Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » BẢN BI CA MARIENBAT Tác Giả: Stefan Zweig    
    Ngày 5 tháng chín năm 1823, một chiếc xe ngựa lăn bánh chậm chạp trên đường từ Cacbat đến Egi ê. Buổi sáng hôm ấy trời có vẻ đã sang thu, hơi lành lạnh. Gió nhởn nhơ lướt trên những cánh đồng đã gặt, bầu trời xanh vẫn trải rộng khắp cảnh trí bao la. Trong cỗ xe có ba người: ngài cố vấn cơ mật của đại công tước xứ Xắcvâyma, Phôn Gớt (trong danh sách các tân khách đến thành phố Cacbat người ta hãnh diện gọi nhà thơ bằng cái danh hiệu như vậy) và hai người thân tín của ông: Stađeman, người lão bộc và Giôn, viên thư ký, người đã chép lại bản thảo của hầu hết các tác phẩm của ông từ đầu thế kỷ. Không ai nói câu nào, bởi vì ông chưa hề hé răng lần nào từ lúc rời Cacbat, nơi rất nhiều thiếu phụ trẻ và những thiếu nữ đã đến chào hoặc ôm hôn nhà văn nổi tiếng. Ông ngồi im lặng, cặp mắt nhìn trong suy tưởng. Tới trạm nghỉ đầu tiên, ông xuống xe, hai người đồng hành thấy ông ghi nhanh vài chữ trên mảnh giấy.
    Suốt dọc đường đến tận Vâyma, cảnh tượng đó lặp lại nhiều lần. Lúc vừa tới Juôtau, rồi ngày hôm sau ở lâu đài Hactăngbe, ở Egi ê, rồi ở Pốctanếch, nơi nào cũng vậy, mối quan tâm đầu tiên của ông là ghi lại những gì đã nghiền ngẫm trong đầu óc trên đường đi. Cuốn nhật ký của ông ghi vắn tắt: Làm thơ (6 tháng 9), tiếp tục làm thơ (chủ nhật, 7 tháng 9); xem lại bài thơ lần nữa (12 tháng 9). Tới Vâyma, tác phẩm đã hoàn thành. Đó là Bản bi ca Marienbat, một bài thơ của tuổi già, bài thơ thâm thúy nhất, sâu kín nhất và cũng là bài thơ ông yêu thích nhất, một lời vĩnh biệt hào hùng, một bước ngoặt vinh quang.
    Trong một cuộc chuyện trò, Gớt đã gọi bài thơ đó là: “ Nhật ký của cõi lòng thầm kín “, quả vậy, có lẽ không một trang nào trong nhật ký của ông lại thố lộ một cách chân thực bằng bài thơ vừa băn khoăn đau xót, vừa than vãn bi thảm này, chưa có lần nào trong những năm tuổi trẻ của ông mà nguồn thơ trữ tình lai láng lại trực tiếp tràn ra từ chính đời ông như vậy, không một tác phẩm nào của ông mà ta có thể nhìn thấy sự hình thành rõ rệt đến như vậy - từng giòng từng giòng một, từng giờ từng giờ một – như trong áng thơ sâu thẳm và chín mọng nhất này (của ông già bảy mươi tư tuổi) - một trái cây muộn màng thắm đỏ sắc thu. Như tác giả đã viết cho Eckecman về bài thơ này: “ Đấy là sản phẩm của một niềm say đắm đến tột đỉnh, áng thơ đã kết hợp được sự điêu luyện thần tình về hình thức với chiều sâu và tính chân thực của nội dung. Cho đến ngày hôm nay, một thế kỷ đã trôi qua, chẳng có gì mất đi, tất cả vẫn còn sống động trong những trang diễm lệ này, trên đó lấp lánh vì sao của sự hồi xuân.
    Bản bi ca Marienbat báo hiệu một hóa thân trong đời nhà thơ. Tháng hai năm 1822, Gớt bị một trận ốm thập tử nhất sinh, những cơn sốt dữ dội và đột ngột hành hạ thể xác ông, khiến ông nhiều lần bất tỉnh và những tưởng ông không qua khỏi. Các thầy thuốc không tìm ra một triệu chứng nào rõ rệt và chỉ thấy tình thế rất hiểm nghèo, đành chịu bó tay. Nhưng bỗng nhiên bệnh lui cũng đột ngột như lúc nó đến. Tháng sáu Gớt đến Marienbat, sắc diện hoàn toàn thay đổi, mọi người hầu như cho rằng cơn sốt vừa qua chỉ là dấu hiệu một cuộc hồi xuân trong bản thân ông, một “ kỳ dậy thì mới “. Lần đầu tiên từ mấy thập kỷ nay, con người dè dặt, khắc nghiệt, lạnh lùng mà năng lực thi ca hầu như đã biến đổi thành sự uyên bác, giờ đây chỉ sống trong thế giới tình cảm. Âm nhạc “ xé “ lòng ông, ông không thể nghe dương cầm mà nước mắt không đầm đìa, nhất là khi người chơi đàn lại là một thiếu phụ đẹp như Dimanốpska. Ông có khuynh hướng bị hút về giới trẻ khá sâu sắc và các bạn ông xiết bao ngạc nhiên thấy ông già bảy mươi xuân lượn quanh đám phụ nữ đến tận nửa đêm, lại còn khiêu vũ nữa, cái mà ông đã bỏ từ nhiều năm nay. Ông kiêu hãnh kể lại rằng khi thay đổi cặp nhảy, những cô gái đẹp nhất đã rơi vào vòng tay ông. Cơ thể đông cứng của ông như tan mềm một cách kỳ lạ trong suốt mùa hè và tâm hồn trở lại tươi trẻ của ông bị lôi cuốn không sao cưỡng lại nổi bởi niềm hân hoan vĩnh cữu. Cuốn nhật ký của ông ghi: “ Những giấc mộng hiền hòa “, chàng Vecte ngày xưa thức giấc trong lòng ông. Sự tiếp xúc với nữ giới gợi cho ông những bài thơ nho nhỏ, thôi thúc ông buông những lời bỡn cợt, chòng ghẹo như nửa thế kỷ trước khi ông giao du với Lili. Sự lựa chọn của ông còn chưa dứt khoát: thoạt đầu là nữ nhạc sĩ Ba Lan xinh đẹp, sau đó là thiếu nữ Unric-phôn Lêvetzốp đã làm trái tim trẻ lại của ông hồi hộp. Mười lăm năm trước đó ông đã yêu bà mẹ, cách đây một năm ông còn như người cha đùa cợt với cô “ cháu gái “, nhưng đột nhiên tình mến thương biến thành nỗi đắm say. Đó là một cơn bệnh mới chế ngự và dày vò ông còn điêu đứng hơn bất cứ một chuyện gì đã dày vò ông từ trước tới nay. Ông si tình như một chàng trai trẻ. Vừa nghe thấy giọng nói mến yêu trên lối đi dạo chơi là ông bỏ cả công việc, tay không cầm can, đầu không đội mũ, vội vàng chạy đến với cô cháu tươi cười đang gọi ông. Cuối cùng, ông cầu hôn như một chàng trai và người ta chứng kiến một cảnh tượng lố bịch và phảng phất đôi nét của thần đồng áng trong tính bi kịch của nó. Sau khi bí mật bàn bạc với thầy thuốc riêng của mình, Gớt tâm sự với người bạn già nhất của ông, ngài đại công tước, nhờ ngài giúp ông đến cầu xin bà Phôn Lêvetzốp gả cô con gái Unricke cho ông. Ông bạn già nhớ lại biết bao đêm truy hoan cùng Gớt năm mươi năm trước đây, có lẽ cười thầm con người mà cả nước Đức và châu Âu sùng kính như một nhà thông thái nhất trong số những nhà thông thái, một đầu óc chín chắn và sáng suốt nhất của thời đại. Nhưng ngài vẫn đeo huân chương và trịnh trọng đến xin bà mẹ gả cô con gái cho ông lão bảy mươi tư. Người ta không biết đích xác câu trả lời ra sao, nhưng hình như đó chỉ là một kế trì hoãn. Vì vậy Gớt không nắm chắc được gì, ông đành bằng lòng với vài cái hôn thoáng qua mà ông đã nhận được, với những lời dễ thương dành cho ông, trong khi nỗi thèm muốn ngày càng mãnh liệt làm ông khổ sở: thèm muốn được chiếm hữu và được ôm trọn trong vòng tay cái tuổi thanh xuân mang một dáng vẻ quyến rũ như thế. Một lần nữa, con người mãi mãi nôn nóng ấy đấu tranh cho cái mà ông coi là ân huệ cao nhất lúc đó. Trung thành với mối tình của mình, ông đã theo người yêu dấu từ Marienbat đến Cacbat, nhưng ở đó cũng không có cái gì chắc chắn và mùa hè dần qua đi thì nỗi đau khổ của ông cũng lớn dần lên. Đã đến lúc sắp lên đường, ông sẽ phải ra đi không có một lời hẹn ước. Khi xe bắt đầu lăn bánh, con người vĩ đại có trực giác mạnh mẽ ấy đã cảm thấy rằng một cái gì lớn lao trong đời mình vừa chấm dứt. Nhưng người bạn đồng hành vĩnh cữu của mọi đau khổ sâu sắc, người khuyên giải cao tuổi đã có mặt trong những giờ phút ưu buồn, thiên tài đã cúi xuống con người đang đau khổ, và con người không tìm thấy nguồn an ủi trên cõi thế liền cầu cứu Thượng đế. Một lần nữa Gớt trốn chạy vào thi ca và để tỏ lòng biết ơn Thượng đế về ân huệ đã được ban phát lần cuối cùng cho mình, ông ghi nổi bật lên trên bản bi ca mà ông sáng tác, những câu thơ này trong tập Torquato Tasso của ông.
    Nhưng nếu con người câm lặng trong đau khổ
    Thì thần linh ban cho tôi cái quyền được nói lên những gì tôi đau khổ
    Ngồi trong xe, ông già suy nghĩ chán nản hoang mang vì những câu hỏi ông tự đặt ra. Mới sáng nay thôi Unricke còn cùng chị nàng tới dự cuộc ra đi náo nhiệt của ông. Đúng vào lúc chia tay, cô đã đặt lên môi ông cái miệng dịu dàng và yêu dấu. Nhưng là chiếc hôn của tình yêu, hay của cô cháu gái? Liệu nàng có thể yêu ông không? Có quên ông hay không? Rồi Gớt nghĩ đến con trai, con dâu ông đang nóng lòng chờ hưởng thụ cái gia tài kếch xù mà ông phải để lại cho họ. Chúng có chấp nhận việc cưới xin này không? Liệu ông có tránh khỏi những lời đàm tiếu của thiên hạ hay không? Sang năm sau, đối với nàng, ông vẫn không già chứ? Và khi gặp lại nàng, ông có thể hy vọng gì?
    Những câu hỏi dồn dập lo âu. Đột nhiên, câu hỏi chủ yếu hiện ra dưới dạng một câu thơ, một khổ thơ, đau khổ trở thành thi ca. Thần linh đã cho thi sĩ cái quyền được nói lên điều ông đau khổ. Thẳng tuột, thành thực, không che đậy, tiếng kêu quằn quại thấm sâu vào bản thi ca, một sự bồng bột mạnh mẽ của nỗi rung động nội tâm:
    Giờ đây ta có thể ước vọng chi trong ngày tái ngộ?
    Uớc vọng chi nơi đóa hoa ngày nay còn đang phong nhị?
    Thiên đường, địa ngục mở ra trước mặt ta,
    Nỗi phân vân lay động trái tim ta biết mấy !
    Từ tâm trạng rối bời, nỗi đau khổ đuợc chắt lọc một cách kỳ diệu cháy thành những khổ thơ trong vắt như pha lê. Giữa lúc đang phiêu lưu qua mọi cực hình bấn loạn của “ trạng thái tinh thần “, đắm mình trong bầu “ không khí nặng nề “, tầm mắt nhà thơ ngẫu nhiên ngước nhìn phong cảnh khoáng đạt trải rộng quanh ông: cái tĩnh mịch của buổi sớm mai, cảnh thanh bình thần tiên này, trái ngược biết bao với sự xúc động trong tâm hồn ông. Thế là những gì ông vừa nhìn thấy đã chuyển vào thơ:
    Sao nhỉ, phải chăng vũ trụ không còn nữa?
    Những vách đá uy nghiêm phải chăng không còn in dấu bao hình bóng linh thiêng?
    Mùa màng đã ngừng chín rồi chăng?
    Cái xứ sở xanh tươi rải rác rừng cây, bãi cỏ
    Tự bao giờ không còn viền quanh dòng sông uốn khúc lượn vòng?
    Và bầu trời mênh mông kia lẽ nào không còn là một vòm trần.
    Lúc thì điểm tô muôn vàn hình dạng, lúc thì quạnh quẽ hoang vu?
    Nhưng đối với thế gian này quá đỗi vô tình. Trong giờ phút đắm say như thế, ông chỉ có thể nhìn cảnh vật gắn liền với hình ảnh người yêu, và kỷ niệm về người yêu sống lại trong ông qua phép biến hình kỳ ảo:
    Xiết bao nhẹ nhàng và duyên dáng, bức chân dung tuyệt tác,
    Nổi lên như một thiên thần,
    Giữa những đám mây nặng trĩu,
    Chẳng khác chi bóng dáng của nàng tiên thinh không xanh thẳm,
    Một thân hình thon thả, một bào ảnh chói hào quang !
    Và thấy nàng rực rỡ trong vũ khúc tươi vui,
    Kiều diễm nhất trong những tạo vật kiều diễm.
    Song le, ta chỉ có quyền cho phép ta trong giây lát
    Tưởng tượng nàng là một hình ảnh thinh không.
    Hãy trở về với trái tim ta,
    Ở đó nàng sẽ còn kiều diễm hơn gấp bội.
    Ở đó nàng luôn luôn thay hình đổi dạng,
    Một nhan sắc vô song trong muôn vàn biến thể,
    Và mỗi lần biến hóa lại càng đáng yêu hơn.
    
    Hình ảnh Unricke vừa được gợi lại đã trở thành con người bằng xương bằng thịt. Ông miêu tả nàng tiếp đón ông ra sao và “ từng nấc, từng nấc một “ “ ban phát hạnh phúc “ cho ông như thế nào, và sau nụ hôn cuối cùng, nàng lại đuổi theo ông, đã in lên môi ông nụ hôn sau chót nữa. Lòng tràn đầy niềm hạnh phúc “ hồi niệm “, người nghệ sĩ già sáng tác đoạn thơ đẹp này về tình yêu và sự tự hiến dâng:
    Ở nơi cao quý nhất của con người chúng ta
    Rộn ràng một ước vọng say mê, với tất cả lòng thành
    Hiến dâng mình cho một đấng chưa hề quen biết
    Cao cả hơn ta, trong sáng hơn ta
    Ấy là lòng sùng kính. Tình cảm thanh cao đó
    Ta lại được biết mỗi khi đứng trước mặt nàng
    Nhưng, nhớ tới những giờ hạnh phúc ấy, con người cô đơn chỉ càng thêm đau khổ về cảnh chia ly, nỗi đau bộc lộ thành thơ và được diễn ra chân thực hiếm có, hầu như xóa bỏ tính chất bi ai của bài thơ. Lời than thở thật là cảm động:
    
    Thế là ta đã xa nàng, giây lát này
    Biết làm chi đây, không thể nào nói được;
    Cuộc đời hẳn còn dành cho ta nhiều điều tốt đẹp,
    Nhưng đấy chỉ là gánh nặng đè lên vai ta và ta những muốn cắt bỏ đi cho rảnh.
    Nỗi khao khát khôn nguôi dày vò ta khốn khổ
    Chẳng còn cách nào khác, dòng lệ cứ tuôn hoài.
    
    Tiếp đó bật lên lời than vãn bi thảm cuối cùng, khó có gì sánh kịp:
    
    Hãy bỏ mặc ta lại đây, hỡi các bạn đồng hành thân tín !
    Để ta lại một mình dưới chân mỏm đá, giữa lũng sâu
    Cứ đi đi, thế giới rộng mở trước mặt các bạn
    Trái đất rộng bầu trời hùng vĩ bao la.
    Hãy xem xét, hãy khảo sát, góp nhặt từng sự việc,
    Và hãy nói lên một đôi điều bí ẩn của tạo hóa.
    Với ta, thế là hết cả rồi, ta tự coi như kẻ bỏ đi,
    Mới gần đây ta còn là kẻ được thần linh sủng ái.
    Để thử thách ta, thần linh đã gửi cho ta nàng Pan-đo (1)
    Giàu châu báu, nhưng còn giàu hiểm nguy hơn.
    Các ngài đã áp môi ta lên làn môi thắm mọng của nàng,
    Rồi dứt ta ra và đẩy ta xuống vực thẳm.
    Chưa bao giờ một đoạn thơ như thế lại trào ra từ một cây bút của một nhà thơ lúc bình thường vẫn hoàn toàn làm chủ được bản thân mình. Con người ấy, lúc còn thanh xuân hoặc khi đứng tuổi, vẫn luôn luôn biết che giấu và không hề nói lên những tình cảm thầm kín và chỉ diễn tả nó bằng hình ảnh và biểu tượng. Thế mà ở đây, trong lúc tuổi già, lại bộc lộ tình cảm của mình một cách diễm lệ và không hề che đậy. Có lẽ chưa bao giờ nhà thơ trữ tình vĩ đại sống mãnh liệt như trong bài thơ bất hủ này, trong bước ngoặt nổi bật này của đời mình.
    Vừa trở về Vây-ma, mối quan tâm đầu tiên của ông trước khi bắt tay vào bất cứ một công việc văn chương hay gia đình nào khác, là chép lại thật đẹp bản bi ca bằng kiểu chữ bút thiếp. Hệt như một nhà tu trong phòng kín, ông dành hẳn ba ngày nắn nót thứ chữ trang trọng ấy trên giấy chọn lọc đặc biệt và giấu cẩn thận không cho ai biết, ngay cả những người thân nhất. Để tránh mọi lời bàn tán, ông tự tay đóng lấy bản viết với một giải lụa trong tấm bìa da dê đỏ (về sau ông thay dây đóng sách bằng giải vải xanh tuyệt đẹp mà ngày nay người ta có thể nhìn thấy trong di cảo lưu trữ của Gớt và Sile). Ngày lại ngày trôi qua buồn tẻ và u ám. Dự định lấy vợ của ông chỉ chuốc cho ông những lời nhạo báng của thân nhân và khiến cho con trai ông tỏ thái độ thù ghét công khai. Như vậy là ông chỉ có thể gần gũi người yêu trong thi ca. Nhưng đến khi người đẹp Ba Lan, cô Dimanốpska tới thăm ông, trạng thái tinh thần của những ngày đẹp đẽ ở Marienbat lại trỗi dậy và khiến ông muốn thổ lộ tâm tình. Cuối cùng, ngày 27 tháng mười, ông cho mời Eckecman đến và nghi lễ trọng thể mà ông chuẩn bị cho việc đọc bài thơ chứng tỏ ông yêu quý tác phẩm đó như thế nào. Gia nhân được lệnh thắp hai cây nến để lên bàn và sau khi nến đã thắp sáng, Eckecman được mời đến ngồi trước ánh nến và đọc bản thi ca. Dần dà, bạn bè (mà cũng chỉ những người thân thiết nhất) mới hay biết, bởi vì, theo lời kể lại của Eckecman, Gớt đã coi bài thơ đó như một “ vật thiêng liêng “. Tác phẩm này có tầm quan trọng đặc biệt, những tháng tiếp sau đó càng chứng tỏ điều này. Sau thời kỳ vui sướng và hồi xuân mà ông vừa sống, tiếp ngay đến thời kỳ suy sụp. Thi sĩ lại hình như gần kề miệng lỗ, lê từ giường ra ghế bành, từ ghế bành vào giường, không tìm được một thảnh thơi: con dâu ông đi du lịch, con trai đầy thù hận, không ai săn sóc ông hoặc khuyên giải ông. Chính lúc ấy Zelte, người bạn tâm phúc của ông, được các bạn gọi từ Beclin về. Zelte hiểu ngay sự thể ra sao. “ Tôi đã thấy gì – ông ngạc nhiên viết - dường như đây là một kẻ đang yêu, tất cả tình yêu với những đau khổ của tuổi trẻ “. Để chữa bệnh cho Gớt, người bạn đã đọc đi đọc lại “ một cách trìu mến “ cho ông nghe bài thơ của ông và Gớt nghe không chán. “ Thật là khôi hài – sau này khi khỏi bệnh ông viết – anh bắt tôi nghe nhiều lần, qua giọng đọc ấm áp và dịu dàng của anh, cái tình cảm thân thiết đối với tôi đến mức tôi không dám tự thú cả với bản thân mình “. Một đoạn khác: “ Tôi không muốn rời bỏ nó, và nếu chúng ta ở chung với nhau, anh sẽ phải đọc và ca cho tôi nghe đến khi anh thuộc lòng những dòng thơ đó “. “ Ông khỏi bệnh như vậy đấy – Zelte viết - khỏi bệnh do chính mũi tên đã gây thương tích cho ông “. Có thể nói Gớt thoát chết nhờ bài thơ đó. Cuối cùng, nỗi đau đớn lùi bước, mơ ước sống chung với “ cô cháu gái “ yêu dấu bị chôn vùi. Ông hiểu rằng ông sẽ không bao giờ đi Marienbat nữa, cũng không đi Cacbat, không bao giờ ông còn trở lại cái thế giới vui tươi của lớp người vô tư lự nữa. Từ nay, đời ông chỉ dành cho công việc. Ông đã khước từ một cuộc hành trình mới mà số phận đem đến cho ông, ngược lại, một tiếng trọng đại đã nhịp vào đời ông: Hoàn tất. Nhìn lại công trình sáng tạo kéo dài gần sáu mươi năm, ông thấy nó còn trong tình trạng rời rạc tản mạn, thế mà nay thì không thể sáng tạo được nữa, ông quy định ít nhất cũng tập hợp lại: Một hợp đồng xuất bản “ Toàn bộ tác phẩm “ của ông được ký kết, giành quyền tái bản cho mình. Tình yêu của ông đã có lúc lạc nẻo vào cô gái mười chín xuân xanh, nay trở lại với hai bạn đường thời trai trẻ. Vinhem và Phaoxtơ. Lòng đầy nghị lực, ông bắt tay vào việc. Trên những trang giấy đã ố vàng, ông tìm thấy lại những đề cương được thảo ra từ thế kỷ trước và bắt tay đúc kết lại. Trước khi bước vào tuổi tám mươi, tác phẩm đầu tiên đã hoàn thành, và với ý chí kiên cường anh dũng, ông chuyển sang “ tác phẩm chính “ của đời ông, Phaoxtơ, tác phẩm mà ông hoàn thành bảy năm sau những ngày bi thảm của bài bi ca, mà ông giấu giếm người đời cùng với một tấm lòng sùng kính như vậy.
    Giữa hai thế giới tình cảm đối lập mà chúng ta vừa nhận thấy, giữa niềm ham muốn cuối cùng và sự khước từ cuối cùng ấy, trước lần khởi công cuối cùng và sự hoàn tất đó, ngày 5 tháng chín năm 1823, như một đỉnh cao làm mốc, đã đánh dấu ngày từ biệt Cacbat và từ giã tình yêu, cái ngày đã đi vào bất tử nhờ lời than vãn rung động lòng người. Chúng ta hoàn toàn có quyền gọi đó là ngày đáng ghi nhớ và nhớ lại nó, bởi vì thi ca, từ ngày đó chưa hề biết giây lát nào lớn lao hơn cái giờ phút mà một tình cảm mãnh liệt tuôn trào thành thơ ca mãnh liệt đến như vậy.

Kết Thúc (END)
Stefan Zweig
» MENĐEN, NGƯỜI BÁN SÁCH CŨ
» Đừng Ngại Ngùng
» BẢN BI CA MARIENBAT
» MỘT TRÁI TIM TAN NÁT
» GIÂY PHÚT MANG TẦM THẾ GIỚI CỦA TRẬN OATECLÔ
» AMOK HAY LÀ BỆNH ĐIÊN XỨ MALAIXIA
» BỘ SƯU TẬP VÔ HÌNH
» CHINH PHỤC NAM CỰC
» 24 Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà
» NGƯỜI NỮ GIA SƯ
» THIÊN TÀI CỦA MỘT ĐÊM
» NGÕ HẺM DƯỚI ÁNH TRĂNG
» KHÁM PHÁ ENĐÔRAĐÔ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ