Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Tình Yêu Trong Veo Tác Giả: Trịnh Bữu Hoài    
    Nghe tiếng la ở phía sau, Nguyễn vừa ngoái lại thì chiếc xe jeep chạy trờ tới cán lên vũng nước đọng trên đường từ cơn mưa đêm qua, bắn tung tóe vào người anh. Nguyễn tức giận đứng nhìn theo. Mấy anh học sinh khác nhanh chân chạy tạt vào lề đường. Trên xe chỉ có hai người. Tài xế mặc quân phục xanh, còn trẻ, thích thú khi thấy các cô cậu học sinh quần áo trắng tinh phải nhảy nai tránh nước. Bên cạnh là cô gái mặc áo dài trắng, quần trắng, một nữ sinh. Cô ngồi nghiêm nghị, nhìn thẳng về phía trước. Ðôi mắt to có đuôi dài, đen long lanh, trông như già dặn trước tuổi, trái ngược với khuôn mặt trắng mịn màu sữa rất hồn nhiên của cô.
    Chiếc xe dừng lại trước cổng trường, cô gái bước xuống đi thẳng vào trường. Dù còn ở xa nhưng Nguyễn vẫn nhận ra đó là Hằng. Một nỗi buồn ập đến rồi phủ trùm lên người anh. Cái khoảng cách giữa anh và Hằng lại hiện ra, dù hai người hết sức cố gắng xóa đi. Cô ta sang trọng, con nhà quyền quý, còn Nguyễn, cái thân phận nghèo nàn, quê kệch vẫn không xóa tan được dù anh là một học sinh xuất sắc của lớp. Nguyễn quen Hằng lúc nào, anh không nhớ rõ ngày tháng. Nhưng vào đầu năm học đệ thất, anh đã biết cô, vì hai người ngồi hai đầu bàn ngang nhau chỉ cách một lối đi ở giữa lớp. Không bao lâu sau, vị trí ấy đã làm hai người để ý nhau. Hằng đẹp, thùy mị. Nguyễn hiền, học giỏi. Một lần vào lớp sớm, chưa có ai, Hằng đã đến nhờ Nguyễn giải giùm bài toán khó. Anh cần mẫn chỉ giúp Hằng mà tay chân lọng cọng, nói năng khô khốc. Hằng hỏi luôn miệng, giọng cô ngọt ngào làm Nguyễn thêm bối rối, những con số từ ngòi viết anh trông xệu xạo thật buồn cười. Nhưng cái giây phút ngắn ngủi đó bỗng trở thành kỷ niệm, đeo đuổi Nguyễn suốt mấy ngày sau, và ẩn sâu vào ký ức anh. Thấy Hằng yếu môn toán, Nguyễn muốn chỉ giúp nhưng không biết cách nào cho tiện. Sau lần đó, Hằng trở nên kín đáo nghiêm trang. Mỗi khi gặp Nguyễn cô chỉ gật nhẹ đầu chào, hơi mỉm cười rồi đi thẳng. Bao lần Nguyễn bắt chuyện nhưng những điều anh định nói khi gặp Hằng bỗng biến đi một cách khó hiểu. Và mỗi lần gặp cô, lòng bảo hãy dừng lại nhưng cái chân thì cứ xui đi tuốt. Vì thế, nên mỗi buổi học, hai người ngồI cách nhau một tầm tay với mà Nguyễn cảm thấy như xa muôn trùng, không biết Hằng có cảm thấy như thế không. Có lẽ là không ! Nguyễn nghe tim mình đau nhói khi nghĩ đến điều đó. Cô ta vẫn chăm chú nhìn lên bảng nghe thầy giảng bài, suốt cả buổI chẳng quay sang Nguyễn một lần. Trong khi thỉnh thoảng Nguyễn phải nhìn trộm Hằng một cái. Ðể làm gì? Cái tuổi thiếu thời của Nguyễn không thể giải thích được điều ấỵ Anh chỉ biết rằng không nhìn được. Cái đường cong của hàng mi, của gò má bầu bầu trắng mịn đã kích thích Nguyễn nhìn trộm, dù anh vẫn biết rằng như thế là xấu hổ nếu tình cờ Hằng quay qua bắt gặp. Bao lần Nguyễn tự nhủ phải chăm chú nhìn vào bảng đen, cần phải tự trọng, đừng để ai khinh bỉ, coi thường mình, nhất là một cô gái. Nhưng con mắt của anh vẫn cứ vô tình tạt qua Hằng. Sau này anh mới hiểu, người ta không thể nào từ chối ngưỡng vọng cái đẹp, dù cho lòng sắt thép đến đâu, điều quan trọng là sự ngưỡng vọng đó có trong sáng hay không.
    Cái lạnh lùng của Hằng càng làm cho Nguyễn khao khát tiến gần cô. Trong anh hoàn toàn là một tình bạn hồn nhiên. Anh ao ước kết bạn với Hằng, người con gái có những yếu tố làm anh xúc động. Nguyễn là con trai lớn của một gia đình nông dân cách non mười cây số. Cái làng cù lao cây trái bốn mùa xanh biếc, đậm đà bóng mát và lảnh lót tiếng chim. Nơi học sinh thường rủ nhau đến đó vui chơi, nghỉ mát, ăn trái cây vào ngày chủ nhật. Gia đình Nguyễn có năm anh em trai, nên anh rất khát thèm tình thương của một người chị hay một cô em gái. Cuộc sống gia đình Nguyễn không thiếu thốn, nhưng cũng không dư thừa để xa hoa, sang cả như những nhà giàu có khác. Nguyễn học giỏi đều các môn. Người ta thường nói văn và toán trái ngược nhau, ai giỏi môn này sẽ yếu môn kia. Với Nguyễn thì khác, anh giỏi văn lẫn toán, lý, hóa... Mặc dầu là một học sinh giỏi toán, nhưng Nguyễn vẫn thích văn chương hơn. Anh thường nhịn quà để mua sách báo, dù mỗi lần mang sách báo về nhà, ba anh hay la rầy. Ông cho rằng còn đi học mà mê đọc sách báo là hư. Nhưng Nguyễn vẫn lén lút cất giấu dưới đáy đủ và đọc vào những đêm khuya khoắt, lúc mọI người đã ngủ. Có những quyển sách Nguyễn ao ước mà không mua nổi, anh bàng hoàng khi thấy nó nằm trong tay Hằng, được bao bìa nylon cẩn thận. Vì thế, Nguyễn càng kính trọng Hằng hơn. Những hôm Hằng nghỉ học, Nguyễn bồn chồn buồn bã, cảm giác như mình đánh mất cái gì ghê gớm lắm.
    Sau ba bốn lần, năm bảy lần nuốt trọng vào bụng những lời muốn nói với Hằng, Nguyễn cũng mở được cái miệng dại dột của mình ra hỏi mượn Hằng cuốn sách ấy. Trái với điều Nguyễn tưởng, Nguyễn ngại, Hằng vui mừng đưa sách cho anh mượn, còn cười nheo cả đôi mắt, con mắt đen huyền mà sáng long lanh như muốn hớp hồn người khác. Nguyễn đọc xong rồi mà vẫn không muốn trả, anh cứ e ấp bên mình, từ trang sách như có linh hồn, có bóng dáng Hằng thướt tha trong đó. Nhưng rồi anh cũng phải trả sách sớm, sợ người ta khinh. Có ngờ đâu buổi trả sách hôm đó là cái buổi tuyệt vời, suốt 15 phút ra chơi hai ngườI trao đổi vớI nhau, về cuốn sách. Nguyễn và Hằng có nhiều quan điểm giống nhau. Anh cảm thấy quý Hằng hơn. Nơi cô, anh đã tìm được một tình bạn xứng đáng. Từ đó, vào những ra chơi, hai người thường ngồi lại lớp, trò chuyện với nhau ở hai đầu bàn cách biệt.
    Hằng học tiến bộ rỏ rệt, đó là điều làm cho gia đình cô quý mến Nguyễn. Tình thân của đôi bạn gắn bó hơn khi Hằng rủ Nguyễn về nhà mình. Ban đầu, anh đến với mấy người bạn, sau đến một mình. Thấy không khí gia đình Hằng cởi mở, thoải mái, Nguyễn không còn e ngại và dần dần anh như người thân thuộc trong nhà. Thấy nguyễn hiền, lễ độ, mỗi lần hai đứa ngồi bên nhau là cùng học, cùng bàn về kiến thức nhà trường, nên ông Xuân, ba Hằng, là một đại úy trưởng phòng gì đó của tiểu khu vốn khắt khe song cũng vui vẻ đồng tình. Còn bà Xuân thì rất thích và thương Nguyễn. Ngược lại, một lần Nguyễn đưa Hằng về nhà, ông Ðạm, ba anh không hài lòng. Ông chỉ muốn Nguyễn chăm học hành mà thôi. Những việc khác như bạn bè, đọc sách, chơi cờ, đá bóng ông đều ngăn cấm. Theo ông, nếu Nguyễn rảnh thì ra rẫy làm cỏ, bắt sâu có lợi hơn. Nhưng điều đó ông cũng không cần thiết, ông muốn Nguyễn phải học, học ngày, học đêm, cuốn sách không bao giờ rời tay. Những tấm gương ông đưa ra dạy con đều là những tấm gương hiếu học. Ví dụ như chú Lộc nào đó mà Nguyễn chẳng biết, nhưng ba thường nhắc nhở hết sức kính trọng. Chú ấy là người siêng học đến cả làng đều biết tiếng, lúc ăn uống, đi xe cũng tranh thủ học, thậm chí khi ngồI cầu tiêu cũng cầm theo tập học. Nguyễn nghe nói phát ớn, học như thế có nước mà điên chữ, hoặc trở thành con vẹt không hơn không kém, Nhờ thầy hướng dẫn và sự tìm tòi nghiên cứu của mình, Nguyễn học có phương pháp, hiểu nhanh, hiểu nhiều. Những năm sau này, @´ng Ðạm giảm bớt sự bó buộc phải ngồi miết vào bàn học, vì thấy anh tuy học có lúc, có giờ nhưng cuối năm nào cũng lãnh thưởng hạng ưu. Ông hài lòng và tin tưởng vào con, không khắt khe nữa. Nhưng khi Nguyễn đưa Hằng về nhà và giới thiệu là bạn, ông có vẻ lo âu. Sau khi Hằng ra về, ông gọi Nguyễn lại rầy cho một trận. Ông Ðạm nói thẳng với anh là hãy chấm dứt ngay chuyện giao du với bạn gái. Mới bao lớn, không lo học, lo bạn bè, chắc chắn sẽ hư hỏng. Con nhỏ đó, ông nói Hằng, tướng tá đài các, chỉ có ăn rồi sinh chuyện dây dưa không có lợi. Sự thực thì ông Ðạm đã nghĩ xa hơn lũ trẻ, và ý nghĩ của ông lại vẩn đục hơn sự trong sáng của hai người. Nguyễn rất buồn nhưng không biết nói sao hơn.
    Nguyễn vào lớp với chiếc áo lốm đốm bùn nước làm cho bạn bè có cớ cười nhạo anh. Nguyễn đỏ mặt, nghe lòng dâng lên một nỗi giận hờn vu vơ, lầm lì đi vào lớp. Anh cố không nhìn Hằng nhưng vẫn thấy được ánh mắt cô đượm buồn. Nguyễn dúi chiếc cặp vào bộc bàn rồi nhanh chân bước ra ngoài, không nhìn Hằng mỉm cườI như mọi khi. Ðứng tựa cột trường ngoài hành lang, Nguyễn đón những cơn gió sớm mai còn mang theo hơi sương lạnh, nghe lòng dịu lại. Một chút thỏa mãn nhỏ nhoi khi anh không thèm nhìn Hằng, bây giờ trở thành một nỗi ân hận day dứt. Anh muốn bước vào lớp nói vả lả với Hằng điều gì đó để chứng tỏ mình vẫn thản nhiên, cao thượng, nhưng chuông vào học đã đổ. Thấy Hằng quay mặt nhìn nơi khác, đôi mắt ngân ngấn lệ, Nguyễn nghe lòng đau buốt. Lúc Hằng buồn, trông cô đẹp một cách lạ lùng.
    Ðến giờ ra chơi, bạn bè lũ lượt ra khỏi lớp, Nguyễn và Hằng vẫn ngồi đó. Im lặng. Mỗi người tự gánh trên vai mình cả ngàn cân đá vô hình. Giá mà có ai đến xô giùm gánh nặng đó, họ sẽ cảm ơn biết bao nhiêu, nhưng có ai thấy được đâu mà tiếp họ. Nguyễn nghĩ rằng mình đã có lỗi là không chào cô hồi sáng này, nên anh lên tiếng trước.
    - Hằng !
    Cô khẽ quay nhìn anh.
    - Mình xin lỗi Hằng.
    - Không. Hằng... Hằng xin lỗi Nguyễn. - Giọng cô như nghẹn lại.
    Hằng đứng lên bước qua bàn Nguyễn, đưa ngón tay cào cào những vết bùn trên áo anh.
    - Xe đưa Hằng đã làm dơ áo anh, Hằng buồn lắm. Nguyễn đừng giận Hằng nghe.
    Cái ngón tay ấy có phép mầu gì mà khi vừa chạm lên áo Nguyễn đã có một luồng cảm xúc chạy khắp người anh. Nguyễn nghe lòng man mác một niềm thương cảm bao la vô bờ bến.
    - Mình đâu có giận, ông tài xế chạy ẩu chớ tại Hằng sao !
    - Vậy tại sao sáng nay Nguyễn không thèm nhìn Hằng?
    - Ơ... ờ, bị bạn bè chọc quê nên mình mặc cảm.
    - Bây giờ Nguyễn hết mặc cảm với Hằng rồi hé !
    Nguyễn khẽ gật đầu, Hằng nói tiếp:
    - Mai mang áo lên, Hằng giặt cho.
    - Thôi khỏi, mình giặt được rồi, miễn Hằng đừng buồn là đủ.
    - Hằng vui rồi nè.
    Nguyễn nhìn lên, Hằng cười nheo mắt. Nguyễn muốn nhìn mãi, trong mắt Hằng như đang chứa một bầu trời ngồn ngộn những niềm vui rất hồn nhiên. Nguyễn có cảm giác như mình đang bay bỗng,và muốn bay vào trong ánh mắt đó như một con thiêu thân.
    - Hằng sẽ nói với ba đổi ông tài xế đó.
    - Không nên Hằng ạ. Lỡ ba Hằng đổi ông ấy ra tác chiến thì tội nghiệp lắm.
    - Chớ ổng lái xe kiểu đó thì thật là ác, Hắng ngồi trên xe không chịu nổi đâu.
    - Thôi thì Hằng đi xe đạp đi. Ði học bằng xe Jeep, mình thấy Hằng cách biệt với bạn bè quá.
    - Ờ hén. Hằng sẽ nghe lời im phăng phắc nghe cô giảng bài. Bất chợt:
    - Nghiêm! - Tiếng người Trưởng sinh hô lớn, ai yếu bóng vía ắt giựt mình. Cả lớp đứng dậy, cô giám thị xuất hiện ngay cửa lớp.
    - Em Nguyễn đâu, lên văn phòng có người nhà tìm.
    Tất cả ánh mắt đều đổ dồn về Nguyễn. Anh lúng túng, lo âu đi ra khỏi lớp. Không biết ở nhà có việc gì cần kíp mà phải đến tìm anh ngay trong giờ học?
    Lát sau, Nguyễn trở lại lớp thưa với cô là có việc nhà và xin phép về ngay. Hằng nhìn Nguyễn lo lắng, nhất là khi thấy hai tay anh run run lấy tập vở xếp vào cặp.
    - Chuyện gì vậy Nguyễn?
    - Mình có việc nhà, phải về ngay.
    Nguyễn hối hả rời lớp, đứa em nó chờ anh ngay trước cửa văn phòng. Ra gần tới cổng chợt nghe tiếng gọi, Nguyễn đứng lại, Hằng chạy tới, giọng hổn hển:
    - Ở nhà có việc gì vậy, Nguyễn cho Hằng biết được không?
    Nguyễn quay lại nhìn Hằng, mắt chợt đỏ. Giọng lạc đi:
    - Hằng, ba mình bị bắt.
    

Xem Tiếp Chương 2Xem Tiếp Chương 13 (Kết Thúc)
Tình Yêu Trong Veo
  » Đang Xem Chương 1
  » Xem Tiếp Chương 2
  » Xem Tiếp Chương 3
  » Xem Tiếp Chương 4
  » Xem Tiếp Chương 5
  » Xem Tiếp Chương 6
  » Xem Tiếp Chương 7
  » Xem Tiếp Chương 8
  » Xem Tiếp Chương 9
  » Xem Tiếp Chương 10
  » Xem Tiếp Chương 11
  » Xem Tiếp Chương 12
  » Xem Tiếp Chương 13
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Đi Qua Hoa Cúc
» Giữa Cơn Gió Lốc