Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Vô Ngôn Tác Giả: Tạ Duy Anh    
    Kính viếng hương hồn mẹ
    Từ khi lấy bố tôi cho đến lúc chết mẹ tôi không về thăm quê lần nào. Mẹ chỉ kể rằng mẹ lưu lạc từ bé, phiêu dạt nhiều nơi trước khi gặp bố tôi nên không nhớ quê quán ở đâu. Mẹ bảo mẹ chỉ có quê chồng, anh em họ mạc nhà chồng. Lớn lên, linh cảm có chuyện không bình thường, vài lần tôi gạn hỏi mẹ, nài nỉ cầu xin mẹ nhưng bà đều gạt đi:
    - Đã bảo là mẹ không nhớ ở đâu mà lại.
    Mẹ tôi suốt một đời ăn ở hiền lành, xởi lởi với bất cứ ai. Dường như mẹ chẳng có mơ ước gì ngoài chúng tôi. Ai cũng bảo mẹ ruột để ngoài da. Trong quan hệ, mẹ luôn chịu thiệt. Có bận chúng tôi trách, mẹ bảo:
    - Đấy là mẹ gửi tiết kiệm trước cho chúng mày đấy. Trời vay một sẽ trả mười.
    Mẹ vất vả nhưng mà mãn nguyện lắm. Về già mẹ tôi lâm bệnh, phải nằm một chỗ. Bố tôi hầu hạ mẹ đủ điều. Trước khi chết mẹ dặn chúng tôi phải chăm sóc bố, làm theo ý bố. Mẹ cầm tay bố, chỉ rời ra khi tắt thở.
    Mẹ tôi mất được hơn một năm thì bố tôi, khi đó đã ngoài bảy mươi, tục huyền với một bà sáu mươi chưa lấy chồng lần nào. Không ai tin bố lại sớm quên mẹ đến thế. Bố bảo rằng chính mẹ tôi thường hiện về xui bố đi bước nữa, thậm chí còn cầm tay bố dắt đến tận nhà dì tôi sau này. Chả hiểu bố bịa đến đâu nhưng việc bố mò ra dì là cả một sự lạ. Lần ấy tự dưng bố lấy xe đạp bỏ đi biệt tích khiến cả nhà phát hoảng. Rồi bất ngờ bố trở về đưa theo dì, từ một làng hẻo lánh cách nơi bố ở cả ngày đường.
    Từ khi có dì, bố rất chăm thăm mộ mẹ, ngày rằm mồng một đều thành kính hương khói, không bao giờ sơ suất. Dì tôi về ở với bố tôi hôm trước thì hôm sau ra mộ mẹ vật mình khóc như em gái khóc chị. Rồi trở về hầu liếng bố tôi đủ điều. Cũng từ khi có dì, bố hay kể về những kỉ niệm với mẹ. Và một điều bất ngờ lớn với tôi là qua bố, tôi biết quê ngoại tôi không xa quê nội là mấy. Mẹ vẫn nhớ quê ngoại, nhưng sao ngần ấy năm không về, lại còn bắt cả bố giấu chúng tôi. Tôi nghe bố kể mà muốn khóc quá. Tôi giận cả bố cả mẹ đã coi thường con cái. Có lẽ biết vậy, bố tôi thanh minh giúp mẹ:
    - Mẹ con không về quê là có lí do của bà ấy, cũng khó có thể trách được. Nhưng con thì nên tìm về.
    Tôi vùng vằng đứng dậy bỏ đi nằm. Bao nhiêu năm tôi thèm khát quê ngoại. Với đứa trẻ nào quê ngoại chả là thiên đường. Rồi còn ông bà, các anh chị em của mẹ, ai có ai không, còn mất ra sao. Bố mẹ đâu biết đã nhẫn tâm đẩy con cái đến chỗ chẳng thể sống thanh thản được nữa. Tôi vùng dậy, sừng sộ hỏi bố:
    - Lẽ nào ngần ấy năm mẹ không nhớ quê?
    - Sao không! Bà ấy giấu quê xuống tận đáy lòng, không cho ai nhắc đến cũng bởi vì nhớ quê đấy thôi.
    Lạ thực. Có bao điều không thể nào lí giải nổi về quá khứ đến nỗi kẻ may mắn chính là kẻ chẳng biết gì khác ngoài bản thân mình và thời khắc mình sống.
    Nhưng tôi quyết định phải tìm về quê ngoại. Đó là cái làng nhỏ ở vùng trung du. Nó nghèo và tăm tối đến mức khiến tôi chạnh lòng khi đấy lại là quê của mẹ. Những nếp nhà tàn tạ, u buồn dường như vẫn nằm mơ ngủ từ cả trăm năm nay. Tôi cảm giác có thể sờ được vào thời gian. Tuy thế chân tôi cũng bập bõm vì xúc động khi bước trên những con đường làng gầy guộc. Không hiểu có sự ngầm phù trợ nào mà ngay người đầu tiên tôi hỏi thăm đã là anh em họ mạc của tôi - như sau này tôi biết. Ông là trưởng tộc, giữ việc chăm lo thờ cúng và chép gia phả. Có lẽ ông không ngờ lại có ngày ông trở nên quan trọng với người khác đến thế. Ông rối rít kéo tôi vào một nếp nhà tồi tàn, liên tục hướng tôi nhìn lên tường, nơi treo la liệt huân, huy chương, giấy khen... các loại. Tôi chưa vội nói tôi là ai. Nhưng khi tất cả những ghi chép của ông trùng khít với điều bố tôi kể thì tôi ôm mặt khóc nức nở. Có bao nhiêu người trên thế gian này được một lần khóc như tôi. Mọi người mau chóng kéo tới, tất cả đều đói khổ, nhếch nhác và xa lạ. Những người già mau nước mắt, nghẹn ngào kể về bà ngoại tôi. Bà tôi thời trẻ đẹp gái nhất làng. Ông ngoại tôi vô phúc nên không biết nâng niu gìn vàng giữ ngọc khiến cuối cùng gia đình tan nát. Ông tôi bỏ đi mất tích còn bà chịu cảnh lỡ dở, đành theo một ông cai đội về xuôi. Từ đấy trong gia phả không có ông tôi còn bà tôi thì chỉ có ngày sinh. Mọi người thi nhau kể, đổ mọi tội lỗi cho ông tôi. Nhưng không một ai nhớ đến chiếc gạch nối từ bà ngoại sang tôi. Mẹ tôi hoàn toàn vắng bóng trong kí ức dòng họ bên ngoại của mẹ. Chính vì điều đó mà tôi càng nung nấu quyết tâm phải lần đến tông tích ông ngoại. Khi tôi vừa ngỏ ý định thì mọi người đang cười nói ồn ào bỗng im bặt. Cái sự lặng đi ấy cho tôi linh cảm về một trục trặc nào đó mà mọi người không muốn tôi biết.
    - Con đã tìm được về đến đây, là coi như thấy quê ngoại rồi - một cố già bảo tôi. - Ông ngoại con sau đó bỏ đi biệt tích, anh em chẳng còn ai, biết lần từ đâu bây giờ.
    Dường như tôi đã có lí do để nản lòng khi tôi quyết định ở lại. Đêm đầu tiên trong đời ngủ ở quê ngoại, lòng tôi ngổn ngang như một ngôi nhà bị bão quật đổ. Có lẽ đêm đã chuyển dần về sáng. Cái yên tĩnh định mệnh của làng quê đôi khi lại là cái không thể chịu nổi. Tại sao các người có thể ngủ dễ dàng đến thế, quên dễ dàng đến thế, cam phận đến thế. Tôi muốn gào lên như đứa trẻ bị bỏ rơi giữa rừng sâu. Và để không thành rồ dại, tôi trở dậy mở cửa bước ra ngoài. Tôi cứ dò dẫm đi trong đêm mà không sợ mình bị lạc hoặc gặp nguy hiểm. Có lẽ tôi sẽ đi đến sáng nếu không nhận ra có đốm lửa nhỏ ở trước mặt. Hoá ra tôi đang ở giữa cánh đồng. Đốm lửa nhỏ là ngọn nến của lão quản trang từ lâu đã không còn thói quen ngủ ban đêm. Tôi đứng bên ngoài ngắm lão ngọ ngoạy một lát mới cất tiếng chào. Lão quay ra, hỏi bằng thứ giọng khe khé:
    - Ai mà khuya khoắt thế...?
    Tôi chui vào trong lều. Tự dưng tôi cảm thấy không phải vô cớ mà mình ra được đây. Tôi nói dối là tôi bị lạc. Lão quản trang có lẽ cũng đã quên cả thói quen cảnh giác nên cứ mặc tôi tự tìm chỗ ngồi. Và nhờ lão mà tôi lần ra được một manh mối quan trọng để tìm ra dấu tích của ông ngoại tôi.
    Mặc dù những người anh em mới nhận của tôi công khai tỏ ra tự ái nhưng tôi vẫn quyết ra đi từ sớm. Theo chỉ dẫn của lão quản trang, tôi tìm được đến “bộ sử sống của làng” như chính lời lão bảo, cách làng của bà ngoại tôi đúng một cánh đồng. Quả là bà cụ đã rất già, kém đúng hai tuổi nữa là tròn một thế kỉ. Tuy thế, ngay từ vài câu xã giao tôi đã cảm thấy trí nhớ của cụ còn tốt. Khi nghe tôi giới thiệu, mặt cụ có phần rạng lên. Nhưng vừa thấy tên bà ngoại tôi cụ liền sa sầm xuống:
    - Đừng có nhắc đến con hồ ly tinh ấy trước mặt tôi.
    Tôi sợ cụ bị lầm lẫn về mặt thời gian nên nhắc lại rằng người tôi đang kể là bà ngoại tôi, nếu sống đến giờ cũng quãng tuổi cụ.
    - Ta biết anh là ai rồi. “Nó” là bà ngoại anh, vậy anh có biết ông ngoại anh là ai không?
    - Vâng, đó là lí do cháu tìm đến cụ và cháu tin rằng đã có ai đưa đường chỉ lối.
    - Phải rồi. Không biết làm sao anh vô cớ tìm được đến đây. Ông ngoại anh phải gọi ta bằng thím.
    - Thế cụ có biết mẹ cháu không?
    - Sao không? Năm nó theo mẹ đi khỏi làng chính tôi còn gói ghém quần áo cơ mà.
    Tim tôi đập loạn lên. Vậy là cuối cùng cũng đã có người còn nhớ có mẹ ở trên đời này. Nhưng tôi đành nén xuống nỗi thương xót mẹ để sớm biết những điều có lẽ ngoài bà cụ này ra không còn ai lưu giữ.
    Và đây là câu chuyện bà cụ kể: Ông ngoại tôi thời trẻ không chỉ đẹp trai mà còn có giọng hát rất hay. Bà ngoại tôi từ chối những đám giàu có chỉ vì mê tài ông tôi. Mối tình được xem là lãng mạn nhất thời bấy giờ và cũng gây nhiều tai tiếng nhất cho cả hai họ. Sau khi có vợ đẹp rồi, ông ngoại tôi vẫn sống theo lối nghệ sĩ lãng tử, gia nhập một nhóm con hát lang thang hết làng này đến làng khác. Bà tôi ở nhà, vừa chịu cảnh áo gấm đi đêm, vừa phải một mình vất vả nuôi mẹ tôi. Cái cảnh có chồng mà như goá bụa, thêm vào đó là những cơn ghen không có dịp được hả hê khiến bà tuyệt vọng. Bà gặp một viên cai đội vợ vừa chết liền phó thác cuộc đời còn lại cho ông ta. Ông ngoại tôi biết tin càng có cớ để không về nhà. Bà ngoại bèn cùng với ông cai lập mưu hãm ông ngoại tôi vào vòng tù tội. Ông ngoại tôi bị bắt bởi tội buôn thuốc phiện, do chính bà ngoại tố cáo và làm chứng. Ông tôi bị tống vào tù và đày đi làm phu tít trên mạn ngược, chỉ vài năm mà suy sụp vì bệnh lao. Khi trở về, không còn cả vợ lẫn con, ông tôi chán đời bập vào thuốc phiện. Lần này thì ông mắc nghiện thật. Kiệt quệ, ông tôi bèn hỏi thăm đến tận quê chồng mới của bà ngoại bắt mẹ tôi về rồi đem bán cho một lái buôn người Thổ. Mẹ tôi phiêu bạt từ đấy. Ông tôi sau đấy cũng liệt giường liệt chiếu. Cũng từ đấy bên họ của ông và bên họ của bà thề đời đời không nhìn mặt nhau, chỉ nhắc đến nhau trong những lời nguyền rủa. Ông ngoại tôi chết vào một đêm mưa bão, hoàn toàn cô độc trong bóng tối, tại một ngôi nhà hoang. Mọi người vùi ông xuống nơi mà hơn nửa thế kỉ sau tôi được thấy nó còn lại là cái vực nước sâu hoắm. Một trận lụt làm vỡ đê đã liếm phăng đi cả góc làng trong đó có ngôi mộ ông tôi nhưng không cuốn nổi mối hận nối đời.
    Kể xong, bà cụ ngước mắt nhìn tôi:
    - Sư bố con gái Nhếch, tưởng mất xác ở đâu rồi ai dè...
    Thấy tôi không biểu lộ gì hơn ngoài sự trầm tư, bà cụ nói thêm:
    - Gái Nhếch là tên mẹ anh đấy.
    - Vâng, cảm ơn cụ - tôi hờ hững đáp và ngạc nhiên rằng đáng lẽ tôi phải háo hức lắm mới phải khi lần đầu biết đến tên cúng cơm của mẹ. Nhưng dường như tôi chẳng còn muốn biết thêm gì nữa. Có những bí mật của quá khứ nên giữ mãi là bí mật. Ôi quê ngoại, người nhân hậu hay tàn nhẫn. Tôi thấy chua chát cho chính sự hăm hở của mình. Bao nhiêu dịu ngọt tôi uống suốt thời thơ bé nhờ trí tưởng tượng, ai dè lại đắng đớt đến nhường này.
    Tôi từ giã bà cụ, người bà con bên ngoại duy nhất còn nhớ có mẹ tôi ở trên đời mà lòng nguội lạnh đến mức tự tôi thấy mình nhẫn tâm. Tôi đâm oán hận cả cái sự sống lâu, nhớ dai của bà. Trở về, trước sự săn đón hỏi thăm của vợ, tôi ầm ừ đáp cho qua, nói là vừa gặp vừa không gặp. Vợ tôi biết có điều gì đó tôi không muốn chia sẻ, ý tứ không nhắc lại nữa. Tôi đem ảnh mẹ tôi ra ngắm, nước mắt cứ trào ra dàn dụa. Ngày mẹ mất tôi cũng không khóc tức tưởi đến thế. Vâng, chỉ mẹ là có thật sau tất cả những gì mà từ nay con không muốn biết, không muốn thừa nhận nó từng hiện diện trên đời. - Tôi thầm thì nói với mẹ tôi - người phụ nữ khổ đau nhất trần gian.
    Và rồi tôi thiếp đi. Thật lạ kì là tôi lại vẫn có thể ngủ một giấc sâu đến thế. Lần đầu tiên tôi không hề mộng mị. Khi tỉnh dậy thì trời đã ngả về chiều, gió dìu dịu trong khi vòm trời xanh một cách nhẹ nhõm. Dường như những gì tôi vừa trải qua là một trò chơi đầy ẩn ý của kẻ có quyền lực vô biên là số phận. Tôi không có quyền phán xét nó. Bởi vì làm như vậy tôi sẽ xúc phạm trước hết đến những đứa con đẹp như tranh vẽ của tôi. Chúng có mặt bắt đầu từ cái ngụ ý sâu xa của câu chuyện lòng vòng tai ngược trên kia, có thể chính từ cái việc nó khiến bà ngoại tôi quyết dứt tình với ông ngoại và để ăn chắc, nó nhấn thêm bằng chi tiết ông ngoại bán mẹ tôi cho gã lái buôn người Thổ để từ đây trong mớ bòng bong dẫn đến vô số ngả, mẹ chỉ còn một con đường tới thẳng cha tôi. Xét trên toàn cục, đó là một cuộc sắp đặt ngoạn mục, hữu tình và có hậu. Ôi trời xanh, bốn mùa Ngài có nói gì đâu?
    Cánh cửa mở tung ra, hai thiên thần nhỏ của tôi lao vào, phía sau là vợ tôi cười hiền hậu. Dường như chúng từng cho tôi biết trước một điều gì đó vô cùng bí mật, một điều gì đó mà tôi chỉ có thể thừa nhận. Ôm chặt chúng trong lòng, cảm nhận thứ hạnh phúc ngọt ngào nhất trần gian tôi bất giác rùng mình: Nếu như tất cả những chuyện trớ trêu đó không xảy ra?
    

Kết Thúc (END)
Tạ Duy Anh
» Đi Tìm Nhân Vật
» Thiên Thần Sám Hối
» Người Khác
» Rỗng
» Bên Ngoài Thời Gian
» Con Vẹt
» Lẩm Bẩm
» Một Câu Chuyện Cười
» Giai Điệu Đen
» Bố Cục Hoàn Hảo
» Vô Ngôn
» Lạc Loài
» Những Chiếc Gáy
» Tình Đời
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển