Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Nắng Ấm Sân Truờng Tác Giả: Bùi Thị Hồng Vân    
    Tùng… Tùng… Tùng!
    Tiếng trống vang lên rộn rã. Học sinh túa ra sân trường như đàn ong vỡ tổ. Tiếng cười đùa rộn vang một khoảng sân vàng rực nắng. Diễm thả viên phấn lên mặt bàn rồi vội vã phóng xuống phòng hội đồng. Trong phòng, mọi người đang ngồi xả hơi sau ba tiết học. Bác bảo vệ già vắt chéo chân, nhịp nhịp theo một bản nhạc phát ra từ chiếc loa cũ, mắt lim dim khi nhấp từng ngụm trà. Bác ngả người trên ghế như trôi theo tiếng nhạc và hương trà thơm dịu lan tỏa trong không gian. Thỉnh thoảng bác lại chẹp chẹp miệng ra chiều khoan khoái lắm.
    Ở góc phòng, Minh và Thắng đang dán mắt vào màn hình điện thoại theo dõi một trận bóng. Chốc chốc hai cậu chàng lại đập tay đánh đét xuống bàn, hét toáng lên vẻ tiếc nuối bởi một pha sút hỏng của cầu thủ. Yến đang bán hàng online, cô vừa góp chuyện cùng mọi người vừa nhoay nhoáy nhắn tin trả lời khách hàng. Bên chậu hoa dạ ngọc minh châu nở trắng muốt ngoài hiên, Trang và Diệu đang nghiêng đầu, chu môi, kiễng chân chụp ảnh. Thể nào 5 phút nữa hai đứa cũng có tấm hình lung linh thật ảo diệu với cái tút đại loại: “Thanh xuân như một ly trà. Nếu không khoe ảnh hết bà thanh xuân…” Bác Đậu hói đang chăm chú xem bản tin Covid-19 vừa đưa tay vân vê mấy sợi râu lưa thưa dưới cằm vừa chép miệng:
    – Nguy thật rồi! Hà Nội hơn hôm nay ba nghìn ca F0 rồi. Nguy thật rồi! Khéo lại nghỉ học dài dài thôi!
    Sau mỗi tiếng “nguy thật rồi” đôi lông mày đen, rậm như hai con sâu róm của bác nhíu lại khiến cho cái trán hói bóng nhẫy cũng nhăn nhăn theo.
    Diễm cầm quyển sách phẩy phẩy chiếc ghế ngồi, xong xuôi cô vứt toẹt quyển sách xuống ghế rồi kê mông ngồi lên. Đôi môi xăm đỏ chót nhếch lên điệu đà. Cô hất hàm về phía hai cậu con trai đang xem đá bóng:
    – Rót cho chị chén nước nào! Giọng Diễm mềm như bún.
    Hai cậu choai ngước lên nhìn Diễm, ánh mắt thoáng lộ vẻ khó chịu nhưng Thắng vẫn đứng lên rót chén nước đặt trước mặt cô rồi nhún vai:
    – Em mời chị đẹp!
    Chị Nhàn đang chăm chú đọc một cuốn sách ngẩng lên nhìn Diễm một chút rồi nói:
    – Đừng ngồi lên sách như thế em!
    Diễm khinh khỉnh nhìn chị Nhàn rồi thẽ thọt:
    – Em ngồi lên sách của em chứ có ngồi lên sách của người khác đâu. Nó cũng chỉ là quyển sách cũ thôi mà.
    Minh và Thắng vội vàng xua tay dàn hòa:
    – Thôi thôi! Em xin hai chị.
    Chị Nhàn khe khẽ lắc đầu. Diễm ngúng nguẩy cầm chén nước bước ra ngoài hiên, vừa uống vừa lẩm bẩm:
    – Người gì gàn dở! Cứ thích lo chuyện bao đồng trong thiên hạ.
    Diễm là cô con gái duy nhất trong nhà. Từ nhỏ cô đã được bố mẹ cưng chiều nên mải chơi hơn học. Tốt nghiệp cấp 3, trong khi các bạn nô nức vào đại học thì cô chỉ thi đỗ vào trường cao đẳng sư phạm của tỉnh. Ngày ra trường, được phân công về ngôi trường cách xa thành phố cả trăm cây số, cô buồn bỏ ăn mấy ngày. Bởi cô không muốn phải rời xa thành phố lung linh đèn màu, xa sự nhộn nhịp nơi phố phường thân quen, gắn cuộc đời mình nơi thôn dã heo hút đó. Bố Diễm dỗ dành mãi. Ông bảo:
    – Mấy chú bên Sở Nội vụ hứa với bố rằng con chỉ phải đi nghĩa vụ 3 năm rồi sẽ chuyển con về thành phố. Con lên đó vài năm cho cứng cáp.
    Ngày nhận quyết định về trường, chị Phó phòng giáo dục tươi cười nói với cô:
    – Trường đó tuy xa một chút nhưng mọi người sống hòa đồng, có chị Nhàn được lắm. Em lên đấy có gì khó khăn cứ nhờ chị ấy giúp đỡ.
    Từ “Được lắm!” khiến Diễm không khỏi tò mò về chị Nhàn. Diễm cứ hình dung con người “Được lắm!” theo cách nói của chị Phó phòng phải là một người đàn bà đẹp, ăn nói ngọt ngào. Nhưng ngay từ lần gặp đầu tiên cô đã thấy thất vọng. Trước mặt Diễm là một phụ nữ cao lòng khòng, thân hình gầy gò, ăn mặc có phần tuềnh toàng. Trên khuôn mặt quê quê ấy lúc nào cũng phảng phất nét buồn man mác. Nhưng sau một thời gian, Diễm mới thấy câu nhận xét của chị Phó phòng đối với chị Nhàn hoàn toàn chính xác. Ẩn trong cái dáng người mảnh khảnh của chị lại là một nghị lực phi thường. Làm vợ bộ đội, chị vừa làm mẹ, vừa làm cha thay chồng cáng đáng việc nhà, chu toàn mọi việc hai bên nội ngoại. Nhiều việc dù khó đến đâu đến tay chị cũng trở nên nhẹ nhàng, suôn sẻ. Nhàn luôn là chỗ dựa tinh thần cho mọi người. Bất cứ ai gặp rắc rối cũng đến xin lời khuyên từ chị. Những lời góp ý nhẹ nhàng mà chân thành ấy khiến mọi người yên tâm hơn, giải quyết công việc sáng suốt hơn.
    Thói đời cũng lạ, Diễm cảm thấy khó chịu khi học sinh luôn vây quanh Nhàn, thỉnh thoảng chúng lại vô tư khoe với cô:
    – Cô Nhàn kể chuyện hay lắm cô ạ!
    – Cái áo này của cô Nhàn mua tặng em đấy!…
    Nghe học trò khoe vậy Diễm càng thấy hậm hực trong lòng. Có lúc cô cố nói to để Nhàn nghe thấy:
    – Đúng là người dở hơi. Già rồi mà toàn lo chuyện bao đồng. Nhà nghèo rớt mà suốt ngày làm từ thiện. Sao không lo cho ấm thân mình đi đã.
    Chị Nhàn nghe thấy cả nhưng vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Chị vẫn nhẹ nhàng tận tình đối với cô và tất cả mọi người khiến Diễm càng thêm tức anh ách.
    Ở đời không ai lường trước được hết chữ ngờ. Sáng hôm ấy, khi đang trên lớp, mẹ điện cho cô với giọng hốt hoảng:
    – Con về ngay nhé! Bố con ốm nặng lắm!
    Trên chiếc giường trắng toát của khoa Hồi sức cấp cứu, bố nằm im lìm, khuôn mặt vô hồn, chân tay thõng xuống, mềm oặt. Mẹ nhìn Diễm khe khẽ lắc đầu, nước mắt lưng tròng. Bố cô vì áp lực công việc, vì suốt ngày tiệc tùng nên đã lên cơn đột quỵ. Từ một người quyền lực, trên dưới bao người vì nể, cầu cạnh nay bố bỗng chốc thành người tàn phế. Tiền bạc cứ theo những ngày nằm viện dài đằng đẵng của bố mà đội nón ra đi. Mọi lo toan vất vả giờ đổ cả lên đôi vai gầy của mẹ. Cấp dưới của bố cũng quên luôn việc sẽ đưa cô về thành phố như đã hứa. Ước mơ của Diễm giờ tan biến như chiếc bong bóng xà phòng. Những người trước kia vẫn ra vào, cầu cạnh bố giờ tránh mẹ con cô như tránh tà. Rồi bố rời bỏ mẹ con cô khi tiền bạc trong nhà khánh kiệt. Trong phút chốc, mọi ưu ái giành cho cô và mẹ tan tành như mây khói. Biến cố gia đình, sự bạc bẽo của lòng người khiến cô luôn nhìn cuộc đời bằng đôi mắt u tối. Diễm nghi ngờ, chối bỏ mọi sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp dành cho mình.
    Vùng đất mà Diễm cho là khỉ ho cò gáy cạnh ngôi trường cô dạy bỗng chốc sốt sình sịch. Nghe đâu người ta chuẩn bị mở khu du lịch, rồi mở thêm sân gôn và cáp treo lên ngôi chùa trên đỉnh núi. Những đồi keo bạt ngàn xanh ngút tầm mắt, những mảnh ruộng bốn mùa ngô lúa trĩu hạt bỗng chốc hóa thành những mảnh đất vàng có giá tiền tỉ. Giá đất tăng vùn vụt từng ngày. Những ngõ nhỏ vốn yên bình giờ bỗng nhộn nhịp xe ô tô ra vào. Người xe tấp nập ngày đêm. Cò đất lượn vè vè suốt ngày như ong. Diễm cũng nhanh chóng hòa vào cơn sốt đất đang ngày một dâng cao ấy. Với tài ăn nói của mình Diễm nghiễm nhiên trở thành cò đất có tiếng. Những vụ mua bán đất có giá trị ở địa phương đều phải qua tay cô mới thuận buồm xuôi gió. Tiền hoa hồng trong mỗi vụ mua bán đất đai bằng cả năm lương giáo viên như thỏi nam châm hút chặt lấy tâm trí cô. Diễm đi muộn về sớm, chuyên môn chểnh mảng, hôm nào cũng vội vội vàng vàng khiến không ít người trong trường xì xào. Cô tìm mọi lý do để trốn những cuộc họp, trốn những công việc của tập thể để lao vào các vụ bán mua. Chị Nhàn vài lần gặp riêng Diễm nhẹ nhàng góp ý. Nhưng cô không cho đó là những lời chân thành mà luôn nghĩ: “Thấy mình kiếm được nhiều tiền nên bà ấy mới ghen ăn tức ở thế.” Cô càng tỏ thái độ bất cần. Nhiều khi còn lảng tránh khi gặp chị Nhàn. Đối với Diễm lúc này thời gian là vàng là bạc để cô hái ra tiền.
    Giữa trưa trời nắng chang chang. Chuông điện thoại của Diễm reo liên hồi. Hợp đồng mua đất của cô có tranh chấp, trục trặc về giấy tờ nên bên mua yêu cầu cô đến ngay để giải quyết. Hết giờ dạy, Diễm vội vàng phi xe như bay. Gió thổi ràn rạt, thốc từng luồng không khí nóng rẫy vào mặt. Chiếc áo chống nắng phất phơ bay. Chiếc điện thoại trên tay cô nhấp nháy liên tục. Một tay lái xe, một tay Diễm nhoay nhoáy bấm điện thoại. Trong lúc vội vàng vừa đi vừa dùng điện thoại, cô không để ý thấy chiếc chở xe phế liệu đang chạy chầm chậm đằng trước. Chiếc xe của Diễm đang lao vun vút, bỗng “rầm” một tiếng, cả người và xe cô bay về phía những mảnh sắt vụn, mảnh tôn chĩa ra tua tủa. Có cái gì đó rất sắc và lạnh cắt ngang cổ cô. Máu và máu, máu thắm đỏ đường quê giữa trưa hè nóng bỏng. Diễm thấy mình đang bồng bềnh bay, bay mãi.
    Không biết cô đã ngủ bao lâu, chỉ biết khi tỉnh dậy cô thấy xung quanh toàn một màu trắng. Phòng nồng nặc mùi thuốc sát trùng. Người cô cứng đơ trong băng, trong gạc. Đang ngọ ngậy trong vòng dây dợ nhằng nhịt thì mẹ vào. Mới có vài ngày mà trông bà gầy rộc đi. Hai hốc mắt thâm quầng. Làn da tái xám. Từ đôi hốc mắt của bà hai giọt nước mắt từ từ lăn xuống gò má nhăn nheo.
    – Con tỉnh rồi hả? Thật là phúc đức quá! Con tỉnh lại là tốt rồi.
    Học trò thay phiên nhau đến thăm cô. Chúng mang đến cho cô đủ thứ mà trong nhà chúng có. Những đôi mắt trong veo nhìn cô ấm áp. Chúng ríu rít khoe với Diễm những món quà mình đem đến. Cái Hoa người bé như chiếc kẹo ngước đôi mắt tròn xoe, nhỏ nhẹ:
    – Cô ơi mẹ bảo mang cho cô chục trứng gà mới đẻ. Cô ăn cho nhanh khỏe cô nhé!
    Cu Hùng nhà tít trên đỉnh ngọn núi bạt ngàn cây lá giơ chai mật ong trước mặt cô:
    – Cô ơi đây là mật ong rừng bố mẹ mới lấy bảo em mang cho cô đấy.
    Cái Hương lớp trưởng khẽ khàng ấp đôi tay gầy guộc của Diễm trong tay mình. Giọng nó xa xót:
    – Cô ơi ông em còn một ít mật gấu. Ông bảo đem cho cô xoa vào vết thương cho đỡ đau.
    Cứ thế đám học trò như những chú chim nhỏ quấn quýt bên cô mỗi lúc chúng nghỉ học. Mọi người trong trường cũng thay nhau túc trực bên cô. Hai cậu giáo viên trẻ Minh và Thắng mỗi lần vào thăm vừa nắn nắn bàn tay đầy vết thương của cô vừa híp mắt cười:
    – Chị Diễm bị tai nạn gầy đi eo ót trông lại càng xinh hơn đấy!
    Câu nói đùa của hai người khiến cô dù đang rất đau cũng phải nhoẻn cười.
    Bác bảo vệ già vẫn theo thói quen xoa xoa chiếc cằm lưa thưa vài cọng râu ôn tồn nói:
    – Từ giờ đi lại cẩn thận nghe Diễm. Áo sống, váy vót gì cũng gòn gọn thôi. Lúc nào cũng lòa xòa lại chả cuốn vào bánh xe. May mắn lần này thôi, sẽ không có lần thứ hai nữa đâu cháu ạ.
    Từ lúc tỉnh lại, cô cứ thấy thiêu thiếu một ai đó, mãi cô mới nhớ ra chị Nhàn. Kể cũng lạ, trường mấy chục giáo viên ai cũng đến thăm cô. Chỉ duy nhất chị Nhàn từ hôm cô tỉnh lại chẳng thấy tăm hơi đâu. Diễm thấy ấm ức trong lòng: “Chắc thấy mình như thế này bà ấy hả hê lắm”. Ý nghĩ không tốt về chị cứ bám dai dẳng trong đầu khiến Diễm khó chịu vô cùng. Gặp thì cô thấy ghét cái dáng vẻ lúc nào lương thiện, hiền lành của chị, không gặp thì cô lại thấy bứt rứt trong lòng. Cuối cùng chị Nhàn cũng đến. Chị mang cho cô mấy chùm nho tím lịm. Loại quả mà cô thích ăn nhất. Mới có mấy ngày không gặp mà sao mặt chị hốc hác, xanh xao, tái nhợt như vừa qua một trận ốm nặng. Diễm thắc mắc nhưng lòng tự ái trỗi dậy khiến cô chỉ im lặng nhìn chị. Nhàn ngồi xuống mép giường. Chị cẩn thận bóc từng quả nho để vào đĩa cho cô. Vừa làm chị vừa nói:
    – Em bình phục là tốt rồi. Cố gắng ăn uống thật nhiều đề bù lại lượng máu đã mất em ạ.
    Nghe giọng nói ân cần của Nhàn tự nhiên Diễm thấy trào lên nỗi tủi thân, hờn dỗi: “Giờ mới đến còn ra vẻ quan tâm lắm.” Cô im lặng, không trả lời chị, giả vờ mệt mỏi quay mặt vào tường.
    Đến tối muộn, mẹ vào trông Diễm. Vừa đút từng thìa sữa cho con bà vừa chép miệng:
    – Khổ thân cái Nhàn!
    Diễm nguýt mẹ một cái rõ dài rồi trách:
    – Con mẹ sắp chết đây chả lo, nhàn với nhiếc cái gì.
    Thìa sữa trên tay mẹ chợt ngưng lại, bàn tay bà run run. Mẹ nhìn Diễm thật lâu rồi khe khẽ lắc đầu.
    Diễm ra viện. Cô trở lại công việc hàng ngày. Mẹ vào trường ở cùng cô. Có mẹ, có con nên cuộc sống Diễm cũng đỡ phần buồn tẻ. Lòng Diễm cũng dịu hơn khi nhớ lại sự ân cần chu đáo của mọi người dành cho mình lúc cô gặp nạn. Khi phải nằm một mình trên giường bệnh, lúc cận kề cửa tử cô mới cảm nhận ra tấm chân tình của những con người giản dị xung quanh mình, những con người chân chất mà cô từng coi là quê mùa, là ngốc nghếch ấy. Duy chỉ có chị Nhàn là cô vẫn thấy ấm ức, xa cách vì chị đã không đến thăm cô ngay sau khi cô bị nạn.
    Cơn giông cuối chiều, trời mưa như trút nước. Sấm sét rạch ngang bầu trời những tia sáng chói lòa. Cây cối tơi tả trong mưa gió. Diễm cùng chị Nhàn lên bản Dao lấy thông tin điều tra phổ cập. Bản nhỏ với những mái nhà lưa thưa, lướt thướt trong mưa như lẫn vào mây trời. Cả buổi chiều lặn lội, hai chị em mới lấy được đủ thông tin của dân bản. Khi công việc hoàn thành cũng là lúc trời sập tối. Chị Nhàn bảo Diễm:
    – Em đi trước, chị đi sau có gì còn giúp đỡ em.
    Con đường gồ lên như sống trâu, ngoằn ngoèo, trơn như đổ mỡ, cây lá bị gió mưa quật tơi tả rơi đầy đường. Khó khăn lắm Diễm mới giữ vững tay lái. Cô cứ cắm cúi đi mà không nghe tiếng gió rít gào, tiếng gọi yếu ớt từ phía sau. Gần đến nhà cô mới giật mình khi không thấy chị Nhàn đâu, nhưng rồi cô tặc lưỡi: “Bà ấy giỏi thế, chắc chẳng sao đâu.” Mẹ thấy Diễm về một mình thì hỏi:
    – Chị Nhàn đâu? Hai chị em đi cùng nhau sao giờ con về có một mình?
    Nghe mẹ hỏi, Diễm gắt lên:
    – Con đang sắp chết rét đây này. Lúc nào mẹ cũng Nhàn… Nhàn. Bà ấy đi được thì sẽ về được đâu cần mẹ lo.
    Mẹ nhìn Diễm như một vật thể lạ từ trên trời rơi xuống. Bà dang thẳng tay tát cho Diễm một cái đau điếng.
    – Con đúng là kẻ vong ân bội nghĩa!
    Diễm vừa ôm gò má tấy đỏ vừa thắc mắc nhìn mẹ. Cô buột miệng hỏi:
    – Bà Nhàn gàn dở ấy thì liên quan gì tới con?
    Mẹ nhìn Diễm thật lâu. Trong mắt bà như có điều gì ẩn ức, đắn đo. Một lúc sau bà mới nói:
    – Đúng là chị Nhàn không liên quan tới con. Nhưng nếu không có chị ấy thì ngày hôm nay con đã nằm dưới ba thước đất rồi con biết không.
    Giọng mẹ đều đều. Diễm càng nghe càng thấy tai mình ù đặc. Lúc này, nước mắt cô không thể kìm được cứ chảy ra nhòe nhoẹt trên khuôn mặt. Thì ra lúc cô bị tai nạn cũng là lúc chị Nhàn nhận tin mẹ mất đột ngột. Trong lúc cô vật vã giành giật sự sống thì chị Nhàn đang cùng họ hàng chuẩn bị hậu sự cho mẹ. Tình trạng của Diễm quá nguy cấp khi bị mất máu quá nhiều. Thật không may khi cô được chuyển đến khoa cấp cứu của bệnh viện huyện, đúng lúc bệnh viện không còn máu dự trữ nhóm AB của cô. Bệnh viện vừa xin chi viện máu từ tuyến tỉnh, vừa huy động lượng máu có sẵn trong cộng đồng. Oái oăm thay, cái huyện miền núi bé tí xíu chỉ duy nhất chị Nhàn cùng nhóm máu với cô. Nhận được điện thoại từ bạn bè Nhàn liền đến ngay bệnh viện với Diễm. Thể trạng chị rất yếu khiến các bác sỹ đắn đo, khuyên chị không nên cho quá số máu quy định. Nhàn kiên quyết nói:
    – Các anh chị cứ lấy máu tôi để cứu em ấy. Tôi cố gắng được xin mọi người cứ yên tâm.
    Lúc xe chở máu chi viện từ bệnh viện tỉnh đến nơi giúp Diễm qua cơn nguy kịch cũng là lúc chị ngất xỉu. Ca trực hôm ấy vừa cấp cứu Diễm vừa cấp cứu chị Nhàn.
    Giọng mẹ vẫn đều đều bên tai cô:
    – Nhàn nó dặn mọi người không được nói cho con biết vì nó biết con không ưa gì nó. Nhưng mẹ không thể không nói cho con biết sự thật. Sự thật thì không thể giấu mãi được con ạ.
    Diễm nước mắt giàn giụa. Cô vùng chạy ra khỏi nhà, lao đến khu tập thể đập cửa ầm ầm:
    Nam ơi! Thắng ơi! Giúp chị với!
    Trời vẫn mưa như trút nước. Ánh đèn pin le lói soi rọi con đường đất nhỏ. Tiếng nước mưa hòa lẫn tiếng gọi tan vào màn đêm.
    – Chị Nhàn ơi! Chị ở đâu?
    Tiếng gọi bị nuốt chửng bởi tiếng rít gào của gió, của mưa.
    – Đây rồi!
    Tiếng ai đó vui mừng reo lên. Đường trơn, xe Nhàn lạc tay lái lao xuống phần taluy âm. Chiếc xe đè lên người trong mớ dây nhợ lùng bùng khiến cho chị không thể thoát ra được. Loay hoay mãi, cuối cùng mọi người cũng đưa được Nhàn vào viện khi trời đã tang tảng sáng.
    Nhàn tỉnh dậy thấy Diễm vẫn ngồi nơi góc giường. Cả đêm thức trắng khiến cô phờ phạc, khuôn mặt tái nhợt vì rét. Thấy Nhàn tỉnh dậy, Diễm ôm lấy đôi vai gầy của chị thút thít:
    – Chị ơi! Chị tha lỗi cho em nhé!
    – Em đúng là một đứa vô ơn, một đứa chả ra gì.
    Chị Nhàn đưa bàn tay gầy guộc với những đường gân xanh chằng chịt lên vuốt mái tóc cô:
    – Mọi chuyện đã qua rồi. Đừng tự trách mình em ạ.
    Diễm vẫn úp mặt vào lòng chị rưng rức khóc.
    Giờ giải lao, phòng hội đồng rộn rã tiếng cười. Minh và Thắng vẫn chúi mắt vào màn hình điện thoại, thỉnh thoảng hai cậu lại nhảy cẫng lên rồi đập bàn đen đét tiếc nuối bởi một pha bóng hụt. Bác bảo vệ vẫn ngồi ghếch chân lên ghế vân vê mấy sợi râu thưa, miệng ư ử hát theo một điệu nhạc phát ra từ chiếc loa nơi góc tường. Diễm từ ngoài cửa bước vào, trên tay bưng một hộp giấy lớn:
    – Quà đây! Quà đây!
    Thắng xoa xoa hay tay vào nhau, vừa toe toét cười vừa liến thoắng:
    – Em xin. Chúc mừng chị đẹp đã đạt giải cao trong kỳ thi giáo viên giỏi!
    Trên bàn đủ thứ nào trái cây, nào bánh kẹo. Tiếng nói cười vang lên rôm rả. Diễm đến bên chị Nhàn, mặt rạng rỡ:
    – Chị ơi em có mấy quyển sách quý biếu chị. Chị đừng từ chối em nhé!
    Nhàn vui vẻ đón hộp sách trên tay Diễm. Khuôn mặt của chị ánh lên nụ cười dịu hiền. Tiếng cười nói rộn ràng cả phòng hội đồng. Ngoài sân trường, mấy chú chim sẻ đang lích rích nhảy nhót bên những tia nắng mùa thu vàng rực trải dài trên vạt cỏ xanh. Diễm thấy lòng mình thật ấm áp. Không biết từ bao giờ tình yêu đối với mảnh đất và mái trường này ngày càng lớn dần trong cô.

Kết Thúc (END)
Bùi Thị Hồng Vân
» Nắng Ấm Sân Truờng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Mùa Mắm Còng
» Quà Giáng Sinh
» Đời Khổ
» Tuyết
» Hoa Học Trò
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Xác Ngọc Lam
» Xuân Phương Shop