Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Bẫy Chim Trên Núi Cu kỳ Tác Giả: Nguyễn Quang Thân    
    Cả làng gọi y là "thằng Lợi" dù y đã ba mươi. Giàu thì người ghen ghét, nghèo thì bị khinh bỉ. Lợi không bị ghen ghét vì y nghèo. Y cũng không bị khinh. Vì đi cà nhắc, tàn tật như y, mồ côi sớm như y mà sống đến từng này tuổi, tự làm nhà, tự kiếm sống được, ai dám khinh. Gọi y là "thằng Lợi" không phải vì ghen, vì khinh mà vì thương.
    Lợi biết thế. Nhưng y không để ai thương hại. Cho nên khi nghe tin ông Binh Ðao rao bán cái sân bẫy chim nổi tiếng trên núi Cu Kỳ để mua thuyền câu mực, Lợi săn đón ngay. Y moi tiền để dành đưa đặt cọc, ba hôm sau bán đứt cái nhà rồi lên núi ở. Mặc dù trong cái làng Ngang nghèo đói ở Kỳ Anh có tới ba chục người sống bằng nghề bẫy chim cu kỳ, nhưng sáng đi tối về, chưa ai dám ở lại như thằng Lợi. Không ai biết cái nghề này đã có từ bao giờ, có lẽ từ ngày có ngọn núi. Hàng năm từ tháng Hai đến tháng Bảy, cu kỳ về từng đàn bay lượn sáng đến tối. Lợi biết nhiều người thèm cái sân bẫy chim lát đá trắng của ông Binh Ðao, thời xưa có người đã đòi đổi cho ông nội ông ta hai mẫu ruộng mà không được. Vì cái sân nhìn ra biển Thiên Cầm đẹp như mơ, vì một cái khe róc rách bên cạnh cái hang rộng cho người bẫy chim, vì ngọn gió đông nam vờn qua sườn dốc rồi thổi xuống sân chim, tấm lưới trở nên dịu dàng, quyến dũ, những con chim mồi kêu lên thiết tha... cái duyên ấy phải đổi bằng vàng. Sau khi lên núi và có sân bẫy của ông Binh Ðao, gặp Lợi mang tiền đi gửi ngân hàng, người ta vẫn một "thằng Lợi", hai "thằng Lợi" nhưng trong giọng nói đã bốc mùi ghen ghét.
    Lợi biết thế. Nhưng y không quan tâm. Vì y ít khi về làng, ngoại trừ khi ông chú đang làm chủ tịch xã thỉnh thoảng nhắn nhe về ăn giỗ hay sai bảo y làm chuyện gì đó. Y dọn ổ trong hang đá, vài ngày một lần gánh hai lồng chim về các hiệu ăn, nhà nghỉ khu bãi tắm. Mới một mùa chim mà Lợi đã sởn sang ra trông thấy. Chỉ có hai cái không thay đổi, đó là cái hang và nỗi buồn cô đơn của y.
    Bán ba mươi bảy con cu kỳ, Lợi nhét vào túi hơn năm trăm ngàn ở quầy thủ quỹ nhà nghỉ Hải Ðông. Y vứt luôn đòn tre và đôi lồng, bước ra vênh cái mặt và đôi mắt hiếng nhìn thằng Nông bảo vệ. Theo lệ, lần nào y cũng dúi vào tay thằng Nông một tờ giấy năm ngàn. Không có món lót tay thì giạt ra, đừng hòng qua cổng nhà nghỉ lớn nhất khu nghỉ mát này. Nông vồ tờ giấy bạc, thả luôn vào cổ áo, y có một cái túi như diều con bồ nông để giấu những thứ trấn được. "Em bảo cái này - Nông nói - có một con ve tuyệt cú mèo mới trôi về đây, chiến hữu có thử một cuốc mát xa không?" Lợi ngần ngừ, Ba mươi tuổi đầu, bao nhiêu lần y đã nằm mơ ngủ với o này o khác trong làng, nhiều lần y đã thử tán tỉnh, bờm xơm, sờ mó, nhưng chỉ nghe chửi tục và ăn đạp đau điếng người. Lúc đó y nhận ra mình chỉ là một thằng cà nhắc, xấu trai khốn khổ. Trong hang đá, y nằm mơ và các cô gái chỉ đến với y trong giấc mơ. Trong những cô gái ấy, thỉnh thoảng có bóng dáng những cô cave y nhìn thấy đi qua sân nhà nghỉ thơm phức đến làm y ngạt thở. "Hai con cu kỳ một suất mát xa - Thằng Nông lại nói - hai con cu kỳ là cái chó chi, thử cái cho biết" Lợi nói: "Nhưng tao ăn mặc thế này, vô trong đó răng được?" Thằng Nông cười phá lên: Ông anh cà nhắc chứ có hủi đi nữa mà có tiền cũng xong. Có những thằng trông còn hủi hơn ông anh nữa kia. Hai con cu kỳ mà được đấm bóp, nắn xương, mân mê, hai con cu kỳ..."
    Lợi vào một cái buồng nhỏ, cửa sổ chăng màn. Y không chịu cởi quần dài, không phải y ngượng mà vì y còn dắt mấy trăm ngàn tiền bán chim trong túi. Cô cave tên là Phượng, người dỏng cao, hai đầu vú nhọn hoắt dô lên dưới áo. Người ngợm thì như một ngọn lửa trên bếp lửa, nhưng mặt mũi buồn thiu. Cô ta bắt Lợi cởi quần dài bằng được, Găng nhau mất toi mười lăm phút. Cuối cùng Lợi rút bọc tiền đút xuống dưới gối cho ăn chắc. Y lim dim mắt chờ. Trời ơi, cho đến nay chưa lần nào y được một bàn tay mềm mại, thân ái chạm vào người. Nhưng đôi bàn tay của con bé lạnh như nước đá. Nó nắn bả vai, xoa ngực y, bẻ mấy lóng xương ngón tay y kêu cục cục và chỉ có thế. Ba mươi phút nữa trôi qua. "Làm gì nữa đi... - Lợi nói và y nhớ lời thằng Nông - o tưởng tui chỉ có mấy cái ngón tay thôi à? Làm gì nữa đi!" Cô gái nhếch mép: "Sắp xong rồi, anh có thấy khoẻ khoắn hơn không?" Khoẻ khoắn? Y vào đây đâu chỉ muốn khoẻ khoắn, cái khoản đó y có thừa. Y vào đây là muốn được mệt. Y ngồi phắt dậy quát: Mất hai con cu kỳ vô đây để coi cái mặt hãm tài của o à?" Cô gái nói: Anh muốn chi? Lợi kéo cái đầu xinh xinh của cô ta lại sát mình: "Hun tui cái, tui chưa được đứa nào hun" Cô gái nói: "Anh có mùi gì hoi hoi, em không hôn anh đâu" Nghe giọng nói pha Bắc, bàn tay trắng lạnh, Lợi biết ngay cô ta là gái tỉnh thành. Y xuội đi trong một nỗi buồn thân phận, đúng là mình có mùi hoi của chim của bùn đất. "Thì cười lên cái coi, buồn chi mà như chó chết con rứa?" Cô gái cười. Nụ cười méo xệch. Thế rồi cô xuôi tay, ôm mặt. Bây giờ Lợi không thấy tiếc hai con cu kỳ nữa. Y mạnh bạo đưa tay vuốt tóc cô gái. "Thôi, tui mặc quần áo đây, coi như xong!" Cô cave ngước mắt nhìn y, hình như cô đang hối vì mình đã nói thật lòng. Quả thật cái mùi hoi hoi của ông khách làm cô muốn ói. "Lần sau anh lại đến nhé. Anh cứ đòi đích danh em. Em tên Phượng" Lợi nói: "Tui nỏ dại, mát xa mát gần chi mà chán. O khinh tui nhà quê không biết ăn chơi phải không?" Phượng nói: "Lần sau anh đến, em chiều anh". Nó chiều mình như thế nào nhỉ? Lợi ngẫm nghĩ, rồi nói: "Ba ngày nữa, tui đến bán cu kỳ, o đợi tui ở đám phi lao trước đền Tam Tang, được không?" Cô gái nhìn y ngạc nhiên: "Em không hứa, nhưng ra được thì em ra".
    Lợi không ngủ được. Ðã có bao giờ y mất ngủ đâu? Từ ngoài biển, sóng theo thủy triều lên đập ầm ầm vào vách đá. Y không thấp thỏm như mọi đêm. Con nước cường, sóng to là những ngày chim về nhiều. Y chỉ nghĩ tới cô gái có tên là Phượng ở nhà nghỉ. Lần đầu tiên trong đời, y được đụng chạm vào một cô gái mà không bị chửi, không bị đạp, không bị rủa là gà què ăn quẩn cối xay. Bây giờ hồi lại y vẫn thấy nhớ những cái vuốt ve vờ vịt, lạnh lùng nhưng vẫn đang râm ran trên da thịt y. Khỉ thật, thì ra đàn bà họ cũng làm mình sung sướng. Y nhìn quanh quẩn cái hang, bộ ấm chén mẻ, mấy cái bát và ổ nằm lót cỏ khô. Y trở lại phòng mát xa mấy lần. Thằng Nông nói: "Ông nghiện thật rồi, ông phải thưởng cho tôi mới được". Thực ra mấy lần đó y mất tiền toi. Y không gặp được Phượng dù y đã nói với cô bán vé là y muốn cái cô Phượng cao cao nói giọng Bắc. Nhưng bước vào phòng chỉ là một cô gái khác. "Bọn em phải xếp lốt - cô gái nói - Phượng nó đi ca trước rồi" Y hết hứng liền, ra ngay, tiếc rẻ hai con cu kỳ. Người y mỗi ngày một xác đi. Bữa thứ mấy rồi, mất hết bao nhiêu con cu kỳ rồi, không nhớ, y mới gặp được Phượng. Y lại hẹn và dọa. "O không ra thì tui giết!" Nói thế nhưng y giết được ai. Trong đám phi lao, y vồ lấy Phượng, cái chân cà nhắc kêu một tiếng khục tưởng gãy. Phượng bảo phải trốn ra, thằng Nông thấy thì nó nhốt vào buồng mấy ngày, ăn cơm muối. "Không ai tin mồm mấy con cave như em. Nhưng em nói anh có tin không?" Y nói tin. Cô gái kể đã phải đi nạo thai hai lần với một thằng đo đường đã có vợ, một lần với một ông giáo, bố mẹ cô buôn bán bị giật, phải bán nhà bỏ trốn không biết di đâu. Ngồi bán hàng nước, rồi bạn rủ đi làm nhà hàng. Dạt vào thị xã, rồi chủ này đổi cho chủ kia để luôn có người mới. Nơi thì lạnh nhạt, nơi thì xót thương, bây giờ trôi dạt về đây. Hai năm cực nhọc, nhục nhã mà không để ra được đồng xu nào. Tại em xấu, cô nói, tính lại bướng nên ít khách. Tiền bo chỉ vừa đủ son phấn, quần áo. Y hỏi: bo là cái chi? Phượng nói một hồi y mới hiểu. Im lặng lúc lâu, thị hỏi y: anh cứu em ra khỏi đây có được không? Y thấy thương, nói: Chẳng phải anh em ruột rà, cứu sao được? Cô ôm lấy cổ y: em lấy anh làm chồng, được không? Y bảo: "Nhưng em đừng lừa tui. Người ta bảo mấy o cave là thợ lừa". Phượng xuôi tay, ôm mặt. Y kéo tay Phượng ra và những giọt nước mắt còn nóng hổi chảy qua kẽ ngón tay cô gái. Lòng ruột y đảo lộn cả lên. Y có cái tính xấu là không chịu được nước mắt đàn bà. Thấy họ khóc là y cũng muốn khóc luôn. "Ðược, để tôi lo" y hứa.
    Chong mắt suốt đêm. Muốn quên nó đi cho nhẹ mình mà không được. Nó cứ luẩn quẩn trong đầu mình. Thằng Nông nói: ông đưa tôi hai trăm tôi cho con bé trốn khỏi đây với ông. Sau đó tôi không biết. Cũng chỉ mười lăm con cu kỳ. Lợi vét tiền đưa cho nó. Phượng về đây vào ban đêm. Không may là đêm đó có một cơn lốc có giông. Hai đứa ướt như chuột. Ðốt lửa lên sáng cả cái hang. "Ta cởi quần áo hè!" Lợi nói. "Anh ngủ với em rồi, anh có cưới em không?" Phượng hỏi. "ờ, để tui tính" Lợi nói, bần thần vuốt đôi vai trần của Phượng mà y thấy tuyệt đẹp. Hai hôm sau y đưa Phượng về quê chào ông chú đang làm chủ tịch xã, lại cũng muốn hỏi chuộc lại cái nhà. Trước sau cũng phải về làng thôi. Có thêm người, ở đây sao được. Bà thím quay mặt đi bĩu môi. Ông chú mời nước, kéo y ra vườn: "Tao nói mi biết, con ni là cave. Nó đã mát-xa cho tau một lần, hôm khánh thành trụ sở, bọn B chiêu đãi tau. Mi lấy nó răng được?". Y hỏi: "Chú đã mần chi nó chưa?" Chú y bảo: "Chưa, hôm ấy nó chỉ đấm bóp. Nhưng không tau thì thằng khác" Y đau trong ruột, bặm môi nói: "Nó chưa mần chi với chú là được. Còn thằng khác cháu không chấp! Lấy đĩ làm vợ còn hơn có vợ đi làm đĩ" Nói xong y thấy hối. Y vô tình nhưng chắc ông chú chạm nọc. Vì thím ấy, con đầu sắp lấy chồng mà hở ra là ngủ với người khác ngay. Người ta bảo ông chú là quan thị, hồi nhỏ bị chó đớp mất một đoạn may không chết. Hai đứa con, đứa đầu con một ông thầy cúng, đứa sau con một ông sư không biết thật hay giả mặc áo vàng đi khất thực qua làng ngủ nhờ mấy ngày. Sau thím ấy đặt vòng, lang chạ thoải mái nhất là với mấy ông giao thông hồi chiến tranh qua lại giải tỏa mặt đường. Nhưng không đẻ đứa nào nữa. Ông chú tát y một cái: "Mi xỏ lá, ý tứ chuyện nhà tau. Từ nay tao cấm cửa mi với con đĩ rạc của mi" Y ôm một bên má vô nhà, cả hai khăn gói tếch thẳng. Từ hôm đó y củng cố lại cái hang, hai đứa ở đây luôn, quyết trữ tiền chuộc lại cái nhà.
    Chiều ấy tôi đi về Thiên Cầm với Phượng. Cô ấy đi bán cu kỳ ở khu nghỉ mát, nơi tôi đã thuê sẵn một phòng trước khi đi câu mực, nghe lời tán tỉnh của ông Binh Ðao, ông ấy nói như hát: "Vô núi Cu Kỳ để kỳ cu..." nghe thật bùi tai. Tôi mê mẩn với cái hang của Lợi, ông Binh Ðao đợi không được nhổ neo về trước. Ðành ngủ lại một đêm trong hang. Vợ chồng Lợi không có thuyền nên Phượng đưa tôi qua một hẽm núi, vòng về Cửa Nhượng rồi đi qua những cánh rừng phi lao bên bờ biển. Phượng gánh đôi lồng chim đi trước, tôi theo sau. "Hôm qua ông có ngủ được không?" - Phượng hỏi tôi khi chúng tôi ngồi nghỉ trên một thảm lá phi lao. Rừng chiều ẩm ướt và đơn côi. "Không" - tôi nói. "Em cũng thế. Ông nghĩ đến chuyện chi mà không ngủ" Tôi nói: "Lúc đầu thấy thằng Lợi khâu mắt mấy con chim mồi, tôi muốn tát cho nó một cái. Dã man quá. Nhưng nó cũng đã cứu được một con người" Phượng nói: "Em cũng như mấy con cu kỳ chết vì bạn. Ðúng là em đang nằm trong lưới thì anh ấy thả em ra" Tôi nói: "Nó bị đôi mắt lúng liếng của cô sập bẫy" Phượng nói: "Em không biết có phải thế không. Em cắn cỏ chịu ơn anh ấy suốt đời. Nhưng rồi em sẽ phải đi. Sống thế này không chịu nổi" Tôi ngạc nhiên: "Ði? Lợi yêu cô mà cô thì chịu ơn hắn? Cô sợ bà con của hắn sao?" Phượng nhìn ra khoảng trống của rừng cây. Phía xa là biển, hào phóng một cách hoảng hốt. "Em không quen được, ông ạ. Ngày nào em cũng phải nhìn thấy cảnh chăng lưới, chim mồi, rồi sập bẫy. Em hãi lắm. Trả xong món nợ cu kỳ, em sẽ rủ anh ấy đi. Anh ấy không đi thì em đi" Tôi hỏi: "Nợ cu kỳ?" Phượng đáp: "Vâng, thằng Nông bảo vệ vẫn dọa bắt em về vì em hợp đồng miệng với họ làm tiếp viên hai năm. Em có nhận một số tiền để may quần áo. Biết chúng em chẳng có gì, chúng nó xiết nợ ngày hai con cu kỳ, cho bằng hết mới thôi".
    Tôi không nói gì. Tôi cũng không hỏi Phượng xem số tiền hai người còn nợ họ bao nhiêu. Hàng trăm năm nay, cu kỳ bay về núi này, biển này. Chỉ núi này, biển này mà thôi. Bay về để làm gì, không ai biết. Tên của chúng cũng là tên ngọn núi. Nhờ chim mà núi có tên hay đàn chim bí ẩn đã lấy tên của núi trong những cuộc bay hành hương tiền định? Những con cu kỳ, những con cu kỳ. Chúng đâu biết đang phải lấy mạng mình ra trả nợ từng con một cho những món nợ người?
    

Kết Thúc (END)
Nguyễn Quang Thân
» Người Bẫy Chim Trên Núi Cu kỳ
» Người Vợ Lẽ Ở Phường Khánh Xuân
» Người Đẹp Làng Chiếu
» Sông Nước Đời Thường
» Người Vợ Lẽ
» Michioa
» Thuế Giường
» Người Trêu Chim
» Phường Săn
» Lỡ Hẹn Ở Mai Châu
» Gặp Lại
» Hai Người Từ Thị Xã
» Đêm Cổ Nguyệt Ðường
» Ðĩa Xa Lát Nga
» Cây đắng cay
» Mưa Sao Băng
» Cây Bạch Đàn Vô Danh
» Nhật Ký Về Những Người Thanh Lịch
» Gió Heo May
» Vạt Áo Đời Người
» Chàng Thi Nhân Đầu Bạc
» Ði Đêm
» Người Đàn Bà Đợi Ở Bến Xe
» Mưa Sài Gòn
» Người Đàn Ông Trên Ban Công