Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Từ Miền Quê Yên Tĩnh Tác Giả: Mai Ngữ    
    Thủy bước vào cuộc đời nghệ thuật một cách ngẫu nhiên, vô cùng ngẫu nhiên. Quê hương cô không xa thủ đô, chỉ cách chừng năm chục cây số đường chim bay nhưng lọt thỏm giữa những ngọn đồi thấp, hẻo lánh và khô cằn, lại không có đường cái lớn. Đó là một miền quê yên tĩnh, không hề bị quấy rộn vì không khi thị thành, một miền đất cổ sơ đã gần như bị hoá thạch: ruộng bạc màu ít còn khả năng canh tác, những thửa ruộng khoai, trồng ép chỉ có sinh ra những củ nhỏ và dài như chuôi dao lại đầy xơ. Người dân sinh sống chật vật, chỉ có nghề phụ duy nhất là sử dụng những lưỡi mai nạo hết đất bên trên, xén lượt đá ong phía dưới, đánh thành từng viên đá ong lỗ chỗ màu vàng xỉn to như năm sáu viên gạch xây, nạy lên xếp vào xe cải tiến đem bán cho các vùng lân cận làm một thứ vật liệu xây tường và xây giếng. Đó là công việc rất nặng nhọc, chỉ có đàn ông trai tráng mới kham nổi. Đầu làng có cái chợ nhỏ họp ngay ngã ba ria đồi vào buổi chiều để dân làng mua bán mớ tép, giỏ cua hay mớ cám, mớ rau lang cho lợn. Về mùa đông, có những gánh rau cải củ già mà nhà nào cũng về đem ướp muối ăn quanh năm...
    Quê hương của Thuỷ chẳng có thứ đặc sản nào ngoài sự yên tĩnh đến hiu hắt, nhìn quanh chỉ thấy những ngọn đồi trồng bạch đàn thân gầy guộc và mốc trắng với những chùm lá phất phơ như lá liễu. Ngoài bìa làng có một dòng sông nhỏ, dòng sông cũng hiu hắt kẹp giữa hai bờ đê cao với những khóm tre cằn trút lá xuống mặt sông, vài con thuyền cũng nhỏ nhoi như con sông thơ thẩn buông câu thả lưới, vét lên những chú cá gáy và mỏng như lá liễu.
    Thuỷ sinh ra và lớn lên tại một miền quê như vậy nên chưa bao giờ, khi còn sống ở làng, cô gái lại có thể nghĩ rằng một ngày nào đó cô bỏ chốn này ra đi đến nơi đô hội và bước vào cuộc đời nghệ sĩ, một cuộc đời mà cho đến lúc này cô vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của nó. Ngay cả cha mẹ cô cũng vậy, mặc dù cha cô giữ chức Trưởng phòng Văn hoá của huyện, cũng chỉ nghĩ được rằng sau này gia đình cố gắng lắm cũng chỉ có thể tạo điều kiện cho cô trở thành một cô giáo làng, một cô thú y hay cán bộ chăn nuôi của hợp tác xã nông nghiệp. Bà mẹ đơn giản hơn, chỉ mong sao con khôn lớn kiếm được một người chổng cùng làng, cùng huyện nhà chồng ít người và bà mẹ chồng mát tính thì tốt quá rồi...
    Nói chung ước mơ của họ chưa bao giờ vượt qua những ngọn đồi thấp và cằn cỗi bao quanh, chưa vượt qua dòng sông nhỏ, hắt hiu ngoài làng. Thế nhưng số phận cô gái lại rẽ ngoặt theo con đường khác lạ, vô cùng khác lại chẳng ai kể cả bản thân cô ngờ tới...
    Đó là thời kỳ mà Mỹ đe doạ sẽ đẩy xã hội miền Bắc Việt Nam về “thời kỳ đồ đá”. Những phi đội phản lực cơ của Hoa Kỳ ào ạt đánh phá vào những thành phố, thị xã, những khu công nghiệp vừa được hình thành ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, những trục đường cùng những cầu cống, bến phà... Chiến tranh ngày càng lan rộng và tự nhiên cái miền quê yên tĩnh và hẻo lánh xa các trục đường giao thông của Thuỷ trở thành nơi tập trung các trường học từ thành phố sơ tán về. Lúc đó, Thuỷ vừa kết thúc chương trình cấp 2 phổ thông và đang băn khoăn xem có nên thi cấp 3 hay thi vào một trường trung cấp nào đó của tỉnh? Ngày ấy, Thuỷ cũng như đám bè bạn của cô biết rành rọt đặc điểm sơ tán của các trường nghệ thuật, trường Múa, trường Nhạc và trường Mỹ thuật thì đóng ngay ở làng. Những trường sơ tán này đã đem đến miền quê cái không khí náo động bởi số người, số học sinh, sinh viên cùng với cách thức sinh hoạt hay ngôn ngữ mới lạ của họ. Chợ búa đông và sầm uất hơn, thực phẩm được đưa về dồi dào hơn, tất nhiên giá cả tăng hơn.
    Mua hè, trường Mỹ thuật kết thúc một năm học tập. Nhà trường tổ chức bữa cơm liên hoan chung với lãnh đạo địa phương nơi sơ tán để cảm ơn sự giúp đỡ của họ. Bữa tiệc ấy, phía chủ có Đảng uỷ và Ban giám hiệu, có các cán bộ phụ trách các khoa, các phòng ban; phía khách mời có chủ tịch, bí thư huyện, trưởng phòng Văn hoá huyện, bác sĩ trong bệnh viện, trưởng phòng Giáo dục cùng cán bộ chủ chốt của xã... Ông chủ tịch huyện là người chất phác nói với ông hiệu trưởng khi rượu bắt đầu ngấm, ngà ngà say:
    - Nhờ có đợt sơ tán này nên huyện chúng tôi mới có dịp tiếp xúc với các vị nghệ thuật trung ương nhạc, múa lại cả mỹ thuật của các đồng chí... Thử hỏi các huyện nào tập trung được một lực lượng dồi dào như vậy? Nhưng dẫu sao cũng là của trung ương, chúng tôi muốn đợt này, các đổng chí cho xuất chuồng... À, xin lỗi, cho ra trường học sinh tốt nghiệp, các đồng chí ưu tiên cho huyện chúng tôi vài ba nhà hoạ sĩ để phục vụ địa phương. Huyện luôn có hội nghị, có cả tỉnh xuống dự, chúng tôi cần người làm trang trí hội trường, kẻ khẩu hiệu, hoạ chân dung lãnh tụ... Mà cái lão truyền thần ngoài phố huyện chém đắt lắm, không có không xong, chẳng lẽ hội trường lại trống trơn... Lần này dứt khoát là các đổng chí phải cho chúng tôi người đấy... Nào xin ngoắc tay.. Các đồng chí cần gì, chúng tôi xin phục vụ chu đáo.
    Hiệu trưởng cũng say vội chìa ngón tay ra:
    - Được thôi... gì chứ người thì chúng tôi không thiếu, mỗi khoá đào tạo dăm chục hoạ sĩ, chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho huyện ta hai cậu, một hoạ sĩ, một điêu khắc, được chưa? Muốn vẽ tranh có người vẽ, muốn nặn tượng có người nặn...
    Bí thư huyện uỷ cũng gật gù, duy có trưởng phòng Tổ chức là còn tỉnh táo, vội đỡ lời thủ trưởng:
    - Thưa các đồng chí, điều này xin để tổ chức chúng tôi lo liệu. Khoá này thì hơi khó vì chúng tôi đã có dự kiến phân công công tác rồi và đã báo cáo lên Bộ... Với lại tôi sợ rằng cấp huyện hình như không có hoạ sĩ trong biên chế thì phải?
    Ông chủ tịch huyện ngơ ngẩn và quay hỏi ông Trưởng phòng Văn hoá huyện ngồi đối diện:
    - Này, đồng chí Bàn, phòng Văn hoá của ta không cớ biên chế hoạ sĩ à?
    - Vâng đúng thế! Trên Ty cũng chỉ có một biên chế là hoạ sĩ thôi, còn dưới cấp phòng chúng tôi tất cả đều kiêm nhiệm...
    Bí thư hiệu uỷ ngó gương mặt của ông chủ tịch huyện đang vui bỗng thuỗn ra, vội xua tay:
    - Xin các đồng chí cứ yên tâm khi chúng tôi còn sơ tán ở địa phương các đồng chí các đồng chí có công việc gì về mỹ thuật, các đồng chí cứ sai bảo, nhà trường sẽ điều các em học sinh sinh viên đến phục vụ không dám nhận tiền bồi dưỡng... Chúng tôi dự kiến dịp nghỉ hè tới sẽ cho học sinh đi thực tế ngay tại huyện ta, các em sẽ đi khắp các xã trong huyện vẽ tranh cổ động sản xuất và chiến đấu, rồi các đồng chí sẽ thấy chỉ qua vụ thu hoạch chiêm màu này, quang cảnh của huyện ta sẽ hoàn toàn đổi thay. Còn nếu các đồng chí có nhu cầu, nhà trường chúng tôi sẽ ưu tiên đào tạo cho địa phương mấy học sinh trong đợt tuyển sinh này, các đổng chí cử các em đi học rồi lại về phục vụ địa phương, khỏi phải mất kinh phí hay biên chế, đó cũng là chủ trương đường lối của Đảng, đường lối văn nghệ phục vụ công nông binh.
    Các vị khách địa phương tươi tỉnh hẳn lên, ôi thế thì còn gì bằng? Mọi người vỗ tay rào rào, lại nâng chén, lại chúc tụng và cạn chén. Rượu quê quả là thơm ngon...
    Ông Bàn, trưởng phòng Văn hoá huyện ngồi bên trưởng phòng Tổ chức của trường, chợt nghĩ ra, ghé tai hỏi:
    - Bác Thành này, nếu học ở trường ta thì phải có bằng cấp lóp mấy mới thi vào được ạ?
    - Hết cấp 2 thì thi vào hệ trung cấp, còn vào Cao đẳng phải tốt nghiệp lớp Mười...
    - May quá, tôi có con cháu út vừa thi hết cấp 2 xong.
    - Cháu có biết vẽ không?
    - Tôi cũng chẳng rõ, đi làm trên huyện cả ngày chẳng còn thì giờ chú ý đến con cái nữa... Nhà tôi ở sát trường các bác đây, giá cháu nó được vào học thi tốt quá...
    Trưởng phòng Tổ chức rất nhiệt thành:
    - Thôi được rồi, nếu bác có ý cho cháu vào học trung cấp mỹ thuật tại trường chúng tôi, tôi sẽ cho mấy em học sinh của trường đến luyện thi cho cháu mấy tháng hè... Bác chuẩn bị hồ sơ cho cháu rồi nộp cho tôi. Đồng chí bí thư của chúng tôi vừa nói: Ưu tiên địa phương mà. Bác vừa là huyện lại vừa là xã, thừa tiêu chuẩn cho cháu thi vào. Mà chúng tôi hứa với bác là sẽ tạo điểu kiện cho cháu trúng tuyển...
    - Trăm sự nhờ bác giúp đỡ...
    - Bác cứ yên tâm... chúng tôi đã hứa là trăm phần trăm... Nói thật với bác chứ đợt tuyển sinh năm nay cũng khó khăn gay go lắm... Chiến tranh ngày càng ác liệt, lấy đâu cán bộ đi tuyển sinh tận các tỉnh khu Bốn, ngay học sinh Hà Nôi mọi khoá gạt ra không hết, năm nay cũng ít đứa nào chịu về tận đây học. Chỉ tiêu Bộ cho năm chục mà đến nay chúng tôi mới nhận được chưa đầy hai chục đơn xin thi vào... Thiếu nhiều lắm bác ơi, vì thế tôi bảo bác cứ yên tâm.
    Thêm là con gái ông trưởng phòng Văn hoá huyện có cái tên là Dậu, Nguyễn Thị Dậu vì cô sinh năm Dậu (1958) nghiễm nhiên trở thành học sinh hệ trung cấp trường mỹ thuật. Khi vào trường, cô đổi tên là Thanh Thuỷ... Sở dĩ tôi biết rõ sự tình vì chính tôi là Thành, trưởng phòng Tổ chức của nhà trường, người đã được ngồi uống rượu trong bữa liên hoan cuối năm đó. Sau bữa tiệc ngà ngà ấy, tôi đã thực hiện đúng lời hứa hẹn với ông Trưởng phòng văn hoá huyện, tìm cách thu xếp cho con gái ông lọt qua kỳ thi tuyển sinh một cách dễ dàng bởi cô được nhiều chiếu cố, nào là người địa phương, nào đào tạo theo yêu cầu của địa phương, không chiếm chỗ trong tiêu chuẩn tuyển sinh mà Bộ giao cho. Với lại cô gái cũng chỉ học ở trường, sau bốn năm lại về địa phương công tác, cán bộ tổ chức như tôi đỡ phải làm khâu sắp xếp bố trí công tác...
    Ba năm đầu, nhà trường vẫn ở nơi sơ tán, sang năm thứ tư, khi Mỹ buộc phải ngừng oanh tạc miền Bắc, trường chúng tôi cũng như các trường sơ tán khác đều lục tục kéo về thành phố và một năm nữa trôi qua rất nhanh. Khoá học kết thúc, học sinh tốt nghiệp được phân công công tác ở các nơi, các cơ quan có nhu cầu đều nhận đủ người cần thiết. Lúc đó, công việc của tôi bận túi bụi, đây là thời gian giành hết cho cán bộ tổ chức nhà trường, trưởng phòng lại càng bận hơn, tôi phải rà lại hết số học, sinh trung cấp vừa tốt nghiệp, sinh viên cao đẳng phải một năm nữa mới ra trường. Và khi xem lại hổ sơ của cô học sinh tên là Thanh Thuỷ tôi mới chợt nhớ tới cô gái người địa phương nơi sơ tán cũ. Dễ thôi, cô sẽ được điều động về ngay cái huyện của cô bởi cô được đào tạo theo yêu cầu của địa phương, địa phương trang trải kinh phí học tập và tất nhiên phải trả người của họ về. Tôi làm quyết định phân công cho Thuỷ. Và tôi rất ngạc nhiên thấy cô không chịu nhận quyết định, cô giống như nhiều học sinh khác chỉ muốn ở lại thành phố, theo họ phải sống và làm việc ở nơi này mới phát triển được tài năng nghệ thuật. Tôi buộc lòng phải nói lại cho cô hiểu lý do tại sao, cách đây bốn năm, cô được nhận vào trường với sự châm chước tối đa khi tuyển. Và tôi cũng nói cả sự cam kết của lãnh đạo huyên với nhà trường, rằng tiền cô ăn học từng ấy năm trời là đo địa phương đóng góp, chúng tôi không có quyền điều động cô đi nơi khác. Tôi kể lại cho cô nghe về lời hứa của bản thân tôi với cha cô trong bữa tiệc rượu năm ấy. Tôi nói thêm về viễn cảnh nơi quê hương cô về chủ nghĩa xã hội đang được xây dựng ngày càng vững mạnh ở nông thôn và cô nên đem tài năng, nếu quả thực cô có tài năng, về phục vụ cho bà con mình... Với lại, chiến tranh đã chấm dứt, Tổ quốc đã thống nhất hoà bình vĩnh viễn, rồi đây nông thôn sẽ theo kịp thành thị, mọi thứ tiện nghi trong nhà đều có đủ, đời sống nhân dân ngày càng cao, nhu cầu về văn hoá ngày càng lớn. Tôi nói rất say sưa, tưởng như cái viễn ảnh huy hoàng kia đang hiển hiện ra trước mắt vậy...
    Sú biện luận đầy tình nghĩa của tôi đã làm cho cô gái chưa đây hai mươi tuổi xúc động và nhận quyết định công tác. Tôi nghĩ sự việc đến đây là kết thúc tốt đẹp...
    Một tháng sau, tôi lại thấy Thanh Thuỷ đến trường xin gặp tôi, cô nói:
    - Thưa bác, cháu đã đưa quyết định của trường về huyện nhưng các bác ở huyện không nhận. Các bác ấy nói: huyện không có biên chế hoạ sĩ...
    - Sao cô không gặp bác chủ tịch?
    - Thưa bác, bác chủ tịch trước đã về hưu, còn bác chủ tịch mới không cho gặp. Bác ấy nhắn cháu cứ về nhà, thỉnh thoảng huyện có công việc gì cần làm thì cho gọi, hết việc lại nghỉ. Như vậy là cháu không có biên chế, không có lương, không có cả tem phiếu sổ gạo...
    - Sao cô không lên Ty Văn hoá tỉnh xem họ có cần hoạ sĩ không?
    Dạ, cháu có nhờ người hỏi họ nhưng trên Ty bảo họ chỉ lấy Cao đẳng, không lấy Trung cấp...
    - Thế bố cô không giúp gì được cho cô sao?
    Cô gái cúi đầu:
    - Thưa bác, bố cháu về hưu hai năm nay rồi... Bố cháu cũng chẳng giúp được gì cho cháu, chỉ báo cháu lên đây nhờ cậy các bác nhà trường giải quyết cho cháu... Bác cứ phân công cho cháu ở Hà Nội cũng được...
    Tôi kêu lên:
    - Cũng được? Cô tưởng về Hà Nội dễ dàng lắm sao? Ai cũng muốn về Hà Nội, chẳng ai chịu đi các tỉnh? Cô muốn đi đâu, về đâu, trước hết nơi ấy đánh công văn xin đích danh cô. Lại còn việc nhập hộ khẩu nữa, giá như cô có hộ khẩu Hà Nội thì còn dễ, đằng này... Mà cơ quan nào muốn nhận cô cũng phải có chỉ tiêu hộ khẩu, rắc rối lắm cô bé ơi, ngay tôi định đưa bà vợ tôi ở quê ra đây cũng đang kẹt.
    Cô gái cúi đầu nghe tôi nói và chỉ nhắc lại:
    - Bố cháu nói trăm sự nhờ bác giúp đỡ... Cháu không thể về quê được nữa. Giá như huyện nhận cháu, cháu cũng không về, về làm gì thưa bác? Bố cháu chỉ mong bác giúp đỡ...
    Cô nhắc đi nhắc lại câu ấy, tôi thở hắt ra:
    - Tất nhiên là tôi phải giúp cô, trăm sự cũng tại tôi. Tự nguyên tự lành, tôi đưa cô vào học trường này rồi chẳng lẽ lại bỏ rơi cô bé? Mà các vị ở địa phương cũng bốc lên trong bữa tiệc rượu rồi quên béng mất, nay đến việc lại duỗi ra. Giá là con cái các vị thì lại khác hoặc các vị còn đương chức đương quyền, đằng này đã về hưu ráo cả, cái gánh nặng trút lên đầu thằng tôi đây...
    Tôi lặng lẽ ngắm dung nhan cô học trò của tôi, lần đầu tiên tôi để ý đến cô, cô cũng trạc tuổi con gái lớn của tôi. Thuỷ không đẹp, một cô gái quê đang bị pha tạp bởi lối sống thành thị từ cách ăn mặc, đi đứng nói năng. Khuôn mặt Thuỷ nhìn lâu có những nét khá độc đáo so với các cô gái khác, đặc biệt là đôi mắt, đôi mắt đen và dài, hơi xếch lên trông vừa thơ dại vừa ngồ ngộ giống như mắt loài nai. Và khóe miệng lúc nào cũng he hé, nửa như cười nửa như không, nụ cười vu vơ chẳng rõ rệt. Đôi mắt và khóe miệng ấy tạo cho gương mặt cô gái một vẻ bí ẩn, ngây ngây như người thiếu sự cân bằng trong hệ thần kinh...
    Tôi ngẫm nghĩ rồi nói với cô gái đang đứng sững cúi đầu trước bàn tôi:
    - Bây giờ cô cứ về nhà. Tôi hứa sẽ hết sức giúp cô có công ăn việc làm chu đáo nhưng phải đợi xem nơi nào có nhu cầu xin người. Mà nếu cô xem cơ quan nào xin cô bảo họ gửi công văn cho tôi, tôi sẽ làm quyết định sớm để cô làm việc... Bây giờ cô nên về nhà, khi nào có quyết định phân công, tôi sẽ gửi công văn về nhà bảo cô lên nhận. Thế nhé...
    Tôi hứa với cô gái như vậy nhưng tôi vẫn gặp không ít khó khăn trong việc này, hơn nữa chẳng lẽ một anh trưởng phòng Tổ chức lại cắp cặp đi xin việc cho một cô học sinh trung cấp. Vi vậy thời gian trôi qua mà tôi vẫn chưa giải quyết được việc này và cũng từ ngày đó, tôi không thấy Thuỷ xuất hiện ở trường. Tôi đoán chắc cô đã tìm được một công việc gì đó, ở một nơi nào đó phù hợp, có khi chẳng liên quan gì với nghệ thuật hoặc có khi cô đã về quê, sống cuộc đời dân dã với gia đình? Với lại ở trường tôi đã xảy ra bao nhiêu chuyện gọi là đấu tranh nội bộ, ông nọ hất ông kia, chi bộ hay công đoàn cứ loạn xạ cả lên. Duy có tôi văn bình yên vì tôi chẳng thuộc về phe nhóm nào, cũng chẳng có ham hố gì, tôi biết chẳng bao giờ tôi trở thành hiệu trưởng hay hiệu phó làm một anh trưởng phòng Tổ chức đã là quá sức tôi rồi. Nhà cửa vợ con vẫn ở quê, xin mãi không chuyển ra được Hà Nội đành chịu, con cái cũng vậy, chúng cam chịu là anh nông dân cổ cày vai bừa, chân lấm tay bùn. Tôi cũng mong sao từ giờ đến ngày nghỉ hưu không phạm sai lầm gì là tốt, rồi cũng về quê cùng vợ con. Ôi, làng quê tôi tuy nghèo nhưng lại giàu tình nghĩa.
    Tình cờ, rất tình cờ, tôi gặp một anh bạn cũ cùng ở bộ đội về, nay làm công tác tổ chức ở một Ty Ngoại thương tỉnh. Anh phàn nàn với tôi rằng ở tỉnh anh rất cần đẩy mạnh mặt hàng mỹ nghệ xuất khẩu nhưng lại thiếu cán bộ có chuyên trách, có năng khiếu thẩm mỹ để giúp đỡ các hợp tác xã mỹ nghệ thủ công...
    Tôi chú ý nghe và hỏi:
    - Vậy các anh có cần hoạ sĩ. Tôi điều cho một người?
    - Nếu vậy thì quá tốt.
    - Trung cấp được không?
    - Được, miễn là có trình độ để chỉ đạo cho thợ thủ công làm hàng.
    - Nữ được không?
    - Cũng được... Kể ra nam thì tốt hơn vì phải đi xuồng các cơ sở nhưng chẳng có thì nữ cũng được, chưa chồng con thì tốt...
    Tôi mừng quá vì tôi nhớ đến cô gái học sinh của tôi. Về nhà tôi liền viết giấy mời cô đến trường nhận quyết định công tác về tỉnh X. nhưng chẳng hiểu sao, tôi không thấy Thuỷ đến. Hay là công văn không tới nơi hay cô ta đã có công việc gì rồi nhưng ít ra phải trả lời tôi biết chứ? Lại một thời gian trôi qua, tôi chán nản, thôi thế là lỡ mất thời cơ rồi hỡi cô Thuỷ bé bỏng và thơ dại Một hôm, tôi nhác thấy một cô học sinh cùng khoá Thuỷ, đến trường có việc gì đó? Tôi mời cô bé lên phòng và hỏi thăm về Thuỷ, cô có biết tin tức gì về Thuỷ?
    Cô học sinh nhìn tôi ngạc nhiên:.
    - Ơ, cháu tưởng bác biết chứ nhỉ? Thuỷ có ở quê đâu mà nhận được giấy báo của bác. Nó sống ở ngay Hà Nội từ ngày ấy đến giờ, sao nó không đến bác?
    Đến lượt tôi ngạc nhiên:
    - Cô Thuỷ sống ở Hà Nội à? Ở nhà ai thế cô?
    - Nó ở nhà nó à, ở nhà chồng nó mà!
    Lại thêm một sự ngạc nhiên nữa:
    - Nhà chồng? Thuỷ lấy chồng rồi lấy hồi nào vậy? Mà chồng làm gì?
    - Vậy ra bác không biết gì thật. Người ta đồn ầm cả lên. Nó lấy ông V. được gần nửa năm nay rồi...
    - Ông V. nào?
    - Trời ơi, ông V. hoạ sĩ nổi tiếng cả Hà Nội đều biết. Bác chẳng để ý gì đến giới nghệ sĩ nên bác không biết là phải.
    Cô gái nói đúng, tôi đâu phải là nghệ sĩ, chỉ là anh cán bộ tổ chức, chỉ quen biết với bè bạn cùng ngành, cùng lắm là những anh bộ đội cũ cùng chuyển ngành như tôi. Dù sao thì tôi cũng không nên lộ vẻ ngớ ngẩn trước cô học trò cũ, tôi chống:
    - Tôi biết chứ... nhưng tôi nghĩ... Tại sao Thuỷ lại lấy ông V. mà sao ông ta lại quen biết và lấy nó? Hiện nay cô ấy làm gì, ở cơ quan nào, cô có biết không?
    Cô gái trả lòi tôi dè dặt:
    - Thưa bác, cháu cũng không rõ tại sao Thuỷ lại quen biết và lấy ông ấy. Chúng cháu tuy cùng học với nhau nhưng cũng chẳng thân nhau lắm, với lại cháu cũng bận công tác, chỉ nghe bè bạn kháo nhau vậy thôi ạ...
    Về sau, khi tìm hiểu những giáo viên và đám sinh viên của trường, tôi mới biết con đường đi của cô gái con ông nguyên trưởng phòng Văn hoá huyện trung du áy, một cô gái quê thuần phác lọt vào môi trường hoàn toàn xa lạ với cô. Rồi cô cố gắng sống thích nghi với nó, hiểu nó một... cách mập mờ. Ròng rã bốn năm trong trường, cô chưa được dậy bảo đến nơi đến chốn, điều gì cũng lờ mờ và cái từ nghệ thuật, nghệ sĩ mỹ miều ấy đến với cô bé như một luồng sáng rực rỡ đến chói mắt khiến cô bé ngây ngất, cô chỉ tơ tưởng đến sự huy hoàng của nó, nên khi nhận quyết định về huyện nhà chán nản đau khổ. Từ chối thị thành trở lại miền quê cô chỉ thấy có màu sắc ảm đạm. Cô hiểu cô không thể nào sống ở đây được dù đó là nơi đã sinh ra cô, đã nuôi dưỡng cô, bây giờ ở đó không còn những vẻ đẹp bình yên chỉ là sự hiu hắt, nhỏ nhoi với những người dân quê chân lấm tay bùn không có chút hiểu biết gì về nghệ thuật để có thể hàng ngày trò chuyện với cô. Khi bị huyện khước từ vì không có biên chế. Thuỷ không buồn trái lại vô cùng vui sướng vi cô đã có cớ để rời xa nơi này như con chim bay càng xa càng tốt. Cũng không nên trách cứ cô gái dù cô làm công việc gì đi nữa thì tiếng gọi nơi đô thị đầy ánh sáng vẫn đủ sức lôi cuốn các cô...
    Về Hà Nội, Thuỷ đến ở nhờ nhà một cô bạn gái cùng lớp và hiện chưa nhận quyết định công tác vì không muốn xa Hà Nội. Hai cô rất hợp ý nhau tự tâng bốc nhau và cùng một khát vọng đến cháy bỏng là muốn trở thành một nghệ sĩ lớn ít ra cũng phải là bạn các nghệ sĩ đương đại. Họ tìm mọi cách làm quen với các nhân vật nổi tiếng để được chiêm ngưỡng họ, được ngắm nhìn họ làm việc một cách nghệ sĩ Chính vì thế mà Thuỷ làm quen được với hoạ sĩ V.
    Có lẽ suốt đời Thuỷ không bao giờ quên được buổi tiếp xúc đầu tiên với nhà danh hoạ. Hai cô gái ngồi khép nép như hãi đứa trẻ dễ bảo nghe hoạ sĩ nói chuyện. Thuỷ chẳng nghe ra điều gì, cô còn mải ngắm nhìn ông với lòng ngưỡng mộ kính yêu. Một người đàn ông đứng tuổi có lẽ quá gấp đôi tuổi cô, trán hói, mắt lồi gần như sắp bật ra khỏi tròng, hàm râu chưa cạo lởm chởm và hàm răng vàng khè vì khói thuốc. Ông nói chuyện nhưng đôi mắt cứ chằm chằm vào Thuỷ như sắp vồ lấy Thuỷ. Cô bé càng sợ hãi, càng rúm ró lại và chỉ muốn đứng lên đi ra phố, không bao giờ trở lại ngôi nhà này nữa... Người đâu mà dữ tợn? Nhà danh hoạ bỗng dưng ngừng câu chuyện đôi mắt vẫn không rời cô bé ông ta nói:
    - Sáng mai cô đến đây ngồi cho tôi vẽ.
    Giọng nói như ra lệnh bất luận người nghe có tuân theo hay không. Thuỷ bối rối, bụng nghĩ: Mình từ chối, ông ấy làm như là cha chú mình. Mình từ chối. Chủ nhân nhắc lại, lần này giọng điệu mềm hơn:
    - Sáng mai, cô nhớ đấy, khoảng chín giờ đến sớm tôi chưa dậy đâu. Mà đủng đến muộn quá, tôi không đợi được. Tôi có ít thời giờ lắm, cô rõ chưa?
    Ơ hay, ông ta làm như mình đến xin việc, không không, Thuỷ định lắc đầu từ chối thì lại nghe ông ta nói, mắt vẫn chằm chằm nhìn vào cô:
    - Cô có đôi mắt rất lạ... đẹp lắm, mắt nai mà, cô biết không... Vì vậy tôi phải vẽ cô...
    Tự nhiên sự cương quyết chối từ của Thuỷ biến tăm, lòng cô cũng mềm xuống bởi cô chưa bao giờ nghe ai nói với cô như vậy, chưa một người đàn ông nào khen cô như vậy, cô gái thật sự xúc động như vừa được ve vuốt lắp bắp:
    - Vâng... mai cháu đến...
    - Sao lại cháu... Xưng là em, gọi tôi bằng anh... Tôi không ưa ai xưng cháu với tôi trừ những đứa trẻ... Thôi bây giờ hai cô về đi, tôi cần làm việc...
    Ông ta chỉ bức tranh đang vẽ dở đặt ở góc nhà bên cái palét nhem nhuốc và những ống sơn ngổn ngang. Rồi chủ nhân đứng dậy coi như kết thúc buổi tiếp khách, tuy nhiên mắt vẫn không rời Thuỷ.
    Bạn gái của Thuỷ đứng lên trước, Thuỷ làm theo. Nỗi sợ hãi và xúc động khiến Thuỷ lủng túng, chân như mất thăng bằng trượt ra khỏi chiếc guốc, chiếc guốc cao lênh khênh bị bật mạnh, văng tít vào gậm giường. Thuỷ kêu lên: “ôi” và nhà danh hoạ cũng kêu lên như vậy, kêu to hơn, khàn hơn. Rất nhanh, ông ta văng mình lên sàn gỗ, nhoài người đuổi theo chiếc guốc như một thủ thành bắt bóng điệu nghệ. Ông ta nâng chiếc guốc, đặt vào lòng bàn tay rồi ghé miệng thổi phù phù, xong lại kéo vạt áo sơ mi lau thật kỹ càng như lau một vật trang sức. Sự việc diễn ra quá nhanh, cả hai cô gái trố mắt nhìn và Thuỷ còn hoảng sợ hơn khi chủ nhân tay cầm chiếc guốc bò đến chân cô nâng bàn chân của cô lên lấy lòng tay xoa xoa, ngắm nghía rồi nhẹ nhàng lồng vào chiếc guốc nhựa. Cô gái đứng ngây ra, người cứng nhắc, mãi mãi mới cử động được...
    Chủ nhân sắc mặt vẫn tỉnh như không, xoa gối đứng lên đối diện với hai cô gái:
    - Tạm biệt nhá... Nhớ sáng mai đến, ông ta nói với Thuỷ.
    Suốt đêm ấy, Thuỷ trằn trọc, cứ nghĩ mãi về hành động của nha danh hoạ sáng nay. Ít ra mình phải là một người con gái đẹp, lại có tài năng, một nghệ sĩ...
    Tuy vậy sáng hôm sau, Thuỷ cũng không dám mạnh dạn đến nhà ông ta như đã hẹn, lại đi một mình. Thuỷ cứ loanh quanh hết phố này sang phố khác, đến trước cửa nh à ông ta mấy lần mà không dám vào. Mãi mãi Thuỷ mới mạnh dạn gõ cửa, gõ nho nhỏ thôi và khi nghe tiếng trong phòng: “Cứ vào”, cô gái run lên định bỏ đi rồi cố trấn tĩnh mở cửa bước vào. Đôi chân sao mà run rẩy? Chủ nhân đang nằm trên giường, thấy cô ông ta choàng dậy cau có:
    - À sao mãi bây giờ cô mới đến hả?
    - Thưa bác, cháu...
    Chủ nhân e hèm làm Thuỷ chợt nhớ:
    - Thưa anh... em quên số nhà... phải đi hỏi...
    - Thôi, hãy vào đây... à mà cô ăn sáng chưa?
    Thuỷ ấp úng không dám nói thật rằng đã từ lâu từ khi lên Hà Nội cô chưa hề biết gì về chuyện ăn quà sáng, cô không có tiền, ngày hai bữa cơm cũng hôm có hôm không. Ngó gương mặt cô gái đỏ lên vì xấu hổ, chủ nhân bảo:
    - Chưa ăn thì cứ nói là chưa ăn, cô chưa ăn sáng phải không? Nói thật đi nào? Cô ngồi đợi tôi đi đánh răng rửa mặt rồi ta cùng đi ăn...
    Ông ta rút khăn mặt cầm ca nước đựng bàn chải đánh răng và đi ra. Lát sau ông quay lại vội vã mặc quần áo và cùng đi với cô ra phố, tới một quán hàng ăn, ông ta ân cần nói với cô gái như nói với con mình:
    - Cứ ăn cho no, trưa nay không phải nấu cơm, ăn thoải mái, tôi có tiền đây, nhiều tiền...
    Ông ta móc túi quần giơ ra một nắm tiền, chìa vào mặt cô gái. Nỗi sợ sệt ban đầu tan đi rất nhanh và Thuỷ thấy tin cậy vào con người cùng ngồi ăn với cô. Chưa bao giờ, cô được ăn những món sang như vậy, thức ăn bày đầy bàn, cái bàn nhỏ, ông ta gắp cho Thuỷ ép cô phải ăn cho hết. Cô gái ăn nhỏ nhẻ và ngắm nhà đanh hoạ, ngạc nhiên vì ông ta hơi dung tục, nhai tóp tép và nuốt vội vã rót rượu vào cái chén cáu bẩn và uống từng hớp. Lát sau, sắc mặt nhà nghệ sĩ sạm lại, đôi mắt đỏ kè giương lên nhìn cô gái. Gần một giờ sau, bữa ăn mới xong, hai người đi về. Dọc đường ông ta im lặng cúi đầu khật khưỡng đi trước, không ngó ngàng gì đến cô gái theo sau. Vào nhà, ông ta ném cái áo khoác lên giường quay lại bảo:
    - Này, cô châm bếp dầu đun nước mà uống. Bếp kia, nước lã múc trong xô đấy, cô muốn uống chè thì pha, chè trong lọ, ấm trên bàn... Thôi tôi làm việc đây. Đừng quấy rầy tôi nhá...
    Cái ông này đến lạ, hẹn mình đến ngồi để vẽ mà thế đấy... Có lẽ ông ta quên thật rồi, bởi từ lúc đó ông ta không hề ngẩng lên, cắm cúi bôi bôi quết quết lên bức tranh. Thuỷ nấu nước xong, pha xong trà rót ra mấy cái chén cũng chẳng thấy ông ta ngẩng đầu lên quay về phía cô. Dường như chủ nhân quên mất sự có mặt của cô và cả lời hẹn của ông. Thuỷ lặng im ngồi lên cái ghế thấp, tò mò ngắm ông ta vẽ, ngắm bàn tay rất dẻo đang bôi màu lên tranh, bức tranh hiện dần dần, một cô gái ngồi bắt chéo chân, chống hai tay, nghiêng mình bên bình hoa cẩm chướng đỏ gắt, người con gái có mái tóc rất dầy buông xoã và khuôn mặt vuông, đôi mắt hơi xếch lên, sâu thăm thẳm...
    Hoạ sĩ vẽ mải mê, tưởng như trên đời này chỉ còn có ông và nhân vật trong tranh, sắc mặt ông rúm ró lại, đôi môi mím chặt, mắt lim dim hay trợn trừng.
    Ông ta vẽ và Thuỷ bó gối ngồi im ngắm ông ta từ phía đối diện, người mệt rũ vì sốt ruột và buồn ngủ. Cô muốn làm một cái gì đó, động cựa hay ho hắng để ông ta để ý tới cô, ít ra một cái liếc mắt, một thay đổi trên gương mặt hay một nụ cười. Nhưng ông ta chẳng hể nghe thấy, nhìn thấy cái gì khác ngoài bức tranh đang vế trước mặt. Có lúc Thuỷ đứng lên, nhón chân mở cửa ra ngoài hành lang cô muốn ra đường phố rồi bỏ đi nhưng nghĩ thế nào, cô lại quay vào, lại ngồi nguyên chỗ cũ.
    Chiều đến lúc nào không hay, đường phố đã ầm ào tiếng còi xe, tiếng động cơ, tiếng í ới gọi nhau, tiếng cười nói báo hiệu giờ tan tầm. Hoạ sĩ chợt ngừng tay, bỏ cái bút sơn lên palét, đứng lên vươn vai và ngáp... Ông ta nhìn Thuỷ chẳng chút ngạc nhiên và bảo:
    - Chiều rối, cô đi nấu cơm nhá. Gạo trong thùng, rá treo trên tường, cô đong bơ rưỡi rồi đem xuống dưới nhà mà vo, ở bể nước ấy, đem cả cái thau nhựa hứng nước. Xoong trên này, dưới gầm trạn. Tôi ra phố đi chợ mua thức ăn... Quên không hỏi, cô tên là gì?
    - Cháu là Thuỷ, Thanh Thuỷ.
    - Lại cháu, từ giơ cấm. Ông ta giơ một ngón tay như đe nẹt rồi xách cái làn cói đi ra...
    Buổi tối, hai người ngồi ăn cơm trong không khí ấm áp dễ chịu. Thuỷ tự hỏi tại sao cô lại có thể cùng ăn với một người đàn ông xa lạ, ăn uống thoải mái thân thiết tưởng như hai người đã từng quen biết nhau lâu lắm rồi. Sau bữa cơm, ông ta bảo:
    - Cô cứ bỏ tất cả vào cái thau ấy, mai hãy rửa. Bây giờ cô ngồi cho tôi vẽ. Ngồi trên cái ghế đẩu kia kìa.
    Thuỷ ngoan ngoãn tuân theo, ông ta sửa lại dáng ngồi, nâng mặt lên, xoay mặt lại và chỉ một một điểm nào đó bảo cô tập trung vào nơi ấy. Rồi hoạ sĩ kẹp tờ giấy lớn lên tấm bảng gỗ và vẽ bằng phấn màu. Thỉnh thoảng ông ta lại kêu lên: “Cô cứ ngồi thoải mái, đừng cứng người lên như thế... Nhìn vào kia kìa, mắt đừng cụp xuống. Thế thế...”
    Khoảng hơn một giờ sau, ông ta bỏ tấm bảng khỏi lòng rồi nói:
    - Thôi đủ rồi; bây giờ cô uống nước rồi ngồi đây nói chuyện tôi nghe...
    Ông ta ngả lưng nằm trên giường và chỉ cái ghế bên cạnh cho Thuỷ ngồi, lắng nghe cô gái kể chuyện về cuộc đời của cô ngày nhỏ ở làng, nhưng ngày sống trong trường nghệ thuật. Khi cô nói về ước mơ của cô muốn trở thành một nghệ sĩ, lao mình vào con đường nghệ thuật thì chủ nhân ho húng hắng rồi nhổm người vớ bao thuốc lá châm hút... Đôi mắt lơ đãng nhìn vào cõi nào đó...
    Đêm đã khuya, Thuỷ liếc nhìn nhà danh hoạ, cô đứng lên chấm dứt câu chuyện và sửa soạn ra về. Hoạ sĩ hỏi:
    - Cô đi đâu bây giờ.
    - Em đi về...
    - Nhà em ở đâu?
    - Em không có nhà, em ở nhờ nhà con bạn hôm qua...
    Ông ta đứng lên, bước tới bên cô gái, nói dịu dàng:
    - Đấy đâu phải là nhà của em... Em ngủ lại đây đi!
    Cổ gái sững sờ, làm sao có thể ngủ lại trong phòng của một người đàn ông?
    - Ở lại đây với tôi, em đừng về... Tôi sống cô đơn bao giờ cũng cô đơn... Và tôi yêu em, yêu thật lòng... Em hãy ở lại với tôi. Tôi van xin em...
    Chưa bao giờ Thuỷ được nghe những lời âu yếm như vậy. Thuỷ mềm lòng và thấy thương ông ta vô cùng. Trời ơi giá như em có thể làm anh dịu bớt nỗi cô đơn? Thuỷ bối rối và nhà danh hoạ đã ôm lấy Thuỷ, cô gái nằm lọt trong vòng tay người đàn ông. Đêm hôm ấy, Thuỷ ngủ lại... và cô gái trở thành người đàn bà...
    Sáng hôm sau, hoạ sĩ kèm xe đạp đưa Thuỷ về nhà cô bạn để thu dọn quần áo. Tất cả gia tài của cô gọn ghẽ trong cái túi du lịch giả da và cuộn tranh vẽ bằng bột màu. Cô bạn sau khi biết đêm qua Thuỷ ở đâu, nay đi đâu, trợn mắt kêu lên rất điệu:
    - Trời ơi, tao phục mày quá Thuỷ ạ. Mày đã khuất phục được ông ấy, mày còn “áctit” hơn cả ông ấy. Thật tuyệt... chúng tao còn xa mới theo kịp mày, mày sống với ông ấy tha hồ vẽ, ông ấy chỉ bảo cho mà vẽ, chẳng mấy chốc mà nổi tiếng. Chồng là một danh hoạ, nguyên cái chuyện đó đã nổi tiếng khắp giới “nghệ” rồi...
    Chẳng kịp nghe hết những lời tán dương của bạn, Thuỷ vội vã nhảy lên sau xe đạp, ngồi vắt vẻo với lòng tự hào đến kiêu căng. Chiếc xe đạp cọc cạch đưa Thuỷ vào một cuộc đời mới mẻ, rất mới mẻ, nghĩa là Thuỷ coi như đã lấy chồng, lấy một hoạ sĩ nổi tiếng và rồi Thuỷ cũng sẽ nổi tiếng không kém chồng. Hai vợ chồng nghệ sĩ tài danh. Đêm qua, mới chỉ đêm qua, khi Thuỷ tặc lưỡi liều lĩnh để người đàn ông dìu cô vào giường, để ông ta ôm ấp, đã đưa Thuỷ đến quá sớm điều mà cô mong ước cháy bỏng. Cuộc sống mới hôm qua còn khó khăn trắc trở chỉ qua một đêm làm thay đổi tất cả trước hết bây giờ Thuỷ đã có chổng, được sống chung, được sáng tác chung với chổng, khỏi phải những tháng ngày vất vưởng lang thang trên hè phố. Cái chính có lẽ do mình sống phóng khoáng, tin cậy và hết lòng vì nghệ thuật... Nhưng nỗi thất vọng đến với cô quá sớm, chỉ cần sống với ông ấy chưa đầy một tuần, dù hồn nhiên đến mây, cô gái cũng hiểu ra rằng người đàn ông luống tuổi, độc thân này cần đến cô không phải vì mến phục tài năng, nhan sắc của cô và muốn dìu dắt cô trên con đường nghệ thuật. Mới qua hai ngày chung sống, một hôm, cô gái mở tung gói tranh bày lên sàn khoe với ông những tác phẩm của cô. Cô bảo:
    - Anh xem tác phẩm của em đây này...
    - Thuỷ vẽ bao lâu mà nhiều thế?
    - Khoảng hai tháng, em còn nhiều nữa kia.
    Người đàn ông thoáng vẻ nghi ngờ, hỏi dè dặt:
    - Hai tháng mà được chừng ấy?
    - Bột màu, vẽ nhanh lắm...
    Giọng nói của ông ta đột trở nên gay gắt:
    - Cô tưởng vẽ bột màu dễ lắm sao? Ông ta đứng lên - Thôi đừng giở ra nữa, đủ rồi.
    Ông ta ra giường ngồi châm thuốc hút, mặt lạnh tanh trước vẻ tiu nghỉu của cô gái, lát sau ông hỏi:
    - Cô nói cô đã học bốn năm ở trường?
    - Vâng...
    - Ở trường người ta dạy cô vẽ thế này?
    Thuỷ thật sự bối rối không biết trả lời thế nào?
    Người đàn ông nói thêm:
    - Đây không phải là vẽ mà là trò đùa bôi bác của trẻ con. Cô không biết vẽ. Hội hoạ đâu phải như thế, nếu tất cả mọi người, cả tôi, cả cô đều vẽ vời như thế này thì cái Hội Mỹ thuật phải đổi tên là Hội bôi phẩm hay cái Hội nhăng cuội gì đấy. Mà thôi có nói ra cô cũng chẳng hiểu được, tốt hơn hết là bây giờ cô đi nấu cơm, muộn rồi đấy.
    Trời ơi, người ta nỡ ăn nói với mình tàn nhẫn như vậy? Thuỷ cắn môi đừng bật lên rồi khóc oà làm gã đàn ông hoảng sợ. Ông ta nhổm lên ôm choàng lấy cô, ve vuốt dỗ dành. Cô gái giận dữ đầy ông ta ra, giọng nói thé lên:
    - Vậy mà... vậy mà đêm qua anh hứa là sẽ giúp đỡ em sáng tác... Anh ác lắm!
    Ông ta ngẩn mặt, à, thì đúng là đêm qua nằm trên giường mình đã nói như vậy? Mình đã hứa khi cô gái nũng nịu... Chết thật, ông ta lại ôm lấy đôi vai cô, nựng nựng:.
    - Thì anh đã hứa... Đúng thế, mà em cũng ghê gớm thật. Anh đã hứa nhưng phải có thời gian chứ.
    Thuỷ lườn chồng bằng đôi mắt nai sũng nước của cô:
    - Em biết tại sao anh lại chê tác phẩm của em rồi...
    - Tại sao? Em nói nghe nào?
    - Là vì anh ghen ghét với em, với tài năng của em... Các người ích kỷ lắm, em đã bị bao nhiêu kẻ ganh ty dìm em, họ chê bai em, họ sợ em vượt lên họ... anh cũng cùng một duộc với họ... Rồi em sẽ vẽ anh giúp hay không giúp em chẳng cần. Người nghệ sĩ chân chính không sống dựa vào sự giúp đỡ của người khác...
    Người đàn ông đứng trố mắt nhìn cô, hết kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Chẳng biết kẻ nào dã nhồi nhét vào cái đầu non dại của cô bé những ý nghĩ kỳ quặc như vậy? Mình lại đi ghen ghét với cô gái. Một tài năng thật sự ư? Một nghệ sĩ chân chính ư? Cha mẹ ơi, té ra bốn năm học trong cái trường ấy, họ đã dậy dỗ như thế đấy? Họ biến cái đầu bình thường, thơ ngây thành cái đầu hoang tưởng bệnh hoạn? Hay thật đấy, mình đã vớ được cô gái điên rồ này, sống thế này quả thật rất vui và cũng rất mệt?
    Nhà danh hoạ cố nén thở dài, mặt thuỗn ra, lẳng lặng ngồi lên giường lơ đãng nhìn ra cửa sổ, ở đấy những cành lá xà cừ xoã xuống một màu xanh sẫm và gió thổi lay phay... Thuỷ nghĩ rằng ông đã biết lỗi, ngồi bên cạnh nói vơi giọng đắc thắng:
    - Rồi anh sẽ biết, thời gian sẽ trả lời... Một ngày nào đó anh sẽ tự hào vì em, vì những tác phẩm của em... Từ nay em sẽ vẽ, vẽ rất nhiều.
    Hoạ sĩ dàn hoà:
    - Thôi được, em cứ vẽ nhưng khi nào tôi đi vắng, em vẽ. Muốn vẽ gì thì vẽ nhưng khi tôi ở nhà thì em nghỉ... Thế nhé, chúng ta thoả thuận thế nhé!
    - Sao lại thế? Em tưởng em với anh cùng vẽ có hơn không, có gì anh chỉ bảo thêm cho em... Không được, tính tôi khi vẽ mà có người khác ngồi xen vào cùng vẽ thì y như hắn ta chế giễu mình... Tôi chịu không thể vẽ được mà cũng không thể nào ngồi xem người khác vẽ.
    - Nhưng đây là em kia mà, em cần sự giúp đỡ của anh.
    - Rất tiếc, tôi đâu phải là ông thày dạy vẽ. Tính tôi em biết đấy, ăn nói lỗ mãng em không chịu được đâu. Vừa rồi đấy, em đã nổi đoá lên. Thôi nếu em thích vẽ, khi tôi vắng nhà cứ vẽ nhưng đừng quên đi chợ nấu nướng...
    Sáng hôm sau, nhà danh hoạ ra đi từ sớm ông có việc cần đi hay ông cố tình để Thuỷ ở nhà một mình. Cô gái hăm hở chuẩn bị vẽ, căng giấy lên bảng gỗ, đặt lên giá và hí hoáy nghiền màu. Nhưng khi đứng trước giá vẽ, trước tờ giấy trắng trải rộng, đầu óc cô vừa mệt mỏi vừa trống rỗng, chẳng nghĩ ra điều gì, cô phác lên giấy mấy nét chì rồi đứng ỳ ra. Cô lục những ký hoạ cũ trải lên sàn, những ký hoạ cũng chẳng giúp gì được cô, toàn những hình vẽ nguệch ngoạc, màu sắc lem nhem, bây giờ làm sao đưa nó vào trong tranh, chẳng lẽ cứ quết lia lịa lên giấy? Và cô hình dung lát nữa ông ta về ngó vào tác phẩm của cô, bộ mặt ông ta sẽ dài ra đẩy sự chán nản. Thuỷ loay hoay cho đến tận trưa, nhà danh hoạ về. Ông ta cũng chẳng buồn liếc nhìn “tác phẩm” của cô, lẳng lặng ra giường nằm. Lát sau, ông ta hỏi:
    - Thuỷ đã nấu cơm chưa?
    - Chưa, em mải vẽ quên mất.
    Ông ta đứng lên, móc ví rút tiền đưa cho cô:
    - Muộn rồi, gần một giờ rồi, thôi đừng nấu cơm nữa, cô cầm tiền đi ăn phở vậy!
    - Còn anh?
    - Tôi ăn rồi.
    Thuỷ về nhà thấy chồng vẫn thức, đang đọc tờ báo gì đó, ông ta cũng chẳng hề hỏi han gì về việc vẽ vời của cô. Rồi ông ta nói:
    - Bây giờ em thu dọn lại đi, chiều nay em ngồi cho tôi vẽ.
    - Không, chiều nay em phải ra phố, em phải đi cho bớt căng thẳng đầu óc và tiếp tục suy nghĩ về tác phẩm của em...
    - Vậy em định vẽ gì?
    - Em... Thuỷ nín lặng vì cô cũng chẳng biết mình sẽ vẽ cái gì, đầu óc cô cứ mụ đi, nó cũng giống với cái miệng cô, nó cứ leo lẻo nói về nghệ thuật mà đụng đến thì đầu óc chẳng hề tìm được chút ánh sáng nào?
    - Ừ, em ra phố cũng được, nhân thể lên cửa hàng cung cấp mua thức ăn chiều nay. Tem phiếu cất trong cái hộp sơn mải kia kìa, tiền đây...
    - Em chưa đi mua hàng cung cấp bao giờ, có vắng không.
    - Tôi cũng chẳng biết, nhưng phải chịu khó xếp hàng...
    Thuỷ đi suốt, mãi sẩm tối mới về, chẳng mua được thứ gì trong cửa hàng cung cấp. Bởi nhìn dòng người xếp hàng, cô đã phát khiếp mà có chịu khó đứng đây cũng không mua được, buổi chiều ít hàng, đến lượt thì vừa hết. Đành ra chợ tự do mua mớ rau, mớ tép vụn. Nhà danh hoạ nhìn các thứ thở hắt ra, rau thì già mọc rễ trắng, tép đầy rác. Thật cái số mình vất vả, vớ được cô gái đoảng; cứ ngỡ cô gái nông thôn với đôi mắt nai thơ ngây này mình yêu thương và cô gái cũng yêu thương mình, chăm chút cho mình được ngồi yên mà sáng tác. Cuộc đời mình chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa, rồi mình sẽ chết, cái để lại chẳng có bao nhiêu, làm gì còn thời gian để mà giúp đỡ cô ta thành tài? Giá như đó là một tài năng thực sự thì mình sẵn sàng hy sinh để vực lên một tài năng cho đời. Nhưng làm sao có thể coi đó là tài năng, lâu nay người ta cứ hoẵng lên về những hoang tưởng, ai cũng vỗ ngực xưng mình là thiên tài bị bỏ quên, dăm ba cái ký hoạ vẽ vội ngoài mặt trận hay ngoài cánh đồng cũng đem treo lên như là những tác phẩm nghệ thuật? Làm vậy chẳng qua để đánh lừa công chúng, để che dấu sự bất lực của chính mình trước yêu cầu của nghệ thuật? Bây giờ phải làm gì đây với sự hoang tưởng kè kè ngay bên mình. Bây giờ cô gái đã tin cậy mình, đã giao phó cuộc đời cho mình, không thể nhẫn tâm được... Làm sao nói để cô gái hiểu được cuộc sống của người bình thường lại rất đẹp hơn cả nhà nghệ thuật, bởi chí ít người bình thường còn làm lợi cho đời được chút ít, chứ cái anh nghệ thuật hoang tưởng hoàn toàn vô tích sự... Hoạ sĩ chẳng phải lo lắng lâu la gì, chỉ cần ông đi vắng liền vài buổi và chỉ cần cô gái ngồi thở hắt ra trước giá vẽ, bao nhiêu mơ tưởng của cô tan thành mây khói. Rồi cô tò mò ngắm xem ông chồng làm ăn ra sao, khi ngồi vẽ? Nhưng suốt cả khoảng thời gian dài, ông chẳng vẽ gì hết, buổi sáng ra phố, chiều nằm ngủ và tối đọc sách, những cuốn sách bằng chữ nước ngoài với hình vẽ hay ảnh chụp kỳ dị, đầy màu sắc, cuốn sách nói về vũ trụ mà cô gái tò mò ngắm kỹ ngỡ đó là những bức tranh trừu tượng... Không hiểu sao hoạ sĩ lại làm việc đểnh đoảng như vậy? Hay do sự có mặt của cô? Ngay bức tranh cô gái ngồi bên bình hoa cẩm chướng vẽ dở dang, ông cũng không buồn hoàn thành, bức tranh được tháo khỏi giá vẽ, dựng úp mặt vào tường ôi, sao ông lại có thề thờ ơ với tác phẩm của mình như vậy? Mình muốn vẽ thì không vẽ nổi, còn ông vẽ được thì lại không chịu vẽ. Giá có cách gì đánh đổi tài năng của ông cho mình?
    Họ sống với nhau được mấy tháng thì một hôm, cô bạn đến tìm Thuỷ.
    - Thuỷ ơi, hôm nọ ông cụ mày ở quê lên tìm mày đấy!
    - Thế à, Thuỷ trợn mắt kêu, mày bảo ông cụ tao thế nào?
    Tao chẳng dám nói gì hết, chỉ bảo mày đã chuyển đi ở nơi khác, tao cũng chưa biết chỗ ở mới của mình, tao bảo mày đến ở đấy gần chỗ làm... Ông cụ có vẻ rất lo cho mày, bảo lâu lắm không thấy mày viết thư về nhà, bảo tao hễ biết chỗ mày thì báo tin cho ông cụ biết... Thế mày không viết thư về nhà bảo mày lấy chồng ư?
    - Tao biết viết thư như thế nào?... Tao sợ lắm...
    - Không được đâu, con khỉ ạ, mày phải viết thư cho ông cụ, bà cụ chứ, dù sao cũng là mày đi lấy chồng, ông ấy là người nổi tiếng chứ kém gì ai mà mày phải dấu? Tao nói thật, mày định lấy ông ấy và hai người quyết tâm lấy nhau thì phải xin phép bố mẹ mày rồi cưới xin đàng hoàng. Nếu không, người ta coi mày như theo không, mày sống thế này nhỡ khi ông ấy chết đi, ai người ta công nhận mày, người ta đuổi mày ra đường, mày dại lắm, con khỉ ạ,...
    Nhỡ ông ấy chết, ông ấy có thể chết, ông ấy già rồi, có thể chết lắm chứ... Chưa bao giờ Thuỷ nghĩ đến chuyện ấy, nghe khủng khiếp quá! Từ ngày về đây, Thuỷ không nhớ mình cũng còn cha mẹ, anh em họ hàng, chẳng nhớ cái việc cần làm và bắt buộc phải làm của người con gái đi lấy chồng. Thế ra Thuỷ đã có chồng, tất nhiên đã ăn nằm với người ta, đã coi nhau như vợ chồng, không thể không làm cái công việc cần thiết và nghiêm túc ấy... Và ngồi trước trang giấy, cô run sợ, mãi mới viết nổi lá thư về cho cha mẹ, một trang thư ngắn ngủi. Viết xong Thuỷ đưa cho chồng xem, nhà danh hoạ gật đầu:
    - Lẽ ra Thuỷ phải viết thư từ lâu rồi, ngay sau khi Thuỷ về đây sống với tôi. Mà tôi cứ nghĩ em viết rồi, thôi được, Thuỷ mời ông bà cụ ra đây tôi sẽ xin thưa chuyện. Tôi không quen viết thư như thế này...
    Nửa tháng sau, cha mẹ cô ra Hà Nội. Hai người tìm đến nơi cô gái sống. Hôm đó ông V. đi vắng và vừa bước vào nhà nhìn thấy cô gái, bà mẹ đã khóc. Người đàn bà từ miền quê không thể nghĩ rằng đứa cô gái bê bỏng của bà lại có thể dại dột như thế này, có thể tự ý đến sống chung với một người đàn ông mà không hề được phép của cha mẹ, không hề có cheo cưới hẳn hoi. Bà đã khóc ngay từ khi nhận được thư con gái, bây giờ nhin thấy nó không cầm được nước mắt. Ông bố bình tĩnh hơn. Mặc dù làm đến chức trưởng phòng Văn hoá huyện, ông chưa bao giờ chiêm ngưỡng nơi làm việc của một hoạ sĩ tài danh ngoài thủ đô. Ông cứ đứng sững nhìn khắp gian phòng, tất cả đều bừa bộn: chăn màn quần áo, cái gấp, cái treo, cái ném trên chiếc giường độc nhất. Góc nhà là nơi nấu bếp, là chạn chứa thức ăn, là xoong nồi chảo la liệt bên cái xô đựng nước. Lạ mắt nhất là chiếc giá vẽ lênh khênh choán hẳn một góc phòng và dưới chân nó là bảng màu, ống màu và cái lọ sành cắm bút vẽ. Tường treo những bức tranh vẽ cái gì đó màu sắc cứ đỏ rực hoặc tím sẫm... Mọi thứ đều kỳ lạ, ngay cả bộ quần áo trên mình đứa con gái in hình những nụ, những hoa sặc sỡ lại cũn cỡn và lụng thụng, mái tóc buộc ngược lên như đuôi ngựa... Mãi ông cụ mới chịu ngồi xuống ghế, hỏi:
    - Vậy chứ nó cũng làm nghề hoạ như mày à?
    - Vâng, nhưng anh ấy là một nhà danh hoạ, một hoạ sư.. nghĩa lả rất nổi tiếng.
    - Nó bao nhiêu tuổi?
    Cô gái đỏ mặt, áp úng:
    - Con cũng chẳng biết nữa... Đại loại hơn tuổi con...
    - Hừm!
    Ông cụ định hỏi thêm điều gì đó thì nghe thấy tiếng gõ cửa rất mạnh. Rồi cửa mở, một người xuất hiện với mái tóc bạc loã xoã, râu nhọn cũng bạc, đôi mắt long lanh như mắt mèo. Người đó cúi chào ông bà cụ rất lễ phép, hai người vội cung kính đáp lễ:
    - Không dám ạ, kính chào cụ...
    Người khách không vào chỉ đứng ngoài hành lang hỏi:
    - V. có nhà không cô Thuỷ?
    - Anh ấy đi từ sáng mời anh vào chơi...
    Khách từ chối, chào và quay đi. Ông bố chờ ông ta đi khuất, hỏi:
    - Ông cụ nào thế?
    - À bạn của chúng con, anh ấy là nhạc sĩ.
    - Bạn? Người ta già cả thế mà mày gọi bằng anh?
    Ông cụ ngó con gái bằng đôi mắt vừa ngờ vực vừa lo âu, và chỉ ít phút sau, cả hai ông bả cụ đều thất kinh khi nhìn thấy cái người sẽ là con rể mình vừa về, anh ta cũng già chẳng kém gì ông cụ. Hai người, bố vợ và con rể ngồi nói chuyện với nhau như đôi bạn già cùng tổ hưu. Bà cụ ngồi trên giường tức tưởi khóc, Thuỷ cũng khóc van vỉ mẹ cha hãy tha thứ cho cô, chấp nhận cuộc tình duyên của hai người. Những giọt nước mắt và những lời van vỉ của con gái chưa làm bà mủi lòng bằng chính nhà danh hoạ đột nhiên nức lên khóc, tóc loã xoã, kể lể về nỗi cô đơn của mình, về tình yêu của ông với cô gái, van xin ông bà cụ hãy vì tình thương mà vui lòng để họ thành vợ thành chồng, dù sao thì họ cũng đã là chồng vợ... xin bố mẹ lượng thứ...
    Bà cụ không thể cứ ngồi khóc trước một người đàn ông luống tuổi cũng van xin. Bà cụ nghĩ thôi cái số phận nó đã như thế rồi chẳng thể làm khác đi được, đời con gái mình coi như “đố đã vào ngoàm”. Bà cụ lau nước mắt, dịu giọng nói:
    - Ông... à anh đã đem lòng yêu thương nó và nó đã bằng lòng thì chúng tôi đành nhẽ phải chấp nhận. Dù sao gia đình chúng tôi cũng là gia đình tử tế, bây giờ em nó đi lấy chồng không cheo cưới gì còn họ hàng làng xóm. Tôi muốn cho nó hẳn hoi nên cũng chẳng đòi hỏi gì... Anh nghĩ thế nào cho phải, cho đẹp mặt cả hai bên thì làm...
    Ông con rể lắng nghe và bối rối, lời lẽ của bà cụ tha thiết và chí tình, không thể không tuân theo. Nhưng bây giờ lấy tiền đâu ra? Cũng có thể nhờ cậy bè bạn giúp đỡ nhưng ai là người thực hiện... Tuy nhiên vẫn phải phúc đáp:
    - Mẹ dậy thế là mẹ rất thương chúng con, nhưng xin bố mẹ thư thư cho chúng con ít ngày để chuẩn bị...
    Ông cụ gạt đi:
    - Thôi bày vẽ làm gì, bây giờ Nhà nước hô hào tiết kiệm, ta cũng phải tuân theo. Hôm nay chúng tôi ra đây, chúng tôi đồng ý cho anh chị lấy nhau, như thế là đủ rồi, còn thủ tục giấy tờ thì ngoài này anh lo liệu rồi tổ chức cưới xin như thế nào là tuỳ. Mà sau này chúng tôi cũng không thể ra được họ hàng cũng vậy, đi lại tàu xe khó khăn lắm...
    Ông cụ nói thế bởi ông cụ nghĩ chán ra rồi, không muốn cuộc cưới xin tổ chức linh đình ầm ĩ, chỉ tổ để thiên hạ đàm tiếu. Cho dù ông con rể có là nhà gì đi nữa thì con gái mình vẫn mang tiếng là đứa theo không, còn hãnh diện gì khi người ta thấy bố vợ và con rể xấp xỉ tuổi nhau giữa đám đông.
    Trưa hôm ấy vẫn nhà danh hoạ xách làn mây đi chợ mua gà, mua thịt. Bà mẹ và cô con gái ở nhà nấu nướng, trong khi ông bố nằm khướt trên giường như người say nắng. Ông cụ đau quá, nỗi đau không gì san lấp được, cái sai lầm của ông cụ là năm năm trước đây đã xin cho con gái vào học cái trường này.
    Nếu như ngầy đó nó vào học trung cấp y tế hay chăn nuôi thì đâu đến nỗi... Ở quê nhận được thư con gái, tưởng nó chỉ mê muội thế thôi nên hai vợ chồng già lẳng lặng ra đây, tưởng như ngày xưa dùng uy quyền cha mẹ mà ngăn nó lại, lôi nó về quê làm ruộng, xưa nay có ai chết vì làm ruộng đâu đành rằng làm ruộng thì nghèo nhưng yên tâm, tránh xa được những tệ xấu xa của phường phố... Nhưng lóc cóc ra đến đây, tìm đến ngôi nhà, căn phòng mà nó đang sống, ông bà cụ mới ngã ngửa ra khi thấy con mình đã ở chung với người ta, đã là vợ người ta mất rồi. Chẳng còn hy vọng gì để đưa nó về quê, mà cho dù có đưa được nó về thì còn gì là đời con gái nữa.
    Bữa cơm hôm ấy. Ông bố vợ và con rể đem về một chai rượu trắng, hai người đàn ông uống đến hết nhẵn mà chẳng ai nói với ai điều gì, bữa ăn âm thầm lặng lẽ. Ngay buổi chiều, hai vợ chồng rời khỏi thành phố ra ga đáp chuyến xe lửa đêm về nhà dù con gái và cả con rể thiết tha giữ lại.
    
- o O o -

    Một ngày đầu năm, tôi từ cuộc họp của Bộ ra về đạp xe lóc cóc đến trường, nơi tôi đang làm trưởng phòng Tổ chức. Trời mưa phùn, mặt đường ướt nhầy nhụa nước và bùn, gió rét thổi mưa vào cả áo vào mặt, tôi muốn đi nhanh về nhà cho đỡ ướt át. Chợt nghe có tiếng người kêu đúng tên mình:
    - Bác Thành, bác Thành...
    Tôi dừng xe, ngó nghiêng tìm kiếm người vừa gọi. Trời mưa mau, hè đường vắng, chỉ có một người đang đứng nhìn tôi. Một người không rõ nam hay nữ mặc chiếc áo mưa bạt bộ độ dài sát gót, đội mũ tai bèo, lối ăn mặc kỳ dị này làm tôi ngỡ ngàng tuy nụ cười đọng trên gương mặt rất quen. Ai thế nhỉ? Tôi tự hỏi và người đó dấn bước đến trước mặt tôi:
    - Bác không nhận ra cháu, bác Thành?
    Giọng nói của người đó rất thanh và vang làm mấy người đi qua quay lại. Lúc đó tôi nhận ra bởi đôi mắt nai hơi xếch lên, bởi gương mặt hơi ngây ngây. Tôi xuống xe:
    - Chào cô Thuỷ, cô khác quá, tôi cứ ngỡ... Lâu này tôi rất muốn gặp cô mà chẳng biết cô ở đâu...
    Thuỷ cầm ghi đông xe của tôi kéo lại:
    - Mời bác vào uống nước đã, đang mưa mau, bác đừng vội.. Để cháu dắt xe cho bác...
    Chúng tôi vào một quán nước gần đó. Thuỷ có vẻ thành thạo gọi nước chè và một đĩa kẹo lạc mời tôi. Tôi nhắp chén trà nóng, đưa mắt nhìn cô gái, cô già dặn hơn xưa, khuôn mặt gầy và xanh, đôi gò má cứ đỏ rực như người đang lên cơn sốt. Đôi mắt long lanh những tia sáng. Điều làm tôi kinh ngạc là Thuỷ lấy ra hai điếu thuốc lá mời tôi, tôi cảm ơn không hút, cô bỏ một điếu vào bao rồi châm lửa hút điếu thứ hai rít những hơi dài, thở khói ra hai lỗ mũi. Điều đáng sợ hơn là khi tôi thoảng thấy mùi rượu bay ra lẫn trong hơi khói, có thể cô gái vừa uống rượu trước khi gặp tôi. Cái thời ấy tôi thật sự ngạc nhiên về một cô gái hút thuốc lá và nồng nặc hơi rượu trong cái quán nước dưới trời mưa, gương mặt cô ngà ngà với nụ cười vu vơ. Phải chăng đây là cô học sinh mà tôi đưa vào trường nghệ thuật cách đây sáu, bảy năm, một cô học sinh chân chất lớn lên từ một miền quê hẻo lánh. Chẳng lẽ thời gian đã làm cô gái biến đổi mau lẹ đến thế này sao?
    Tôi vừa ngại vừa thương, tôi nhẹ nhàng hỏi:
    - Bây giờ cô hút thuốc lá và hình cô còn uống rượu?
    - Vâng, cuộc sống mà bác... Những lúc buồn, cháu cũng nhắp một chén rượu, hút điếu thuốc lá. Bác xem cháu có “nghệ” không?
    - Cô nói gì thế! “Nghệ” là cái gì?
    Cô gái bật cười:
    - Nghệ là “áctít” ấy mà, có thế mà bác không hiểu, bác quê thật đấy...
    Tôi hơi khó chịu nhưng cố nén:
    - Tạo sao hồi ấy tôi đánh giấy gọi cô lên trường nhận quyết định công tác, cô không lên? Cô không nhận được giấy?
    Thuỷ gõ điếu thuốc rơi tàn xuống đất, ngẩng lên:
    - Có cháu có nhận được giấy của bác, bố cháu ở quê gửi lên cho cháu nhưng cháu chẳng đến trường làm gì, cháu biết bác sẽ phân công cho cháu về một tỉnh nào đó xa Hà Nội cháu chẳng đến...
    - Nghe nói cô lấy chồng?
    Cô gái trố mắt nhìn tôi vừa ngạc nhiên vừa ái ngại rằng tại sao đến giờ còn hỏi cô cái việc mà cả bàn dân thiên hạ đểu biết và bàn tán, lát sau cô đáp:
    - Vâng cháu lấy anh V., cả giới nghệ thuật đều biết. Nhưng cháu bỏ anh ấy rồi.
    - Bỏ, sao lấy nhau rồi lại bỏ nhau. Bỏ lâu chưa?
    - Khiếp, bác hỏi cháu y như hỏi cung. Cháu thích anh ấy thì cháu lấy, sau này chán lại bỏ. Chỉ có vậy thôi, cháu bỏ hơn hai tháng rồi... Sống với anh V. hai người lúc nào cũng chỉ muốn cãi nhau. Cháu muốn vẽ, anh ấy chẳng giúp thì chớ lại ngăn cản bảo cháu không biết vẽ, anh ấy bắt nạt cháu quá đáng ngày nào cũng bảo đi chợ nấu cơm, cháu sinh ra đâu phải để làm công việc ấy, cháu phải sáng tác, phải có triển lãm. Anh ấy ghen tỵ với tài năng của cháu, chê bai cháu, dìm tài cháu... Như thế làm sau cháu chịu nổi, đành phải bỏ thôi, cháu cũng thương anh ấy lắm...
    Cô gái cứ nói lảm nhảm, tôi chẳng hiểu ra sao nữa:
    - Lâu nay cô có về quê không?
    - Từ ngày lấy chồng rồi bỏ chồng đến nay, cháu chưa về. Về nhà làm gì, mẹ cháu thì khóc, bố cháu thì quát, chán chết đi được.
    - Thế bây giờ cô có đi làm ở đâu không? Cô nói xem, tôi có giúp cô được gì không?
    Cô gái cười buồn:
    - Cảm ơn bác, bác chẳng giúp gì được cháu đâu. Hiện nay cháu cũng chưa định làm gì, có một anh bộ đội yêu cháu, đang xin cho cháu cái hộ khẩu Hà Nội, có hộ khẩu cháu làm đâu chẳng được... Với lại có khi cháu vô thành phố Hồ Chí Minh, có một anh nhà thơ đang rủ cháu đi vô trong đó, cháu còn đang suy nghĩ...
    Tôi muốn nói với cô gái một lời khuyên nhủ, tôi muốn khuyên hãy sống và làm việc như một người bình thường, rồi cô còn làm vợ, làm mẹ. Sống được như vậy đâu phải dễ dàng. Còn làm một nghệ sĩ, thú thực tôi chưa hiểu họ, thế nào là nghệ sĩ nhưng trước hết cô cần nghĩ đến tương lai, đến cha mẹ họ hàng, làng quê, cái làng quê bình. dị của cô... Nhưng nhìn đôi mắt cứ rực lên vì hơi menvà giọng điệu không bình thường, tôi nghĩ giá như tôi có nói ra những điều ấy sẽ chẳng bao giờ lọt vào tai cô. Tôi đành đứng lên, trả tiền nước, tiền thuốc lá, rồi từ biệt cô bước ra khỏi quán hàng. Khi tôi đưa xe xuống lòng đường, Thuỷ giữ tay tôi lại:
    - Cháu có việc muốn đề nghị bác...
    Tôi lắng nghe và nghĩ cô gái đang cần một sự giúp đỡ nào đó. Thì cô gái nói:
    - Bác có mang tiền đây cho cháu giật nóng hai trăm.
    Tôi lại một lần ngạc nhiên, nói rằng tôi chưa bao giờ đem theo số tiền nhiều như thế trong người. Nếu cô thật cần, sáng mai cô đến trường, tôi sẽ hỏi vay cho. Làm sao cô cần nhiều tiền như vậy? Số tiền lớn như vậy?
    Cô gái nói nhỏ:
    - Có gì đâu bác, cháu còn thiếu tiền người ta, tiền cơm, tiền quà sáng và cả tiền rượu, tiền thuốc nữa. Cháu đã hẹn khi nào bán được tranh, cháu sẽ trả mà các bà ấy cứ rối lên, làm như cháu ăn quịt, phiền thế đấy. Tưởng bác có sẵn thì cháu vay, chứ vào trường cháu không vào đâu... Thôi, cháu chào bác...
    Tay vẫn giữ xe, tôi lặng lẽ nhìn theo cô gái.
    Cô đang bước xiêu xiêu trên hè đường ướt nhẫy, dưới màn mưa như rây bột. Chiếc mũ Giải phóng mềm oặt cúp xuống che kín mái tóc, chiếc áo mưa quá rộng trông xa như con rối đang cử động... Cô gái đi, cô đi đâu về đâu bây giờ? Trong lòng tôi nhói lên một niềm ân hận vì chính tôi đã góp phần trách nhiệm làm thay đổi cuộc đời cô? Tôi đã đưa cô gái bình dị vào con đường vốn không giành cho cô, làm cô ngộ nhận, hiểu lầm một cách tai hại... Cuộc đời nghệ thuật đâu phải là những chuyện phù phiếm, đó là cuộc sống nghiêm túc và cực nhọc.
    Bây giờ liệu có cách gì gỡ ra cho cô gái?
    

Kết Thúc (END)
Mai Ngữ
» Người Đàn Bà Ngủ Trong Rừng
» Con Chuột
» Lời Mai Trò Chuyện - Đỗ Chu
» Giã Biệt
» Nước Lên
» Lãng Đãng Chiều Sương
» Từ Miền Quê Yên Tĩnh
» Hũ Vàng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng