Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Đi Chơi Cầu Vòng Tác Giả: Khúc Thụy Du    
    Cha còn cắt cỏ trên trời..
    Mẹ còn cưởi ngựa đi chơi cầu vồng
    ( Ca dao )
    Khi tôi dắt con bạch mã Mùa Xuân ra đến khu đất trống dưới chân cầu vồng, thì mọi người đã tề tựu đông đủ cả rồi. Mẹ tôi mặc áo tứ thân bằng vải lụa, thắt lưng màu xanh da trời. Mái tóc đen nhánh vấn lại trong chiếc khăn vuông có thêu hoa văn sặc sỡ, gương mặt trái xoan phơn phớt chút phấn hồng nom mẹ trẻ hơn chục tuổi. Chả thế, cha tôi thường bảo mẹ đẹp nhất là lúc đi chơi cầu vồng. Mẹ đẹp thật, đẹp nhất trong đám đông phụ nữ. Cha tôi bận cắt cỏ cho đàn bê không không đến dự được. Ông tỏ vẻ tiếc rẻ. Mẹ tỏ vẻ nôn nóng, nên vừa thấy tôi, mẹ đã lăng xăng:
    - Sao muộn vậy con? Mọi người đã sẵn sàng.
    Tôi nói:
    - Cũng tại con ngựa này đấy, mẹ ạ. Tối qua nó bỏ cỏ, con phải cho nó ăn. Rồi thì phải làm điệu cho nó nữa chứ. Đi chơi cầu vồng mà. Mẹ nhìn xem, chiếc yên da này có đẹp không. Chiếc yên treo trong xó đầy bụi bặm, con phải mất nhiều thời gian chà rửa. Mẹ nhìn này, nom như mới ấy.
    Mẹ gật đầu khen tôi ngoan, đoạn đưa tay đập đập lên lưng ngựa. Con Mùa Xuân cũng tỏ ra sốt ruột, nó liên tục cào bốn vó xuống nền đất ẩm rồi ngửa cổ hí một tràng dài. Con bạch mã thuần chủng giống Tây Tạng được sinh ra vào những ngày giáp Tết, cha tôi đặt tên nó là Mùa Xuân để ghi nhớ một kỷ niệm khó phai.
    - Con cho nó ăn gì?
    - Thóc, - tôi đáp:- Những dịp vui vẻ như thế này cũng nên cho nó sướng thân một chút, mẹ nhỉ. Nó xơi cả hai đấu thóc mà vẫn thòm thèm. Con không cho nó uống nước sông mà lấy nước mưa chứa trong vại đấy – Đoạn tôi, đưa tay vuốt bộ lông trắng mịn của nó:- Mày sướng nhá! Chốc nữa không về nhất, tao sẽ bỏ đói mày. – Nói xong tôi cười vang.
    Người và ngựa đứng xếp thành hàng ngang kéo dài đến tận con mương dẫn nước. Những ngọn gió trên thảo nguyên bát ngát thổi ào ạt mang theo hơi thở mùa màng, lời ca nồng nàn, say đắm của thiên nhiên, của hoa cỏ đâm chồi nẩy lộc. Tôi hít một hơi thật sâu, căng phồng buồng phổi rồi từ từ thở ra. Thời tiết thật tuyệt cho cuộc đi chơi cầu vồng.
    Làng tôi được thiên nhiên ưu ái, đồng bằng phì nhiêu cò bay thẳng cánh, dưới sông tôm cá lội tung tăng. Trong rừng đầy những loài gỗ quý, kỳ hoa dị thảo. Quanh năm mưa thuận gió hòa. Tình người chan chứa, yêu đời. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đều viên mãn, nên làng có tên gọi làng Hạnh Phúc.
    Chính vì có cuộc sống sung túc như thế, nên người làng Hạnh Phúc có tính tình phóng khoáng, hào sảng như thiên nhiên, đất đai cây cỏ nơi miền đất đã sinh ra và nuôi dưỡng họ, gặp kẻ khó khăn, cơ nhỡ thì ra tay giúp đỡ chẳng màng toan tính thiệt hơn, xem người trong bốn bể đều là anh em, gặp kẻ lạ thì rước về nhà, đãi đằng như thượng khách, lúc ra về còn gửi tặng quà biếu bày tỏ tấm lòng. Tất nhiên, làng có nhiều lễ hội hơn những nơi khác cốt để tiêu tốn thời gian nhàn rỗi, những phẩm vật thiên nhiên ưu đãi, và cũng là dịp để tưởng nhớ tiền nhân có công khai phá, những vị thần cho mùa vụ bội thu, cho đất lành chim đậu. Ngoài những lễ hội truyền thống; Tết nguyên đán, Đoan ngọ, rằm Trung thu..,làng Hạnh Phúc còn có những lệ hội riêng của mình. Đầu năm có lễ cúng giỗ Thành Hoàng, tháng hai có lễ đua ghe, tháng ba lễ chọi trâu, tháng tư lễ hội cúng Mẹ Đất, tháng năm lễ hội Thần Sông, tháng sáu lễ hội Cha Trời, tháng bảy, ngoài lễ cúng cô hồn thập loại chúng sinh, còn có lễ cúng Thần Rừng...Hầu như mùa nào cũng có lễ, tháng nào cũng có hội. Có những lễ hội kéo dài suốt ba ngày ba đêm, tổ chức đàn ca hát xướng, chơi cờ người, thi đấu vật, viết câu đối, bịt mắt đập nêu.. Rồi thì tiệc tùng rình rang. Đã là lễ hội thì phải đúng theo lịch, không thể tổ chức sớm hoặc muộn hơn, phải đầy đủ nghi thức thành kính thiêng liêng và tất nhiên từ đứa trẻ còn cởi truồng chí đến vị trưởng làng gần đất xa trời đều mê mẫn. Chính vì thế dù ai có việc phải đi xa đều thu xếp thời gian về đúng hẹn. Tuy nhiên cũng có hội không theo lịch trình trật tự nào cả mà phụ thuộc vào lòng hảo tâm của thiên nhiên, trời đất. Và không phải ai cũng thích, bởi vì ngày này cánh đàn ông không được tham dự, hơn thế nữa họ phải làm thay công việc của phụ nữ, để cánh quần hồng rảnh rang, sắm sửa đi chơi hội. Đó là hội đi chơi Cầu vồng.
    Lễ hội Cầu vồng chỉ xuất hiện từ đầu tháng sáu đến cuối tháng mười một, tháng của mùa mưa. Tuy nhiên không phải lần xuất hiện cầu vồng nào cũng là ngày hội. Cầu vồng quá mờ nhạt hay quá ngắn, hoặc ở nơi xa quá thì chỉ để mọi người nhìn ngắm và nuối tiếc mà thôi. Phụ nữ làng Hạnh Phúc rất giỏi thiên văn, chỉ cần nhìn sao trời là đoán biết cầu vồng sẽ xuất hiện khi nào, trong thời gian bao lâu, nằm ở phương vị nào để còn tính toán, sắm sửa cuộc chơi. Tuy nhiên, đến tiên thánh trên trời cũng có lúc nhầm lẫn huống chi con người bằng xương bằng thịt, không thấu rõ huyền cơ của tạo hóa. Không cần liên hệ xa xôi, cách nay gần hai tháng, do sự nhầm lẫn tai hại của bà Mộ, khiến cô Hoa, chị Chín Đồng và cả bà đều bị mắc kẹt bên kia cầu, không về nhà được, phải làm khách bất đắc dĩ của làng Bầu Cạn. Khổ nỗi, chị Chín Đồng vừa mới lấy chồng. Chồng của chị là anh Hiền, là thầy dạy chữ nho, nhớ vợ tương tư mà ngả bệnh. Mãi gần một tháng sau cầu vồng mới xuất hiện trở lại. Và đôi vợ chồng trẻ mới có dịp trùng phùng. Chị Chín Đồng cũng có mặt cuộc đi chơi hội hôm nay. Đích thân anh Chín cầm cương dẫn ngựa đưa tận tay cho vợ. Anh không sợ chị Chín bị mắc kẹt bên kia cầu vồng như lần trước hay vì quá nuông chiều vợ mà nhắm mắt đưa chân?
    Mẹ tôi bảo, Cầu vồng vốn là tiên nữ trên trời do phạm luật thiên đình, bị lưu đày làm cầu vồng nối hai bờ xa lắc. Tôi bán tín bán nghi, nhưng tin chắc cầu vồng là cô gái có sắc đẹp tuyệt trần, tất nhiên đàn bà đẹp bao giờ cũng đỏng đảnh. ( Cha tôi bảo lúc mới về nhà chồng, mẹ tôi cũng như thế. ). Có khi nàng xuất hiện mấy hôm liền. Dân tình đi chơi hội đến phát chán, mệt thở hơi tai. Cánh đàn ông vụng vịu bếp núc than trời như bộng. Lại có lúc gần nửa năm trời, nàng không thèm chường mặt khiến phụ nữ làng Hạnh Phúc buồn như bãi tha ma.
    Đêm trước ngày đi chơi cầu vồng, cánh phụ nữ thường thức rất khuya sắm sửa mọi thứ cho chu toàn, ai cũng muốn mình là người đẹp nhất, nổi bật nhất. Phụ nữ mà đã làm đẹp thì cánh đàn ông chỉ có cách giậm chân kêu trời. Mẹ tôi mọi ngày thường không chú trọng đến dáng vẻ bên ngoài nhưng đến ngày hội, thì chưng diện như nàng công chúa sắp sửa kén phò mã. Cha tôi thích ngắm nhìn mẹ trang điểm. Ông thường ngồi ở góc khuất âm thầm quan sát, đôi mắt rạng ngời như chàng trai trẻ đang yêu.
    Mọi nhà làng Hạnh Phúc đều có nuôi ngựa. Ít thì dăm ba con, nhiều thì cả chục. Thậm chí nhà lão Bồi cuối xóm nuôi đến gần ba chục con. Bao giờ, mọi người cũng dành riêng một con tuấn mã để tham gia hội Cầu vồng. Con ngựa này chẳng phải kéo xe hay làm những công việc nặng nhọc khác lại được chăm sóc rất cẩn thận. Phụ nữ làng Hạnh Phúc khi vừa lên chín lên mười đã ngồi trên lưng ngựa như những thổ dân da đỏ. Chính vì thế, họ cưỡi ngựa rất giỏi, thậm chí cánh đàn ông phải đuổi theo thở hơi tai. Mẹ tôi cũng cưỡi ngựa giỏi. Bà có thể ngồi xoay người ra phía sau mà điều khiển con Mùa Xuân dễ dàng. Cuộc thi cưỡi ngựa mùa xuân năm ngoái, mẹ về nhì, chỉ kém chị Hảo, con lão Bồi vừa một sãi tay. Con Mùa Thu của lão Bồi nhiều năm liền không có đối thủ.
    Tất nhiên cuộc thi nào cũng phải có người tổ chức, rồi thì ban giám khảo chấm điểm và phần thưởng cho người thắng cuộc. Mẹ tôi chưa bao giờ được giải nhất cả, chỉ từ nhì trở xuống thôi. Từ khi sinh thêm bé Na, mẹ không có nhiều thời gian tập tành. Tuy nhiên, mọi thí sinh tham gia đi hội Cầu vồng đều không xem nặng giải thưởng, cái chính là vui. Kẻ thua người thắng đều ra về trong vui vẻ, đầy tình thân ái. Để rồi sau đó tiếp tục lao vào công việc nội trợ, chăm sóc gia đình. Và nóng lòng chờ đợi cầu vồng xuất hiện lần sau.
    Lão trưởng làng, đêm qua, uống hơi quá chén, đến muộn bị đám đông phản ứng dữ dội. Lão cười hề hề, xoa hai tay vào nhau như biết lỗi rồi nhanh chóng khoát tay ra hiệu cho đội trống làng xếp hàng ngang ngay ngắn. Đội trống làng Hạnh Phúc toàn lũ con trai từ mười hai đến mười ba tuổi, được tuyển chọn và tập dượt từ trước rất bài bản. Chúng được mặc đồng phục toàn đỏ, đầu buộc sợi vải vàng, chân mang giày vải thêu hoa bừng bừng khí thế. Tôi, trước đây cũng có chân trong đội trống, bây giờ đã quá tuổi quy định, phải rút lui nhường phần cho đứa khác.
    - Nào, tất cả đã sẵn sàng chưa?
    Đám đông đồng thanh hô vang:
    - Rồi!
    Tiếp theo là ba hồi trống inh tai.
    - Cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa buổi sớm rõ là điềm lành. Cuộc thi hôm nay sẽ vô cùng thú vị. Các cô, các bà chậm chân thì tiếc lắm. Trước khi cuộc thi bắt đầu, tất cả hãy hướng về cầu vồng với tất cả lòng kính trọng.
    Tất cả im lặng, cùng hướng mắt về phía cầu vồng bảy sắc vắt ngang kiêu hãnh trên nền trời cao lồng lộng. Đây là chiếc cầu vồng đẹp nhất mà tôi từng chiêm ngưỡng. Lúc này cánh đàn ông đi theo ủng hộ người nhà đang lố nhố bên cạnh cây đa, cách chỗ phụ nữ xếp hàng vài bước chân. Cuộc thi quy định, đàn ông chỉ được phép đứng bên dưới quan sát, cổ vũ, chứ không được đuổi theo như những lần trước vì gây nên cảnh huyên náo mất trật tự ảnh hưởng đến cuộc thi. Cha tôi trước khi đánh xe bò cắt cỏ đã dặn đi dặn lại, phải cổ vũ cho mẹ có tinh thần.
    - Lên ngựa!
    Vừa nghe mệnh lệnh, tôi lập tức lấy bậc cấp bằng gỗ mang theo đặt dưới mình con Mùa Xuân, mẹ nhanh chóng bước lên bục gỗ rồi thót lên mình ngựa. Hai tay giữ chặt dây cương. Người và ngựa đều đang nóng lòng chờ hiệu lệnh. Tôi cũng thế. Lão trưởng làng bao giờ cũng biết cách làm mọi người thót tim.
    - Cuộc đua bắt đầu. – Đoạn lão cầm cây phướn đỏ giơ lên khỏi đầu:- Xuất phát!
    Ngay lập tức đoàn người ngựa lao nhanh như tên bắn. Từ chỗ tập trung đến chân cầu vồng chừng năm chục mét. Con Mùa Thu của lão Bồi, bức lên dẫn đầu khỏi đoàn đua. Ngựa mẹ tôi do xuất phát hơi chậm bị nằm ở tốp giữa. Tiếng vó ngựa hòa lẫn tiếng thanh la, tiếng hò reo cổ vũ đám đông gây nên cảnh huyên náo, vui nhộn chưa từng có.
    Tôi co giò đuổi theo đoàn đua, bọn trẻ thấy vậy cũng chước lao theo, bất chấp tiếng gào thét khản hơi của ông trưởng làng.
    Sắp đến chân cầu vồng, mẹ tôi bắt đầu thúc chân vào bụng con Mùa Xuân lấy đà. Tay phải cầm chiếc roi ngựa quất nhẹ lên mình nó. Hầy..hầy..Con tuấn mã bỗng chồm lên như tên bắn. Bốn vó vừa chạm lên thân cầu, lập tức nó phi nước đại như viên đạn lao về phía trước.
    - Giỏi lắm Mùa Xuân! – Tôi reo lên:- Bám chặt con Mùa Thu, nhanh lên!
    Phút chốc toàn bộ người ngựa đã lao lên cầu vồng. Để lại vô số chân ngựa cày nát vạt đất ẩm. Từ phía dưới nhìn lên chỉ thấy đoàn người lúc ẩn, lúc hiện trong sắc màu rực rỡ bảy sắc cầu vồng.
    Có đặt chân lên cầu vồng mới thấy hết sự huyền diệu của thiên nhiên. Thân cầu rộng đủ sức chứa hàng trăm người. Thành cầu cong vút như cánh cung thiên thần, gồm bảy sắc nằm chồng khít lên nhau. Những lớp sương mù bảng lảng nhiều màu sắc trộn lẫn tạo nên không gian vừa huyền bí, vừa nên thơ. Tôi cảm thấy cơ thể bỗng nhẹ tênh như bơi trong không khí. Không thể đuổi kịp đoàn đua, tôi trèo lên thành cầu, đứng trên màu xanh lục vừa quan sát, vừa cổ vũ. Rất nhiều đứa cũng bắt chước như tôi.
    Tôi nhìn chúng, nạt lớn:
    - Xuống ngay! Rủi trợt chân ngã xuống là toi mạng.
    - Thành cầu rộng như thế này, có nằm ngủ cũng không ngã được.
    Đúng thế, thành cầu rộng những vài mét, tôi lớn tuổi hơn chúng nên làm ra vẻ đàn anh đó thôi.
    Lúc này, đoàn đua đã tách ra làm ba tốp. Bà Mộ sau lần bị kẹt ở làng Bầu Cạn không tham gia cuộc thi nữa, mà để cho co cháu gái dự thay. Chị Tầm, điều khiển ngựa không thạo nên lẹt đẹt ở phía sau. Con Mùa Xuân bám theo Mùa Thu rất sát, chỉ cách nửa thân ngựa. Nếu người cầm cương là cha, nhất định sẽ vượt qua dễ dàng.
    Đi đến khoảng một phần ba thân cầu, đoàn đua làng Hạnh Phúc bắt gặp đoàn đua làng Bầu Cạn đang phi nước đại ngược hướng với chúng tôi. Hóa ra, họ cũng không bỏ lỡ cuộc vui hiếm có. Người làng Bầu Cạn thỉnh thoảng bị mắc kẹt ở làng tôi do không về kịp trước khi cầu vồng lặn mất. Chúng tôi tiếp đãi họ như những người thân trong nhà. Rõ ràng, họ đã khởi hành sớm hơn chúng tôi. Lão trưởng làng bao giờ cũng chậm lụt như rùa.
    Làng Hạnh Phúc là một ốc đảo nằm lọt thỏm giữa bốn bề sông nước, cách xa làng gần nhất ( làng Bầu Cạn ) một ngày đường thủy, tuy nhiên từ lúc lập làng đến nay chưa có ai đến được với làng láng giềng, bởi con sông mang tên Định Mệnh có nhiều vực xoáy hết sức nguy hiểm, đã từng có vài người ra đi với bao hăm hở và mãi mãi không về, thân xác họ nếu không gửi xuống đáy nước thì cũng làm mồi cho lũ cá. Vì thế mọi người chỉ tìm đến nhau qua những lần xuất hiện vầu vồng. Người dân làng Bầu Cạn chủ yếu sống bằng nghề nuôi tằm, dệt vải và trồng trọt. Tuy không được sung túc như làng Hạnh Phúc nhưng cũng có của ăn của để. Phụ nữ làng Bầu Cạn rất xinh và có đôi tay rất khéo. Những đồ gia công của họ tinh xảo đến mức tuyệt hảo. Đó cũng là lý do trai làng Hạnh Phúc luôn muốn tìm vợ ở làng này. Ngược lại trai làng Bầu cạn chỉ thích con gái làng Hạnh Phúc, họ thích tính cách dữ dội, phóng khoáng và hết mực chiều chồng của phụ nữ làng tôi. Quả là bụt chùa nhà không thiêng. Khắc hẳn với những nơi khác, tổ chức hôn lễ thường phải xem ngày, xem giờ nếu trúng ngày xấu, giờ xấu thì hoãn lại chờ lúc khác, hai làng chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự xuất hiện của cầu vồng theo nghi thức bất di bất dịch. Chính vì thế sự xuất hiện của nữ thần Cầu vồng không chỉ là ngày hội vui chơi, giải trí mà còn là là biểu tượng của sung túc, ấm no, hạnh phúc của tất cả mọi người.
    Lễ rước dâu vui lắm, cô dâu, chú rể ngồi trên xe tứ mã trang hoàng lộng lẫy, hai họ ăn vận thật đẹp nối bước theo sau. Ngựa đi nước kiệu, đến giữa cầu thì dừng lại, làm lễ tạ ơn trời đất, cầu xin nữ thần Cầu vồng cho đôi uyên ương trẻ sống đến ngày răng long đầu bạc. Nếu hôm nào, cầu vồng mọc lâu, họ còn rót rượu mời nhau, có người say quá ngủ quên trên cầu vồng rồi bị rơi xuống vực. Kể từ lần đó, việc uống rượu trên cầu bị cấm tiệt.
    Hai đoàn đua chạm mặt nhau thì dừng lại hỏi han ríu rít rồi tiếp tục cuộc tranh giành ngôi quán quân. Người thắng cuộc phải mang về lá cờ thêu do ông trưởng làng làng bên tận tay ban giám khảo. Cờ thì chỉ có một, mà người đua thì đông nên đến lúc cuối cuộc tranh giành diễn ra rất quyết liệt. Tôi cùng bọn trẻ chạy dọc trên thành cầu đuổi theo đoàn đua nhưng ngựa phi quá nhanh nên không theo kịp, đành đứng nhìn bất lực đoàn ngựa truy phong cuốn theo vô số lớp bụi bảy sắc.
    Tôi ngồi xuống thành cầu, hai chân thò xuống khoảng không vô tận. Bên dưới là những đám mây trắng xốp trôi bềnh bồng, tôi muốn biết ẩn dưới mây là gì? Một khoảng không mênh mông, một miền đất mới tốt đẹp hơn nơi tôi đang ở, hay là chốn địa ngục nơi giam cầm những linh hồn tội lỗi. Tôi suy nghĩ miên man nhưng không dám chạm vào nơi chốn linh thiêng và xa lạ ấy, bởi tôi sợ sẽ không còn cơ hội quay lại miền đất nơi tôi đã sinh ra.
    Nắng bắt đầu gay gắt và cầu vồng đã nhạt dần. Chỗ tôi ngồi đã ngả màu sáng. Không bao lâu nữa nó sẽ biến mất, tôi lo, mẹ và mọi người không kịp về trước khi nó lặn. Thật ra, tôi đã quá lo xa, ít nhất khoảng nửa canh giờ nữa nó mới lặn hẳn.
    Đoàn đua đang trên đường quay trở về. Con Mùa Xuân vẫn so kè với Mùa Thu từng bước một. Mẹ đã thấm mệt, gương mặt đỏ bừng nhễ nhãi mồ hôi. Con tuấn mã cũng có vẻ mệt, lông nó ướt đẫm.
    - Mẹ ơi, cố lên, sắp thắng rồi!
    Mẹ ngoáy cổ về phía tôi và đưa tay vẫy vẫy. Con Mùa Thu nhân đó mà vượt lên cách mẹ tôi hai khoảng thân ngựa. Chết thật, lỗi là tại tôi.
    Tốp đua thứ ba bắt đầu nhập vào tốp hai và dồn lại thành một khối không ai bứt lên được. Tốp dẫn đầu vẫn là mẹ tôi với chị Hảo con lão Bồi. Chị Hảo tài thật, ngồi trên lưng ngựa chưa được bao lâu, mà đã ra dáng dân nài chuyên nghiệp. Đúng là hổ phụ sinh hổ tử.
    Nắng cao dần. Đầu cầu bên tả nom như ổ bánh bị con quái vật không gian gặm dần từng mảng. Chúng tôi từ từ đứng lên, cùng vỗ tay reo vui. Đến khi, khoảng cách chỉ còn chừng vài bước chân cả bọn ù té chạy. Nếu cha có mặt, cho dù có uống mật gấu tôi cũng không dám. Cha ít khi đánh đòn nhưng roi nào ra roi ấy.
    Chúng tôi chạy xuống chân cầu. Lúc này trên cầu chỉ còn lại vài người. Cầu vồng tan quá nhanh, khiến mấy người đàn ông đâm lo, liền phi ngựa lên hỗ trợ. Người cuối cùng là chị Tầm, cháu bà Mộ. Nhịp cầu cuối cùng bị nuốt chửng, chị Tầm và ngựa từ trên cao rơi xuống tự do. Nhưng không hề gì, bởi mọi người đã chuẩn bị sẵn nhiều đống rơm khô.
    Ngựa về nhất lại là con Mùa Thu của lão Bồi, mẹ về nhì. Chị Tầm về chót và bị xây xước nhẹ. Lấy tay xoa xoa lên chỗ đau, chị cười cười:
    - Vui thật đấy! Tôi sẽ ra sức tập cưỡi ngựa để thi tiếp lần sau.
    Phần thưởng cho mẹ là một vòng hoa choàng qua cổ. Cha tôi cắt xong cỏ, ông không về nhà mà dong thẳng ra bãi. Trên tay ông có sẵn những cánh hoa rừng rất đẹp. Có lẽ, đây là phần thưởng cha dành cho mẹ.
    

Kết Thúc (END)
Khúc Thụy Du
» Thượng Đế Tật Nguyền
» Thượng Đế Tật Nguyền (Phần 2)
» Thượng Đế Tật Nguyền ( Phần II )
» Thượng Đế Tật Nguyên (Phần 1)
» Vụ Mất Tích Bí Ẩn
» Trong Cơn Mưa ( Phần II )
» Thượng Đế Tật Nguyền (Phần 3)
» Thượng Đế Tật Nguyền ( Phần III )
» Trong Cơn Mưa ( Phần I )
» Đò Chiều
» Người Vợ Lý Tưởng
» To Be Or Not To Be
» Ghen
» Rượt Đuổi
» Chân Lý
» Hợp Đồng Sát Nhân
» Hồn Và Xác
» Thời Hiện Đại
» Cô Gái Nữa Đêm
» Cô Gái Đi Giầy Thể Thao
» Ngôn Ngữ Lạ
» Bức Thư Từ Địa Ngục
» Đôi Guốc Gỗ
» Di Bút Nàng Cám
» Xe Khách Đến Thiên Đường