Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bồng Bềnh Xuân Ấm Tác Giả: Vũ Thị Huyền Trang    
    Vũ chầm chậm bước trên con đường nhỏ về căn nhà trọ. Trời cuối đông cái rét không còn nằm trong xương thịt mà trồi hẳn ra ngoài. Không còn cảm giác tê tái nữa, chỉ thấy lạnh lẽo bủa vây trên những ngón tay đơn lẻ.
    Mất hết! Thế là Vũ đã mất hết rồi. Khoản tiền mấy tỉ đồng dành dụm trong suốt mười ba năm vật lộn bươn chải ở thành phố này cuối cùng cũng đã mất sau những cú rơi chao đảo của thị trường chứng khoán. Suốt hơn một năm qua, Vũ đã sống trong cảnh bất an, lo sợ, tức giận và cả tuyệt vọng. Mớ cảm xúc hỗn độn luôn được đẩy lên đỉnh điểm, căng cứng đến nghẹt thở trong từng phiên giao dịch. Biết bao người đầu tư đã chịu đựng sự giày vò của thị trường chứng khoán suốt hơn một năm qua. Bấu víu và hy vọng vào cái gọi là “làm trong sạch và nâng cấp thị trường”, cuối cùng chỉ có thể nhìn tài sản bốc hơi trong từng phiên giao dịch. Một nửa trong số đó là tiền Vũ xoay xở vay mượn để đầu tư. Vũ muốn đổi đời. Muốn mua một căn nhà Hà Nội để chấm dứt cuộc đời ở trọ của phận người tỉnh lẻ. Vũ muốn tổ chức một đám cưới lung linh với người mình yêu. Sau quãng thời gian đầu tư sinh lời đầu năm ngoái, Vũ càng ôm tham vọng nhiều hơn. Sau vài lần sập, Vũ cố gắng bắt đáy để trung bình giá. Ngay cả căn nhà hương hỏa ở quê Vũ cũng bán mất rồi. Nhưng càng cố giãy thì càng chết. Càng gỡ gạc thì càng lún sâu hơn.
    Hôm nay vì không chịu đựng được thêm, Vũ cắt lỗ toàn bộ cổ phiếu để trả nợ. Chuyện vay mượn ở công ty đến tai sếp, chỗ tiền nợ phòng tài vụ vẫn chưa được thanh toán, quyết định thôi việc Vũ đã cầm trong tay. Đến cả người yêu thương cũng vừa nhắn tin đòi chia tay sau những cuộc cãi cọ không hồi kết. Ý nghĩ mình chẳng còn gì cả khiến Vũ không muốn trở về căn phòng trọ chật chội vàng vọt ánh đèn. Chẳng có gì đợi anh ở đó kể cả một ấm trà... Vũ quay bước đi về phía cây cầu, trời lất phất mưa bay. Có lẽ đã xuân rồi cũng nên. Vạn vật cũng như con người vậy, có nhiều khi không cần rành rọt. Đông lẫn xuân. Vui lẫn buồn. Kết thúc lẫn với khởi đầu. Thực tại và quá khứ.
    minh họa: tuấn anh
    Đường vắng, ánh đèn đường vàng vọt hắt xuống những phận người lam lũ đang trôi qua cây cầu bắc qua sông Hồng để ra ngoài trung tâm thành phố. Vũ chợt nhớ đến cây cầu mang tên “Xóa nợ” mà mình từng đi qua. Nghe nói nhiều con nợ đã chọn cách giải thoát cho mình ở đó. Mưa mỏng nhưng cũng đủ ướt vai áo người đi, Vũ nghĩ miên man khi cây cầu đã ở ngay trước mặt. Chợt có tiếng thút thít đâu đó khiến anh dừng chân. Đưa mắt ngó xung quanh Vũ thấy bóng dáng bé nhỏ của một đứa trẻ đang đứng trong bóng tối. Sao nó đứng ở đây một mình? Vũ rảo bước lại gần. Vừa nhìn thấy người lạ, đứa trẻ bỗng òa khóc. Tiếng khóc vang trong đêm tối lan khắp con ngõ nhỏ. Một thằng bé tầm hai tuổi, trắng trẻo, khôi ngô. Bên cạnh thằng nhỏ là chiếc túi đựng quần áo, món đồ chơi pop it hình trái táo và một bình sữa đầy. Lẽ nào thằng bé bị bỏ rơi? Vũ cảnh giác nhìn ngó xung quanh. Không cẩn thận người ta đổ cho Vũ tội bắt cóc trẻ em thì chết dở. Ở đời thiếu gì những trường hợp oan uổng, vạ lây như thế. Vũ chầm chậm ngồi xuống, hỏi han đứa nhỏ:
    - Sao cháu lại đứng đây một mình? Bố mẹ cháu đâu?
    Đứa nhỏ lại càng khóc to hơn. Tội nghiệp! Chắc là nó đang sợ hãi. Tiếng khóc lôi những cái đầu thò ra khỏi cửa. Chẳng mấy chốc con ngõ nhỏ đã chật kín người. Ai đó choàng cho đứa nhỏ thêm chiếc áo khoác mỏng bên ngoài. Ai đó lôi đứa nhỏ vào nhà, lục trong chiếc túi xách để lại thấy có mẩu giấy nhỏ ghi nguệch ngoạc dòng chữ “Bình An, 20.1.2019”. Đám đông lại xôn xao, tiếng xót thương kèm với lời rủa sả. Trời ơi, nhìn thằng bé đáng yêu thế này sao nỡ lòng vứt bỏ. Thứ cha mẹ chết bằm, đẻ con ra mà không có trách nhiệm. Các bác ơi, chắc phải có lý do nào lớn lắm họ mới bỏ con cái thế này. Lý do nào lớn bằng con cái cô thử nói tôi nghe? Hay là chơi coin, chứng khoán thua lỗ đổ nợ cũng nên... Vũ nhìn về phía cây cầu, tim nhói lên từng nhịp. Bình sữa vẫn còn ấm nóng, người thân ấy hẳn mới vừa rời bước bỏ đi. Hay vẫn còn đứng đâu đó quanh đây, đứt ruột nhìn xem con mình có ai đón nhận? Ai đó trong đám đông vừa cất lời hỏi bâng quơ: “Ba tuổi đứa nhỏ đã có ký ức rồi đúng không?”. Câu hỏi vừa đủ khứa vào tâm can Vũ.
    Thằng nhỏ được đưa về trụ sở công an phường. Họ nói sẽ làm rõ nhân thân và tìm người đã bỏ rơi cháu bé. Hình ảnh thằng nhỏ cầm trên tay món đồ chơi nó thích cứ luẩn quẩn trong đầu Vũ lúc trở về phòng trọ. Cuối năm người ta chỉ mong được sum vầy. Vậy mà thằng nhỏ phải rời xa vòng tay yêu thương của người thân. Bộ quần áo nó mặc trên người còn mới. Chiếc bình sữa và đôi giày mới coóng cũng là loại đắt tiền. Nuôi nấng gắn bó với một đứa nhỏ suốt ba năm trời hẳn lúc người mẹ ấy quay đi cũng đứt từng khúc ruột.
    - Ủa, mà sao anh cứ nhất quyết cho rằng đó là một người mẹ bỏ con? Biết đâu là ông bố hay ai đó thì sao?
    Lũ hỏi khi vừa đi làm về, vắt chiếc áo lao động bên song cửa sổ vội cúi xuống ngó củ hoa thủy tiên trong chiếc bát thủy tinh. Lũ nhặt nó ngoài chợ đầu mối, chắc chủ hàng nào đó đánh rơi. Hoặc có thể nó xấu xí quá người ta vứt đi cũng nên. Lũ mang nó về, bấu víu vào thứ niềm vui của một mầm hoa. Ngày nào Vũ đi ngang qua Lũ cũng hỏi “nó sẽ nở hoa đúng tết phải không?”. Mà Vũ cũng không nhớ anh đã trả lời Lũ thế nào.
    - Thì chỉ có người mẹ mới đủ quan tâm pha cho con bình sữa ấm cuối cùng.
    - Nếu đủ yêu thương người ta đã không vứt bỏ con mình.
    Lũ nói câu ấy tỉnh bơ, lạnh ngắt không có chút thương cảm, xót xa nào như đám đông vây quanh đứa nhỏ. Ờ, cũng phải thôi. Lên sáu tuổi Lũ bám cột nhà nhìn mẹ đi theo người khác. Bóng mẹ lấp lóa trong cái nắng hanh hao rồi mất hút khỏi con dốc đứng, rời xa xóm nhỏ nghèo nàn vài năm lại hứng một cơn lũ quét. Chiếc cột nhà mà Lũ ôm ghì đến bầm mười ngón tay để cố gắng không chạy theo mẹ cũng mới được dựng lại sau mùa lũ. Nội ngồi đan nón thỉnh thoảng ngẩng lên đưa đôi mắt nhìn một vệt dài từ núi qua nhà. Đó là vệt của ký ức đau buồn. Là đường đi của cơn lũ đã cuốn phăng người con trai duy nhất của bà, cha của Lũ. Có lần thấy Lũ ngồi đăm đắm nhìn về phía con đường, nội nói: “Đừng giận mẹ. Con người ta có thể chịu khổ cực nhưng không chịu được sự cô đơn”. Lũ muốn gào lên câu gì đó nhưng nghẹn ứ trong cổ họng không thể cất lên lời. Mọi trách hận cứ giữ mãi trong lòng không cách nào trút ra cho nhẹ nhõm. Rồi nội mất, Lũ xuống phố mưu sinh bỏ lại căn nhà nhỏ ở quê.
    Sau nhiều năm bươn chải, Lũ dạt về chợ đầu mối thuê một ki ốt nhỏ bán buôn hoa quả. Tuy cực nhọc nhưng trời thương, việc buôn bán thuận lợi nên cũng kiếm lời. Căn nhà tuềnh toàng ở quê đã được Lũ dùng tiền tích cóp xây lại khang trang. Nhiều năm nay những dãy núi trọc lốc sau nhà đã dần được phủ xanh, bít chặn lại đường đi của lũ. Dân xóm núi chẳng ai ngờ được rằng một ngày nào đó trào lưu săn mây của giới trẻ đã làm thay đổi bao phận người lam lũ nơi đây. Ngày càng đông những tốp người dưới phố rủ nhau lên núi. Họ đi cả vài trăm cây số chỉ để ngắm mây, hít khí trời, ăn rau rừng, sống cuộc đời của cỏ cây hoang dại. Một xứ nghèo không có gì ngoài mây. Có những ngày mây dày đặc đến mức không thấy nổi mặt trời. Cái lạnh bị mây bao vây, cô lập nên người ta cố vẫy vùng cốt tìm được một khe hở nào đó để thở. Cái nghèo bám riết hằn thành từng khe nứt nẻ trên gót chân hay những kẽ móng tay. Giờ thì mây, thứ đặc sản xứ Lũ đã giúp cho người dân được đổi đời. Con đường dốc khúc khuỷu trước nhà Lũ đã được san phẳng, mở rộng, trải một lớp nhựa đường bóng nhoáng. Đất tăng giá vùn vụt. Thỉnh thoảng lại có người gọi cho Lũ hỏi có bán đất không? Họ săn lùng đất xây homestay, nhà hàng, khách sạn. Chính Lũ mỗi lần trở về nhà đều thấy ngỡ ngàng. Từng mét đất bà nội để lại Lũ đều không muốn bán, chỉ cho thuê theo hợp đồng dài hạn. Người xóm núi bảo: Ở nhà trồng rau bán có khi còn giàu hơn mưu sinh dưới phố Lũ ơi. Đất đai rộng mênh mông, Lũ ơi, mày cắt bán một thổ là tiền tiêu rủng rỉnh chẳng phải nghĩ ngợi gì. Cái nhà không ở thì cho khách du lịch thuê chứ đóng cửa vậy rồi nó cũng cũ đi đấy Lũ ơi… Hai tiếng “Lũ ơi” cũng như mây mù đặc quánh không cách nào tan ra được.
    minh họa: tuấn anh
    Một đứa bé ba tuổi đã có ký ức chưa? Vũ bất chợt thốt ra lời của ai đó trong đám đông đêm hôm trước. Tay vuốt màn hình điện thoại, chẳng buồn ngẩng lên, Lũ bảo “ký ức đau buồn sẽ như một vết thương không cách nào cầm máu”. Vũ cứ thắc mắc mãi sao Lũ lại có thể thốt ra câu ấy ráo hoảnh như người ra kể chuyện về một vết xước nhỏ nào đó trên da. Vũ không biết được rằng khi đã đau khổ quá người ta sẽ không còn khóc bằng nước mắt. Lũ đã ba mươi tuổi, đêm nào cũng chỉ một giấc mơ. Mơ thấy đứa nhỏ vạch mây ngóng mẹ mỗi chiều về. Khoảng sáng nào đó xa xôi đã lôi tuột mẹ đi không bao giờ trả về vùng mây mù mịt ấy. Hồi ấy, vài cơn mộng du nửa đêm bừng tỉnh Lũ sấp ngửa chạy trên con đường tăm tối. Như là chạy trốn khỏi mây để có thể tìm thấy mẹ. Nhưng tiếng gọi vang lên không có lời vọng lại. Hoặc là tiếng gọi ấy cũng bị mây bưng bít không thoát nổi ra ngoài.
    - Không biết đã tìm thấy người thân của thằng nhỏ hay chưa?
    - Họ đã muốn bỏ thì tìm để làm gì?
    Câu hỏi ấy rơi vào lòng Vũ khô khốc. Tiếng rơi của một viên sỏi không dễ chịu chút nào. Lũ vẫn cắm mặt vào màn hình điện thoại, tìm đọc tin tức về thằng nhỏ bị bỏ rơi. “Bình An” - tên thằng nhỏ đẹp quá, hẳn khi mới sinh ra nó là niềm hy vọng, sự bình yên của bậc sinh thành. Đâu như cái tên Lũ nghe đã thấy mất mát, tan hoang. Vũ nhìn lên màn trời trút một tiếng thở dài khe khẽ.
    - Hay là mình qua thăm thằng nhỏ?
    Lũ hỏi, Vũ gật đầu. Lũ đứng dậy chạy ra siêu thị gần nhà mua ít đồ. Một lúc sau Lũ trở về với túi to túi nhỏ đựng bánh, sữa và cả mấy bộ quần áo in hình con vật ngộ nghĩnh. Lúc đưa chiếc áo lên mũi hít hà mùi vải mới, Lũ chẹp miệng bảo: “Sắp tết rồi, đứa trẻ nào cũng thích được bố mẹ mua áo mới”.
    Đường phố những ngày cuối năm hối hả, Vũ tự hỏi cha mẹ đứa nhỏ giờ này đang ở đâu? Làm gì? Không biết lúc quay lưng bỏ lại con đứng một mình trong bóng tối họ đau đớn ra sao? Có sợ mưa sẽ ướt người con? Có nghĩ đến cảnh thằng bé hoảng sợ gào gọi bố mẹ mình trong vô vọng? Có bao giờ tự hỏi sau này cuộc đời con mình sẽ thế nào? Sẽ được người đời yêu thương hay tự sinh tự diệt? Có từng nghĩ về những ngày tháng về sau họ phải sống trong nỗi giày vò, ân hận cho đến tận cuối đời? Lũ cắt ngang dòng suy nghĩ của Vũ bằng mấy câu càm ràm. Sao mấy bữa nay anh gầy vậy, bộ đói ăn sao? Tóc tai thì bờm xờm, trông chẳng khác gì mấy kẻ chán đời. Ờ thì đang chán đời lắm đây. Mắc mớ gì mà chán? Cũng chỉ là tiền thôi mà, mất rồi thì làm lại. Sao em nói nghe đơn giản cứ như rơi mất vài ngàn bạc lẻ. Bạc lẻ hay bạc tỉ thì cũng vậy thôi, ngày xưa nội em thường bảo có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Tiêu một đồng mà vui vẫn hơn cầm bạc tỉ trong tay mà thấy nặng nề. Vũ phì cười, người đâu mà lạ lùng, nghĩ cái gì tỉnh bơ, nhẹ bẫng.
    Thằng nhỏ đang ngồi quay vào tường chơi pop it thấy tiếng chân người bước đến liền vội vàng quay lại. Đôi mắt nó còn chưa kịp ánh lên niềm hy vọng đã thấy mây mù. Mẹ. Mẹ. Mẹ ơi… thằng nhỏ bắt đầu nức nở. Lũ chợt thấy mình trong bóng dáng bé nhỏ tội nghiệp ấy. Khi tiếng gọi “mẹ ơi” chỉ có lời của người dưng đáp lại. Thằng nhỏ thờ ơ trước mấy bộ quần áo cùng món đồ chơi mới. Lũ biết thứ nó cần duy nhất chỉ là một vòng tay của mẹ. Rồi ngày mai, ngày kia, ngày sau nữa khi thằng nhỏ nhận ra mình đã bị bỏ rơi, những tiếng gọi “mẹ ơi” chỉ có thể cất lên trong câm lặng. Lúc ra khỏi cổng trụ sở công an, Lũ nghe thấy từ quán cà phê vọng ra tiếng nhạc xuân, lòng tái tê khó tả.
    - Hay là em xin thằng nhỏ về nuôi?
    Vũ phanh gấp xe, ngoảnh lại nhìn Lũ hỏi:
    - Đừng có đùa. Nuôi một đứa trẻ không phải chuyện dễ dàng.
    - Ừa. Nếu dễ dàng thì nó đâu có bị bỏ rơi.
    - Rồi em định nuôi nó thế nào?
    Lũ không trả lời, ngó đôi mắt hỗn độn lo toan qua phía bên kia đường. Ở đó có một cánh cửa nhà đang mở, hai đứa trẻ đang mải mê ngồi vây quanh xem bố sửa đồ chơi. Trong nhà họ, cành mận rừng đã nở hoa. Tự nhiên sao Lũ thấy nhớ nhà và nhớ mây quá đỗi.
    - Em sẽ mang thằng nhỏ về xóm núi. Sẽ mở một cửa hàng nho nhỏ phục vụ khách du lịch. Xóm núi khác xưa rồi lo gì không sống được…
    Vũ không hỏi gì thêm bởi còn bận đèo Lũ ra bến xe về quê làm những thủ tục cần thiết để nhận con nuôi. Lũ bảo phải làm nhanh bởi muốn tết này thằng nhỏ có một mái nhà để về. Lúc nhìn Lũ tất tưởi chen lấn trong bến tìm chuyến xe sớm nhất, Vũ tin rằng thằng nhỏ nhất định sẽ được nuôi nấng bằng tình yêu thương. Lũ sẽ cho nó những gì tốt nhất.
    Vũ được giao tiếp quản ki ốt chợ đầu mối trong mấy ngày Lũ về quê. Mở cuốn sổ ghi chép các khoản nợ, thu chi, giá cả Lũ để lại, Vũ nhớ ra nét chữ này quen quá. Hồi mới tới xóm trọ, thỉnh thoảng đi làm về hay thấy có túi gì đó treo trước cửa. Khi thì mấy mớ rau non mơn mởn, khi quả bưởi, khi chùm vải đầu mùa... Lần nào cũng kèm theo tờ giấy ghi mấy chữ “ăn hộ quà quê khỏi lo thuốc nhé”. Có lần Vũ ốm, nằm ho rạc cổ trong phòng, Lũ đi qua nhòm qua cửa sổ hỏi đã ăn uống thuốc thang gì chưa? Sau cái lắc đầu của Vũ, một lúc sau Lũ mang về một cặp lồng cháo, túi thuốc và mấy thứ lá linh tinh. Sợ Vũ quên, Lũ ghi mấy dòng dặn dò “Nhớ đun lá xông cho nhanh khỏi. Gừng giã nhỏ ngâm chân. Cháo ăn nóng. Thuốc uống đủ liều”. Chưa kịp nói lời cảm ơn Lũ đã rời đi…
    Khách đến mua hàng ngạc nhiên hỏi Lũ đi đâu? Hỏi Vũ có phải là người yêu của Lũ hay không? Trời ơi trông đẹp đôi quá chừng, ngắm kỹ thì cũng có nét phu thê đấy chứ. Đang bán hàng thỉnh thoảng điện thoại lại kêu reng reng. Lũ gọi để khoe việc hồ sơ, giấy tờ ở quê đều thuận lợi, Lũ sẽ quay trở lại thành phố sớm để hoàn tất thủ tục nhận thằng nhỏ làm con. Nói đến đó thì giọng Lũ nghẹn lại, hay là ở núi cao sóng điện thoại chập chờn lẫn đâu đó trong những dải mây dày đặc vắt ngang qua núi…
    
- o O o -

    Lũ dắt thằng nhỏ rời thành phố. Bác tài cố ý mở một phần cửa kính cho mùa xuân bên ngoài ùa vào tràn ngập khoang xe. Mùi của phố lùi xa, hương của núi rừng chờ đón. Thằng nhỏ ngồi ngoan ngoãn, êm mềm như cục bông trong lòng Lũ. Mắt nó hướng ra ngoài cửa xe nhìn những ngôi nhà lấp ló sau sau tán mận rừng, đào rừng đã bắt đầu bung nở. Vài em bé dân tộc má đỏ ửng địu em chạy chơi dưới cổng nhà. Đâu đó một gùi hoa cải vàng thắp nắng trên dốc núi. Những mùa tết trước đây mỗi lần về quê Lũ đều thấy tủi. Nhưng năm nay thì khác, có điều gì ấm nóng, mới mẻ nảy nở trong lòng Lũ khó tả vô cùng. Lúc muốn tan ra, lúc lại muốn quện vào nhau dày đặc như mây.
    Nhà hiện ra trước mắt, thằng nhỏ lạ lẫm đứng ngập ngừng trước cửa. Lũ đặt chiếc ba lô xuống bậc hè, mở cửa cho nắng xuân tràn vào ấm rực. Nắm bàn tay bé nhỏ của thằng bé, Lũ ngẩng lên nhìn nắng lấp lánh trên di ảnh nội cười. “Từ giờ đây là nhà của con”, lời vừa nói xong đã thấy lòng ngập tràn hạnh phúc. Bếp vừa chụm lửa đun nước thì hàng xóm cũng đã ghé đông đủ trước nhà. Người hỏi Lũ sinh em bé lúc nào mà giờ con đã lớn thế này? Người hỏi thế bố đứa nhỏ đâu sao không đưa về cùng? Người ngờ ngợ nhận ra “thằng nhỏ này quen lắm, hình như đã nhìn thấy đâu đó trên Facebook”. Lúc quay sang định hỏi điều gì đó chỉ thấy ánh mắt Lũ nhìn thằng nhỏ ấm áp biết chừng nào. Khi thằng nhỏ bị tụi trẻ con trong xóm lôi tuột đi chơi thì những người phụ nữ trong xóm núi mới rảnh rang bàn chuyện gói bánh chưng, mổ lợn đụng. Chuyện dọn dẹp, chuẩn bị thực phẩm đón tiếp khách du lịch vào dịp tết. Như chợt nhớ ra, họ hỏi Lũ đã tính làm gì chưa? Lũ cười bảo cứ từ từ đón tết đã đi đâu mà vội.
    Hai tám tết, lúc Lũ đang lúi húi đổ thêm nước cho nồi bánh chưng thì nghe có tiếng bước chân người. Ngoảnh lại Lũ đứng hình khi thấy một bóng dáng thân quen. Vũ đứng dưới gốc cây mơ rừng đang nở hoa trắng xóa. Cảnh tượng ấy đẹp đến mức Lũ không còn dám tin vào mắt mình. Thằng nhỏ nãy giờ ngồi ôm con mèo bông sưởi ấm bên bếp lửa bỗng reo lên: “A! Chú Vũ”. Hai chú cháu ào vào vòng tay nhau, còn Lũ kịp tan ra trong nụ cười trẻ thơ khúc khích. Một vị khách du lịch nào đó vừa dừng lại giơ máy ảnh bắt được đúng khoảnh khắc những thác mây đổ xuống trùm kín nóc nhà. Nhưng rồi vị khách đó nhận ra, chủ điểm của bức ảnh lại không phải là mây. Nếu vén mây ta sẽ thấy một mái ấm hiện ra bên bếp lửa bập bùng. Nếu zoom lại hơn nữa sẽ thấy thằng nhỏ đang khều trong đống than củ khoai nướng thơm lừng. Người đàn ông hình như đang căng lại chiếc dây phơi trước nhà. Người đàn bà vung chiếc chăn hoa vắt lên dây chờ mây tan nắng tới. Khách du lịch đi qua cổng nhà người đứng lại ngẩn ngơ. Không biết vì tiếc nuối để tuột mất tiếng cười nói líu lo không cách nào níu lại trong bức ảnh. Hay là vì ngó cảnh sum vầy của người dưng mà chợt thấy nhớ bếp, nhớ nhà…

Kết Thúc (END)
Vũ Thị Huyền Trang
» Lá Bay
» Lá Bay
» Chuyến Xe Số 18
» Hái Trăng Trên Đỉnh Núi
» Trăm Năm Cuộc Hẹn
» Tìm Lại Bình Yên
» Mặt Trời Vừa Rụng
» Cá Nhỏ Lội Ngược Dòng
» Phương
» Đi Qua Đống Đổ Nát
» Chồng Cũ
» Đi Bộ Trong Cô Đơn
» Trái Tim Người Mẹ
» Chuỗi Ngọc
» Đám Cưới Của Bố
» Lối Thoát
» Sau Cơn Mưa
» Suốt Đời Bên Mẹ
» Một Đêm Khó Ngủ
» Bẫy Của Đám Đông
» Nước Chảy Hoa Trôi
» Đám Cưới Mùa Xuân
» Ba Ngày Ở Viện
» Chuông Xoay
» Đợi Mẹ