Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mưa Qua Những Cánh Rừng Tác Giả: Trần Thị Tú Ngọc    
    Cơn mưa đột ngột trút xuống ngang chiều khiến đất trời dường như tối sầm lại, gió vít cành xuyên mộc cọ vào mái tôn thành những thanh âm rền rĩ. Huyên bồn chồn nhìn ra phía xa qua ô cửa sổ. Bên cạnh cô là màn hình máy tính nhấp nháy sáng mấy hàng chữ mầu đen buồn tẻ, vài cuốn sách úa mầu lật giở nhiều lần đến nỗi quăn mép góc, lọ bông trang chỉ có một đóa hoa duy nhất nở đỏ lập lòe. Ngoài kia là tháng sáu mưa. Mưa như thác đổ. Tất cả mọi ngả đường rừng giờ này hẳn đã ngập chìm trong nước.
    Những người lính tuần tra khoác áo đi trong mưa.
    Đây là lần đầu tiên Huyên đến đồn Biên phòng Sang Khương. Mất gần hai tiếng đồng hồ để di chuyển từ thành phố đến bến thuyền đầu tiên, ngồi ca-nô chừng ba mươi cây số ngược lòng hồ thủy lợi, thêm một quãng đường rừng đồi dốc quanh co trên chiếc xe ô-tô đời cũ xóc nảy đến nỗi ê ẩm hết cả người thì Huyên mới đặt chân tới cổng đồn.
    Cậu chiến sĩ trẻ măng vừa giúp Huyên dỡ ba-lô xuống khỏi xe vừa xuýt xoa bảo chắc tại em chạy nhanh quá làm chị mệt. Huyên mỉm cười khẽ lắc đầu. 5 năm làm phóng viên bên mảng thời sự xã hội của tờ Thời báo, cô đã quen với việc lặn lội đến những xóm làng heo hút nhất trên đỉnh Giăng Màn.
    Lần này Huyên dự định ở lại Sang Khương chừng vài ngày để tìm kiếm tư liệu hoàn thiện bài phóng sự nhân dịp cả nước kỷ niệm một ngày lễ lớn. Lúc phân công công tác, trưởng ban biên tập nói rằng chị tin tưởng cô sẽ làm cho số báo đặc biệt này thật sự ấn tượng. Đồng chí đồn trưởng đồn Sang Khương nghe Huyên bày tỏ nguyện vọng xong cũng chỉ đạo anh em giúp đỡ cô hết sức nhiệt tình. Thế nhưng đã sang ngày thứ ba, đối diện với Huyên vẫn chỉ là trang bản thảo viết rồi lại xóa. Những con chữ trôi lạc ở một nơi xa xôi nào đó mãi chẳng trở về.
    Huyên cố giữ tâm trí mình bình lặng lại sau khi bị xáo động dữ dội bởi cuộc hội ngộ bất ngờ với Bằng. Biết bao nhiêu năm dằng dặc cách biệt, không ngờ có ngày Huyên gặp lại anh ở nơi tận cùng hoang vắng này, trong một đồn Biên phòng nằm lọt thỏm giữa cánh rừng mênh mông xanh thẳm, giữa những người lính mang trên mình bộ quân phục nhuốm màu sương gió và cơn mưa tháng sáu dữ dội đến vô cùng.
    *
    Bà nội từng kể rằng tiết Tiểu Mãn xứ này bao giờ cũng ào ạt những cơn mưa. Ngôi làng nhỏ nằm chênh vênh bên sườn núi đang khô rang trong gió Lào đột nhiên chảy nhão ra bởi nước, đất đai cựa mình thỏa thuê cơn khát, sông suối cạn dòng bỗng tràn bờ. Thế nhưng thiên nhiên bao dung cũng có khi ẩn chứa nhiều bất trắc khó lường, đến bây giờ người làng vẫn còn kể cho nhau nghe câu chuyện buồn về đoàn người đi vào rừng lấy mật ong mùa hè năm ấy. Họ bị cơn lũ đột ngột đổ từ thượng nguồn về cuốn trôi khi vội vã lội ngang con suối nhỏ thường ngày nước chỉ ngang bắp chân.
    - Ăn của rừng rưng rưng nước mắt.
    Một người đàn ông ngậm ngùi nói thế khi kéo manh chiếu che gương mặt người tử nạn duy nhất được tìm thấy đã trương phình biến dạng vì ngâm lâu trong nước, tóc tai xanh nhợt rong rêu. Tiếng khóc ai oán dậy lên. Dân làng đắp thêm bốn ngôi mộ gió.
    Năm đó Huyên chừng mười hai tuổi, thời gian trôi qua ký ức về xóm làng mờ nhòe như sương khói, chỉ còn lại hình ảnh đôi mắt Bằng dưới tấm khăn xô mầu trắng với ánh nhìn câm lặng thảng thốt đến thắt lòng.
    Bằng mất cả cha mẹ trong trận lụt Tiểu Mãn bất thường ấy, gia đình họ dắt díu nhau từ dưới xuôi lên đây sống bằng nghề sơn tràng, cũng chẳng ai rõ anh em thân thích ở đâu. Bà nội Huyên thương cảnh mồ côi nhận cậu bé về nuôi. Hai đứa trẻ trạc tuổi nhau nhanh chóng trở nên thân thiết, dấu chân nhỏ in khắp ruộng đồng bờ bãi hết mùa nắng tới mùa mưa.
    Một lần giáp Tết bà nội không may ốm nặng nên mẹ Huyên đi làm công nhân trong miền nam có ghé về. Mẹ kẻ mắt mầu xanh, sơn móng tay cũng mầu xanh, ôm Huyên thật chặt vào lòng mà sao Huyên nghe xa lạ. Người mẹ tỏa ra mùi nước hoa thơm hắc, không giống mùi cốt trầu ấm áp của bà. Tới lúc nhìn thấy Bằng lùa đàn bò từ ngoài vào chuồng, mẹ ngạc nhiên hỏi:
    - Con cái nhà ai thế?
    Bằng khép nép đứng sau cây cột, lí nhí chào mẹ Huyên. Sau khi hiểu ra câu chuyện, mẹ quay sang bà trách móc:
    - Vậy hóa ra bao lâu nay tôi nai lưng đi làm thuê làm mướn xứ người để bà ở nhà mang hàng xứ về nuôi. Hèn gì đường sữa bánh trái gửi về đầy ắp đi mà con bé Huyên cứ gầy nhẳng gầy nheo như thế.
    Bà nội đưa chéo khăn chấm nước mắt:
    - Con đừng nói thế phải tội. Bố cái Huyên không may mất sớm, con bỏ đi khi nó còn đỏ hỏn, mình mẹ lụi cụi nuôi nó đến hôm nay. Từ trước tới giờ con có vài lần nhờ người ta mang đôi đồng quà tấm bánh về thì mẹ cũng dành cho cháu nó hết chứ tịnh không bớt một tí tị nào đâu. Thằng bé phận mồ côi mồ cút đừng làm nó tủi.
    Huyên nhớ những ngày cuối năm đó trôi qua thật nặng nề. Bầu trời xám xịt nặng trĩu tựa tấm màn lâu ngày chưa giặt giũ. Gió rét sắc như cật nứa luồn qua phên liếp rít từng cơn. Bà ốm nằm li bì trong buồng. Mẹ nấu cháo trắng bảo Huyên bưng vào cho bà ăn, nuốt được mấy thìa thì bà lắc đầu ra hiệu bảo Huyên thôi, hai mắt kèm nhèm lặng lẽ nhìn Huyên mà ầng ậng nước mắt.
    Mẹ không cho Bằng ở chung trong nhà mà đuổi ra sau chái chuồng bò, mỗi bữa chia lưng bát cơm hấp. Nửa đêm Huyên lén dậy lấy củ khoai nướng vùi trong tro bếp từ chiều mang ra cho anh, thấy Bằng vẫn còn đang thức.
    - Bà có đỡ hơn không - Bằng thì thào hỏi.
    Huyên khe khẽ lắc đầu. Hai anh em ôm nhau thút thít khóc.
    Bà nội gắng gượng được ít hôm rồi ra đi vào một chiều mưa, mẹ liền thu xếp bán nhà bán vườn để đưa Huyên lên phố. Huyên năn nỉ mãi nhưng mẹ không cho Bằng cùng đi theo. Ngày chiếc xe tải lăn bánh rời đi, Bằng chân trần chạy theo gọi Huyên mãi giữa trời đông mưa phùn gió bấc. Huyên òa lên khóc.
    *
    - Nghe nói dưới lòng hồ thủy lợi này là một ngôi làng cũ phải không em?
    Huyên hỏi người chiến sĩ dẫn đường khi chiếc ca-nô rẽ sóng xuôi ngược Ngàn Trươi. Sau những ngày mưa tầm tã, cơn nắng mùa hè đột ngột bừng lên đổ từng lớp vàng óng ánh xuống mênh mang sóng nước. Người lính biên phòng trẻ tuổi bỗng trở nên trầm ngâm. Anh chỉ cho Huyên xem những ngọn cây trơ trụi nhô lên như bộ xương khô khổng lồ bên mép hồ, bảo rằng bên dưới này có cả một cánh đồng trồng cấy, những di tích đền chùa, hàng nghìn nếp nhà đã từng quần tụ.
    Vào những đêm trăng sáng anh em tuần tra ngang qua đây, thỉnh thoảng trong tĩnh lặng của rừng lại nghe thấy như có tiếng người lao xao cười nói. Anh Thắng đồn trưởng bảo đó là vọng âm từ những sinh hoạt hội hè thuở trước, núi non sông nước giữ lại để rồi một lúc nào đó âm thanh ấy cộng hưởng với nhau cứ thế dội về.
    Ngôi làng cũ của Huyên cũng đã chìm vào lớp bụi mờ nào đó giữa dòng chảy bất tận của thời gian. Mười mấy tuổi theo mẹ rời đi như ngọn cây non bất ngờ bị cắt rễ đứt lìa khỏi quê hương, Huyên không có cách nào tìm đường trở về chốn cũ. Âm thanh duy nhất Huyên còn nhớ được là tiếng Bằng gọi tên cô trong buổi chiều mùa đông tái tê năm ấy, để rồi có lúc giữa dòng người chen chúc chốn phố phường, cô chợt giật mình khi dường như thoảng nghe giọng ai đó rất quen.
    - Chị và anh Bằng xa nhau lâu chưa ạ - Người chiến sĩ bất chợt hỏi.
    Huyên bất chợt thấy giọng mình nghèn nghẹn:
    - Lâu đến nỗi nhiều khi chị tưởng chừng như ở kiếp nào vậy em ạ. Dạo đó bọn chị sống ở một ngôi làng rất đỗi xa xôi, chị và anh ấy chẳng bao giờ có thể cùng nhau trở về đó được nữa.
    - Em nghe nói tuổi thơ anh Bằng buồn thật là buồn. Anh ấy mồ côi từ bé, hình như được nhận nuôi nhưng rồi lại bị bỏ rơi. Một lần có đơn vị bộ đội về khám chữa bệnh cho bà con thấy hoàn cảnh đáng thương nên cưu mang. Sau này anh ấy có kể là mình còn một người em gái nhưng giờ không biết lưu lạc nơi nào xa lắm.
    Huyên quay mặt đi để giấu một giọt nước mắt vừa ứa ra. Hoàng hôn đỏ ối buông xuống bên trời, đôi cánh chim lẻ loi trôi lạc về nơi xa thẳm. Đồn biên phòng Sang Khương chỉ cách thị trấn mấy chục cây số theo đường chim bay nhưng đi lại khó khăn nên anh em chiến sĩ có khi nửa năm mới được ra ngoài một lần. Toàn bộ dân cư mấy xã lân cận đã được dời về vùng tái định cư, chỉ còn lại những người lính bám trụ giữ vùng biên ải. Người chiến sĩ trẻ kể cho Huyên biết rằng suốt mấy năm quân ngũ chưa từng thấy anh Bằng xin nghỉ phép.
    Anh ấy bảo quê cũ giờ chẳng còn mà người cũ cũng không tìm thấy nữa, chỉ có đơn vị là nhà, đồng đội và nhân dân trở thành người thân. Mấy ngày lưu lại ở đây, Huyên nhặt nhạnh từng mảnh ký ức còn lại về Bằng trong những câu chuyện đầy thương mến của anh em chiến sĩ, tự nhiên thấy như mình đã được đi cùng anh dọc theo một chặng đời.
    *
    Ngay khoảnh khắc đầu tiên bước vào phòng truyền thống của đồn biên phòng Sang Khương, Huyên đã nhận ra Bằng ngay lập tức. Dường như có một luồng điện vụt qua trí não của cô chiếu sáng những mảnh ký ức vụn vỡ tưởng chừng đã chìm vào quên lãng. Từ trong bức ảnh được lồng khung trang trọng treo chính giữa căn phòng, một người lính mang quân hàm xanh với đôi mắt sáng và cái nhìn điềm tĩnh đang hướng về phía cô.
    Trong đôi mắt đó những mất mát buồn thương đã lắng vào sâu thẳm, chỉ còn lại ánh sáng ấm áp yêu thương và khắc khoải đợi chờ. Bên dưới bức ảnh là dòng chữ ghi họ tên anh, thiếu úy Lê Hữu Bằng, nơi sinh, quê quán, cùng một dấu gạch nối giữa hai mốc thời gian ngắn ngủi.
    - Dịp đó cũng chừng đầu tháng sáu như thế này, sau mấy tuần liên tiếp cồn cột gió Lào đỉnh điểm nắng nóng thì trời đột ngột đổ mưa, dân gian vẫn thường gọi là mưa Tiểu Mãn - Giọng đồng chí đồn trưởng trầm trầm kể lại - Cả ngày hôm đó giông gió sấm chớp dữ dội, chúng tôi vẫn thực hiện công tác tuần tra biên giới như mọi khi.
    Thế rồi vào lúc chập tối, có một nhóm ba người dân hoảng hốt chạy tới báo tin họ đi rừng lấy mật ong không may gặp nạn chỗ suối Hóp, nơi có một khúc quanh cực kỳ nguy hiểm nước thường dâng rất đột ngột. Năm đó công trình thủy lợi Ngàn Trươi chưa làm, lũ lụt ở vùng này vô cùng bất ngờ và ác liệt.
    Đồn biên phòng lập tức cử người lên đường ngay, đồng thời qua bộ đàm liên lạc với tiểu đội do đồng chí Bằng đang ở gần đó nhất. Trời sập tối rất nhanh mà mưa càng lúc càng to, đường mòn sụt lở khó đi kinh khủng. Lúc cắt rừng đến nơi thì nước đã dâng cao quá chỗ ngầm tràn, dưới ánh đèn pin lấp loáng, chúng tôi nhìn thấy hai người dân mắc kẹt lại trên một tảng đá nhỏ giữa dòng chảy xiết đang kêu cứu đến kiệt sức.
    Anh em hội ý rất nhanh rồi thống nhất phương án dùng dây chăng qua các gốc cây, sau đó cử hai đồng chí buộc dây vào mình trực tiếp bơi ra. Đồng chí Bằng cùng với một chiến sĩ nữa xung phong thực hiện nhiệm vụ. Sau mấy tiếng đồng hồ vật lộn giữa dòng nước hung dữ tối tăm cuồn cuộn, anh em cũng đưa được người bị nạn vào bờ an toàn. Thế nhưng vào phút cuối cùng, không ai ngờ được một sự cố đau lòng lại xảy ra.
    Đồng chí đồn trưởng đột ngột nghẹn đi. Mấy chiến sĩ đứng phía sau khẽ lau nước mắt. Huyên vội vã bước ra ngoài. Cô chạy đến một góc sân thật xa rồi òa lên khóc. Mãi đến khi tâm trí qua cơn chấn động, cô mới nhận ra có một người lính đã đến bên cạnh mình từ lúc nào. Anh lặng lẽ đưa cho cô chiếc khăn mùi soa nhỏ. Huyên đứng đó rất lâu trong lặng yên buổi hoàng hôn tháng sáu, mầu áo xanh của những người lính biên phòng chầm chậm lẫn vào đêm. Bên cạnh cô gốc cây xuyên mộc cổ thụ cựa mình run rẩy, một bông hoa trái mùa đỏ chói bung nở muộn màng.
    *
    Ngôi mộ của thiếu úy Lê Hữu Bằng nằm khiêm tốn ở góc đồi, đó cũng là một ngôi mộ gió.
    Suốt đêm mưa lũ bão bùng ấy và ròng rã mấy tháng sau, anh em chiến sĩ đào xới từng khoảnh rừng để tìm kiếm Bằng nhưng không hề thấy một dấu vết nào sót lại. Dường như anh đã lặng lẽ hòa vào trong đất, giữa mầu xanh miên viễn của rừng. Đám tang anh được đơn vị cử hành sau đó có rất đông bà con từ những xóm làng xa xôi dọc vùng biên ải lặn lội đến dự. Tất cả họ đều chít khăn trắng. Trên mộ anh phủ đầy hoa trắng. Ngày Huyên ra thăm anh, giữa tháng sáu nắng đổ rực trời cô nhìn thấy những bông hoa muối li ti mầu trắng nở đầy trên mộ.
    Về sau này người ta vẫn kể rằng chưa bao giờ thấy trận lũ trái mùa bất thường đến thế ở Ngàn Trươi. Đó cũng là trận lũ cuối cùng trước khi đập chính chặn dòng, công trình thủy lợi khánh thành đã làm thay đổi hoàn toàn một vùng biên giới.
    Huyên đặt dấu chấm kết thúc cho bài phóng sự gửi về tòa soạn báo vào một buổi chiều tĩnh lặng. Bên cạnh cô là màn hình máy tính nhấp nháy sáng từng con chữ, cuốn sổ tay chép bằng mực xanh của Bằng với rất nhiều trang nhắc đến tên Huyên như người em gái yêu thương xa cách từ thuở thiếu thời. Ngoài xa kia là cánh rừng tháng sáu lất phất mưa, ai đó vừa băng qua lối mòn để hái về đặt trước cửa phòng cô một bó bông trang đỏ rực lên như lửa.
    Bình minh chiếu ánh nắng rực rỡ xuống mặt hồ khi những người lính biên phòng tiễn Huyên ra tận bến đò. Chiếc ca-nô tung bọt trắng xóa giữa dòng Ngàn Trươi. Phía sau cô là bóng áo xanh dưới tán rừng lặng lẽ.

Kết Thúc (END)
Trần Thị Tú Ngọc
» Qua Ngày Gió Nổi
» Người Chơi Đàn Trong Bóng Tối
» Mưa Qua Vòm Xuyên Mộc
» Hoa Hồng Trong Sương
» Hẹn Gặp Anh Ngày Mai
» Ký Ức Làng Thiên Điểu
» Tiệm Trà Bên Gốc Hoa Xuyên Mộc
» Hoàng Hôn Màu Trắng
» Mưa Qua Những Cánh Rừng
» Chiếc Lược Sừng Trâu
» Đường Tới Lũng Mây
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )