trời mọc. Chàng ngồi xuống ghế đối diện Thanh và định bắt đầu nói những chuyện bâng quơ với Thanh như những khi hiệu vắng khách. Trái hẳn mọi lần, Thanh lơ đãng không bắt chuyện. Nàng hình như băn khoăn, bứt rứt điều gì. Thỉnh thoảng nàng lại nghe ngóng xem có tiếng ai dưới nhà không. Ngọc đợi chất đặc cà-phê rỏ xuống hết rồi cho thêm nước nóng cầm cốc uống thong thả.
Bỗng Thanh bỏ cốc đang uống dở xuống bàn, bảo Ngọc:
“Anh cứ đợi tôi trên gác. Hình như có khách.”
Rồi nàng ghé tai Ngọc nói khẽ:
“Anh cứ ngồi yên lặng uống, đợi tôi lên hãy hay.”
Có tiếng kéo ghế rồi tiếng thìa khoắng cốc. Ngọc nghĩ thầm:
“Người khách hàng này chắc không phải tay sành cà-phê vì chắc là uống cà-phê đen thường hoặc cà-phê sữa.”
Chàng tò mò, rón rén đi thật nhẹ rồi cúi rạp xuống sàn gác nhìn qua khe hở. Chàng thấy đầu một người khách đàn ông và đầu Thanh ghé sát gần chạm nhau. Hai người thì thầm nói chuyện; Ngọc cố lắng tai song không nghe rõ được tiếng gì. Chàng cố nhận mặt người đàn ông nhưng người ấy lại ngồi xoay lưng về phía chàng; chàng chỉ thấy hai vành tai hơi to, cái cổ gầy và vai bên phải hình như hơi cao hơn vai bên trái. Người đàn ông mặc bộ quần áo tây màu xám tro, đi đôi giầy tây vàng đã cũ, đế bằng lốp ô-tô. Độ hơn mười lăm phút sau, Thanh lên; Ngọc làm bộ nhìn ra cửa sổ ngắm phong cảnh và ngẫm nghĩ đến hương vị điếu thuốc lá Mỹ đắt tiền mà chàng đã mua hôm trước.
Ngọc quay lại hỏi:
“Khách nào thế?”
Thanh nhắp môi vào cốc cà-phê đã nguội của mình rồi nói thẫn thờ:
“Khách lạ. Chẳng biết ông nào, nhưng chắc không phải người Mông Tự.”
Ngọc nói:
“Dân ấy uống mau thế chắc là dân cà-phê đen thường.”
“Sao anh biết?"
"Vào uống một lát rồi ra, mà cà-phê phin của cô thì phải ít nhất mười lăm phút mới xong. Bây giờ hết khách, cô ngồi đây uống với tôi cho vui. Để tôi chế thêm nước sôi trong phích. Tôi không ngờ đâu có chỗ ngồi uống thích như thế này. Ngồi đây, có thể ngồi cả ngày cũng được. Lần sau tôi đến, cô cho phép tôi ngồi đây nhé."
"Được anh cứ lên. Nhưng bây giờ anh hãy trả nợ bốn cốc và trả tiền cốc hôm nay đi đã."
Ngọc kéo ra một tập giấy Quan Kim đưa Thanh.
“Sao nhiều thế này, anh? À tiền bán áo, anh trả nợ năm cốc rồi anh cho tôi vay cả số tiền này có được không?”
“Vui lòng, cô cứ cầm lấy rồi trừ dần vào tiền tôi uống cà-phê.”
Thanh chạy sang gian bên cạnh đem một bình hoa hồng đặt giữa hai người.
“Cô xơi một điếu Lucky?”
“Làm cách mệnh mà sang nhỉ?”
Hai người vừa uống cà-phê vừa hút thuốc lá nhưng chưa biết sáng nay định đem chuyện gì ra nói. Thanh đột nhiên hỏi:
“Lần này chắc anh sắp đi xa. Hàng cà-phê tôi lại vắng một quý khách.”
Ngọc nghĩ thầm chắc người khách lạ là người của Ninh phái về báo tin cho Thanh và Thanh cũng là một nữ cán bộ của Ninh nhưng Ninh không cho chàng biết vì Ninh rất kín đáo, làm việc gì cũng chu tất; nếu đúng vậy thì nay mai chàng sẽ được lệnh đi xa. Chàng chỉ việc ngồi đợi xem có đúng như mình dự đoán không?
“Hay là anh chàng vừa tới là nhân tình của Thanh nên Thanh vội vã mời mình lên gác để hai người trò chuyện tự do.”
Nghĩ đến điều đó, Ngọc thấy nhói ở tim. Nhưng chàng vội gạt ngay ý nghĩ ấy, mắt nhìn vào mắt Thanh dò xét:
“Sao cô biết tôi sắp đi xa?”
“Việc gì mà tôi chẳng biết. Anh không nghĩ ra à? Có mỗi một cái áo da Mỹ mà anh lại đem bán đi thì chắc anh không lên phía bắc nữa, không lên Côn Minh, vậy chỉ còn một đường là anh sắp xuống biên giới; một là ở biên giới ít lạnh hơn, hai là mặc bộ áo da Mỹ sang trọng ấy, đi về biên giới thì có khác gì mặc áo gấm đi chăn lợn không. Tôi là đàn bà xoàng cũng đoán được, anh đi làm cách mệnh như anh, anh nghĩ liệu có xứng đáng không? Rồi anh xem, nếu tôi đoán không trúng thì anh cứ chặt đầu tôi đi.
"Tôi chặt đầu cô? Để làm gì? Đêm qua bán áo tôi đã ăn luôn một bát phở cừu và một bát ‘Cô sèo mi siển’ [2] , những thứ đó ngon hơn là thủ cấp của cô. Thà cứ để đấy mà ngắm còn thú vị hơn. Chặt đầu cô rồi, dẫu mắt cô vẫn mở nhưng trông lờ đờ như mắt lợn luộc còn đâu cái vẻ linh lợi sắc sảo như bây giờ."
Bỗng Ngọc thốt ra như nói một mình:
"Đẹp quá!"
"Cái gì đẹp cơ anh?"
Ngọc nhìn qua cửa sổ về phía vườn sau, chỉ cho Thanh một cây lựu lá lăn tăn, loáng bóng ánh sáng mặt trời, trong lá lẫn vài nụ lựu mới nứt để xòe ra mấy cánh trắng trong như lụa nõn và những quả đã gần chín da xanh nám hồng một nửa, trông như ngọc thạch.
"Cô thấy còn gì đẹp hơn không?"
Thanh gật gật; nàng biết là Ngọc mượn cớ lấy lựu để khen nàng đẹp. Thanh nói:
"Anh thi sĩ nhỉ. Làm cách mệnh như anh, giết người nổi tiếng mà anh còn thấy hoa lựu nở là đẹp cơ à?"
"Tôi giết ai bao giờ?”
“Anh lại còn giấu, không kể những người phản quốc hay Việt Minh anh giết ở các vùng biên giới, không ai biết đấy là đâu nhưng riêng tôi, tôi biết anh đã ‘đưa lên núi’ [3] rất nhiều người phản quốc, cộng sản hay thân Pháp ở Khai Viễn, Mông Tự. Anh nổi tiếng mà anh không tự biết.”
Ngọc uống cạn cốc cà-phê bảo Thanh:
“Cô pha cho tôi cốc cà-phê phin nữa.”
Khi Thanh đem lên một cốc mới, Ngọc nói:
“Tôi hiền lành như bụt thế này mà cô bảo tôi giết người.”
Thanh nhìn thẳng vào mắt Ngọc:
“Hiền thì hiền thật, tôi cũng đã biết rõ anh là người giầu tình cảm, có một tâm hồn thi sĩ; anh rất nhân đạo nhưng một khi anh đã gia nhập cách mệnh, anh chỉ như một người lính không muốn giết người mà vẫn phải giết khi ra trận; anh với người lính, một khi đã bị cái ‘guồng máy’ nó lôi cuốn, chỉ biết phục tùng mệnh lệnh. Giá anh đừng gia nhập cách mệnh thì hơn. Bây giờ anh kể cho tôi nghe vì cớ gì anh sang đây gia nhập hàng ngũ Việt Quốc. Tôi thích nghe anh kể chuyện lắm nhưng cốt nhất là anh đừng giấu tôi cái gì cả, cũng đừng nói khoe mẽ. Tôi, tôi hiểu anh lắm.”
Nguồn: Nhất Linh, Giòng sông Thanh Thuỷ, Đời Nay xuất bản, Sài Gòn 1961, Văn Mới tái bản tại Hoa Kỳ. Bản điện tử do ông Nguyễn Tường Thiết cung cấp. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của gia đình tác giả.
|
|
|