Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Lãng Đãng Chiều Sương Tác Giả: Mai Ngữ    
    Hà nội - mùa thu, trời đẹp. Một buổi sáng tôi đạp xe cùng nhà văn Tô Hoài đi dọc phố Bà Triệu. Chúng tôi có hẹn với ông bạn Vạn Lịch đến một quán cháo lòng tiết canh mà ông Lịch khoe rằng ở đó cò món hàng lợn luộc trắng như ngó sen, lại ròn.
    Gặp để chơi và trò chuyện là chính không phải vì món quà sáng mà ông Vạn Lịch giới thiệu. Ông Vạn Lịch là người bạn thân thiết của giới văn nghệ chúng tôi, ông rất quý những tài năng và hết lòng giúp đỡ nếu có thể được. Ông thân với nhà văn Nguyễn Tuân, Kim Lân hay Tô Hoài, chơi với các ông Phạm Văn Khoa, Phan Kế An hay Nguyễn Sáng, đặc biệt với Văn Cao. Hồi chống Pháp, ông Vạn Lịch từng là chính uỷ trung đoàn thuộc Sư 312 về sau ông chuyển đơn vị khác thì ông Hà Minh Tuân về thay. Hồi năm 63, ông Tuân gặp cái nạn Vào Đời, ông Lịch rất thương ông Tuân và bà vợ sau này của Tuân cùng đứa con của bà cũng quý mến ông Lịch vì ông chẳng nề hà gì, hễ giúp được bạn là giúp hết lòng. Ông Nguyễn Tuân cũng vậy, còn sống thì ông Lịch thường mua bia hơi đến cho ông và sau khi ông mất, chẳng có ngày giỗ nào của ông mà ông Lịch không đến nhà thắp hưong cúng ông. Ngày xưa, nghĩa là cách đây khoảng hơn hai chục năm, ông Vạn Lịch còn đến được Câu lạc bộ Ba Đình ngồi với bè bạn và uống bia hơi, khi về bao giờ ông cũng mua thêm vài ba vại đổ vào bi-đông đem theo nói là “để đem về cho thằng Tuân”. Một buổi sáng, tôi đến Hội nhà văn thấy ông Nguyễn Tuân đang ngồi đọc báo ở phòng Hành chính. Ông ngẩng lên bảo tôi: “Chiều qua Vạn Lịch lại đem bia đến cho mình. Này, Vạn Lịch là người rất tốt phải không?”. Tôi gật đầu. Cái ông nhà văn cao tuổi này rất dè lòi khen mà đã khen ai thì chắc là đúng.
    Tôi nhớ lại hồi Hà Nội xử vụ án Tạ Đình Đề, thiên hạ hiếu kì đến ngồi đầy trong sân toà án cả người lớn cả trẻ em. Tôi nghe trong đám trẻ chừng mười bốn, mười lăm tuổi đang ngồi xúm quanh một đứa lớn hơn đang liến láu kể chuyện, mắt mũi trọn trạo: “Thế này nhé, hồi Bác Hồ sang Trung Quốc, con mụ Giang Thanh mời Bác hút thuốc lá. Bác vừa ngậm điếu thuốc trên môi thì ông Tạ Đình Đề đứng bảo vệ Bác rút súng lục bắn “oành” một phát trúng điếu thuốc rơi xuống, ghê không? Chẳng là Giang Thanh đã tẩm thuốc độc vào điếu thuốc lá mà... Lũ trẻ ngồi ngẩn mặt nghe... Sau ba ngày xét xử, toà án đã tha bổng cho Tạ Đình Đề vì ông chẳng có tội gì cả và tôi biết một trong những đã tích cực bảo vệ cho ông Đề trước toà chính là ông Vạn Lịch, ngày đó ông còn làm Chánh Văn phòng của Tổng cục đường sắt. Còn cái xí nghiệp sản xuất dụng cụ thể thao, những quần vợt, bàn bóng ping-pong của ông Để thuộc Tổng cục đường sắt nằm ngay đầu phố Quán Sứ.
    Sau này thỉnh thoảng gặp ông Đề ở nhà bè bạn, khi nghe có người giới thiệu, ông Để thường nói: “Cả nước đánh đề mà không trúng đề...”. Hình như ông lại bị bắt lần thứ hai và khi ra tù, ông lại nói vui: “Tôi vừa đỗ tú tài (tái tù)...”. Nói cho vui thế thôi nhưng Tạ Đình Đề là con người rất hiền lành, bia rượu hay thuốc lá chưa bao giờ dùng, cái con người mà hồi chín năm tôi được nghe bao nhiêu là chuyện như là huyền thoại sao mà ít nói hay có bao nhiêu điều không muốn nói ra. Hôm đi lĩnh huy hiệu 50 tuổi Đảng, ông đến Câu lạc bộ Ba Đình bỏ cái phong bì kèm theo huy hiệu ấy có năm chục nghìn mua bia cho tất cả anh em cùng uống, riêng ông thì không. Một lần có bạn nào đó đọc lại hai câu thơ kiểu Bút Tre cho ông nghe: “Hoan hô anh Tạ Đình Đề. Trước làm gián điệp sau về với ta”. Ông chỉ cười nụ, bảo rằng thiên hạ đồn thổi về ông quá nhiều nên ông cũng hay mắc vạ về những lời đồn thổi ấy. Ông im lặng và tôi cũng im lặng ngắm gương mặt đã sạm, bộ ria con kiến của ông và không hỏi gì về ông. Mà có hỏi ông cũng chẳng muốn nói, ông như cái bóng mờ mờ ảo ảo, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu, chỉ biết một điều ông là một người tốt, một nhà cách mạng lão thành, vậy thôi.
    Sáng hôm ấy, đi dọc phố Bà Triệu, qua ngã tư Trần Hưng Đạo, quãng sắp đổ dốc Hàng Kèn cũ thì ông Tô Hoài chỉ tay về phía bên trái bảo: “Trái nhà kia đúng một trăm tuổi đấy, ông ạ”. Tôi nhìn theo tay ông, bên kia đường có một ngôi nhà một tầng ba gian nhưng cửa khép (hồi đó có lẽ cái “mặt tiền” chưa có giá) ngôi nhà xây trên cái nền rất cao có bậc tam cấp đi lên, trán nó quét vôi trắng, hai bên đắp hoa văn cỏ cây hoa lá gì đó, chính giữa đắp hàng chữ số nổi “1891”. Có nghĩa khi chúng tôi đi qua, ngôi nhà vừa tròn một trăm tuổi. Ngôi nhà cổ lặng lẽ, chẳng có chút khoe khoang với bàn dân thiên hạ đang hối hả trên đường và nó cũng lặng lẽ nhìn thiên hạ với con mắt khoan dung và độ lượng, ra ý rằng lúc ta ra đời thì các người còn ở đẩu ở đâu. Cái ngôi nhà đã đứng đó suốt một thế kỷ, chứng kiến bao biến thiên của Hà Nội, đã đứng đó suốt một trăm năm qua, suốt ba vạn sáu ngàn ngày qua lặng lẽ. Tôi cũng lặng lẽ đạp xe qua và ông Tô Hoài cũng lặng lẽ không nói gì thêm nhưng tôi hiểu trong lòng ông đã có gì cộn rộn không yên khi nhìn thấy ngôi nhà cổ. Ông là một người hiểu nhiều, biết nhiều, đi nhiều và nhớ cũng nhiều, những chuyện từ thâm cung bí sử đến đời thường vặt mãnh. Nếu có điều gì không biết, không hiểu tôi thường hỏi ông, ông vui lòng nói lại cặn kẽ, ông nào, bà nào, năm nào tháng nào và sự việc xây ra như thế nào. Ông như cuốn sử sống của Hà Nội. Có lần tôi thấy trên tivi xuất hiện một nhà kiến trúc sư phong cảnh nói về dự án xây dựng của mình ở gần Hồ Tây. Ít ngày sau nhân cùng đi uống rượu với ông, ở cái quán đầu phố Trần Hưng Đạo tôi hỏi ông, ông cười nụ rồi nói: “Cô ấy là em vợ thằng Phong Lê mà cũng sắp ra toà nay mai về cái vụ ấy...”. Quả nhiên ít ngày sau lại thấy trên tivi nói rằng sắp xử vụ án lừa đảo của cô kiến trúc sư phong cảnh ấy có liên quan đến quan chức thành phố. Tài thật, cái ông Tô Hoài hóm hỉnh mà như thánh sống ấy...
    Sau lưng tôi vẫn là ngôi nhà cổ tròn trăm tuổi, tôi có cảm giác như nó đang dõi mắt nhìn theo chúng tôi mỉm cười, nụ cười giống như nụ cười của nhà văn Tô Hoài hay như nụ cười của ông Tạ Đình Đề. Nghĩa là những người biết rộng hiểu nhiều về cuộc đời này, bỏ mặc thiên hạ với những lời đồn thổi và nhìn họ bằng đôi mắt khoan dung và độ lượng. Sáng hôm ấy, chúng tôi xuống đến ngã tư Nguyễn Du thì trông thấy ông Vạn Lịch đứng chờ trên vỉa hè cùng với cái xe đạp minh của ông. Ông Vạn Lịch bảo rõ đen cho chúng mình, sáng nay nó đi chợ chưa về nên chẳng có gì hết. Đành quay xe đạp theo đường Hàng Bài về nhà ông Vạn Lịch ở giữa phố Lý Thường Kiệt mà vào mùa này hàng cây bên đường rụng gần hết lá giơ lên trời thu những cành gầy guộc. Xưa kia, khoảng gần ba mươi năm trước, bạn tôi, nhà đạo diễn điện ảnh Phạm Kỳ Nam rất mê hàng cây hai bên đường phố Lý Thường Kiệt từ trường Đại học Tổng hợp đổ xuống. Kỳ Nam ước mong anh có dịp đưa lên màn ảnh hàng cây mà anh cho là đẹp nhất, thơ mộng nhất của Hà Nội cuối thu. Anh còn ấp ủ rất lâu được làm bộ phim Bỉ vỏ theo tiểu thuyết cùng tên của Nguyên Hồng, cái cảnh phim đầu tiên, ông bảo, là cảnh bến tầu thuỷ ngổn ngang và bẩn thỉu khi chuyến tàu Nam Định cặp bến, cô gái từ vùng quê ra thành phố sợ sệt trước cảnh hỗn loạn và sương mù phủ là là mặt sông. Kỳ Nam bảo khác nào những thước phim mở đấu của bộ phim “Thời thơ ấu“ của Goóc-ki. Ông tha thiết lắm mà không sao được, đành phải làm những cái mà ông chưa thích thú. Phạm Kỳ Nam người làng Đông Ngạc tục gọi là làng Vẽ, một làng có rất nhiều quan và họ Phạm của ông cũng là họ to. Kỳ Nam học điện ảnh từ Pháp về nước vào năm 55, 56 và cũng dính tí Nhân văn - Giai phẩm bởi lúc đó bên điện ảnh có ra tờ báo Sáng Tạo, Kỳ Nam tham gia tí chút và không may tờ Sáng Tạo lại có bài viết chê phim Liên Xô. Thế thôi vậy mà bộ phim truyện đầu tiên của ông làm cùng với Nguyễn Hồng Nghi, ông không được để tên thật, phải đề là Phạm Hiếu Dân, đó là phim Chung một dòng sông, phim thứ hai “Vật kỷ niệm“ cũng chung Hồng Nghi và cũng phải đề tên như vậy. Mãi đến phim thứ ba, lần này ông làm một mình, phim Chị Tư Hậu, một bộ phim khá nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, ông mới được đề đúng tên mình. Bộ phim phải đương đầu với bi kịch gia đình.
    Một buổi trưa tôi đến nhà ông thì ông bảo trưa nay mình phải ra toà ký giấy ly hôn. Trên bàn của ông còn ngổn ngang những kịch bản phân cảnh đang làm dở. Kỳ Nam để tôi ở nhà, xách xe đạp chạy đi khoảng nửa tiếng quay về, nét mặt bơ phờ, nhàu nhĩ như vừa phải làm công việc quá sức. Rồi lại ngồi ngay vào bàn làm việc. Bây giờ Kỳ Nam không còn nữa, một ngày vào năm 1984 tôi đến Hội Văn Nghệ Việt Nam thì gặp Phan Kế An, An túm lấy tôi: “Thằng Kỳ Nam chết rồi, chết ở Sài Gòn rồi!...”. Tôi sững sờ cả người, làm sao mà chết nhanh thế, bệnh gì? Chẳng ai biết? Cái phố Lý Thường Kiệt mà Kỳ Nam yêu thích nhưng chưa đưa được lên phim đã chết, cái phố dài xưa kia tôi thường đến hồi mới tiếp quản Hà Nội, ở góc phố có mấy quán bán sách cũ bằng gỗ nằm nép trên vỉa hè. Mấy cái quán chất đầy sách cũ mà chỉ những người mê sách tìm đến, tôi đã đến đó lục lọi tìm mua được cả bộ sách Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh do cù Tản Đà dịch sang tiếng Việt, đó là vào đầu năm 1955. Bên này đường là trường Trưng Vương rồi đến ngôi nhà khá lớn, nhà của ông Xuân Thuỷ nay thành Bảo tàng Phụ nữ. Tiếp đó là cái quán bán mì vằn thắn của người Trung Hoa, tôi cũng nhiều lần vào ăn, bát mì rất ngon và đậm đặc mùi vị. Sau năm 1980, chủ quán bỏ về Trung Quốc vào dịp “nạn kiều”. Tôi đi qua chỉ thấy còn lại cái lò than thấp xây bằng gạch bỏ không ở cổng. Bên kia đường là ngôi nhà tập thể của Tổng cục đường sắt 39 Lý Thường Kiệt trong đó có ông bạn Vạn Lịch của tôi. Ông sống một mình trong căn phòng nhỏ khoảng 20m2 ở ngay tầng trệt. Sau ngày tiếp quản thủ đô, ông Lịch chuyển ngành về làm việc ở Ban thanh tra chính phủ do cụ Nguyễn Lương Bằng lãnh đạo rồi ông lại chuyển sang làm Chánh văn phòng của Tổng cục đường sắt. do đó mà ông được ở trong số nhà 39 Lý Thường Kiệt sau ngày nghỉ hưu. Bà vợ ông đã qua đời mấy chục năm qua, các con ông đều trưởng thành có gia đình riêng ở nơi thác. Ông sống một mình trong căn phòng nhỏ với mấy tủ sách cao ngất nghểu, toàn những sách do bạn bè tặng và những cuốn ông đi mua về, trên tường treo những bức tranh cũng do bạn bè vẽ tặng những bức tranh của Phái, Sáng, Nghiêm, Liên, “tứ quái” của hội hoạ.
    Có lẽ nguồn vui duy nhất của ông là ngoài việc trò chuyện với bè bạn, ông ngồi một mình nhấp chén trà ngắm những bức tranh trên tường, tai nghe cái máy quay đĩa cổ lỗ đang phát ra giọng hát ca trù của các đào nương già... Có hôm ông gọi điện cho tôi bảo trưa đến ông ăn mắm tép, buổi trưa tôi đến thấy có ông Tô Hoài cùng ông Nguyễn Văn Bổng. Ông Vạn Lịch đã chuẩn bị xong, sáng sớm ông đi chợ mua thịt ba chỉ, mua rau, mua bún cùng các thứ gia vị: gừng, hành khế, chuối xanh, ông đã luộc thịt, thái mỏng, rau rửa sạch, bún để vào liễn, lọ mắm tép đặt ở góc mâm bên chai rượu trắng. Bốn người cả chủ và khách ngồi xuống chiếu, ông Vạn Lịch lấy thêm cái bát, đôi đũa và rót thêm chén rượu đặt trong bát để kề bên, ông bảo “đây là của thằng Sáng”, tức hoạ sĩ Nguyễn Sáng, bạn thân của ông đã qua đời trong Sài Gòn nhưng đến bữa ăn cùng bè bạn bao giờ ông cũng để riêng phần cho Sáng, phần cho linh hồn Sáng... Chúng tôi lặng lẽ nhìn chủ nhân. Ông Bổng kém mắt nên ông Tô Hoài phải gắp mọi thứ vào bát ông, đưa chén rượu cho ông. Cứ thế chúng tôi ăn và uống đến hết chai rượu. Tiệc rượu chỉ có vậy nhưng đằm thắm...
    Ông Vạn Lịch qua đời vào năm 1997 sau ngày ông Văn Cao mất. Hôm ông Văn Cao mất, ông Tô Hoài rủ tôi ông Nguyễn Văn Bổng và ông Vạn Lịch đến viếng ở nhà riêng của ông Cao số nhà 108 Yết Kiêu bởi nếu đến đám tang thì rất đông người, chúng tôi ngại. Sáng hôm ấy, xe hơi của ông Tô Hoài đưa chúng tôi đến gian gác nhà ông Cao, bà Băng quả phụ tiếp chúng tôi và cô con gái nhạc sĩ vừa từ nước ngoài về chịu tang bố cứ ôm lấy ông Vạn Lịch mà nức nở: “Chú ơi, xưa kia hễ bố cháu gặp nạn đều có chú giúp đỡ, bây giờ bố cháu không còn nữa, chú ơi!...”. Ông Vạn Lịch xúc động vỗ về an ủi cô cháu gái.
    Đầu năm ấy, sau tết nguyên đán, tôi và ông Vạn Lịch có đến thăm ông Cao, ngồi uống chén rượu với ông. Sau này mới hay đó là bữa rượu cuối cùng của ông với chúng tôi. Trong bữa rượu ấy tôi có nhắc đến một người đàn bà mà ông Cao từng yêu hồi trước cách mạng tháng Tám, tôi vừa gặp tại Hải Phòng. Nhắc đến người tình cũ, ông Văn Cao xúc động, cả bà Băng, vợ ông cũng xúc động bởi người đàn bà này thỉnh thoảng vẫn lên thăm vợ chồng ông...
    Bữa rượu diễn ra trong những kỷ niệm của thuở thiếu thời. Thoáng cái, ông Văn Cao đã đi xa. Tôi bồi hồi nhớ lại thuở ông còn vấp phải cái nạn Nhân văn - Giai phẩm, gian gác vắng vẻ ít người đến thăm, hôm tôi đến thì gặp ông Đặng Đình Hưng cũng là nạn nhân của vụ án này. Hưng đeo cái bị cói trên vai, bỏ xuống khoe vừa mua được cỗ lòng bò, món này vào tay ông sẽ trở nên món nhắm ngon lành lại rẻ. Tôi đã được xem ông Hưng diễn chèo ở Việt Bắc năm 1954, ông sắm vai anh Điền trong vở “Chị Tấm anh Điền” do đoàn Văn công nhân dân Trung ương diễn. Ông Hưng cũng hát chèo, nghe nói ngày ấy ông Hưng là Chính trị viên của đoàn mà cũng tham gia diễn, vở chèo được cải biên từ chuyện cổ tích Tấm Cám thêm một anh nông dân là anh Điền, và Hoàng tử thành một tên cường hào gian ác. Ngày đó tôi vừa từ địch hậu khu Ba ra, băn khoăn không hiểu sao vở chèo lại được cải biên đến như vậy, có lẽ do công cuộc cải cách ruộng đất đang tiến hành rộng rãi ở vùng tự do và tất cả đều phải đề cao nông dân cho nên Hoàng tử mới trở thành đối tượng của cuộc đấu tranh... Nhìn cái bị cói của Đặng Đình Hưng, tôi nhớ lại mới tối hôm qua tôi vừa trông thấy cái bị cói như thế này được đeo trên vai nhạc sĩ Tử Phác.
    Tối qua, tôi ngồi uống bia hơi ở phố Huế cùng với Lê Chính của báo Văn Nghệ và Tử Phác. Tử Phác nguyên là trưởng phòng Văn nghệ quân đội rồi cũng dính đến vụ Nhân văn - Giai phẩm, bị ruồng bỏ về sống vơi gia đình ở phố Hàng Giấy nhìn sang chợ Đồng Xuân. Tối hôm đó, thấy xe điện chạy đến, Phác vội vã từ biệt chúng tôi, đeo cái bị cói đuổi theo để về nhà. Ông vội vã nắm lấy cái tay nắm bằng đồng, nhảy lên nhưng hụt chân, ngã quay lơ trên đường ray. Rồi ông lại nhỏm dậy đuổi theo xe và nhảy lên, lần này thì được. Chuyến xe điện ấy có lẽ là chuyến cuối cùng trong ngày đưa ông về nhà ở phố Hàng Giấy...
    
- o O o -

    Tôi và ông Tô Hoài ngồi nhà ông Vạn Lịch một lúc lâu rồi ra đi. Đến đường phố, ông rủ đi uống bia, cái quán bia ông thường uống ở góc ngã tư Trần Nhân Tông - Nguyễn Đình Chiểu đối diện với ngã tư Quang Trung - Nguyễn Du. Ông Tô Hoài rất thích ngồi ở đây bởi ở góc này có thể ngắm mọi người nhưng chẳng ai nhìn thấy mình vì họ mải đi, mải tránh nhau. Có thể nhìn thấy cả các nhà văn trẻ hay già hối hả tiến vào trụ sở Hội nhà văn ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu cách đây chừng vài chục mét.
    Chúng tôi ngồi trước vại bia và lần thẩn đủ thứ chuyện chẳng ăn nhập đâu vào đâu. Thoáng có một người đi bô qua chỗ chúng tôi. Người đó đi khép nép, hai tay thu trong bọc lưng khom khom. Ông ta liếc chúng tôi, mủm mỉm cười. Ông Tô Hoài gọi: “Vào đây ông Trọng Hứa”. Ông Hứa dừng lại chào rồi nói: “Xin phép hai anh, tôi phải về”. Ông Trọng Hứa nguyên là Chánh văn phòng của Hội nhà văn đã về hưu lâu rồi. Một con người có cách sống đặc biệt khiến nhiều người phải suy nghĩ về mình. Ông Trọng Hứa chỉ dừng lại ít phút, nói đôi lời, từ chối lời mời uống bia của chúng tôi. Tô Hoài bảo Trọng Hứa đã cai rượu cai bia và cai cả thuốc lá rồi. Trong Cát bụi chân ai, ông đã viết về ông Hứa này. Nhà ông ở gần đây, cuối phố Tuệ Tĩnh trong một căn phòng nhỏ gác hai. Tôi đã đến thăm ông tại đó. Căn phòng bao giờ cũng nhờ nhờ tối, có ngọn đèn đỏ quạch lòng thòng trên cao rủ xuống, sàn gỗ trải chiếu, khách và chủ đều ngồi trên chiếu bên cái bàn thấp có đặt khay chén và chai rượu. Quanh phòng thấp thoáng những pho tượng gỗ, tượng nhà mồ Tây Nguyên mà ông thu nhặt ở đâu về, những gương mặt tượng cúi xuống lặng lẽ và ma quái, tủ sách thấp cũng sát tường và cái máy quay đĩa cũ kỹ dưới chân tủ. Trọng Hứa có thú chơi khá đặc biệt, ngoài tượng gỗ Tây Nguyên là những bản thảo viết tay của nhiều nhà văn của Nguyên Hồng hay Nguyễn Công Hoan v.v... Một thứ nữa là những đĩa nhựa chuyên đọc tác phẩm của nhà văn Pháp: An-phông Đô-đê hay Guy đờ Môpảtsăng... mà cái máy quay đĩa cũ kỹ kia sẽ phát ra giọng đọc tác phẩm đó. Tối hôm ấy, tôi ngồi im, lắng nghe cái truyện ngắn nổi tiếng của A. Đô đê Buổi học cuối cùng giọng đọc rất chuẩn và dễ nghe của dân Paris chính hiệu...
    Một buổi trưa, tôi và Hoàng Trung Thông đến quán rượu của ông Liêm già ở 91 Bà Triệu, quán nằm tít phòng trong nên ánh sáng cũng nhờ nhờ, đôi mắt còn quáng nắng bên ngoài tôi chỉ thoáng thấy có bóng người ngồi sát trong cùng. Rồi một giọng nhỏ nhẹ quen thuộc chào: “Xin kính chào hai anh...”. Cái giọng của ông Trọng Hứa. Tôi nheo mắt nhìn sang, đúng là ông đang cười cười, chúng tôi bảo ông già chủ quán lấy thêm cái chén và mời ông ngồi cùng nhưng ông Liêm già xua tay: “Xin hai ông, ông Hứa uống đủ rồi”. Ông lão vốn đã biết rõ tửu lượng của ông Trọng Hứa nên ngăn lại, ông Hứa cũng chẳng lấy làm buồn, đứng lên từ biệt chúng tôi, rồi ra về. Cái dáng đi xiêu xiêu của ông, hai tay thu lên bọc nổi bật trên lối đi ra cửa làm tôi liên tưởng đến gã nho sinh nghèo nghiện rượu ở phủ Thiệu Hưng của Lỗ Tấn, cái gã Khổng Ất Kỷ. Bữa ấy ông lão chủ quán nói với chúng tôi: “Ông Hứa mà uống thêm chén nữa thì không về nhà được, hồi này ông ấy không khỏe lắm, mà cũng túng lắm. Tôi mới khuyên ông ấy ngồi nhà chịu khó cuốn thuốc lá sợi đưa cho tôi rồi tôi bỏ cho các hàng nước. Thế đấy, hai ông ạ...”. Hồi ấy, thuốc lá hiếm, phải có phiếu mới mua được nên thiên hạ bình dân thường hút thuốc cuốn sợi vàng, một hào bốn điếu. Chúng tôi ngồi uống chén rượu và vẫn nghĩ về ông Trọng Hứa. Hồi chưa về Hội nhà văn, ông làm việc bên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, làm đến chức Biên uỷ cũng là người được tin cậy lắm, ông khoe ông có thể ra vào phòng thu phát, nơi mà không phải ai cũng vào được. Ông Hứa cũng là nhà văn tuy ông viết không nhiều. Ông có tập truyện ngắn Ngã Ba hay Ngã Tư gì đó tôi không nhớ kỹ chỉ biết nhân vật trong truyện toàn là những con người rất bình thường với cuộc sống bình thường, nếu không nói là tầm thường, quanh quẩn gần nhà ông, trụ bên cái ngã ba hay ngã tư những ông thợ giặt là, những ông mài dao keo, sửa xe đạp hay các bà nội trợ, các cô công nhân quét rác v.v... trong khi ấy các nhà văn thường được khuyến khích đi đến những nơi tiên tiến, tiếp xúc với những người tiên tiến và viết về họ. Nên tác phẩm của ông ít được các nhà phê bình quan tâm tới. Với lại ông viết không nhiều nhưng ông am hiểu khá nhiều. Đôi lần, ông kể cho tôi những nhân vật này, nhân vật khác rất thú vị. Qua câu truyện của ông, các nhân vật hiện lên đủ mọi góc cạnh, dường như họ đã hình thành trong ông từ lâu chỉ cần đặt bút viết loáng cái là xong. Vậy mà ông chỉ kể thôi, không viết, chẳng rõ vì sao? Gặp chúng tôi ở Hội nhà văn hay trong các cuộc họp, bao giờ ông cũng cúi chào rất thấp, liếc nhìn chúng tôi nhẹ nhàng, ý nhị và mủm mỉm cười, bỏ đì để lại cho chúng tôi cái ấn tượng về nụ cười và khóe mắt của ông vừa lễ phép lại vừa chế giễu, vừa khiêm tốn lại vừa như khoan dung, độ lượng, y như ngôi nhà trăm tuổi mà ông Tô Hoài chỉ tôi xem. Ông Trọng Hứa sống độc thân nhưng lại là người đa tình, mối tình của ông giữ kín trong lòng, không hề lộ với ai, vẫn nhỏ nhẹ và khiêm tốn với mọi người.
    Rồi ông qua đời, buổi tối, tôi cùng Đỗ Chu với nhà văn Kim Lân đến viếng ông tại nhà căn phòng hẹp của ông ở cuối phố Tuệ Tĩnh bây giờ, sau khi ông mất, người anh ruột ông, hoạ sĩ Linh Chi đã tiếp thu nó, không còn u uẩn như trước, sáng sủa hơn và đời thường. Ông Linh Chi kể cho chúng tôi nghe thêm một mối tình cuối đời của người em trai mà ông Hứa vẫn giữ kín cho đến hết đời mình y như chàng Trương Chi thuở nào. Con người ấy có sức gì mà bỏ hẳn những gì mình đã mê đắm: bia rượu và thuốc lá, bỏ hẳn không nuối tiếc, tuy vẫn sống lặng lẽ và can đảm trong sự cô đơn của mình? Cái ông Khổng Ất Kỷ của chúng tôi...
    Rồi ông Vạn Lịch cũng qua đời vào cái tuổi 75. Hôm ông mất, tôi không có ở Hà Nội, vợ tôi gọi điện thoại báo nhưng tôi không về được, chỉ dặn bà ấy thay tôi đến đưa tang ông. Bà ấy đã đi cùng với hoạ sĩ Phan Kế An và Mai Văn Hiến tiễn đưa ông. Tôi về, đến ngôi nhà 39 Lý Thường Kiệt, vào căn phòng nhỏ nhưng lạnh lẽo, thắp nén hương tưởng nhớ bạn. Người con trai ông, ít ngày sau đến mời đến dự 49 ngày của bố anh. Anh đem theo cái gậy của ông cụ, nói: “Bố cháu có hai cây gậy chống này, bố cháu dặn cháu đem biếu bác một và bác Tô Hoài một cây, đây là di vật của bố cháu”. Tôi cảm động nhận cây gậy bằng gỗ trắc, tiện con triện của người bạn đã quá cố, cây gậy rất quen thuộc đối với tôi, xưa kia ông Lịch vẫn chống vào buổi sáng hay buổi chiều đi dạo bên bờ Hồ Gươm, có lần kể lại cho tôi nghe hôm đi Lào Cai dự lễ kỷ niệm gì đó, từ trên xe ô tô bước xuống, chống cây gậy này và tự dưng nó gẫy làm ông suýt ngã vập mặt xuống đường. Rồi căn phòng của ông ở Lý Thường Kiệt được bán cho một ông cùng số nhà. Anh con trai thêm vào xây ngôi nhà ba tầng ở Kim Ngưu. Hôm giỗ đầu cha mình, anh đưa xe tắc xi đến đón chúng tôi đến giỗ và tiện thể tham quan ngôi nhà mới. Anh dẫn chúng tôi lên gác hai, vào căn phòng nhỏ, nơi anh đặt bàn thờ cha mình cùng những di vật của ông cụ. Những cuốn sách đặt trong tủ, những bức tranh treo quanh tường, cả cái máy quay đĩa cổ lỗ và những đĩa hát ca trù của ông để lại. Chúng tôi thắp hương lên bàn thờ, trước chân dung ông, lặng lẽ cúi đầu nhớ lại những kỷ niệm về ông, về một bạn chí tình của giới văn nghệ sĩ chúng tôi. Tấm ảnh ông với đôi mắt đắm đắm nhìn bè bạn. Ông Vạn Lịch qua đời không lâu thì ông Tạ Đình Để cũng đi. Câu lạc bộ Ba Đình nơi tôi thường đến đó bây giờ vắng quạnh bè bạn. Mấy năm gần đây, họ kéo nhau đi vãn... Xưa kia, nhà văn Nguyễn Thành Long cũng đến. Ông không uống nhiều, chỉ rủ rỉ ngồi trò chuyện hay nghe người khác nói chuyện, mặt hơi ngẩng lên, miệng hơi cười. Nhà ông ở số 9 Dã Tượng. Mỗi lần đến chơi, tôi thường thấy chủ nhân ngồi sổm trên sàn gỗ, hai cánh tay choàng ngoài đầu gối, đầu nghiêng nghiêng nhìn qua cửa sổ to, ra ngoài mảnh trời trên kia, không hiểu ông ngắm cái bầu trời cao vọi ấy hay nghĩ ngợi điều gì. Long là con người sâu sắc, hiền lảnh, nói cũng nhỏ nhẹ với giọng khu 5 pha Bắc vì ông tập kết ra Bắc mấy chục năm qua. Ông biết văn khá cẩn thận chau chuốt và hay nhận đọc giúp những anh em trẻ ở nơi khác về, đọc và góp ý tận tình. Hồi ấy thường có tôi, Nguyễn Khải hay Trần Đĩnh đến ngồi chơi, chuyện tào lao. Trần Đĩnh làm ở báo Nhân Dân, đọc nhiều và cũng nhớ nhiều, con người luôn lạc quan với thời thế, tưởng như sự may mắn sắp đến với anh nay mai, Đĩnh bị sa vào vụ chống xét lại, tuy tài giỏi nhưng không được trọng dụng, nỗi đau của anh. Gần đây gặp lại, Trần Đĩnh vẫn sống ở ngôi nhà của vợ được cấp ở mạn Cầu Giấy, râu tóc đều bạc trắng nhưng da dẻ hồng hào và vẫn lạc quan. Phan Kế An gặp tôi bảo: “Nó vẫn lạc quan lắm”. Chúng tôi bốn người trạc tuổi nhau, Long nhiều tuổi hơn cả, ngồi trò chuyện đến ngang trưa ai lại về nhà nấy. Câu chuyện chỉ quanh quẩn bao giờ chiến tranh chấm dứt và sau đó là gì? Nguyễn Thành Long là một trong số hai nhà văn không biết đi xe đạp, nhưng đi bộ rất nhanh, hai cẳng chân ngắn bước gáp gáp. Rồi Long cũng phải tập xe bởi chiến tranh còn phải đạp xe chở các thứ nhu yếu phẩm lên chỗ vợ con sơ tán hay đến nơi cơ quan mình sơ tán cách Hà Nội vài ba chục cây số. Thế mà Long cũng đi được như ai. Lâu dần không thấy Nguyễn Thành Long đến Câu lạc bộ, hỏi có người bảo hồi này Long bị bệnh bệnh gì mà khám mãi chẳng phát hiện ra. Rồi ông bị chứng nhũn não không nói được, không nghe được và không ngồi dạy được. Long qua đời, đám tang tổ chức ở Hội Văn nghệ Việt Nam 51 Trần Hưng Đạo, Hội nhà văn đứng ra lo liệu vì vợ ông đang đi chuyên tu ở nước ngoài không về được, con gái lớn hiện ở bên Nga, nhà chỉ có đứa nhỏ. Đưa tang ông, tôi lại nhớ những tối mùa hè tôi thường gặp Long đi bộ lững thững và nói chuyện với nhà thơ Khương Hữu Dụng. Ông già Dụng ở phố Phan Bội Châu còn Long thì ở Dã Tượng, hai phố cũng gần đây nên hai người thường gặp nhau và đi bộ đến gần Cung Lao động, đầu đường Yết Kiêu trò chuyện...
    Hồi ấy tôi cũng thường gặp nhà văn Đoàn Giỏi ở Câu lạc bộ Ba Đình. Sau ngày thống nhất, anh em Nam bộ về quê cả, chỉ có Đoàn Giỏi vẫn trụ lại và sống trong căn phòng ở phố Cổ Tân. Ngôi nhà trước kia toàn anh em Nam Bộ sống ở đó, gần ngay quán bia hơi Cổ Tân nổi tiếng một thời. Những nhà văn Bùi Đức Ái, sau là Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng hay Xuân Vũ cũng ở đó sau tập kết. Vào năm 1965, Nguyễn Quang Sáng và Xuân Vũ vào Nam, buổi sáng tôi đến để tiễn đưa hai người mở của phòng tôi thấy cả hai đều say bí tỉ, Xuân Vũ năm ngoài chỉ có thể ngẩng đầu nói lè nhè: “Mày cứ bước qua người tao mà vào”. Tôi rón rén bước qua rồi tránh những chai lọ và ly chén ngổn ngang. Sáng mai cả hai đã lên đường vào chiến trường. Ông Đoàn Giỏi rất yêu Hà Nội vì vậy ông không trở về Nam, hôm tôi gặp ông ở Câu lạc bộ Ba Đình sau tết, ông nói ông vừa từ Sài Gòn ra, đêm giao thừa ông nhớ Hà Nội và ông đã khóc. Lúc đó ông đang sống với bà vợ sau ở phố Cổ Tân, ngày đó tôi đến nhờ ông viết cho tạp chí Văn nghệ quân đội một bài. Ông hứa sẽ viết, bài ông viết là những con rắn của nhà bác học Yéc-xanh. Ông hứa vậy và ông nói đứa con bà vợ cũ của ông đang làm phiền ông, nó muốn gia đình ông dọn đi nơi khác để nó lấy vợ, đành nhẽ phải dọn đi thôi. Đoàn Giỏi đành về ở nhà bà vợ mới ở phố Khâm Thiên nhưng mùa hè năm ấy, mưa quá to, cái phố bị ngập và nhà ông cũng bị ngập, ông phải đưa vợ con đến tá túc ở Hội nhà văn 65 Nguyễn Du. Cái trụ sở cũ của Hội ở bên kia đường số nhà 84, sau nhường cho Ban Đối ngoại Trung ương để Hoàng thân Suphanuvông ở. Khi cách mạng Lào toàn thắng, hoàng thân chuyển về Viên Chăn trụ sở ấy vẫn là thuộc Ban Đối ngoại rồi cấp cho hai vị trưởng ban và phó ban. Một ngôi biệt thự khá đẹp, xây theo kiểu Nhật mái cong, có vườn cây ngay giữa, nghe nói trước là của một nữ ca sĩ nổi tiếng của Hà Nội xưa. Hai vị biến thành nhà riêng. Một hồi báo chí đã làm ầm lên về chuyện hai vị tranh chấp gì nhau xây cất gì thêm làm hỏng ca kiến trúc ngôi nhà. Gần đây, tôi lại thấy trên tivi có phát hình các cô ca ve ưỡn ẹo quấn lấy mấy cây cột làm điệu vũ cuồng dâm như những con rắn cạp nong mà tivi nói là ở cái số nhà 84 ấy. Người ta bảo các vị quan chức nghỉ hưu cũng biết cách làm ăn lắm.
    Hội nhà văn chuyển sang ngôi nhà đối diện, có cái gác trong nhà ngang phía sau. Gác có hai phòng hẹp, gia đình Nguyễn Kiên ở một phòng. Xưa kia, Kiên sống với mẹ già ở làng Vạn Phúc Hà Đông, cái làng nổi tiếng về nghề dệt lụa, dệt gấm. Hồi chiến tranh, tôi với Nguyễn Thành Long hay Xuân Trình từ nơi sơ tán của báo Văn Nghệ ở làng pháo Bình Đà mỗi khi về Hà Nội bao giờ cũng rẽ vào Vạn Phúc thăm Kiên. Rồi Kiên chuyển về làm việc ở Tạp chí Tác Phẩm mới, sau về Nhà xuất bản Hội nhà văn, vợ anh cũng từ Đài truyền thanh tỉnh được chuyển công tác về Hà Nội, gia đình Kiên sống trong căn phòng nhỏ. Một phòng nữa coi như phòng khách của Hội. Nhà văn ở các tỉnh về tá túc ở đó. Có hôm tôi gặp ông Nguyên Hồng từ Bắc Giang về nghỉ ở đó, có lần cả nhà văn Vũ Huy Tâm từ vùng mỏ về cũng ở đó. Và năm ấy gia đình ông Đoàn Giỏi chạy lụt từ Khâm Thiên về đó tá túc. Tôi đã gặp ông đặt ông viết bài cho Văn nghệ quân đội ông vui vẻ nhận lời và kể tôi nghe về câu chuyện những con rắn của nhà bác học Yéc-xanh, lúc đó ông rất hào hứng làm tôi cũng hào hứng theo nhưng bây giờ ngồi trong căn phòng nhỏ và nóng của Hội nhà văn, ông có vẻ buồn, buồn cho số phận mình, buồn vì thằng con và buồn vì có thể nay mai ông sẽ chuyển hẳn vào thành phố Hồ Chí Minh, xa cái thành phố mà ông yêu quý này. Rồi ông Đoàn Giỏi xin lỗi tôi vì ông đã không làm đúng lời hứa nghĩa là viết bài cho tôi cho tạp chí Văn nghệ quân đội. Tôi hiểu bây giờ ông còn lòng dạ nào mà viết. Rồi Đoàn Giỏi đưa vợ con vào thành phố Hồ Chí Minh cái thế không vào không được, ở Hà Nội, chẳng còn nhà cửa, chẳng nhẽ tá túc mãi trong căn phòng hẹp của Hội nhà văn. Ông vào đó, ít năm sau nghe tin ông mất...
    Ở Câu lạc bộ này cứ dần dần thưa thớt đám người già, họ lần lượt về chầu Chúa, có người Chúa đã cho gọi nhưng chưa cho gặp, cứ nằm đấy chờ đợi. Nhớ khi xưa, hai ba mươi năm về trước tôi còn nhìn thấy những dòng người xếp hàng dài mua bia hoặc những dẫy bì đông hay chai lọ xếp thay cho người. Lại có quy định là ưu tiên những bác nào tập thì được mua trước, cho nên có ông láu cá đến nơi vội cởi áo, sấp tí nước lên mặt thay cho mồ hôi rồi thủng thẳng vào chen mua bia trước, mua được lại ra mặc áo vào, ngất ngưởng bên vại bia sủi bọt. Có cái ông Tiến An mà cả Câu lạc bộ đều biết mặt, mắt hiếng hiếng, thân thể gầy gò lòng khòng nhưng nhanh thoăn thoắt, một lão thành cách mạng quen thuộc tất cả, ai cũng hiểu rõ tên tuổi đến lý lịch, nơi công tác của họ. Ông đến Câu lạc bộ từ hai giờ chiều, xem báo, đánh cờ, tập rồi bơi lội trò chuyện với anh em bên gốc lim già mà trên bàn là gói thuốc lào nắm đóm diêm, lại gói trầu cau để lát nữa nhai bỏm bẻm, với cái điếu cày muôn thuở. Bàn của ông là nơi tập trung khách thuốc lào, ai muốn hút cứ đến điếu đấy, thuốc đấy cả bật lửa lẫn đóm, móc thuốc vê ấn vào nõ điếu rồi châm lửa rít một hơi dài, khói bay mờ mịt. Tiến An là con người rất tốt bụng ai nhờ vả điều gì sẵn sàng chạy nhảo đi hỏi hộ. Con người đã tám mươi còn bổ bã, đùa bỡn như trai trẻ, ai đau đâu sẵn sàng đấm bóp hay bấm huyệt cho, con người tưởng không có tuổi già. Vậy mà rút cuộc ông cũng về chầu Chúa. Hôm đưa ma ông, tôi thấy hoạ sĩ Phan Kế An vẫn còn ngồi đó, trong nhà tang lễ đợi giờ đưa ma. Cái gốc cây nơi ông thường ngồi ở Câu lại bộ vẫn im lìm đứng đó tưởng như nó vẫn chờ đợi ông... Bây giờ mỗi khi đến Câu lạc bộ, tôi ngoái nhìn lại nơi ông ngồi xưa kia mà bùi ngùi... Một con người ra đi để lại sự luyến tiếc cho cả bạn bè và cây cỏ? Nhưng cũng có ông khi đương chức là quan chức cao cấp khi đến thường đi xe hơi, ông đi vào Câu lạc bộ, công vụ hay lái xe vào trước mua bia bưng ra, đám quần thần cũng vội vã bu đến, cười cười nói nói, cung phụng hết mình. Ít lâu sau, ông nghỉ hưu, ông đến bằng đôi chân của chính mình, xe hơi không còn nữa, chẳng ai mua bia cho ông, chẳng ai bu lấy ông, ông đến chẳng ai hay, ông đi chẳng ai biết, rồi ông không đến nữa... Cái nhân tình thế thái lộ ra trong cả quán bia. Trong cái nơi bán bia này, mỗi người đểu biểu hiện rõ tính cách của mình. Ví như nhà thơ Vương Linh, chiều chiều đến mua vại bia cầm tay đến đứng sau hàng rào, nhìn đám cầu thủ đánh tenis, uống hết vại bia lặng lẽ ra về. Lại có nhà văn trẻ hơn đến đánh quần vợt xong ra mua hai vại bia và hai trái vịt lộn, ngồi một góc xa ăn uống xong cũng lặng lẽ ra về, anh ta không các bạn hay bạn toàn cấp to cả?
    Không phải tất cả bè bạn mà tôi quen biết đều đến Câu lạc bộ Ba Đình, có người chẳng bao giờ đến, có lẽ vì không có tiêu chuẩn hay vì mải vui nơi khác, bè bạn nơi khác. Ví như Phùng Quán chẳng hạn. Tôi biết Phùng Quán từ lâu, từ đầu năm 54 khi tôi và ba anh nữa từ khu Ba lên Việt Bắc dự Đại hội văn công toàn quân. Khu Ba lúc đó không có đoàn văn công. Chúng tôi, bốn người: tôi từ trung đoàn chủ lực của Khu, Hoài Giao từ tỉnh đội Hà Nam, Phi Vân từ tỉnh đội Nam Định, lên khu thêm Trịnh Vân là cán bộ tuyên huấn của khu. Trịnh Vân lãnh trách nhiệm trưởng đoàn. Khi đi, đơn vị cho mỗi anh mượn chiếc xe đạp, chỉ có Hoài Giao là không, đành nhẽ mỗi anh đèo Hoài Giao một ngày. Lên đến Phú Thọ, phải góp tiền sinh hoạt phí mua cho Hoài Giao chiếc xe đạp với giá 5 vạn đồng tiền ngân hàng. Thế là mỗi anh một xe đạp lên Thái Nguyên, chiếc xe đạp được bán lại vì tới đây đã gần điểm họp, chúng tôi cần tiền hơn cần xe. Chiếc xe đạp bán hoà vốn, lãi là Hoài Giao đi xe không mất tiền. Vào Đại hội, chúng tôi sống bên đoàn Văn công Liên khu Bốn, đoàn có hai nhân vật nổi tiếng: nhà thơ tiền chiến Thanh Tịnh và người em kết nghĩa của ông: Phùng Quán. Ông Thanh Tịnh thì tôi quen biết từ 43, 44... bặt tin ông, sau mười năm tôi được gặp lại. Tôi nhớ ngày ấy, vợ chồng ông ra Hà Nội vào mùa hè, vợ ông, chị Bích Đào cho tôi hai mét vải lanh, thứ vải khi khô thì mềm, và mát như lụa nhưng nhúng nước nó dầy như mo nang. Ngày ấy Hà Nội sắp rơi vào nạn đói, nhà thông tin Tràng Tiền có trưng bày loại áo dệt bằng đay, dài quá đầu gối lại cụt tay áo chống rét cho người nghèo. Vậy mà mười năm có lẻ...
    Vào Đại hội, Thanh Tịnh được bổ sung vào Ban tổ chức nhưng Đại hội phải hoãn ngày khai mạc vì chiến dịch Điện Biên Phủ đang phát triển thuận lợi. Tất cả được đi phục vụ cho mặt trận. Chúng tôi đi cùng với đoàn Văn công Liên khu Bốn vì vậy mà quen biết Phùng Quán, ngày đó đã là “đối tượng” của lãnh đạo đoàn. Phùng Quán năm đó mới 22 tuổi nhưng tính tình nghênh ngang và mắc bệnh “tự do vô kỷ luật” nên bị liệt vào hàng “đối tượng”. Hồi đó, khi ông Thanh Thịnh rời khỏi đoàn thì Quán thay thế ông, cũng làm thơ, cũng độc tấu với dáng điệu hệt như ông anh kết nghĩa. Hai anh em kết nghĩa đểu gốc dân xứ Huế nên dễ dàng bắt quen nhau.
    Khi bế mạc Đại hội văn công toàn quân, Thanh Tịnh không về đoàn nữa, ông được điều đi làm nhiệm vụ “chống cưỡng ép di cư”, tập họp các bác hát xẩm, dạy họ những bài hát mới, kêu gọi đồng bào công giáo ở lại đừng nghe theo lời nhảm nhí của địch. Ngày đó ở nhà thờ Phát Diệm hay Kim Sơn, hàng ngàn giáo dân tập trung để đi “theo Chúa vào Nam”. Còn Phùng Quán theo đoàn văn công Tổng cục Chính trị 2 ra Sầm Sơn đón tiếp đồng bào và chiến sĩ miền Nam tập kết rồi tham gia cuộc trao trả tù binh. Nhờ vậy Quán ghi chép được nhiều tài liệu về ngục Côn Đảo và những cuộc đấu tranh cho tù nhân ở đó. Về Hà Nội Quán viết Vượt Côn Đảo, cuốn sách ra đời lập tức được hoan nghênh, nhất là các bạn học sinh, sinh viên và thanh niên vùng mới giải phóng. Và Quán trở thành người nổi tiếng, được mời đi các nơi, các nhà trường nói chuyện và đọc thơ. Giọng thơ sang sảng của anh lúc đó đã cuốn hút mọi người. Dáng điệu và phong cách khi đọc thơ gần giống như nhà thơ Nga Eptusenkô sau này. Cũng vóc người cao dỏng, cũng lời thơ hùng hồn ca ngợi tổ quốc. Rồi những cuộc họp thảo luận về Vượt Côn Đảo về sau thêm Việt Bắc, thơ của Tố hữu liên tục tổ chức tại gác ba số 1 phố Bà Triệu. Người khen, kẻ chê đủ cả. Từ nhưng cuộc tranh luận ấy, một nhà phê bình xuất hiện, đó là ông Vũ Đức Phúc, ngày đó nghe nói ông là Trưởng phòng Thông tin huyện Gia Lâm. Ông Phúc từ đó bước vào văn học và sau này ông về Viện Văn học. Lúc đó tình hình chính trị trong nước và thế giới có nhiều biến động, Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô vừa họp, ở đó người ta phê phán tệ sùng bái cá nhân thực ra là sùng bái Stalin, ông Khơrutxốp lên nắm quyền lãnh đạo, thi hài Stalin được đưa khỏi lăng Lênin, rồi đưa đi hoả táng. Ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông viết “Bàn về mâu thuẫn trong nội bọ nhân dân”, chiến dịch “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” kết thúc thì cuộc Chỉnh phong bắt đầu phê phán Hồ Phong và những phần tử phái hữu, nhà văn nữ Đinh Linh, tác giả “Mặt trời chiếu sáng trên sông Tăng Càn” bị chỉ trích và tác giả của nó bị đưa đi lao động cải tạo. Luồng gió đấu tranh giai cấp thổi qua biên giới vào nước ta; vào lúc đó, cuộc cải cách ruộng đất của ta mắc sai lầm nghiêm trọng, hiệp định Giơnevơ bị phá hoại, cuộc tổng tuyển cử theo quy định vào năm 1956 bị Diệm ôm chân Mỹ quyết tâm chống lại. Hồi đó, anh em miền Nam tập kết thất vọng, nỗi thất vọng thể hiện trong Thao thức của Đoàn Giỏi, Một sáng chủ nhật của Nguyễn Huy Tưởng hay Trò chơi nguy hiểm của Nguyễn Thành Long và cả bài thơ Tôi sợ của một nhà hoạt động sân khấu cũng bị phê phán... Nhóm Nhân văn Giai phẩm nảy sinh, tức là một nhóm văn nghệ sĩ ra tờ báo mang tên Nhân Văn và tạp chí Giai phẩm mùa thu hay mùa đông. Hồi ấy Phùng Quán ở tạp chí Văn nghệ quân đội làm thơ và viết văn. Quán viết nhiều, sự nổi tiếng của Quán cũng nhiều nhưng sau đó duy nhất chỉ một bài thơ ngắn Lời mẹ dặn đăng trên tuần báo Văn đã hạ gục Quán. Hồi đó tôi đang năm trong trại sáng tác văn học của quân đội ở làng Nghi Tàm, phía sau khách sạn Thắng Lợi bây giờ, trại vẻn vẹn có bốn người: tôi, Lê Khâm sau là Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng và Hoàng Kim Chung tức Chung “rám má”. Hồi đó tôi biết Phùng Quán đang bị rầy rà, đến tá túc trong ngôi nhà liền kề với chúng tôi ở làng Nghi Tàm, làm con nuôi cho bà cụ già ở đó, đêm đêm thường ngồi câu cá bên Hồ Tây... Hồi đó tôi nghĩ Quán còn rất trẻ lại đã nổi tiếng chắc sẽ được ưu ái được bồi dưỡng, ít ra được đi nước ngoài vậy mà cái số của Quán chẳng ra gì... Rồi Phùng Quán chuyển khỏi quân đội, cùng đi thực tế lao động với các văn nghệ sĩ. Trong Chiều chiều của Tô Hoài, ông có viết những chương về chuyến đi thực tế lao động của ông và Phùng Quán tại một làng ở Thái Bình, những chương viết rất hay nhưng đọc lên thấy bùi ngùi và cay đắng. Về sau Quán chuyển về Bộ Văn hoá, làm ở Cục Văn hoá quần chúng. Hồi chiến tranh, Quán về trông coi cái trại tăng gia của Cục tít trên vùng rừng núi Thái Nguyên. Một hôm, tôi gặp Quán ở Hà Nội, Quán hổn hển kể cho tôi nghe rằng đêm rồi anh hút chết. Từ Thái Nguyên đạp xe đến Cầu Chui, trời tối khuya thì một chiếc xe tải chở đầy những cuộn dây đồng lồng cồng chạy theo anh. Xe vượt lên và cuộc dây đồng bung ra rơi xuống ngoắc luôn vào cổ và lôi đi. Kêu lên không được. Quán phải cố đạp theo xe tải vì cái dây cứ mắc vào cổ lôi đi, mãi quá Cầu Chui, anh mới tháo được cái vòng dây oan nghiệt như vòng Kim Cô kia, dừng xe ngồi bệt bên đường thở dốc, hút chết... Sợ quá, Quán nói vậy, đó cũng là một kỷ niệm chiến tranh của Quán... Lần cuối cùng tôi gặp Phùng Quán là một buổi sáng, từ phòng Giám đốc nhà xuất bản văn học, bước ra. Cái phòng ở ngay tầng trệt, có bậc tam cấp bước lên. Ngay chính diện lúc đó có một lò than tổ ong đang quạt, khói bay mờ mịt cả vào phòng nhà thơ giám đốc. Hỏi ra thì đó là bà chủ của một gia đình ở căn phòng nhỏ dưới nhà ngang của cơ quan, cải gia đình ấy bây giờ nở phình ra và chiếm luôn cả sân giữa của nhà xuất bản biến thành xưởng mộc, còn hai bên cổng cơ quan cũng thành hai hàng nước thêm cả hàng ăn. Chưa có cơ quan nào bị lấn chiếm tệ hại như thế, ngay cái bậc thềm chính giữa, ngày nào bà chủ cũng dinh lò than tổ ong lên quạt khói. Nhà xuất bản cứ rụt lại trước sự tấn công man rợ ấy vì giám đốc nhà thơ Lữ Huy Nguyên vốn rất hiển lành các cán bộ biên tạp toàn nhà văn nhà thơ cũng hiển lành không kém nên chi họ cứ lấn lướt. Hôm ấy tôi tới thì vừa lúc bà chủ nhà dưới tâng cái lò than lên sát cửa buồng giám đốc Lữ Huy Nguyên về làm giám đốc nhà xuất bản không lâu, trước ông đã là biên tập viên ở đây hồi còn giám đốc Như Phong. Hồi đó nhà xuất bản lục đục vì những tranh cãi nội bộ, giám đốc kéo bè cánh loại những người không ăn ý với ông.
    Rảnh rỗi ông lại kéo Nguyễn Thế Phương ra chợ Hôm ăn thịt chó uống rượu ở quán ông gù, có hôm quá say sưa trèo cả lên bàn thịt cho chửi nhau rất là đời thường. Rồi Như Phong nghỉ hưu, thay ông là một cán bộ từ Ban Tuyên huấn Trung ương chuyển về, Lữ Huy Nguyên sang làm giám đốc nhà xuất bản Văn hoá, được ít lâu lại trở về làm giám đốc Văn học. Gia đình ông sống trong căn phòng của cơ quan ở cuối phố Trần Nhân Tông. Ông hay đi qua phố Lê Văn Hưu của tôi, gặp tôi bao giờ ông cũng dừng xe, đưa ra những kinh nghiệm của mình về ăn uống sau khi mổ dạ dày tôi vừa mổ xong mà. Sáng hôm ấy, Phùng Quán từ phòng giám đốc đi ra, tránh cái lò than như đặt bẫy trên bậc thềm, bước xuống thì nhìn thấy tôi đi vào. Quán reo lên rồi nắm tay kéo ra ngồi trên ghế hàng nước, lôi trong cái túi vai đeo bên người, lấy ra một trang giấy phôtô bài thơ Nguyễn Văn Trỗi vừa in trên tạp chí Xưa và Nay trân trọng viết trên đầu bài thơ tặng tôi. Rồi Quán chia tay dắt xe đạp ra đi. Chỉ thế thôi. Quán có người bạn gái thân thiết bao nhiêu năm, bà ấy làm ở nhà xuất bản nọ thường giúp đỡ Quán bằng cách đặt anh viết một cái gì đó rồi ký tên khác, lấy chút nhuận bút còm. Tình bạn hay tình yêu trôi theo dòng năm tháng, lặng lẽ nhưng sôi nổi. Vào năm 90, người đàn bà được cơ quan cấp cho căn hộ mới xây. Có bao nhiêu việc cần làm để có thể sống được ở đó mà bà chỉ có mỗi mình với đứa con nhỏ. Phùng Quán đã đến giúp đỡ, xúc đất hay đào đất, tâng cái nền bếp hay vườn cây, hì hục hết ngày này qua ngày khác. Người ta thấy một ông già rất chịu khó, một ông già râu tóc bạc ai cũng nói: “Ông cụ chịu khó quá, chăm sóc con gái tốt đến thế là cùng...”. Chẳng ai biết đó là Phùng Quán và người bạn tình bất đắc dĩ của mình.
    Hôm đưa tang Phùng Quán, tôi cùng anh em trong cơ quan đến viếng ông trước linh cữu đặt trong ngôi nhà nhỏ của ông tại trường Chu văn An, nhìn ra Hồ Tây. Tôi nghĩ thầm: “Cha này thật gắn bó với cải hồ này từ năm 55, 56 đến nay”. Có Lê Đạt trong Ban tang lễ đưa cuốn sổ cho tôi ghi lại vài dòng thương tiếc một con người tài hoa, có tài lại có tật. Nhìn vào buồng trong thấy một ông già đang ngồi cúi đầu, đó là ông Nguyễn Hữu Đang. Anh em trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm chí tình với nhau, yêu thương nhau, “đồng bệnh thưng lân” chắc thế! Họ năng đi lại thăm hỏi nhau vả bây giờ người qua đời cũng dựa vào người đang sống. Tuy xã hội có “vô hiệu hoá” nhưng họ vẫn sống... Mà anh em đâu phải là những người xấu, như Phùng Quán chẳng hạn bây giờ anh em trẻ thường nói: ông này như người lính xung kích sẵn sàng xả thân vì Đảng, vì Tổ quốc. Có thể cách thức của Quán không phù hợp với mọi người, Quán có cách riêng của Quán, cái cách ấy khác mọi người? Sau này, sau khi nước nhà thống nhất, Quán cũng như anh em Nhân văn - Giai phẩm được cởi áo hay nói như Trung Quốc là “được bỏ mũ”, Quán còn viết bộ ba cuốn sách Tuổi thơ dữ dội và cuốn đó được chuyển thành phim ảnh. Cái chân lý của cuộc sống được sáng tỏ. Lại thêm mấy nhà bình luận văn nghệ, hồi họ bị đánh thì các ông xông vào đánh hôi vô hồi kỳ trận, đến khi người ta được ngẩng cao đầu thì các ông lại bu đến khen ngợi hết lời. Trước kia chẳng ai dám nói đến Vũ Bằng, vậy mà gần đây Vũ Bằng được ca tụng, được nói đến nhiều. Hổi Văn Cao được “bỏ áo” tôi ít đến thăm ông vì tôi biết hồi này nhà ông chẳng mấy khi ngớt khách, khách đến tâng bốc và chúc tụng, ăn theo, thậm chí có người còn tự nhận mình là nhà Văn Cao học. Rồi bình tán Trương Chi là “bài ca cách mạng” v.v... Thói đời là như vậy, anh thích hay không là tuỳ.
    Năm 1963 xảy ra vụ Vào Đời của Hà Minh Tuân. Vụ này còn sau vụ Nhân văn - Giai phẩm nhiều năm. Tôi biết là Hà Minh Tuân từ ngày trong quân đội, sau khi làm chính uỷ trung đoàn 209, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hoà bình lập lại ông được điểu về Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) làm trưởng phòng Câu lạc bộ với quân hàm trung tá. Sau đợt Nhân văn - Giai phẩm, quân đội chia sẻ một số cán bộ vững vàng về chính trị và tư tưởng bổ sung cho giới văn nghệ, ông Võ Hồng Cương sang làm Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban tuyên huấn Trung ương, ông Đỗ Nhuận về Hội nhạc sĩ, ông Hà Minh Tuân và Vũ Tú Nam về Hội nhà văn. Hà Minh Tuân làm giám đốc Nhà xuất bản Văn học, lúc đó đóng ở 38 Hai Bà Trưng Hà Nội. Ông vừa viết xong và cho in cuốn Hai trận tuyến nói về hoạt động của thanh niên thành Hoàng Diệu hồi trước cách mạng tháng Tám. Về sau cuốn sách của ông có một bài trong tờ tạp chí nọ phê bình là viết theo khái niệm, không có tính văn học lại viết xuôi chiều. Để khỏi bị phê là viết “dở” đợt đi thực tế năm ấy, ông vào trong Nhà máy trung quy mô ở Cầu Mới ba tháng rồi về viết Vào Đời. Ông viết về tấn bi kịch cá nhân, một cô gái, bố tự tử trong cải cách ruộng đất, bỏ làng ra thành phố làm công nhân, chẳng may lại bị hai tên mất dạy đón đường hãm hiếp, số phận cô gái thật bi đát nhưng cô vẫn có nghị lực vươn lên thành người tiên tiến. Cuốn sách vừa ra lập tức bị đánh tơi bời, bởi lúc đó Nghị quyết 9 vừa ra đời, nghị quyết “chống xét lại”. Vào Đời được xếp và loại đó. Tôi có cảm giác như có một cây gậy đã giơ cao chờ đợi, rình rình anh nào ló ra là quật. Vào Đời vừa vặn đúng lúc người ta cần đến. Thế là nó bị quật chí mạng, có đến năm nhăm bài báo trong tất cả các báo trên miền Bắc phê phán nó và có thể có người viết phê phán chỉ nghe loáng thoáng rồi dựa vào bài đã đăng mà đánh hôi chứ cũng chưa hề biết mặt mũi nó tròn méo thế nào, cứ phang thật lực để chứng tỏ lập trường giai cấp đúng đắn của mình và báo mình... Hồi đó, Chế Lan Viên bảo tôi: “May mà Vào Đời của thằng Tuân quá dở, nếu hay thì nó còn chết nữa!”. Trận đòn hội chợ ấy làm cho tác giả tơi bời khói lửa. Lúc đó, bên Liên Xô ông Khơrútxốp đang nắm quyển lãnh đạo, ông này nói năng và phong cách rất mới mẻ không giống các lãnh tụ trước. Tôi còn nhớ ông đến Liên Hiệp quốc đã rút giầy đập lên mặt bàn mà nói, phong cách thật kỳ lạ và rất nông dân. Giới báo chí văn nghệ nước ta tỏ rất khoái nhưng Trung Quốc thì ra rả chửi ông là “bọn xét lại hiện đại”, nên có nhà thơ vừa viết ca ngợi “Nikita của chúng ta” đã vội rụt lại, càng ngơ ngác không biết nên theo ai, chống ai? Đến khi vụ Vào Đời tóe loe ra mới biết thế nào là “chủ nghĩa xét lại”, khổ thế! Hà Minh Tuân bị đánh chí mạng mà vẫn ngẩn ngơ, không hiểu mình có tội lỗi gì mà bị nông nỗi này, mình chống Đảng ư? Không, ngàn lần không. Ông không thể chống Đảng ngay cả trong ý nghĩ mà nếu biết có kẻ chống Đảng thì ông quyết không tha, vậy mà... Rồi Hà Minh Tuân phải rời nhà xuất bản do ông làm giám đốc chuyển sang bên Tổng cục Thuỷ sản giữ chân vụ trưởng hay vụ phó gì đấy. Nhưng ông là một người mê say, rất mê say văn chương, lẽ ra ông đừng dính dáng đến văn học thì đời ông đỡ lận đận. Nhưng cái nghiệp chướng ấy đã trót dính vào thì khó mà rút ra được. Nhất là sau khi ông đã viết cuốn Hai trận tuyến về thanh niên thành Hoàng Diệu xưa kia, ông viết nó từ ngày còn trong quân đội vả dù có ai chê bai, ông vẫn tự hào về nó và không ít độc giả vẫn nhớ đến nó. Nhớ khi xưa, thỉnh thoảng gặp tôi, ông lại cho xem những lá thư của bạn đọc thăm hỏi số phận các nhân vật của ông, giục ông nên viết tiếp, những lá thư ấy làm ông vui lắm. Vậy mà lại có kẻ chê ông, phen này ông phải viết cho nó sáng mắt ra. Cho nên đường quang lối thẳng, ông không đi, lại đâm quàng vào bụi rậm. Cuốn Vào Đời ra đời vì thế. Vài năm sau, ông lại cạy cục xin về với văn nghệ, lúc này cái án của ông cũng đã nhạt, có lẽ trên cũng thương hại ông nên ông mới được về làm Chánh văn phòng Hội Văn nghệ Việt Nam ở 51 Trần Hưng Đạo rồi lại về Nhà xuất bản cũ làm trợ lý cho Giám đốc Như Phong. Và ông đã viết một cuốn sách về thuỷ sản, cuốn sách ấy không được ai nhắc tới... Một con người hy sinh hết thảy cho văn chương, vợ con bỏ cả và sau này lấy một bà vợ khác, sống nghèo nàn trong căn phòng hẹp từ phố Huế rồi chuyển về phố Hàng Giầy. Vào đầu những năm 90, tôi viết về ông, những mong giải toả cho ông nỗi ám ảnh nặng nề về vụ án Vào Đời. Bài viết của tôi đáp ứng được phần nỗi mong mỏi của ông là tái bản được Vào Đời. Năm ấy nhà xuất bản cũng cho tái bản lại, trình bầy với độc giả rằng cuốn sách đó chẳng có tội lỗi gì hết. Nó ngây thơ và hồn nhiên như chính tác giả của nó vậy. Bà vợ ông đã đem tới nhà ông Vạn Lịch hai cuốn, một biếu Vạn Lịch, một tặng tôi. Nghe nói khi nhận được sách in, Hà Minh Tuân cầm cuốn sách mà khóc nức lên giống như lúc tôi đưa một anh bạn hoạ sĩ đến thăm và biếu ông ít tiền vừa bán tranh của anh, ông cầm tiền mà nước mắt đầm đìa.
    Sau khi bài báo của tôi về Hà Minh Tuân đăng trên báo Văn Nghệ một chiều tôi về nhà thấy nói vừa rồi có người tìm đến tôi, tôi đi vắng nên ông ta viết thư lại, nhắn mời tôi đến nhà ông ta. có việc gấp. Tôi nhìn tên ký trong thư thấy lạ hoắc vì chưa bao giờ tôi biết ông ta. Tôi tò mò đạp xe tìm đến một ngôi nhà ba tầng phía Nam thành phố. Chủ nhân, một người đứng tuổi tự giới thiệu cũng là nhà văn, vào Hội nhà văn do sự giới thiệu của ông Nguyễn Tuân và Xuân Diệu (sang quá) nhưng chưa bao giờ tôi được gặp ông ta ở Hội và cũng chưa bao giờ được đọc tác phẩm của chủ nhân. Rồi ông ta nói rất hoan nghênh bài viết của tôi về Hà Minh Tuân và ông ta có viết thêm một bài “để nói rõ thêm”. Bài đây, ông ta đưa tôi đọc. À tôi hiểu rồi, chiều nay tôi đã thấy cái bài ấy nằm trên bàn làm việc của Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Hữu Thỉnh bảo tôi có người viết thêm về Hà Minh Tuân đấy, anh đọc đi, tôi không đọc. Thỉnh lại nói: “Cũng chẳng có gì đâu nhưng họ muốn nói rô thêm kẻo hiểu lầm”. Bây giờ cái ông nhà văn mà tôi chưa bao giờ quen biết kia cũng đưa bài viết của ông ta bảo tôi đọc, tôi cũng không đọc. Ông ta bảo “Tôi định đưa đăng trên báo Nhân Dân...“. Tôi nói: “Anh đưa đâu thì tuỳ anh thôi, tôi không có ý kiến gì cả”. Tôi ra về, cứ băn khoăn mãi về tên ông này, ông ta là ai mà mình không biết, cái tên nghe ngờ ngợ hay là cái ông trước kia nghe nói làm việc ở trường Nguyễn Ái Quốc rồi bê bối chuyện tình ái gì đó, không biết có phải ông ta không? Làm sao lại dính dáng đến Hà Minh Tuân, có gì mả cần nói rõ thêm?
    Ít ngày sau, trên trang nhất của báo Văn Nghệ đúng vào chỗ mà họ đã đăng bài của tôi, đăng bài viết của ông ta. Rồi số sau lại đăng tiếp một đoạn ngắn mà toà soạn xin lỗi là “đã để sót”. Tôi đọc và tự cười với mình. Tôi đã xem cái bản thảo tác giả ấn cho tôi khi tôi về nhà, so lại thì đúng nguyên thế sao lại có đoạn thêm nào mà bảo “để sót”. Vậy có lẽ cái đoạn in sau chẳng là viết thêm cho đủ ý, cái đoạn toàn nhân danh Hà Minh Tuân cảm ơn người này, cơ quan khác đã quan tâm giúp đỡ ông v.v... Một hôm tới nhà Vạn Lịch tôi bảo cái ông Hà Minh Tuân này đến tội, đã bị quất tơi bời đến thế mà vẫn phải cảm ơn và cảm ơn... Rồi tôi kể cho Vạn Lịch nghe tôi đã gặp ông nhà văn vừa rồi như thế nào. Lịch bảo: Ông ta bị ép viết đấy mà. Rồi Lịch kể: Cái ông X. trong bài của tôi đọc xong bài báo, tức quá gọi điện cho cấp dưới cũ của ông đã về hưu đòi cải chính bằng được. Ông ta đi bộ đến nhà Hà Minh Tuân ở phố Hàng Giầy, đi bộ chứ không đi ô tô, kéo Tuân thêm hai người nữa ra Hồ Tây ăn bánh tôm, sau đó bảo Tuân ký giấy nhận là đã được cấp nhà, được tăng lương. Thằng Tuân hồi này lẫn lắm rồi, bảo ký giấy gì chẳng ký. Sau đó ông ta bảo tay nhà văn kia viết bài “để nói cho rõ”. Bài đăng xong, chắc chưa vừa ý lại bắt viết thêm... Té ra là như vậy. Tôi đờ người, nghe Vạn Lịch kể, chẳng hiểu ra sao nữa, cái ông bạn tội nghiệp của tôi? Ông Hà Minh Tuân có lấn tôi gặp ông đi loăng quăng ngoài hè phố, miệng cười tủm tỉm, đúng là ông bị “chập” rồi. Hôm đến đưa ma hoạ sĩ Bùi Xuân Phái ở 19 Hàng Buồm, tôi cũng thấy ông tung tăng trên đường phố. Ông dắt tôi về nhà ông gần đấy nhưng không vào nhà được vì cửa khoá, ông móc mãi túi không thấy chìa khoá đâu, có lẽ ông vút mất đâu đó rồi? Đành gọi một anh thợ ngồi vỉa hè vào cưa khoá, ông ngồi trên bậc thang nhà bếp chờ đợi, còn tôi đứng cạnh. Lát sau bà vợ về, ông cứ rúm người vì sợ bị vợ mắng. Càng ngày ông càng lẫn, đi không khoá cửa hoặc khoá xong ném chìa khoá mất, đi mà không nhớ đường về nhà, quên cả phố, cả đường. Có đêm nằm vật vạ đâu đó trên bờ hè bị bọn lưu manh đánh thâm tím cả mặt mày, đến tội. Rồi ông qua đời, đó là đám tang buồn. Nhờ có ông Vạn Lịch giúp đỡ nên linh cữu được quàn tại 51 Trần Hưng Đạo. Tôi đến đưa tang ông, sau đó ông Tô Hoài giữ tôi ngồi uống bia, sắc mặt nhà văn cao tuổi buồn buồn, càng nghĩ tôi càng thấy cám cảnh cho người quả cố, một số phận không may mắn, con người hiền lành, quá hiển lành mà cuộc đời cứ vần lên vần xuống như nướng khoai... Văn chương cái nghiệp chướng là thế...
    Vào cuối năm 1963, không khí của Nhà xuất bản Văn học nháo nhác về cái vụ Vào Đời. Sau Vào Đời lại Đống rác cũ. Hà Minh Tuân bị đình chỉ công tác, ngồi viết kiểm điểm mà cứ loay hoay chẳng biết viết thế nào? Căn cứ vào những bài báo phê phán mình thì chẳng rõ họ nói gì? Bài nào cũng giống bài nào, toàn lời lẽ đao to búa lớn, đọc cũng đủ rùng mình. Lại thường có phái viên cấp trên xuống kiểm tra tình hình, làm việc với cán bộ biên tập để tìm hiểu. Có một ông phái viên tôi đã gặp ngay giữa sân nhà xuất bản, một ông to mập, mặt cũng mập, sùi lên những mụn trứng cá thâm sì. Ông hỏi tôi rằng chắc là ngoài bản thảo Vào đời, còn có những bản thảo khác chưa in cũng có nhiều vấn đề phải không? Tôi ngán ngẩm, cái ông này vừa rồi cũng đã xông vào đánh hôi, viết bài đăng báo phê phán đủ cả với một mớ lý luận chưa tiêu về chủ nghĩa Mác và mỹ học vô sản. Tôi gật đầu nói: “Đúng thế, ở đây còn nhiều bản thảo có vấn đề”. Ông gạ: “Anh có thể đưa tôi xem được không?”. Tôi hẹn ông sáng hôm sau tôi sẽ đưa cho ông. Rồi tôi vào mở tủ lấy ra một đống bản thảo đã bị loại chữ viết tay nhòe nhoẹt, loằng ngoằng, đọc nổi chữ đã khó chứ đừng nói chuyện đọc văn. Những bản thảo mà chẳng cần đọc anh em biên tập đã biết là không thể dùng được, toàn chuyện ông Hoàng bà Chúa, nửa kiếm hiệp, nửa Phong thần, tác giả có thể là những ông thần kinh chập, lại quá dỗi việc dư thời gian. Tôi lôi ra khoảng chục tập như thế, ghi dấu cẩn thận. Rồi gói ghém, sáng hôm sau đã thấy ông phái viên mò tới. Tôi đưa ông ta bắt ký nhận cẩn thận. Ông hoan hỉ ôm về, chưa đến một tuần ông đem tới trả tôi, chất vấn (thói quen của các vị phái viên là hay chất vấn): “Tại sao anh lại đưa tôi những thứ quỷ quái này?”. Tôi ngơ ngơ: “Sao anh bảo đưa cho anh loại “có vấn đề”, đây “không có vấn đề là gì?”. Ông biết bị lỡm, gườm gườm nhìn tôi rồi bỏ đi...
    Cứ mỗi cuộc đấu tranh lại nẩy ra các nhà lý luận phê bình văn học. Và ngay như bản thân tôi, có lúc cũng trở thành nhà phê bình lý luân văn học khá quyết liệt, thế mới tai hại, bao giờ ngẫm lại thấy xấu hổ quá. Thỉnh thoảng mở tivi thấy những ông lý luận xuất hiện, giảng giải cho mọi người thế nào là cái Đẹp, thế nào là Chân, Thiện, Mỹ, thế nào là tính Nhân văn, tính Nhân đạo v.v... rồi bình luận về tác phẩm này, tác phẩm khác y như ông đã khai sinh ra nó, biết nó từ chân tơ kẽ tóc. Có ông râu ria xồm xoàm, có ông mặt nhẵn nhụi, nói là tiến sĩ này hay tiến sĩ khác, toàn tiến sĩ là tiến sĩ. Toàn các vị có học hàm học vị đủ cả... Tôi không có y vơ đũa cả nắm, báo chí đã nói chán ra rồi. Tôi biết có nhiều người đúng là tiến sĩ thật sự, nghĩa là có học hàm hẳn hoi ví dụ như ông bạn tôi, tiến sĩ tâm lý học mà vừa rồi có người đã viết bài báo tràng giang đại hải, hai kỳ với cái tựa đề giạt gân: “Hiện tượng Hồ Ngọc Đại”. Ông ta tâng bốc vị giáo sư này lên mây xanh giống như hơn mười năm về trước, người ta gọi “Hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp” hay một số nhà văn trẻ khác cũng được ưu ái phong tước ấy và tôi nghiệm ra rằng những người hay phong tước cho người khác cũng là những “hiện tượng”...
    Hồ Ngọc Đại từ ngày được phong tước mỗi lần gặp tôi thường gọi đua anh là ông “phênômền”. Đại chỉ hà hà thú vị, không hiểu vì cái tước hiệu “hiện tượng” ấy hay vì câu đùa của tôi. Đại quen biết giới chúng tôi từ lâu và anh chơi với chúng tôi rất sòng phẳng, nghĩa là gặp nhau không bàn luận chính trị hay thời thế, không nói xấu người vắng mặt, chỉ nói người có mặt, tất nhiên là nói trêu cho vui cốc bia hay chén rượu. Đại là một trí thức, một nhà giáo đầy tâm huyết về nghề sư phạm của anh và có bản lĩnh, dám chống lại những cái mà anh cho là sai trái, bảo vệ đến cùng chân lý của mình. Và tôn trọng sáng tạo của nhà văn nên có thời đầu của Trường viết văn Nguyễn Du, Đại được mời đến giảng triết học cho học sinh nhưng cũng chỉ khoá đầu, anh nói: “Dạy người ta viết văn thì làm sao mà dạy được, nghề văn cũng giống như mọi nghề chỉ có điều khác là không ai dạy ai viết văn được. Đi đâu nghe được giới thiệu là đã từng dạy ở trường Viết văn, Đại dãy náy lên từ chối... Có lần, không nhiều lần, Hồ Ngọc Đại bảo tôi: “Bọn bạn tôi là những nhà khoa học thường hỏi tôi làm sao tôi dám chơi với các nhà văn, họ nguy hiểm lắm đấy...”. Tôi hỏi lại: “Thế ông trả lời các bạn ông ra sao?”. “Tôi thấy các nhà văn chẳng có gì đáng sợ, chơi với họ chẳng có gì nguy hiểm cả, họ cũng như chúng ta, chúng ta làm khoa học, còn các nhà văn thì làm văn học...”. Tôi mỉm cười sực nhớ lại một buổi chiều cách đây đã vài chục năm, tôi ngồi ở ngoài hiên nhà số 65 Nguyên Du, trụ sở của Hội nhà văn, một chiều đã lâu quá nhưng tôi vẫn nhớ, chiều thật vắng vẻ vì đã hết giờ làm việc chỉ có tôi cùng ngồi với nhà văn Tô Hoài, hai người hai cái ghế gỗ trước cây mít sai quả chĩu chịt như một đàn con bám lấy mẹ. Phía sau tôi có kê cái bàn gỗ, bên trên mặt bàn, nhà văn Nguyên Hổng chắc từ Bắc Giang mới về Hà Nội, ngất ngưởng với chai rượu trắng và cái điếu bát. Nguyên Hồng cười khật khưỡng, ông vừa kể chuyện một bà sáng nay bảo ông rằng hai cây vông đầu phố nở hoa đẹp ơi là đẹp, ông nói với chúng tôi: “Hoa vông thì có gì mà đẹp, lá vông mới đẹp chứ”. Lại cười, lại uống rượu và rít thuốc lào. Cả ông Tô Hoài và tôi cũng cười. Rồi ông nói với tôi: “Cậu bảo mình phải giúp cho tay ấy viết khỏi nhạt ư? Làm sao mà giúp được bệnh viết văn nhạt, cái nhạt ấy từ khi sinh ra đã nhạt và nhạt đến hết đời chẳng ai giúp được“. Rồi ông ngồi trầm ngâm ngắm mẹ con cây mít trước mặt và tự dưng nói nhỏ với tôi, nói nhỏ như sợ ai nghe thấy: “Cái Hội nhà văn của chúng mình như con chó già rụng hết cả răng, nhưng ai cũng phải nể nó, sợ nó đớp phải thì hại quá...”. Ông ngửa mặt cười giống như ông Nguyên Hồng đang ngất nghểu trên mặt bàn với chai rượu và cái điếu thuốc lào, chòm râu vểnh lên thỉnh thoảng lại được chủ nó vuốt ve... Cái buổi chiều đã xa quá rồi, khi tôi còn trẻ nhưng tôi chẳng hề quên, buổi chiều đã tắt nắng trong cơ quan Hội rất vắng vẻ... Bây giờ nghe Hồ Ngọc Đại nói bạn bè trong giới của anh nghĩ về các nhà văn thật lạ, chợt nhớ đến câu nói của bậc nhà văn đàn anh. Tôi vào Hội nhà văn từ năm mới thành lập, viết không mệt mỏi nhưng phải đến cách đây trên mười năm tôi mới thực sự hiểu thế nào là văn chương, thế nào là văn học. Tự dưng thôi, chẳng phải ai dạy bảo cả, tự dưng như hai cánh cửa chân trời bung ra và tôi hiểu được cái thực chất của nó. Dù sao tôi cũng chỉ vào loại “tầm tầm” như có người đã viết toẹt trên sách, cũng không sao, tầm tầm hay nguyên si vẫn là văn học, cũng không nên trách có nhà văn viết đến mòn mỏi cuộc đời, rất nhiều tiểu thuyết hay truyện ngắn nhưng lại chẳng có chút gì gọi là văn chương, thế mới lạ...
    Cái buổi chiều sau khi Phác Văn qua đời, tôi ngồi ở Câu lạc bộ Ba Đình thì Hồ Ngọc Đại đến, nghe tôi báo tin ấy, Đại lẳng lặng bưng vại bia đầy rót xuống cái gốc cây lim nơi Phác Văn thường ngồi khi sống. Phác Văn thường ngồi uống bia và cười lớn ở đó, tràng cười kha kha khà khà, nghe rất vui, rất thoải mái tưởng như cuộc đời chẳng có gì đáng phải nghĩ ngợi nhưng nghe kỹ ra nó chát nghét và đắng cay... Phác Văn làm thơ và cả vẽ nữa, một con người còn hồn nhiên hơn cả những bài thơ và những bức tranh của anh... Nhuận bút thơ của anh cũng còm cõi như tên tập thơ in vào năm 1962 “Ngọn lửa nhỏ”. Tôi cứ nhớ hôm đi dự đám cưới của anh ở nhà cưới Trăm Hoa phố Bà Triệu, nhà thơ Hoàng Cầm mừng tập thơ mới in của ông và ông cụ thân sinh ra Phác Văn từ quê ra đứng lên đọc tặng con trai và con dâu mới một bài thơ ông vừa ứng tác. Đám cưới hồi ấy không ăn uống, chỉ tiệc trà, vài cái bánh quy và nước chè, thuốc lá nhưng đằm thắm. Vậy mà bây giờ người đã ra đi. Tôi thoảng nghe tiếng nước bia mà Hồ Ngọc Đại vừa rót xuống gốc cây xèo một cái như tiếng thở dài...
    Lại nhớ Phùng Quán trong những năm chiến tranh, bỏ mặc vợ con ở Hà Nội, lên sống trong trại tăng gia của cơ quan giữa vùng núi heo hút tận Thái Nguyên, nằm trên đó có viết được gì không? Và các bà vợ các anh, như bà Thuý, vợ Trần Dần mà Nguyễn Khải đã một lần viết, bà Trâm vợ Phùng Quán, một bà giáo, họ là những người đàn bà nhẫn nại và chịu đựng từng ấy năm chồng bị chôn vùi trong dĩ vãng, cho tới khi chồng qua đời, tiếng thơm để lại chẳng còn bao nhiêu, chẳng thể bù lại với nỗi vất vả gian truân trước...
    Chiều, tôi đến Câu lạc bộ Ba Đình không phải để luyện tập mà chỉ để gặp bè bạn bên vại bia hơi. Cái thói sinh hoạt của những anh cán bộ nghèo về hưu chỉ có vậy. Hồ Ngọc Đại là người tôi hay gặp, anh chỉ vắng mặt vào những ngày đi công tác xa và mắc những bữa tiệc ngoại giao, nhiều lần đi công tác xa về đến Hà Nội là Đại phóng xe đến Câu lạc bộ mang theo gói quà mua ở nơi đó những con mực khô hay cá khô v.v... Một lần sau khi đọc loạt bài của Đại trên tuần báo Văn Nghệ, bài viết cái công nghệ giáo dục của anh, mở đầu có loạt bài cùng đề tài là cái bài nói về giải mã gen người. Đại viết: Bây giờ khoa học đã giải mã được toàn bộ gen người và đối chiếu mới biết chúng giống nhau đến kinh khủng, và cũng chỉ giống hệt nhau ở mức 99,9%, ai cũng vậy. Và cái khác nhau là 1/1000. Tôi nói với anh: Vậy cái phần nghìn đó chính là phần NGƯỜI, 99,9% chỉ mới là CON. Cái phần nghìn đó là cái khác nhau giữa người này và người khác. Khoa học co thể nhân bản gen người nhưng sinh ra đâu phải là CON NGUỜI thật sự, chẳng qua đó chỉ là thứ sinh vật mà thôi. NGUỜI còn Tâm Linh, còn linh hồn, có tư duy, và tình cảm, cái CON kia chỉ là bản năng và nhờ có cái phần nghìn đỏ mới có tội, có anh, có người này tốt, người kia xấu, tóm lại mới có xã hội loài người có chiến tranh, có hoà bình có mong ước và hy vọng, có nước Mỹ, có Việt Nam v.v... Hồ Ngọc Đại cười sảng khoái: “Đúng thế”. Tôi nói: “Có lẽ chính vì vậy mà Nhà Thờ phản đối việc nhân bản gen người. Cỏ phải vậy chăng?”
    
- o O o -

    Tôi thường đạp xe từ nhà phía chợ Hôm lên cơ quan, đi theo con đường Thợ Nhuộm và tôi hay gặp một người đạp xe ngược lại, một người cao lớn trông thấy tôi, hét toáng lên: “Mai Ngữ”, rồi dừng xe nói với tôi cái giọng ồm ồm: “Tao vừa đi vẽ về, tao đi Tuyên Quang...”. Đó là hoạ sĩ Văn Giáo từ nhà ở Nguyễn Thái Học đạp xe đến hội Mỹ thuật Việt Nam. Văn Giáo là hoạ sĩ tôi biết qua tác phẩm của ông hồi trước cách mạng. Hồi ấy vào năm 43 hay 44 gì đó, tôi đến xem tranh bày trong nhà Khai Trí Tiến Đức ở Bờ Hồ, Salon Unique năm ấy thấy có tranh Văn Giáo, những bức bột màu vẽ phong cảnh rất đẹp và cạnh đấy là những bức sơn dầu vẽ theo kiểu lập thể (cubisme) của Nguyễn Đỗ Cung. Tôi nghe nói hai người đang ở miền Trung. Mãi đến năm 54, nhân đi chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi mới gặp Văn Giáo ở Phú Thọ. Ông đang bầy tranh lần thứ bao nhiêu ở đấy, trong nhà dân. Tranh được treo trên dây, mắc ngoài sân cho đồng bào tới xem. Chủ nhân phòng tranh, một người cao lớn đang kéo người này ra xa, đẩy người khác vào gần tranh để xem. Rồi về tiếp quản Hà Nội, một buổi tối khuya, tôi đi cùng Văn Giáo xem phố xá về đêm, chợt nhìn thấy tấm băng khẩu hiệu chăng ngang đường bị lệch, Văn Giáo bảo tôi đứng chờ, rồi sộc đi tìm cán bộ cơ sở lôi ra bắt trèo lên cột điện sửa lại cái băngđơrôn cho ngay ngắn. Cái phố ấy là phố Hàng Thiếc. Tôi nghĩ cái ông hoạ sĩ bỗ bã này được việc hơn mình. Rồi chúng tôi thân nhau, Một hôm tôi thành thật nói với Văn Giáo: “Này tôi thấy ông vẽ phong cảnh rất đẹp lại hợp với sở trường sao ông lại bỏ nó mà đi vẽ người?”. Sáng hôm sau, Văn Giáo đến nhà tôi trợn trừng: “Tiên sư mày, mày đéo biết gì cả. Ngày xưa, mày phải hiểu ngày xưa năm 36, tao đã đi mít tinh ngày 1 tháng 5 ở nhà Đấu xảo. Rồi mật thám nó nghi tao, nó theo dõi tao nên tao phải đi vẽ phong cảnh cho nó đỡ nghi. Mày chẳng hiểu gì cả dám nói thế chứ tao vẽ người là chính, hiểu chưa?“. Cái sự biện luận nghe có vẻ sang, chưa hợp lý lắm nhưng tôi không dám nói gì hơn. Lại nhớ đến lớp học chính trị của tất cả văn nghệ sĩ vào năm 57 ở ấp Thái Hà. Tất cả tập trung, cả ăn, cả ngủ ở đấy, chủ nhật mới được về nhà. Lớp chia thành các tổ. Tổ trưởng của tôi là Thanh Tịnh. Buổi tối, cơm nước xong, tôi và ông thường la cà xuống căng tin uống cà phê và tán gẫu. Khi chúng tôi lững thững đi bao giờ quay lại cũng thấy Văn Giáo theo sau. Văn Giáo vừa bày tranh xong, cuộc trưng bày lần thứ bao nhiêu không rõ và khoe là được chính phủ mua nhiều lắm, cả anh Tô cũng mua. Ông cứ bám lấy chúng tôi và nói về phòng tranh của mình.
    Thanh Tịnh cúi xuống nói nhỏ với tôi: “Ngữ xem, mình chỉ nói một câu là Văn Giáo rút ngay mà xem...“. Rồi ông dừng lại chờ hoạ sĩ tiến lên và nói rất nhẹ nhàng: “Này, Văn Giáo ơi, nghe nói cậu bán nhiều tranh, bọn mình thì đang hết tiền, có thể cho bọn mình mượn vài chục chứ...”. Văn Giáo sững lại quát: “Chỉ vớ vẩn, tiền nong cái gì?”. Rồi đi thẳng không ngoái lại. Tôi và Thanh Tịnh không dám cười to chỉ sợ ông ấy mà nổi khùng thì rắc rối. Nói vậy nhưng Văn Giáo là người hảo tâm. Vào năm 65, tôi túng quá, tiền nong nhẵn cả phải hỏi mượn cơ quan, một sáng Văn Giáo đến nhà tôi, ngồi xuống nói luôn: “Mày hồi này túng quẫn lắm phải không? Tao cũng chẳng giàu có gì nhưng tao giúp mày năm đồng...”. Năm đồng hồi ấy không nhỏ, anh có đứa con mới sinh anh được thêm 5 đổng hàng tháng, với số tiền ấy anh có thể gửi con nhà trẻ kèm thêm tem phiếu là yên trí, chẳng phải lo gì cho con. Với năm đồng có thể đem sổ ra hàng gạo đong được hơn yến gạo đủ ăn cả tháng cho bản thân anh. Vậy mà Văn Giáo đã bỏ ra năm đồng cho tôi mà lương của ông cũng thấp chỉ dăm chục lúc đó. Tôi lúng túng và xúc động trước vẻ chân thật của ông. Văn Giáo đứng lên ấn tờ giấy bạc vào túi sơ mỉ của tôi. Khoảng hơn tháng sau, tôi đến Hội Văn nghệ Việt Nam thì vừa gặp Văn Giáo từ Hội Mỹ thuật dắt xe ra. Văn Giáo ôm lấy vai tôi khẽ nói: “Tao sắp đi vẽ xa, hôm đã lâu tao đưa cho mày năm đồng, nhớ không? Hôm ấy mày túng nên tao giúp, bây giờ tao lại túng rồi mày đưa tao năm đồng được không?”. Tất nhiên là tôi vui vẻ đưa lại cho ông năm đồng vừa đi lĩnh về, và cảm ơn ông rất nhiều. Văn Giáo lại chửi: “Tiên sư anh, khi anh túng, thì tôi giúp bây giờ tôi túng, anh lại giúp tôi, có gì phải cảm ơn lắm thế”. Chúng tôi lại cười vui vẻ vì tính nết của Văn Giáo là như thế, con người to lớn ấy không hề nghiện thức gì, thuốc lá hay chè rượu, chỉ sống bằng cơm rau và vẽ... Ông cứ đi suốt từ Việt Bắc đến khu Bốn một mình một xe đạp và chiếc cặp vẽ to đùng. Không có người mẫu, không vẽ được, thậm chí vào quê Bác Hồ cũng phải lên huyện đội mượn hai tiểu đội lính đưa về vẽ trước nhà Bác. Con người tính nết hơi điện điên, tàng tàng ấy rất chịu khó vẽ, đi và vẽ, tất nhiên những tranh vẽ người của ông không làm tôi thích thú bằng tranh phong cảnh. Mà ông sử dụng bột mầu rất tài tình, dưới ngọn bút của ông, cây cối hiện lên lung linh và những đốm nắng nhẩy nhót trên thảm cỏ xanh. Tiếc rằng ông đã bỏ nó mà đi vẽ người, lại vẽ lãnh tụ. Một buổi trưa tôi đạp xe về quê vợ ở làng Đình Bảng, gần đến lối vào đình, ngôi đình từ đời Lý, thấy Văn Giáo đứng cắp cặp vẽ như chờ đợi ai đó. Thấy tôi ông gọi ầm ĩ. Tôi dừng lại, ông bảo ông đang đứng chờ một ông già râu tóc nhang nhác giống Bác Hồ để đứng làm mẫu cho ông vẽ bức tranh “Bác Hồ về thăm Đình Bảng, có nhân dân vây quanh đón Bác”. Nhân dân thì đang tụ họp quanh hoạ sĩ, cái ông hoạ sĩ vừa từ Hà Nội về đã hò hét xếp mẫu, xếp người chỉ đợi ông già ra là vẽ... Tôi thỉnh thoảng đạp xe từ nhà phía chợ Hôm đến cơ quan nhiều lần gặp Văn Giáo cũng từ nhà ông ở Nguyễn Thái Học đến Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông dừng xe trên phố Thợ Nhuộm và nói tướng lên với tôi: “Tao vừa đi vẽ trên Tuyên Quang, tao vẽ cây đa Tân Trào, mày ạ. Đồng bào trên đó tốt lắm, vẫn nhớ đến cách mạng, quý lắm...”. Hôm khác gặp nhau cung quãng ấy, ông lại bảo: “Tao vừa đi vẽ, vẽ hang Pắc Bó, vẽ Bác Hồ ngồi trong hang...”. Tôi nhớ tới hứa hẹn của ông khi tôi vừa viết xong truyện anh hùng Ngô Mây, người đã ôm bom đánh địch trên đèo An Khê năm 1947. Năm 55, có một người đến gặp tôi tại toà soạn báo Quân đội Nhân dân, tự giới thiệu là Quách Tử Hấp, đại đội trưởng đại đội Quyết tử của Ngô Mây xưa kia. Hấp có nói với tôi rằng hồi ấy trước khi đại đội vào trận có một hoạ sĩ trên khu đã xuống vẽ chân dung Ngô Mây đứng cầm mác. Hoạ sĩ ấy chính là Văn Giáo lúc đó còn ở khu 5. Tôi hỏi Văn Giáo và ông nhận có vẽ Ngô Mây, bức tranh rất đẹp vì người mẫu cũng rất đẹp nhưng lâu quá rồi ông cũng không nhớ bức tranh đó hiện nằm ở đâu, ông hứa sẽ cố nhớ lại và báo cho tôi biết sau... Còn Quách Tử Hấp vào những năm 90, tôi lại thấy anh xuất hiện trên tivi, một ông già đã nghỉ hưu, một đại tá quân đội ngoài bảy mươi còn khỏe mạnh, một mình một xe đạp làm cuộc hành trình Xuyên Việt, từ Bắc vào Nam...
    Hôm chúng tôi, tôi và Văn Giáo cùng dự cuộc họp cộng tác viên của tạp chí Mỹ thuật, Văn Giáo kể lại cuộc hành trình của ông từ Khu 5 ra Bắc hồi năm 47, 48 đầy gian khổ, và ông đã ghi chép cẩn thận vào cuốn nhật ký, ông sẽ viết lại nhưng bức tranh vẽ Ngô Mây thì ông không sao nhớ nó đã ở đâu, hay có người cầm giữ hay thất lạc đâu đó.
    Tôi đi xa về thì Văn Giáo không còn nữa, ông bị ốm vào bệnh viện Việt Xô không được vì mức lương của ông quá thấp chỉ đủ tiêu chuẩn vào bệnh viện E giống như Quang Dũng khi xưa nằm liệt ở bệnh viện E chán rồi về nhà và mất. Năm đó, Vạn Lịch hay rủ tôi đến thăm Quang Dũng ở bệnh viện E. Nhưng Văn Giáo nhờ có Hội can thiệp nên được nằm ở bệnh viện Việt Xô mà sau đổi tên là bệnh viện Hữu nghị và mất ở đó...
    Mọi người đều đã già rồi qua đời, đó là quy luật của cuộc sống, chẳng ai cưỡng lại được...
    
- o O o -

    Đã lâu tôi không có dịp đi lại dọc con đường Bà Triệu bởi nhà tôi đã chuyển từ phía chợ Hôm lên gần chợ Ngọc Hà. Bạn bè cũng đi vãn; chẳng còn ai để đến thăm hay trò chuyên. Ngôi nhà Trăm tuổi ở đó còn hay mất tôi cũng không rõ, cái ngày ông Tô Hoài chỉ cho tôi thì cũng đã thấy chung quanh nó, bên trái hay bên phải nó là những ngôi nhà đang xây, những cột bê tông ngất nghểu, những bức tường dở dang và trên vỉa hè là những đống vật liệu xây dựng lùm lùm ngổn ngang... Mấy năm gần đây, tốc độ xây dựng phát triển nhanh đến chóng mặt, loáng cái đã thấy những ngôi nhà hiện đại với kính, chớp lừng lững mọc lên cao vòi vọi. Loáng cái đã thấy phố phường thay đổi, đường xá mở rộng và xe cộ đan nhau như đàn kiến lao đi vùn vụt. Hà Nội ngày càng đổi thay đến nỗi tôi tự nghĩ không biết cái “duyên thầm” của nó còn hay mất? Nó sẽ giống một thành phố nào đó ở Singapo, Malaixia, hay Thái Lan, nham nhở, chẳng còn chút gì là Hà Nội khi xưa, Hà Nội đã từng làm say đắm tình người... Tôi lo cho ngôi nhà Trăm tuổi của tôi, có thể nó đã bị phá để xây nên một ngôi nhà cao tầng hiện đại hơn, văn minh hơn giống như người ta đã tôn tạo hay cải tạo đình chùa miếu mạo, tôn tạo đến mức không còn là cái cũ nữa nên mỗi khi trở lại thăm chốn xưa, tôi chỉ dám đứng ngoài không dám vào trong, không muốn chứng kiến cái công trình mới mẻ kia thô kệch và lai căng, nửa Nam nửa Bắc, nửa Tầu nửa ta, chen chúc bên những ngôi nhà dân lấn chiếm. Tôi cứ nghĩ cái cũ khi nao cũng đôn hậu hơn, đằm thắm, còn cái mới cứ lạnh tanh thế nào ấy. Có thể tôi là một “người muôn năm cữ, nệ cổ...?”.
    Năm nay, mùa thu Hà Nội ít sương mù. Mọi năm sương mù dầy đặc cứ lãng đãng như tấm voan mỏng phủ xuống đường phố từ chiều hôm trước đến trưa hôm sau, và trong đám sương mù ấy, mọi gương mặt cứ ẩn ẩn hiện hiện không rõ nét, không góc cạnh. Trên mặt Hồ Gươm hay Hồ Tây, sương mù cứ chìm dần xuống, nhô lên trong đám sương ấy là ngọn Tháp Rùa đứng im lìm, lẻ loi và quanh hồ thấp thoáng những hàng cây. Hồ Tây hay hồ Trúc Bạch càng ngày hẹp dần vì sự lấn chiếm, nó không còn là “tấm gương Tây Hồ” phẳng lặng như mặt gương bởi nhiều hoạt động quấy động cái hổ nước bây giờ không còn những đàn sâm cầm trở về trú đông... “Ôi, những cánh chim giang hồ, đôi cánh đang cùng vật vờ trên khắp cố đô”, Văn Cao đã viết như thế vào hon nửa thế kỷ trước và sau đó ông lại viết “Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc” về nạn đói khủng khiếp năm 45 khi ông ngồi trong ngôi nhà ở phố Nguyễn Thượng Hiền trông thẳng ra phố Khâm Thiên, cái phường Dạ Lạc của Hả Nội xưa.

Kết Thúc (END)
Mai Ngữ
» Người Đàn Bà Ngủ Trong Rừng
» Con Chuột
» Lời Mai Trò Chuyện - Đỗ Chu
» Giã Biệt
» Nước Lên
» Lãng Đãng Chiều Sương
» Từ Miền Quê Yên Tĩnh
» Hũ Vàng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng