Tôi - nguyên gốc giáo viên cấp 2 nhưng khi mới về thì cùng lúc trường được nâng cấp thành Trường THCS và THPT, tôi được chia dạy cấp ba.
Dạy trên núi đúng hai mươi năm, vừa hết thanh xuân, tôi khăn gói về lại quê nhà.
Về xuôi, tôi về đúng vị trí ban đầu, làm giáo viên cấp 2. Thực tình, tôi thấy lướng vướng với thời khóa biểu sẽ dạy Ngữ Văn lớp 6 (tôi đã nghĩ trường sẽ chia dạy khối 8, 9). Dạy các em nhỏ? Công việc tôi chưa từng. Như một giáo viên mới, tôi sợ mình bỡ ngỡ. Đã quen đối với mấy “hảo hán” lớp 11, 12 của vùng cao, đùng cái hạ cánh xuống lớp 6, cảm giác hơi chao.
Nhưng dạy được một tháng, tôi thấy có nhiều thú vị nên càng nhiệt huyết. Dạy con nít, tôi xác định tư tưởng “dạy” đi kèm “dỗ”. Phải kiên định với quan niệm: Các em như con cháu trong nhà, đang tuổi non nớt như chồi cây mới bén để kéo gần khoảng cách cô - trò.
Cũng nhờ nghĩ vậy nên luôn cởi mở và dạy học trong tâm thế nhẹ nhàng nhất, nhẹ nhàng cả ngay khi các em phạm lỗi. Chỉ vậy thôi chứ chẳng có bí kíp gì, vậy mà mấy em lớp sáu như bị cô bỏ bùa - lời đồng nghiệp. Tiết học nào cũng chuẩn bị tiết mục chọc cô cười, kết thúc tiết học vài em chạy ra ôm cô rồi hẹn ngày mai, ngày mốt gặp.
Tình cảm hơn, giờ ra chơi níu cô ở lại trò chuyện, cô như mẹ tụi em vậy - các em nói. Túm lại, cô giáo chẳng chủ nhiệm lớp nào nhưng mấy nhỏ dù học thể dục dưới sân cỏ mà thấy cô trên lầu là nhảy nhồng nhảy nhót ơi ới gọi cô ơi, nếu gặp cô ở trường mà chéo buổi là chạy ào tới ôm như lâu ngày mới được gặp cô giáo mình yêu mến.
Và cô đã nghĩ, vì các em quá yêu mến mình nên càng phải tận tụy, càng phải yêu hơn các em.
2.
Đi học sau Tết, biết dư âm Tết vẫn còn, biết các em còn lén đem bánh kẹo hạt dưa hay rỉ rả bàn chuyện Tết trong giờ học nhưng cô vẫn mắt nhắm mắt mở nếu biểu hiện chấp nhận được.
Vậy mà tiết học hôm đó, buổi thứ hai học lại sau Tết, khi cô giáo phân vai cho các em đọc, khi cả lớp đang say sưa hòa mình vào câu chuyện thì cô nhìn thấy cô bé bàn gần cuối đang quay xuống nói chuyện với bạn ngồi sau lưng. Cô bé này học không khá, tại có dò bài và gọi phát biểu rồi.
Và những tiết học trước, cũng lén nói chuyện trong lúc cô giảng nên lần này cô không làm lơ nữa mà đưa tay về phía em, nhắc đừng nói chuyện. Chỉ có vậy mà khi các em thể hiện xong, khi cô đang lênh láng cảm xúc giảng thì em lớp trưởng mặt mày rất bức xúc giơ tay xin ý kiến.
Cô hỏi có chuyện gì vậy em, lớp trưởng nói dõng dạc: Lúc cô cho bạn Q ngồi xuống, em thấy bạn hất hất mặt, miệng nói hai từ. Em biết bạn chửi cô. Cô giáo lật đật đỡ giùm: Cô tin bạn không dám chửi cô đâu, chắc bạn đang “lầm bầm” gì đó thôi, ví dụ về sự tham lam không đáy của bà vợ ông lão đánh cá chẳng hạn - cười. Không cô, em nhìn miệng bạn, em biết bạn nói gì.
Thấy lớp trưởng khảng khái làm tới, cô giáo hỏi: Q, nãy em nói hai tiếng gì vậy? Thưa cô, em nói “hũ mực”. Ủa, các em đâu có học bút mực? Tại bạn B lấy hũ mực của em mà không chịu trả nên em đòi. Cô gọi B trả đồ cho bạn, B bèn bỏ lên bàn hũ kẹo nhỏ.
Cô lại quay về phía lớp trưởng: - Thế nhìn vào khẩu hình của bạn, em đoán được hai tiếng gì? Dạ, em không nói được, thưa cô. Hiểu rồi, thôi mình tạm dừng việc này ở đây, để hết tiết cô hỏi bạn Q sau. Chưa kịp vào bài giảng, một bạn nữ ngồi gần đó chạy lên méc cô: Bạn ấy nói “Đ.M!” á cô.
Trời đất, cô giáo sững người. Lớp trưởng vẻ rầu rầu đi lên, lễ phép khoanh tay trước mặt cô: Em thay mặt bạn xin lỗi cô”. “Không, em rất ngoan, em chưa có lỗi với cô bao giờ”. Kết thúc tiết học, cô giáo ra khỏi lớp bằng vẻ mặt buồn thiu, không vẫy tay tạm biệt các em như mọi bữa.
Đang bước xuống cầu thang, tự dưng cô nghe tay mình có một bàn tay nhỏ nhắn cầm, lay lay: Chuyện hồi nãy em xin lỗi cô. Tốt, biết cô buồn điều gì chưa? Dạ rồi. Ừ, vậy từ nay đừng tái lại lỗi đó với bất kì ai, ngay cả với người em không thích nha. Hỗn, nói tục là không ngoan. Hôm đó về, cảm giác cứ băn khoăn, một em nữ lớp 6 có hành vi như vậy, quả làm điều đáng lo…
Hôm sau, tôi đi dạy buổi sáng, đang đi ngoài sân trường thì em Q từ đâu trong hành lang dang tay chạy ra: Cô ơi, cho em ôm cô một cái được không? Cô cười, đưa tay ôm Q rồi hỏi chiều nay em làm gì ở trường. Dạ, em trực cờ đỏ. Lễ phép và thân thiện, đó là sự thay đổi ở em, dù là sự thay đổi nhỏ nhưng cô giáo rất vui.
Hôm đó, tôi vô dạy lớp 9. Chắc mấy nhỏ thấy cảnh cô trò ôm nhau thắm thiết trên sân trường nên hỏi: Ủa, cô dạy lớp bé Q nữa hả? Ừ, cô dạy hai lớp 9 và ba lớp 6. Em Thy lớp 9 hỏi: Bé đó học được không cô? Tạm tạm thôi em.
Nó dám ôm cô luôn? Bé mới có lỗi với cô, giờ ôm cầu hòa á. Lỗi gì vậy cô? Không nói. Cô nói đi, em về méc nội nó trị. Đánh tơi đầu cái tội dám có lỗi với cô. Tôi bảo thôi, em biết lỗi rồi, đừng méc. Ủa, mà sao lại méc nội. Nó không có ba mẹ cô.
À, nhớ ra rồi. Đó là tuần học của tháng giáp Tết, tôi vận động được mười phần quà Tết cho những học sinh khó khăn, lúc trao quà, tôi thấy bé Q. Xin lỗi vì cô giáo vô tâm, nếu đổ thừa tại chỉ dạy bộ môn nên không biết hoàn cảnh của các em thì thật đáng trách. Và sau buổi học hôm đó, tôi tìm đến nhà em Q.
Em Q ở với ông bà từ hồi mới hai tháng tuổi. Ba mẹ em ly dị, rồi kẻ có chồng người có vợ, kẻ ở Sài Gòn người ở Nha Trang, có gia đình mới, có con mới và Q yên tâm bỏ hẳn cho ông bà nội già nua ở quê.
Nghe kể mà thương, hồi nhỏ cứ gọi bà ngoại là “mẹ”. Tôi vào nhà, tệ đến mức không có bàn tiếp khách, ngôi nhà thảm quá, thời giờ còn nấu cơm củi. Nhà không có được chiếc ti vi, bàn học cho em ấy là chiếc giường, ngồi bệt dưới đất, bỏ vở trên giường mà học.
Ngồi nói chuyện một lát, tôi lấy tiền hỗ trợ Tết cho giáo viên dúi vào tay bà ngoại em. May quá, nhà vẫn còn một chiếc ti vi màu cũ, và một chiếc điện thoại thông minh cũ, tôi lập tức đem đến nhà tặng ông bà ngoại em, cho em có điều kiện trò chuyện online với ba mẹ (nếu có). Ông nội hai tay run run nhận quà, khập khững nói cảm ơn cô giáo mà nước mắt lưng tròng.
3.
Ăn Tết xong, vô học lại. Tiết học đầu tiên là lớp 6A, tôi hình dung Q sẽ đi học lại bằng gương mặt tươi tỉnh vì dư âm Tết vẫn còn, vì Tết nay có sự quan tâm của cô, vì có cơ hội được nhìn thấy ba mẹ, chắc em sẽ ấm lòng. Nhưng không, hôm ấy vào lớp, mấy nhỏ liền thưa: Cô ơi, Q nó khóc.
Cô liền hỏi sao các em chọc bạn, mấy nhỏ nói không chọc. Tôi đi xuống, em lấy hai tay che mặt. Cô giáo để yên, kéo đầu em sát lại mình, dỗ: Nín đi em, nín cô thương… Không khóc nữa, giờ học rồi hết tiết tâm sự với cô, đứa nào trêu em, cô “xử”, có cô bên em mà. Nói dỗ, nghĩ cũng làm cho hết chức năng nhưng không ngờ hiệu quả lại cao đến vậy, Q nín khóc, ngồi học.
Hết tiết, tôi xuống chỗ, cầm tay dắt em ra hành lang hỏi sao lại khóc. Q thút thít: Mấy bạn làm Tik Tok, cảnh gia đình quây quần, ăn cơm, đi chơi, em chẳng thể làm được như vậy dù có điện thoại cô tặng.
Sao vậy em? Tết nay ba mẹ không ai về, chỉ gửi về cho em bộ đồ và đôi giày, cái mũ. Ồ, cô học trò nhỏ bé ơi, điều đó chứng tỏ ba mẹ đều nhớ đến em mà. Nhưng trước đó, ba mẹ gọi điện, hứa Tết về dẫn em đi chơi nhưng cuối cùng không ai về.
Cô giáo an ủi, chắc ba mẹ có lí do chính đáng, em hãy nghĩ, bố mẹ nào cũng thương con nhưng chắc chắn đã có chuyện gì đó không thể thu xếp. Còn chuyện đoàn tụ với ba mẹ em đừng lo, đâu phải chỉ mùa xuân mới sum họp.
Còn chuyện dắt đi chơi, nếu chủ nhật tuần này ba mẹ không về thì em rủ thêm một số bạn thân thân, cô sẽ đi chơi ở khu vui chơi thị xã với các em… Rồi ba mẹ về sẽ bù lỗ cho em sau. “Giờ em cho cô ôm một cái nha”. Cô trò ôm nhau giữa sân trường ngập nắng, nắng vẫn còn Xuân, ấm áp quá…
Kết Thúc (END) |
|
|