Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Cửa Sẽ Mở Tác Giả: Đặng Thị Thanh Hương    
    Mười hai giờ mười phút tầu sẽ chạy. Tôi gập người qua cửa sổ níu Thành. Tàu vẫn chạy và Thành lùi lại phía sau. Sân ga nhoè ướt. Vậy là xa rồi. Tôi nghĩ chắc không có ngày gặp lại Thành. Với Thành, tôi chỉ là một dấu chấm mờ nhạt trong đời anh. Một ngày mệt nhoài trên tàu, tôi về đến nhà. Phố thị hiu hắt dưới ánh đèn vàng. Năm năm xa nhà, bây giờ là lúc phải trở về, bố tôi bảo thế. Vừa ra tới trường lớn, năm sáu người đàn ông xúm vào: "Mời cô", "Em gái về đâu, anh chở nào...". Tôi chọn một người đàn ông già nhất, lên xe. Mười phút sau, tôi đứng trước cửa nhà. Cây bàng lá rụng đỏ ối dưới gốc. Tôi chợt thấy bồi hồi, những kỷ niệm thời còn trẻ ùn về. Dưới gốc bàng này, lần đầu tiên tôi nói về ý nguyện đi xa. Năm đó tôi vừa bẩy tuổi. Bố và mẹ chạy ra đón. Căn nhà xưa rộng thênh và buồn. Mọi người trong nhà đi xa cả. Tôi đã trở về sau một chặng thời gian dài đủ để xăm xoi kiếm tìm. Nhưng kiếm tìm mãi vẫn chẳng thấy gì cho mình. Các cơ quan nhà nước ở Hà Nội không còn chỗ chen chân. Tôi một kỹ sư hoá đầy triển vọng, cuối cùng phải đi làm ở vài công ty trách nhiệm hữu hạn do Thành giới thiệu. Hết thư ký văn phòng đến xử lý phần mềm máy tính, những tài năng của tôi vẫn không được khởi động. Thế là chán. Tôi nhớ, đại thi hoà W.Sếchxpia nói một câu theo kinh thánh đại để: Hỏi đi, sẽ được trả lời. Tìm đi anh sẽ thấy. Gõ đi, cửa sẽ mở. Tôi đã hỏi, đã tìm, đã gõ đến hàng chục nơi mà trước mặt vẫn im lặng. Tôi hoang mang. Hình như Sếchxpia cũng nhầm khi tin vào Ðức Chúa. Vậy là tôi phải trở về. Từ bỏ cái ước mộng thân cư thiên di như trong lá số tử vi của tôi. Thế mà 25 tuổi, tôi vẫn chả làm nên cơm cháo gì. Thành bảo: "Em không cần đi làm cũng được, tụi mình cưới nhau, em ở nhà sinh con, thế là xong...". Tôi cười: "- Vậy các công thức hoá học em cho vào máy giặt để quay cùng tã lót à?". Thành chép miệng: " - Ðàn bà mà nhiều tham vọng là rất dở!". Tôi đành chấp nhận thiếu một chút chức năng thiên phú và có lỗi với Thành. Tôi trở về quê mang theo tình yêu đầu tiên trộn lẫn vào các công thức hoá học. Thế là mất nhau. Nhưng tôi sẽ được một cái gì khác, có lẽ lớn hơn tình yêu của Thành. Thành cay nghiệt? - Anh cũng tin như thế! Bố xin cho tôi vào sở công nghiệp tỉnh. Buổi đầu tiên đi làm, trên bàn viết của tôi có một lọ hoa hồng rất đẹp. Mà kiếm được những bông hoa như thế ở xứ sở nhà thật khó. Ðãng trạc ba mươi tuổi, là trưởng phòng của tôi: - Ngày mai cô xuống nhà máy đường rượu. Cái thằng cha này mấy năm nay làm ăn đì đẹt quá, cô tính cách nào tăng chất lượng lên nhé. Ngồi một ngày chưa yên trên văn phòng có bình hoa hồng Ðà Lạt quí hiếm ấy, tôi lại lóc cóc đạp xe lên đầu tỉnh. Thị xã nhỏ và dài. Những con đường đều tăm tắp, hun hút mà chẳng thấy sự dọc ngang như những vùng đất khác. Tôi đã đọc một câu thơ của ai đó: Thị xã nhỏ như bàn tay con gái Chiều xưa vuốt tóc diệu kỳ... Khốn khổ, thị xã của tôi mà nhỏ nhắn giống một bàn tay cô gái như cái anh chàng thi sĩ kia ví von thì không đến nỗi. Sáng sáng, chiều chiều tôi đạp xe hơn mười kilômét đến nhà máy. Những đống mía khô quắt chất đầy sân. Giám đốc Lân bảo tôi: - Khó khăn lắm anh ạ. ở đây người ta không trồng mía. Phải cho công nhân đi thu gom từng nhà, chất lượng rất kém. Ðó, cô nhìn đống mía ngoài sân thì thấy, giống mía này cứng và ít đường. Mấy năm trước, đường của nhà máy còn tiêu thụ được. Giờ đường Trung Quốc tràn về, thế là hàng nhà máy tồn lại. Kể ra ông Lân nói cũng có lý. Từ khi khai thông biên giới Việt - Trung, tỉnh tôi là nơi địa đầu. Khắp khu chợ toàn hàng tầu. Từ quần áo, giầy dép đến đường, bánh kẹo, hoa quả thôi thì đủ loại. Hàng Tầu giá thành rẻ và hình thức đẹp hơn. Thời buổi mở cửa, dân thấy cái gì kinh tế hơn thì dùng. Ai hơi đâu để ý đến sự tồn tại của một nhà máy. Tôi ra chợ mua một túi đường Trung Quốc. Ðường Tầu trắng và nhỏ hạt. Giá chỉ có sáu nghìn một kilôgam, trong khi đó giá thành cân đường của nhà máy riêng nguyên liệu lên tới bảy nghìn năm trăm đồng. Tôi đóng cửa nhà ba tuần, miệt mài với công thức được học trong trường. Pha pha, chế chế rồi tôi cũng tìm được cách lọc bớt những tạp chất trong đường của nhà máy làm ra. Nhưng để hạ được giá thành cạnh tranh thị trường thì tôi chịu. Tôi gọi điện cho Thành, Thành cười phá lên: - Em có bị dở hơi không? Thời buổi này người ta lao vào kiếm tiền. Mặt hàng nào có lợi nhuận cao nhất thì kinh doanh, hơi đâu mà phân tích với chả cải tiến. Ngốc ạ, dẹp đi với anh. Anh đang có dự định làm ăn lớn đây. Trông vào cái nghề mình có mà chết đói... Tôi cúp máy, lặng lẽ nhớ lại Thành mấy năm về trước. Anh luôn là sinh viên xuất sắc của khoa. Anh say mê đeo đuổi những công trình của mình. Cái gì làm Thành thay đổi đến thế? Tôi đành mò mẫm một mình. Công việc bù đầu, tôi cũng vơi đi nỗi day dứt về Thành. Tôi đem dự án trình Sở và ban giám đốc nhà máy. Ông Lân vỗ đùi: - Cô giỏi lắm. Vậy mà chúng tôi không nghĩ ra. Hai tuần tôi và ông Lân chạy khắp nơi, hết vào uỷ ban tỉnh lại tiếp cận ông giám đốc Sở tài chính để xin kinh phí. Nhưng để đâu hai bác cháu cũng gặp sự khất lần với những lý do không kém phần tế nhị. Hai ngày sau, ông tìm tôi mệt mỏi: - Ông phó chủ tịch nới với chú là việc gì phải vẽ vời. Không cần cải tạo, chế biến gì cả. Dẹp việc sản xuất đường, nhập hàng Tầu về bán có phải nhàn hạ mà lãi nhiều hơn. Tôi chợt thấy nghẹn đắng. Vậy là công cốc. Nhưng cả tôi và ông Lân không thể làm gì khác. Ðào đâu ra ba trăm triệu để mua máy móc và thiết bị? Sau thất bại ở nhà máy đường rượu, Ðãng gọi tôi về. - Thôi, công việc của cô là ngồi ở phòng nghiên cứu. Bao giờ có chỗ hợp lý tôi lại bảo cho cô đi. Bốn tháng sau, nhà máy của Ông Lân phải đóng cửa chuyển giao cho việc kinh doanh chè đen xuất khẩu. Ông Lân nghỉ hưu, đưa cả gia đình về xuôi. Hết hai năm tập sự, tôi vẫn chưa được giao việc gì cụ thể. Mỗi ngày tám giờ vàng ngọc, tôi tới văn phòng ngồi đánh máy các công văn, giấy tờ. Ðãng an ủi; - Thôi cô tạm đảm nhận công việc này một thời gian. Sắp tới xí nghiệp dược cần một kỹ sư hoá để pha chế loại thuốc mới. Tôi sẽ bàn lãnh đạo đưa cô về. Trên bàn của tôi không còn thấy thêm một lọ hoa nào. Những bông hồng ngày ấy không nỡ vứt, tôi treo lên tường khô quắt lại. Chị Vân cùng phòng với tôi bảo: - Ðấy em cứ nhìn những bông hồng thì thấy. Ngày đầu nó cũng đầy sức sống và rực rỡ biết bao. Thôi em ạ. Như chị đây này, lấy chồng vào là hết muốn tìm tòi, nghiên cứu. Chị thấy anh Ðãng để ý đến cô đấy... Tôi bật cười vì sự ví von của chị. Tôi từ bỏ Thành, từ bỏ cuộc sống thành phố để về đây, những tưởng sẽ làm được nhiều việc "ra tấm ra món". Giờ thành một cô văn thư không chuyên nghiệp mới thấy những công thức hoá học không khó hơn việc kỳ cạch gõ từng phím trên máy chữ. Thành đi nước ngoài nửa năm nay. Trước khi đi, ạnh gọi điện thoại cho tôi: - sao rồi? Ðã tìm thấy trên mảnh đất heo hút ấy chưa? Dù sao thì anh cũng kính phục em đấy, cô bé ạ! Thành không viết cho tôi một lá thư nào. Tôi nghe tin anh lấy vợ và công việc kinh doanh rất phát đạt. Tôi hai mươi bảy tuổi. Những ồn ào thuở mới ra trường cũng lắng xuống. Mẹ tôi buồn bã: "Con gái lớn rồi, phải lấy chồng đi". Bố tôi không nói gì. Ông vừa quyết định về hưu sau một cuộc họp tỉnh uỷ. Công trình lọc tạp chất đường của tôi đã phủ bụi. Ðãng quên mất lời tỏ tình với tôi. Anh lấy vợ. Vợ anh Ðãng là con ông phó chủ tịch tỉnh vừa học hết phổ thông trung học. Nói như chị Vân là xấu: xấu ma chê quỷ hờn. Không thể chờ đợi, tôi tự mình mò sang xí nghiệp dược. Ðúng lúc cả xí nghiệp đi thu mua nhựa anh túc trên huyện. Tôi xin đi theo. Ðứng trước một rừng hoa anh túc đang nở rộ. Giàng A Sa. một cán bộ huyện kể cho tôi nghe sự tích về cây anh túc. Chuyện kể rằng: Xưa kia có một nàng công chúa sinh ra với nước da đen đúa. Vua cha dấu bặt sự thật, nghiêm lệnh ai lộ ra sẽ bị chém đầu. Ðến tuổi trưởng thành, một hoàng tử lân quốc đến cầu hôn. Hôn lễ được cử hành rất trọng thể. Ðêm động phòng hoa chúc, công chúa bị bỏ tấm mạng che mặt. Vị hoàng tử nọ ngất đi ngay đêm đó trốn biệt. Ðau khổ và uất hận, công chúa chết đi với lời nguyền: sẽ làm cho con người điêu đứng, dù khinh ghét nhưng không ai có thể từ bỏ cô được. ít lâu sau, trên mộ nàng mọc lên một loài hoa có đủ ba màu trắng, đỏ, tím. Ðó là cây thuốc phiện mà sau này người đời kinh sợ vì sự cám dỗ ma quỷ của nó. Câu chuyện Giàng A Sa kể ám ảnh tôi rất nhiều. Cây thuốc phiện là môt dược liệu quý, nhưng sau vụ này cũng sẽ bị phá bỏ. Tỉnh chủ trương trồng cây sơn tra thay cây anh túc. Tôi trở về thị xã, lên gặp chú giám đốc sở xin chuyển về xí nghiệp, nhưng không được đồng ý. Ông ta bảo tôi: - Cô sẽ phát huy được những gì ở đấy khi không còn trông cây thuốc phiện nữa? Ðêm ấy trời mưa rất to. Tôi nằm trên giường. Sấm chớp đập ầm ầm ngoài cửa. Chợt tôi nhìn thấy nàng công chúa đen đúa đi từ mưa vào giường. Cô ta ngồi xuống nắm lấy tay tôi, bàn tay đen của cô ánh những ráng đỏ: - Cô sẽ chẳng bao giờ làm được những dự định của mình đâu. Cô thấy không? như ta thế mà lại hay. Sự ngu muội của con người làm ta bất tử, ha... ha... Cô ta cất một tràng cười man dại. Tôi hốt hoảng giật bàn tay ra và vùng chạy. Một ánh chớp chói loà đập thẳng vào cửa sổ. Tôi tỉnh dậy bàng hoàng bởi giấc mơ kỳ lạ. Một tuần sau, tôi làm đơn xin thôi việc và lặng lẽ ra ga lên tàu về Hà Nội. Bố mẹ không ngăn cản, chỉ thở dài. Bố đưa tôi ra cổng, đứng tựa vào lưng cây bàng nhìn theo. Tôi chợt thấy bố và cây bàng sao giống nhau thế. Cành cây khẳng khiu, bạc phếch và bố mái tóc bạc trắng, dáng đứng lòng không cam chịu. Những chiếc lá bàng đỏ ối rụng đầy gốc. Ðã ba năm từ ngày tôi trở về. Ba năm như chiếc lá bàng xanh mơn mởn của hy vọng, tôi lại ra đi khi hy vọng ngả vàng. Dù niềm tin ra rời như những lá bàng nằm hấp hối trong gió bấc. Về Hà Nội, tôi lại xin vào xử lý phầm mềm máy tính cho một công ty nước ngoài. Tôi giấu kín tấm bằng kỹ sư hoá xuống đáy va ly cùng với những hoài bão thời tuổi trẻ. Tôi lấy chồng, giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn. Nhiều đêm nằm ôm con, tôi cứ lẩm nhẩm một mình: Hỏi đi sẽ được trả lời. Tìm đi, anh sẽ thấy. Gõ đi cửa sẽ mở... chẳng lẽ rồi cuối cùng tôi phải chọn một con đường đơn giản nhất, dễ dãi nhất? Nhưng chưa có một cánh cửa nào cho những kiến thức của tôi cựa quậy. Tôi nghĩ đến nàng công chúa đen đúa với lời nguyền cay độc. Tôi nghĩ về những cánh hoa anh túc đã héo tàn, mà sự cám dỗ còn vương vấn. Chợt tiếng Thành cười vang: "Ôi, cô bé ngốc nghếch!" Vâng, có thể là tôi ngốc nghếch khi cứ mãi kiếm tìm. Nhưng tôi biết tôi sẽ không còn lại gì nếu tôi ngừng việc tìm kiếm. Tôi tự an ủi mình: Rồi một ngày nào đó tôi sẽ nhận được câu trả lời, cánh cửa sẽ mở. Nhưng, liệu đến lúc đó tôi có còn đủ nghị lực và dũng khí để bước vào cái thế giới mà tôi hằng mơ ước hay không?
    

Kết Thúc (END)
Đặng Thị Thanh Hương
» Trầu Không
» Hoa Phù Dung
» Lời Ru Cuối Cùng
» Hoài Niệm
» Cửa Sẽ Mở
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em