Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Lưỡi Dao Săn Tác Giả: Haruki Murakami    
    Hai bè củi được thả neo ngoài khơi xa nhìn như hai hòn đảo sinh đôi. Một khoảng cách lý tưởng nếu từ bờ bơi ra - chính xác là 50 feet tính từ bờ và khoảng ba mươi feet giữa hai bè gỗ. Bề ngang 14 feet, mỗi bè đều có thang sắt và thảm cỏ nhân tạo phủ trên bề mặt. Mực nước sâu 10 đến 12 feet, trong suốt đến mức ta có thể nhìn thấy sợi dây xích nối giữa hai chiếc bè kéo tận xuống đáy chiếc neo bê tông. Khu vực bơi được một tảng đá ngầm san hô vây quanh. Và vì ít khi có sóng lớn nên những chiếc bè cứ dập dềnh nhẹ nhàng trên mặt nước. Chúng dường như cam chịu việc bị bỏ ngoài khơi xa để cho những tia nắng chói chang của mặt trời chiếu dọi ngày này qua tháng khác.
    Tôi thích đứng trên bè gỗ nhìn vào bờ. Bờ biển trắng xóa kéo dài, chiếc tháp cứu đắm màu đỏ, hàng cọ xanh tươi - một cảnh đẹp huy hoàng, hay ít ra cũng hoàn hảo như một bức tranh trên bưu thiếp. Phía xa bên phải, bờ biển chấm dứt bằng một dãy đá đen lởm chởm dẫn đến khách sạn mà vợ tôi và tôi đang ở. Bây giờ là cuối tháng sáu, chưa đến mùa du lịch vì thế có ít khách vãng lai ở khách sạn và trên bờ biển.
    Có một quân đoàn Mỹ đóng trú gần đây và chiếc bè gỗ nằm ngay hướng bay của máy bay trực thăng. Những chiếc phi cơ xuất hiện từ ngoài khơi xa, tách đôi không gian giữa hai chiếc bè gỗ rồi vút qua đám cây cọ và biến mất. Chúng bay chậm đến mức ta có thể nhìn thấy vẻ mặt của người phi công. Tuy nhiên, trừ những chiếc máy bay tập kích trên đầu, còn lại hầu như chỉ là bãi biển vắng lặng, ngủ vùi. Đúng là một nơi lý tưởng cho những ai muốn yên thân một mình trong kỳ nghỉ.
    Những căn nhà màu trắng ở đây có hai tầng, được chia làm bốn phòng, hai ở tầng trên và hai ở tầng dưới. Phòng chúng tôi nằm ở tầng trệt, nhìn ra biển. Bên ngoài cửa sổ là khu vườn với những đám cỏ được cắt tỉa gọn gàng. Sáng và tối, chiếc xe bồn chậm chạp tưới cỏ. Sau khu vườn là một hồ bơi và một hàng cây cọ cao vút với nhưng chiếc lá khổng lồ ve vẩy nhẹ nhàng trong gió mùa.
    Một người mẹ và đứa con trai người Mỹ đang ở căn phòng kế bên phòng vợ chồng tôi. Họ dường như đã ở đây lâu rồi, trước khi chúng tôi đến. Người mẹ khoảng sáu mươi tuổi còn đứa con trai gần bằng tuổi chúng tôi, khoảng hai tám hai chín gì đó. Họ giống nhau đến mức tôi chưa từng thấy mẹ con nhà nào giống hơn. Cả hai đều có gương mặt hẹp và dài y chang nhau, trán rộng và môi mím chặt. Người mẹ dáng cao, thẳng, cử động nhanh nhẹn hoạt bát. Người con hình như cũng cao, tôi không chắc lắm. Anh ta ngồi trên một cái xe lăn. Lúc nào người mẹ cũng đứng sau, đẩy chiếc xe lăn cho anh ta.
    Gia đình họ im lặng đến đáng ngờ và căn phòng của họ như viện bảo tàng. Họ chẳng bao giờ bật tivi dù có hai lần tôi đã nghe tiếng nhạc vọng sang từ phòng họ - lần đầu là một bản clarinet ngũ tấu của Mozart, lần thứ hai là một bản nhạc giao hưởng mà tôi không thể nhận ra. Tôi đoán là của Richard Strauss.
    Ngoài những lần đó ra còn lại chẳng có tiếng động nào. Họ không sử dụng máy điều hoà nhiệt độ. Thay vào đó, họ mở cửa trước để cho những cơn gió lạnh ngoài biển thổi vào. Nhưng cho dù mở cửa, tôi cũng chẳng nghe thấy tiếng nói chuyện của họ bao giờ. Những mẩu đàm thoại của họ - chắc đôi lúc họ phải nói chuyện - chắc hẳn chỉ là sự thay đổi ít nhiều ngữ điệu của tiếng thì thầm mà thôi. Họ dường như không biết đến chúng tôi, và những khi ở trong phòng chúng tôi phải hạ thấp giọng.
    Chúng tôi thường gặp gia đình họ trong nhà hàng, trong tiền sảnh khách sạn hay đôi khi trên lối đi dạo của khu vườn. Khách sạn này là một nơi nhỏ nhắn và ấm cúng, nên chúng tôi dù muốn hay không cũng phải qua những lối đi ấy. Chúng tôi gật đầu chào nhau mỗi khi giáp mặt. Mẹ con họ có những cách gật đầu chào khác nhau. Người mẹ gật đầu chào mạnh, quả quyết, còn người con chỉ nghiêng đầu nhẹ. Aán tượng của hai cách chào đó dù vậy vẫn đẹp như nhau. Lời chào chỉ bắt đầu và kết thúc như thế, không đi xa hơn. Chúng tôi chẳng bao giờ thử bắt chuyện với họ. Giữa vợ chồng tôi đã có nhiều điều để nói với nhau rồi. Chẳng hạn như bao giờ thì dọn đến nhà mới, chúng tôi sẽ làm những việc gì và có nên có con hay không… đây là mùa hè cuối cùng của những năm chúng tôi hai mươi tuổi.
    Sau bữa ăn sáng, mẹ con họ luôn ngồi trong tiền sảnh đọc báo. Đọc từ trang này sang trang khác, từ trên xuống dưới rất có phương pháp. Như thể họ khóa mình trong một kỳ thi nghiêm ngặt xem ai đọc báo lâu hơn. Một đôi ngày, họ thay báo bằng những quyển sách đóng bìa cứng dày cộp. Họ giống như một đôi vợ chồng già chán nhau từ lâu lắm rồi, hơn là giống hai mẹ con.
    Mỗi sáng, khoảng chừng 10 giờ tôi cùng vợ mang những chai nước ướp lạnh đi ra biển. Chúng tôi bôi thuốc chống nắng khắp người, nằm dài trên những chiếc chiếu trải trên cát. Tôi nghe nhạc Stones hay Marvin Gaye bằng máy Sony Walkman, còn vợ tôi thì đọc Cuốn theo chiều gió. Vợ tôi nói rằng nàng học được nhiều điều từ tác phẩm về cuộc sống. Tôi chẳng bao giờ đọc nó nên tôi không hiểu nàng muốn nói gì. Hàng ngày, mặt trời bật sâu vào trong đất liền, vạch một đường chậm chạp giữa hai chiếc bè theo đường ngược lại với hướng bay của những chiếc trực thăng rồi nhàn nhã lặn sâu xuống đường chân trời.
    Hai ngày một lần, vào buổi chiều, hai mẹ con họ lại xuất hiện trên bờ biển. Người mẹ luôn mặc bộ quần áo màu sáng và đội chiếc mũ rơm màu trắng rộng vành. Người con chẳng bao giờ đội nón. Thay vào đó, anh ta đeo một chiếc kính râm, mặc chiếc áo sơ mi phong cách Hawai và một chiếc quần vải cotton. Họ ngồi dưới bóng của những cây cọ, gió xạc xào xung quanh. Họ nhìn ra biển và không làm gì khác. Bà mẹ ngồi trên chiếc ghế xếp nơi bãi biển, còn người con chẳng bao giờ rời khỏi chiếc xe lăn. Đôi khi, họ đổi chỗ tìm bóng râm. Người mẹ mang theo một phích nước màu trắng, đôi khi bà rót nước cho mình trong ly giấy hay nhai vài cái bách bích quy.
    Có buổi họ ở bãi biển khoảng nửa tiếng, nhưng có khi họ ở đến ba giờ chiều. Khi tôi bơi, tôi cảm thấy họ đang nhìn tôi. Có một khoảng cách dài giữa chiếc bè gỗ đến hàng cọ xanh nên tôi có thể hình dung ra được. Chắc có lẽ tôi quá nhạy cảm nhưng khi tôi leo lên một trong hai chiếc bè, tôi dễ dàng cảm thấy đôi mắt họ chiếu thẳng vào tôi. Đôi khi chiếc phích bạc loé sáng như một con dao trong ánh nắng mặt trời.
    Ngày này qua ngày khác hững hờ nối tiếp theo nhau. Phòng kế bên vẫn chẳng có gì khác biệt. Ta có thể thay đổi trật tự mà chẳng ai chú ý đến. Mặt trời vẫn mọc hướng đông, lặn hướng tây, những chiếc máy bay màu ôliu bay lên bay xuống, tôi nốc hàng galông(1) bia và thỏa chí vẫy vùng bơi lội.
    Buổi chiều cuối cùng ở khách sạn, tôi ra biển bơi một lần nữa. Vợ tôi nghỉ trưa và tôi ra biển một mình. Đó là buổi chiều ngày thứ bảy, người đông hơn thường lệ. Những người lính rám nắng với sự ồn ào tuổi trẻ và những hình xăm trên cánh tay đang chơi bóng chuyền. Lũ trẻ dìm nhau nơi bờ nước, xây lâu đài cát và kêu thét vui sướng khi sóng lớn vỗ bờ. Nhưng dường như không có ai bơi ngoài xa, những chiếc bè trở nên hoang vắng. Trời không gợn mây, ánh nắng chiếu thẳng trên đầu, mặt cát nóng bỏng. Nhưng không thấy hai mẹ con họ xuất hiện.
    Tôi bước xuống cho nước dâng đến ngực rồi bắt đầu trườn đến phía trái của chiếc bè. Một cách chậm rãi, tôi dùng tay thử độ nâng của nước. Tôi vừa bơi vừa đếm nhịp bơi. Nước lạnh và tôi cảm thấy tốt cho làn da rám nắng của mình. Tôi bơi trong vùng nước trong đến mức nhìn thấy cái bóng của mình đổ trên mặt cát, như thể một cánh chim lướt qua bầu trời. Sau khi đếm đến nhịp thứ bốn mươi, tôi ngẩng lên để chắc chắn rằng cái bè ngay phía trước mặt. Chính xác sau mười nhịp bơi nữa, tay trái tôi đã chạm vào nó. Tôi nổi lên đó khoảng một phút, điều hòa nhịp thở mình rồi túm lấy cái thang và trèo lên bè.
    Tôi hết sức ngạc nhiên thấy có một người ở đây trước mình. Một người đàn bà mập mạp tóc vàng hoe. Chắc hẳn bà ta đã đến đây trong khi tôi đang bơi vì khi từ bờ nhìn ra, tôi không thấy ai trên chiếc bè này cả. Bà mập mặc một bộ bikini nhỏ xíu. Cái quần màu đỏ trông như lá cờ đuôi nheo mà người nông dân Nhật Bản cắm trên đồng để báo hiệu cánh đồng mới được xịt thuốc trừ sâu. Bà mập nằm sấp. Người bà quá mập nên bộ đồ tắm trông càng nhỏ hơn nữa. Dường như bà mới đến vùng này bởi làn da nhợt nhạt, không có dấu vết gì của sự rám nắng.
    Bà ngước nhìn lên vài giây rồi nhắm mắt lại. Tôi ngồi xuống phía đối điện của chiếc bè. Tôi đu đưa chân xuống nước và nhìn vào bờ. Hai mẹ con nhà nọ vẫn không có dưới tán lá cọ. Và cũng chẳng có ở bãi biển. Tôi không thể lẫn họ được: chiếc xe lăn kim loại lấp lánh trong nắng là một sự tố giác chết người. Tôi cảm thấy như bị bỏ rơi. Không có hai mẹ con, bức tranh phong cảnh mất đi một miếng. Có lẽ họ đã làm thủ tục rời khách sạn và trở về nơi “cố quận” - có lẽ là một nơi nào đó. Nhưng khi tôi thấy họ trước đó, trong nhà ăn của khách sạn, họ không có vẻ gì là sắp sửa rời đi. Vẫn như thường lệ, họ dành thời gian để dùng bữa và yên lặng uống một ly cà phê sau khi ăn xong.
    Tôi nằm sấp xuống như bà mập tóc vàng hoe và phơi nắng trong khoảng mười phút, nghe những con sóng nhỏ táp vào mạn chiếc bè. Những giọt nước rơi vào tai tôi ấm áp trong ánh nắng mặt trời chói chang.
    “Này cậu trai, nóng nhỉ”, bà mập nói từ phía bên kia chiếc bè. Giọng bà cao và ngọt xớt.
    “Hẳn vậy rồi,” tôi đáp.
    “Cậu biết mấy giờ rồi không?”.
    “Tôi không có đồng hồ, nhưng tôi đoán chắc khoảng hai giờ rưỡi hay hai giờ bốn mươi gì đó”.
    “Thật à?”, bà ta nói và tỏ ra một dấu hiệu như thể đó không phải là thời gian bà ước đoán. Có lẽ bà ta không chú ý đến thời gian.
    Bà mập ngồi dậy. Mồ hôi lấm tấm khắp người như thể những con ruồi trên thức ăn. Những cuộn mỡ từ dưới tai kéo dài xuống vai rồi xuống cả đôi tay mập mạp. Dường như cổ chân và cổ tay bà ta cũng bị biến mất vào trong những nếp thịt gấp khúc. Tôi không thể không nghĩ đến anh chàng Michelin(2). Dù nặng nề như vậy, nhưng bà ta không cho tôi ấn tượng gì bệnh tật. Bà ta trông cũng không đến nỗi tệ lắm. Bà ta đơn giản là chỉ có quá nhiều thịt trên xương. Tôi đoán bà ta khoảng chừng trên ba mươi.
    “Chắc cậu ở đây lâu nên da rất rám nắng,” bà ta nói.
    “Chín ngày”.
    “Da cậu rám nắng đến là lạ,” bà ta nói. Thay vì trả lời, tôi đằng hắng. Nước trong tai tôi chảy ra róc rách khi tôi nghiêng đầu
    “Tôi đang ở khách sạn quân đội,” bà ta nói.
    Tôi biết nơi đó. Nó nằm cuối con đường nơi bãi biển.
    “Anh trai tôi là sĩ quan hải quân, anh ấy mời tôi đến. Cậu biết không? Hải quân không tệ lắm đâu. Lương khá lắm. Họ có tất cả mọi thứ mình muốn ngay trong căn cứ. Cũng có cả những quyền lợi khác như khu nghỉ mát này chẳng hạn. Thật khác xa khi tôi còn đi học cao đẳng. Đó là hồi chiến tranh Việt Nam. Lúc bấy giờ, có người trong gia đình làm quân đội là ngại ngùng không thể tả. Mình phải lén lút. Nhưng thế giới thực sự thay đổi kể từ dạo ấy”.
    Tôi gật đầu lơ đãng.
    “Bạn tôi cũng từng ở trong hải quân,” bà ta tiếp tục. “Anh ta là phi công chiến đấu. Anh ta phải đi nghĩa vụ ở Việt Nam trong hai năm, rồi làm phi công cho Mỹ. Lúc đó tôi là nữ tiếp viên trên máy bay. Và chúng tôi đã gặp nhau. Để tôi gắng nhớ năm mà chúng tôi cưới nhau. Hình như năm 1970. Dù gì thì cũng khoảng sáu năm về trước. Ngẫu nhiên ấy mà”.
    “Thế nào?”
    “Cậu biết không? Phi hành đoàn toàn làm việc vào những giờ “trái khoáy” nên họ thường hẹn gặp nhau. Những giờ làm việc và kiểu sống của họ hoàn toàn bị ràng buộc. Dù vậy, chúng tôi cưới nhau. Tôi nghỉ việc và anh ta lại tiếp tục “cặp kè” với một nữ tiếp viên khác rồi lại cưới cô ta. Cũng là chuyện ngẫu nhiên thôi mà”.
    Tôi gố gắng thay đổi chủ đề câu chuyện. “Bà sống ở đâu?”.
    “Los Angeles”, bà ta nói. “Cậu đến đó chưa?”
    “Chưa”, tôi nói.
    “Tôi sinh ra ở đó. Rồi cha tôi thuyên chuyển sang Salt Lake City. Cậu từng đến đó chưa?”
    “Chưa”.
    “Tôi cũng chẳng khuyên cậu đến đó”, bà ta nói rồi lắc đầu và lau mồ hôi trên mặt.
    Tôi lấy làm lạ khi nghĩ rằng bà ta từng là nữ tiếp viên. Tôi đã trông thấy nhiều nữ tiếp viên mập nhưng rắn chắc như một đô vật. Tôi cũng thấy vài người có cánh tay lực lưỡng và những đôi môi mập mỡ. Nhưng tôi chưa thấy ai mập bự như bà ta. Có lẽ nước Mỹ không quan tâm đến việc nữ tiếp viên cân nặng bao nhiêu. Hay có lẽ khi còn làm việc, bà ta chưa mập đến thế này.
    Tôi nhìn lướt qua bãi biển. Vẫn không có dấu hiệu gì của hai mẹ con. Những người lính vẫn đang chơi bóng chuyền. Người cứu đắm ở trên cái tháp của mình và nhìn chăm chú vào cái gì đó bằng chiếc ống nhòm ngoại cỡ. Hai chiếc máy bay quân sự xuất hiện ngoài khơi và như những người đưa tin loan báo những tin bất hạnh trong các vở bi kịch Hy Lạp, chúng la lối phô trương rồi trốn sâu vào đất liền. Chúng tôi yên lặng quan sát những cái máy màu xanh biến mất ngoài xa.
    “Tôi chắc là chúng ta đang trải qua những giây phút tuyệt vời ở đây”, bà mập nói. “Tắm nắng trên chiếc bè và không lo lắng gì đến thế giới”.
    “Có lẽ bà nói đúng”.
    “Mọi thứ tuyệt vời khi ta ngước nhìn lên”, bà ta nói rồi lăn cái bụng phệ nằm xuống và nhắm mắt lại.
    Thời gian trôi qua yên lặng. Cảm thấy đến lúc phải trở về, tôi đứng dậy và bảo với bà ta là tôi phải quay vào bờ. Tôi nhảy xuống nước và lặn. Được nửa đường, tôi dừng lại, đổi sang kiểu bơi đứng và nhìn về phía chiếc bè. Bà ta nhìn tôi và vẫy tay. Nhìn từ xa, bà ta trông như con cá heo. Thứ bà ta cần là một đôi vây chèo để lao sâu vào lòng biển.
    Tôi về phòng, nằm nghỉ một lát. Buổi tối, như thường lệ tôi xuống nhà ăn dùng bữa tối. Vẫn không thấy hai mẹ con nhà kia. Tôi trở về và thấy phòng của hai mẹ con đóng kín cửa. Ánh sáng lọt qua ô kính nhỏ mờ nơi cánh cửa, nhưng tôi không thể nói căn phòng này đang có người ở hay không.
    Tôi nói với vợ: “Anh chắc là họ đã rời khách sạn rồi. Hai mẹ con họ không có ở bãi biển và không xuống ăn tối”.
    “Cuối cùng thì ai cũng phải ra đi thôi. Ta không thể sống như thế này mãi được”, vợ tôi nói.
    “Anh cũng chắc vậy”, tôi đồng ý nhưng không tin. Tôi không thể hình dung mẹ con họ lại ở chỗ nào khác ngoài nơi chốn này.
    Chúng tôi cũng bắt đầu thu dọn hành lý. Khi chúng tôi nhét đầy áo quần vào hành lý rồi thảy xuống gầm giường, căn phòng ngay lập tức trở nên lạnh lùng và xa lạ. Kỳ nghỉ của chúng tôi cũng đến hồi kết thúc.
    Tôi thức dậy và nhìn cái đồng trên chiếc bàn kế giường ngủ. Một giờ hai mươi phút. Tim tôi đập mạnh. Tôi từ từ rời khỏi giường và ngồi xuống tấm thảm. Tôi ngồi xếp bằng và hít thở sâu. Tôi điều hòa hơi thở, thả lỏng vai, ngồi thẳng và cố gắng tập trung. Tập luyện kiểu này khiến tôi cảm thấy an bình trở lại. Chắc hẳn là tôi đã bơi hay tắm nắng quá nhiều. Tôi đứng dậy nhìn quanh phòng. Dưới chân giường, hai chiếc va ly thu mình như hai con vật lén lút. Đúng rồi. Tôi nhớ ra là ngày mai chúng tôi không còn ở đây nữa.
    Trong ánh trăng mờ chiếu vào cửa sổ, vợ tôi nằm ngủ say. Tôi không thể nghe tiếng nàng thở, cứ như thể là nàng đã chết rồi. Đôi khi nàng ngủ như vậy. Khi chúng tôi mới cưới, kiểu ngủ của nàng làm tôi sợ. Thỉnh thoảng tôi thực sự nghĩ rằng nàng đã chết. Nhưng ngoài sự im lặng đó, nàng ngủ rất sâu. Tôi thay bộ quần áo ngủ đẫm mồ hôi bằng một cái áo sơ mi sạch và chiếc quần đùi. Nhét một chai rượu mạnh loại nhỏ của Thỗ Nhĩ Kỳ trên bàn vào túi quần, tôi lặng lẽ mở cửa và bước ra ngoài. Không khí đêm lạnh giá mang theo mùi ẩm ướt của cây cối xung quanh. Trăng tròn vành vạnh bao phủ thế giới một màu sắc lạ lùng mà ta không bao giờ thấy được vào ban ngày. Giống như thể chúng ta đang nhìn qua một tấm lọc màu sắc. Nó làm cho một số vật có màu sắc lung linh hơn còn những vật khác thì xám xịt và kiệt quệ như xác chết.
    Tôi không ngủ được tí nào. Như thể giấc ngủ chưa bao giờ tồn tại. Tâm trí tôi rất sáng láng và tập trung. Im lặng ngự trị nơi này. Không hơi gió, không tiếng côn trùng, không một tiếng chim đêm vang vọng. Chỉ có tiếng sóng biển vọng về xa xăm mà tôi phải lắng tai mới nghe ra được.
    Tôi chậm chạp đi vòng quanh khu nhà nghỉ, đi tắt qua đám cỏ. Trong ánh trăng, đám cỏ tròn trông như cái ao phủ đầy băng tuyết. Tôi bước nhẹ nhàng, cố không làm vỡ đám băng kia. Qua đám cỏ là một con đường hẹp lát đá và phía trên kia là quầy bar được trang trí bắt mắt, ấm áp. Trước mỗi bữa ăn tối, tôi đều uống một ly rượu vodka nơi đây. Dĩ nhiên, lúc đêm khuya như thế này, quầy bar đóng cửa. Và những cái dù che ở mỗi bàn được gập lại gọn gàng như những chú thằn lằn có cánh đang ngủ say.
    Người thanh niên ngồi trên xe lăn đang ở đó. Dựa khuỷu tay lên bàn, anh ta nhìn chăm chú vào mặt nước. Nhìn từ xa, chiếc xe lăn trong ánh trăng trông như một nhạc cụ đặc biệt thích hợp cho những giờ sâu thẳm và tối tăm nhất của đêm.
    Tôi chưa bao giờ thấy anh ta đi một mình. Trong tâm trí tôi, anh ta và người mẹ là một khối đơn nhất. Anh ta ngồi trên xe và người mẹ thì đẩy xe. Nhìn thấy anh ta như vậy, tôi cảm thấy anh ta lẻ loi làm sao. Anh ta mặc một cái áo sơ mi Hawaii màu cam mà tôi đã thấy trước đó và một cái quần trắng bằng vải cotton. Anh ta ngồi không động đậy, nhìn chằm chằm vào đại dương.
    Tôi đứng lại một lát, phân vân tự hỏi không biết tôi có nên tỏ ra cho anh ta biết mình đang ở đây hay không. Nhưng trứơc khi tôi kịp quyết định phải làm gì, anh ta đã cảm thấy được sự hiện diện của tôi và quay người lại. Khi thấy tôi, anh gật đầu chào hững hờ như thường lệ.
    “Xin chào”, tôi nói.
    “Xin chào”, anh ta đáp lại bằng giọng nhẹ nhàng. Đây là lần đầu tiên tôi nghe anh ta nói. Giọng anh ta nghe hơi buồn ngủ nhưng hoàn toàn bình thường. Không quá cao, cũng không quá thấp.
    “Đi dạo giữa đêm à?”, anh ta hỏi.
    “Tôi không ngủ được”, tôi đáp lời.
    Anh ta nhìn tôi từ đầu đến chân và một nụ cười yếu ớt nở trên môi anh ta. “Tôi cũng vậy thôi”, anh nói. “Ngồi xuống đây nếu anh thích”.
    
    Tôi do dự một lát rồi bước về phía bàn người thanh niên. Tôi kéo ra một chiếc ghế nhựa và ngồi xuống phía đối diện. Tôi cũng nhìn về phía biển như anh ta. Cuối bãi biển là dãy đá lởm chởm, như thể chiếc bánh nướng bị cắt ra một nửa. Những con sóng đều đặn vỗ vào bờ đá với khoảng cách không thay đổi. Những ngọn sóng nhỏ duyên dáng và trật tự. Như thể chúng được đo bằng một cây thước. Còn ngoài xa kia thì không có gì đáng nhìn.
    “Tôi không thấy anh ra biển ngày hôm nay”, tôi nói.
    “Tôi nghỉ trong phòng cả ngày”, người thanh niên đáp. “Mẹ tôi không được khỏe”.
    “Tôi lấy làm tiếc khi nghe anh nói vậy”.
    “Không phải là vấn đề thể xác đâu. Chỉ là trạng thái căng thẳng cảm xúc thần kinh thôi”. Anh xoa má bằng ngón tay giữa của bàn tay phải. Trong đêm khuya, đôi má anh ta trơn nhẵn như đồ sứ, không thấy dấu vết của râu ria đâu cả. “Bây giờ thì bà ấy đỡ rồi. Bà đang ngủ ngon. Thật khác với đôi chân tôi. Sau một giấc ngủ ngon, bà ta sẽ khá lên thôi. Hoàn toàn không chữa trị được gì đâu nhưng ít nhất bà ta cũng sẽ trở lại như cũ. Sáng mai, bà ta sẽ tốt lên thôi”.
    Rồi anh ta im lặng khoảng ba mươi giây, có lẽ là một phút. Tôi thôi bắt chéo chân dưới bàn và tự hỏi không biết mình đến lúc trở về hay chưa. Như thể toàn bộ cuộc đời tôi quay tròn để phán xét thời điểm thích hợp để nói lời tạm biệt trong câu chuyện này. Nhưng tôi đã đánh mất cơ hội. Khi tôi chuẩn bị nói với anh ta là tôi phải đi thì anh ta lại tiếp tục:
    “Có tất cả mọi sự rối loạn thần kinh. Cho dù chúng cùng có cùng một nguyên nhân thì cũng có hàng triệu những triệu chứng khác nhau. Giống như một trận động đất, cùng một nguồn năng lượng ngầm dưới đất nhưng tùy thuộc nơi xảy ra mà kết quả khác nhau. Có trường hợp một hòn đảo biến mất, ở trường hợp khác thì một hòn đảo mới khai sinh”.
    Anh ta ngáp. Một cái ngáp dài bình thường. Như một người lịch sự, anh ta xin lỗi. Anh ta trông có vẻ kiệt sức, mắt mờ đi như mới chợp mắt vài giây. Tôi nhìn đồng hồ và nhận thấy mình quên mang theo, chỉ còn một dải trắng ở cổ tay nơi đeo đồng hồ.
    “Đừng lo cho tôi”, anh ta nói. “Trông tôi ngái ngủ vậy chứ không sao đâu. Bốn tiếng một đêm là đủ và tôi thường thức dậy trước bình minh. Vì thế vào giờ này mỗi đêm tôi đều ra đây chỉ để lang thang cho qua thời gian”.
    Anh ta nâng chiếc gạt tàn Cinzano trên bàn lên, nhìn vào đó như một lát như tìm vật gì quý giá rồi đặt lại vào chỗ cũ.
    “Khi mẹ tôi lên cơn đau thần kinh, bên phía mặt trái của bà đông cứng lại. Bà không thể cử động mắt và miệng. Khi nhìn vào phía trái gương mặt bà, anh sẽ thấy giống chiếc bình hoa đã vỡ. Đó là số phận nhưng không phải là tai họa hay cái gì khác. Chỉ sau một đêm ngủ ngon là bà trở nên khỏe lại”.
    Tôi không biết trả lời như thế nào, chỉ gật đầu một cái vô thưởng vô phạt. Một bình hoa đã vỡ ư?
    “Đừng nói với mẹ tôi là tôi tiết lộ cho anh chuyện này nhé. Bà rất ghét ai nói về chuyện bệnh tật của mình”.
    “Chắc chắn rồi”, tôi nói. “Nhưng ngày mai chúng tôi rời khỏi đây rồi nên chưa chắc có cơ hội nói chuyện với mẹ anh”.
    “Tệ quá nhỉ”, anh nói như thực sự cảm thông.
    “Đúng vậy. Nhưng tôi phải trở về công việc của mình, biết làm thế nào được”, tôi nói.
    “Anh từ đâu đến?”
    “Tokyo”.
    “Tokyo à”, anh ta nhắc lại. Anh nheo mắt lại và nhìn xuống mặt biển như thể mình đang ở đó. Nếu nhìn đủ xa, chắc anh sẽ thấy những ngọn đèn của Tokyo phía bên kia chân trời.
    “Anh tính ở lại đây lâu không?”, tôi hỏi.
    “Khó mà nói được”, anh ta nói, dùng tay nắm chặt bánh xe lăn. “Có thể là một tháng nữa. Cũng có thể là hai. Cái đó còn tùy. Chồng của chị tôi có cổ phần trong khách sạn này nên chúng tôi có thể ở đây bao lâu cũng được. Cha tôi đang giữ một chức lớn trong một công ty ở Cleveland và anh rể tôi thì sẽ nối nghiệp cha tôi. Tôi không thích anh ta lắm nhưng chúng ta không thể chọn gia đình cho mình, đúng không? Tôi cũng chẳng biết là anh ta có tệ như tôi hình dung ra hay không. Những người tật nguyền như tôi thường có khuynh hướng hẹp hòi”. Anh lấy trong túi một chiếc khăn tay, chậm chạp và tế nhị hỉ mũi rồi nhét khăn trở lại túi. “Dù sao anh ta cũng có cổ phần trong nhiều công ty và cũng sở hữu nhiều tài sản đầu tư nữa. Anh ta là một người khôn ngoan, giống như cha tôi vậy. Vì thế tất cả chúng tôi - tôi muốn nói là gia đình tôi - chia làm hai loại người: loại người khỏe mạnh và loại bệnh tật. Loại người bình thường và loại người khác thường. Loại khỏe mạnh thì bận rộn làm ăn, gia tăng thêm tài sản và trốn thuế - đừng nói với ai nhé - và họ chăm lo cho những người bệnh tật. Đó là sự phân công lao động chặt chẽ.”
    Anh ngừng nói và hít một hơi thở sâu. Anh gõ nhẹ móng tay lên bàn một chốc. Tôi im lặng, chờ anh ta tiếp tục câu chuyện.
    “Họ quyết định mọi thứ cho chúng tôi. Nói với chúng tôi ở đây một tháng, ở kia một tháng. Mẹ con tôi giống những cơn mưa. Chúng tôi “rơi xuống” đây và lần tới sẽ “rơi xuống”chỗ khác”.
    Sóng vỗ vào ghềnh đá để lại bọt biển phía sau. Ngay khi bọt biển biến mất, một con sóng mới lại xuất hiện. Tôi lơ đãng nhìn những con sóng vỗ bờ. Ánh trăng hắt những cái bóng nhấp nhô trên ghềnh đá.
    “Dĩ nhiên, đó là sự phân công lao động”, anh ta tiếp tục. “Mẹ con tôi cũng có vai trò của mình. Đó là con đường hai chiều. Thật khó mà diễn tả, nhưng tôi nghĩ chúng tôi bù vào sự thừa mứa của họ bằng cách không làm gì cả. Đó là lý do hiện hữu của chúng tôi (tiếng Pháp trong bản dịch: raison d’être). Anh hiểu tôi nói gì không?”
    “Hiểu phần nào thôi”, tôi đáp. “Tôi không dám chắc là mình hiểu toàn vẹn”.
    Anh ta cười lặng lẽ. “Gia đình là một thứ lạ lùng”, anh ta nói tiếp. “Một gia đình phải tồn tại cho chính nó, không thì hệ thống sẽ không hoạt động. Trong ý nghĩa đó, cái chân vô dụng của tôi là một ngọn cờ mà gia đình tôi tập hợp lại. Cái chân chết của tôi là một cái trục cho những thứ khác xoay chung quanh”.
    Anh ta lại gõ lên bàn. Không phải do kích thích mà chỉ đơn thuần di chuyển những ngón tay và lặng yên suy tưởng sự vật trong cõi thời gian riêng của mình.
    “Một trong những đặc điểm chính của hệ thống này là sự thiếu hụt sẽ bị hút về cái thiếu hụt lớn hơn và sự thừa mứa sẽ bị hút về cái thừa mứa lớn hơn. Khi Debussy bắt đầu sáng tác một bản opera, ông ta đã làm theo cách sau: “Tôi bỏ thời gian để theo đuổi cái hư vô - rien(3) - mà nó sẽ tạo thành. Công việc của tôi là tạo ra cái vô dụng đó. Nó là rien”.
    Anh giấu mình trong sự yên lặng mất ngủ, tâm trí anh lang thang đến một vùng xa xôi nào đó. Có lẽ anh đang trống rỗng. Cuối cùng, sự chú ý của anh lại hướng về thực tại. Thời khắc trở về có mất vài liên kết với lúc ra đi. Tôi thử xoa đôi má mình. Sự cọ xát bộ râu đã nhắc nhở tôi rằng thời gian vẫn đang trôi đi. Tôi lấy chai Whiskey nhỏ trong túi ra và đặt lên bàn.
    “Uống một chút chứ? Tôi tiếc là không có ly”.
    Anh ta lắc đầu. “Cám ơn, nhưng tôi không uống. Tôi không chắc về phản ứng của mình khi uống rượu. Vì thế mà tôi không uống. Nhưng tôi không lấy làm phiền chuyện người khác uống đâu - khi người ấy là khách của tôi”.
    Tôi bịt đầu chai nâng lên và từ từ để whiskey chảy xuống cổ họng mình. Tôi nhắm mắt và thưởng thức hơi men nồng. Anh ta nhìn tôi uống từ phía bên kia bàn.
    “Đây có thể là một câu hỏi lạ lùng”, anh ta nói, “nhưng anh có biết gì về dao không?”
    “Dao hả?”.
    “Dao. Anh biết chứ, dao săn chẳng hạn”.
    Tôi đã từng sử dụng dao khi đi cắm trại. Tôi bảo với anh ta. Nhưng tôi không biết nhiều về chúng. Điều đó dường như làm anh ta thất vọng. Nhưng không lâu.
    “Chẳng sao đâu”, anh ta nói. “Tôi có một con dao và muốn anh xem qua. Tôi mua nó tháng trước từ quyển catalogue. Nhưng tôi không biết những điều cơ bản về dao. Tôi không biết nó có tốt không hay mình lại lãng phí tiền bạc. Vì thế tôi muốn có một ai khác xem qua và nói những điều mình nghĩ. Nếu anh không phiền”.
    “Không, tôi không phiền đâu”, tôi nói với anh ta.
    Anh ta thận trọng rút từ trong túi ra một vật đẹp và cong, dài khoảng năm inch rồi đặt lên bàn.
    “Đừng lo. Tôi không có ý định làm tổn thương ai và cũng chẳng có ý đâm mình. Chỉ là một hôm tôi cảm thấy mình phải có một con dao sắc cho riêng mình. Tôi không thể nhớ là tại sao. Tôi chỉ muốn có một con dao, thế thôi. Vì vậy tôi xem qua những quyển catalogue và đặt một con. Không ai biết là tôi luôn mang nó theo bên mình - kể cả mẹ tôi. Anh là người duy nhất biết đấy”.
    “Và tôi sẽ quay về Tokyo sáng mai”.
    “Đúng vậy”, anh ta nói và mỉm cười. Anh nâng con dao lên và đặt nó trong lòng bàn tay một lúc, thử sức nặng của nó như thể con dao có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Rồi anh đưa qua bàn cho tôi. Con dao nặng lạ lùng, như thể tôi đang cầm một sinh vật sống có ý chí riêng. Gỗ dát trên phía tay cầm bằng đồng thau, khối kim loại lạnh băng cho dù con dao đã nằm trong túi rất lâu.
    “Đưa lên trước và bật lưỡi dao ra đi”.
    Tôi nhấn chỗ hõm trên phần cán dao xuống và cái lưỡi dao nặng nề bật ra. Kéo ra hết cỡ lưỡi dao dài khoảng ba inch. Con dao dường như nặng thêm. Không phải tôi ấn tượng về sức nặng con dao mà về cái cách con dao nằm lọt trong lòng tay tôi. Tôi thử đưa lên đưa xuống, xoay xoay con dao một lúc và nhận thấy con dao có một sự cân bằng hoàn hảo khiến tôi dễ dàng nắm giữ nó trong tay mà không bị trượt. Lưỡi thép có một cái rãnh khắc một đường máu sắc nét tạo thành một hình cung sinh động khi tôi vung dao.
    “Như đã nói, tôi không biết nhiều về dao”, tôi bảo anh ta. “Nhưng đây là một con dao rất tốt. Nó cho ta một cảm giác tuyệt vời”.
    “Nhưng nó không phải loại nhỏ để làm dao săn, đúng không?”
    “Tôi không biết”, tôi nói. “Nhưng tôi đoán chắc là nó tùy thuộc vào mục đích sử dụng”.
    “Đúng đấy”, anh nói, gật đầu vài cái như để thuyết phục chính mình.
    Tôi gấp lưỡi dao vào cán rồi đưa lại cho anh ta. Người thanh niên lại bật lưỡi dao ra và khéo léo xoay tròn con dao trên tay. Rồi như thể nhìn xuống một khẩu súng trường, anh ta nheo một mắt lại và nhắm thẳng vào mặt trăng. Ánh trăng phản chiếu trên lưỡi dao và hắt lên một bên mặt anh ta trong chốc lát.
    “Tôi tự hỏi không biết anh có thể giúp tôi không”, anh ta nói. “Anh có thể dùng con dao này cắt vật gì đó. Được không?”
    “Cắt cái gì đó hả? Chẳng hạn như cái gì?”.
    “Bất cứ cái gì xung quanh đây. Tôi chỉ muốn anh cắt cái gì đó thôi. Tôi bị kẹt cứng trong chiếc ghế này cho nên không thể với chạm được nhiều thứ. Thật sự là tôi rất thích nếu anh cắt cái gì đó cho tôi xem”.
    Tôi không tìm ra lý do để từ chối, vì thế tôi cầm con dao lên và đâm vài nhát vào thân cây cọ gần đó. Tôi lát một miếng mỏng theo đường chéo rồi lột vỏ cây ra. Sau đó tôi lấy những tấm bảng xốp nằm cạnh bể bơi rồi bổ đôi theo chiều dọc. Con dao sắc hơn là tôi tưởng.
    “Con dao quả là dị thường”, tôi nói.
    “Nó được làm theo phương pháp thủ công, và cũng khá đắt nữa”, người thanh niên nói.
    Tôi nhắm con dao về phía mặt trăng như anh ta đã làm, nhìn chăm chú. Trong ánh trăng nó giống như thân một loài cây tàn bạo vừa mới xuyên thủng mặt đất. Một cái gì đó nối kết hư vô với sự trác việt.
    “Cắt thêm thứ gì nữa đi”, anh ta giục tôi.
    Tôi vung dao chém mọi thứ mà tôi với được trong tay. Tôi chém những quả dừa rơi trên mặt đất, những chiếc lá cây khổng lồ vùng nhiệt đới, cái menu đặt trên lối vào quán bar. Thậm chí tôi còn vung dao chém những miếng gỗ trôi dạt trên bãi biển. Khi hết những vật để cắt, tôi bắt đầu di chuyển chậm chạp thận trọng như thể đang đi một đường Thái Cực quyền, tôi lặng lẽ vung dao chém không khí ban đêm. Không có vật gì chắn lối. Đêm sâu thẳm và thời gian dễ bị uốn cong. Ánh sáng tròn đầy của mặt trăng càng làm tăng thêm chiều sâu thẳm và dễ uốn đó.
    Khi tôi đâm vào không khí, tôi chợt nhớ người phụ nữ mập mạp - cựu tiếp viên của hãng hàng không Hoa Kỳ. Tôi có thể thấy bà ta nhợt nhạt, béo phị trôi lơ lửng trong không khí quanh tôi. Không hình dạng, chỉ như sương mù. Mọi thứ dường như ẩn trong lớp sương mù đó. Những chiếc bè, biển cả, bầu trời, những chiếc trực thăng và những người phi công. Tôi thử chém họ làm hai, nhưng viễn cảnh biến mất, và tất cả lại hiện diện ở xa tầm lưỡi dao tôi. Tất cả đều là ảo ảnh hay chính tôi là ảo ảnh? Có lẽ không quan trọng. Sáng ngày mai tôi đã không còn ở đây nữa.
    “Đôi khi tôi mơ”, người thanh niên ngồi trên xe lăn nói. Giọng anh ta vang vọng rất lạ. Như thể nó mọc lên từ đáy một cái hang sâu. “Có một con dao sắc chém vào phần mềm của đầu tôi, nơi mà ký ức hiện hữu. Nó mắc kẹt sâu trong đó. Nhưng nó không làm tổn thương hay đè nặng lên tôi. Nó chỉ mắc kẹt ở đó. Và tôi đứng ở một bên, nhìn vào cảnh tượng đó như thể nó xảy ra với một ai khác. Tôi muốn người nào đó rút con dao ra, nhưng không ai biết con dao bị mắc kẹt trong đầu tôi. Tôi nghĩ đến việc mình tự kéo nó ra, nhưng không thể đưa tay vào trong đầu mình được. Đó là điều lạ lùng nhất. Tôi có thể chém chính mình nhưng không thể kéo con dao ra được. Và rồi tất cả mọi thứ bắt đầu biến mất. Tôi cũng bắt đầu phai mờ dần. Chỉ còn con dao ở lại. Chỉ có con dao là luôn luôn ở đó - đến tận lúc cuối cùng. Như xương của một động vật tiền sử trên bãi biển. Đó là giấc mơ của tôi”. Anh ta nói.
    
    (1) Gallon: đơn vị đo lường chất lỏng bằng 4,5 lit ở Anh Và 3,78 lít ở Mỹ.
    (2) Michelin Man, nhân vật béo tròn quen thuộc trong quảng cáo lốp xe hơi.
    (3) tiếng Pháp trong nguyên bản: không có gì, hư vô.

Kết Thúc (END)
Haruki Murakami
» Rừng Na Uy
» Cô Gái Xứ IPANEMA
» Bánh Mật Ong
» Người Đàn Ông Băng
» Cô Gái Trăm Phần Trăm Hoàn Hảo
» Lưỡi Dao Săn
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết