Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Hà Nội Với Hà Tây Tác Giả: Tô Hoài    
    Hà Nội và Hà Tây, Hà Nội với Hà Tây- Chữ với khác chữ và. Với là ta với nhau, tôi cố gắng cắt nghĩa chữ với, ta với nhau, ta với mình, Hà Nội với Hà Tây.
    Quan hệ giữa Hà Tây và Hà Nội lâu đời như cùng trên cõi đất phát tích của dân tộc, bởi nó là một miền đất không thể kể sự khác nhau của mỗi thời kỳ theo tên gọi và theo địa giới hành chính. Hà Nội là thủ đô Thăng Long nhiều triều đại. Ngót một trăm năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Hà Nội là thủ phủ xứ Bắc Kỳ và Thủ Đô của ba nước Đông Dương, Hà Nội là đất nhượng địa cho thực dân Pháp giữa xứ Bắc Kỳ bảo hộ. Hà Nội chật hẹp theo địa giới hành chính, phía bắc đến bãi Giữa dưới cầu Long Biên đã thuộc tỉnh Bắc Ninh, các phía khác thì cuối phố Huế bây giờ đã ra ngoại thành, đến Ngã Tư Vọng đến sau trường Chu Văn An và ra ô Yên Phụ đã sang tỉnh Hà Đông. Hà Nội chỉ chu vi trong thành và khu phố cổ, khu phố cũ với một dân số khi đông nhất cũng mới trên dưới 20 vạn người.
    Dân số Hà Nội, trong từng giai đoạn lịch sử và do tình hình, cả nước di cư đến nhiều khi từng đợt, vì con người cả nước mà tạo nên thủ đô, nhưng có một hiện tượng thú vị là chắc chắn trong thống kê dân số ở Hà Nội thì mục nguyên quán ở Hà Đông và Sơn Tây là con số lớn nhất. Hà Nội là trung tâm, là thủ đô thời nào cũng có những ràng buộc, gắn bó với cả nước; các quan chức và binh lính đến Thăng Long theo chức trách, những làng nghề về nơi đô hội làm ăn và buôn bán. Ở lâu rồi định cư cả đời, nhiều đời. Hà Tây và Hà Nội cũng không ra ngoài quy luật trên. Nhưng khác tất cả các nơi, Hà Nội với Hà Đông và Sơn Tây còn là láng giềng liền vách, có thể nói là cùng ở một vùng, một thổ ngơi. Hà Nội là thị thành thì sức hút của nơi đô hội tất nhiên là to lớn mạnh mẽ mà trước nhất sự hấp dẫn chỉ có một chiều ấy đã tác động tới mọi tầng lớp, mọi giới ở lân cận.
    Giới trí thức, cho tới ngày nay, đời nào cũng có những quan chức ở Thăng Long rồi nhiều người có trang ấp, nhà cửa toạ lạc các làng xóm xung quanh. Từ Chu Văn An ở Thanh Trì, Nguyễn Trãi ở Thường Tín, đến Phan Huy Chú ở Quốc Oai, Đặng Trần Côn ở Thanh Trì, Hà Tông Quyền ở Thanh Oai, cho đến cuối thế kỷ vừa qua, khi ra đời văn học quốc ngữ các cây bút tài danh thủa ban đầu như Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Vĩnh ở Phú Xuyên, Phan Kế Bính ở Thuỵ Khuê, Nguyễn Khắc Hiếu ở Khê Thượng. Tôi chỉ kể một vài nhân vật tiêu biểu làm ví dụ.
    Nhưng tôi muốn nói đến số đông. Số rất đông, đó là người ở những làng nghề, những người thợ khéo mà hầu như cơ sở nòng cốt của thủ đô được tạo nên chủ yếu phải do lớp người này, đã cha truyền con nối từ bao giờ cho đến tận bây giờ. Thậm chí, khi nhà Nguyễn thiên đô vào Phú Xuân đã phải đem một số làng nghề và nghệ nhân vùng Hà Nội, Hà Đông vào Huế. Thời nào cũng vậy, trong thành các quan lại đến và đi theo chức trách, chỉ có ngoài thị mới là người ở lại lực lượng này đã sinh hoạt, đã phục vụ đời sống phố phường, thành hình thù dáng vẻ, cốt cách người Hà Nội. Đó là những làng nghề xung quanh thành phố như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, nhưng Hà Đông và Sơn Tây đông đảo nhất, có điều kiện khách quan là ở cùng vùng với Hà Nội.
    Trong 36 phố phường Hà Nội, những phố nghề và phố buôn bán, cùng với những phố người Hưng Yên, người Bắc Ninh thì số nhiều các làng nghề khác nhau là người các làng xung quanh. Phố Hàng Bạc có thợ kim hoàn Thanh Trì, phố Hàng Lược, Hàng Nón là người Thường Tín, phố Hàng Khay, thợ khảm Phú Xuyên, phố Hàng Trống, phố Hàng Tàn làm lọng người Thường Tín, phố Hàng Bừa là thợ rèn Từ Liêm.
    Có biết bao nhiêu người, bao nhiêu làng ở Hà Đông ra Kẻ Chợ hàng ngày làm ăn. Ngày trước, cứ đến mùa hanh hao, gặt hái đã xong, lại có từng bọn thợ đấu ở Phùng, ở Đan Phượng vào các làng ven nội đào ao đắp nền nhà. Cả phố Hàng Quạt, quạt nan làng Lủ - Thanh Trì, quạt thóc ở Vẽ - Từ Liêm, quạt lông ngỗng trong Đơ Đình, quạt Vác ở Canh Hoạch.
    Cũng nghề vót nan làm quạt bây giờ phát triển linh hoạt, thức thời, ấy là nghề làm lồng chim làng Vác. Ở các chợ chim, phố chim ngoài Hà Nội hôm nay, các lồng xịn mà đúng kiểu cách cho mỗi thứ chim đều là lồng Vác. Có người chơi cầu kỳ không mua lồng chợ mà đã về thửa lồng tận nơi sản xuất. Và cũng đến bây giờ, các cơ quan xuất khẩu nông sản và thực phẩm, đến dịp đưa hàng đi nước ngoài, có chuối có dứa, có chanh quả, khi đóng gói đều phải cần đến sọt Huyền Kỳ. Xe bò kéo sọt ra thành phố cả ngày, sau cấm xe ban ngày vào thành phố thì xe bò đi cả đêm, bây giờ cấm cả đêm, thì không biết sọt xuất khẩu đưa ra Hà Nội bằng phương tiện gì. Từ xa xưa, phố Sinh Từ - nay là phố Nguyễn Khuyến, là phố bán dao kéo Đa Sỹ và Phùng Xá, bây giờ dao kéo Phùng Xá và Đa Sỹ vẫn tấp nập và đắc dụng. Mặc dầu dao kéo Thái Lan đẹp mã cũng không thay được các kéo đại ở các xưởng may xuất khẩu của người thợ rèn trong Bùng hay là con dao phay, dao rựa lò rèn Đa Sỹ vẫn được dùng hàng ngày ở các bếp nhà hàng, khách sạn Đai U, Sô Phi Ten sang trọng. Còn biết bao liên quan rất đặc điểm nữa, cả cái rễ cây quấn quanh tảng đá, nhỏ nhưng chắc, đốt thành than hoa để nướng chả, quạt bánh đa, đun thuốc sắc thuốc trong nhà máy ngành dược, cũng được tải từ chân núi Ba Vì về chợ Long Biên.
    Sự liên quan mạnh mẽ và sâu sắc của Hà Nội với Hà Tây có thể nhận xét cả trong tiếng nói. Tiếng nói là một minh hoạ của sự liên quan và phát triển. Tiếng Hà Nội, giọng Hà Nội rành rọt và thanh lịch ngày trước chỉ nghe ở trong vùng tụ hội người tứ xứ, cái giọng cái tiếng trộn lẫn không giống bất cứ vùng nào, không của địa phương nào chỉ thường nghe phổ biến trong phạm vi nội thành, ra tới làng Thuỵ đã bắt đầu giọng ngoại ô, giọng kẻ Bưởi, và đi quá chợ Mới Mơ đã sang vùng kẻ Mơ, nói ngọng. Bây giờ tiếng Hà Nội đã lan khắp. Tiếng Sơn Tây nhạt hẳn, đi chợ Nghệ chỉ còn nghe phảng phất ở mấy cụ lão bà trên Bất Bạt xuống chợ. Tiếng Hà Nội đã tràn lan. Không cần phải bắt chước phải sửa giống người ta cứ nói khác đi lúc nào mà không tự biết.
    Hà Nội với Hà Tây đó là sự gắn bó và phát triển trong một vùng.

Kết Thúc (END)
Tô Hoài
» Đảo Hoang
» Kỷ Niệm Chim Gáy
» Cỏ Dại
» Dế Mèn Phiêu Lưu ký
» Cát bụi chân ai
» Đón Giao Thừa
» Ba Người Khác
» Hội Làng
» Khu Du Kích 99
» Kim Đồng
» Cây Mía Đỏ
» Con Cua Tám Cẳng
» O Chuột
» Trên Sông Hồng
» Hải Phòng
» Một Quảng Đường ( 2 )
» Mùa Hạ Đến, Mùa Xuân Đi
» Cây Cổ Thụ Và Vườn Hoa
» Giàn Hoa Kim Ngân
» Đi Làm
» Những Năm 1944 - 1945
» Rồi thì Người Ở Một Mình
» Tức Nhau Tiếng Gáy
» Cần Những Hương Ước Đời Này
» Chơi Hoa