Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chuyện Đùa Ngày Hè Tác Giả: Alberto Moravia    
    Vào những ngày hè, có lẽ bởi tôi còn trẻ và chưa quen cảm thấy mình là người chồng và người cha của gia đình, nên tôi luôn muốn lỉnh đi đâu đó. Mùa hè ở Rôma, những nhà giàu đóng rèm cửa từ sáng, để giữ không khí mát của đêm lại trong những căn phòng rộng rãi. Ở những ngôi nhà như thế, mọi thứ đều ổn cả: gọn gẽ, sạch sẽ, tinh tươm; sàn đá hoa, gương, tủ bóng lộn trong ánh sáng mờ; cả đến bầu không khí im lặng ở trong đó cũng có vẻ gì man mát, tối, đáng yên tâm. Muốn uống nước ư? Người ta sẽ đặt trên khay mang đến cho anh một cốc pha-lê nước chanh hoặc nước cam mát lạnh, những cục đá kêu lanh canh vui vẻ dưới thìa, đến nỗi chỉ nghe tiếng lanh canh đó cũng đủ mát ruột anh.
    Ở những nhà nghèo thì khác. Ngay ngày nực đầu tiên, cái nóng đã chui vào trong những căn phòng ngột ngạt và ở trong đó suốt mùa hè không chui ra. Khát nước –nhưng vòi nước ở trong bếp chỉ chảy ra một thứ nước ấm như nước canh. Trong phòng không có chỗ đi lại. Dường như mọi đồ vật –bàn ghế, giường, tủ, áo quần, bát đĩa sưng vù lên, cọ vào người anh. Mọi người chỉ mặc sơ mi không, mà người vẫn nhớp nháp mồ hôi. Thế mà nếu đóng cửa sổ lại thì chết ngạt, vì khí lạnh ban đêm không tài nào vào được, mấy căn phòng kín như hũ nút có sáu nhân mạng nằm ngủ ở trong. Mở cửa sổ ra thì đón nắng và đủ mọi thứ mùi ngoài phố: mùi xỉ than, bụi bặm, mồ hôi. Nóng lên, tính tình con người cũng khác, dễ cáu kỉnh, dễ cãi nhau chỉ vì những chuyện không đâu. Nhưng những người giàu thì rút sâu vào mấy phòng trong, còn người nghèo thì cứ ngồi chúi mặt xuống những cốc nước cáu bẩn hoặc đi hẳn khỏi nhà.
    Vào một trong những ngày nóng bức như thế, sau khi cãi nhau một trận với cả nhà: với vợ vì món súp mặn và nóng quá, với em rễ vợ vì hắn bênh vợ mà theo tôi hắn ta không có quyền làm như thế vì hắn không tìm được việc làm chỉ ngồi nhà ăn bám; với em vợ vì cô ta đứng về phía tôi và chỉ chuyện õng ẹo làm duyên; với bà mẹ vì bà cố xoa dịu tôi, với ông bố bảo: “có để cho tao ăn hay không?”; và cuối cùng với đứa con gái vì nó cứ khóc váng lên- tôi vùng dậy, giật phắt cái áo vét vắt ở lưng ghế và tuyên bố:
    - Các người có biết không? Tôi đã chán ngấy tất cả các người rồi. Đến tháng mười, mát mẻ, ta sẽ lại gặp nhau.
    Và tôi bỏ đi khỏi nhà.
    Cô vợ tội nghiệp, chạy xuống cầu thang, kêu với theo rằng hãy còn món xa-lát dưa chuột mà tôi vốn thích. Tôi đáp: “cô đi mà ăn”, rồi đi ra phố.
    Gia đình tôi ở đường Ôxtienxê. Tôi qua đường, đi về phía cầu sắt cạnh cảng sông của Rôma. Hai giờ chiều là lúc nóng nhất trong ngày. Bầu trời xanh đục đến nhức mắt. Tôi vịn vào thành cầu sắt nóng bỏng tay. Sông Têverơ bị bó giữa hai bờ, nước vàng đục, giống như một rãnh nước tù. Những bình ga, những cái lò của nhà máy khí đốt, những cái tháp chứa thức ăn ủ chua, ống chứa xăng và mái nhọn của nhà máy nhiệt điện che lấp mất đường chân trời; tưởng chừng như không phải Rôma mà là một thành phố công nghiệp nào đó của miền Bắc. Tôi đứng một lúc nhìn dòng sông Têverơ vàng, hẹp, nhìn chiếc phà đậu ở bến chở đầy ắp những bao ximăng, và bỗng phì cười là cái khúc sông bé tí này cũng được gọi là cảng như các cảng ở Giênoa hoặc Napôli, nơi có các tàu lớn ra vào. Nếu tôi thực sự muốn đi xa, thì từ cái “cảng” này, tôi có thể lên tàu đi một mạch đến Fiumichiô, ngồi ăn cá rán và ngắm trời biển.
    Cuối cùng tôi qua cầu, đến một khu đồng không mông quạnh ở bên kia bờ sông Têverơ. Dù tôi ở gần đây, nhưng tôi chưa bao giờ đến đây cả, và không rõ mình đi đây là đi đến đâu. Lúc đầu tôi đi theo đường nhựa, hai bên là cánh đồng không với những đống rác ngổn ngang. Sau đó, đường nhựa biến thành một con đường mòn, còn những đống rác thì đã chất lên cao như những ngọn đồi. Tôi nghĩ rằng mình đã rơi vào một nơi mà người ta đem rác của toàn thành phố Rôma đến đổ. Ở đây, một ngọn cỏ cũng không mọc, bốn bề là những giấy lộn, vỏ đồ hộp gỉ, thức ăn thừa, nắng thì như thiêu như đốt, mùi thối rữa bốc lên. Tôi do dự: đi nữa thì không muốn, mà quay lại thì cũng ngại. Bỗng nhiên tôi nghe thấy có ai tặc lưỡi như gọi chó.
    Tôi quay lại nhìn chó. Nhưng chẳng thấy con chó nào, mặc dù chỗ này đúng là nơi cho những con chó hoang. Tôi nghĩ rằng có lẽ tiếng gọi đó là gọi tôi, bèn nhìn về phía đã phát ra tiếng động. Đằng sau đống rác, tôi nhìn thấy một túp lều nhỏ. Đấy là một túp lều lợp mái tôn. Trước cửa lều là một em bé gái tóc vàng nhạt chừng tám tuổi đang đứng ra hiệu cho tôi vào. Mặt em nhợt nhạt, nhem nhuốc, mắt thâm quầng như một phụ nữ có tuổi, tóc dính đầy bụi cát, cọng rơm và bù xù như lông nhím. Em ăn mặc quá là tồi tàn: áo quần chỉ như một cái bị bằng vải mộc có bốn lỗ -hai lỗ để cho tay và hai lỗ cho chân. Khi tôi quay lại, em hỏi:
    - Ông là bác sĩ có phải không?
    - Không –tôi đáp- Thế làm sao? Em cần gọi bác sĩ à?
    - Nếu ông là bác sĩ –cô bé tiếp- thì vào đây. Mẹ cháu đang ốm.
    Tôi cũng chẳng giải thích với cô bé rằng tôi không phải là bác sĩ, cứ thế bước vào lều. Thoạt tiên, tôi ngỡ là mình vào một cửa hàng đồng nát ở chợ Campô đi Fiôri, vì trong nhà treo đầy áo quần, tất cũ, bát đĩa, xoong nồi, giẻ rách. Nhưng sau đó tôi hiểu ra rằng chủ nhà, vì không có bàn ghế, tủ nên treo toàn bộ gia sản của họ lên các cái đinh. Tôi phải cúi lom khom để khỏi đụng vào những đồ đạc treo lõng thõng, đưa mắt tìm xem bà mẹ cô bé nằm ở đâu. Cô bé rón rén chỉ cho tôi một đống quần áo ở trong góc. Nhìn kỹ, tôi thấy rằng cái đống quần áo rách ấy đang chăm chú nhìn tôi bằng một con mắt lấp lánh ánh sáng, còn một con mắt bị che lấp bởi mớ tóc bạc. Hình dạng của người phụ nữ này khiến tôi phát hoảng: trông chị ta như một bà già, trong khi rõ ràng là chị ta còn trẻ. Dường như hiểu được ý nghĩa cái nhìn đó của tôi, chị ta bỗng nói:
    - Trên đời này, bao giờ những người quen cũng gặp lại nhau, nếu như không chết.
    Con bé phá lên cười như thể bắt đầu một tiết mục vui nhộn, và nó ngồi xuống đất hí hoáy nghịch mấy cái ống bơ không.
    - Nhưng quả tình tôi không hề quen biết chị. -tôi nói- Chị là ai? Mà đứa nhỏ này là con chị?
    Chị ta đáp:
    - Thì đúng rồi… Nó cũng là con anh nữa đấy…
    Cô bé cúi mặt cười khúc khích. Tôi cho đó là một sự đùa cợt, bèn trả lời:
    - Có thể là con tôi, mà cũng có thể là con ai khác nữa, biết đâu!
    - Không -người đàn bà đang ngồi dưới đất nhỏm phắt dậy, chỉ tay về phía tôi- Đấy chính là con anh, chỉ có thể là con anh thôi…đồ tồi, vô tích sự, đồ lười, đồ hèn nhát, đểu giả. Đấy, anh là thằng như thế.
    - Liệu mà giữ mồm giữ miệng đấy… -tôi nổi nóng- Tôi đã bảo rằng tôi không quen biết cô.
    - Anh mà lại không quen biết tôi ấy à?…Không quen thế mà vẫn cứ về đây? Nếu anh không quen biết tôi, làm thế nào anh tìm được đường về nhà?
    - Đồ hèn nhát đểu giả, hèn nhát đểu giả -con bé khẽ nhắt lại.
    Người tôi đầm đìa mồ hôi vì nóng và vì tức giận.
    - Tôi tình cờ đi qua đây –tôi đáp lại.
    - Ái chà, -người đàn bà tỏ vẻ giễu cợt và quay sang bảo con bé: - Đưa cái túi đây…
    Con bé nhanh nhẹn cầm lấy cái túi nhung đen rách bẩn treo trên tường đưa cho mẹ. Người đàn bà mở túi rút ra một tờ giấy và nói:
    - Giấy giá thú đây: Ervira Prôetti, vợ của Ecnextô Rapenli…Anh có còn cãi được nữa không. Ecnextô Rapenli?
    Tên tôi đúng là Ecnextô. Tôi kinh ngạc vì sự trùng hợp.
    - Nhưng tôi không phải họ Rapenli, –tôi lúng túng nói.
    - Không phải Rapenli hả?
    Còn con bé thì nhại:
    - Ecnextô, Ecnextô.
    Người phụ nữ đứng dậy. Tôi đoán không sai: chị ta tuy tóc đã bạc, mặt đầy nếp nhăn nhưng có thể thấy rằng chị ta còn chưa quá ba mươi tuổi.
    - À, thế ra anh không phải là Rapenli…-Chị ta đến gần tôi, nhìn kỹ rồi kêu-: Anh là Rapenli! Thề có quỉ thần chứng giám, anh đúng là Rapenli!
    - Tôi hiểu, cô bị ốm –tôi nói- Nếu cô đồng ý, tôi sẽ ra khỏi đây.
    - Không gượm đã!…Đi đâu mà vội thế?
    Con bé khoái chí nhảy cẫng lên.
    Người đàn bà lại bắt đầu nói, với vẻ mỉa mai:
    - Ecnextô, ngài Ecnextô…bỏ vợ, bỏ nhà bỏ cửa đi suốt cả năm trời không thấy mặt mũi đâu cả…Mà anh có biết cả năm ấy vắng anh, mẹ con tôi sống thế nào không?
    - Tôi không biết –tôi gắt lên- và cũng không muốn biết. Hãy để cho tôi đi.
    - Hãy bảo ba mày, -chị ta hét to lên với đứa bé- xem hai mẹ con đã sống như thế nào, sống bằng gì, bảo cho ba mày biết đi!
    - Sống nhờ bằng của bố thí! –con bé nhanh nhẩu đáp, và đi lại gần tôi.
    Phải công nhận rằng tôi bị một cú choáng. Tất cả những sự trùng hợp kia: cái tên Ecnextô, việc tôi bỏ nhà đi, và việc tôi cũng có vợ và một đứa con gái đã đánh mạnh vào tâm trí tôi, khiến tôi có cảm tưởng rằng cả tôi nữa cũng không phải là tôi mà là một người nào đó khác, đồng thời lại vẫn là tôi nhưng không phải như tôi mọi ngày. Còn chị ta thấy tôi bối rối thì quát vào mặt tôi:
    - Mà anh có biết những kẻ ruồng bỏ vợ con thì bị làm sao không? Bị đi tù, nghe roc chưa, đồ vô lại, phải ngồi tù.
    Đến đây thì bản thân tôi cũng bỗng thấy rờn rợn. Tôi bèn lặng lẽ quay ra cửa để đi. Thì ngoài cửa đã có một người đang đứng nhìn vào nhà. Đấy là một người đàn bà gầy guộc, ăn mặc xuềnh xoàng nhưng sạch sẽ. Nhìn nét bối rối của tôi, bà ta nói:
    - Đừng nghe cô ấy…Cô ấy lẩn thẩn đấy…Cứ hễ gặp người đàn ông nào là cô ấy lại cứ tưởng tượng ra là chồng…Còn cái con nhãi con cô ấy lại cứ toan hễ gặp người qua đường nào là dẫn vào nhà, nghe mẹ quát tháo, chửi bới đủ thứ, để mà làm trò đùa…Tao lại cho mày một trận bây giờ, con ranh!
    Bà ta giơ tay định phát cho nó một cái, nhưng con bé tránh được vừa chạy xung quanh tôi vừa hớn ha hớn hở:
    - Bác ấy tin rồi, đúng không nào, bác ấy tưởng thật…thế là bác sợ…sợ, sợ, sợ…
    - Envira, đây không phải là chồng cô đâu -người phụ nữ nhẹ nhàng bảo.
    Envira dường như nghe ra, im bặt bỏ đi và lại trèo lên giường ngồi. Người phụ nữ bước vào trong lều lật giở những hòn than trong lò.
    - Tôi nấu nướng cho hai mẹ con –bà ta giải thích- Đúng là họ phải sống bằng của bố thí, nhưng còn chồng thì không phải là anh ấy bỏ đi mà là chết mất rồi.
    Đối với tôi, thế là đủ quá rồi. Tôi lấy một trăm lia đưa cho con bé, nó cầm lấy, quên cả “xin bác”. Thế là tôi ra khỏi lều, đi thẳng theo hướng ngược trở lại: theo lối mòn, theo con đường trải nhựa, rồi qua cầu đi về phố Ôxtienxê của tôi.
    So với cái ngột ngạt ở trong túp lều, về nhà tôi cảm thấy mát như trong động. Và tuy bàn ghế, hòm xiểng của chúng tôi rất ít ỏi, thô sơ, nhưng dù sao vẫn còn hơn những cái đinh mà những con người bất hạnh kia dùng để treo quần áo rách của họ. Trong bếp, mọi thứ đã dọn dẹp cả rồi, vợ tôi lấy đĩa xa-lát dưa chuột để dành ra cho tôi. Tôi vừa ngồi ăn với bánh mì vừa nhìn cô ta rửa bát. Ăn xong, tôi đứng dậy, lặng lẽ hôn vào cổ cô, và chúng tôi dàn hòa với nhau.
    Mấy ngày sau, tôi kể lại cho vợ nghe câu chuyện túp lều và định lại đấy mấy lần nữa để xem có thể làm gì giúp con bé. Bây giờ tôi không còn sợ bị nhầm tưởng là Ecnextô Rapenli. Nhưng các bạn có tin không, tôi không tìm thấy túp lều cũng như người phụ nữ dở người, đứa con gái và người đàn bà gầy gò nấu cơm cho họ ăn nữa. Suốt một tiếng đồng hồ tôi đi qua đi lại giữa những đống rác, dưới nắng chang chang, mà cuối cùng phải đi về không. Tôi nghĩ là mình đi lạc đường. Còn vợ tôi thì một mực bảo rằng đấy là do tôi định bỏ cô, nhưng sau thấy hối hận nên đã nghĩ ra câu chuyện đó.
    

Kết Thúc (END)
Alberto Moravia
» Bóng Ma Giữa Trưa
» Cô Gái Thành Rome ( Phần II )
» Cô Gái Thành Rome ( Phần I )
» Cái Tủ
» Người Đàn Bà Ham Thích Hội Hè
» Đảng Trộm
» Rigoletta
» Hai Nửa Đều Nhau
» CATHERINA
» Người Lái Xe Vận Tải
» Đò Gỗ
» Người Thừa Hành
» Trộm Vào Nhà Thờ
» Đẹp Hơn Em
» Chuyện Đùa Ngày Hè
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý