Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Vàng Tác Giả: Lê Thao Chuyên    
    Buổi chiều nắng vẫn ào ào đổ tràn xuống nấu chín vạn vật. Con đường nhựa tuy tiếp nhận sức đốt sau cùng nhưng lại hứng chịu phần thiệt thòi quá lâu dài nên phản công mãnh liệt bằng những làn hơi ngùn ngụt bốc lên. Trong trận chiến ngấm ngầm độc hại ấy, hàng cây bên đường đành phải đứng chịu trận trước cảnh dưới đánh lên, trên đè xuống trơ bộ mặt xơ xác bám đầy những đất bụi, chứng tích cằn cỗi lâu đời mà thời gian không thể bôi xóa kể cả những cơn mưa tầm tã suốt những tháng mùa đông.
    Thành phố Biloxi, một tỉnh lỵ nhỏ về phía đông nam của tiểu bang Mississippi được chắp nối bằng những con đường lồi lõm, cong quẹo như đám dân hợp chủng đã tụ đến. Đủ mọi sắc dân, màu da, tiếng nói, phong tục, tập quán, tư tưởng và ngay đến ăn uống cũng không có điểm tương đồng và như loài cỏ dại, họ tự vươn sống, tự tạo cho mình một đường hướng tự do không đi vào khuôn phép nhưng cái cay nghiệt nhất vẫn là niềm bất hạnh như muôn vật phải chịu chung sự đày đọa của nắng. Nắng như thiêu phà xuống, vừa khô vừa bỏng rát đốt cháy thân thể loài người và đốt luôn cả bộ óc sáng tạo, điều đáng sợ nhất vẫn là tình cảm con người theo đó quắt queo.
    Dân trong tỉnh lỵ không hơn mười ngàn người, họ sống chung đụng ra vô dưới những mái nhà nằm san sát, lụp xụp cái thấp cái cao, bấu víu vào nhau tưởng đã bị phá hủy qua mấy trận bão lụt kinh hồn không ngờ vẫn được vá đắp mảnh ngang mảnh dọc như duy trì một chứng tích lịch sử rằng nước Mỹ xưa kia cũng nghèo nàn, cơ cực, cũng lạc hậu, phong kiến.
    Thành phố nghèo, dân nghèo, tình cảm nghèo nên đường xá cũng đắp miếng nọ vá miếng kia. Dây điện chằng chịt trên những cột cao giăng mắc như mạng nhện rách, sợi thòng xuống, sợi kéo căng ra, ảnh hưởng bởi những cột điện bị bão xô nghiêng không được tu sửa. Nơi đây, các ngã tư hay xảy ra tai nạn vì đèn lưu thông đôi khi lười lĩnh làm việc hoặc ngược lại một lúc bốn phía cùng xanh. Cảnh sát vẫn phải đứng thường trực dùng tay chỉ đường và đồng thời cũng để thi gan cùng với nắng.
    Cả một thành phố không hãng xưởng, công kỹ nghệ. Ngoài một số hưởng trợ cấp xã hội, còn lại sống bằng ngư nghiệp nhưng dù cố gắng thế nào vẫn không thể khá hơn được. Không hiểu cái nắng đã đốt khô sự tiến hóa của con người hay tại vùng đất chết chỉ có thể nẩy nở những mầm non còi cụt.
    Thành phố nghèo và cũ nhưng lại nằm sát ven biển. Từ freeway mười xuống exit để vào xa lộ chín mươi dọc theo bãi biển thì khách sạn, phòng tắm hơi năm mười tầng mọc lên như nấm. Những quán ăn, phòng trà, ca nhạc, những quán rượu cũng chen chân không chừa kẽ hở. Đặc biệt hơn hết vẫn là những sòng bài nổi mới được kéo về nằm xen kẽ tạo sức hút mãnh liệt và cũng để phục vụ du khách tối đa. Dân nhà giầu ở tứ xứ, bọn con buôn, các chủ sòng bài từ Las Vegas đánh hơi đổ dồn về bỏ vốn làm giàu. Chính vì thế càng làm nổi bật nỗi khốn khổ nghèo đói của đám dân bản xứ, càng tách biệt hai giai cấp giàu và nghèo rõ rệt, càng phô bày sự bất công, cá lớn nuốt cá bé mà mọi người vẫn thường thấy trên mọi quốc gia.
    Cửa hàng chạp phô của Thơ nằm ngay khu thị tứ cách bãi biển hai cây số nên chỉ toàn khách địa phương nhưng không phải vì thế mà ít khách. Bán một vài cái bánh, một vài bao thuốc hay khá hơn vài két bia, vài thùng nước suối, cứ thế công việc bận rộn từ sáng đến tối. Bán hàng xén giống như ngồi lượm bạc cắc nhưng năng nhặt chặt bị, chẳng tối nào Thơ kiểm tiền mà dưới một ngàn. Một ngàn tính đổ đồng lời ba mươi phần trăm thì cũng trên dưới ba trăm mỗi ngày. Một tháng chín ngàn bằng cả ba tháng tiền lương của kỹ sư độc thân nhưng lương lãnh ra họ chỉ trả thuế; còn Thơ đủ thứ tiền phải chi tiêu, nào bảo hiểm tiệm, bảo hiểm cho khách hàng, thuế tiệm, thuế đất, tiền điện, tiền nước v.v... chi chế mọi thứ cũng chỉ còn vài ngàn cầm tay. Vài ngàn nào đã chịu nằm yên, nay tiền giỗ, mai tiền đám ma, rồi tiền quần áo, sách vở cho con cái, rồi tiền health, life cũng đâu phải là ít. Nhà ba chiếc xe, tiền xăng nhớt, tu sửa... mọi thứ liên kết với nhau thành một động cơ thúc đẩy guồng máy trong con người Thơ luôn phải làm việc.
    Một ngày bán hàng mười tiếng chưa đủ, tối về nhà còn cơm nước và con cái, đôi khi Thơ nghĩ nếu không có những trách nhiệm bủa vây chẳng biết thời giờ nhàn rỗi nàng sẽ phải làm gì trước bất công xã hội? Làm gì khi trái tim trong nàng cũng sắp biến mất để thay thế bằng một trái tim máy? Có nhiều cái vô lý, vô lương tâm không thể tưởng nhưng Thơ vẫn phải ngậm miệng vì nồi cơm của cả gia đình. Người ta bảo đứng bán hàng là làm dâu trăm họ thế mà đúng, không khéo chiều, không ngọt ngào thì chẳng ai đến lần thứ hai. Thành ra những người bán hàng đều là những người sống giả dối che đậy, tốt xấu đều gật cười, như kẻ ngu, điếc, câm, mù, như hình nộm đứng đó mặc những than thở, những chướng tai gai mắt chung quanh... Thơ không hiểu cho đến bao giờ nàng mới dám sống thật với con người của mình. Cho đến bao giờ... Cho đến bao giờ...
    Trưa nay, trong cái nắng nhức mắt, người khách vừa bước vào làm Thơ giật mình. Nàng nhìn ngờ ngợ như đã có gặp ở đâu. Lạ? Không lạ lắm nhưng làn da nó xanh mét, xanh đến nỗi nổi bật đôi mắt mệt mỏi lờ đờ của những đêm dài mất ngủ. Cặp môi vừa thâm vừa dầy không che bớt sự bệnh hoạn lại còn cho Thơ ý nghĩ nó là thằng nghiện thuốc nặng. Mà có lẽ nghiện thật, ngoài trừ hai ngón tay đang kẹp điếu thuốc cháy dở vàng lên vì khói ám, răng nó còn bám đầy chất cáu đen của lâu ngày lười biếng cạo rửa. Cứ tưởng tượng trong làn khói kia ngàn vạn con vi trùng theo vào bám chặt lấy buồng phổi để gặm nhấm đục đẽo từng giờ từng phút mà Thơ phát rùng mình.
    Thơ bán hàng, bán thuốc lá mà lại không muốn cho người ta nghiện thuốc. Thuốc càng rẻ hoặc mua một tặng một thì khách hàng càng nghiện nặng, có người hút ba gói một ngày. Chẳng biết họ nói thật hay dối vì một ngày chỉ có hai mươi bốn tiếng, trừ chín tiếng ăn và ngủ, còn lại cứ mười lăm phút hút một điếu. Mà kẻ nghiện cách mấy cũng đâu thể rít một hơi hết một điếu? Những người khoe hút ba gói trong một ngày đa số không sống hơn sáu tháng, họ lần lượt ra đi làm thức ăn cho kiến, cho mối ngoài nghĩa địa. Đôi lúc Thơ có cảm tưởng mình đã tiếp tay dẫn họ lần mò tìm sự chết trong thú nghiện ngập cho nên không lần nào Thơ không phiền hà hoặc ái ngại khi khách vẫn không chịu giảm sức hút của họ.
    Dạo này thuốc lá tăng vọt một cách khủng khiếp, nhờ vậy những lời khuyên của nàng có đôi chút hiệu quả. Họ đã mua một thay vì hai và kèm thêm ít kẹo bạc hà, chocolate ăn cho khỏi lạt miệng. Nhiều người thành công và bỏ thuốc hẳn, ngược lại cũng nhiều kẻ thảm hại hơn không đủ tiền mua những loại thuốc khá để hút, họ chuyển sang loại rẻ và nặng, nội mùi khói thuốc bay ra đã làm Thơ váng vất nhức đầu thì nói chi đến lúc hút vào. Thế mà bây giờ lại thêm một nhân vật trẻ, rất trẻ muốn chạy đua với tử thần.
    Thơ vẫn luôn tay tính tiền nhưng mắt không rời nhìn người đồng hương. Lúc đó Vàng tiến vào tận bên trong và đảo thật nhanh ở cooler đựng bia lấy ra six packs Heineken đặt ở quầy:
    - Hi chị, còn nhớ em không?
    Vàng cố nhoẻn nụ cười thân thiện trong khi Thơ vẫn còn nhìn bỡ ngỡ thì nó đã móc ra một tấm check.
    - Hôm nọ em có đến đây với người chú cash check một lần.
    Thơ cầm tờ ngân phiếu của chính phủ cấp cho người tàn tật lướt nhanh: Nguyễn văn Vàng... Số nhà... Đúng rồi, có thế mà Thơ cứ ngờ ngợ ngay từ lúc đầu:
    - Em có mang I.D. không?
    - Chú em giữ rồi, chị đổi dùm em làm phước. Check của em mà.
    Trong thành phố nhỏ, người Việt không quá hai trăm gia đình thì dẫu chỉ một lần ghé cũng là khách quen, Thơ mỉm cười dễ dãi:
    - Em ký tên và ghi số điện thoại vào mặt sau.
    Vàng không cầm lấy tấm check, chân tay trở nên vụng về luống cuống làm Thơ ngạc nhiên. Nàng nhìn nó kéo xâu bia sang một bên miệng lắp bắp:
    - Chị chờ em lựa thêm ít đồ nữa...
    Khách thưa dần, buôn bán là vậy, nhiều khi ngồi ngáp vặt, nhiều khi dồn dập không kịp gói. Tiệm nhỏ nên Thơ chỉ mướn thêm người làm partime phụ sau bốn giờ chiều. Bây giờ chỉ còn mình Thơ với nó.
    - Chị tính xem tổng cộng bao nhiêu?
    Cái check ba trăm chín mươi tám đồng. Mười cây thuốc lá đã gần hai trăm bạc.
    - Có điên không, hút gì nhiều dữ vậy?
    - Em mua năm cây đi biển, còn năm cây cho chú em. Chị không thấy hai loại thuốc khác nhau sao?
    Thì tạm cho là nó có lý. Năm cây hút vài tuần vì đi biển nhiều khi cả tháng mới vào, nó có quyền của nó nhưng còn năm cây cho người chú? Nó không biết rằng số lượng quá nhiều để cho? Ông ta có tiền mà! Mọi lần cầm check vào đổi, sang lắm ông cũng chỉ mua cho Thơ một gói thuốc và mươi đồng xăng.
    - Không nhất thiết là phải mua nhiều, nếu cần chị vẫn có thể đổi dùm em cũng được. Đồng hương mình chỉ giúp đỡ nhau trong lúc này.
    Vàng mân mê những cây thuốc lá như không muốn để lại:
    - Toàn là những thứ em cần xài.
    - Ừ thì cần nhưng làm gì đến ba hộp Tylenol?
    - Ở nhà một, dưới tàu một còn một em cho người bạn.
    Thơ bấm vào máy mười cái bật lửa mà tiếc dùm cho nó. Đúng là đàn ông con trai có tiền chỉ biết xài hoang phí.
    - Em không để cho nó nằm ấm trong túi áo sao?
    - Sắm là có vì tiền đâu thể ở lâu với mình.
    Mặt Vàng ngờ nghệch khờ khạo nhưng lời nói lại có nhiều ý nghĩa sâu sắc.
    - Trông em khỏe mạnh sao lại được hưởng tiền này?
    Vàng cười nhưng không trả lời. Nụ cười là lạ cho Thơ cảm tưởng nó là kẻ bất bình thường. Ừ, biết đâu nó lại chẳng mắc bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần? Người Thơ khẽ run lên. Có thể, vì chỉ mắc bệnh tâm thần mới xài tiền như muốn vứt đi. Thơ đẩy tám cây thuốc về một phía:
    - Chị bán cho em hai cây và những thứ cần dùng. Nếu em không bằng lòng thì thôi vậy.
    Đang vui mặt Vàng chợt tái lại, mồ hôi bắt đầu rịn trên trán:
    - Tội nghiệp em mà chị. Xuống biển không có thuốc không làm được lại ngồi một đống như cái đinh trước mắt mọi người. Chị thương giúp dùm em.
    Đúng là nó bị tâm thần thật sự vì cầm tiền thối lại đi đến chỗ nào mua chả được. Thuốc lá chỉ cấm trẻ em dưới mười tám, còn nó ngót nghét cũng phải hai mươi lăm.
    - Vậy thì bỏ năm cây Pallmall lại. Tự dưng Thơ bắt chước Vàng kỳ kèo thêm một bớt hai.
    - Chị thông cảm dùm em đi chị, mua thuốc cho em mà không mua cho chú ấy là có chuyện liền.
    Thơ không thể từ chối trước đôi mắt khẩn khoản của nó, hơn nữa nàng cũng nhận thấy mình đã đi quá lố trong cương vị người bán hàng. Thơ tính tiền và dồn tất cả vào một thùng giấy lớn.
    - Chị để bia và kẹo bánh bên ngoài cho em.
    Vàng mua khá nhiều Catchew, loại hột điều rang bằng mật ong ngọt ngọt bùi bùi, một ít blowpop sucker, kẹo có cán dài để con nít dễ cầm, dễ mút, một nắm kẹo chewing gum, hai cái bàn chải đánh răng, hai cái lược và một chiếc gương nhỏ.
    - Có bồ chưa mà điệu vậy?
    Thơ cười khi cầm chiếc gương khiến nó đỏ mặt. Của sắm là của được, có thể số tiền quá to tát đối với Thơ nhưng biết đâu lại là nguồn vui và hạnh phúc của nó? Con số đã lên đến hai trăm bốn mươi bốn đồng, Vàng vẫn chưa hài lòng còn nhìn quanh quất.
    - Đủ rồi về đi, cần gì thêm mai ghé lại lấy, Thơ cầm nắm tiền dúi vào tay nó, cất cẩn thận kẻo mất. Em đếm lại cho đúng, tổng cộng một trăm năm mươi bốn đồng chẵn.
    Khách đã lục đục bước vô, tiếng bíp bíp từ cửa kêu liên tục mỗi khi được mở. Vàng cất vội tiền trong bóp rồi nhét vào túi quần không quên ném lại mấy đồng lẻ:
    - Cho chị đó.
    - Không, điên vừa thôi.
    Thơ ném ngược trở lại nhưng Vàng xua tay vẫy đi. Bốn tờ một đồng không nơi bám víu rơi lả tả xuống đất. Một người khách đứng gần đó cúi xuống nhặt và lững thững nhét vào túi. Rồi, lại gặp thằng phải gió. Thơ đặt tên cho nó quả không sai. Nó là thằng Mỹ đen cao lênh khênh nhưng mặt mũi tay chân choắt cheo đến thảm hại. Có lẽ tại suốt đời thức khuya ăn trộm nên dưới ánh sáng thiên nhiên, da dẻ nó dúm dó khó coi.
    - Trả lại tiền cho nó đi. Thơ nói lớn như ra lệnh và nghiêm mặt nhìn thẳng vào mặt thằng phải gió.
    - Tao cho mày đó!
    Vàng mau mắn xen vào làm thằng Mỹ nhìn Thơ mặt khinh khỉnh. Như vậy đành chịu, tiền của nó, nó có quyền cho, vô cớ đòi lại chỉ lằng nhằng rắc rối mà nhiều khi còn mang họa vào thân. Thơ im lặng nhưng mắt vẫn lom lom nhìn thằng Mỹ con. Trông nó mất dậy không chịu được, mỗi lần vào tiệm là chỉ giở trò ăn cắp vặt. Tỉnh bơ trước ánh mắt đe dọa của Thơ, thằng Mỹ mon men lại gần Vàng:
    - Mày làm gì có tiền nhiều quá vậy?
    Thôi rồi! Thơ than thầm.
    - Em về đi, tiền bạc cẩn thận coi chừng mất. Thằng này không phải thứ đàng hoàng đâu.
    Thơ nói bằng tiếng Việt nhưng nét mặt nghiêm trọng khiến thằng Mỹ cũng đoán được đôi phần là đang nói hành nó. Nó đưa đôi mắt trắng ởn ra dọa nạt nhưng không dám nói gì vì thật ra nó cũng khớp Thơ lắm. Thơ không phải thứ vừa, chỉ biết điều với khách còn những thứ ăn trộm như chúng thì cách duy nhất để trị là cầm ống điện thoại gọi cảnh sát. Cái điện thoại còn đáng sợ hơn súng ống dao găm, dẫu ba đầu sáu tay nó cũng phải cắm cổ bỏ chạy. Tụi cảnh sát chẳng biết ất giáp gì cứ nghe mấy người bán hàng gọi là ào ào bủa đến như kiến, có tội hay không về bót rồi hãy tính. Nó là thằng có quá nhiều tiền án nên sợ cảnh sát là phải. Nó sợ cả cái trừng mắt của Thơ nhưng vẫn cứ xắn lăn đến, đến vì miếng ăn, vì chôm chỉa. Năm thì mười họa Thơ mới bắt được một lần, những lần đó nó chỉ ném trả lại lon bia hoặc cây sausage dấu ngay dưới đáy quần.
    - Mày mua gì nhiều quá vậy? Miệng hỏi, mắt nó dán chặt vào bịch giấy trên tay Vàng.
    - Beef jerky, mày ăn không?
    Thơ nín im chờ Vàng lấy thỏi thịt bò khô ra nhưng nó đã gạt tay Vàng:
    - Mình ra ngoài hè ngồi ăn vui hơn.
    Theo luật, khách hàng không được uống bia quanh tiệm nhưng chỗ chúng ngồi là bên hông khuất sau dãy xe, lưng chúng được ngăn cách bởi bức tường bằng kính trong suốt cũng là chỗ Thơ ngồi tính tiền. Thỉnh thoảng nàng liếc chừng nên khá yên tâm còn hơn hai đứa dắt díu nhau xa khỏi tầm mắt của Thơ. Tự dưng Thơ thấy tội nghiệp Vàng, thằng khờ, có cái gì khiến nàng cứ phải băn khoăn suy nghĩ. Nếu nói rằng sợ thằng Mỹ dụ dỗ thì cũng không đúng, kẻ đã biết cầm tiền tất nhiên phải biết giá trị của đồng tiền. Mà bảo Thơ thương hại một tuổi trẻ đã sớm lãnh tiền tàn tật thì cũng không phải vì chính Thơ cũng chưa biết nó bị bệnh gì. Trong xã hội những kẻ thiếu may mắn như Vàng đâu phải là ít, có người mất tay mất chân, lại cũng có người cả đời chỉ ngồi trên xe lăn. Vậy thì có gì để Thơ băn khoăn? Hay là cách xài tiền của nó? Thơ chợt rùng mình. Có thể. Hình như lần đầu tiên nó biết cầm tiền và chỉ muốn xài cho hết trong một lúc. Phải có một nguyên do gì...?
    oOo
    Vàng để thùng thuốc lá bên cạnh chỗ ngồi, duỗi hai ống chân đen đủi lởm chởm những sợi lông khá dài mọc vô trật tự trông thật bẩn thỉu. Đôi dép da vẹt một bên đế bị đá văng ra xa để lộ bàn chân thô và những đầu ngón to tù vù. Ngoài hè có mái hiên che nhưng hơi nóng vẫn ngột ngạt bốc lên. Vàng đưa tay cởi áo, chiếc áo thung đỏ loang lổ ướt và hôi nồng được đặt cẩn thận trên chóp đầu, khi gấu áo phủ vừa kín khoảng lưng nó cột hai tay áo chéo lại với nhau cho khỏi rớt. Bên Mỹ đa số những dân lang bạt cột như vậy thay nón đội. Thằng Mỹ bên cạnh cũng lột trần nhưng cột áo ngang eo, nó mặc chiếc quần đùi ngắn nên bị áo phủ ra ngoài trông như mặc váy. Hai thằng ngồi sát bên nhau rỉ rả vừa uống bia vừa nhai hột điều.
    - Mày ở đâu vậy?
    - Gulfport.
    - Trời đất, Tony, thằng Mỹ đen, la lên tỏ vẻ ngạc nhiên, ai chở mày xuống đây?
    - Tao đi bộ.
    - Sao mày không quá giang xe người ta?
    Hỏi xong Tony mới thấy mình đi lạc đề; bia và hạt điều làm nó quên đi hết những ma ranh sẵn có. Thực ra gia đình Tony cũng không đến nỗi tệ, đói quá ăn cắp vặt ra tù vào khám như ăn cơm bữa nhưng tiền án chưa hề ăn cướp hoặc giết người bao giờ, tay chưa nhúng máu nên tất cả những hành động tham lam nảy sinh không từ sự tính toán kỹ lưỡng. Tony khoái tiền trong túi quần thằng Việt Nam nhưng cũng khoái nhậu. Tuổi như nó uống vào vài lon là quên hết sự đời chỉ còn lẩn quẩn những ham muốn dục tính vì men bia kích thích. Tony nhấp thêm một ngụm bia rồi đưa tay quệt mép:
    - Đi chơi không?
    Vàng không ngạc nhiên khi nghe Tony hỏi. Dưới tàu cũng có mấy người Mỹ làm công cho chú nó. Mục vui chơi của chúng thường chỉ là rẽo dài ngoài đường phố, tay cầm lon bia được gói kín trong bọc giấy, túi cộm bao thuốc lá nữa là xong. Chẳng hiểu chúng đi chơi hay tập thể dục vì tụi Mỹ to con ăn uống lắt nhắt cả ngày lại toàn đồ bổ và chất béo nên đi bộ là một hình thức làm cho tiêu những lớp mỡ dư thừa ứ đọng, ngoài ra đi bộ cũng "o đào" dễ dàng. Đào Mỹ không hạch sách đua đòi và kiểu cách như đào Việt, chỉ một điếu thuốc lá, một lon nước là muốn gì cũng được nhưng kiểu này cũng sờ sợ. Đám bạn nó có khối thằng mắc bệnh. Bệnh lậu, giang mai còn có thuốc chữa, vô phúc gặp bệnh aid là tiêu đời.
    Vàng chưa có đào Mỹ, Việt cũng không nên chuyện Tony rủ đi chơi nó có vẻ không mấy hưởng ứng.
    - Nắng lắm. Vàng lắc đầu.
    - Ai bảo đi xa, ngay đây nè, Tony đưa tay chỉ, cách con đường là khu housing.
    - Tao không thích. Vàng vẫn lắc đầu quầy quậy.
    - Thằng ngu, mày có biết làm gì ở đó không mà đã bảo thích với chả thích?
    - Lại mấy đứa lai hoặc tóc vàng tóc đỏ?
    - Ậy, tao nói không phải mà.
    - Tao ớn bệnh lắm.
    Tony nhìn Vàng nghi ngờ:
    - Bộ mày bị bệnh rồi hay sao sợ quá vậy con?
    Vàng không muốn nói đến chuyện đó, thực ra người nó xuội lơ, mền nhũn như cọng bún, nó nói thật nhỏ:
    - Tao chưa gần con gái bao giờ.
    - Giỡn hoài mày.
    Tony la lên và nhìn Vàng trân trối. Đối với đám con nít nghèo trong khu chung cư này, thằng nào tệ nhất, không điên khùng hoặc bệnh hoạn thì có trễ lắm cũng không để qua lứa tuổi mười bốn. Tony không tin là phải vì trên mặt Vàng đã có đầy những nét cằn cỗi.
    - Mày biết tao nếm mùi từ hồi nào không? Mười hai. Tony hãnh diện khoe thành tích lừng lẫy của nó.
    - Cũng chuyện thường thôi.
    - Còn khá hơn mày. Tao không ngờ mày ngu quá cỡ.
    - Không ngu nhưng không thích.
    Tony nhìn Vàng với đôi mắt đầy nghi ngờ nhưng thấy khuôn mặt khờ khạo nhìn lại, nó bắt đầu cảm thấy thương hại, sự thương hại lướt nhanh trên thân thể trần trụi và dừng lại nơi bộ ngực phẳng phiu chỉ nhận định được nhờ hai cái núm màu hồng nhỏ xíu. Màu hồng tươi làm nó nhớ đến con Nancy. Tự dưng nó chợt có ý tưởng lạ lẫm:
    - Mày còn tiền không?
    - Còn. Chi vậy?
    - Mướn motel tao với mày "make fun".
    - What for?
    Trời đất, Tony thầm kêu, đúng là nó bị bệnh, một thứ bệnh mà không thằng con trai nào lại không sợ. Tony ngồi xích sang một bên hết nhìn thân hình Vàng lại cúi xuống nhìn xoáy vào cái ví tiền căng phồng ở mông sau. Miệng túi hơi nhỏ dính chặt vào chiếc quần đùi chật ôm cứng ngắc lấy cái mông cong cong tạo thêm phần hấp dẫn nhưng dù sao mục tiêu chính của nó vẫn là số tiền kếch sù kia.
    - "For fun" đồ ngu, tao sẽ làm cho mày sướng mê tơi anh hùng.
    Vàng lúc lắc cái đầu, vạt áo đỏ lại được dịp chao động:
    - Tao về đây.
    Tony hoảng hốt chụp vội tay Vàng, khuỷu tay đụng trúng túi tiền làm người nó run lên:
    - Chưa uống xong mà, tao thấy mày mua những "six packs".
    Vàng đẩy thuốc lá sang một bên, lôi ra xâu Heineken đã uống hết ba chai:
    - Cho mày hết, cả cái này nữa.
    Như sợ Tony không bằng lòng, Vàng thẩy thêm một thanh beef jerky.
    - Không, Tony tiếc rẻ ném trở lại, tao muốn đi với mày bất cứ đâu để được bữa cơm chiều nay.
    Và rồi điệu bộ Tony trở nên quýnh quáng vì nãy giờ nó muốn trì kéo thời gian cho dài ra để tìm kế lấy cắp số tiền nhưng không ngờ Vàng đã móc ra một cách lẹ làng. Như nằm mơ, nó lấy tay dụi mắt nhiều lần mà vẫn không tin rằng mình đang nhìn rất rõ. Nắm tiền run rẩy trong tay Vàng, hình Tổng Thống Jackson, Hamilton, Lincoln nhảy múa lẫn lộn làm máu trong cơ thể Tony xuôi ngược lung tung. Tay nó muốn vung lên chụp gọn nắm tiền và đôi chân cũng muốn co lại để thoát chạy. Cẩn thận chứ không như mọi lần, Tony nhìn dáo dác chung quanh trước khi ra tay. Xe cộ lên xuống nườm nượp nhưng chẳng ai để ý hai đứa ngồi khuất trong dãy parking. Đôi mắt Tony láo liên chợt đứng dựng lại vì trong tiệm Thơ đang trừng mắt nhìn như muốn cắt cả mặt kính, điện thoại cũng lăm le trên tay như sẵn sàng gọi cảnh sát bất cứ lúc nào. Có tật giật mình, nếu Tony suy nghĩ xa hơn một chút cứ giựt đại rồi chạy thì cảnh sát có đến cũng phải vài ba phút sau, lúc đó còn ai ngoài thằng Việt Nam khờ khạo đứng khóc sướt mướt. Tức vì không dám liều, Tony đâm bực ngang xương nên văng tục tùm lum:
    - Đù quá ngu đếch chịu được.
    Vàng đã rút ra tờ năm đồng nhưng khi thấy Tony đỏ mặt tía tai, phồng mang trợn mắt chửi, nó không hiểu ất giáp nên hỏi lại:
    - Chuyện gì vậy?
    - Chuyện cái cục "c". Đưa cho ông một trăm không thôi ông đánh thấy mẹ bây giờ.
    Vàng cười hềnh hệch vì tưởng Tony chê ít nên rút thêm tờ mười đồng:
    - Tao không thích đi thật mà.
    - Đú quả còn nói nữa ông nhét cục "c" vào miệng mày bây giờ, đồ... đồ... Chinese Vietnamese... đồ Japanese...
    Tony chỉ lắp bắp chửi được có vậy vì Vàng đã dúi tiền vào tay nó. Đồng tiền giống như có điện đụng vào bàn tay trần trụi làm người nó giật tung lên. Thật lẹ làng Tony nhét ngay vào phía bên trong quần lót như sợ bị lấy lại nhưng đôi mắt vẫn lom lom nắm tiền trên tay Vàng. Mắt Tony tham hơn lòng nên bám chặt vào bàn tay tròn ủng những thịt, bàn tay không một sợi gân, lùn như nải chuối cau làm sao chống đỡ được cái bẻ vặn ngược của nó? Tony nuốt nước bọt và một lần nữa liếc nhanh vào tiệm; lần này chẳng những nó thấy Thơ mà còn vô số những đôi mắt khác đang trợn mắt nhìn. Khi lòng tham trỗi dậy, dẫu có mười Thơ hoặc cảnh sát nó cũng coi như pha. Giờ thì nó không ngán Thơ nữa, cũng không ngán cảnh sát mà lại ngán mấy thằng to lớn lực lưỡng cùng màu da đen đang chỉ chực nhảy bổ ra quặp lấy hai cánh tay nó bẻ tréo lại. Tony vuốt mái tóc quăn xoắn dính sát da đầu đang vã đầy mồ hôi, giọng nó trở nên yếu xìu:
    - Con mẹ mày, phải hai chục nữa mới đi gái được con ạ.
    Vàng đã nhét tiền vào túi và ôm thùng thuốc đứng lên:
    - Mày đi gái thì mày hưởng làm gì có chuyện bắt tao phải trả tiền?
    Nói được câu này thì Vàng đâu phải là thằng khờ. Giờ đến lượt Tony ngẩn người ra. Nó nhìn cục vàng tiếc rẻ, ý định rủ Vàng đi bộ một quãng ngắn để giựt tiền cũng biến mất. Đa số những thằng người Việt có đôi mắt xếch như Tàu đều có võ Kung Fu, biết đâu thằng này lại chẳng đai đen, đai vàng? Tony gãi sồn sột ở háng, bàn tay vô tình đụng trúng cuộn tiền nhét ngay chỗ kín, hình hai ông Hamilton và Lincoln lại hiện ra nhưng không còn mãnh liệt như lúc đầu vì đã bị thằng Brook Lee với cú đá thần sầu choán ngự. Tony thở dài đứng lên và dơ cao gót chân đá mạnh những viên sỏi nằm gần đó giọng buồn bã:
    - Hôm nay đúng là mày gặp được ông cố nội mày thương.
    Vàng cười hề hề dễ dãi. Nó kéo áo lau những giọt mồ hôi lăn dài trên gáy rồi lầm lũi băng qua đường, nhập vào màu nắng gắt với chiếc áo đỏ trên đầu...
    

Kết Thúc (END)
Lê Thao Chuyên
» Đuổi Theo Vệt Nắng
» Bóng Mờ Hiu Quạnh
» Chốn Cũ
» Kiếp Tăm
» Nữa Cánh Thiên Đường
» Bà Giao Chỉ
» Mây Và Nắng
» Vàng
» Lối Thoát
» Hòn Đá Cuội
» Đêm Tình Yêu
» Người Đi Qua Đời Tôi
» Chữ Nhân
» Chiếc Ghế Bành Màu Da Người
» Con Xà Mâu
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý