Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chuyện Ở Phố Huyện Tác Giả: Phan Chí Thắng    
    Trước ngày Phật Đản mấy hôm, thằng Ba gà gọi điện cho lão Hâm:
    - Bác cả ơi, chiều ngày Rằm này bác sang em nhé, em khai trương ban Phật, không có bác là không xong đâu.
    Từ trước tới nay, hễ có việc gì Ba gà đều gọi lão Hâm. Nó coi lão như ông anh cả của nó, mà lão cũng coi nó như em út trong nhà. Tường - anh cả thật của nó học cùng phổ thông với lão. Tường người nhà quê, cách Hà nội hơn 30 km, lên Hà nội ở trọ, vừa đi làm nuôi thân vừa đi học. Tường làm thuê cho một xe phở trên phố Hàm Long. Thời đó Hà nội còn có những quán phở lưu động, tối tối bán đến khoảng 9-10 giờ là thu dọn nồi niêu bàn ghế cho lên xe đẩy về nhà. Thằng Tường ít nói, học với nó hơn một học kỳ rồi mà chẳng ai biết nó làm công cho hàng phở. Một lần đá bóng, lão bắt gôn, nhảy lên ôm gọn cả quả bóng lẫn đầu thằng Tường trong tay, lão Hâm ngửi thấy tòan mùi phở thì mới biết. Đêm đêm nó phải thức giữ thùng ninh xương sôi liu riu để nước phở đuợc trong, dần dần mùi phở ám vào người nó, kỳ cọ mấy cũng không hết. Từ đó thỉnh thoảng Tường phở rủ lão ra thu dọn hàng (ông chủ ôm bị tiền đạp xe về nhà trước) và hai thằng cùng nhau đào mả thoải mái. Ngày ấy hiệu phở không bán xương đã qua sử dụng cho đám nhậu ít tiền như ngày nay, mà thường cho không người làm và mấy bà quét rác ngồi gặm, coi như bồi dưỡng ca đêm. Từ đó lão Hâm mới biết mọi bí quyết làm phở bò. Đang tuổi ăn tuổi lớn, lão Hâm rất khoái cái món đặc sản kia, tối nào cũng ra giúp Tường dọn hàng rồi hai thằng thủng thẳng đẩy xe về tận nhà chủ ở cuối phố Chợ Đuổi (ngày nay là phố Tuệ Tĩnh). Vừa đi vừa ngắm cảnh đêm Hà nội thanh bình, vừa tranh thủ làm bài tập, về nhà chỉ việc chép vào vở. Hai thằng trở nên thân nhau.
    Giữa năm lớp 9 thì Tường đi bộ đội. Lão Hâm mượn xe đạp của mẹ chở Tường phở về quê, đó là lần đầu tiên lão Hâm biết quê bạn. Gọi là nhà quê nhưng lại là phố - phố huyện. Gọi là phố huyện nhưng vẫn là nhà quê, hơn 5 giờ chiều phải kê chõng ra sân ăn kẻo tối.
    Lúc đó thằng Ba mới học hết lớp ba, cái lớp mà nó cho là đã quá cao, không thèm học tiếp nữa. Bố nó, bác phó mộc với đôi mắt kèm nhèm đánh nó gãy mất mấy cái thước, cuối cùng đất không chịu trời thì trời chịu đất: “Mả bố mày, muốn ra sao thì ra!”.
    Thằng Ba lười học nhưng rất nhanh trí, lắm tài vặt. Mới mười tuổi mà cu cậu lặn đi đâu một chốc lúc về đã thấy lủng lẳng trên tay một xâu cá, vài con gà đồng. Nó biết ăn cả bọ xít, cái thằng trời đánh ấy!
    X
    X X
    Về nước sau khi để lại đất Nga một thời sinh viên dại khờ, lão Hâm đạp cái xe mới cứng, bây giờ là của lão, xe Спорт đàng hoàng, về phố Huyện thăm gia đình Tường. Ông phó mộc đã còng lưng, lấy vạt áo lau cặp mắt gần như lòa dắt tay lão Hâm vào thắp hương cho Tường. Lục lọi một chốc trong ngăn kéo tủ thờ xiêu vẹo, ông đưa cho lão Hâm một gói nho nhỏ bọc kín trong miếng vải mưa: một lá thư viết trên tờ giấy xé từ sổ tay và một gói gần 100 bóng bán dẫn lấy từ vũ khí điện tử của Mỹ. Bức thư khá dài, viết vội và giống như tất cả các bức thư bộ đội hồi đó, nó rất lập trường quan điểm, chỉ xin chép lại một đoạn:
    “...Tớ gửi thư này cho một anh ở đoàn Văn công Giải phóng trên đường ra Bắc. Hình như cậu học ngành điện tử, tớ nhặt nhạnh được một ít bóng bán dẫn, liệu có ích gì cho cậu không?
    Cuộc chiến đấu còn trường kỳ và gian khổ nhưng nhất định thắng lợi, tớ hy vọng ngày chiến thắng sẽ trở về gặp cậu và các bạn. Nhưng nếu tớ phải hy sinh cho ngày chiến thắng ấy, tớ nhờ cậu một việc: cậu có thể để ý giúp mấy đứa em tớ được không?...”
    Thắp hương xong, lão Hâm bảo con Út đi tìm thằng Ba. Khoảng nửa giờ sau một thằng thanh niên đen đủi tập tễnh bước vào, tóc xoăn tự nhiên, lẳng lặng đứng dựa cột nhà không nói không rằng.
    - Anh cả muốn nói chuyện với mày, ông phó mộc gầm gừ.
    Không biết bắt đầu từ cái gì, lão Hâm nhìn xuống chân thằng Ba:
    - Chân chú làm sao thế?
    - Em đá bóng...
    - Đá bóng đâu mà đá bóng, con Út rít lên, trèo tường nhà người ta thì có.
    Thằng Ba không thèm phản ứng trước lời tố cáo của em gái, trơ mắt nhìn lão Hâm.
    - Năm nay chú mười bảy rồi, chú định làm gì?
    - Cưới vợ.
    Giời đất ơi, anh mày đây còn chưa lo cưới vợ, mày mới nứt mắt, không nghề ngỗng gì mà đòi cưới vợ?
    - Mày lấy vợ rồi ai nuôi?
    - Tôi nuôi.
    - Nuôi bằng gì?
    - Tôi làm kiếm tiền.
    - Làm gì?
    - Anh bày cho tôi.
    Nghe được đấy, một thằng nhà quê học chưa hết lớp 3, chân tươi chân héo mà nói thế! Ối thằng học xong đại học còn chưa xin được việc làm đấy con ạ. Lão Hâm quay sang ông phó mộc:
    - Ý bố thế nào?
    - Tôi đã nhắm cho nó con bé Thoan làng Thượng, cho nó cưới chứ không lại như anh cả Tường, nhà này rồi không có người thắp hương, với lại tôi cũng già rồi.
    Thế là thằng Ba gà lấy vợ, thế là lão Hâm trở thành anh cả của đám Ba gà lúc nào không hay.
    Chả biết bắt nguồn từ đâu mà nó có cái tên phụ là gà. Tại nó thích chọi gà hay tính nó gà vịt linh tinh, chả ai biết nhưng cả cái phố Huyện gọi nó thế.
    Lão Hâm mua một cái đài ba bóng Điện Thông, mở ra xem trong đó có những thứ gì rồi mò mẫm len lỏi Chợ Giời hai ngày mua đủ bộ linh kiện, mua cả mỏ hàn, thiếc hàn, panh, kìm cắt, đủ cả. Nói mỏ hàn cho nó oai chứ đấy chỉ là một khúc đồng đỏ mài vát, lấy dây thép quấn làm tay cầm, muốn hàn phải nung trên ngọn lửa bếp dầu. Lão mang toàn bộ đồ lề đó sang phố Huyện và bắt đầu dạy thằng Ba gà lắp đài ba bóng. Lão bắt nó tháo tung cái đài ra rồi hàn lại như cũ. Ông phó mộc cùng con út lăng xăng bên cạnh điếu đóm. Thằng Ba khéo tay, tuy mới cầm mỏ hàn mà mối hàn của nó không kém gì của thợ bậc 3, tròn xoe, bóng loáng. Nó được cái sáng ý, thậm chí là thiên tài về học lỏm. Hì hục từ sáng đến trưa rồi nó cũng lắp xong cái đài nhưng không dám lắp pin, mặt nó ngây dại, tay nó run run:
    - Anh cả kiểm tra xem được chưa.
    Lão Hâm đặt cái đài lên bàn thờ, trước ảnh Tường rồi từ từ nối dây pin, vặn nút dò sóng. Cả căn nhà cũ nát vang lên “Èn en èn en en... Đây là Đài Tiếng nói Vệt nam, phát thanh từ Hà nội...”.
    Ông phó mộc đần người ra, ngồi thụp xuống đất, kéo vạt áo lau mắt. Con út nhảy đến đấm vào lưng thằng Ba thùm thụp còn thằng Ba mím môi nhìn ra phía cuối phố, nơi có cơn gió tung bụi mù mịt...
    X
    X X
    Cứ như thế dần dần thằng Ba gà biết cách lắp đài ba bóng. Nó tự tìm mua linh kiện, vỏ hộp thì đã có ông phó mộc đóng nên cái sản phẩm của nó hơn hẳn những đài quốc doanh, to đẹp và nhờ thế tiếng cũng ấm hơn.
    Người nhà quê đồn nhau: “Thằng Ba gà có ông kỹ sư học ở tây về truyền nghề cho, đặt hàng nó là yên tâm”. Thế là nó thừa việc làm nuôi cả nhà, lại để dành mua được con JAVA05 cũ, chiều chiều chạy vè vè dọc phố, mấy chục đứa trẻ con bám theo. Nó xin lão Hâm mấy tờ báo tiếng Nga vứt lăn loc trên bàn, đi đâu ra ngoài thì nó đút một tờ vào túi quần sau, chân thọt khiến cái mông nó cứ ngoáy ngoáy tờ báo một cách điệu đàng. Sau này, khi người ta hay chào nhau hê lô và bai bai thì nó thay tờ tiếng Nga bằng tờ tiếng Anh nào đó, ở cửa hàng ngoại văn bán khối.
    Mỗi tháng nó về Chợ Giời một lần mua linh kiện, la cà làm quen với đám thợ tay ngang như nó ở Hà nội và nhờ cái tài học lỏm, chỉ sau một năm là nó đã nắm khá chắc mọi bí quyết của việc lắp đài khuyếch đại thẳng. Nó nói về hệ số khuyếch đại, chế độ AB, giải tần của loa v.v. mấy người dân quê cứ là há hốc mồm ra nghe mà phục sát đất. Riêng cái đoạn nếm bóng bán dẫn để xác định chất lượng và hệ số khuyếch đại của bóng thì mấy ông giáo sư Tây có nhìn thấy cũng phải chịu thua.
    Sau ngày giải phóng miền Nam, người ta mang ra bắc rất nhiều máy thu hình, tất cả đều là đen trắng, dùng đèn điện tử, đồ mới cứng thì ít, đa phần là đồ cũ. Việc đầu tiên là phải chuyển trung tần tiếng từ 4,5 Mhz sang 6,5 Mhz thì mới nghe được THVN phát theo tiêu chuẩn kỹ thuật truyền hình của Liên xô. Thời kỳ đầu tiền công chuyển hệ là 70 đồng (bạn hãy so sánh: lương kỹ sư bậc 1 có 63 đ/tháng), mà không phải dễ kiếm ra thợ.
    Một buổi sáng Chủ nhật thằng Ba lạch phạch cái JAVA05 sang nhà lão Hâm:
    - Bố bảo anh cả về khai trương cửa hàng.
    - Cửa hàng gì?
    - Sửa chữa TiVi.
    - Ai chữa?
    - Em.
    - Mày tưởng cái TV nó cũng như cái đài ba bóng nhà mày ấy hả?
    - Thì anh cứ về đi đã.
    Cái nhà ọp ẹp của bố con ông phó mộc bị một cái biển to tướng che mất gần một nửa “Văn Ba - Sửa chữa TiVi các loại - Uy tín - Đảm bảo”. Chui vào nhà, tợp một hơi chén chè mạn từ tay ông phó mộc nay đã mù hẳn, lão Hâm thở dài:
    - Này Ba, chú định sửa TV kiểu gì nói anh nghe xem nào!
    - Đầu tiên anh cả bày cho em cách chỉnh tiếng, em chỉ chuyên trị chỉnh tiếng thôi, còn máy nào hỏng thì em nhận về để đấy, Chủ nhật anh cả hay bạn anh cả sang sửa, rồi em học dần.
    Nhìn khuôn mặt đần thối của lão Hâm, thằng Ba quát con Út:
    - Mày còn đứng trơ mắt ra đấy à, không đi bắt gà làm cơm cho anh cả ăn!
    Con Út đã dậy thì, ngực nhu nhú, hai má hây hây, ngúng nguẩy chạy ra vườn: ”Em bắt con gà mái hoa anh cả nhé!”.
    Lão Hâm bày cho thằng Ba cách thay tụ, cắt bớt dây cuộn trung tần âm, cách chỉnh tiếng. Sau dăm buổi kèm cặp, nó đã khá thạo. Từ đó cửa hàng Văn Ba liên tục phát triển.
    Ngoài cái khéo, thằng ba còn có cái khôn. Người nhà quê đã không khôn thì thôi, hễ khôn thì khôn hơn dân thành phố. Nó bảo kê tất cả tivi, đài đóm của lãnh đạo tất cả các ban ngành của huyện. Bảo kê nhưng không dám thò tay vào chữa, nó vừa xoa tay vừa cười hề hề với ông Trưởng Công an huyện:
    - Cái con TiVi của bác là Mỹ - Nhật hợp tác sản xuất (!?), nó là hàng cao cấp, chất lượng cao, phải đích thân bác cả nhà em ra tay. Em nói thật đấy, không phải thợ nào cũng dám sờ vào cái TiVi nhà bác đâu.
    Ông lãnh đạo công an huyện sướng âm ỉ, dù sao làm lãnh đạo cũng phải có cái gì đó hơn dân thường chứ? Ngoài ra, “bác cả” có cái tính hâm là chữa không lấy tiền. Lão Hâm luôn áy náy một điều: nhân dân cho mình ra nước ngoài ăn học, chữa cái máy vô tuyến cho dân có là cái gì so với lượng học của mình, mình lấy tiền thì có xứng đáng không?
    Thằng Ba thì khác, muc đích duy nhất và kiên định của nó là kiếm tiền. Cái bóng công suất bên Hà nội bán 150 đồng, thay cho khách nó tỉnh bơ tính 250 đồng, chưa kể tiền công. Nhiều khi nó xoa tay cười dễ dãi:
    - Chỗ hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, em làm giúp bác ấy mà!
    Bỏ mẹ cái ông hàng xóm ấy rồi, gần Tết mà không biếu thằng Ba gà một cặp gà thì lương tâm cắn rứt lắm.
    Ở trên đời, nghề nào cũng vậy, không gian manh không kiếm được tiền. Chú cảnh sát giao thông đứng suốt ngày hít bụi đường không kiếm tý thì lấy gì nuôi vợ nuôi con? Cái khoản bịp khách thì lão Hâm phải gọi Thằng Ba là sư tổ. Thông thường trong TV các bóng đèn khuyếch đại tín hiệu rất ít khi hỏng, vì vậy giá của chúng thường rất rẻ, thậm chí dân thợ còn cho không nhau. Thằng Ba luôn ngầm phá hỏng bóng trung tần để khách phải thay. Nó giàu lên trông thấy.
    
    Đến khoảng năm 85 thì thằng Ba gà xây nhà, nhà một tầng thôi nhưng mái bằng đàng hoàng, oách nhất phố. Con Thoan vợ nó béo đẫy, chả phải làm gì ngoài việc mặc bộ đồ Sài gòn đi ra đi vào.
    Con Út được thằng Ba chạy mất mười mấy cây sang Đức lao động, lấy một thằng Đức, đẻ ra hai chú lai xinh đáo để. Có đận cả nhà kéo nhau về thăm quê ngoại, bốn người xuống xe hơi mà nước hoa thơm phức cả phố huyện. Thôi cũng là mừng cho nó.
    Sau năm 85 việc sửa TV không còn ăn mấy, Ba gà chuyển sang làm đại lý bán TiVi. Sửa chữa thì chỉ là làm chân thợ, làm dịch vụ hầu hạ người đời nhiêu khê lắm, bán hàng đại lý mới không vất vả, không phải bỏ vốn, lại không phải chịu trách nhiệm gì sất.
    -" Máy mới dùng đã hỏng à? Bố nhà quê ơi, ai bảo bố lúc máy hoạt động không dỡ cái khăn che bụi đi, máy giời cũng phải nóng lên mà hỏng, thế bố ngủ với vợ bố cũng không tụt quần ra cho con nhờ à? À, thế Bố có tháo khăn che ra à? Vậy thì đây, bố mang máy đến địa chỉ XYZ mà bảo hành nhé, Công ty người ta có trách nhiệm bảo hành cho bố, bố hiểu chưa?"
    Khoảng năm 95 thì thằng Ba giầu vào hạng nhất nhì phố huyện, bây giờ thỉnh thoảng ông Chủ tịch huyện ghé vào nhà nó chơi, nói chuyện thời sự quốc tế, hút thuốc ba số (bạn đọc thân mến ơi, bạn thử tìm xem có ông chủ tịch huyện nào ngoài giờ hành chính còn bàn chuyện huyện sự không, nếu có tôi chỉ xin bé bằng con kiến), và nếu cần thì vay tạm một ít tiền để giải quyết công chuyện gì đấy. Thằng Ba cho vay, tất nhiên là không lấy lãi. Lãi chính là uy tín cá nhân của nó ngày càng cao, vừa rồi bầu Hội đồng Nhân dân huyện nó suýt trúng đấy, chỉ thua cái nhà anh tiến sỹ gì có mấy phiếu thôi. Dân trong huyện cứ tấm tắc khen ông tiến sỹ là giỏi, chả thấy vắng mặt đi học ngày nào bỗng dưng có ngay cái bằng tiến sỹ kinh tế! Mấy thằng thanh niên mất dạy thì gọi ông ta là tiến sỹ kinh thế!
    Rồi thằng Ba đập cái nhà cũ đi xây nhà mới bốn tầng. Đất nhà nó rộng cả sào bắc bộ, mà nó lại xây nhà kiểu ống cho giống trên Hà nội, bề ngang bốn thước, hun hút ra tận cầu ao. Người nhà quê họ quê ở chỗ cái gì cũng bắt chước làm như Hà nội, bắt chước cả cái người ta cực chẳng đã phải làm. Hôm khai trương nhà, thằng Ba cũng mời lão Hâm sang ăn tân gia. Nó dẫn lão Hâm đi khắp bốn tầng nhà, khoe mấy cái toilet hiện đại nước xối phe phé. Có cười khiêm tốn một cách đắc ý:
    - Em dân quê làm nhà chắc còn nhiều khiếm khuyết, có gì bác cả bảo ban thêm.
    - Mày không hỏi tao từ trước khi xây, bây giờ ván đã đóng thuyền, góp ý vuốt đuôi góp làm gì!
    Không lạ gì tính bác cả Hâm, thằng Ba bẻo lẻo:
    - Chính tay em làm xong rồi mà còn thấy nhiều điểm chưa ưng ý, huống hồ bác đi nhiều biết rộng chắc phải thấy nhiều cái chưa được mắt.
    - Thế tao bảo mày phá đi làm lại mày có nghe tao không? Lão Hâm trêu.
    - Cái gì cần đập em sẵn sàng đập, bác biết tính em rồi.
    - Thế thì tao chỉ nói có hai cái thôi. Một: nhà mày to thế mà cái bàn thờ bé tý, không ổn. Mày phải làm to ra, lấy kích thước theo Lỗ Ban. Mang ảnh ông bà già và ông cả Tường lên Hà nội cho họ làm lại trên máy vi tính, về treo cho thật trang trọng. Cái này dễ phải không? Hai: khi nào đập được thì mày đập mẹ nó cái mái chóp cho tao nhờ, nhà nhà chóp chóp, người người chóp chóp, rõ là dân nhà quê. Cười cái gì, ngay giữa Hà nội cũng là dân nhà quê nốt, đạo Hồi không phải, đạo Ấn độ không phải, làm cái chóp làm gì, voi đú chuột chù cũng đú!
    Ba năm lại đây, thằng Ba gà không buôn bán gì nữa, nó xoay sang kinh doanh internet. Gian phòng rộng phía trước nó cho lắp đặt 20 cái PC, xài ADSL đàng hoàng. Biển hiệu đơn giản “Văn Ba - Internet”. Nó cho vợ nó trông coi cửa hàng, còn nó tham gia hội phật tử, đội nhang đi khắp các chùa trong nam ngoài bắc.
    Hôm nay nó khai trương ban Phật, mời ba bốn chục người tham dự. Hóa ra nó đập cái mái chóp theo lời khuyên của lão Hâm mấy năm trước, cơi ra thành một căn phòng rộng rãi, lập ban thờ Phật. Nó mặc bộ đồ nâu phật tử, kính trắng lấp lánh dưới mái tóc xoăn tự nhiên đã bắt đầu điểm bạc, vui vẻ tiếp khách. Sau một tuần trà thuốc, nó mời mọi người lên ban Phật tụng kinh.
    Nó gõ mõ, tụng kinh rất thành thạo, vẻ mặt thành kính và thanh thóat.
    Kinh Phổ môn đang tụng dở dang, bỗng dưới nhà có tiếng ồn ào:
    - Thằng Việt Cường đi xe máy ngã gãy chân rôi ông Ba gà ơi.
    Thằng Ba vứt dùi vứt mõ tập tễnh vịn cầu thang chạy xuống, mọi người vội vàng chạy theo. Lão Hâm biết mình chả giúp được việc gì, ngồi trầm ngâm ngắm nhìn bức tượng Phật Bà Quan Âm mờ tỏ sau lớp khói hương. Dưới kia, sau ô cửa sổ là cái ao nhà bên cạnh, mấy con vịt lặn ngụp trong đám rác và túi ni lông nổi lều bều...
    

Kết Thúc (END)
Phan Chí Thắng
» Woman In Black
» Đêm Say
» Chuyện Cây Cầu Làng Lão Hâm
» Chuyện Nhà Lão Hâm Xem Đá Bóng Hay Nồi Cháo Gà Vào Đêm Sinh Nhật
» Mùa Gặt
» Phượng
» Lão Mù
» Cỏ May
» Dư Âm Ngày Valentin Của Lão Hâm
» Người Viết Bài Thơ Tình Hay Nhất
» Anh Mắt Lác
» Ứng Xử
» Gà Sang Đường
» Cũng Là Một Câu Chuyện Tình
» Ba Cái Lá Ngón
» Cây Đa Thôn Vĩ Hậu
» Tiết Mục Hát Bội Của Đơn Vị Lão Hâm
» Người Đàn Bà Xa Lạ
» Ảo Giác
» Chuyện Lão Hâm Tham Gia Đào Tạo Tài Năng Trẻ
» Chuyện Lão Hâm Lãng Đãng Mùa Thu Hà Nội
» Chuyện Ở Phố Huyện
» Cậu Toại
» Cô Bé Đá Bóng
» Nàng Công Chúa Biển