Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Hà Nội - Tình Nhân ( Phần 4 ) Tác Giả: Nguyễn Hiếu    
    (Sau những cơn bão, hay thậm chí sau cả những luồng gió phe phẩy bao giờ cũng có những phút lặng tờ của mặt nước ao vào một chiều thu yên ả nhưng tất cả vẫn chỉ là sự khởi đầu cho những cơn giông bão đầy sự xáo trộn của đất trời)
    Một câu nói bất ưng của kẻ ưa triết lý
    
    Dạo ấy có dễ vào những năm nửa cuối của thập kỉ tám mươi thì phải. Đó là giai đoạn mà người Hà nội thành phố phải suy tính đến nhiều điều mà vài chục thậm chí vài trăm năm sau nghĩ lại còn giật mình phát hoảng. Đó là những ai ở trong các khu tập thể thì sau khi mệt mỏi, đã khản cổ cầu xin, có lúc cả cãi cọ, mắng chửi, van xin những người ở tầng dưới mở lòng tốt cho nước được bơm lên tầng trên của mình. Rồi hể hả thấy nước đã đầy phuy, đầy bể tự xây. Người ngoài phố thì mệt nhoài vì nóng bức bởi phố xá gì mà ngột ngạt y hệt như làng xóm. Đêm xuống phố phường đen kịt, ánh đèn dầu lom đom, le lói trong nhà, ánh đèn dầu chập chờn của quán người bán thuốc lá vàng kệch soi lờ mờ những bóng người uể oải đạp những chiếc xe xích thiếu dầu nghiến trèo trẹo và di chuyển ngả nghiêng, gập gềnh vì những chiếc lốp rách, mỏng phải quấn quá nhiều vải. Trong bóng đêm mịt mùng đó ai ai cũng thở dài mong ngóng để bất ngờ reo to"có điện, có điện "và ngay sau đó lại hoảng hốt xì ra câu tiếc nuối "lại mất mẹ nó rồi, có nhục nhã không". Chẳng thế mà dạo đó trong những khi rải chiếu, khuân ghế ra ngồi ngòai hè phố chờ nước chờ điện, người ưa chuyện đã từng dỏng tai nghe kể câu chuyện mà bất kì đàn ông, đàn bà nào ở độ tuổi trên dưới năm mươi đều muồn nghe. Đó là chuyện hai vợ chồng nhà nọ vốn nhà chật, con cái lúc nhúc xung quanh nên nhân lúc mất điện các con chạy nhổng ngòai phố sinh hoạt vợ chồng một chút. Giường lại kê gần cửa sổ cạnh lối ngõ. Xong chuyện chắc vì mệt mỏi nên cứ thế tơ hơ nằm ngủ. Không dè quá nửa đêm có điện thế là gần như cả hàng phố kéo nhau cố ý đi quá lối ngõ đó để nhìn cảnh tượng buồn cười kia. Lại nghe thấy bảo, đứa con gái lớn của hai vợ chồng nhà ấy đi chơi với ngưòi yêu về bất đồ cậu ngưòi yêu cũng nhìn thấycảnh đó khiến cô bé xấu hổ quá bèn đùng đùng bỏ đi mất tích. Bố mẹ tìm mãi không biết con gái đi đâu. Khổ thế. Chuyện li kì như thế chả biết đúng sai thế nào chỉ biết. Chờ điện, chờ nước mệt quá rút lại mười đêm thì cả mười một đám người trong nhà tập thể lẫn đám người ngoài phố vì mệt quá đều thiếp đi, chôn thân mình trong giấc ngủ nặng nề đầy ác mộng về điện bỏng rẫy cháy phừng phừng; về nước tràn ngập dìm tất cả gia đình trong sự mênh mang, ngẹt thở. Sau giấc ngủ ghê gớm hàng đêm đó người ta tỉnh dậy với ước mơ thần kì làm sao cho ngày hôm nay hơn ngày hôm qua. Vậy mà đến cuối chiều người nào cũng nén tiếng thở dài khi biết rằng mình lại chuẩn bị chờ đợi một buổi tối ngột ngạt vì điện bị cắt và nứơc tối nay không thể lên đến tầng mình. Vừa dã tay quạt phành phạch cho con nhỏ và cho chính mình vừa ao ước đến một bữa ăn mà cả nhà từ đứa con đến cha mẹ, ông bà được ních thật no, thật đủ đến độ nhìn thấy thịt, cá có thể dửng dưng không ao ước, thèm muốn gì. Vào quãng thời gian ấy Vân đã vào độ tuổi lưng lửng trên ba mươi. Độ tuổi mà người đàn bà có thể đã bắt đầu cảm thấy yên ổn mọi bề về chồng, về con, về gia thất và cũng đang ở độ xung mãn về mọi thứ thuộc về đàn bà. Riêng Vân thì lúc nào cũng cảm thấy thiêu thiếu một thứ gì. Một thứ mà chỉ của riêng mình chứ không chung đụng với ai. Nhưng hình như chưa bao giờ cô tìm thấy, vậy nên đành… Dạo ấy cứ chiều đến một tuần thì có đến năm, sáu buổi như đã thành một cái lệ giống như nếp quen của đám học sinh ngày ngày phải đến trường, Long lại túc tắc đạp xe đến. Khi thì đến ngồi lặng lẽ trong phòng của Vân giờ đã được ngăn phân miêng ở góc nhà bằng tấm cót mà Vũ mua được ở làng Cót nhân mấy buổi vào giao chuột bạch. Long cứ ngồi thế để một là đọc một cách thờ ơ tờ báo Hà nội mà Vân đặt mua tháng. Tờ báo cô chỉ đọc loáng qua phần công bố tem phiếu còn hạn hay không, hoặc hôm nào hứng nhất là liếc qua chỗ xem gì, cần gì để biết tối đó ở đâu có phim hay, kịch lạ. Hoặc chơi với hai đứa con gái nhà Vũ là con Quế, con Nga. Nhìn cách tiếp xúc của Long người vô tâm nhất cũng hiểu rằng anh không thuộc hạng người thích trẻ con và biết chơi với chúng. Vậy mà cả hai đứa đều rất thích xà vào lòng bác Long. Cứ thế cả ba bác cháu ngúc ngắc nuốt nước bọt nhìn Vân xì xụp nấu nướng ở góc phòng. Long thường nói với bạn bè và nhiều khi nói thẳng với cô rằng trên đời này ít ai nấu ăn ngon và hợp khẩu vị của mình như Vân. Ngay chỉ nói đến cái món đậu rán tẩm hành đã thấy Vân khéo tay như thế nào. Đậu mậu dịch thì thôi khỏi phải bàn. Vừa to lô lố vừa cứng cành cành chỉ thua độ cứng của gạch ba banh, hôm nào phúc bẩy mươi đời có được đợt đậu mềm thì khỏi phải nói. Người xếp hàng cứ gọi là đông hơn kiến đen đánh hơi thấy đường đỏ rơi ra bàn. Ngay cả lúc có loại đậu ngon hiếm hoi ấy. Vân vẫn trần qua nước xôi một hai bìa để Long ăn sống. Mắm tôm vắt chắt đánh ngầu bọt, thêm vài lát ớt đỏ rực. Đĩa đậu thoảng chút hơi nghi ngút âm ấm, trên đó loáng thoáng vài ngọn kinh giới Láng xanh rờn cùng mấy lá tía tô tím ngắt hờ hững bám vào. Còn đã là đậu rán thì nhất quyết Vân phải kiếm bằng được thứ đậu Mơ. Nấu món nhắm nào cũng vậy thôi. Chai rượu xinh xinh thắt cổ bồng mà Long nhất quyết bảo đó là vỏ rượu Chanen của Pháp. Hồi 53, 54 anh đã từng cùng me xừ Phong anh của Vân uống ở Hô ten Đồng lợi. Lượng rượu trong chai bao giờ Vân cũng để ở độ lưng lửng. Đó là cuốc lủi trong vắt nên khi rượu lưng lửng chai thì chỉ thoáng nhìn đã thấy đầu óc lơ mơ, nhẹ nhõm vì một thứ rượu ngon. Nghe mấy ông sành rượu bảo muốn uống cuốc lủi ngon thì chỉ nên uống loaị rượu lấy ở nước hai là nhất. Hai đứa cháu cầm bát đứng xung quanh nhìn ông bác hờ đỏ mặt gật gù bên chiếc mâm nhồm xinh xinh vừa khít với mặt bàn nho nhỏ. Vài chiều ở nhà nhấm nháp còn lại có hai ba chiều thì đi ra phố. Thế là cứ đúng vào lúc năm giờ kém năm- chẳng mấy khi chệch. Vân lại buông vạt áo len đang đan giở vào chiếc giỏ mây cũ đã bóng lên màu thời gian. Ngày lạnh thì Vân khoác vội tấm áo bông tầu vào người, quàng hai vòng lên cổ tấm khăn len màu mận chín dài thậm thượt cùng những giải tua rua vẫn dường như vẫn mới. Cô nhìn trước nhìn sau rồi lẳng lặng đi ra đầu đường, nơi Long vừa xịch xe đạp đến. Chiếc xe đạp kẽo kẹt lừ lừ đi dọc phố. Vòng qua Gia ngư, hay về Lò Đúc, hoặc rạt ra mạn bờ sông, ngó qua Tạm Thương… Cũng là tuỳ theo mùa và tuỳ theo ý của Vân hôm ấy mà Long được uống rượu nhâm nhi với sứa, với lòng lợn tiết canh hay với món xương giừ trước khi ăn thêm bát phở tái nạm. Có lần tình cờ hai người đến gánh phở quen ở ngõ Tạm thương của ông không biết có phải là dân tầu hay không mà quanh năm dù nóng, dù lạnh vẫn luôn chụp lên cái đầu hói của mình chiếc mũ nồi có viền đỏ, kiểu mũ của lính nhẩy dù ba đờ xuýt ngày trước. Trên chiếc ghế băng mà Vân và Long hay ngồi đã có một cặp vợ chồng trạc độ gần bốn mươi cùng hai đứa con trai trứng gà trứng vịt, mặt mũi đều mang những nét đẹp của cha mẹ đang nhấp nhỏm ngồi. Ông chủ gánh phở thấy Vân và Long đến gật đầu mỉm cười rồi tự tay nhấc thêm chiếc ghế đẩu đưa cho Long. Vân phải hích khẽ khuỷ tay vào sườn Long vì anh có vẻ chăm chú nhìn hai đứa con đang chí choé dành nhau mà quên mọi sự vật, con người xung quanh. Chị đàn bà phi dê ruỗi dài, nhuềnh làn môi mỏng và nét nói, giọng chỏng lỏn và có vẻ rỗi hờn ;
    - Xong đợt này anh cứ ở nhà không phải giở tuồng tạ sự ra điều phải trông nom bố mẹ anh. Cứ mặc tôi sang bên ấy
    Thôi, thôi anh xin. Để khi về nhà hãy bàn.
    Tôi không thể trì hoãn được. Cái thói của anh tôi lạ gì nữa.
    Có các con ở đây em cứ bình tĩnh đã không chúng nó…
    - Anh không phải lo phỗng lo loan. Chúng nó thì đến ăn cũng không xong nữa là nghe chuyện người lớn.
    Long và Vân cố giả bộ không để ý gì đến chuyện của hai vợ chồng đang hờn rỗi nhau. Thật là cám cảnh. Mình đã buồn mà thiên hạ còn chán vạn người buồn hơn. Vợ chồng mà cứ ông chằng bà chuộc như thế thì thà ở một mình càng dễ thở.
    Anh đã đói chưa? Vân hỏi gần như buột mồm
    Em thì sao?
    Em chưa đói lắm. Hay là lên đường Thanh niên.
    - Cổ ngư chứ gì. Đắc co. (Lâu lắm Long mới thốt ra câu tiếng Pháp quen miệng). Nhưng ngay sau đó anh ngẩn ra. Mặt cau lại nhưng cũng ngay lập tức nhưng thớ thịt lại dãn ra phẳng lì
    - Lên xem có bánh tôm không. Lâu lắm rồi không biết thứ đó người ta có làm không. Rồi Vân vừa đứng dậy vừa lẩm bẩm như nói với chính mình. Hôm nay em trả được ba cái áo, may sao lại được thanh toán tiền ngay
    - Ừ thế thì lên thôi. Long đứng dậy, giơ hai ngón tay ra bấm gọn thành tiếng làm hiệu cho ông chủ gánh phở. Thôi để khi khác nhé.
    Vâng, vâng. Cô chú cứ đi. Lúc nào cần lại đến. Đây luôn sẵn sàng.
    Ngồi sau lưng Long, nhìn chăm chắm vào vết mồ hôi loang trên áo của Long cô thấy thương thương nhưng ngay lập tức cô lại nghĩ ra câu chuyện để khoả lấp sự mềm yếu của mình.
    Nghe hai vợ chồng lúc nãy nói chuyện em cứ thấy thế nào ấy.
    Có đúng là hai vợ chồng không đã?
    Chệch vào đâu được nữa. Anh cứ nhìn mặt hai đứa con trai thì biết
    - Bây giờ thiếu gì hai ngưòi chẳng phải vợ chồng mà cũng con nọ con…
    Đang nói Long chợt ngừng, Vân cũng im lặng. Buổi chiều hôm đó không hiểu sao hàng bánh tôm Hồ tây lại không đông lắm. Hai người đứng vào xếp hàng. Ngay khi xếp hàng rồi và cả lúc ăn bánh hai người vẫn dường như chỉ chú ý đến vị bánh tôm mà không nói với nhau câu nào. Cảm giác không yên tĩnh từ lúc nhìn thấy hai vợ chồng và hai đứa con trai ăn phở ở ngõ Tạm thương vẫn đeo đẳng hai người. Xong xuôi Long đưa Vân đến ngõ xong anh lấy cớ có việc bận đạp xe về luôn. Vân chầm chập đi về nhà. Đến cửa nhà, mặt Vân tự nhiên như dãn ra, hai cánh mũi mở căng. Cô ngửi thấy mùi thịt đun ngon lành từ nhà cô bay ra. Vào nhà me cô đang từ khu nhà bếp đi lên, khuôn mặt rạng hồng, lấm tấm những giọt mồ hồi. Nhìn nét mặt me, Vân biết bà đang vui. Bà Hai cả hai tay ra phía trước nói như thanh minh vì sự hỉ hả bát ngờ của mình:
    - Cái nhà anh ấy lại đến. Nếu em Vũ con không nói, lại thêm có bác giám đốc chỗ của Vũ thì đúng là me cũng không nhận ra.
    - Ai hả me?
    Vân nhẹ nhàng hỏi như muốn cố quên đi cảm giác khó chịu của lần đi chơi với Long chiều nay.
    Nhưng con ăn cơm chưa đã?
    Thì me đang nói chuyện về ai cơ mà?
    - Ừ nhỉ. Nếu con chưa ăn thì để me dọn lên cho mà ăn. Vợ chồng Vũ cùng mấy đứa cháu đã ăn rồi. Cả nhà tối nay thấy bảo xuống nhà cậu. Mà thôi dông dài làm gì. Muốn gì thì gì con cũng nên ăn thêm một chút nữa. Cơm, may sao vẫn còn. Lũ trẻ có thịt ăn vã, thành ra cơm đâm thừa. Ngưòi lớn thì có canh nấu nước luộc thịt với rau cần thành ra cũng chóng no.
    Con tưởng phiếu thịt nhà ta hết rồi cơ mà.
    - Đấy. Của nhà anh ấy tự nhiên mang cho những hơn hai cân thịt, có cả một cái chân giò đến gần kí thành ra… Người như thế chưa biết gì đã thấy có vẻ tốt bụng, rộng rãi con ạ.
    Nhưng mà ai thì me phải nói cho con biết chứ.
    - Ư nhỉ. Đúng rồi. Me cứ loanh quanh mãi. Con có nhớ cái anh tên là Thành em nhà bác giám đốc của xí nghiệp em Vũ không. Nhà bác Tô đấy.
    Vân cố dấu sự nhăn mặt, gật gật:
    Con nhớ ra rồi. Cái ông Thành mà ở nhà tên là Tía chứ gì.
    Khi nhắc đến chữ "Tía" Vân bật cười làm me cô có vẻ thoải mái hơn. Bà trút liền một mạch:
    - Con thế mà nhớ lâu thật đấy. Này nom nhà bác ấy chững chạc lắm Mặt mũi vuông vức, phúc hậu, lại có tài nữa chứ. Ai đời làm giám đốc một xí nghiệp gạch mà nghe nói còn xây được cả chuồng nuôi lợn, làm ruộng trồng rau. Thế có tài không cơ chứ. Chả thế mà nhà bác ấy kể hết cho me và cả vợ chồng nhà Vũ biết là. Tuy xí nghiệp của bác ấy có đến gần bốn trăm công nhân mà nhiều khi thừa đến vài trăm cân tem phiếu đậu, thịt. Có lần không biết để làm gì nhỉ. A phải rồi. Thoạt đầu tiên để hợp tác với những ai những ai không xong thành thử bỏ phí hết. Thế có hoài của không.
    - Chắc lại không có chỗ mua chứ gì. Nói thật với me chỉ có ở Hà nội này dù thế nào thì cũng hơn chán vạn các tỉnh khác. Chỗ nào cũng có cửa hàng thương nghiệp phục vụ đủ tem phiếu chứ các tỉnh khác thì kể cả có mà còn mệt. Ngay như Hải Phòng hôm nọ chú Lý con nhà mợ Hậu ở trong quê làm công nhân ở cảng Hải Phòng về phép ra nhà mình chơi chả kể cho me nghe thấy là gì.
    Bà Hai có vẻ cố nhịn để nghe con nói nhưng khi thấy Vân có vẻ nói gần hết bà xua tay:
    - Không, không. Đằng này là do chỗ xí nghiệp của nhà bác Thành Tía gì đấy tăng gia sản xuất được. Bác ấy kể rành rành cho me nghe mà lại. Nó là thế này. Xí nghiệp thì làm gạch, ngói thành thử làm toàn ngoài ruộng. Đất cát thì mênh mông. Đúc gạch, ngói cho vào lò, đốt lên xong là mọi ngưòi ùa nhau ra khai hoang, trồng trọt. Bác ấy bảo chả cứ rau, đậu, khoai mà ngay cả thóc gạo cũng mùa nào thức ấy. Cần tẻ có tẻ, cần nếp có nếp.
    - Sức lực công nhân, mới lại ngưòi ta đông như thế thì làm gì mà chả được. Vân thở dài vì bắt đầu chán nghe câu chuyện dông dài của mẹ cô.
    - Chăn nuôi rồi thả cá nữa chứ. Những hố đào lấy đất làm gạch sau vài trận mưa thành ao thành chuôm. Gớm, bác ấy bảo cá hàng năm ăn không hết toàn bán. Lợn thì cũng nuôi hàng vaì trăm con. Sẵn rau đấy cứ thế mà băm cho lợn. Chẳng thế muốn ăn lúc nào cũng sẵn cá, sẵn thịt chả phải trông chờ, lệ thuộc gì vào mấy ông bà thương nghiệp gì hết.
    - Thì kệ họ. Vân sẵng giọng định đứng lên thì me cô lại gật gật đầu, giọng bà hạ thấp.
    - Bác ấy me xem ra cũng là người tốt, biết điều, thế cho nên lâu lắm không đến nhà mình mà vẫn còn nhớ đến thăm. Gần chục năm rồi còn gì. Mà nào có phải họ hàng thân thích gì đâu. Thế mà đến một cái lại quà cáp. Con xem hơn hai cân thịt ấy mua ngoài cũng phải vài chục bạc chứ ít đâu. Mà toàn thịt ngon, tươi.
    Me nói với con điều đó để làm gì?
    Bà Hai nghe con nói có vẻ ngần ngừ, mãi một lúc sau bà thót người lại như để nuốt thứ gì đó vô hình đang chẹn ngang cổ, rồi bà thủ thỉ:
    - Nhà bác ấy lại đặt vấn đề lại với con đấy. Me tính là con cũng nên…
    - Con không biết chuyện gì hết. Mà me cứ nói toàn chuyện linh tinh. Từ bận sau người ta đến đừng có lấy gì của người ta nữa không có mang tiếng ra Vân đứng phắt dậy.
    - Vân ạ. Dù sao con cũng đã đến lúc chứ bao nhiêu cô tuổi con ở cái ngõ này… Mà đàn bà, con gái có ai thân cô thế cô được đâu. Me già thì me cũng chết lúc đó một thân một mình con thì làm thế nào. Em con tiếng thế cũng còn phải lo vợ con nó, chứ chị kể cả chị ruột thì cũng là…
    - Mà me nói sao. Me không thích con ở nhà với me nữa chứ gì?
    - Vân, Vân. Đừng nghĩ me như thế tội nghiệp. Giê su ma lạy chúa tôi. Có lẽ nào me lại… me lại có thể như vậy. Có ngưòi mẹ nào mà lại dứt bỏ được con cái. Con hiểu cho me.
    

Xem Tiếp Chương 2Xem Tiếp Chương 8 (Kết Thúc)
Hà Nội - Tình Nhân ( Phần 4 )
  » Đang Xem Chương 1
  » Xem Tiếp Chương 2
  » Xem Tiếp Chương 3
  » Xem Tiếp Chương 4
  » Xem Tiếp Chương 5
  » Xem Tiếp Chương 6
  » Xem Tiếp Chương 7
  » Xem Tiếp Chương 8
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Đi Qua Hoa Cúc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Hành Trình Của Sói
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Âm Mưu Ngày Tận Thế